Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Sài Gòn năm ấy: Chiếu bóng thùng

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Sài Gòn năm ấy: Chiếu bóng thùng

    Sài Gòn thập niên 1960, câu chuyện của cậu bé lớp nhất (lớp 5 ngày nay) với những con người bình dân sống bươn chải, loáng loáng cuộc đời như những thước phim đen trắng đầy vết xước trong hoài niệm của tác giả ở truyện dài Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy .


    "Khi tôi vào Sài Gòn thi đại học, xe chiếu bóng thùng như chiếc xe cà tàng của chú Hai Ngon vẫn còn lác đác trước các trường tiểu học. Lần theo những trang sách của Lê Văn Nghĩa, tôi bắt gặp mình sung sướng như gặp lại đám bạn nhỏ thời nào".
    Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh



    Xe chiếu bóng thùng ở Sài Gòn thập niên 1960 - Ảnh: T.L
    Bên cạnh những gánh bán hàng ăn sáng trước đầu hẻm xuất hiện một xe chiếu bóng thùng. Đây là một chuyện mới lạ gây nên sự tò mò, háo hức cho bọn con nít trong xóm. "Chủ rạp" chiếu bóng thùng là chú Hai Ngon, khoảng chừng 40 tuổi, gương mặt trông hiền lành nhưng cũng không giấu được hết nét hằn sâu của cuộc đời trôi dạt.
    Chú Hai Ngon đã biến chiếc xe Gô ben (1) cũ xì của mình trở thành một xe chiếu bóng thùng. Sau này thằng Minh nghe chú kể là mua lại chiếc xe cũ này trong tiệm cầm đồ không giấy tờ với giá ba ngàn đồng. Chú gắn vào yên xe phía sau một cái thùng hình chữ nhật thật to, kín mít. Phía trên cái thùng là cái máy chiếu phim 8 ly mà đầu ống kính chĩa vào trong thùng. Phía trước và hai bên hông thùng có 6 cửa sổ nhỏ, mỗi cửa sổ từa tựa như mắt kính của ống dòm để khán giả nhìn vào. Những cặp "cửa sổ nhìn" này bị che kín bởi màng trập được điều khiển bởi hệ thống dây kéo do chú Hai Ngon điều khiển.
    Muốn xem một tuồng chớp bóng chừng năm phút, mỗi thằng phải đưa cho chú Hai Ngon một đồng (2). Sau khi "mua vé" tụi nó có quyền tự chọn tuồng chớp bóng cho mình bằng cách nói tựa đề. Sau đó, chú Hai Ngon liền kéo màng trập lên, để tụi nó nhìn vào "màn ảnh" gắn phía bên trong thùng. "Khán giả" phải chồm hổm, "gắn" cặp mắt vào hai cái lỗ coi chớp bóng này để nhìn vào trong thùng. Sau đó chú bắt đầu chọn bộ phim nhựa 8 ly, đa số là trầy xước vì đã được "trình chiếu" quá nhiều lần, gắn vào cái máy chiếu phim chạy bằng bình ắc quy cũng cũ kỹ không kém.
    Toàn bộ hệ thống "rạp" chiếu bóng thùng của chú Hai Ngon được trang bị nguồn điện từ bình ắc quy đặt ở phía sau xe. Bọn thằng Minh biết địa điểm đặt "cái nhà máy đèn" của "rạp" hát bóng thùng này cũng như nhược điểm của nó. Thi thoảng khi xem gần hết tuồng chớp bóng, bọn nó thường len lén lấy một cái cây, hoặc bạo gan như thằng Chim, là dùng tay cạy một đầu dây điện ra khỏi cọc bình. Thế là máy quay phim đang chạy sè sè bỗng dưng ngừng lại vì mất điện. Chú Hai Ngon vò đầu bứt tai không biết sự cố xảy ra từ đâu. Chỉ chờ có vậy, tụi con nít đập tay vào thùng thình thình, rồi đồng thanh kêu lên:
    - Chiếu bóng gì ba-xì-cùn quá... trả tiền lại đi...
    - Tụi bây coi gần hết rồi... Tại cái cọc bình sút ra, bây giờ tao chiếu lại.
    - Không được. Trả tiền lại. Hay là chú chiếu phim mới đền đi!
    Tụi nó vừa la đòi tiền lại vừa đập tay vào bên hông thùng chiếu bóng làm chú Hai Ngon thót ruột. Tụi nó biết dùng yêu sách này thế nào cũng được chú Hai Ngon bồi thường bằng cách chiếu cho xem phim khác. Mà thực ra những bộ phim này tụi nó đã xem đi xem lại nhiều lần bởi rạp hát bóng thùng của chú chỉ có khoảng chừng mười mấy cuốn phim làm vốn. Đa phần là phim Sạc Lô với đủ thứ tên Sạc Lô đi tìm vàng, Sạc Lô cầm đồ, Sạc Lô đi lính... một số cuốn phim quay những trận đá banh của Pele, đấu võ của Muhamad Ali... Một thời gian sau, khám phá được quỷ kế của bọn nó nên chú nai nịt cho hai cái đầu đấu dây dẫn điện với hai đầu cọc bình ắc quy chặt đến nỗi nhiều khi chú muốn tháo đầu cọc ra để sạc bình cũng muốn tháo mồ hôi.
    Cuộc đấu tranh xem hát bóng cọp (3) của bọn nhỏ với xe hát bóng thùng của chú Hai Ngon vẫn không bao giờ chấm dứt. Đầu tiên thay vì hai thằng mua hai "lỗ dòm", tụi nó chỉ trả tiền một cái mà thôi rồi chia nhau mỗi đứa đứng một bên cùng xem. Thằng nào đứng bên trái thì xem bằng con mắt phải, con mắt trái nhắm lại. Thằng nào đứng bên phải thì nhắm con mắt phải, xem bằng con mắt trái. Coi chớp bóng kiểu này, sau khi coi xong, tụi nhóc vừa mỏi lưng vừa mỏi mắt. Thằng Minh không khoái xem phim ké bạn bè kiểu này. Nó bèn tìm cách khác để coi cọp. (Còn tiếp)

