Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông

    Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông


    1. Thảm Cảnh Vượt Biên – Nguyễn Hà Tịnh

    Hy vọng, qua những dòng chữ được viết bằng máu và nước mắt của chính những người trong cuộc, qúy độc giả, với tấm lòng xót xa và những giọt nước mắt đau đớn của những người tỵ nạn cộng sản cùng cảnh ngộ, sẽ hiểu được,...tội ác của chánh phạm CSVN đằng sau muôn ngàn bi kịch rùng rợn của người vượt biển.

    VỤ THỨ NHẤT: 87 người bị giết

    NHÂN CHỨNG : Bà Nguyễn Thị Thương 36 tuổi, tốt nghiệp Đại Học Hoa Kỳ, tu nghiệp tại Paris, Pháp. Trước 1975 Bà là Giáo sư Đại Học Bách Khoa Thủ Đức. Bà Thương vượt biển cùng chồng là Giáo sư Trần Quang Huy, phân khoa trưởng Văn Khoa Đại Học Saigon, cùng với Mẹ ruột, cậu, 2 em trai, 2 em dâu, 4 cháu gái và một con gái nhỏ 3 tuổi. Nhưng chỉ còn Bà, con gái nhỏ của bà, một người em trai của Bà và một em gái của chồng sống sót.

    Ghe mang số SS0646 IA dài 13 m 5, chở 107 người khởi hành từ Rạch Giá ngày 01 tháng 12 năm 1979. Ra khơi được 3 ngày, thuyền chạy về hướng Thái Lan, khi đã gần tới đất liền thì gặp bọn cướp biển vào ngày 03/12/1979. Hai tàu cướp ThaiLan cặp hai bên hông thuyền tị nạn, bọn cướp đã ùa sang với súng và dao. Vì ghe thuyền Việt Nam quá chật hẹp, bọn hải tặc đã lùa 27 người sang tàu của chúng cho dễ lục soát vàng bạc của cải.

    80 người còn lại bị khám xét cướp hết vàng bạc, vật qúy. Sau đó bọn cướp buộc giây vào ghe Việt Nam vào đuôi tàu của chúng và kéo chạy. Chúng xả hết tốc lực, chạy lượn vòng qua lại làm ghe tị nạn nghiêng chìm như một trò chơi. Dân tị nạn la khóc, lạy van cho tới khi ghe chìm hẳn. Bọn cướp biển cắt giây nối và chạy bỏ mặc 80 người vùng vẫy tuyệt vọng, trong khi 27 người tị nạn trên tàu của chúng vật vã khóc ngất nhìn xuống biển chứng kiến người thân đang dãy dụa chết chìm.

    Bọn hải tặc chạy thẳng về đảo sào huyệt KO KRA của chúng mang theo 27 người mà chúng đã tách đem lên thuyền chúng trước đó. Nhưng gần tới đảo, chúng xô đẩy tất cả đàn ông xuống biển, buộc họ bơi vào đảo. 7 người dàn ông này đều bị chết đuối vì không đủ sức bơi hoặc không biết bơi để có thể vào đến bờ, trong số này có Giáo sư TRẦN QUANG HUY. Còn lại 20 người sống sót sau cùng đã bị bọn cướp đưa lên đảo và lập tức chúng lại lục soát, sờ nắn khắp thân thể để tìm kiếm vật quý con cất giấu trong người. Bà BTD (xin viết tắt, giấu tên) 26 tuổi có con 4 tuổi, bị dẫn ngay vào bụi hãm hiếp mặc dù Bà đang mệt lả không đứng dậy nổi vì đói khát, kinh hoàng.
    Sau đó, trong suốt 8 ngày liền bị giam giữ trên đảo, 20 thuyền nhân còn lại này đã bị quần thảo hành hạ bởi nhiều toán cướp biển khác nhau hàng ngày đổ bộ lên đảo. Các phụ nữ, cô gái phải chạy vào rừng hoặc leo lên hốc ẩn tránh. Nhưng vẫn không thoát khỏi tay bọn dâm tặc. Một lần Bà BTD quá mệt mỏi không còn sức chạy trốn nổi, đang nằm ngất ngư và được mọi người săn sóc thì bọn hải tặc lại ùa đến, đuổi tất cả mọi người chung quanh đi chỗ khác và 4 tên Thái man rợ luân phiên hãm hiếp tàn nhẫn ngay tại chỗ, khiến bà ta bị kiệt lực nằm im lìm không nhúc nhích được nữa.

    Đến ngày thứ 3 trên đảo, một tàu Thái, bên hông có ghi chữ POLICE số 513 tới đảo. Bọn cướp rút lui, chạy tàu ra xa. Chiếc tàu Cảnh Sát neo sát bờ biển, họ chỉ nhìn vô bờ nhưng không lên đảo. Những người tị nạn Việt Nam mừng rỡ tưởng được cứu thoát, một thanh niên tị nạn bơi ra mang theo một lá thư cầu cứu bằng tiếng Anh để gởi cho giới chức Cao Ủy Liên Hiệp Quốc. Nhưng chưa bơi tới nơi đã bị tàu Cảnh Sát Thái nổ súng bắn xuống biển cảnh cáo. Anh ta hoảng hốt bơi quay trở vào bờ. Sau đó mọi người lại đề cử một thiếu niên 15 tuổi liều mình bơi ra cầu cứu lần nữa. Cậu này đã được Cảnh Sát cho lên tàu, nhưng chỉ cho vài gói mì và đuổi xuống biển ngay. Cuối cùng tàu Cảnh Sát này bỏ đi. Sau này mới biết họ đã không hề báo tin vào đất liền.

    Ngay sau khi tàu Cảnh Sát bỏ đi bọn hải tặc lại lên đảo và tình trạng tồi tệ tiếp tục diễn ra. Đến ngày thứ năm, một tàu Hải Quân Thái Lan đi ngang qua đảo, nhóm người tị nạn chạy ra sát bờ vẫy gọi, làm hiệu và lần này chiếc tàu Hải Quân đã cho người lên đảo tiếp xúc và nhận bức thư nhờ chuyển về cho Cao Ủy Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan. Ngày thứ tám, Ông SCHWEITZER Đại diện Liên Hiệp Quốc tại TháiLan ra đón họ vào đất liền.

    Không lâu sau đó Bà NGUYỄN THỊ THƯƠNG sinh thêm đứa con gái út trong trại tị nạn Song Khla và Bà sống tại đó với một đứa con gái 3 tuổi và người em trai của Bà và một em gái của Ông TRẦN QUANG HUY. Lúc bắt đầu rời Việt Nam Bà THƯƠNG đã có thai gần 9 tháng, chính nhờ vậy trong những ngày trên đảo KO KRA, Bà đã không bị hải tặc hãm hiếp.

    Bà NGUYỄN THỊ THƯƠNG kể lại câu chuyện trên rồi khóc lặng lẽ và nói: "Chồng tôi và tôi đã đoán trước những thảm cảnh có thể xảy ra trên biển. Nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận ra đi vì chúng tôi đã nghĩ rằng, dù thế nào cũng ít tệ hại hơn là sống dưới chế độ Cộng sản. Nhưng những đau khổ tôi đang phải chịu đã vượt qua dự đoán của chúng tôi".

    VỤ THỨ HAI: 70 thuyền nhân Việt nam tị nạn bị giết

    NHÂN CHỨNG : Ông Vũ Duy Thái 44 tuổi, đi cùng vợ là Bà Đinh Thị Bằng 40 tuổi cùng 4 con và 2 cháu. Hiện chỉ còn mình Ông sống sót.

    Ghe VNKG 0980 dài 14 m, bề ngang 2 m 2 chở 120 người khởi hành từ Rạch Giá ngày 29 tháng 12, 1979. Lúc 7 giờ sáng ngày 31/12/1979 gặp tàu hải tặc Tháilan. Tàu này sơn màu đỏ cam, mang số 128 ở đầu mũi, gồm 12 tên cướp võ trang súng dài và dao, búa, rìu. Tàu của chúng phóng tới húc vào làm nứt bể mũi ghe tị nạn. Bọn hải tặc nhảy qua và lập tức phá máy ghe làm thủng thêm vết nứt, nước bắt đầu tràn vào. Bọn chúng lục soát chụp giựt đồng hồ, nhẫn vàng v.v... trong lúc nước nước tràn vào ghe của người tị nạn càng nhiều hơn và bắt đầu bị chìm dần sau khoảng 1 tiếng đồng hồ.

    Khi ghe chìm hẳn, đàn bà, trẻ con la khóc hoảng hốt níu kéo lẫn nhau. Bọn cướp nhảy xuống biển và chỉ chọn lựa cứu các cô gái trẻ đẹp. Lúc đó tàu của bọn hải tặc neo đậu cách đó 50 m. Bọn cưới đã lôi kéo về tàu chúng 5 cô gái. Một số đàn ông và thiếu niên tị nạn biết bơi cũng lội về phía tàu của chúng và bám leo lên. Nhiều người bị xô đẩy xuống, nhưng vì chúng ít người nên cuối cùng còn 50 người sống sót leo lên được tàu của chúng kể cả 5 cô gái được chúng cứu trước đó. Những người này đã chứng kiến trước mắt 70 người còn lại bị chết chìm dần dần. Mọi người nhìn thấy những bàn tay chới với ngoi lên khỏi mặt biển rồi mất hút.

