Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Xuân, Hạ, Thu, Đông và… Xuân

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Xuân, Hạ, Thu, Đông và… Xuân

    Xuân, Hạ, Thu, Đông và… Xuân










    Hồ mang tên là Jusanji nằm trong hạt Cheongsong, phía bắc thành phố Gyeongsang, Nam Hàn. Hồ có từ lâu lắm, bao phủ bởi các ngọn núi cao vây quanh soi bóng xuống mặt hồ trong vắt. Những rừng cây liễu và cây phong như tấm áo khoác thay màu suốt bốn mùa. Khi xanh nõn tơ nhung hoa tràn nắng xuân, khi ngút ngàn lá vàng đỏ mùa thu trong rừng vắng và khi trơ buốt cành xương mùa đông khẳng khiu cành lá, mặt hồ đóng băng. Ðể rồi lại long lanh sương khói, sóng nước mơ màng tuyết tan khi xuân lại về...




    Trên mặt hồ có một ngôi chùa nhỏ cũ kỹ nổi lên. Ngôi chùa như búp sen duy nhất vươn lên trên mặt hồ tĩnh mịch. Nơi duy nhất có bóng dáng con người lẻ loi giữa bạt ngàn rừng núi. Thị thành đô hội xa lắm. Thú vui trần gian cũng chừng như biệt tăm. Ánh sáng soi hằng đêm chỉ là ngọn đèn cầy. Âm thanh miên man suốt mùa chỉ là tiếng gió hú qua rừng cây, tiếng lá khe khẽ rụng mặt hồ, tiếng phong linh lanh canh khi trở gió, tiếng suối róc rách khi tuyết tan và mê mải tiếng kinh cầu vang vọng chốn thâm u cùng tiếng mõ lốc cốc đơn điệu đến lắng lòng. Chỉ có một chiếc cổng chùa bằng gỗ che mái vòm cũng nổi lên trên mặt nước ở bìa rừng, không có tường thành bao quanh. Ðường vào chùa duy nhất là con thuyền nhỏ. Và cũng chỉ có hai người trong ngôi chùa đó: một vị sư già một chú tiểu nhỏ.







    NGUỒN FINECUT.CO.KR






    Câu chuyện của một nhà sư già đầy chứng ngộ, cố gắng truyền dạy những bài học về con người trong thiên nhiên và cuộc đời tục lụy với chú tiểu. Những bài học trải dài và nối kết bốn mùa trong năm, như bốn mùa trong đời người. Mỗi mùa chừng như 15 năm hơn. Cũng như sinh - lão - bệnh - tử, cũng như sinh - trụ - hoại - diệt. Và câu chuyện cũng bắt đầu từ cội nguồn tuổi thơ, từ ngọn ngành của tội lỗi...



    Mùa xuân.
    Giai đoạn ấu thời của tuổi thơ hồn nhiên phóng dật, tuổi thơ như trang giấy trắng vô tâm, vô ưu mà cũng vô tình. Cái vô tình đó không có lý trí để phân biệt đúng sai, phải trái, cái nào không nên làm. Do đó chú tiểu nhỏ đã vui với trò chơi tuổi thơ bằng cách hành hạ những con thú nhỏ. Buộc hòn đá vào con cá, vào con ếch và vào con rắn, rồi vui thú nhìn chúng quằn quại trườn đi với sức nặng của hòn đá sau lưng. Sáng hôm sau chú tiểu thức dậy thấy mình bị sư phụ buộc một hòn đá vào lưng, đầy nặng nhọc và vất vả, chú tiểu chỉ nhẹ nhõm thoát khỏi hòn đá nặng nếu giải cứu các con vật mà chú đã hành hạ ngày hôm qua. Nếu chúng chết thì chú tiểu phải mang hòn đá theo mãi trong tim đến suốt cuộc đời. Mang hòn đá “nhân quả” chú tiểu nhỏ trở lại khu rừng để thấy con cá chết trong suối cạn, con ếch què quặt thương tật sau khi được tháo hòn cuội và con rắn nằm chết trong vũng máu vì không thể chạy trốn các con thú khác săn mồi. Chú bé đã khóc. Khóc thật nhiều cho lần đầu tiên lầm lỗi, tiếng khóc của tuổi thơ vô tư đầu đời trước nghiệp chướng hay mệnh số nhân duyên.