    Lê Văn NghĩaThanh Niên
    (1): Thương hiệu xe tay ga, động cơ hai thì sang số tay nổi tiếng của Đức.
    (2): Năm 1966, tiền Sài Gòn có mệnh giá cao nhất là 1.000 đồng. Một USD đổi được 80 đồng, còn vàng giá 10.400 đồng một lượng. Một ký lô gạo giá 12 đồng, một chai bia con cọp lớn giá 13 đồng, thuốc lá đen một bao giá 8 đồng.
    (3): Coi không trả tiền

  • #2
    Sài Gòn năm ấy - Kỳ 2: Phim câm có tiếng

    Những lần đi đá banh bàn ở khu xóm chùa thằng Minh thấy nhiều đứa chêm cần kéo banh rất hay bằng miếng gỗ nhỏ. Chỉ với năm cắc tụi nó có thể chơi hơn 10 bàn mà tụi khác chỉ chơi được có một bàn. Thằng Minh liền học "kỹ thuật" này.



    Đá banh bàn luôn được trẻ em say mê - Ảnh: Tư lieu
    Khi nào chủ tiệm banh bàn đi quanh để kiểm soát, thằng Minh liền lẹ làng lấy miếng gỗ nhỏ ra, cần kéo banh được trả về vị trí cũ. Một số bàn bị tụi nó chêm thời gian dài, cần kéo banh bị lờn hệ thống lò xo phía trong nên thằng Minh không cần chêm, banh vẫn tự động chạy ra ngăn đựng chứ không nằm lại trong lòng thùng chứa banh nữa.
    Bây giờ nó lại áp dụng "kỹ thuật" này để chặn màng trập lỗ nhìn của "rạp" chiếu bóng thùng. Xem xong phim đầu tiên - tất nhiên là có trả tiền - khi chú Hai Ngon hạ màn trập xuống, thằng Minh liền lấy cây đũa đặt ngay cửa sổ, thế là màn trập hạ xuống không hết. Đợi đến khi chú Hai Ngon bắt đầu cho máy chiếu phim chạy, thằng Minh liền lấy chiếc đũa nâng cái màn trập lên. Đặt hai mắt vào lỗ dòm, nó đi vào thế giới đầy hấp dẫn của Hoàng tử Sinh Bá hoặc Bạch Tuyết và bảy chú lùn một cách đàng hoàng như những thằng đã trả tiền xem phim. Thoạt đầu, chú Hai Ngon không để ý vì tụi nó đưa tiền bao nhiêu chú đều nhét vào túi, không đếm lại nên chuyện thằng Minh xem chiếu bóng cọp chú Hai Ngon hoàn toàn không biết.
    Nói chung xe hát bóng thùng của chú Hai tất cả đều cũ. Đôi lúc để gây sự tò mò và dụ bọn trẻ xem phim, chú cũng giới thiệu phim bằng mấy chữ nguệch ngoạc bên hông thùng chiếu. Khi viết giới thiệu chú đã sửa lại tên phim. Từ Sạc lô đào vàng chú biến thành Sạc lô ăn dây nịt, rồi Hai tay súng oai hùng trở thành Anh em cốt nhục... Nói chung, những bộ phim tám ly cũ kỹ đã trở thành những bộ phim với tên hoàn toàn mới. Chú thấy tụi nhỏ vẫn xem thoải mái, không phàn nàn gì nên liên tục sửa đổi tên phim, đến nỗi bản thân chú cũng chẳng nhớ tên phim đầu tiên là tên gì.
    ***
    Thằng Minh cảm thấy xem chiếu bóng cọp hoài thì mất mặt bầu cua với tụi bạn trong xóm nên khi có tiền hoặc có thằng bạn nào bao thì xem, nếu không thì thôi... Còn riêng chú Hai Ngon thì không chơi trò thay tên mới cho phim cũ nữa mà nghĩ ra chớp bóng có tiếng nói.
    Các phim 8 ly là phim câm, khán giả chỉ xem được tài tử trong phim hành động nhưng không nghe được tiếng nói của họ. Một buổi nọ, chú Hai Ngon quảng cáo với bọn nhóc xóm Ba-ra-dô:
    - Hôm nay ngon lành nghen tụi bây. Chớp bóng có tiếng nói, mà tiếng Việt đàng hoàng nghen.
    Thằng Minh thắc mắc:
    - Như phim chiếu bóng ở rạp Tân Lạc, Tân Bình vậy hả chú?
    ...
    - Mầy cứ coi đi. Bữa nay chiếu buổi đầu tiên không tăng giá. Ngày mai tao tăng giá lên một đồng rưỡi một tuồng vì có tiếng nói. Thôi, hôm nay tao cho mầy coi không cũng như quảng cáo giùm tao vậy.
    - Chú chiếu tuồng gì?
    - Bạch Tuyết và bảy chú lùn.
    - Chán chết. Tuồng Hai tay súng oai hùng, có tiếng nói không?
    - Tuồng nào cũng nói được hết. Dầu hèn cũng thể chứ mậy.
    - Vậy tuồng Thằng câm đánh thằng ngọng có tiếng nói không?
    Không biết là mắc bẫy, chú trả lời gọn hơ:
    - Có chứ sao không mậy!
    - Thằng câm mà nói sao được chú?!
    - Thằng ngọng nói, thằng câm la ớ... ớ... không được sao. Thôi coi phim đi mầy, tao cho coi không mà cũng làm tàng, tra với khảo hả mậy?
    Chú Hai Ngon lắp phim vào máy. Sau khi cho máy chiếu phim chạy, chú mở một cái lỗ nhỏ phía sau thùng, một vị trí "đặc biệt" dành riêng cho chú xem để kiểm tra phim có bị trục trặc gì không khi đang chiếu. Sau đó, chú cầm cái mi-cờ-rô, được gắn vào một cái loa nhỏ xíu dùng để khuếch đại âm thanh cho máy ra-dô hiệu National ấp chiến lược chỉ đủ để tụi nhỏ nghe cà rột, cà rẹt. Chú bắt đầu nói theo diễn tiến hoạt động của các tài tử trong đoạn phim đang chiếu:
    - Mầy giơ tay lên không, thằng cao bồi. Ê thằng cha cảnh sát, mầy tưởng mày ngon ha, đ.m... mày...
    Mấy thằng nhỏ xem phim cười ré lên:
    - Ê lính kín Tây cũng biết chửi thề nữa tụi bây...
    - Chửi thề là xài giấy 500, tự vả miệng đi chú.
    Hồi năm học lớp nhì, thầy giáo An nói với tụi nó chửi thề là xài giấy 500. Tụi nó cũng chẳng biết tại sao "chửi thề là xài giấy 500". Mỗi lần lỡ miệng chửi thề tụi nó thường bị thầy bắt tự vả miệng hoặc bỏ vào quỹ lớp một đồng. Nhờ vậy mà tụi nó ít khi chửi thề như những thằng nhỏ ở xóm Ruộng. Hễ đứa nào trong xóm Ba-ra-dô quen miệng "xài giấy 500" là bị tụi nó bắt tự vả miệng hoặc bỏ tiền ra bao tụi nó uống đá nhận xi-rô.

