Thơ, ở cực độ truyền cảm nhất là những câu “nhập thần”. Những câu là châu báu trời cho, những tứ là những kho tàng lộ diện, những vần là điệu nhạc vô biên. Ngày xưa Nghiêm Vũ đời Tống trong Thương Lang Thi Thoại đã viết đại ý, “Ðiểm tuyệt diệu nhất của thơ chỉ có một, đó là nhập thần. Thơ mà đạt tới mức nhập thần thì tận thiện tận mỹ. Và không thể thêm được bất cứ điều gì. Duy chỉ có Lý Bạch, Ðỗ Phủ đạt được thôi còn những người khác hiếm hoi lắm...”
Với riêng tôi, Ðinh Hùng có những câu thơ hoặc bài thơ “nhập thần” như Nghiêm Vũ diễn tả. Không biết tôi có chủ quan quá độ hay không, nhưng có nhiều bài thơ khi tôi đọc xong như bị lạc vào một thế giới của không gian thời gian nào và ngôn từ không đủ sức để giải thích những cảm giác huyền nhiệm ấy. Ðọc thơ Ðinh Hùng, cảm được những biểu tượng riêng, và nghe và thấy được những ngôn ngữ riêng của bản sắc độc đáo không bị trộn lẫn.
Ðọc, để thấy cảnh và người, ngôn ngữ và ý tưởng hòa đồng cùng nhau. Bản sắc của cảnh và nội tâm của người như có một tương quan mật thiết, cảnh gợi nên ý, ý gợi nên lời, lời gợi nên cảm... Ðọc bài Ðường Trưa, để thấy một phác họa người qua cảnh, của nỗi buồn mênh mang, đầy cảm xúc:
“Lá xanh che khuất đường trưa
Bóng thêu hoa nắng, lưa thưa điểm vàng
Trời cao lắng xuống trường giang
Hững hờ thay! Áng mây hàng trôi qua
Mây kia còn mải nghĩ xa
Hồ lim dim ngủ chói lòa ánh gương
Nhạc buồn một điệu thê lương
Kèn ve nổi tiếng xót thương mấy hồi
Buổi trưa ngừng giữa lòng tôi
Ái tình đỏ sắc hoa rơi đầu cành
Chừng nghe qua bóng lá xanh
Có chân ai lặng bước nhanh trong sầu?”
Thơ Ðinh Hùng đầy những khát vọng, của những giấc mơ, của tuổi hoa niên mới lớn, của những bước chân hăm hở vào đời. Thơ xôn xao giấy mực, thơ như tấm lòng trải rộng theo chiều bát ngát đất trời.
Khi tuổi trẻ, tấm lòng thường rộng mở với những mơ mộng trăng sao. Có một chút không bằng lòng với hiện tại, trí tưởng tượng mở ra đến tận những phương trời. Lúc ấy, thi ca góp vào những cánh tay mở toang khung cửa để mây lồng lộng trời cao và gió phiêu du muôn bến.
“Khi mới lớn tuổi mười lăm mười bảy
Làm học trò mắt sáng với môi tươi
Ta bước lên chân vẫn dạo bên người
Ngoài cặp sách trần ai coi cũng nhẹ
Ðời thấp thoáng qua học đường nhỏ bé
Phố phường vui cuộc sống mới lên hoa
Ta ngồi nghe những tiếng thị thành xa
Hồn lơ đãng mộng ra ngoài cửa lớp
Nắng thuở đó khiến lòng ta hồi hộp
Ta nhìn cao mới rõ bị giam cầm
Ôi tiếng nào vang mấy bức tường câm?
Không khí nặng mơ hồ thầy với bạn
Ta nhớn lên bước đường không giới hạn
Có lẽ đâu kìm giữ bởi tay người
Tuổi hoa hồng - kiêu hãnh của ta ơi
Tình đã hẹn ở trên đường nắng mới ...”