    Mùa hè.
    Chú bé giờ đã thành thiếu niên dậy thì. Trong chùa nhỏ đã có thêm chú gà trống. Trong Phật Giáo Hàn Quốc thì con gà trống là biểu tượng cho thèm muốn và dục vọng. Ngôi chùa nhỏ có thêm một cô gái trẻ đẹp yếu đuối bệnh tình, đến trọ nhờ tiếng kinh kệ và phong cảnh núi rừng yên ắng chữa lành bệnh. Nào ai biết rõ cô gái bị bệnh gì. Trầm uất hay thất tình? Tương tư hay sầu muộn? Chỉ biết sốt nhẹ và ưu uất trầm buồn trên tấm thân gầy xanh xao. Người sư già bảo rằng “When she finds peace in her soul, her body will return to health.” Khi tâm tịnh thì thân an. Cô gái sẽ lành bệnh.




    Thế rồi chuyện gì đến phải đến. Cô gái là ngọn lửa, chàng trai trẻ dù sớm hôm kinh cầu cũng chỉ là bó rơm khô đượm nặng mùi trần. Trong ngôi chùa nhỏ nổi bồng bềnh trên mặt hồ trong vắt đó, dù luôn lồng lộng lời kinh mà đã bắt đầu váng vất bóng hình của nhục thể ái tình. Trong những đêm dài tĩnh mịch giữa rừng khuya, hai mái đầu xanh tuổi còn nồng nàn đã thấm đượm hương tình. Nàng là con vật lạ xinh đẹp và quyến rũ mà chàng trai tâm tu chưa bao giờ thấy trong đời. Như con thiêu thân bỏ quên lời thiền, chàng cuốn hút lao vào tấm thân nóng rực ánh dục vọng. Chạm lén hờ vào làn da ấy một lần khi đắp chăn cho nàng ngủ rồi chàng nặng hối lỗi ăn năn, chàng tụng kinh gõ mõ cho xua tan đi vọng động, nào ngờ cô gái mở lòng hân hoan.




    Có hai khung cửa có cánh dựng lên trong ngôi chùa nhỏ, chia ngôi chùa nhỏ làm 3 gian. Gian giữa thờ Phật và kinh kệ, gian bên trái dành cho khách là cô gái và gian bên phải là chỗ ngủ của sư già và chàng trai trẻ. Gọi là 3 gian nhưng căn phòng không chia cách bằng tường che mà chỉ bằng hai khung cửa. Nằm ở bên này thấy cả bên kia. Cửa không tường vách, vậy mà không được đi vòng. Ði ra đi vào đều phải đi chui qua cửa, rồi khép lại nhẹ nhàng. Chiếc cửa ấy chính là Vô Môn Quan. Có mà như không, như không mà lại có. Gọi là cửa cũng đúng. Mà không là cửa cũng không sai. Ấy chính là điểm sâu lắng và khó nhất cho thử thách và trực diện với lòng thiền.


    Chàng sư trẻ đã bước qua cánh cửa ấy để đi vào cuộc đời tục lụy dục tình trai gái, dù trên đầu đã rũ bỏ mái tóc trần. Mầm mống hoan lạc đã gieo trong đời tu trái cấm khát khao khôn cưỡng. Nàng hồng hào trở lại như nắng hạ. Và cuộc vui xác thân vụng trộm cũng chấm dứt khi nàng trở về thành phố. Tiếng cầu kinh chuông mõ không làm sao lắng dịu tiếng thở hổn hển của khoái lạc ái tình. Niềm thành kính dâng hiến cho đường tu an bình làm sao quyến rũ bằng thịt da ngất ngây của người nữ. Chàng không thể nào tiếp tục tu hành được, lén bỏ chùa đi trong đêm mang theo bức tượng Phật và con gà. Mang theo tượng Phật là còn mang nặng lời thầy dạy, mang theo con gà là mang theo dục vọng cháy bỏng ngày đêm. “Lust leads to desire for possession, and possession leads to murder”. Ham muốn dẫn đến khát khao sở hữu và khát khao sở hữu dẫn đến tội giết người. Sư phụ đã bảo chàng như thế, nhưng chàng vẫn u mê miệt mài năm tháng đi biền biệt tìm nàng. Ði tìm tình ái. Ði như thế cho tàn bao mùa hạ, những mùa hạ nồng nàn cháy bỏng khát khao tuổi trẻ.