    Lê Văn NghĩaTuổi Trẻ

    Comment


    • #3
      Sài Gòn năm ấy - Kỳ 3: Ông Trần Bình Trọng trong phim Tây

      Không những nói tuồng cho các tài tử mà thằng Minh còn sáng tác ra tiếng đánh gươm kẻng kẻng, tiếng bắn súng đùng đùng... chéo chéo... trong phim nghe rất sống động.



      Trẻ em miền Nam ngày xưa chơi ô ăn quan - Ảnh tư liệu của Henk Hilterman
      Quên rằng mình đang nói cho các tài tử trong phim, chú Hai Ngon văng tục:
      - Cảnh sát, lính kín (chỉ mật thám) Tây cũng biết chửi thề chớ. Tụi nó chửi thề còn dữ hơn cảnh sát, lính kín Việt Nam nữa. "Tao không ngon gì ráo, nhưng tao là cảnh sát được lệnh đi bắt những thằng cao bồi, ăn cướp như mày. Nếu mày không giơ chân ủa giơ tay lên thì tao bắn thấy mẹ. Còn lâu à thằng lính kín. Dầu hèn cũng thể chớ mậy...".
      - Ủa, cao bồi mà cũng nói dầu hèn cũng thể nữa sao chú?
      - Mầy ngoan cố hả. Nè, chéo, chéo... đùng đùng... A, tao xi-lắc-léo rồi...
      Tụi nhỏ, kể cả thằng Minh khoái chí reo lên:
      - Bắn chết tía thằng cao bồi du đãng đi.
      - Thằng lính kín dở ẹc. Nói vậy làm sao nó nghe.
      - Tại tuồng nó vậy mà.
      Tụi nhỏ bắt đầu tranh cãi tại sao thằng cảnh sát lại nói với thằng cao bồi như vậy, đáng lẽ phải như thế này, thế này... theo đủ cách mà tụi nó có thể nghĩ ra được. Rồi sau đó là tới những phim
      Tặc-dăng. Khi thấy Tặc-dăng để tay lên miệng, chú bèn hú vào cái micro:
      - Ò...ó...ò...
      Thằng Minh cắc cớ hỏi chú:
      - Tại sao thằng Tặc-dăng lại hú ò...ó...ò...?
      - Tại vì nó không biết nói.
      - Hổng phải đâu chú ơi, chú để ý, con khỉ đu dây chụp trúng con chim của thằng Tặc-dăng, đau quá nên Tặc-dăng phải kêu a...a...a...
      Khi chiếu phim Bạch Tuyết bảy chú lùn, chú "nói tuồng" vai Bạch Tuyết với cái giọng eo éo:
      - Mấy chú lùn đi đốn củi giùm chị Tuyết đi, chị ở nhà quét dọn nhen. Nè, chú lùn thợ mộc nhớ sơn lại cái nhà ăn tết nha, nhưng nhớ đừng quét nhà trong mấy ngày tết xui lắm coi chừng con mẹ phù thủy đến là chết hết cả đám...
      Thằng Minh thắc mắc:
      - Trong chuyện cổ tích
      Bạch Tuyết của người Tây làm gì có tết như người Việt Nam hở chú?
      - Sao mầy biết nó hổng có tết. Mầy không nghe nói tết Tây sao? - Chú cãi lại.
      - Ờ hé. Nhưng trong truyện Bạch Tuyết đâu có nói gì đến tết đâu chú. Chú chế tạo hả?
      - Mầy... mầy biết cái gì, tao nói tuồng mệt thấy mẹ, còn bị mấy thằng như mầy bắt bẻ nữa, có ngon thì nói tuồng thay tao đi.
      - Sức mấy mà sợ chú. Con là tổ sư bồ đề nói tuồng, chú nghe rụng rún luôn. Dầu hèn cũng thể chớ chú - Nó bắt chước câu nói cửa miệng của chú Hai Ngon.
      Chú Hai Ngon cười khì khì:
      - Mầy xạo ke hoài. Mầy ngon thì mầy lên nói đi. Mầy mà nói được, tao dẫn mầy đi ăn mì Chú Quẩy dưới cầu Bình Tây.
      - Thiệt nhe chú. Người lớn không có nói dóc con nít...
      Chú đưa micro cho thằng Minh. Không chút e dè, nó hỏi:
      - Bây giờ chú chiếu tuồng gì?
      Tụi nhóc nhao nhao:
      - "Hiệp sĩ Dô Rô" bịt mặt đi chú Hai...
      Làm theo lời bọn nhỏ, chú gắn phim vào trục quay rồi bật công tắc cho máy chạy. Thằng Minh vì nhỏ con nên ngồi chễm chệ trên yên chiếc xe Gô-ben, tay cầm micro, nhìn vào cái lỗ cửa sổ phía sau xe chỉ dành riêng chú Hai Ngon, bắt đầu "nói tuồng":
      - Tao rút gươm ra khỏi vỏ rồi đó mi có quy phục triều đình không? Hà hà, thằng kia mi không biết tao là ai hả? Tao là hiệp sĩ bặt mịt tức bịt mặt đây. Soạt. Hãy đưa kiếm ra, tên tiểu tử kia, nếu không lão tôn cho ngươi một thiết bảng, coi chừng ngươi sẽ về chầu diêm chúa nghe chưa kẻng... kẻng... kẻng.
      Rồi chiếu đến phim cao bồi bắn súng:
      - Thằng lính kín kia, đã lọt vào tay bọn cao bồi này thì mày sẽ chết ha ha...
      - Tao đâu có sợ tụi bay. Nhất định tao thà làm quỷ nước nam chứ không làm vua đất bắc.
      Tụi nhỏ đang xem phim phản đối:
      - Ê, mày nói tuồng xạo rồi. Làm gì có ông Trần Bình Trọng trong tuồng Tây mậy?
      - Thì sửa lại mấy hồi. Ta thà làm con ma cà rồng lính kín còn hơn làm trùm ăn cướp.
      - Ừ, như vậy mới đúng đó.
      Tụi con nít nghe thằng Minh nói tuồng khoái chí quá, cười rân. Không những nói tuồng cho các tài tử mà thằng Minh còn sáng tác ra tiếng đánh gươm kẻng, kẻng, tiếng bắn súng đùng, đùng... chéo chéo... trong phim nghe rất sống động. Bắt đầu từ ngày đó, nó được "phong chức" làm người nói tuồng thay cho chú Hai Ngon nên nó được xem phim cũ miễn phí. Bù lại, thằng Minh phải suy nghĩ làm sao để các tài tử trong phim cũ luôn luôn có những câu nói mới. Trong phim Bạch Tuyết bảy chú lùn, nó giả giọng làm Bạch Tuyết hát vọng cổ khi sắp chết: "Hoàng hậu nương nương ơi, tại sao hoàng hậu lại nỡ độc thủ không lưu... ờ tình". Cái vụ này nó học được từ các phim Ấn Độ được chuyển âm tiếng Việt với giọng hát của đào thương Út Bạch Lan chiếu tại rạp Phi Long. Có khi nó bắt chước chương trình phụ diễn tân nhạc cải cách trước những buổi chiếu phim "Kính thưa quý vị khán giả, sau đây là đôi song ca Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết với bài "Ai đi qua cầu bông, té xuống sông ướt cái quần ni lông, vô đây em, dù trời phia anh vẫn đưa em về... Khoan... khoan... hò... hò khoan...". Rồi nó lại đem những chuyện xảy ra trong lớp học, trong xóm để nói tuồng. Lần khác, cũng là phim Bạch Tuyết bảy chú lùn nhưng khi sắp chết Bạch Tuyết không ca vọng cổ nữa mà lại nói: "Ta không thể sống được vì thằng Chim cứ đi đánh bầu cua cá cọp hoài".