Ðọc những câu thơ như thế làm sao mà không xôn xao trong lòng. Thế giới mở ra, ôi sao mênh mông quá! Mê nhất là nhìn theo những cánh chim để trí tưởng tượng vút lên, cao rất cao lên đến đỉnh trời. Ôi tuổi trẻ hơn hớn xanh màu mắt và bồng bềnh bờ tóc bay. Ðọc thơ, để mường tượng một chân dung thi sĩ, nhà thơ Ðinh Hùng. Và cũng để hồi tưởng lại một thời của mình, ở thành phố Sài Gòn tràn đầy kỷ niệm. Những buổi trưa trốn học, nằm lăn trên bãi cỏ xanh, nhìn theo những sợi mây bay lãng đãng trên những ngọn cây dầu cao vút để hồn lơ mơ với giấc mơ, với những tà áo bay bay trong tưởng tượng, của những mắt liếc hẹn hò, của tâm tình xôn xao muốn ngỏ. Ðọc thơ để thấy mình là một chú gà trống ngu ngơ nhưng tưởng như một anh hùng vô địch oai hùng trong cuộc đời và lãng mạn trong cuộc tình. Ðọc thơ, để vô vàn những khao khát nổ bùng, của tưởng tượng về ngày mai, của tràn đầy hoa gấm và nồng hương tình ái...
Cuộc đời Ðinh Hùng như có một phận số riêng và thi ca cũng có một số phận khác. Cái thể chất ẻo lả cộng thêm tàn phá của nàng tiên nâu làm ông không có tuổi thọ. Thơ của ông, ngược lại, như không có tuổi và với lớp người đọc sau, luôn luôn có sinh động riêng và có đời sống văn chương dài hơn nhiều tuổi thọ.
Ngày 24 Tháng Tám là ngày giỗ Ðinh Hùng. Ông mất năm 1967, thọ 47 tuổi. Một đời thi sĩ có lẽ khá ngắn nhưng tác phẩm đã có đời sống dài hơn gấp bội. Hai tập thơ “Mê Hồn Ca” và “Ðường Vào Tình Sử” có những bài thơ được coi như là tuyệt tác của một thời kỳ văn chương nở rộ. Chương trình ngâm thơ “Tao Ðàn “ do ông chủ trương với tiếng nói mở đầu truyền cảm đã bao nhiêu năm trở thành một biểu tượng thi ca của miền Nam tự do.
Với những người làm thơ, Ðinh Hùng có vị trí của một vì sao Bắc Ðẩu. Khi miền Nam bị cộng sản miền Bắc xâm chiếm, nhà thơ Trần Dần đã nhắn vào cho gia đình nhà thơ Vũ Hoàng Chương, “Anh yên tâm, với chúng tôi, thơ của anh và Ðinh Hùng vẫn có giá trị để được trọng vọng như thời tiền chiến...”
Cũng như về sau, trong cuộc mạn đàm với các văn nghệ sĩ ở Huế, Trần Dần đã xác nhận một lần nữa tấm lòng trân trọng với thơ Ðinh Hùng trong khi Hoàng Phủ Ngọc Tường thì chê rằng thơ “lòe loẹt ghê ghê mùi son phấn thế nào ấy”. Khi được hỏi trong các nhà cầm bút thời tiền chiến thích ai nhất thì Trần Dần trả lời ngay; Vũ Trọng Phụng, Vũ Hoàng Chương và Ðinh Hùng. Và ông khẳng định: Ðinh Hùng là thi sĩ tượng trưng đầu tiên của Việt Nam với tập “Mê Hồn Ca”.
Ðinh Hùng thi sĩ và Ðinh Hùng nghệ sĩ đã có người tri kỷ là nhà văn Thạch Lam, một người cũng có tuổi thọ khá ngắn nhưng văn chương tài hoa. Ðinh Hùng đã làm bài thơ Gửi Hương Hồn Thạch Lam như muốn sẻ chia tâm sự với người chung mang nỗi niềm tâm sự:
“Nhớ xưa cùng bóng dạ lan hương
Anh với tôi nằm mộng canh trường
Giường kế bên cửa, hoa kề gối
Anh truyện sầu, tôi truyện mến thương
Tôi với anh giường chung mộng chung
Vì duyên thơ mới có duyên lòng
Anh buồn tự thuở trăng lên núi
Ấy độ tôi hoài ước lại mong
Ai biết lòng anh thương nhớ đâu
Gần nhau không nói, nói không sầu
Cầm tay hỏi mộng, buồn như tủi
Thầm hiểu anh thôi, lặng cúi đầu
Tôi cảm thương vì hai chúng ta
Tuổi đang xuân mà bóng sang già
Ðêm nào tôi mộng buồn riêng gối
Anh đã nằm yên dưới mộ hoa
Anh lánh mưa Xuân nép cửa sầu
Ðêm nằm ghê gió lạnh canh thâu
Gặp nhau nắm chặt tay lần cuối
Anh khép hàng mi chẳng nguyện cầu...”