    Mùa thu. Bao nhiêu lần lá rụng phủ kín mặt hồ. Người sư già nay càng già nua. Một lần khi về phố mua đồ dự trữ, ông mang theo mình về chùa một con mèo. (Theo người Hàn tin tưởng, con mèo có thể xua đuổi những linh hồn quỷ dữ.) Và tình cờ đọc được trên trang báo giấy hình ảnh và tin tức truy tầm thủ phạm giết vợ vì vợ ngoại tình của một chàng trai. Người đó chính là đệ tử duy nhất của ông, đứa con tinh thần đầy ưu ái. Như ông dự cảm, chàng trai đó trở về lòng đầy giận dữ và thù oán, trong tay còn cầm con dao vấy máu. Thoạt đầu chàng trai trẻ oán hận, rằng tội của chàng chỉ là yêu, chàng yêu da diết. Yêu làm sao nên tội lỗi. Tình yêu chàng dành cho nàng sao nàng lại đành đoạn đem cho người khác. Nàng chỉ duy nhất là của chàng, không ai khác có thể chiếm hữu. Vì thế chàng phạm tội. Rồi chàng sân hận cuộc đời. Lành thay trong lòng trái tim và tâm hồn tan nát vì tình ấy còn sót lại chút nghiệp lành, còn chút thiện tâm, chàng mang trở về bức tượng Phật tróc sơn cũ kỹ ngày nao. Cả một tuổi thơ ngập trong câu kinh lời kệ từ khi tóc còn để chỏm, nên chút hạt giống từ tâm còn nảy mầm trong trái tim hoang đàng.


    Những chi tiết của giai đoạn mùa thu này thật là khủng khiếp và khốc liệt. Chàng cố giết mình bằng cách dán mắt, bịt mũi, bịt miệng bằng tờ giấy dán chữ “bế ”. Bế là ​đóng, bịt kín, cách ly tất cả ngoại cảm, giác quan với thế giới bên ngoài xác thân.​ Bịt kín mắt để​ không thấy cái đẹp hư ảo. Bịt kín miệng để không còn nói lời ngọt mật tình yêu​. ​Bịt kín mũi để quên l​ã​ng mùi hương tình nồng nàn. ​Và như thế là chết​.




    ​​Thôi thế từ nay bóng với hình


    Tạ từ đi nhé mùi hương trinh


    Ðành đoạn xa vắng lời yêu dấu


    Vĩnh biệt trần ai nợ với tình.





    Thế nhưng cái chết không thể dễ dàng như vậy. ​Ác nghiệp không thể trả bằng cái chết đơn giản phủi sạch nợ trần. ​Chàng bị sư phụ đánh đập để thức tỉnh bằng cơn đau thể xác, cuối cùng chàng trai ăn năn và cạo đầu hối lỗi, dùng con dao ác nghiệp đó khắc miệt mài vào sàn gỗ của chùa câu tâm kinh Bát-nhã. Hai người cảnh sát đến chùa một ngày. Sau khi chiều lòng người sư già để cho chàng trai trẻ hoàn thành việc khắc chữ bản kinh và còn phụ giúp tô màu lên nét khắc trên gỗ. Tâm của chàng trai lúc ấy đã an, nghiệp chưa trả xong nhưng lòng đà nhẹ. Chàng ngoan ngoãn đi theo hai cảnh sát. Nhìn đệ tử thân yêu của mình ra đi, lòng nhà sư già trống vắng như chưa bao giờ vậy. Bao nhiêu tâm từ và dạy bảo về một cuộc sống đẹp tươi đã héo hắt như lá thu. Sư già đã thất bại trong việc nuôi nấng dạy dỗ đứa con thân yêu. Bấy nhiêu năm lá rụng theo tiếng kinh cầu, bấy nhiêu mùa cây đâm chồi nảy lộc cùng lời thiền cho lòng bình an. Vậy mà tất cả héo úa một ngày tan nát biệt ly như lá chết. Biết rằng đời mình cũng trở nên vô nghĩa, ông chèo thuyền ra giữa hồ, thiền định và tự thiêu. Cũng dán mắt, bịt miệng, che mũi như đồ đệ mình đã làm, nhưng ông còn dán cả tai. Nghĩa là không nghe.









