Có thể nói chẳng nơi nào sản vật lại phong phú như miệt vườn Nam Bộ. Một buổi trưa hè lạt miệng, sai sấp nhỏ nhanh nhảu len lỏi qua mấy liếp cây sau vườn là có dăm trái cam, trái bưởi ngọt thanh cổ họng hay lúc lắc chùm ổi giòn rụm kẽ răng, hoặc biết đâu còn cả quài chuối xiêm chín già, giấu mình kĩ sau những tàu lá mượt mà, xanh đến mát cả nắng ban trưa.
Cầm trái chuối trên tay, cũng nên bàn thêm một chút về việc ăn chuối. Ông bà ta xưa dạy rằng ăn chuối phải bẻ đôi trái chuối, ăn từng nửa, vỏ chuối phải lột ra từ từ giống như bông hoa đang nở rồi từ tốn cho vào miệng, vừa thưởng thức vị ngọt bùi dằn chút chua chua, vừa hít được mùi thơm làm dịu khứu giác, vừa nhìn được cái trắng nõn của ruột chuối. Ăn gắn liền với thưởng lãm, ấy mới đúng là con người lịch sự và phong nhã! Chuối cũng có nhiều loại mà cách ăn cũng khác nhau. Có loại ăn tươi khi chín như chuối xiêm, chuối cau.. Có loại ăn khi còn dốt dốt ngon mà đỡ ngán như chuối hạnh tiên, chuối già hương. Chuối sáp, chuối tá quạ thì phải nấu trước khi ăn. Riêng chuối xiêm (hay còn gọi là chuối sứ, chuối tây) chưa chín ăn có vị hơi chát, để chín già thì trong ruột vàng sẫm, ăn mềm mà ngọt dịu chứ không quá bùi dễ ngán như chuối già hay ngọt đậm như chuối cau. Lúc nông nhàn nằm vắt vẻo, đung đưa võng kẽo kẹt, con mắt xa xăm dõi theo cái xào xạc của tán lá làm lúng liếng những tia nắng trên khoảng sân, rồi chợt nhìn ra hàng hiên phát hiện quài chuối xiêm bỏ quên hôm nào vỏ đã thâm kim, chép miệng vài cái, rồi bật dậy, lột quả dừa khô, làm bánh chuối!
Chuối lột vỏ phải dùng dao đập cho dập ra, phải đập đều tay, chuối đập xong phải nhừ hết nếu không sau khi làm ăn sẽ lợn cợn. Xong rồi vắt nước cốt dừa, lấy một ít thôi, quấy bột gạo, cho thêm vài thìa đường cát trộn chung vào, nhớ dằn thêm chút muối. Sai đứa nhỏ nhanh chân ra bụi chuối đằng sau, chọn một vài tàu lá không già quá mà cũng không non quá còn nguyên vẹn, bảo nó cắt nhẹ tay một chút để tàu lá không bị rách ngang, mang vào lót xửng. Xửng và lá được thoa chút dầu, rồi đổ hỗn hợp chuối đã trộn đều vào, bắc lên hấp. Phần nước cốt dừa còn lại ở trên thì sên với lửa riu riu, cho đường, bột, tí muối rồi cắt thêm mấy cọng hành lá. Khi nắng chiều vàng bắt đầu rải mỡ màng lên đọt dừa soi bóng con mương nhỏ thì màu bánh chuối cũng đã trong lại – bánh chín rồi đó. Bánh chuối hấp chín cắt lát mỏng, chan nước cốt dừa lên, rắc thêm đậu phộng đâm nhuyễn hay ít mè rang. Chao ôi cái ngọt thanh thanh của bánh, cái bùi cái béo của nước cốt dừa, của đậu phộng, đượm thêm chút thơm của hành lại phảng phất hương quê từ tàu lá làm mê tơi vị giác, khiến cho lòng dịu mát. Bưng dĩa bánh ra gốc bưởi sau hè, trong râm mát của tán lá, tha thiết tiếng ve gọi hè, ta nuốt trọn cả tình quê.