Thời tiền chiến, giai phẩm Dạ Ðài với sự góp mặt của Trần Dần, Ðinh Hùng, Trần Mai Châu, Vũ Hoàng Ðịch... đã tỏ lộ một khuynh hướng thi ca mới của thơ tượng trưng. Và khuynh hướng này là một khuynh hướng nổi bật của thi ca Việt Nam với các tầm vóc như Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Ðinh Hùng, nhóm Xuân Thu Nhã Tập, Chế Lan Viên thời trước 1945...
Võ Văn Ái, trong tác phẩm “ Bốn Mươi Năm Thơ Việt Nam/1945-1985 “ đã viết về Ðinh Hùng như sau:
“...Ám ảnh vì cái chết từ lúc bé, Ðinh Hùng hướng về nguồn thơ tượng trưng... Vì tượng trưng là âm bản của thực tại. Như chết là âm bản của sống. Thơ tượng trưng thoát mình, rời xa thực tại đang sống, đi tìm cái khuôn âm bản để xem thực tại ấy có là mặt-mày xưa-nay vốn được đúc nặn từ đầu. Hay chỉ là những tam sao thất bổn? Thơ dựng lên khuôn mặt giai nhân, hoặc dựng lên cái tiền cảm bao quanh, tượng trưng cho khuôn mặt ấy, thì vẫn là niềm thơ như thật của muôn thuở. Ðó là giải thích theo tâm cảnh thơ Việt Nam. Trong thực tế, hầu như tất cả các nhà thơ tiền chiến đều chịu ảnh hưởng của các thi sĩ Pháp, đặc biệt là Beaudelaire, Mallarmé, Rimbaud. Cũng như sau này thi ca miền Bắc chịu ảnh hưởng của các nhà thơ Nga, và miền Nam lại tiếp tục chịu ảnh hưởng các nhà thơ Pháp với những Eluard, Aragon, Jacques Prevert...
Năm Ðinh Hùng lên 11, chị Tuyết Hồng, hoa khôi Hà Nội, đã tự tử trên hồ Trúc Bạch. Mấy tháng sau thân phụ chàng đau nặng rồi thất lộc. Chị Loan, một người chị khác lại mất ba năm sau. Qua năm 18 tuổi chớm mối tình đầu, Ðinh Hùng yêu một người có họ xa, nhưng người con gái măng tơ và liêu trai này cũng chết. Tập thơ Truyện Lòng in trong Ðường Vào Tình Sử năm 1961 chính là tập thơ đã sáng tác từ năm 1938. Tiếp đến người bạn thân yêu nhất của đời chàng là Thạch Lam cũng bỏ chàng đi năm 42 tuổi vì bệnh lao...
Bây giờ ta hiểu nỗi chết đã ám ảnh đeo đuổi Ðinh Hùng như hình với bóng, đốt thắp tâm tư chàng. Ðinh Hùng không chạy trốn, chàng hàm dưỡng ngọn lửa ấy cho nguồn thơ tượng trưng...”
Lúc còn sống, nhà văn Mai Thảo và nhà thơ Nguyên Sa cũng đặc biệt yêu mến thơ Ðinh Hùng. Nhiều lần, nhà văn Mai Thảo đã đọc hầu như gần hết tập thơ Mê Hồn Ca trong những buổi họp mặt văn nghệ. Chắc phải yêu mến lắm nên mới thuộc lòng như vậy. Với phong cách đặc biệt, kèm theo những nhận xét dí dỏm nhưng chính xác, ông đã làm thơ Ðinh Hùng thành một không gian thơ đặc biệt mà mọi người tham dự mãi năm tháng dài về sau không thể quên...
Nhà thơ Nguyên Sa cũng vậy. Ông thường nói về thơ Ðinh Hùng với tất cả những lời khen tặng. Khi tôi và ông cùng thực hiện tủ sách Tác Giả Tác Phẩm của nhà xuất bản Ðời, cuốn đầu tiên là viết về Ðinh Hùng...