    NGUỒN FINECUT.CO.KR







    ​Ông thôi còn nghe tiếng khóc cười của đứa học trò thân yêu. Thôi còn nghe tiếng thời gian vần xoay trên bốn mùa qua mặt hồ gợn sóng của đời mình. Thôi còn nghe vạn lời kinh kệ đã rơi vào thinh lặng của mù sa trần thế. Sư hoàn toàn chấm dứt đoạn tuyệt các giác quan của thất khiếu trên người. Ông chết bình thản bất động trong ngọn lửa dữ, chỉ có dòng nước mắt còn chảy ra ướt tờ giấy dán chữ “bế ” trên khuôn mặt minh triết một đời tu.




    Mùa đông. Trả xong nhiều năm tù tội, chàng trai ra tù khi tuổi đà trung niên chín chắn. Trở về nơi chốn quê nhà duy nhất mà chàng có, chàng tìm thấy trong xác thân cháy rụi của thầy mình ở lòng thuyền những viên ngọc xá lợi trắng tinh. Chàng tạc một tượng Phật bằng nước đá, trang trọng bỏ các viên ngọc xá lợi vào mảnh vải đỏ và nhét vào tượng. Ngày ngày tập luyện cơ thể trong giá rét. Tấm thân khỏe mạnh thì đầu óc mới minh mẫn sáng suốt. Thân vận động thì không màng giá rét căm căm nơi rừng sâu quạnh quẽ...




    Một ngày băng giá, có người phụ nữ quấn khăn quàng kín mặt mang đứa trẻ sơ sinh đến chùa. Khi đứa trẻ còn ngủ say bên lò than ấm thì nàng vội vàng quày quả bỏ đi trong đêm tối, nàng sẩy chân rớt vào hố nước đóng băng. Sáng hôm sau chàng tìm thấy xác nàng, mở khăn quàng và nhìn nàng. Người xem không biết đó là ai? Chỉ có chàng biết. Chàng nuôi đứa bé như ngày xưa sư phụ đã nuôi chàng. Một ngày chàng cột tảng đá to mang trên lưng, tay ôm tượng Phật, quyết mang lên đỉnh núi cao nhất trong các hòn núi vây quanh hồ. Mỗi bước lê là mỗi bước hành trì tâm niệm về quá khứ. Chàng vất vả mang tượng Phật và bệ đá nặng. Khi thì kéo lê, khi thì đẩy qua dốc cao, khi thì vần xoay mọi cách... Hình ảnh chàng mang hòn đá lớn sau lưng phản ánh trò chơi dại khờ mang nặng nghiệp ác ngày xưa với cá, với ếch, với rắn... Chàng mang theo hòn đá nặng nhưng không nặng bằng hòn đá tội lỗi chàng mang theo trong tim. Và cuối cùng chàng cũng mang được hòn đá làm bệ cho tượng Phật mới để trên đỉnh núi cao nhất trong rừng. Từ đỉnh núi chon von, tượng Phật ngồi thanh thản nhìn xuống mặt hồ xa nằm gọn trong thung lũng nhỏ như lòng bàn tay. Ngôi chùa nhỏ như chiếc lá, hai con người mới trong ngôi chùa nhỏ như hai hạt cát. Hai hạt cát bao la trong cõi đời đầy bụi, cõi đời thênh thang...




    Và rồi mùa xuân trở lại. Chàng trai nay đã luống tuổi, nhìn đứa trẻ bỏ hoang trong sân chùa ngày nào giờ khôn lớn, nhưng mãi lang thang trong cánh rừng, nó cũng bắt đầu vui thú với những trò chơi ác nghiệp giống chàng ngày xưa. Những con cá, con ếch và con rắn tội tình bị nhét hòn cuội vào miệng. Mùa xuân cây lá xanh tươi, hoa đào nở ngát ven hồ và tiếng cười vọng vang trong lòng hồ, vọng vang trong khe suối vách đá. Những tiếng vui cười lấp lánh khổ đau. Khổ đau vì rằng trẻ thơ là hình ảnh của thiên thần, của thiện lương. Tuổi thơ trong như tờ giấy trắng, trong như nắng lụa mùa xuân, trong như dòng suối đầu nguồn. Câu tâm kinh Bát-nhã sắc không vẫn chảy dài qua bao nghìn năm với bốn mùa lồng lộng đi qua đời người nhỏ nhoi. Vậy mà cái nghiệp ác đã gieo trong trò chơi tuổi thơ vô tội.




