Vợ gầy hay vợ béo?
Tuesday, 15 May 2012 00:00
Nam Đan
Tôi đang sống một mình. Có khi tôi lẩn thẩn tự hỏi rằng nếu mình muốn sống với một ai đó thì người ấy nên là người như thế nào. Tất nhiên, ai mà chả muốn người ấy hiền ngoan, giỏi giang, nết na, thông minh, công dung ngôn hạnh; tức là có đủ các đức tính của một người vợ tuyệt vời; và điều quan trọng nhất – nếu không nhất thì cũng nhì, tuy nhiên, tôi vẫn muốn nó là nhất – là nàng phải đẹp.
Nói cho cùng thì gã đàn ông nào mà không háo sắc cơ chứ? Có lẽ trên đời chỉ có ba kiểu người không háo sắc, một là mù, hai là điên, và ba là các vị tu hành đạo cao đức trọng, các vị là đàn ông nhưng không có, hay diệt được, những nhu cầu bản năng, để là đàn ông; tuy nhiên, có thể họ không còn háo sắc theo nghĩa ham muốn dục lạc thông thường, nhưng tôi nghĩ họ vẫn là những người biết thưởng thức, hân hưởng cái đẹp của người khác phái qua đường thị giác (À quên, ngoài ra còn có một dạng ra vẻ đạo đức giả cầy, dạng bịp bợm ra vẻ một đời không đoái hoài gì đến nhan sắc phụ nữ, để cống hiến… cách mạng; nhưng cái dạng người đó không đáng để ta bàn đến ở đây). Có điều, trong mắt mỗi người đều có một tiêu chuẩn, một mô thức riêng về cái đẹp, về người đẹp. Do đó, có người thấy thế này là đẹp, thì người kia lại thấy là xấu. Trong một số bộ lạc đang sống ở Phi Châu thì giai nhân phải có những vành tai được / bị căng ra to hết mức, mũi thì bị những mũi nhọn làm đồ trang sức xiên qua; những hình thái mỹ thuật mà người ở nơi khác vừa ngó thấy là có thể bị ngất xỉu; và ngược lại, chắc hẳn họ thấy những hoa hậu của chúng ta là vô duyên, nhạt nhẽo, bợt bạc, không hấp dẫn chút nào. Ngay cả trong một không gian, một đất nước, như nước Ý chẳng hạn, thì cái đẹp của người phụ nữ cũng thay đổi theo thời gian; từ những người mỡ màng, tròn trịa, phốp pháp của thời Phục Hưng đến các giai nhân gầy guộc, lỏng khỏng, vai gầy cổ cao, “như cánh vạc bay”, chỉ xương và da, như một số cô người mẫu của thời hiện đại.
Hôm qua, tình cờ tôi đọc được bốn câu ca dao như thế này: “Giời mưa cho ướt lá khoai / U ơi u lấy vợ hai cho thầy / Có lấy thì lấy vợ gầy / Đừng lấy vợ béo nó đánh cả thầy lẫn u.” Và tôi không tin điều đó. Tôi không tin rằng có người con nào lại đi khuyên mẹ mình (u) lấy vợ cho bố mình (thầy), mà lại khuyên rất chi li về chuyện nhân dạng gầy hay béo của người vợ hai dự tưởng như vậy. Chẳng những không tin, mà tôi còn “cực lực phản đối”. Tôi phản đối bằng bài viết này. Có phải ca dao tục ngữ bao giờ cũng đúng đâu? Ngoài chuyện ca dao này là một nhận định chủ quan có tính cách vi phạm nhân quyền, có tính cách phân biệt về hình vóc, nhân dạng của con người ra, thì nó còn sai lạc rất trầm trọng. Dù rằng câu ca dao này đã có lời cảnh báo, nhưng tôi vẫn tin rằng không có gì hạnh phúc và sung sướng bằng lấy được vợ béo. Này nhé, các vị chê vợ béo vì sợ vợ đánh, hãy nghe cho rõ đây này: nếu mình lúc nào cũng tình tứ, cũng hiếu đễ với vợ, thì làm sao mà vợ lại nhẫn tâm hành hung mình? Mà vợ có đánh thì mình chạy. Béo phục phịch thế kia thì làm sao mà đuổi? Đuổi được mấy bước thì có mà đứng thở dốc và mình đã bay biến mất tiêu rồi. Thậm chí, nhỡ vợ quyết tâm đánh thì cũng nên đứng lại cho nàng thoi vài thoi thì đã làm sao cơ chứ? Có lỡ gãy dăm ba cái xương sườn thì cũng đã mất gì, hại gì, mà chắc chắn còn được lưu danh thiên cổ là người biết yêu vợ. Tóm lại, có thể kết luận ngay rằng được vợ béo đánh là một hạnh phúc, thậm chí còn là một vinh quang.