Nhà văn Tạ Tỵ trong cuốn “ Những Khuôn Mặt Văn Nghệ Ðã Ði Qua Ðời Tôi” cũng đã phác họa chân dung Ðinh Hùng qua từng thời kỳ, khi trai trẻ đến lúc tham gia dòng thơ tiền chiến, từ lúc kháng chiến rồi hồi cư về Hà Nội, đến khi di cư vào Nam, làm chương trình thi ca Tao Ðàn...
“...Ðinh Hùng nhìn tôi nhếch mép cười, cái cười ngạo mạn vì lúc gặp Ðinh Hùng lần đầu, tôi là tên ‘mặt trắng’ còn Ðinh Hùng tuy chưa có tác phẩm nhưng đã được nhiều người biết tiếng. Ðây là trường hợp duy nhất của người làm thơ nổi tiếng trước khi có tác phẩm hoặc có nhiều bài đăng tải trên báo chí! Có lẽ thơ của Ðinh Hùng mới quá đi trước thời đại chăng?
Tôi mỉm cười xã giao bắt tay Ðinh Hùng. Ôi chao bàn tay gì bé và mềm thế, như tay đàn bà! Về sau này tôi được một người bạn cho biết, khi còn học ở trường Bưởi, Hùng cũng rất đẹp trai và ham tập thể thao lắm, đã bơi ngang Hồ Tây, tuy nhỏ nhưng thân hình cân đối và thi sĩ Huyền Kiêu, người bạn cùng lớp học đã mê Hùng như mê người tình, giống như trường hợp Xuân Diệu Huy Cận vậy. Ngoài tài làm thơ, Ðinh Hùng còn chơi nhạc, đánh đàn mandoline, những khúc nhạc của Mozart, Beethoven, và Beach rất hay. Hùng cũng biết vẽ lăng nhăng và chữ viết rất bay bướm. Khi học trường Bưởi, Ðinh Hùng phụ trách báo tay cùng với thi sĩ Huyền Kiêu. Ðinh Hùng ở một căn gác nhỏ trên đê Yên Phụ gần Ngọc Hà và bài thơ ‘Xin Hãy Yêu Tôi’ có những câu... ‘Tôi mở sẵn một phòng sầu bé nhỏ. Riêng một đèn, một gối một tình yêu... ’ ’ là chính căn gác này đã tạo cho thi nhân nguồn cảm hứng đó. Từ đầu đề yên phụ, buổi tối nào ‘đi xóm’ (tức đi hát cô đầu) thì thôi, còn không Ðinh Hùng cuốc bộ từ đó đến tiệm hút sau đền Bà Kiệu, phía bên Hồ Hoàn Kiếm, để họp bạn cùng vui thú yên hà. Ðinh Hùng năm ấy (1940-1941) hãy còn trẻ lắm, mới trên dưới 20 tuổi mà đã đam mê gắn bó với Phù Dung tiên nữ, dưới ánh đèn, mặt Hùng tái xanh, riêng đôi mắt sáng long lanh biểu lộ sự thông minh tuyệt vời...”
Riêng tôi, đọc hai tập thơ Mê Hồn Ca và Ðường Vào Tình Sử, đời sống có phảng phất của sương khói mơ hồ của kiếp khác. Thơ, là những bước chân đi trong những ảo tượng để trí tưởng tượng như những vỗ cánh khởi hành vào cõi mênh mang của kiếp nhân sinh.
Thơ Ðinh Hùng là bước chân về nguyên thủy. Ở đó, trời đất hoang vu, kiếp người quạnh quẽ. Sống hờ hững đôi khi trải theo tâm sự từ thức về trần, đi tìm lại quá khứ trong tiềm thức xôn xao cảm giác. Ngôn ngữ, là vang vọng của tấm lòng yếm thế, của lòng rời rã tự tình, để thoảng vẽ ra, những đôi mắt nhìn sang cõi bờ khác lạ, của một chân trời mà thực và mộng chen lẫn vào nhau.