    Ông Vũ Duy Thái rời Việt Nam cùng vợ và 4 con, 2 cháu. Riêng Ông trong lúc hỗn loạn đã bơi bám vào tàu hải tặc và níu được vợ và một đứa con. Còn 3 đứa con khác và 2 cháu thì bị chết chìm. Tuy nhiên vợ và đứa con còn lại của Ông đã bị uống nước quá nhiều, khi kéo lên được thì không còn nhúc nhích. Ông hi vọng dùng phương pháp hô hấp nhân tạo sẽ cứu sống được, nhưng bọn hải tặc đã quăng vợ và con Ông xuống biển trở lại cho chết luôn.
    Anh Phạm Việt Chiêu, 26 tuổi là tài công kể lại chính anh và một số đàn ông khác còn khoẻ đã vớt được một số người chưa chắc đã chết hẳn mà có thể chỉ mới bị ngất xỉu nhưng bọn hải tặc đã bắt bỏ họ xuống biển lại. Sau đó tàu hải tặc trực chỉ đảo KO KRA và chúng giam giữ nạn nhân trên đảo.

    Ngày 1/1/1980, một chiếc tàu Hải quân Thái mang số 18 đến đảo vào ban đêm có võ trang vũ khí. Mọi người mừng rỡ tưởng được cứu thoát. Nhưng những người lính Hải quân chẳng chút thương tâm đoái hoài đến dân Việt tị nạn đang lâm cảnh khốn cùng, họ chỉ lo việc khám xét bằng cách bắt tất cả mọi người lột bỏ quần áo trần truồng kể cả đàn bà con gái rồi bỏ đi.

    Ngày 2/1/1980 một tàu Hải quân Thái khác mang số 17 lại tới đảo. Lính Thái lại ùa lên lục soát. Tất cả phụ nữ bị lột truồng không còn mảnh vải che thân công khai trước đám đông để bọn lính này sờ nắn khám xét như để tìm vũ khí kẻ nào có giấu diếm. Sau đó, chúng rút về tàu đậu gần bờ biển và đến trưa ngày 4/1/1980 mới bỏ đi.

    Trong thời gian hải quân Thái làm việc, bọn cướp vắng mặt nhưng ngay sau khi lính Thái vừa bỏ đi thì lập tức 4 chiếc tàu hải tặc tràn người lên đảo. Bọn cướp lại lục soát thêm nhiều lần nữa. Dĩ nhiên những nạn nhân VN khốn khổ chẳng còn gì để chúng cướp bốc nữa. Chúng luân phiên nhau hãm hiếp phụ nữ tại chỗ giữa ban ngày.Chúng chẳng cần tìm chỗ nào kín đáo để làm hành động thú tính này. Năm em gái Việt Nam: KH 15 tuổi, BT 17 tuổi, AH 12 tuổi, NY 11 tuổi và MT 15 tuổi bị chúng cưỡng hiếp tập thể ngay trước mắt mọi người.

    Lẽ ra, thảm kịch còn kéo dài chưa biết đến ngày nào chấm dứt, nếu không may mắn được vị cứu tinh là Ông SCHEITZER Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc xuất hiện kịp thời cứu giúp và kết thúc thảm ác trạng này. Ông đã đến đảo KRA trên một chiếc tàu Cảnh Sát Thái lan.

    VỤ THỨ BA: Hải tặc Thái bắt gái VN bán vô ổ điếm

    NHÂN CHỨNG : Nguyễn Thị Ánh Tuyết 17 tuổi đi cùng chị là Bà Nguyễn Thị Năm bà này đã bị hải tặc giết trước đó và Công Huyền Tôn Nữ Mỹ kiều 17 tuổi.

    Ghe không số, dài 10 m, chở 78 người, khởi hành tại NhaTrang ngày 08/12/1979. Ra khơi được 3 ngày thì hết nhiên liệu và thực phẩm, thuyền lênh đênh trên biển trong 10 ngày. Thời gian này có 12 trẻ em đã bị chết vì đói khát. Thi thể các em phải bỏ xuống biển. Đến ngày 21/12/1979 gặp 2 tàu hải tặc Tháilan. Bọn cướp buộc giây vào ghe VN với tàu của chúng, dùng vũ khí ép buộc tất cả mọi người qua tàu chúng để lục soát.

    Bà Nguyễn Thị Năm 33 tuổi đang mang thai 5 tháng, đi cùng chồng là Ông Lê Văn Tư và 3 đứa con 9 tuổi, 5 tuổi và 3 tuổi. Cả 3 đứa trẻ này đã chết trong thời gian 10 ngày ghe bị trôi lênh đênh trước đó. Bà NĂM quá đau khổ và mệt mỏi không còn đủ sức leo qua tàu hải tặc khi chúng ra lịnh. Bọn cướp đã xốc nách Bà lên nhưng Bà vẫn nằm im, một tên cướp liền dùng xẻng xúc cá đập túi bụi vào đầu Bà NĂM. Bà đã bị nứt sọ chết ngay tại chỗ và chúng xô xác Bà xuống biển.

    Mọi người kinh hoảng vội leo sang tàu hải tặc để cho chúng có chỗ trống lục soát, phá phách, xét quần áo, thân thể tìm đồ qúy. Sau đó tất cả đàn ông bị bắt nhốt vào hầm nước đá, đàn bà chúng cho ở trên sân tàu để sờ mó nghịch ngợm. Rồi chúng lùa thuyền nhân tị nạn qua trở lại chiếc ghe đã thủng nát. Khi đến ghe thì một người đàn ông đã chết vì đã bị giam giữ trong hầm nước đá lạnh cóng. Chiếc ghe tị nạn lại tiếp tục thả trôi lênh đênh trong nỗi tuyệt vọng cùng cực của mọi người.

    Ngày hôm sau, hai chiếc tàu hải tặc khác lại đuổi theo, tới gần vùng đảo KO KRA chúng lại lên ghe lục soát cướp bốc. Lần này 3 thiếu nữ xinh đẹp nhất bị chúng bắt đem đi. Con thuyền tị nạn lại tiếp tục trôi trong tình trạng vô cùng bi đát. Máy ghe bị hư hỏng, không thức ăn, nước uống và ghe thì đã ngập nước vì lúc đó tất cả đàn ông đã quá đói khát không còn đủ sức tát nước nữa. Không ai biết số phận 70 người còn lại trên chiếc ghe khốn cùng đó, lúc này ra sao?

    Hai chiếc tàu hải tặc chia nhau 3 cô gái VN. Hai cô N.T. Ánh Tuyết và Mỹ Kiều bị chiếc tàu của tên SAMSAC làm chủ bắt giữ. Còn chiết tàu kia bắt Cô LAN 17 tuổi mang đi mất hút, cho tới bây giờ không còn nghe tin tức gì về Cô ấy nữa. Hai cô ÁnhTuyết và Mỹ Kiều bị bọn SAMSAC mang vào đất liền, nhốt trong một khách sạn tại Songkhla. Chúng tách rời hai cô ở phòng riêng khác nhau. Ánh Tuyết bị một tên, được nghe gọi là BÍT canh chừng. Còn Mỹ Kiều thì ở chung phòng với tên SAMSAC.

    Ánh Tuyết kể lại là Cô đã la hét kêu ầm lên khi tên BÍT định cưỡng hiếp Cô, khiến mọi người ở các phòng chung quanh cùng khác sạn đa số là người Tây Phương đổ xô tới xem và tên BÍT đã bỏ chạy. Riêng tên SAMSAC ở phòng gần đó nghe tiếng ồn ào vội đem Mỹ Kiều đi giấu trong một khách sạn khác ở tỉnh Haadyai cách Songkhla hơn 30 Km. Khi cảnh sát đến điều tra, chính cô Ánh Tuyết đã dẫn CảnhSát đến bến tàu Songkhla, nơi có chiếc tàu của bọn SAMSAC vẫn còn đậu đó và các thủ phạm hải tặc đã bị bắt kể cả tên SAMSAC mà Cảnh sát đã tìm thấy hắn sau đó cùng với Cô Mỹ Kiều tại khách sạn nói trên.

    Tại Ty Cảnh Sát chúng đã khai là định bán hai Cô gái này cho một đường giây chuyên buôn gái cho các ổ điếm.
    Trên đây, chúng tôi chỉ đưa ra một vài vụ điển hình thuyền nhân Việt Nam bị thảm nạn hải tặc Tháilan hành hạ, giết chóc xảy ra trong tháng 12-1979 tại đảo KO KRA. Tưởng cần nhắc lại rằng tệ nạn hoành hành của hải tặc THÁI không phải vào thời gian này mới xuất hiện. Trong mấy năm trước 1979 khi ở Việt Nam khởi sự có làn sóng Thuyền Nhân VƯỢT BIỂN TÌM TỰ DO thì người Việt tị nạn của chúng ta đã trở thành những con mồi ngon cho bọn hải tặc THÁI.

    Báo chí trên thế giới cũng đã nhiều lần đề cập đến thảm kịch kinh hoàng mà "BOAT PEOPLE" đã phải chịu khổ nạn. Tuy nhiên kể từ khi các ngư phủ THÁI nhận thấy việc cướp bóc Thuyền Nhân sẽ làm cho họ trở nên giàu có mau chóng hơn là đánh cá thì số ngư dân Thái kiêm thêm nghề hải tặc đã ngày trở nên đông đảo, đưa tới hậu quả là người VN đi tị nạn bằng đường biển càng ngày càng bị rơi vào mạng lưới của bọn cướp biển dày đặc bủa vây trong khắp vùng Vịnh Thái lan.

