Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Những giai điệu Trung Thu kỷ niệm

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Những giai điệu Trung Thu kỷ niệm



    Lựa chọn lồng đèn Trung Thu cho trẻ em

    Thùng thình


    Lúc trước khi cuộc sống còn khó khăn, quanh năm vất vả, nhưng đến dịp Trung Thu thì gia đình nào, cha mẹ cũng cố gắng sắm cho con cái đèn ông sao dán giấy bóng kính xanh đỏ, hay đèn ông sư với ánh nến lập lòe. Trẻ con hớn hở tụ tập vừa chạy đèn vừa reo hò trong tiếng trống thùng thình và múa sư tử ở đầu làng thúc giục.


    Ở những chốn quê nghèo, trẻ nhỏ cũng chẳng có mâm cỗ trông trăng mà chỉ là những trái cây có sẵn trong vườn, được cha mẹ chuẩn bị cộng với một ít bánh kẹo mua về từ các hợp tác xã hay các cửa hàng mậu dịch đầu làng. Còn ở thành phố thì khá hơn, mâm cỗ có bánh nướng, bánh dẻo, thường thì hay được khéo nặn hình con cá vuông tròn, và không thể thiếu trong mâm cỗ là trái bưởi, ngoài ra có vài quả hồng ngâm, vài trái na, thậm chí rôm rả thì có ít cốm và chuối. Điều kiện vật chất còn khó khăn, nên nhiều khi cả xóm chung nhau mỗi nhà góp một ít đồ để tạo mâm cỗ cho lũ trẻ, vừa vui cửa vui nhà, mà vừa thắm đượm tình nghĩa hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau.


    Phá cỗ đón chị Hằng




    Bánh Trung Thu bán ở Hà Nội. RFA photo.



    Hồi thời bao cấp, mâm cỗ trung thu cũng sơ sài, nhưng lũ trẻ vẫn háo hức vì các món ăn đâu có sẵn như bây giờ, vậy nhưng hơn cả bánh nướng, bánh dẻo, bọn trẻ lại trông ngóng được cha mẹ chở đi mua đồ chơi. Ở Hà Nội, phố Hàng Mã nổi tiếng với những món đồ chơi truyền thống, khoảng một tháng trước Trung Thu, người ta có thể bắt gặp những món đồ chơi dân gian từ đèn ông sao, ông sư, đèn thỏ, đèn kéo quân, ông tiến sỹ giấy, mũ sư tử, mặt nạ, trống gỗ… Giản dị thôi nhưng những món đồ chơi dân gian truyền thống ấy đã đi sâu vào tâm khảm của một thế hệ.


    Còn nhớ những ngày này năm cũ, tết Trung Thu có khi còn là một lễ hội lớn hơn mọi dịp lễ khác trong mắt con trẻ. Đám lóc nhóc từ đầu mùa đã rủ nhau phơi khô những hạt bưởi, rồi xâu vào dây thép đốt lên khét lẹt, rồi chúng tụ tập nhau đi nhặt vỏ lon, hộp bột giặt để tự tạo đèn lồng cho đêm hội của riêng mình.


    Lúc chờ đợi phá cỗ trông trăng là lúc vui nhất với lũ trẻ. Từ khi trời vừa tắt nắng, là các bà, các mẹ đã bê mâm cỗ ra đặt ở vỉa hè, lũ trẻ hớn hở chờ đợi trăng lên. Nếu ở đầu phố các anh chị lớn hơn múa sư tử, đeo mặt nạ đánh trống rộn ràng, thì ở góc phố cuối đường, mấy đứa con gái bầy trò bán hàng, chơi các con rối quấn bằng vải cũ, còn mấy thằng con trai thì lúi húi chơi tàu thủy chạy bằng dầu đặt trong cái chậu nhôm to, hoặc nữa thì cả lũ tụ tập rước đèn vừa đi vừa hát hò quanh mâm cỗ đợi trăng lên.


    Chiếc đèn ông sao




    Các em nhỏ mừng Tết Trung Thu tại lớp học ở Hà Nội. RFA photo.



    Thế nhưng đó là những gì của một phần trong ký ức những năm về trước. Giờ đây, nhiều món đồ chơi truyền thống gần như đã biến mất khỏi đời sống, trước sự xâm lấn mạnh mẽ của các loại đồ chơi nhập ngoại, thế hệ trẻ em bây giờ hầu như chỉ còn biết đến phá cỗ trông trăng qua lời kể của ông bà, bố mẹ vào mỗi dịp Trung Thu.

    Những vỉa hè và khoảng sân trong các khu tập thể khi xưa giờ biến thành địa điểm trông giữ xe máy, trẻ nhỏ hiếm còn có một khoảng trời riêng cho mình. Lũ trẻ giờ có nhiều lựa chọn hơn, thay cho đèn ông sao, bọn trẻ có trò chơi điện tử, thay cho tiếng trống thùng thình, bọn trẻ có những món đồ chơi Made in China với âm thanh chát chúa. Các món đồ chơi giờ được trẻ nhỏ ưa thích hơn lại là các loại đồ chơi bạo lực mô phỏng các kiểu vũ khí trong những trò chơi điện tử trực tuyến như: Đột Kích, Võ Lâm Truyền Kỳ với các kiểu súng, dao, kiếm, đĩa bay, siêu nhân, và nhiều thứ đồ chơi hoang tưởng...


    Vào những ngày Trung Thu năm nay, khi đọc báo, thấy đâu đâu cũng nhắc nhở chuyện “đồ chơi Trung Quốc không rõ nguồn gốc”, “đồ chơi Trung Thu truyền thống “giằng co” với hàng Trung Quốc" hay những bài báo cảnh tỉnh “lồng đèn nhựa TQ có chất gây ung thư”“Đồ chơi Trung Thu Trung Quốc sợ hãi vì độc” khiến người ta không khỏi chạnh lòng.


    Không còn là Tết cho thiếu nhi




    Một tiệm bán đồ chơi trẻ em ở Hà Nội toàn hàng TQ. RFA photo



    Giờ đây Tết Trung Thu gần như không còn là ngày Tết của con trẻ, khi những ý nghĩa mang lại niềm vui cho trẻ thơ trở thành thứ yếu, bởi chỉ cần có tiền, rút hầu bao là các bậc phụ huynh có thể “hoàn thành nghĩa vụ” với con em mình.

    Trung Thu giờ ít ý nghĩa hơn là dịp để trẻ nhỏ được gặp gỡ chơi đùa, phá cỗ Trung Thu, đón Chị Hằng xuống phố, mà giờ đó là dịp để người ta đi biếu xén các xếp, là dịp để các gia đình giầu có trưng của thể hiện qua những chiếc bánh nướng, bánh dẻo đắt tiền. Mới đây, báo chí rộ tin chiếc bánh Trung Thu đắt nhất Việt Nam có giá gần 12 triệu có tên Vương Kim Tri Ngộ, nhân của chúng được làm từ đông trùng hạ thảo, trứng cá hồi, cua hoàng đế, yến sào và vi cá mập.


    Những chiếc bánh tiền triệu này hẳn là không dành cho những đứa trẻ đón Trung Thu nghèo, bởi những đứa bé kia vẫn cặm cụi gom góp giấy báo cũ những lon sữa bò hay vỏ thùng carton để làm những chiếc lồng đèn đơn giản và chờ trăng rằm để ước nguyện một cuộc sống đỡ phần cơ cực hơn.
Working...
X