Nhưng trước hết là, hãy xét về góc độ kinh tế. Chính sách một vợ một chồng hiện nay mang nặng chủ nghĩa bình quân; có bao giờ bạn nghe câu “cá kể đầu, rau kể mớ” chưa nhỉ? Một vợ là một vợ, một chồng là một chồng. Bất kể béo hay gầy cũng được kể là một. Do đó, những người lấy được vợ béo sẽ được lời to: 40 ký lô vợ cũng bằng 80 ký lô vợ, phải không nào? Tôi hỏi bạn chứ như thế có phải là lời to hay không?
Thứ hai là, xét về chất lượng. Các cụ ta đã dạy: “Nom mặt mà bắt hình dong, con lợn có béo cỗ lòng mới ngon”. Cứ theo lẽ ấy mà suy ra thì tấm lòng của một người vợ béo chắc chắn phải ngon hơn, bổ hơn, chất lượng hơn tấm lòng của những người vợ chưa béo, sắp béo, hay tệ hơn, không bao giờ béo.
Thứ ba là, xét về góc độ cảm giác. Ngày tôi còn thanh xuân, lũ thanh niên làng tôi thường truyền nhau một quan niệm chọn vợ bằng hai câu ca dao, cũng là lục bát: “Chẳng tham nhà ngói Honda / Chỉ tham cái dáng đẫy đà của em”. Dạo ấy, nhà ngói, xe gắn máy Honda là quý lắm, là niềm mơ ước của biết bao người, là mục tiêu tiến đến của xã hội chủ nghĩa, vậy mà chúng còn không so được với cái dáng đẫy đà của em. Còn bây giờ, bạn hãy tưởng tượng thế này nhé. Khi ta đi cày về, lòng dạ ta đang sảng khoái, tâm hồn ta đang ngây ngất vì thành quả công việc thật tốt đẹp. Bất chợt, ta nhìn vào trong phòng ngủ. Chao ôi, vợ ta đấy, vợ ta đang ngủ đấy. Cha ôi, đầy chật một giường, cả vợ là vợ. Nước da nàng hồng lên, mái tóc nhung nàng xõa xuống đôi bờ vai đẫy đà ươm mộng. Lúc ấy, khó mà cầm lòng để không ngâm lên câu thơ thơ mộng bất diệt: Đừng tìm đào nguyên đâu xa xôi / Đào nguyên trên giường này đây thôi… Và biết đâu, trong trạng thái ngất ngây ấy, ta lại chẳng dạt dào cảm xúc mà thốt lên tiếp những vần thơ mượt mà, óng ả cỡ như thế này: “Thịt với da mê mải chảy xung quanh”. Tôi có một gã bạn làm thơ mà mọi nguồn cảm xúc đều bắt nguồn từ người vợ béo yêu dấu của gã. Gã có những câu thơ rất nổi tiếng như “Vợ ta đó, rộng mênh mông / Lăn qua lăn lại… vẫn không ra ngoài”. Rồi những khi cao hứng, hắn còn nghêu ngao hát những câu đại loại như là: “Anh như con tàu trôi trong niềm sung sướng - Vợ một bên và vợ… cũng một bên”. Sướng chưa nào, lấy một người vợ mà ngó bên này là vợ của mình, ngó bên kia cũng vẫn là vợ của mình, thì còn gì mà lại không sung sướng!