    NGUYỄN HÀ TỊNH







  • #2
    Đời Tôi Không Còn Gì

    Đời Tôi Không Còn Gì - Đông Đoàn


    Bài viết này, xin được coi như một nén hương dâng lên cầu xin cho linh hồn chồng và con gái tôi được yên nghỉ trong Chúa .

    Tiếng trẻ con la thất thanh làm tôi giật mình tỉnh giấc, thì ra đó là một đoạn trong cuốn phim ma chồng tôi đang xem. Những cảnh trong cuốn phim làm tôi nhớ lại tất cả những gì hãi hùng đã xảy ra trong chuyến vượt biển đó. Cho dù thời gian qua đã lâu, xong tôi không thể nguôi ngoai được. Nỗi niềm đau đớn này tôi không biết tỏ cùng ai nhất là với người chồng hiện tại - Vì người chồng và đứa con gái trước đó của tôi đã chết và mất tích kể từ ngày kinh hoàng đó.

    Con thuyền nhỏ bé rời bến Vũng Tàu được hơn một ngày, mọi người thở phào nhẹ nhõm vì nghĩ mình đã thoát nạn. Một số lên boong tầu thở không khí trong lành của biển cả sau bao ngày chui rúc ở dưới khoang chật chội và hôi hám. Con tầu cứ lầm lũi tiến thẳng trong đêm. Ngày hôm sau trời quang đãng, bỗng trở nên u ám. Gió ngày càng thổi mạnh. Rồi những giọt mưa quất ồ ạt xuống mui tầu. Về chiều, gió thổi càng mạnh hơn, con tầu lắc lư muốn bể ra từng mảnh. Trong khoang tầu, tiếng đàn bà, trẻ con la khóc, tiếng người nôn oẹ, tiếng cầu kinh...Mọi âm thanh hỗ tạp đó càng làm tăng thêm sự sợ hãi cho mọi người.
    Tôi cùng chồng và hai đứa con ngồi ở một góc tầu, hai đứa tay làm dấu thánh và cất giọng đọc bài kinh sám hối. Con tầu vặn mình trong cơn bão, tiếng cọt kẹt của những miếng ván tôi tưởng chừng như chúng vỡ đến nơi. Ở trên buồng lái, người tài công cố ghìm bánh lái đưa con tầu thoát cơn bão. Mặt trời ló rạng cũng là lúc cơn bão đã qua. Mọi người bơ phờ, mệt mỏi nhưng mừng rỡ vì vừa thoát chết. Con tầu tả tơi rùng mình băng tới trước. Qua ngày thứ ba trên biển khoảng chừng bốn giờ chiều bỗng có tiếng la: " Có tầu phía trước ". Mọi người mừng rỡ leo lên boong tầu, họ cầm tất cả những thứ gì có thể cầm được, quơ lấy quơ để hy vọng chiếc tầu kia nhìn thấy họ và quả thật, chiếc tầu đã nhìn thấy họ. Nó từ từ tiến lại gần chiếc tầu vượt biên nhỏ bé. Khi hai chiếc kề nhau mọi người mới tá hỏa thấy hai ba tên cầm sùng nhảy qua tầu họ. Chúng nói điều gì không ai hiểu, bỗng một tên trong họ cất tiếng, hắn nói tiếng Việt Nam bập bẹ: " Bọn tao là cướp biển, bỏ hết vàng bạc ra, chống cự sẽ bị giết ".

    Sau đó cả bọn hơn mười tên ào tới lục soát tất cả mọi người, mọi nơi. Một lát sau không còn gì để lấy, chúng gom lại và xì xào điều gì đó với nhau, tên chỉ huy ra lệnh cho bọn chúng đem tất cả đàn bà, con gái sang bên tầu của chúng. Còn đàn ông, chúng gôm tất cả lại một góc ở trên boong. Tôi cũng là nạn nhân bị đem qua tầu hải tặc. Khi tên hải tặc cầm tay tôi lôi mạnh bắt đi theo hắn, tôi giật lại, cố ôm ghì đứa con trai mới hơn mười tháng tuổi trong đôi tay yếu ớt của mình. Giằng co một hồi thấy không thể kéo một mình tôi hắn đành đẩy tôi đi với cả đứa trẻ. Khi qua tới tầu bọn hải tặc, tôi thấy khoảng mười cô gái, không nói không rằng, cả bọn quẳng súng ống, giáo mác vồ lấy các cô, cô nào chống cự, chúng đánh không thương tiếc. Các cô gào khóc kêu cha mẹ cứu mình, chồng con cứu mình, còn tôi dùng hết sức mình đạp mạnh vào hạ bộ của tên hải tặc nãy giờ cố đè lên mình tôi. Hắn nhăn nhó đấm thẳng vào mặt tôi, đau đớn tôi ngã vật xuống sàn tầu. Tên này xé toạc tất cả quần áo tôi và tiếp tục hành động thú vật của hắn trong tiếng cười điên loạn. Tôi cố ngước nhìn đứa con trai nãy giờ bị vất nằm trên sàn tầu. Tôi tự nhủ phải cố sống vì con, tôi gồng mình chịu đựng. Sau khi tên này xong việc, hắn ra hiệu cho tên khác chạy đến. Hắn như con thú đói mồi, lao lên mình tôi, hắn vừa hãm hiếp vừa đánh tôi. Quá đau đớn tôi gọi tên chồng tôi, tôi gào tên con tôi. Chồng tôi đứng bên kia tầu, anh thấy tôi như vậy, anh vùng mạnh đôi tay chạy qua để cứu tôi. Một tên trong bọn chúng rút phăng cây mã tấu chém một nhát ngang cổ anh. Máu tuôn xối xả, anh ngã vật xuống tắt thở trong khi đôi mắt trợn trừng căm hận. Sau đó tên này đẩy xác anh xuống biển. Nằm bên này thấy rõ cảnh đó, tôi ngất đi, sau khi tỉnh lại. Tôi thấy mình và các cô gái khác nằm ở dười gầm tầu. Không biết bao lâu, chúng lại lùa chúng tôi lên để thay nhau hãm hiếp tiếp. Không biết bao lần tôi bị đẩy lên boong như vậy. Tôi muốn cắn lưỡi để tự tử, song nhìn lại đứa con nhỏ của mình tôi đành cắn răng cố sống vì con. Có thể đó cũng là động lực giúp tôi sống đến ngày hôm nay Ngày qua ngày, bọn hải tặc vẫn tiếp tục hành động bẩn thỉu của chúng. Sau khi chán chê, chúng thả chúng tôi lên một hòn đảo và may mắn thay, vài ngày sau cảnh sát tuần duyên Mã Lai phát hiện và đưa chúng tôi vào bệnh viện. Nhìn lịch, tôi đã thấy hơn nửa tháng từ khi tôi rời Việt Nam. Sau khi lành bệnh, họ đưa chúng tôi vào trại tập trung với những thuyền nhân đã tới trước. Thời gian này tôi cố dò hỏi về chiếc thuyền của chồng và con gái tôi ở trên đó nhưng không ai biết cả. Sau này tôi được một người cho biết chiếc tầu của chồng tôi đã bị bọn hải tặc đâm thủng cho chìm hòng giết người để bịt miệng.

    Tôi ở đảo được khoảng tám tháng. Sau khi phái đoàn phỏng vấn, tôi được cho đi định cư tại Mỹ - đến miền đất lạ, tôi không bà con, anh em, người bảo trợ cho gia đình tôi lại là người Mỹ - hai phong tục, hai ngôn ngữ khác nhau nên cuối cùng tôi lại trở nên đơn độc. Sau khi ở chung khoảng vài tháng tôi dọn ra thuê phòng ở khu chung cư có người Việt Nam, tôi mong được nghe tiếng mẹ đẻ nơi đất khách quê người - Tôi thầm cảm ơn trời, đã cho tôi đến được miền đất hứa. Nhưng mọi việc không suông sẻ như tôi nghĩ. Hằng đêm mỗi khi tôi nhắm mắt thì hình ảnh những tên hải tặc hiện đến, rồi hình ảnh chồng tôi với cái cổ đầy máu và đôi mắt trợn trừng lại về, tôi không thể dỗ giấc ngủ, không một ai chia sẻ nỗi buồn này, rồi tôi ngã bệnh cả tháng trời. Cuối cùng tôi cố trỗi dậy và tự nhủ phải làm một công việc gì để quên đi và để lo cho con trai tôi.

    Tôi gởi con rồi lao vào công việc để quên đi hết nỗi bất hạnh ập xuống đời tôi. Hết rửa chén bát đến nhặt rau nhà hàng...Ngày qua ngày, mỗi khi tôi đón con thì thằng bé đã ngủ say. Tôi hôn lên trán con mà nước mắt tuôn rơi.
    Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi, hết thu sang rồi đông đến. Thấm thoát tôi đã ở Mỹ được 16 năm rồi. Một ngày khi nỗi buồn nguôi ngoai, tôi bước thêm bước nữa. Người chồng này sống với tôi cho đến ngày hôm nay. Tuy vậy tôi chỉ cho anh biết tôi đi vượt biên và chồng cùng con gái đã chết trên biển - Tôi rất sợ nếu nói lên sự thật sẽ làm anh ghê tởm tôi và sẽ mất đi chỗ dựa cuối cùng này.
    Nhưng tạo hóa trớ trêu lại giáng tai họa xuống đời tôi một lần nữa.