Thi ảnh của Mê Hồn Ca, của tiếng ca bộ lạc, đầy những biểu tượng của núi non, của gió tuyết, của cỏ hoa tịch mịch, mỗi mỗi là hình dáng của mơ hồ, của sự liên tưởng nâng lên cao độ. Thi ảnh của Ðường Vào Tình Sử tương đối gần cận cuộc sống hơn, có thêm sinh khí của tình yêu thiết tha, của những tấm lòng mở ra và ngỏ với mọi người. Ngôn ngữ thơ có nhiều ảnh tượng có lẽ quen thuộc với cảm quan mà vẫn có sức lôi kéo từ những vị trí đắc địa cũng như những cánh cửa mở ra những chân trời và những phận người. Thơ, như những nét bút vờn. Thơ, là thi sĩ miệt mài đi trên con đường tìm kiếm lại chính mình, cái bản ngã có nét bàng bạc trong bức tranh nhân sinh mờ tỏ, có lúc rờn rợn màu trắng mênh mông, của trang giấy trinh bạch, của nỗi niềm mù khơi đến tận vô cùng.
Ðọc những câu thơ như:
“Rồi những đêm sâu bỗng hiện về
Vượn lâm tuyền khóc rộn sương khuya
Ðâu đây u uất hồn sơ cổ
Từng bóng ma rừng theo bước đi...”
Chúng ta sẽ cảm thấy gì? Cũng những ngôn ngữ có hơi quen thuộc đến có thể hơi sáo mòn. Nhưng kỳ lạ, có sức lôi kéo của những ý tưởng nảy từ bùa chú linh thiêng. Con đường đi, chập chùng thực mộng. Trí tưởng bỗng man mác, mênh mông ...
“Bóng ta đi trùm khắp lối hoang sơ
Và chân bước nghe chuyển rung đồi suối
Lá cỏ sắc vương đầy trên tóc rối
Ta khoác vai manh áo đẫm hương rừng...”
Có phải thơ là phần ăn cách riêng của những người quen đơn độc, của những góc tối mà con người nương náu vào đó cho hết một kiếp người. Trong nỗi buồn có niềm kiêu hãnh, trong ngày nắng có lẫn những canh khuya.
Có người nói thơ Ðinh Hùng có những đóa hoa vô hình vô ảnh nhưng lại mường tượng được từ những phác họa tài tình. Người đẹp, có khi chỉ là nét trầm khuất xa xôi. Những mối tình, là thiên cổ không phai, là giấc miên viễn hiu hắt cùng trời và đất. Lời tình tự như ngõ vào hư không. Mây gió cuộn một thời phong vũ.
“Khuya sớm tìm sang lối tuyết trinh
Lầu xuân hoa dựng ngọc liên thành
Lệ in bóng núi mờ nhân ảnh
Mây đó về đâu có gặp mình?
Thương nước vô danh người mộng ảo
Ta cười một nét vẽ hư linh
Áo xiêm đã ố màu tang hải
Em thoát xiêm đi, hiện dáng tình...”
Em, có phải là hình bóng của yêu tinh, của đam mê đã lan cả đến cỏ cây hoa lá? Em, có phải là giọt máu loang huyết lệ, của những mối tình thiên cổ không phai?
“...Hỡi kỹ nữ, em có lòng tàn ác
Ta vẫn gần, ôi, sắc đẹp yêu ma
Lúc cuồng si, ta nguyền rủa cả đàn bà
Ta ôm ngực nghe trái tim trào huyết
Ta sẽ chết, sẽ vì em mà chết
Một chiều nào tắt thở giữa môi hôn
Ta hái trong em lấy đóa hoa hồn...”
Em, có phải là thần tượng lên ngôi? Em, có phải ta đã biến hình thành tên nô lệ? Trong thi ca, là định mệnh trái oan, là ngôn ngữ của người lạc lõng trên con đường tháng năm của thời gian biền biệt.
“...Ta run sợ cho yêu là mệnh số
Mặc tay em định hộ kiếp ngàn sau
Vì người em có bao pháp nhiệm mầu
Một sợi tóc đủ làm nên mê hoặc
Ta đặt em lên ngai thờ nữ sắc
Trong âm thầm chiêm ngưỡng một làn da
Buổi em về xác thịt tẩm hương hoa
Ta sống mãi thở lấy hồn trinh tiết...”