      Lê Văn Nghĩa
      Thanh Niên

      Comment


      • #4
        Sài Gòn năm ấy - Kỳ 4: Xem phim cô-son

        Tụi nhỏ khoái chí khi thằng Minh dám đem tên ông cảnh sát Sáu Cụt - ba thằng Cảnh hù - ra nói tuồng, bọn khán giả con nít ngóng tai chờ nghe thằng này sẽ nói về ai, chuyện gì xảy ra trong lớp hay trong xóm.



        Rạp Eden trên đường Tự Do (nay là Đồng Khởi) năm 1965 - Ảnh: T.L
        Trong khu vực xóm Chùa, xóm Chổi, xóm Ruộng, cảnh sát Sáu Cụt là khắc tinh của mấy thằng cao bồi, du đãng mặc áo chim cò, áo cánh dơi, quần ống túm, để tóc dài với hai mai tóc bự tổ chảng. Còn thằng Cảnh hù, vì vô lớp cứ ta đây là anh chị, nên tụi nhỏ không khoái chút nào. Nói chung là thằng Minh sáng chế đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, những chuyện nó nghe trong trường, trong xóm, đọc được trong những cuốn truyện, trong báo thiếu nhi, trong sách Cổ học tinh hoa...
        Một hôm, thằng Minh đưa cuộn phim nó mượn được ở nhà thằng Long mập cho chú Hai Ngon. Nhà thằng này giàu, buôn bán đồ P.X (1) Mỹ nên trong phòng riêng của ba nó có máy chiếu phim và rất nhiều phim 8 li mới cáu cạnh. Thằng Long mập đã lén ba nó lấy đại một cuộn phim đưa cho thằng Minh như để đền ơn thằng này đã chỉ bài cho nó.
        - Con có cuộn phim mới cho chú mượn chiếu hôm nay. Chiếu xong chú đưa lại con để con trả cho bạn.
        - Ờ, để tao chiếu thử xem phim gì. Nếu hay thì mày cố gắng mượn tiếp nghe.
        Chú lắp phim vào máy. Thằng Minh quảng cáo giùm:
        - Mại dô, coi tuồng mới đây. Tuồng mới vừa thổi, vừa coi đây...
        Nghe nói có phim mới, tụi con nít nhao nhao đưa tiền để xem phim. Thằng Minh nói với chú:
        - Con chưa biết phim gì nên để con coi chung với tụi nó. Biết được chuyện tuồng rồi con sẽ nói tuồng sau.
        Chú Hai Ngon bắt đầu cho máy chiếu phim chạy. Chú cũng mở cái lỗ nhỏ để xem. Tựa đề cuốn phim là tiếng tây, tiếng u gì đó, chú đâu có biết. Chú thấy một thằng tây và một bà đầm, ngồi trên ghế cười cười, nói nói rồi thằng tây đè bà đầm xuống hun. Tụi nhỏ đang xem phim cười ré lên, thằng Ti nói:
        - Ghê quá, tụi tây nó ngậm miệng, phun nước miếng vô miệng nhau tụi bây ơi.
        - Thằng tây lột áo bà đầm kìa, còn rờ vú nữa.
        - Phim gì mà kỳ quá, không có bắn súng, đánh nhau gì hết, toàn ngậm miệng, hun nhau không.
        Chú Hai Ngon đâm hoảng liền tắt máy cho phim ngừng. Chú nói với tụi nhỏ:
        - Trả tiền lại cho tụi bây nè. Tụi mầy còn nhỏ không xem phim này được.
        - Phim này là phim gì vậy chú? - Thằng Minh thắc mắc.
        - Phim này là phim cô-son (3).
        - Cô-son là phim gì chú?
        - Người Việt mình gọi là phim con heo.
        - Con có thấy con heo nào đâu, toàn ông tây bà đầm ngậm miệng nhau không mà!
        Thằng Chim cười, nhận xét:
        - Mà sao vú mấy bà tây bự quá trời!
        - Ừ, bự như trái dừa vậy.
        Chú Hai Ngon ngắt lời:
        - Tụi bây có lấy tiền lại hông?
        Tụi con nít nhao nhao:
        - Tuồng này ngộ chú, chiếu coi đi chú.
        - Không có được. Thôi tao chiếu tuồng khác nghe.
        Tụi nó phản đối:
        - Lấy tiền lại. Không thèm xem tuồng cũ nữa.
        Coi như sáng nay xe chiếu bóng thùng mất sở hụi, chú nói với thằng Minh:
        - Chắc bữa nay tao chạy lên trường Ánh Bình Minh ở cầu Bót (2) chiếu. Tụi học sinh sắp ra chơi rồi. À, quên nữa, mày cho tao mượn cuộn phim, sáng mai tao trả.
        Thằng Minh không bỏ lỡ dịp làm tiền:
        - Con phải đưa nó một đồng, nó mới cho mượn phim đó chú ơi.
        Chú Hai Ngon móc túi, lấy tiền ra đưa cho nó:
        - Nè, tiền nè, nhưng mày đừng nói với ai là mày cho tao mượn phim này nghe!
        Cầm tiền trong tay, thằng Minh nhe răng cười:
        - Mai trả nghe chú. Mai chú không trả, phải thêm một đồng nữa đó.
        Thằng Minh quay sang nói nhỏ với thằng Ti:
        - Hổng biết tại sao con "chim" tao nó ngổng quá trời. Tao nhớ hồi sáng tao có đi đái rồi mà...
        Thằng Ti cũng thì thầm:
        - "Chim" tao cũng vậy. Chắc là tụi mình phạm tội rồi mày ơi... Chết rồi! Cái này gọi là hóa đá đó.
        - Hóa đá là cái gì?
        - Má tao nói hễ mà trong đầu mày nghĩ cái gì bậy bạ là cơ thể mày sẽ dần dần hóa đá. Hồi nãy, tao nói thiệt với mày, khi tao thấy cái bà tây vú bự thì tao bị... hóa đá, chắc tao phạm tội nghĩ bậy rồi.
        Thằng Minh thú nhận:
        - Chắc má mày nói đúng đó. Hồi nãy tao cũng nghĩ bậy. May mà mình mới coi có một chút. Thôi, không thèm coi phim con heo nữa. Coi là nghĩ bậy bạ, có ngày hóa đá cả thân người như hòn vọng phu thì thấy mẹ.