    Một hôm đang làm việc, bỗng xếp của tôi gọi lên văn phòng và nói cho biết cảnh sát vừa gọi điện thoại cho biết con tôi theo đám bạn nhậu say rồi bắn lộn gây chết người. Hiện nó đang bị giam tại trại giam thành phố. Tôi thấy mọi thứ như sụp xuống đầu tôi. Đứng chết lặng một hồi, tôi cố lê đôi chân về nhà sắp sếp vài thứ rồi vội vã vào nhà lao thăm con. Khi tôi và chồng tôi tới nơi, mẹ con ôm nhau khóc, chồng tôi sau khi hỏi han, căn dặn con tôi vài thứ anh ra ngoài để mẹ con tôi tiện việc nói chuyện. Nhìn sâu vào mắt con, tôi dùng hết sức mình hỏi nó:"Tại sao con lại làm như vậy?" Tôi muốn hỏi nó thật nhiều và thật rõ nguyên căn sự việc, song chỉ nói tới câu sao con làm như vậy là nước mắt tôi tuôn tràn, cổ họng tôi không thể nói thêm được.

    Thằng bé bây giờ đã ra vẻ đàn ông trả lời: "Tất cả tại mẹ, mẹ lo công việc suốt cả ngày. Tháng này qua tháng khác, con lớn lên không cha, không mẹ bên cạnh. Khi con gặp khó khăn trong cuộc sống, con không biết hỏi ai, không biết bày tỏ với ai con đành phải đi tìm bạn bè và kết quả như ngày hôm nay, con không ân hận gì hết ". Nghe con nói lòng tôi tan nát, tất cả hết rồi, đời tôi không còn gì nữa. Tôi gục xuống tất cả cho định mệnh.


    Ghi chú : " Câu chuyện này là sự thật 100%, nhưng vì để giữ hạnh phúc cho gia đình sau này, Người viết bài đành phải dấu tên họ. Nên xin quý vị đừng ngạc nhiên khi người kể chuyện là đàn bà mà người ký tên là đàn ông. Xin cảm ơn."


    Atlanta 1/5/03 - Đông Đoàn






    Comment


    • #3
      Thủy Táng

      Thủy Táng


      Hồng Nhung


      Chiếc nắp hầm được mở toang, ánh sáng cùng gió biển mát rượi lùa vào chiếc hầm ghe đánh cá, xua đuổi bầu không khí ngột ngạt làm số người nằm xếp lớp như cá mòi dưới khoang ghe cảm thấy dễ chịu. Một cái đầu thò xuống cất tiếng:

      - Tới hải phận quốc tế rồi nghe bà con!

      Những tiếng reo vui, thở phào nhẹ nhõm đồng loạt phát ra từ bẩy chục cái miệng, phá tan bầu không khí nặng nề bao trùm trong hầm từ tối hôm qua. Mọi người như vừa được hồi sinh sau lời báo tin ấy. Những nụ cười tươi chợt nở trên môi từng khuôn mặt mệt mỏi phờ phạc vì say sóng. Có người làm dấu thánh giá, có người niệm phật. Niềm hy vọng trên từng ánh mắt. Một chặng khởi đầu của một cuộc hành trình định mệnh đã vượt qua một cách dễ dàng.

      Đám thuyền nhân, đa số tỉnh táo. Họ đang ngồi nói chuyện với nhau về tương lai. Bà Lời, chủ tiệm cầm đồ ở chợ Vườn Chuối, len đến ngồi cạnh bà Thiện tâm sự:

      - Chị biết không, nếu muốn mần ăn lớn thì nghe người ta nói phải qua bên Mỹ mới được. Nếu trời phù hộ tui qua đó bình an, tui sẽ ăn chay ba tháng rồi mở tiệm cầm đồ lấy lời chừng năm phân thôi.

      Bà Thiện chưa kịp góp lời thì bà Lời đã nói tiếp:

      - Chị biết không, ở bển nghe đâu người ta cho vay lời tới mười mấy, hai chục phân lận. Mình cho vay lấy ít thôi còn để lại phước cho con cháu. Phải không chị?

      Bà Thiện gật đầu, thật ra lòng bà vẫn còn nơm nớp lo lắng khi chiếc ghe còn lênh đênh nơi biển cả. Nhưng khi nghe bà Lời phác họa một tương lai, bà cũng cảm thấy nguôi ngoai nỗi lo. Bà chạnh nghĩ đến mười mấy cây vàng đã gởi cho ông em rể hiện còn kẹt lại quê nhà giữ giùm mà đâm ra tiếc. Nếu biết trước là ra khỏi nước một cách quá dễ dàng như thế này thì cần chi phải lo xa chuyện bị bắt sẽ phải nhờ ông em đút lót vàng cho công an để chuộc tự do cho gia đình bà.

      Bên kia, ông Thiện cũng đang quay sang nói chuyện với một người đàn ông đứng tuổi, dáng dấp bệ vệ, gương mặt có vẻ trí thức. Hai người nói chuyện có vẻ say sưa lắm.
      Người đàn ông khoa tay, rồi nói với một giọng quyết liệt:

      - Ra ngoại quốc, mình phải làm một cái gì cho đất nước. Đúng vậy, phải làm một cái gì để cứu sáu mươi triệu đồng bào đang lầm than đói khổ từng ngày. Nhất định mình phải làm một cái gì, phải thực hiện một cái gì, phải ráo riết xây dựng một cái gì. Anh biết không, ước vọng của tôi sau khi thoát ra khỏi tầm tay của Việt Cộng, tôi phải tổ chức một cái gì ra trò, để đập vào mặt chúng nó.

      Ông Thiện cất tiếng hỏi:

      - Nói như vậy, chắc anh cũng đã có một kế hoạch để hoạt động khi ra ngoại quốc phải không?

      Người đàn ông giơ ngón tay, chỉ vào đầu mình:

      - Tôi có cả trăm kế hoạch chứa trong này, nhưng sẽ tùy cơ ứng biến. Tôi sẽ đi chu du khắp thế giới để vận động một cuộc tranh đấu cho lý tưởng tự do. Đúng thế, phải biểu dương một cái gì...

      Ông ta ngưng lại một lúc như để lời phát biểu của mình ngấm vào tâm can người nghe, rồi hỏi ông Thiện:

      - Còn anh dự tính gì khi ra ngoại quốc không?

      - Tôi muốn tiếp tục làm nghề sinh nhai cũ của tôi, đó là nghề thầu khoán.

      Người đàn ông trợn mắt, lắc đầu:

      - Không được đâu, ra ngoại quốc muốn hành nghề gì cũng phải có bằng cấp đấy anh ơi! Rất tiếc anh không phải là quân nhân hay công chức quan trọng của chính quyền cũ nên không thuộc thành phần ưu tiên nâng đỡ của Mỹ.

      - Vậy anh thuộc thành phần nào?

      Người đàn ông tạo một nụ cười có vẻ bí mật:

      - Nói nhỏ anh nghe, tôi là nhân viên tình báo CIA của Mỹ đấy! Mai mốt nếu anh cần làm một cái gì, tôi sẽ sẵn lòng giúp đỡ.

      Bà vợ ông ta nằm mệt lả bên cạnh, trở mình ngồi dậy càu nhàu:

      - Làm cái gì! Hở ra là làm cái gì, cái gì! Muốn làm cái gì thì bây giờ ông đi lấy giùm tôi miếng nước uống coi.

      Người đàn ông liếc bà vợ, rồi vội vã đứng dậy, đi xin nước cho bà. Ở cuối khoang, một đám con gái đang nói chuyện về thời trang và son phấn ở ngoại quốc. Các bà thì đang tụm lại về đề tài gia chánh và vòng vàng, chuỗi hột. Không khí trong chiếc khoang chật hẹp trở nên vui như ngày hội. Họ chuyện trò thân mật. Niềm tin và hy vọng hiện lên trên nét mặt mọi người.

      Đêm hôm đó, mọi người đang ngủ ngon, chợt thức giấc vì chiếc ghe lắc quá mạnh. Tiếng sóng đập vào lườn nghe ình ình như tiếng trống. Nữ, cô gái con ông Thiện ngồi bật dậy, quay sang phía mẹ, nói:

      - Hình như có bão má à!

      Bà Thiện cũng lật đật ngồi nhỏm lên:

      - Làm gì có chuyện đó con.

      Như để trả lời bà Thiện, một cơn gió mạnh hất tung chiếc nắp hầm qua một bên rồi mưa tạt xuống khoang nghe xối xả. Mọi người nghe nhốn nháo. Tiếng sét nổ xé trời làm lũ trẻ con khóc ré lên. Hai đứa em của Nữ cũng ôm chặt lấy bà Thiện mếu máo làm ông Thiện cũng mất bình tĩnh. Ông qua sang bên ông bạn CIA hỏi:

      - Tại sao có bão mùa này vậy anh?

      Ông CIA lắc đầu, tay bám chặt lấy mấy thanh gỗ bên sườn ghe cho khỏi bị té:

      - Tôi đâu có rành về cái vụ đi biển. Có thể là một cơn bão bất ngờ.