Bánh chuối nhiều khi ăn với chút cầu kì, người ta thêm vào bánh bò, điểm xuyết chút xanh của bánh lá. Tôi còn nhớ, thuở nhỏ sống trong khu nhà tập thể của cơ quan mẹ, ngôi nhà cũ kĩ, tường quét vôi vàng loang lỗ, có khung cửa sắt chín ô luôn đầy ắp những tia nắng xiên xiên qua kẽ lá của cây xoài cổ thụ. Trong mơ màng giấc ngủ trưa, xa xa vang vọng tiếng rao “Ai ăn bánh chuối, bánh lá, nước cốt dừa hôn…”, lập tức tôi vùng dậy, chụp ngay cái dĩa để sẵn trên cũi gỗ, không quên xin mẹ vài trăm đồng lẻ phóng một mạch ra trước cổng cơ quan, vừa đúng lúc bà Hai hạ gánh bánh chuối xuống vệ đường. Người ta quen gọi bà là bà Hai bánh chuối, người gầy, dong dỏng cao, miệng hơi móm cùng nụ cười hiền hậu, nhanh tay cắt những bánh lá, bánh chuối, bánh bò rồi rưới lên 1 vá nhỏ vung nước cốt dừa thơm ngầy ngậy, riêng tôi, khách quen, lúc nào cũng được ưu tiên nhiều hơn một chút.
Bánh của bà Hai ngon lắm! Bánh chuối không quá ngọt, không quá béo, không quá dẻo, nó vừa đủ để người ta ăn xong vẫn thòm thèm. Bánh lá vừa thơm vừa ngòn ngọt vị đường, vị lá dừa nước, vừa ngai ngái mùi lá mơ, lại mang cái giòn dai của bột vừa chín tới. Bánh bò không dai mà xốp, có mùi thơm nhẹ thoảng chút chua nhẹ của rượu. Đặc biệt là nước cốt dừa, mèng đéc ơi, đó là vị nước cốt ngon nhất mà tôi đã từng ăn, nó thanh mà không gắt, bùi mà không ngấy, thơm dìu dịu của mùi dừa mới nạo, tịnh không một chút hăng hăng của dầu, lại hòa quyện với mùi hành lá được xắt mỏng rất khéo. Tất cả hòa quyện, tạo thành dĩa bánh đầy vung thực hấp dẫn, thực quyến rũ. Tôi ăn từ tốn từng miếng một, luôn chừa bánh chuối ăn sau chót, lại vét cho kì hết đến giọt nước cốt cuối cùng. Hôm nào ngủ quên, không mua được bánh thì lòng tiếc hùi hụi, hụt hẫng như đứa trẻ bị giựt lấy kẹo khi sắp đưa vào miệng, hụt hẫng như con kiến vàng bò ra bò vào cành cụt.
Có ngày mưa tưới nước ăm ắp lên khoảnh sân trước nhà, tiếng bà Hai bánh chuối như lạc đi giữa cái ào ạt của cơn mưa mùa hạ, cái dáng xiêu xiêu oằn nặng quang gánh gập ghềnh dẫm nước mà đi. Bà ghé vào hàng hiên của căn nhà tập thể để mời gọi “Hôm nay mưa, ế quá con ơi ….” Vậy là hôm đó khách quen cùa bà đã phá lệ mà mần luôn hai dĩa ngon lành. Mẹ tôi men theo hàng ba sang những nhà bên cạnh, gọi mọi người giúp làm nhẹ đi những chồng bánh ế chiều mưa. Bữa bánh tuy nhàn nhạt lẫn chút nước mưa nhưng thấm đẫm cái tình cảm thông, chia sẻ. Vị bánh thật lạ như được rưới thêm sự mừng rỡ, tươi tắn của nụ cười móm mém hiền từ. Sau này, cứ mỗi lần ăn bánh chuối, tôi lại nhớ da diết dĩa bánh ế chiều mưa hôm đó, ấm áp lắm!
Tuổi thơ tôi đầy ắp những lời rao, mà có lẽ “Ai ăn bánh chuối, bánh lá nước cốt dừa hôn ?” là lời rao quyến rũ nhất. Một món ăn dân dã, “nhà quê” lại hợp túi tiền luôn làm thỏa cái vị giác thòm thèm của đứa con nít đang lớn. Ăn bánh chuối, ta tiêu hóa cái hồn của đất, cái thanh sắc của cây lá miệt vườn và cả cái tình của người thôn quê khéo léo. Thoảng theo hương thơm dịu nhẹ chợt hiện về những miền kí ức trong trẻo. Cắn miếng bánh mà nhai từ tốn để thấy lòng chợt thanh thản, quay về ẩn ngụ trong tuổi thơ ăm ắp niềm lạc quan, vô tư lự.