Tuy vậy, tôi không phải là kẻ chỉ biết suy luận một chiều, kẻ theo chủ nghĩa định hướng; tôi nói đi thì tôi cũng phải nói lại. Tôi cũng dự phóng đến những tình huống xấu bất ngờ; giả dụ như thế này nhé: tối ngủ mà được gối đầu lên một cái đùi đầy đặn một vòng ôm, trắng nõn trắng nà, mịn ơi là màng, thì các giấc mơ hẳn là êm ái, bồng bềnh phải biết; nhưng nhỡ vô phúc trong giấc ngủ say, vợ mà gác cái đùi ấy lên bụng ta thì sáng mai ắt ta phải gọi thầy lang. Hay giả dụ, đời lại thay đổi một lần nữa, trở lại với ngày xưa. Ngày xưa ta nghèo, đi đâu cũng bằng xe đạp. Có khi đi từ thành phố này sang thành phố khác cũng bằng xe đạp. Thử tưởng tượng một vị anh hùng ốm nhách, cong lưng chở một mợ thuyền quyên béo tốt trên chiếc xe đạp cà tàng, lên một con dốc trong buổi trưa hè giời nắng chang chang, cảnh ấy eo ơi là rùng rợn! Nhưng mà ngày ấy đã qua rồi. Bây giờ nước Nam ta là một siêu cường trong việc tiêu thụ xe gắn máy. Bây giờ ta nghèo kiết xác, nhưng ta đi bằng xe cúp 50. Sau khi lấy được vợ béo, nếu chưa có tiền mua xe hơi, xe Dilan, Vespa… đời mới, thì ta chỉ cần mang cái xe cúp cà tàng 50 phân khối ra tiệm, bảo thợ nó xoáy nòng thành 90 phân khối thì có mà chở voi cũng được, huống chi là chỉ chở nàng.
Tóm lại, hỡi những phụ nữ đang béo, đã béo và vẫn béo, tôi xin thống thiết thay mặt tất cả những người đàn ông có cùng sở thích yêu vợ béo trên khắp thế gian này, mà tuyên bố với các bạn rằng: chúng tôi vô cùng yêu mến, tự hào, sung sướng vì sự hiện hữu của các bạn. Chính các bạn đã làm cho cuộc sống trên thế gian này hoành tráng hơn, phong phú hơn và màu mỡ hơn. Tôi cũng kiêu hãnh mà tuyên bố rằng: Hạnh phúc trên cõi nhân gian này là lấy được vợ béo. Tôi chỉ nhắc khẽ các bạn một điều là: Hãy cảnh giác với những người phụ nữ có thân hình mảnh mai, thon thả, thậm chí gầy guộc; bởi đó là những người có nhiều khả năng cuỗm đi cái đấng đức ông chồng của các bạn. Đơn giản chỉ vì cái lũ đàn ông xưa nay vốn nhẹ dạ và ngu xuẩn, chỉ luôn chăm chăm đi tìm kiếm cái mà họ không có, hay chưa có. Khi đã có một nàng cá voi quá sức yêu kiều, họ lại mơ về một… con cá khô lưỡi trâu, gầy mỏng như que củi. Tôi gọi là họ là “họ”, là vì tôi thấy mình có niềm vinh dự không có mặt trong cái đám đông đàn ông xoàng xĩnh đó.
Như đã nói ở đầu bài, tôi là kẻ đang lẩn thẩn tự hỏi rằng nếu mình muốn sống với một ai đó thì người ấy nên là người như thế nào, nên gầy hay béo? Có khi bạn trách rằng tôi đang nói những điều mà tôi chưa từng biết, chưa từng kinh qua. Xin khoan. Vì theo tự điển của thiền sư “sát thủ đầu mưng mủ” đã định nghĩa, rằng “minh triết như cha điếc”; hay nói nôm na là hãy ba hoa về những điều mà mình chưa từng biết như một cha nội điếc, mà hổng sợ súng.
Bùm bùm… Bùm!