Mê Hồn Ca, là:
“Yểu điệu phương Ðông lướt dưới đèn
Ta nằm mộng đẹp đêm thần tiên
Dáng xuân nghiêng mắt cười không tiếng
Lửa hạ lên rồi- ôi Ý Liên...”
Mê Hồn Ca, là:
“Qua xứ ma sầu ta mất trí
Thiêu đi tập sách vẽ hoa nguyền
Trời ơi! Trời ơi! Làn tử khí
Lạc lõng hương thầm đóa Bạch Liên...”
Mê Hồn Ca, là khuôn trời Liêu Trai, là những đêm âm phần trộn lẫn với trưa dương thế. Thì Ðường Vào Tình Sử khác hơn, là những bài thơ tình của miên viễn chiêm bao, của những môi hôn trong mộng, của man mác hương trinh. Mộng vẫn còn, mê ảo nhưng thực đã có da có thịt trong ngôn ngữ tình yêu.
“Khi tóc Mùa Xuân buông dài trước cửa
Khi nắng chiêm bao khẽ chớp làn mi
Khi những con thuyền chở mộng ra đi
Giấc mộng phiêu lưu như bầy hải điểu
Kỷ niệm trở về nắm tay nhau hiền dịu
Ngón tay thơm vàng phấn bướm đa tình
Anh sẽ tìm em như tìm một hành tinh
Mặc trái đất sắp tan vào mộng ảo...”
Êm đềm hơn, bài hát Mùa Thu:
“Hôm nay có phải là Thu
Mây năm xưa đã phiêu du trở về
Cảm vì em bước chân đi
Nước nghiêng mặt ngọc lưu ly phớt buồn
Ai về xa mãi cô thôn
Một mình trong khói hoàng hôn nhớ nhà
Ngày em mới bước chân ra
Tuy rằng cách mặt lòng ta không sầu
Nắng trôi- vàng chảy về đâu
Hôm nay mới thực bắt đầu vào Thu...”
Thơ tình, đã từ mênh mang khói sương của Mê Hồn Ca đã trở về thực tại trong Ðường Vào Tình Sử. Tâm hồn, mỗi lúc mỗi khác trong lộ trình tìm cái vĩnh cửu. Thơ ấp ủ ước muốn bất tử, để sau xưa trùng hợp, và nỗi niềm mang nặng từ lúc hoang sơ chuyển hóa lại thành thời khắc bây giờ. Có lúc “xoay nhỡn tiền lại ngắm hiện thân” nhưng cũng có lúc “ta, suốt đời ngư phủ thả con thuyền trên mái tóc em buồn lênh đênh.” Làm thơ cho Ý Liên, Bạch Liên, Diệu Hương, Hoài Ðiệp... có người còn kiếp dương trần nhưng có người là phảng phất hồn ma bóng quế, là huyền ảo ẩn ức thành ngôn ngữ thi ca, để lẫn lộn mộng thực. Nếu có chữ thần tượng viết hoa, thì có lẽ Ðinh Hùng là người tột cùng nâng niu cho từ ngữ ấy. Ðọc thơ ông, để tâm trí bềnh bồng, ký ức phiêu du trên những nẻo đường mơ hồ. Có khi, trăng sao là hiện thân của giọt máu hồng tinh huyết để tình yêu chuyển đổi từ vùng cảm giác của bộ xương khô đến vóc dáng của một làn da, một mái tóc...
Thơ tượng trưng, sao từ sương khói quay ngoặt về thực tại, có phải vì trái tim đã đánh thức dậy những cảm quan từ bộ óc mơ màng không cân phân thực mộng? Nếu nói thơ là biểu hiện của niềm si đắm thì Mê Hồn Ca và Ðường Vào Tình Sử là những phiến kinh xưng tụng để đời!!
Nguyễn Mạnh Trinh
Với riêng tôi, Ðinh Hùng có những câu thơ hoặc bài thơ “nhập thần” như Nghiêm Vũ diễn tả. Không biết tôi có chủ quan quá độ hay không, nhưng có nhiều bài thơ khi tôi đọc xong như bị lạc vào một thế giới của không gian thời gian nào và ngôn từ không đủ sức để giải thích những cảm giác huyền nhiệm ấy. Ðọc thơ Ðinh Hùng, cảm được những biểu tượng riêng, và nghe và thấy được những ngôn ngữ riêng của bản sắc độc đáo không bị trộn lẫn.