      Bà vợ ông ta ôm chặt lấy thân chồng:

      - Mình phải làm sao bây giờ hả ông?

      Người đàn ông lắc đầu:

      - Tôi cũng như bà, ngồi chịu chết trong ghe chứ biết làm cái gì bây giờ!

      Chỗ gia đình Nữ ngồi ngay dưới nắp hầm nên lãnh trọn số nước mưa tạt vào. Gió mạnh rít lên từng hồi. Nữ vội nhoi đầu lên khỏi miệng hầm, đưa tay cố kéo chiếc nắp đậy lại, nhưng sức gió mạnh quá, đè chiếc nắp hầm dính sát sàn ghe. Chớp loé lên sáng rực cả bầu trời tối đen như mực. Mưa ướt sũng cả đầu tóc, mình mẩy nàng. Những hạt nước cứ thi nhau tạt vào mặt nàng đau rát. Bà Thiện thấy con gái đang lúng túng, vội quát chồng:

      - Trời ơi! Ông không đứng lên phụ nó một tay mà còn ngồi ngó chi không biết nữa!

      Ông Thiện chợt lấy lại tinh thần.Ông đứng lên toan đến bên Nữ để phụ nàng thì ghe lắc mạnh làm ông mất thăng bằng tè nhào xuống, đau điếng. Ông CIA bên cạnh ông Thiện cũng muốn đứng dậy để phụ cô gái, nhưng bà vợ vẫn nắm cứng lấy chân ông chồng nên không xoay sở được. Nữ cố bặm môi, cố sức dở chiếc nắp hầm, may lúc ấy, Vũ, người con trai của ông Tư tài công, cũng đã lòn xuống từ phòng lái, tới phụ nàng đậy chiếc nắp hầm rồi cài then lại. Vũ nói lớn:

      - Bão lớn quá!

      Nữ lo ngại hỏi:

      - Liệu ghe mình chịu nổi không hả anh?

      - Không biết nữa. Nhưng chắc là không sao đâu.

      Chiếc ghe lại lắc lư mạnh, nghiêng bên này, ngả bên kia kêu răng rắc làm đám hành khách thi nhau ói mửa. Thỉnh thoảng nó bị nhấc lên cao rồi lại rơi nhanh xuống khiến mọi người thót bụng. Mưa bão gào thét điên cuồng. Sấm sét nổ như xé trời. Từng khối nước biển thi nhau phóng lên không trung, rơi quật xuống chiếc ghe bé nhỏ.
      Đoàn người vượt biển trong khoang bị nhồi nhừ tử, đè cả lên nhau. Nhiều người bị lả đi vì bị ói quá nhiều. Tiếng mưa bão ngoài trời pha lẫn tiếng khóc của trẻ con, tiếng la hét của người yếu bóng vía, tiếng cầu kinh, niệm Phật, tiếng khóc, tiếng quát tháo của mấy người đàn ông trấn an vợ, náo loạn cả lên. Tất cả trong khoang ghe trở nên hỗn độn, kinh hoàng.

      Trên phòng lái, trời tối đen như mực, những ánh chớp nổ vang trời như muốn xé tan màn đêm. Từng đợt sóng cao dâng lên rồi đổ xuống chiếc ghe với một sức mạnh kinh hồn, làm như muốn đập tan nó ra thành từng mảnh vụn. Ông Tư tài công cột chặt thân người vào chiếc bục gỗ ngồi. Ông cố ghìm vững tay lái cho ghe lướt dọc theo triền sóng. Những cơn sóng cả và lôc đã làm chiếc ghe quay mòng mòng, ngụm lặn như muốn chìm. Vợ ông Tư tài công lo lắng cho chồng nên mò lên phòng lái. Bà ôm chặt lấy cây cột chống. Ông Tư tài công quát tháo, đuổi vợ xuống khoang, nhưng bà Tư vẫn đứng ì tại chỗ. Đã mấy lần bà suýt bị sóng cuốn đi. Dù không làm được gì trong phòng lái, nhưng bà cần có mặt bên chồng để chia xẻ nỗi nguy hiểm và yểm trợ tinh thần người lèo lái con thuyền.
      Một tiếng sấm nổ vang trời, tiếp theo là một cột nước khổng lồ dâng lên cao ập xuống phòng lái, nhổ phăng đi chiếc cột chỗ bà Tư tài công đang nắm. Người đàn bà kêu thất thanh, rồi ngã nhào, bị khối nước kéo tượt ra khỏi phòng lái. Những ngón tay của người đàn bà cố bấu mạnh xuống sàn ghe để níu lại nhưng cũng không cưỡng lại nổi sức nước cuốn. Ông Tư vội buông tay lái, nhào ra chụp lấy cánh tay vợ, thân người bà Tư đã bị tụt xuống dưới bên hông ghe, đong đưa. Chiếc ghe không người lái quay tròn, nghiêng ngả như muốn lật úp trong tiếng gầm thét của phong ba.

      Ông Tư một tay nắm lấy tay vợ, một tay níu lấy cái bệ cửa, cố ghì lại, nhưng một ngọn sóng khác kế tiếp quật lên sàn ghe, kéo người đàn bà tuột khỏi tay chồng. Ông Tư hét thất thanh:

      - Trời ơi! Vợ tôi!

      Nhưng tiếng sóng bão đã át đi tiếng thét thảm não của ông Tư tài công. Vũ chạy lên phòng lái. Kịp thấy cha mình sắp lọt xuống biển, chàng vội nằm rạp xuống, gắng sức kéo ông vào phòng lái. Ông Tư gào lên:

      - Vũ, má mày bị nước cuốn đi rồi!

      Vũ nghe nói hoảng hồn, nằm rạp xuống sàn, cố trườn tới lườn ghe nhìn xuống nước để tìm mẹ, nhưng dưới ánh chớp, bóng bà Tư mất dạng trong sóng biển. Tim Vũ se thắt lại. Chàng gào to:

      - Má ơi! Má ơi!

      Chiếc ghe bị sóng đẩy nghiêng hẳn về một bên như muốn lật khiến Vũ phải vội vàng bò lại phòng lái, điều khiển cho chiếc ghe nương theo sóng. Ông Tư tài công khuỵu xuống, ôm chặt lấy thành cửa ghe, lặng người đi. Ông chỉ muốn buông tay ra để chìm theo vợ.

      Mưa bão vẫn gào thét điên cuồng. Sấm sét nổ như muốn phá tan bầu trời đen kịt. Từng khối nước biển dâng cao vẫn tiếp tục thi nhau quật mạnh xuống chiếc ghe bé nhỏ, dưới khoang ghe, bà Quốc ôm chặt lấy chồng. Cái bào thai sáu tháng trong bụng hành hạ bà dữ dội. Bà cảm thấy bụng đau nhói lên như có ai cầm dao nhọn đâm vào. Bà quằn quại đau đớn, thét lên. Ông Quốc quýnh quáng quay sang ông bác sĩ quân y Tường nằm bên cạnh toan cầu cứu, nhưng ông bác sĩ duy nhất trong ghe cũng đang ôm bụng gập người xuống, mửa tháo ra.

      Tình cảnh trong ghe thật là bi đát, hỗn loạn. Chợt chiếc ghe bị hất tung lên cao rồi rơi mạnh xuống như trời giáng. Lườn ghe lại kêu rắc rắc, rồi phía hông bên trái bị một kẽ nứt, nước rỉ vào khiến mọi người hốt hoảng,ré lên:

      - Ghe nứt rồi! Nước tràn vô bà con ơi!

      Đám người mất tinh thần vội dồn sang một bên để tránh chỗ nước rỉ. Tiếng kêu khóc lại vang lên dữ dội. Một thanh niên bò tới chân thang hét vọng lên phòng lái báo động. Vũ phải giao tay lái cho ông Tư tài công, chạy xuống, tay cầm một bịch dầu trét ghe. Vũ hét to:

      - Đừng có dồn hết sang một bên, coi chừng ghe lật đó!

      Mặc chàng nói, chẳng ai thèm để ý. Vũ tới bên lườn ghe, móc dầu trét vào kẽ nứt. Mấy người đàn ông nữa tới nữa trét phụ với Vũ. Kẽ nứt ngưng rỉ nước. Đám người bấy giờ mới chia đều ra hai bên. Người nào cũng ráng bấu lấy những thanh gỗ nơi lườn ghe để khỏi bị xô vào nhau.
      Trên phòng lái, ông Tư cố nén đau thương đang cố gắng điều khiển chiếc ghe lướt trên triền sóng. Từng đợt sóng cả nhô cao rồi đổ xuống đập mạnh vào lườn ghe nghe ầm ầm làm thân ghe chuyển mình kêu răng rắc. Vũ cố gắng bò trên sàn ghe ra chỗ để thăm chừng những chiếc can nhựa hai mươi lít, chứa nước ngọt, nhưng xui xẻo, sợi giây thừng cột chúng lại với nhau bị đứt từ lúc nào, những can nước mất hết, chỉ còn xót lại ba can, nằm chênh vênh trên sàn ghe đang chờ sức sóng hất chúng xuống biển.