        Lê Văn Nghĩa
        Thanh Niên
        (1) Viết tắt của Post Exchange: Nơi bán hàng miễn thuế dành cho lính Mỹ và một số quân nhân cao cấp của Sài Gòn làm việc cho các cơ quan Mỹ tại VN.
        (2) Trước 1975 còn gọi là cầu chữ U, bắc từ góc đường Lê Quang Liêm - Phạm Phú Thứ (nay là góc đường Phạm Phú Thứ - Võ Văn Kiệt, Q.6) sang bến Bình Đông (Q.8). Cầu này đã bị phá dỡ.
        (3) Cô-son từ tiếng Pháp cochon là con heo, ám chỉ phim khiêu dâm.

        Comment


        • #5
          Sài Gòn năm ấy - Kỳ 5: Hủ tiếu chú Quẩy

          Lâu lâu được ăn tiệm nước một lần, món gì thằng Minh cũng muốn ăn hết nhưng cái bụng nó chứa không nổi. Nó suy nghĩ lung lắm để chọn món cho xứng đáng đồng tiền bát gạo.


          Một xe mì của người Hoa ở Sài Gòn xưa - Ảnh: T.L
          ...Khi nhìn thấy anh chiếu bóng thùng lạ hoắc đang thế chỗ chú Hai Ngon, thằng Minh đứng chết lặng. Hèn gì cách đây tuần trước, sau khi vãn khách xem phim, chú Hai Ngon hỏi nó:
          - Ê, đi tiệm nước làm cái xây chừng (1) hông mậy? Hôm trước tao có hứa là bao mầy ăn hủ tiếu. Chú Quẩy được không mậy?
          - Tiệm đó ngon tổ sư bồ đề đó chú.
          Chú Hai Ngon chở thằng Minh đến tiệm nước chú Quẩy bằng cách để nó ngồi lên bình xăng phía trước.
          Tiệm nước của chú Quẩy thường mở cửa từ 5 giờ sáng nhưng bây giờ đã hơn 9 giờ mà tiệm vẫn còn đông khách ngồi "dẩm chà" (2), uống cà phê, ăn hủ tiếu. Quán nằm ở ngã tư, nhìn sang khu hành chánh quận 6, một bên nhìn sang nhà thờ Tin Lành của người Hoa, dưới chân dốc cầu Chợ Lớn (3), thuộc khu thị tứ, lại ngon nên lúc nào cũng đông khách. Quán có chừng 10 cái bàn tròn. Giữa bàn là một bình trà với mấy cái ly nhỏ nằm úp trên đĩa để cho thực khách có thể thoải mái uống trà trong khi chờ đợi món ăn. Án ngữ phía trước quán là một quày nấu hủ tiếu, mì đang bốc hơi nghi ngút.
          Chú Quẩy là chủ quán, kiêm luôn việc đứng nấu hủ tiếu, mì. Nghe người ta nói chú Quẩy chỉ là người tiếp tục công việc bán quán của người cha để lại. Khi ba của chú từ Quảng Đông sang đã mở một cái quán nhỏ tại đây - một khu vực hoang vắng, ít người qua lại. Dù cho thời gian trôi qua, mặc cho khu phố này ngày càng phát triển, sầm uất, nhiều nhà lầu mọc lên thì cái tiệm nước Hải Ký mì gia cũng y như vậy. Nhiều người là thân chủ ruột của chú Quẩy cho biết chú đã có mấy căn nhà cho thuê bên Chợ Lớn nhưng chú nhất quyết không bỏ tiệm nước này và cũng không thèm xây dựng cho nó thật to và bề thế như những tiệm nước khác. Dù trải qua bao nhiêu năm tháng cái quán này vẫn vậy về hình thức cũng như hương vị đặc biệt của nó cũng không thay đổi, chỉ có tấm bảng hiệu ngày càng mờ đi vì bụi bặm, khói bám nhện giăng.