Tuesday, 15 May 2012 00:00
Nam Đan
Tôi đang sống một mình. Có khi tôi lẩn thẩn tự hỏi rằng nếu mình muốn sống với một ai đó thì người ấy nên là người như thế nào. Tất nhiên, ai mà chả muốn người ấy hiền ngoan, giỏi giang, nết na, thông minh, công dung ngôn hạnh; tức là có đủ các đức tính của một người vợ tuyệt vời; và điều quan trọng nhất – nếu không nhất thì cũng nhì, tuy nhiên, tôi vẫn muốn nó là nhất – là nàng phải đẹp.
Nói cho cùng thì gã đàn ông nào mà không háo sắc cơ chứ? Có lẽ trên đời chỉ có ba kiểu người không háo sắc, một là mù, hai là điên, và ba là các vị tu hành đạo cao đức trọng, các vị là đàn ông nhưng không có, hay diệt được, những nhu cầu bản năng, để là đàn ông; tuy nhiên, có thể họ không còn háo sắc theo nghĩa ham muốn dục lạc thông thường, nhưng tôi nghĩ họ vẫn là những người biết thưởng thức, hân hưởng cái đẹp của người khác phái qua đường thị giác (À quên, ngoài ra còn có một dạng ra vẻ đạo đức giả cầy, dạng bịp bợm ra vẻ một đời không đoái hoài gì đến nhan sắc phụ nữ, để cống hiến… cách mạng; nhưng cái dạng người đó không đáng để ta bàn đến ở đây). Có điều, trong mắt mỗi người đều có một tiêu chuẩn, một mô thức riêng về cái đẹp, về người đẹp. Do đó, có người thấy thế này là đẹp, thì người kia lại thấy là xấu. Trong một số bộ lạc đang sống ở Phi Châu thì giai nhân phải có những vành tai được / bị căng ra to hết mức, mũi thì bị những mũi nhọn làm đồ trang sức xiên qua; những hình thái mỹ thuật mà người ở nơi khác vừa ngó thấy là có thể bị ngất xỉu; và ngược lại, chắc hẳn họ thấy những hoa hậu của chúng ta là vô duyên, nhạt nhẽo, bợt bạc, không hấp dẫn chút nào. Ngay cả trong một không gian, một đất nước, như nước Ý chẳng hạn, thì cái đẹp của người phụ nữ cũng thay đổi theo thời gian; từ những người mỡ màng, tròn trịa, phốp pháp của thời Phục Hưng đến các giai nhân gầy guộc, lỏng khỏng, vai gầy cổ cao, “như cánh vạc bay”, chỉ xương và da, như một số cô người mẫu của thời hiện đại.
Hôm qua, tình cờ tôi đọc được bốn câu ca dao như thế này: “Giời mưa cho ướt lá khoai / U ơi u lấy vợ hai cho thầy / Có lấy thì lấy vợ gầy / Đừng lấy vợ béo nó đánh cả thầy lẫn u.” Và tôi không tin điều đó. Tôi không tin rằng có người con nào lại đi khuyên mẹ mình (u) lấy vợ cho bố mình (thầy), mà lại khuyên rất chi li về chuyện nhân dạng gầy hay béo của người vợ hai dự tưởng như vậy. Chẳng những không tin, mà tôi còn “cực lực phản đối”. Tôi phản đối bằng bài viết này. Có phải ca dao tục ngữ bao giờ cũng đúng đâu? Ngoài chuyện ca dao này là một nhận định chủ quan có tính cách vi phạm nhân quyền, có tính cách phân biệt về hình vóc, nhân dạng của con người ra, thì nó còn sai lạc rất trầm trọng. Dù rằng câu ca dao này đã có lời cảnh báo, nhưng tôi vẫn tin rằng không có gì hạnh phúc và sung sướng bằng lấy được vợ béo. Này nhé, các vị chê vợ béo vì sợ vợ đánh, hãy nghe cho rõ đây này: nếu mình lúc nào cũng tình tứ, cũng hiếu đễ với vợ, thì làm sao mà vợ lại nhẫn tâm hành hung mình? Mà vợ có đánh thì mình chạy. Béo phục phịch thế kia thì làm sao mà đuổi? Đuổi được mấy bước thì có mà đứng thở dốc và mình đã bay biến mất tiêu rồi. Thậm chí, nhỡ vợ quyết tâm đánh thì cũng nên đứng lại cho nàng thoi vài thoi thì đã làm sao cơ chứ? Có lỡ gãy dăm ba cái xương sườn thì cũng đã mất gì, hại gì, mà chắc chắn còn được lưu danh thiên cổ là người biết yêu vợ. Tóm lại, có thể kết luận ngay rằng được vợ béo đánh là một hạnh phúc, thậm chí còn là một vinh quang.