      Vũ hốt hoảng chụp lấy ba can nhựa đựng nước ngọt kéo vào trong, rồi chuyển chúng xuống miệng hầm cho đám thanh niên ở dưới khoang chất vào một góc. Dù sao thì trên biển cả, nước ngọt là mạng sống của con người. Nước mưa tạt xuống khoang làm những người bị ướt la ré lên, dồn tránh qua một bên, Vũ đậy nắp hầm lại. Một khối nước khổng lồ quật xuống thân Vũ khiến lồng ngực chàng tức như búa bổ. Vũ níu lấy đám lưới trên sàn ghe bò dần về phòng lái. Chàng thấy ông Tư tài công một tay đang ôm mặt, một tay lái ghe. Vũ hốt hoảng hỏi:

      - Ba bị sao thế?

      - Đầu tao bị đập trúng cái tay lái, hơi ê ẩm, nhưng không sao cả.

      - Liệu cơn bão này có kéo dài không hả ba?

      - Không biết nữa Trong ánh chớp, Vũ thoáng thấy trán ông Tư tài công rỉ máu. Chàng vội nói:

      - Ba xuống dưới kiếm cái gì mà băng đầu đi, để con cầm lái cho.

      Cơn bão vẫn nhồi chiếc ghe đáng thương cho đến khi mọi người đều nằm rạp vì say sóng, và họ thiếp đi trong mệt mỏi, rã rời...

      Cơn thịnh nộ của đại dương dịu dần cho đến tờ mờ sáng thì dứt hẳn. Bầu trời quang đãng. Trong ánh sáng của hừng đông, mặt biển lại phẳng lặng, hiền hòa như chẳng có chuyện gì đã xảy ra trong đêm qua.

      Nắng ban mai rực rỡ, chan hòa trên vùng nước màu xanh thẫm. Nữ lần lên trên sàn ghe để cho thoáng khí. Tiếng máy ghe đã im bặt từ lúc nào, chỉ còn tiếng sóng rì rào. Ông Tư tài công, ông Thiện và mấy người đàn ông nữa đang lui cui nơi phía sau đuôi ghe. Một người đàn ông hỏi:

      - Bánh lái bị trục trặc có sửa được không hả chú Tư?

      - Chưa biết rõ, còn coi cái đã.

      Mấy gương mặt chăm chú nhìn xuống vùng nước xanh. Nơi bánh lái, một cái đầu chợt trồi lên khỏi mặt nước. Mọi người nhận ra là Vũ. Ông Thiện nóng ruột hỏi:

      - Bị sao vậy?

      Vũ đạp cho người nổi lên, rồi đưa tay vuốt nước trên mặt:
      - Bánh lái gãy mất tiêu rồi!

      Câu trả lời như tiếng sét đánh ngang đầu mọi người. Ông Tư tài công hỏi vọng xuống:

      - Mày có coi kỹ chưa?

      Vũ bơi sát lại hông ghe rồi leo lên:

      - Coi kỹ rồi, vô phương!

      Nữ cảm thấy tim mình se thắt lại. Một người đàn ông lên tiếng hỏi với giọng lo sợ:

      - Còn cách nào cứu vãn không ông Tư?

      Ông Tư tài công lặng yên không nói. Nhìn nét mặt nghiêm trọng của ông tài công, người ta đoán được câu trả lời.

      Ông CIA nói lớn:

      - Bây giờ chúng ta phải làm một cái gì đi chứ?

      Ông Thiện quay qua hỏi ông ta:

      - Vậy chứ ông muốn làm cái gì bây giờ?

      Ông CIA giơ tay phác họa vào không khí:

      - Chẳng hạn như làm một cái bánh lái khác!

      - Lấy gỗ, sắt, cưa, bào đục đâu mà làm?

      Ông CIA nhún vai:

      - Cái đó là lỗi của các ông tổ chức không dự phòng trường họp này có thể xảy ra để mà đem theo một cái bánh lái sơ cua.

      Ông Tư khoát tay:

      - Bây giờ không phải là lúc chúng ta tranh luận nữa. Trận bão vừa qua đã làm gãy cái bánh lái, sóng biển còn cuốn hết cả nước uống và mấy thùng đồ ăn của chúng ta rồi. Chỉ còn ba can đựng nước duy nhất may mắn sót lại đang để dưới khoang. Tất cả chúng ta sẽ phải sống cầm hơi bằng ba can nước đó cho tới khi được tầu buôn cứu. Tôi đề nghị tất cả ưu tiên cho con nít và đàn bà.

      Mọi người nghe nói đều lo sợ. Cảnh biển thật đẹp, vậy mà lòng họ đang héo hon, u ám như bầu trời có giông bão. Nữ hỏi Vũ:

      - Tôi cảm thấy lo quá. Anh có nghĩ là tình trạng ghe mình trở nên nguy ngập không?

      Vũ thở dài:

      - Người ta có thể nhịn đói vài ngày không sao, nhưng thiếu nước chừng vài giờ thôi thì mọi người trên ghe đều xỉu cả.

      Câu trả lời tuyệt vọng của Vũ khiến nữ thật buồn. Nàng đưa mắt nhìn đại dương bao la, không bờ bến. Màu xanh thẫm của biển sao lạnh lẽo quá. Hình bóng tử thần như lảng vảng quang đây. Không ngờ chuyến đi tìm một sinh lộ cho đoàn người lại là con đường chết.

      Sóng vỗ nhè nhẹ vào lườn ghe trong tiếng gió biển vi vu, âm thanh buồn thảm. Nữ quay sang hỏi Vũ:

      - Tại sao mình không đốt khói lên để làm hiệu kêu cứ những chiếc tầu đi qua đây?

      Vũ trầm ngâm một chút rồi trả lời:

      - Tôi cũng nghĩ như vậy, nhưng chỉ sợ lỡ mấy thằng hải tặc Thái Lan nó kéo tới đây thì mình lại chết sớm nữa. Cứ thủng thẳng rồi tính.

      Nữ im lặng ngao ngán. Lại thêm một mối lo sợ nữa mà nàng quên, không nghĩ tới. Trên chiếc ghe này, phần lớn là đàn bà, con gái, chắc chắn họ sẽ là mồi ngon cho bọn hải tặc vô lương tâm.

      Ông Tư tài công bỏ ra mũi ghe đứng im lặng, nhìn xuống mặt nước, nét mặt buồn rười rượi. Cũng khung trời xanh, cũng nắng đẹp, cũng sóng biển hiền hòa này, ngày hôm qua ông và vợ con còn ngồi trong phòng lái bàn chuyện tương lai. Vợ ông mơ ước nếu gia đình ông được đến bất cứ một quốc gia nào thì ông nên tiếp tục làm nghề đánh cá như ngày xưa. Bà sẽ cố gắng cuốc xới một mảnh vườn nho nhỏ đằng sau nhà để trồng thêm những loại hoa mầu và nuôi vài con gà để lũ con và ông có thức ăn tươi. Bây giờ, người đàn bà hiền lành, chất phác đó đã nằm yên dưới lòng biển lạnh. Ông Tư tài công nấc lên, hai giọt lệ lăn dài trên đôi má nhăn nheo.

      Vũ đến bên ông lên tiếng an ủi:

      - Thôi ba cũng đừng buồn nữa. Trong hoàn cảnh khốn khổ này ai đi trước thì người đó yên phận. Những kẻ còn lại như chúng mình, nếu không có tầu vớt thì cũng chết dần mòn vì đói khát mà thôi.

      Ông Tư vẫn lặng im, đôi mắt rưng rưng nhìn biển khơi. Vũ thở dài. Chợt có tiếng la khóc dưới khoang rồi tiếng người ồn áo vọng lên làm Vũ hốt hoảng. Chàng nói với ông Tư:

      - Để con xuống dưới xem chuyện gì vậy.

      Nói xong Vũ tuột xuống mấy nấc thang. Chàng thấy một đám người bu quanh lấy bà Quốc. Người đàn bà mặt xám ngắt, nằm nghẻo đầu sang một bên. Ông Quốc nắm tay vợ khóc sướt mướt. Hai đứa nhỏ cũng gào thét bên mẹ. Bên cạnh, bác sĩ Tường buông cổ tay bắt mạch cho bà Quốc rồi lắc đầu:

      - Tim bà ấy ngừng đập rồi!

      Ông Quốc mếu máo, nhìn bác sĩ Tường với ánh mắt van lơn:

      - Bác sĩ làm ơn làm phước ráng cứu vợ tôi.

      Bác sĩ Tường thở dài:

      - Trong hoàn cảnh không có dụng cụ, không thuốc men, một chứng bệnh bình thường tôi cũng đành bó tay, huống chi bà ấy đang có thai, bị sóng biển hành đuối sức.

      Một bà lên tiếng hỏi:

      - Bác sĩ coi kỹ lại đi. Có thể bà ta chỉ ngất xỉu một lúc thôi?

      Bác sĩ Tường im lặng. Trong hoàn cảnh này ông cũng chẳng biết phải trả lời làm sao. Một linh mục mặc áo dòng đen, vẹt mọi người ra hai bên rồi chen vào ngồi bên xác người đàn bà xem xét. Đó là cha Tự. Ông Quốc nắm bàn tay lạnh giá của vợ, nhìn cha Tự sụt sùi nói:

      - Xin cha làm phép xác cho nhà con!

      Cha Tự quỳ gối làm dấu thánh giá rồi cất giọng đọc mấy câu kinh. Những người đi đạo cũng lên tiếng đọc kinh theo cha. Mọi người trong khoang đều cúi đầu mặc niệm.