    Nặng với thuyết luân hồi nhân quả, gieo gì gặt nấy. Ðó là lời nhắn gởi cho cái kết thúc buồn lẫn vui cho một tuyệt phẩm đẹp - Xuân, Hạ, Thu, Ðông... và Xuân của đạo diễn Hàn Quốc trứ danh Kim Ki-Duk. Buồn vì đứa bé như mùa xuân của cuộc đời đã sớm mang hạt giống của nhân duyên không lành. Buồn vì bánh xe sinh tử sướng vui, cứ lăn tròn theo kiếp người đầy khát khao. Nhưng vui vì chàng trai trẻ đã trả hết chút nghiệp duyên như bỏ hết hòn đá nặng. Vui vì cuộc đời cứ như bốn mùa xuân đi rồi lại đến. Mọi chuyện kết thúc ở mùa đông nhưng bao giờ cũng bắt đầu từ mùa xuân. Ðó chính là mùa lành làm vỡ ra những công án thiền, làm sinh sôi những mầm non hy vọng cho cuộc đời tốt đẹp hơn khi cái ác đã phôi pha từ mùa đông trước.




    Cuốn phim đẹp từ các nhân vật cho đến cảnh trí, đẹp từ những góc quay rộng đến những cận cảnh nội tâm, đẹp từ những chi tiết huyền hoặc về năng lực huyền bí của nhà sư, đẹp từ những đau khổ dồn ép hành hạ lên phận người, đẹp từ những tình tiết mang đẫm hồn thiền và triết lý cao siêu, nhưng lại gần gũi thịt da và làm rung động khán giả cả trời Ðông lẫn trời Tây. Câu chuyện làm lay động, đánh thức cái đẹp nội tâm và luyến ái đời thường đến với bất cứ mọi niềm tin và tôn giáo. Cái đẹp của cuốn phim ​từ​ một đất nước nhỏ bé có hoàn cảnh địa chính trị như đất nước Việt, mà đã sau ít chục năm, từ một cô Tấm nghèo nàn tả tơi vì chiến tranh chia cách, đã hóa thân thành nàng công chúa giàu sang quý phái nhờ mang đôi hài tự do dân chủ. Nền điện ảnh ​của xứ sở Kim Chi hầu như chỉ đứng sau Hollywood​, làm mê say biết bao độc giả với những cuốn phim bộ cổ trang huyền thoại và những tác phẩm điện ảnh nghệ thuật đẹp như cuốn phim này. ​




    Mùa xuân tôi mang về một câu chuyện kể, từ một cuốn phim cũ năm 2004: Xuân, Hạ, Thu, Ðông...và Xuân. Lại thấy lòng vui hân hoan không tí buồn phiền. Vì xuân vẫn mãi ngời ngời ánh nắng xuân tươi, hoa thắm rộn ràng và tiếng cười trẻ thơ vẫn ​gi​òn tan như pháo. Hãy ngồi xuống với trẻ thơ những câu chuyện ngụ ngôn ​dân gian ​mà cái thiện luôn thắng cái ác. Hãy kể cho các em nghe về cái đẹp của người hiền rồi sẽ gặp điều lành. Hãy cứ vẽ cho các em các sắc màu tươi tắn ngũ sắc ​cầu vồng ​của cuộc đời nhiều giông bão. Hãy cứ gieo hạt giống từ tâm và chân thật trên những trang vở nhỏ.




    Hãy tập cho trẻ thơ lòng yêu thương muôn thú và cỏ cây thiên nhiên. ​Ðừng gieo rắc lòng hận thù và dối trá hoang tưởng ​cho​ thế hệ tương lai. Mùa xuân bao giờ cũng mang niềm hy vọng. Hy vọng mình sẽ không bao giờ phải mang trong tim một hòn đá nặng làm thao thức bốn mùa yêu thương. Những hòn đá nặng nhiều khi cứ bám víu vào những khát khao bay bổng trong bầu trời xuân trên cao​ của ngày mai​.




    Ngày mai xán lạn màu non nước


    Cốt nhất làm sao tự buổi này


    Nguyễn Bính










    NGUỒN FINECUT.CO.KR








    SEAN BẢO (baotreonline)






Working...
X