Nhưng trước hết là, hãy xét về góc độ kinh tế. Chính sách một vợ một chồng hiện nay mang nặng chủ nghĩa bình quân; có bao giờ bạn nghe câu “cá kể đầu, rau kể mớ” chưa nhỉ? Một vợ là một vợ, một chồng là một chồng. Bất kể béo hay gầy cũng được kể là một. Do đó, những người lấy được vợ béo sẽ được lời to: 40 ký lô vợ cũng bằng 80 ký lô vợ, phải không nào? Tôi hỏi bạn chứ như thế có phải là lời to hay không?
Thứ hai là, xét về chất lượng. Các cụ ta đã dạy: “Nom mặt mà bắt hình dong, con lợn có béo cỗ lòng mới ngon”. Cứ theo lẽ ấy mà suy ra thì tấm lòng của một người vợ béo chắc chắn phải ngon hơn, bổ hơn, chất lượng hơn tấm lòng của những người vợ chưa béo, sắp béo, hay tệ hơn, không bao giờ béo.
Thứ ba là, xét về góc độ cảm giác. Ngày tôi còn thanh xuân, lũ thanh niên làng tôi thường truyền nhau một quan niệm chọn vợ bằng hai câu ca dao, cũng là lục bát: “Chẳng tham nhà ngói Honda / Chỉ tham cái dáng đẫy đà của em”. Dạo ấy, nhà ngói, xe gắn máy Honda là quý lắm, là niềm mơ ước của biết bao người, là mục tiêu tiến đến của xã hội chủ nghĩa, vậy mà chúng còn không so được với cái dáng đẫy đà của em. Còn bây giờ, bạn hãy tưởng tượng thế này nhé. Khi ta đi cày về, lòng dạ ta đang sảng khoái, tâm hồn ta đang ngây ngất vì thành quả công việc thật tốt đẹp. Bất chợt, ta nhìn vào trong phòng ngủ. Chao ôi, vợ ta đấy, vợ ta đang ngủ đấy. Cha ôi, đầy chật một giường, cả vợ là vợ. Nước da nàng hồng lên, mái tóc nhung nàng xõa xuống đôi bờ vai đẫy đà ươm mộng. Lúc ấy, khó mà cầm lòng để không ngâm lên câu thơ thơ mộng bất diệt: Đừng tìm đào nguyên đâu xa xôi / Đào nguyên trên giường này đây thôi… Và biết đâu, trong trạng thái ngất ngây ấy, ta lại chẳng dạt dào cảm xúc mà thốt lên tiếp những vần thơ mượt mà, óng ả cỡ như thế này: “Thịt với da mê mải chảy xung quanh”. Tôi có một gã bạn làm thơ mà mọi nguồn cảm xúc đều bắt nguồn từ người vợ béo yêu dấu của gã. Gã có những câu thơ rất nổi tiếng như “Vợ ta đó, rộng mênh mông / Lăn qua lăn lại… vẫn không ra ngoài”. Rồi những khi cao hứng, hắn còn nghêu ngao hát những câu đại loại như là: “Anh như con tàu trôi trong niềm sung sướng - Vợ một bên và vợ… cũng một bên”. Sướng chưa nào, lấy một người vợ mà ngó bên này là vợ của mình, ngó bên kia cũng vẫn là vợ của mình, thì còn gì mà lại không sung sướng!