      Buổi chiều hôm ấy, khi những tia nắng cuối cùng của mặt trời còn le lói phía chân trời Tây. Mọi người lên trên sàn ghe dự đám thủy táng bà Quốc. Thi thể người đàn bà được đặt nằm ngay ngắn trên sàn, không quan tài, không vải liệm. Chiếc ghe tắt máy, bềnh bồng trôi. Giọng cầu kinh trầm buồn của mọi người vang lên. Xong bài kinh, cha Tự ngước mắt lên trời, cất giọng buồn thảm:

      - Lạy Chúa! Xin Chúa hãy đón nhận linh hồn của bà Quốc và đứa hài nhi chưa chào đời , và yên nghỉ nơi nước trời.

      Người chết đã yên phận, nhưng còn đám thuyền nhân khốn khổ chúng con đây, đang tiếp tục một cuộc hành trình không bờ bến, đầy gian khổ. Xin Chúa hãy đưa chúng con thoát khỏi hiểm nguy mà bình yên đến được bến bờ tự do. A men!

      Lời cầu nguyện trầm buồn của cha Tự khiến nhiều người rơi nước mắt. Cái xác bà Quốc được mấy người đàn ông khiêng lên, đi tới sườn ghe. Ông Quốc và hai đứa con khóc oà lên. Một tiếng "ùm" khô khan. Thân thể người đàn bà bất hạnh nổi dật dờ một lúc như gởi lời vĩnh biệt, rồi chìm sâu dưới làn nước xanh biếc. Nét mặt buồn thảm hiện trên gương mặt của mọi người. Bác sĩ Tường nói vài lời an ủi ông Quốc. Mấy người đàn bà dỗ dành hai đứa trẻ cho chúng nín khóc. Sau đó mọi người lại lục đục kéo nhau xuống khoang ghe với tâm trạng buồn nản.

      Hai ngày nữa trôi qua trong lo âu thấp thỏm. Đám thuyền nhân trên ghe bắt đầu nếm mùi cực khổ. Ba can nước trên ghe đã được hạn chế sử dụng đến mức tối đa, chỉ được dùng để nấu cháo vì họ không thể ăn gạo sống được, và ưu tiên cho những đứa bé. Người lớn phải cố chịu đựng và chỉ được thấm môi khi quá khát. Người ta cầu mong có được một trận bão như hôm nào để có nước uống, nhưng quái ác thay trời cứ nóng như thiêu như đốt. Ban ngày mặt trời chói chang hừng hực lửa. Ban đêm những cơn gió hầm hập mang luồng không khí nực nội thổi luồn xuống khoang khiến da thịt mọi người như bị sấy khô đi. Ai nấy đều mang một giấc mơ ước được gặp chiếc tầu buôn nào đó đi ngang vùng biển này, cứu vớt họ.

      Bốn ngày nữa lại nặng nề trôi qua. Mưa vẫn không đổ xuống, và ca nước cuối cùng cũng vừa hết, khoang ghe bao trùm bầu không khí nặng nề khó thở. Người ta nằm bẹp trong khoang ghe mệt mỏi, những cặp mắt lo sợ nhìn nhau. Dường như bóng dáng Tử Thần đang lảng vảng quanh đây.

      Hưng Sâm, ông thương gia vùng chợ lớn, lả người gối đầu lên chiếc túi da đựng hai trăm cây vàng, và một túi nữ trang, tài sản của vợ chồng ông mang theo trong chuyến vượt biển này. Ông nuốt nước bọt. Chiếc lưỡi khô queo, đắng ngắt của ông không còn một chút nước. Trí óc ông lúc mê, lúc tỉnh. Ông đang tưởng tượng những ly nước đá lạnh trong vắt mà hằng ngày ông vẫn hắt đổ đi sau khi uống thừa. Bây giờ nếu có được, ông sẵn lòng đổi hai trăm cây vàng này để lấy một ly nước lạnh đó cho gia đình ông. Đời thật trớ trêu. Trong cuộc sống thường nhật, ông đâu có ngờ có ngày ông lại lâm vào tình trạng đói khát trong lúc ông đang nắm trong tay bao nhiêu tiền bạc như hôm nay đâu. Hối hận chợt dâng lên trong lòng ông, nếu biết như thế này thì ông không dàm bước chân xuống ghe để mạo hiểm.

      Màn đêm lại buông xuống. Đại dương lại bao trùm một màn đen ghê rợn. Những đứa trẻ con bắt đầu khóc đòi uống nước. Một đứa bé chừng một tuổi khóc ré lên trong lòng mẹ vì nó khát. Người đàn bà cố nhét vú của mình vào miệng con, nhưng vú chị không còn sữa. Đứa bé nhả vú mẹ ra, khóc lặng người đi. Người đàn bà ràn rụa nước mắt vỗ về con. Tiếng khóc của đứa bé yếu dần, chìm trong những tiếng khóc của những đứa trẻ lớn hơn. Đám cha mẹ của chúng ôm lấy con nghẹn ngào. Rồi những đứa trẻ lại lả người đi.

      Đêm dài lại nặng nề trôi qua. Chiếc ghe lâm nạn bồng bềnh trôi. Dưới khoang ghe, cơn đói khát đã bắt đầu hành hạ mọi người. Không còn ai đủ sức ngồi dậy vì mệt lả. Một thanh niên leo lên miệng hầm, lảo đảo đi tới lườn ghe. Vũ ngồi trên sàn ghe, thấy thế vội chạy ra la lớn:

      - Anh kia làm gì vậy?

      Thanh niên quay lại, mặt thất thần:

      - Tôi khát nước quá, muốn lấy nước biển uống.

      Vũ trợn mắt:

      - Bộ anh điên hả? Nước biển mặn chát, làm sao mà uống?

      - Tôi phải uống chứ không còn chịu nổi nữa rồi.

      Gã thanh niên nói xong lao mình xuống nước. Vũ nhào tới toan giữ tay anh ta nhưng không còn kịp nữa. Gã thanh niên chới với trong nước. Vũ vội vàng chạy đến đống lưới lấy một sợi dây thừng, quay lại hông ghe để tiếp cứu, nhưng thân hình gã thanh niên biến mất trên mặt biển.
      Vũ buồn bã đưa mắt nhìn xuống những đợt sóng biển nhấp nhô đập vào mạn ghe. Mắt anh rưng rưng khi nhớ đến mẹ mình. Chợt vũ đưa mắt nhìn ra khơi. Xa thật xa, có bóng dáng của hai chiếc ống khói tầu nhô lên khỏi mặt nước, với đám khói đang bay lên cao. Vũ mừng rỡ, chạy vào trong phòng lái lấy cái ống nhòm của lính, nhìn về phía hai chấm đen đang nhả những sợi khói mỏng. Ông Tư tài công đang nằm trên chiếc phản gỗ nơi phòng lái, vội ngồi nhỏm dậy hỏi dồn:

      - Có chuyện gì đấy Vũ?

      Vũ quan sát thật kỹ, rồi nói:

      - Có một chiềc tầu buôn mang cờ Pháp, nhưng nó ở quá xa.
      Ông Tư tài công mừng rỡ nói:

      - Vậy mình cầu cứu nó đi.

      Vũ trả chiếc ống nhòm cho ông Tư tài công rồi nói nhanh:

      - Để con đốt lửa làm hiệu.

      Vũ cởi phăng chiếc áo thun đang mặc tới chỗ phuy dầu chạy máy được hàn dính trên sàn ghe, mở nắp nhúng chiếc áo thung vào. Một người thanh niên vừa dưới khoang chui lên, cũng cởi chiếc áo mình ra đưa cho Vũ. Hai chiếc áo được bỏ trong chiếc thau nhôm méo mó, đốt lên, nhưng ngọn lửa quá yếu, và bị gió thổi bạt nên khói không bốc nổi lên cao. Gã thanh niên chạy lại nắp hầm khom người nói vọng xuống:

      - Mình gặp tàu lớn rồi bà con ơi. Tôi cần thêm một ít quần áo để đốt lửa cầu cứu họ tới vớt mình.

      Đám người nằm trong khoang nghe có tầu vớt như được uống thuốc hồi sinh. Họ ngồi nhổm cả dậy. Đám đàn ông vội cởi hết những cái áo đang mặc đưa cho gã thanh niên. Vài người còn sức lực vội leo lên khỏi miệng hầm để xem. Ngọn lửa nhờ có thêm quần áo bùng cháy cao hơn. Khói bay lên trời cuồn cuộn. Vũ hỏi ông Tư tài công:

      - Nó tới gần mình chút nào chưa?

      Ông Tư tài công nhìn xong, đưa ống nhòm cho Vũ lắc đầu buồn bã:

      - Nó quẹo mũi chạy hướng khác rồi.

      Vũ dán mắt vào chiếc ống nhòm. Tim chàng bỗng nhói lên khi thấy hai chiếc ống khói tầu mỗi lúc một nhỏ dần rồi khuất dưới mặt biển. Chàng thở dài nói với cha:

      - Nếu mình nhìn thấy họ thì chắc chắn họ cũng phải nhìn thấy mình đốt khói chớ. Như vậy có thể là họ bỏ rơi mình rồi. Đám đàn ông trên sàn ghe đang cố tẩm thêm dầu vào những chiếc áo đốt tiếp tục với hy vọng được các tầu khác cứu. Ngọn lửa cháy với ngọn khói đen lại bị gió thổi tạt nằm rạp xuống. Thêm một vài chiếc đầu nữa với gương mặt phờ phạc ló lên khỏi miệng hầm:

      - Tầu vớt đâu? Tầu vớt đâu?