Cầm trái chuối trên tay, cũng nên bàn thêm một chút về việc ăn chuối. Ông bà ta xưa dạy rằng ăn chuối phải bẻ đôi trái chuối, ăn từng nửa, vỏ chuối phải lột ra từ từ giống như bông hoa đang nở rồi từ tốn cho vào miệng, vừa thưởng thức vị ngọt bùi dằn chút chua chua, vừa hít được mùi thơm làm dịu khứu giác, vừa nhìn được cái trắng nõn của ruột chuối. Ăn gắn liền với thưởng lãm, ấy mới đúng là con người lịch sự và phong nhã! Chuối cũng có nhiều loại mà cách ăn cũng khác nhau. Có loại ăn tươi khi chín như chuối xiêm, chuối cau.. Có loại ăn khi còn dốt dốt ngon mà đỡ ngán như chuối hạnh tiên, chuối già hương. Chuối sáp, chuối tá quạ thì phải nấu trước khi ăn. Riêng chuối xiêm (hay còn gọi là chuối sứ, chuối tây) chưa chín ăn có vị hơi chát, để chín già thì trong ruột vàng sẫm, ăn mềm mà ngọt dịu chứ không quá bùi dễ ngán như chuối già hay ngọt đậm như chuối cau. Lúc nông nhàn nằm vắt vẻo, đung đưa võng kẽo kẹt, con mắt xa xăm dõi theo cái xào xạc của tán lá làm lúng liếng những tia nắng trên khoảng sân, rồi chợt nhìn ra hàng hiên phát hiện quài chuối xiêm bỏ quên hôm nào vỏ đã thâm kim, chép miệng vài cái, rồi bật dậy, lột quả dừa khô, làm bánh chuối!
Chuối lột vỏ phải dùng dao đập cho dập ra, phải đập đều tay, chuối đập xong phải nhừ hết nếu không sau khi làm ăn sẽ lợn cợn. Xong rồi vắt nước cốt dừa, lấy một ít thôi, quấy bột gạo, cho thêm vài thìa đường cát trộn chung vào, nhớ dằn thêm chút muối. Sai đứa nhỏ nhanh chân ra bụi chuối đằng sau, chọn một vài tàu lá không già quá mà cũng không non quá còn nguyên vẹn, bảo nó cắt nhẹ tay một chút để tàu lá không bị rách ngang, mang vào lót xửng. Xửng và lá được thoa chút dầu, rồi đổ hỗn hợp chuối đã trộn đều vào, bắc lên hấp. Phần nước cốt dừa còn lại ở trên thì sên với lửa riu riu, cho đường, bột, tí muối rồi cắt thêm mấy cọng hành lá. Khi nắng chiều vàng bắt đầu rải mỡ màng lên đọt dừa soi bóng con mương nhỏ thì màu bánh chuối cũng đã trong lại – bánh chín rồi đó. Bánh chuối hấp chín cắt lát mỏng, chan nước cốt dừa lên, rắc thêm đậu phộng đâm nhuyễn hay ít mè rang. Chao ôi cái ngọt thanh thanh của bánh, cái bùi cái béo của nước cốt dừa, của đậu phộng, đượm thêm chút thơm của hành lại phảng phất hương quê từ tàu lá làm mê tơi vị giác, khiến cho lòng dịu mát. Bưng dĩa bánh ra gốc bưởi sau hè, trong râm mát của tán lá, tha thiết tiếng ve gọi hè, ta nuốt trọn cả tình quê.