          Trên bức tường nham nhở vết vôi cũ hòa với nước mưa là những dòng chữ Hoa, có những con số đi theo bên cạnh. Có những dòng chữ đã được gạch, xóa. Có những dòng chữ còn tươi màu phấn trắng. Đó là danh sách những con nợ là khách "dẩm chà" quen thuộc. Có người nợ vì mậu lúi - không tiền. Cũng có người nợ vì làm biếng trả hằng ngày, cứ ghi nợ lên tường, cuối tháng trả một lần cho tiện. Ai nợ, trả tiền xong là chú Quẩy gạch ra khỏi bảng "phong thần nợ", còn ai chưa trả thì chú cứ để đó. Viết cái tên,với số tiền nợ lên tường, để nhìn, để nhớ, để biết rằng mình từng có những người khách mắc nợ của quán chứ chú không có đòi. Thỉnh thoảng, có những người khách đi làm ăn xa, biệt tăm, biệt tích vài năm, quay trở lại và câu nói đầu tiên là "Phảnh-mìn, ca-phé, ngọ còn nợ nị bao nhiêu, hôm nay dậu lúi - có tiền rồi, trả đủ". Chú chỉ cười khà khà: "Hảo lớ, thầy Hai... có bao nhiêu, từ từ tính. Gia đình ngọ sống lược cũng nhờ mấy nàm dành như thầy Hai chớ. Hồi ló, ba của ngọ từ Quảng Lông qua, bán cái xe mì, nghèo thiệt là nghèo nhờ nàm dành sực mìn mới dậu lúi - có xìn Ùm Cối xay - cám ơn nhiều... nhiều há".
          Vợ chồng chú thì ngày càng già đi nhưng chú vẫn đứng nấu bếp, vợ chú bán cà phê y như ngày còn son trẻ. Đứa con gái thì phụ việc bếp núc và rửa chén. Còn thằng con trai thì chú Quẩy đang truyền nghề lại bằng cách bắt làm "phổ ky" (4).
          Chú Hai Ngon chọn cái bàn còn lại ở trong góc. Trong quán, đa số thực khách là người Hoa đang nói chuyện xí xô xí xào bằng tiếng phổ thông, Quảng Đông, tiếng Tiều, tiếng Hẹ. Họ ăn mặc khá thoải mái. Có người thì mặc cái áo thun ba lỗ đã ngả màu cháo lòng, lòi cả lông nách ra ngoài. Có người thì mặc cái quần tà lỏn, vắt cái khăn lên cần cổ, ngồi gác cả chân lên ghế. Họ ăn, họ húp cà phê xì xụp, họ nói văng nước miếng, ồn ào như thể trong tiệm nước này không có ai. Chú Hai Ngon và thằng Minh cũng xử sự như họ. Vừa ngồi xuống ghế đẩu, chú lớn tiếng gọi:
          - Phổ ky.
          - Có ngay... có ngay...
          Thằng con trai chú Quẩy, vai cũng vắt khăn lông, tay bưng một mâm nhỏ, trên đó có đựng mấy chén xíu mại, bánh bao. Anh ta đặt mấy chén xíu mại, đĩa bánh bao xuống bàn rồi hỏi bằng cái giọng tiếng Việt lơ lớ:
          - Xì thẩu (5) ăn cái gì?
          - Cho ngọ (6) một tô hủ tíu mì, một cái xây nại (7). Còn mầy ăn cái gì mậy, nhỏ?
          Thằng Minh gãi đầu suy nghĩ. Lâu lâu được ăn tiệm nước một lần, món gì nó cũng muốn ăn hết nhưng cái bụng nó chứa không nổi. Nó suy nghĩ lung lắm để chọn món cho xứng đáng đồng tiền bát gạo:
          - Cho ngọ cũng vậy luôn. Nhưng ngọ uống cà phê đá.

          Lê Văn Nghĩa
          Thanh Niên
          (1) Ly cà phê nhỏ (TN)
          (2) Uống trà
          (3) Cầu Bình Tây bắc từ đường Phạm Văn Chí sang Phạm Đình Hổ. Nay đã giải tỏa
          (4) Phục vụ
          (5) Ông chủ
          (6) Tôi
          (7) Cà phê sữa

          Comment


          • #6
            Sài Gòn năm ấy - Kỳ 6: Uống cà phê vợt

            Trong khi chú Quẩy nấu hủ tiếu thì thím Quẩy đứng trong quầy pha cà phê. Thím múc cà phê đổ vào một cái vợt mà dân ghiền cà phê thường gọi là vớ có màu đen sậm vì lâu ngày chất cà phê đóng đầy lên sớ vải.