Tuy vậy, tôi không phải là kẻ chỉ biết suy luận một chiều, kẻ theo chủ nghĩa định hướng; tôi nói đi thì tôi cũng phải nói lại. Tôi cũng dự phóng đến những tình huống xấu bất ngờ; giả dụ như thế này nhé: tối ngủ mà được gối đầu lên một cái đùi đầy đặn một vòng ôm, trắng nõn trắng nà, mịn ơi là màng, thì các giấc mơ hẳn là êm ái, bồng bềnh phải biết; nhưng nhỡ vô phúc trong giấc ngủ say, vợ mà gác cái đùi ấy lên bụng ta thì sáng mai ắt ta phải gọi thầy lang. Hay giả dụ, đời lại thay đổi một lần nữa, trở lại với ngày xưa. Ngày xưa ta nghèo, đi đâu cũng bằng xe đạp. Có khi đi từ thành phố này sang thành phố khác cũng bằng xe đạp. Thử tưởng tượng một vị anh hùng ốm nhách, cong lưng chở một mợ thuyền quyên béo tốt trên chiếc xe đạp cà tàng, lên một con dốc trong buổi trưa hè giời nắng chang chang, cảnh ấy eo ơi là rùng rợn! Nhưng mà ngày ấy đã qua rồi. Bây giờ nước Nam ta là một siêu cường trong việc tiêu thụ xe gắn máy. Bây giờ ta nghèo kiết xác, nhưng ta đi bằng xe cúp 50. Sau khi lấy được vợ béo, nếu chưa có tiền mua xe hơi, xe Dilan, Vespa… đời mới, thì ta chỉ cần mang cái xe cúp cà tàng 50 phân khối ra tiệm, bảo thợ nó xoáy nòng thành 90 phân khối thì có mà chở voi cũng được, huống chi là chỉ chở nàng.
Tóm lại, hỡi những phụ nữ đang béo, đã béo và vẫn béo, tôi xin thống thiết thay mặt tất cả những người đàn ông có cùng sở thích yêu vợ béo trên khắp thế gian này, mà tuyên bố với các bạn rằng: chúng tôi vô cùng yêu mến, tự hào, sung sướng vì sự hiện hữu của các bạn. Chính các bạn đã làm cho cuộc sống trên thế gian này hoành tráng hơn, phong phú hơn và màu mỡ hơn. Tôi cũng kiêu hãnh mà tuyên bố rằng: Hạnh phúc trên cõi nhân gian này là lấy được vợ béo. Tôi chỉ nhắc khẽ các bạn một điều là: Hãy cảnh giác với những người phụ nữ có thân hình mảnh mai, thon thả, thậm chí gầy guộc; bởi đó là những người có nhiều khả năng cuỗm đi cái đấng đức ông chồng của các bạn. Đơn giản chỉ vì cái lũ đàn ông xưa nay vốn nhẹ dạ và ngu xuẩn, chỉ luôn chăm chăm đi tìm kiếm cái mà họ không có, hay chưa có. Khi đã có một nàng cá voi quá sức yêu kiều, họ lại mơ về một… con cá khô lưỡi trâu, gầy mỏng như que củi. Tôi gọi là họ là “họ”, là vì tôi thấy mình có niềm vinh dự không có mặt trong cái đám đông đàn ông xoàng xĩnh đó.
Như đã nói ở đầu bài, tôi là kẻ đang lẩn thẩn tự hỏi rằng nếu mình muốn sống với một ai đó thì người ấy nên là người như thế nào, nên gầy hay béo? Có khi bạn trách rằng tôi đang nói những điều mà tôi chưa từng biết, chưa từng kinh qua. Xin khoan. Vì theo tự điển của thiền sư “sát thủ đầu mưng mủ” đã định nghĩa, rằng “minh triết như cha điếc”; hay nói nôm na là hãy ba hoa về những điều mà mình chưa từng biết như một cha nội điếc, mà hổng sợ súng.
Bùm bùm… Bùm!
Comment