Bánh chuối nhiều khi ăn với chút cầu kì, người ta thêm vào bánh bò, điểm xuyết chút xanh của bánh lá. Tôi còn nhớ, thuở nhỏ sống trong khu nhà tập thể của cơ quan mẹ, ngôi nhà cũ kĩ, tường quét vôi vàng loang lỗ, có khung cửa sắt chín ô luôn đầy ắp những tia nắng xiên xiên qua kẽ lá của cây xoài cổ thụ. Trong mơ màng giấc ngủ trưa, xa xa vang vọng tiếng rao “Ai ăn bánh chuối, bánh lá, nước cốt dừa hôn…”, lập tức tôi vùng dậy, chụp ngay cái dĩa để sẵn trên cũi gỗ, không quên xin mẹ vài trăm đồng lẻ phóng một mạch ra trước cổng cơ quan, vừa đúng lúc bà Hai hạ gánh bánh chuối xuống vệ đường. Người ta quen gọi bà là bà Hai bánh chuối, người gầy, dong dỏng cao, miệng hơi móm cùng nụ cười hiền hậu, nhanh tay cắt những bánh lá, bánh chuối, bánh bò rồi rưới lên 1 vá nhỏ vung nước cốt dừa thơm ngầy ngậy, riêng tôi, khách quen, lúc nào cũng được ưu tiên nhiều hơn một chút.
Bánh của bà Hai ngon lắm! Bánh chuối không quá ngọt, không quá béo, không quá dẻo, nó vừa đủ để người ta ăn xong vẫn thòm thèm. Bánh lá vừa thơm vừa ngòn ngọt vị đường, vị lá dừa nước, vừa ngai ngái mùi lá mơ, lại mang cái giòn dai của bột vừa chín tới. Bánh bò không dai mà xốp, có mùi thơm nhẹ thoảng chút chua nhẹ của rượu. Đặc biệt là nước cốt dừa, mèng đéc ơi, đó là vị nước cốt ngon nhất mà tôi đã từng ăn, nó thanh mà không gắt, bùi mà không ngấy, thơm dìu dịu của mùi dừa mới nạo, tịnh không một chút hăng hăng của dầu, lại hòa quyện với mùi hành lá được xắt mỏng rất khéo. Tất cả hòa quyện, tạo thành dĩa bánh đầy vung thực hấp dẫn, thực quyến rũ. Tôi ăn từ tốn từng miếng một, luôn chừa bánh chuối ăn sau chót, lại vét cho kì hết đến giọt nước cốt cuối cùng. Hôm nào ngủ quên, không mua được bánh thì lòng tiếc hùi hụi, hụt hẫng như đứa trẻ bị giựt lấy kẹo khi sắp đưa vào miệng, hụt hẫng như con kiến vàng bò ra bò vào cành cụt.
Có ngày mưa tưới nước ăm ắp lên khoảnh sân trước nhà, tiếng bà Hai bánh chuối như lạc đi giữa cái ào ạt của cơn mưa mùa hạ, cái dáng xiêu xiêu oằn nặng quang gánh gập ghềnh dẫm nước mà đi. Bà ghé vào hàng hiên của căn nhà tập thể để mời gọi “Hôm nay mưa, ế quá con ơi ….” Vậy là hôm đó khách quen cùa bà đã phá lệ mà mần luôn hai dĩa ngon lành. Mẹ tôi men theo hàng ba sang những nhà bên cạnh, gọi mọi người giúp làm nhẹ đi những chồng bánh ế chiều mưa. Bữa bánh tuy nhàn nhạt lẫn chút nước mưa nhưng thấm đẫm cái tình cảm thông, chia sẻ. Vị bánh thật lạ như được rưới thêm sự mừng rỡ, tươi tắn của nụ cười móm mém hiền từ. Sau này, cứ mỗi lần ăn bánh chuối, tôi lại nhớ da diết dĩa bánh ế chiều mưa hôm đó, ấm áp lắm!
Tuổi thơ tôi đầy ắp những lời rao, mà có lẽ “Ai ăn bánh chuối, bánh lá nước cốt dừa hôn ?” là lời rao quyến rũ nhất. Một món ăn dân dã, “nhà quê” lại hợp túi tiền luôn làm thỏa cái vị giác thòm thèm của đứa con nít đang lớn. Ăn bánh chuối, ta tiêu hóa cái hồn của đất, cái thanh sắc của cây lá miệt vườn và cả cái tình của người thôn quê khéo léo. Thoảng theo hương thơm dịu nhẹ chợt hiện về những miền kí ức trong trẻo. Cắn miếng bánh mà nhai từ tốn để thấy lòng chợt thanh thản, quay về ẩn ngụ trong tuổi thơ ăm ắp niềm lạc quan, vô tư lự.
Phan Khắc Huy
Comment