            Một tiệm nước của người Hoa tại Sài Gòn thập niên 1960 - Ảnh: T.L
            Chủ các tiệm nước không bao giờ giặt vợt pha cà phê bằng xà bông vì sợ làm mất mùi thơm của cà phê. Vợt càng đen thì cà phê càng đậm đà hương vị. Thím Quẩy bỏ vợt đựng đầy cà phê vào một cái siêu đất to rồi đổ nước sôi thật già vào vợt, đậy nắp siêu lại chờ cho cà phê thật ngấm. Sau đó, thím rót cà phê từ trong siêu vào những cái ly có sữa hay đường để sẵn. Phổ ky chỉ việc bưng ra cho khách.
            Chú Hai Ngon bưng ly cà phê lên mũi ngửi, hít một hơi thật sâu như để mùi cà phê sữa thơm nồng chạy tận vào phổi. Cà phê này là cà phê thứ thiệt vì hằng ngày chú thấy một ông già Tàu ngồi rang bên hông tiệm. Chú thận trọng cầm ly cà phê đổ vào cái đĩa lót ly cà phê, thổi phù phù, rồi cầm cái đĩa lên húp từng ngụm. Dân uống cà phê tiệm nước phải uống cà phê đựng trong đĩa thì mới gọi là "chánh hiệu dầu cù là Miến Điện".
            Trong lúc chú Hai Ngon uống cà phê thì thằng Minh "đớp" liền cái xíu mại với dào cháo quảy. Thằng Minh nghĩ xíu mại ăn với dào cháo quảy thì ngon hơn ăn với bánh mì vì bánh mì thì cứng, không mềm bằng dào cháo quảy và không có mùi dầu chiên. Khi phổ ky vừa bưng hai tô hủ tiếu mì vừa la "nước sôi, nước sôi" tới bàn thì nó đã cho hai cái xíu mại vào bụng.
            Đến tiệm nước, chú Hai Ngon khoái uống cà phê sữa hơn là ăn hủ tiếu mì vì chú chỉ khoái ăn món này từ những cái xe có tranh kiếng vẽ những nhân vật từ truyện tam quốc như Lữ Bố, Quan Công, Trương phi trong các tích Lữ bố hí Điêu Thuyền, Vườn đào kết nghĩa, Quan Công tha Tào ở Huê Dung đạo... Đây là đặc trưng của xe bán hủ tiếu mì người Tàu. Chỉ cần nhìn cái xe đó thì ông biết ngay đó là xe bán hủ tiếu mì chứ nhất định không bán thức ăn gì khác. Nhưng chú muốn cho thằng Minh có được một buổi ăn trong tiệm nước - một niềm vui không dễ gì có được đối với nó.
            Vừa đưa vắt mì lên miệng chú hỏi:
            - Mầy biết hông?
            - Biết cái gì chú? Chú chưa nói làm sao con biết.
            - Mì Tàu chính cống là mấy tiệm mì, xe mì có chữ ký phía sau. Thí dụ như Tài Ký, Minh Ký... Mầy để ý coi, tiệm nào cũng có chứ Ký hết. Có chữ Ký mới ngon.
            - Ký viết i ngắn hay y-cà-lết (1) vậy chú?
            - Y dài hay i ngắn đều được. Mà nó viết Hải kí mì gia hay Hải ký mì gia cũng như nhau, miễn nó nấu ngon là được... Chánh tả đâu có liên quan gì đến nước lèo đâu! Mì dở thì có 10 chữ ký... cũng dở ẹt. Cũng giống như chữ hủ tiếu có ê hay hủ tíu không ê đâu có quan trọng, miễn ngon là được.
            - Nói thiệt nghen chú, con ăn tiệm mì nào cũng thấy ngon hết.
            - Tại sao mầy thấy mì nào cũng ngon?
            - Lâu thiệt lâu con mới được ăn mì một lần thì mì nào cũng số dách.
            - Mầy khoái ăn món gì nhất.
            - Món gì con cũng khoái hết.
            - Hông, tao nói những món đặc biệt kìa.
            - Thì bột chiên hột vịt, bánh ướt tôm khô. Có một ông người Tàu đẩy xe bán bánh ướt tôm khô ngon tổ sư bồ đề luôn. Con chỉ ăn được bánh ướt của bà già người Tàu. Bánh ướt mà chan nước tương chứ không phải nước mắm.
            Chú Hai Ngon gật gù:
            - Chừng nào tao ngon lành rồi tao bao mày ăn một món đặc biệt, trong Chợ Lớn không có.
            - Món gì mà đặc biệt vậy chú?
            - Phở Tàu bay.
            - Nó ra làm sao chú? Ở Sài Gòn là chỗ nào?
            - Quán phở Tàu bay ở gần chợ cá Trần Quốc Toản (2). Một tô phở bự vầy nè, cỡ mầy ăn xong chắc phải no hai ngày.
            Mặc dù thắc mắc, nhưng thằng Minh vẫn không bỏ lỡ việc gắp mì đưa vào miệng:
            - Nhưng phở là cái gì chú?
            - Ừ... nó có thịt bò tái, thịt bò chín, có gân bò, có mỡ bò...
            - Thịt bò không à?
            - Không, nó nấu với bánh phở, giông giống như sợi hủ tiếu nhưng mềm hơn, nhưng nước lèo của nó nấu bằng xương bò với quế, riềng, hồi, thảo quả thơm, ngọt, ngon lành lắm.
            - Con chỉ biết xe bán cháo lòng bò của một bà người Tàu ở ngã tư cầu Bình Tiên đường Minh Phụng, năm đồng một tô. Má con nói chừng nào thi đậu đệ thất bả sẽ thưởng cho ăn hai tô.

            (1) Y dài
            (2) Nay là Trung tâm thương mại ở góc đường 3 Tháng 2 và Nguyễn Tri Phương

            Lê Văn Nghĩa
            Thanh Niên

            Comment


            • #7
              Sài Gòn năm ấy - Kỳ 7: 'Dầu hèn cũng thể'

              Đến bây giờ, thằng Minh vẫn chưa hiểu hai tiếng ngon lành của chú Hai Ngon cũng như dầu hèn cũng thể mà chú hay nói. Chắc chú bán cái xe chiếu bóng thùng cũ này để đi tìm "ngon lành".