      Đám người đốt lửa không buồn trả lời. Niềm thất vọng hiện rõ trong ánh mắt họ khi bóng dáng chiếc tầu đã biến mất nơi chân trời xa. Ông Tư tài công, Vũ và đám đàn ông, mặt buồn xo nhìn ngọn lửa bập bùng trên sàn ghe, tàn dần niềm hy vọng mong manh của họ vừa bừng lên đã lịm tắt đi. Đám đàn ông đứng ngó mông lung ngoài mặt biển một lúc, rồi lại chui xuống khoang với nỗi thất vọng. Chợt Vũ nghe có tiếng người la hoảng bên dưới khoang vọng lên:

      - Trời ơi! sao miệng đứa bé toàn máu không vậy nè?
      Vũ tụt xuống khoang. Một đám người bu quanh chị đàn bà có đứa con một tuổi, đứa bé nhỏ nhất trong ghe. Chị ta đang cho con bú. Thằng bé mút lấy mút để vú mẹ. Một dòng máu đỏ tràn qua mép đứa bé. Người đàn bà dựa thành khoang ghe, ôm con, đôi mắt nhắm nghiền, khuôn mặt lợt lạt. Bà Thiện vội lay mạnh chị đàn bà:

      - Nè chị! Tỉnh dậy mà coi con chị nó sao rồi.

      Chị đàn bà không mở mắt. Bà Thiện vội vàng kéo đứa bé ra khỏi lòng mẹ. Mũi và miệng đứa bé ngoe ngoe máu. Mọi người trợn to mắt kinh hãi khi thấy đầu vú người đàn bà có một vết cắn sâu vào thịt. Một cô gái sợ hãi quá la lên:

      - Trời ơi! Bà cắn vú cho con uống máu mình nè trời!

      Bác sĩ Tường vạch đám đông, chen tới, đặt người đàn bà ngay ngắn, rồi làm động tác hô hấp để cứu tỉnh người đàn bà. Máu ở đầu vú chị ta vẫn ứa ra. Người đàn bà khẽ mở đôi tròng mắt lạc thần nhìn những khuôn mặt lờ mờ đang vây quanh chị. Bác Sĩ Tường cúi mặt hỏi chị:

      - Tại sao chị làm chuyện dại dột vậy?

      Chị đàn bà thều thào:
      - Con...tôi nó khát....Tôi...muốn nó còn sống...Để gặp tầu vớt.

      Chị đàn bà nói xong nhắm nghiền đôi mắt lại. Bàn tay chị lạnh giá từ từ. Dòng máu đỏ trên núm vú chị đã ngưng chảy. Bác sĩ Tường bắt mạch cho nạn nhân rồi lắc đầu thở dài:

      - Tim chị ấy ngừng đập rồi!
      Có tiếng khóc đâu đây của vài cô gái. Cha Tự cũng có mặt. Cha vội quỳ xuống, làm dấu thánh giá đọc kinh cầu nguyện cho người qua đời. Bà Thiện bế đứa nhỏ, ngơ ngác hỏi chồng:

      - Sinh mạng những người trên ghe này đành phó thác cho Trời. Bây giờ mẹ đứa bé đã chết thì trong ghe chúng mình đành phải trông coi nó, chứ biết tính sao bây giờ Thằng bé con thấy người lạ bu quanh mình, nó khóc òa lên rồi bò tới bên xác mẹ. Bà Thiện phải kéo đứa bé ra, lau gương mặt dính ngoe ngoét máu của nó.

      Vài người đàn ông khiêng xác người mẹ xấu số ra hông ghe. Thêm một thây người nữa được trả về lòng biển. Đám thủy táng chỉ có Vũ, cha Tự, Bác sĩ Tường, ông Quốc và vài người đàn ông còn sức tham dự. Tất cả những người còn lại không đủ sức leo lên miệng hầm nữa. Hết nước, không thể nấu cơm, những nắm gạo sống được phân phát cho mọi người nhấm nháp cầm hơi, nhưng người ta cũng nuốt không nổi khi miệng ai nấy đều khô queo vì không còn nước.

      Chiều xuống thật mau. Không gian chuyển sang một mầu tối ám. Mặt trời đỏ ối như máu, tròn to như cái mâm, chìm một nửa xuống lòng biển xám. Những giải ánh sáng vàng cam, tím sẫm và xanh biếc còn bịn rịn, le lói ở cuối trời như muốn gởi lời chào từ biệt đám người bất hạnh. Chiếc ghe vẫn bập bềnh nhấp nhô như chiếc lá khô trôi giữa dòng sông. Biển sao lặng lẽ quá. Từng đợt sóng con vỗ nhẹ vào lườn gỗ róc rách.

      Trời nóng như một cái lò lửa. Những cơn gió oi ả vẫn lùa xuống khoang, hâm nóng mọi người. Ai nấy đều vã mồ hôi và khát xé cả họng. Vài đứa bé con đã ngất xỉu đi trên tay mẹ chúng. Lại thêm những tiếng khóc thảm thiết của mấy người đàn bà.

      Màn đêm buông xuống bao phủ mặt biển bao la. Vài đứa trẻ con co giật thân người, chờ chết bên những cái thân rũ liệt của cha mẹ chúng. Đứa bé mất mẹ lại khóc thét lên vì đói khát, Bà Thiện cố nhai miếng gạo sống để mớm cho thằng bé, nhưng miệng bà cũng chẳng còn tí nước bọt nào. Đêm hôm đó đứa bé lả đi, nằm bất động bên cạnh thân xác rã rời của bà Thiện. Mọi người đã quá đuối sức. Chẳng ai trong ghe còn sức lực và tỉnh táo để quan tâm tới đứa bé còn sống hay đã chết. Lác đác trong khoang ghe, những người già không còn sức chịu đựng cũng đang nằm bẹp trên sàn thoi thóp. Nếu không có những lồng ngực còn nhấp nhô thở nhẹ thì người ta tưởng như trong ghe toàn là xác chết, và chiếc ghe trở thành một quan tài nổi đang bồng bềnh trên biển.

      Trên sàn ghe, ông Tư tài công đã kiệt sức, nằm lả người trên chiếc phản trong phòng lái. Vũ cố gượng ngồi trên đám lưới canh chừng mặt biển. Dù sao, còn là thanh niên, Vũ vẫn còn sức chịu đựng hơn là mọi người trên ghe. Chàng đưa đôi mắt mệt mỏi nhìn lên bầu trời đen thẫm với hàng triệu vì tinh tú. Ánh sao sáng lấp lánh khi mờ khi tỏ. Chàng không hiểu ngôi sao bản mệnh của chàng và những người khốn khổ trên ghe này nằm ở góc trời nào. Chúng còn sáng hay lu mờ sắp tắt. Đầu óc Vũ như nặng trĩu bởi cơn buồn ngủ dữ dội đang kéo tới. Mắt chàng mờ dần đi và cứ phải chớp liên hồi mới có thể nhìn được cảnh vật. Vũ biết rằng bộ óc chàng thiếu nước. Có chịu đựng giỏi lắm cho tới bình minh ló rạng là chàng sẽ gục chết ở đây.

      Vũ đưa lưỡi liếm bờ môi khô, nứt nẻ của chàng. Lưỡi chàng cũng không đủ ướt để làm mềm bờ môi. Cơn gió nóng hầm hập của biển thổi qua khiến Vũ cảm thấy như muốn ngộp thở. Tiếng lao xao của sóng biển đêm như tiếng thì thào than khóc của hàng vạn oan hồn thuyền nhân cũng chỉ vì muốn xa lánh Cộng Sản để tìm một sinh lộ cho gia đình, cho đàn con nhỏ của họ sống trong no ấm và có tương lai mà họ đã ra đi tìm tự do để rồi phải chết chìm vì bão tố hay chết lần mòn giữa biển khơi vì cạn hết lương thực nước uống như chiếc ghe này. Vũ không hiểu thế giới bên kia như thế nào? Thế giới bên kia có những đau khổ, bất hạnh, chiến tranh, chết chóc, và hận thù như thế giới của những người đang sống này hay không? Tự nhiên Vũ cảm thấy tinh thần mình than thản lạ thường, một sự bình tĩnh để đón nhận giờ phút cuối cuộc đời. Thôi, nếu không tìm thấy được một mảnh đất tự do để có một hạnh phúc nhỏ nhoi, thì chết nơi lòng biển, Chúa, Phật cũng sẽ dẫn dắt linh hồn đám thuyền nhân bất hạnh này tới vùng đất thiên đàng của các ngài, thế cũng được an ủi lắm rồi.

      Chiếc ghe bất hạnh vẫn nổi bồng bềnh trong màn đêm dầy đặc. Gió rít từng hồi. Mặt đại dương đen sẫm như tương lai của biết bao thuyền nhân trong những chuyến hải hành khốn khổ, đi tìm tự do trong lòng biển đêm đầy giông tố, hãi hùng.



      Nguyễn Thị Hồng Nhung






      Comment


      • #4
        Phng99 có CD này không (giọng đọc của Ngụy Vũ) cho mình xin, mình tìm hoài mà vẫn chưa được. Xin cám ơn nhiều

        Comment

        Working...
        X