              Một quán ăn ở Sài Gòn trước 1975 - Ảnh: Tư liệu
              Bưng tô mì lên, húp nước lèo rột rột, sau đó thằng Minh ợ một cái, nhưng vẫn tiếp tục thắc mắc để sau này nó có thể nói dóc với bọn thằng Chim:
              - Món phở của người Tàu hả chú?
              - Không, người Bắc kỳ đem vào? Ê, đừng ợ như vậy, ghê quá mậy.
              - Người Bắc kỳ không phải là người Việt hay người Tàu hả chú?
              Chú Hai Ngon cười hăng hắc:
              - Người Bắc kỳ là người Việt Nam chứ người xứ nào mậy! Người Bắc có món phở phải nói là quỷ kiến sầu.(1) Tại tao mê chiếu bóng chứ không sau này tao đi học nghề bán phở.
              - Ừ, chú bán phở đi để con ăn ké.
              - Cần gì mậy, chừng nào tao ngon lành tao sẽ bao mầy đi ăn phở Tàu bay...
              - Ngon lành là sao chú? Ngon lành mới ăn được hả?
              - Ừ. Một tô phở mắc lắm nha mậy. Nhứt là khi mầy "thiếm sực" một chén bò tái hay làm thêm chén nước béo. Phải ngon lành mới có tiền ăn nha con... Ủa, mầy làm cái gì vậy?
              Trong lòng bàn tay thằng Minh là một cục nhân thịt mà nó đã lén lấy từ cái bánh bao để trên bàn. Đây là trò "ảo thuật" có tên là "moi ruột" do thằng Ti chỉ cho tụi nó khi muốn ăn ruột bánh bao không tốn tiền. Khi vào tiệm nước, gọi ly cà phê đen rồi nhân lúc phổ ky không để ý tụi nó gỡ miếng giấy phía dưới bánh bao, moi lấy cái nhân thịt ở trong ra ăn. Sau đó dán miếng giấy che kín cái lỗ thủng phía dưới bánh bao lại y như cũ. Khi phổ ky dọn bàn, thấy cái bánh bao vẫn nguyên vẹn nhưng đâu biết đó chỉ còn lại cái vỏ, còn cái nhân thịt trong ruột bánh đã đi vào bao tử tụi nó.
              - Dạ, con lấy cái ruột bánh bao.
              - Ăn thì trả tiền đàng hoàng chứ mậy!
              - Tại con ghét thằng cha Quẩy này. Bữa nọ con mua một đồng trà đá, thằng chả không bán.
              - Ghét thì đừng ăn quán của người ta, còn ăn thì phải trả tiền sòng phẳng. Lỡ tụi nó bắt được thì nó coi mấy thằng người Việt mình ra gì mậy. Đừng để ai khinh mình hết. Bị người ta ghét thì được chứ đừng để bị người ta khinh. Dầu hèn cũng thể chứ mậy.
              Bị bắt tại trận, để đỡ ngượng, nó đánh trống lảng:
              - Chú có xem "Chú Thòn lãnh vợ hôn?" Cái tuồng mà thằng Xuân Phát (2) đóng vai chú Thòn - người Tàu - đi lãnh vợ là người Việt do con Trương Ánh Loan (3) đóng bị bắt vô bót cảnh sát vì đi làm gái bán ba đó... - nói tới đây nó hát - "Ngọ có chết li thì cũng theo chời theo Phật á... Chỉ sợ mấy lứa con khờ nhỏ dại ai nuôi"... Vậy mà còn bị con Trương Ánh Loan đánh lên đầu một cái, máu chảy dầm dề. Tội quá chừng chừng.
              - Mầy nói chuyện tầm bậy quá. Có ăn, có học mà cứ nói chuyện như đồ không học...
              - Con nói làm sao chú?
              - Sao mầy cứ gọi là thằng Xuân Phát, con Trương Ánh Loan... Họ lớn tuổi bằng tao mà mầy cứ gọi là thằng này con kia. Tao nghi mầy gọi tao là thằng Hai Ngon khi nói chuyện với người khác quá.
              Thằng Minh cười, biết lỗi:
              - Tụi con nói vậy quen rồi chú ơi. Từ từ con sửa...
              - Phải gọi là nghệ sĩ, tài tử hoặc bằng tên không cũng được, như vậy mới là người có lễ phép. Mình có thể ăn bậy, uống bậy chứ không được nói bậy!
              - Dạ. Cho con xí một chút. Nhưng mà con hỏi chú cái này nghe... Sao cái gì chú cũng biết hết vậy?
              Chú Hai Ngon đổ phần cà phê còn lại trong ly vào đĩa húp cái rột, nói từ từ:
              - Cái gì không biết thì hỏi. Hỏi thì chỉ dốt một lần, không hỏi thì dốt suốt đời. Dầu hèn cũng thể chứ mậy. Nát vỏ cũng còn bờ tre mà.
              - Dầu hèn cũng thể. Nát vỏ cũng còn bờ tre là gì chú. Chú cắt nghĩa cho con nghe đi...
              - Là... là bể cái lu vẫn còn cái khạp! Ngon lành mà mậy!
              Đến bây giờ, thằng Minh vẫn chưa hiểu hai tiếng ngon lành của chú Hai Ngon cũng như dầu hèn cũng thể mà chú hay nói. Chắc chú bán cái xe chiếu bóng thùng cũ này để đi tìm "ngon lành". Chú Hai mà ngon lành thì nó sẽ được ăn món phở của người Việt không tốn tiền. Nhưng để được ăn tô phở mà không gặp được chú Hai Ngon thì nó cũng thấy buồn, thiêu thiếu cái gì đó một cách mơ hồ thân thiết. Như vậy, chẳng thà không ăn phở còn hơn. Nó nhớ chú Hai Ngon!
              "Cách chú Hai Ngon sử dụng khẩu ngữ bình dân dầu hèn cũng thể thường trực trên đầu môi như một phương châm sống, nói lên cách ứng xử mộc mạc, hồn nhiên, đầy ắp tình người giữa những cảnh đời khốn khó. Những đạo lý giản dị nhưng sâu xa đó gợi nhớ đến những bài học khó quên trong sách Luân lý giáo khoa thư của Trần Trọng Kim, Đỗ Thận..."
              Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

              Lê Văn Nghĩa
              Thanh Niên
              (1) Tiếng lóng: quá tốt, quá ngon, quá giỏi, quá dữ.
              (2) Ba của diễn viên điện ảnh Dustin Nguyễn. Là một trong những danh hài lúc đó cùng với Tùng Lâm, Thanh Việt, Phi Thoàn, Hoàng Mai, Khả Năng, Thanh Hoài. Ông là tác giả bài vọng cổ Tình Chú Thòn với giọng hát của một người Hoa nói tiếng Việt. Sau này được đoàn cải lương Dạ Lý Hương dựng lại thành vở diễn do Hùng Cường đóng vai chính.
              (3) Đào chánh đoàn cải lương Kim Chưởng.

              Comment

              Working...
              X