Ðọc, để thấy cảnh và người, ngôn ngữ và ý tưởng hòa đồng cùng nhau. Bản sắc của cảnh và nội tâm của người như có một tương quan mật thiết, cảnh gợi nên ý, ý gợi nên lời, lời gợi nên cảm... Ðọc bài Ðường Trưa, để thấy một phác họa người qua cảnh, của nỗi buồn mênh mang, đầy cảm xúc:
“Lá xanh che khuất đường trưa
Bóng thêu hoa nắng, lưa thưa điểm vàng
Trời cao lắng xuống trường giang
Hững hờ thay! Áng mây hàng trôi qua
Mây kia còn mải nghĩ xa
Hồ lim dim ngủ chói lòa ánh gương
Nhạc buồn một điệu thê lương
Kèn ve nổi tiếng xót thương mấy hồi
Buổi trưa ngừng giữa lòng tôi
Ái tình đỏ sắc hoa rơi đầu cành
Chừng nghe qua bóng lá xanh
Có chân ai lặng bước nhanh trong sầu?”
Thơ Ðinh Hùng đầy những khát vọng, của những giấc mơ, của tuổi hoa niên mới lớn, của những bước chân hăm hở vào đời. Thơ xôn xao giấy mực, thơ như tấm lòng trải rộng theo chiều bát ngát đất trời.
Khi tuổi trẻ, tấm lòng thường rộng mở với những mơ mộng trăng sao. Có một chút không bằng lòng với hiện tại, trí tưởng tượng mở ra đến tận những phương trời. Lúc ấy, thi ca góp vào những cánh tay mở toang khung cửa để mây lồng lộng trời cao và gió phiêu du muôn bến.
“Khi mới lớn tuổi mười lăm mười bảy
Làm học trò mắt sáng với môi tươi
Ta bước lên chân vẫn dạo bên người
Ngoài cặp sách trần ai coi cũng nhẹ
Ðời thấp thoáng qua học đường nhỏ bé
Phố phường vui cuộc sống mới lên hoa
Ta ngồi nghe những tiếng thị thành xa
Hồn lơ đãng mộng ra ngoài cửa lớp
Nắng thuở đó khiến lòng ta hồi hộp
Ta nhìn cao mới rõ bị giam cầm
Ôi tiếng nào vang mấy bức tường câm?
Không khí nặng mơ hồ thầy với bạn
Ta nhớn lên bước đường không giới hạn
Có lẽ đâu kìm giữ bởi tay người
Tuổi hoa hồng - kiêu hãnh của ta ơi
Tình đã hẹn ở trên đường nắng mới ...”
Ðọc những câu thơ như thế làm sao mà không xôn xao trong lòng. Thế giới mở ra, ôi sao mênh mông quá! Mê nhất là nhìn theo những cánh chim để trí tưởng tượng vút lên, cao rất cao lên đến đỉnh trời. Ôi tuổi trẻ hơn hớn xanh màu mắt và bồng bềnh bờ tóc bay. Ðọc thơ, để mường tượng một chân dung thi sĩ, nhà thơ Ðinh Hùng. Và cũng để hồi tưởng lại một thời của mình, ở thành phố Sài Gòn tràn đầy kỷ niệm. Những buổi trưa trốn học, nằm lăn trên bãi cỏ xanh, nhìn theo những sợi mây bay lãng đãng trên những ngọn cây dầu cao vút để hồn lơ mơ với giấc mơ, với những tà áo bay bay trong tưởng tượng, của những mắt liếc hẹn hò, của tâm tình xôn xao muốn ngỏ. Ðọc thơ để thấy mình là một chú gà trống ngu ngơ nhưng tưởng như một anh hùng vô địch oai hùng trong cuộc đời và lãng mạn trong cuộc tình. Ðọc thơ, để vô vàn những khao khát nổ bùng, của tưởng tượng về ngày mai, của tràn đầy hoa gấm và nồng hương tình ái...
Cuộc đời Ðinh Hùng như có một phận số riêng và thi ca cũng có một số phận khác. Cái thể chất ẻo lả cộng thêm tàn phá của nàng tiên nâu làm ông không có tuổi thọ. Thơ của ông, ngược lại, như không có tuổi và với lớp người đọc sau, luôn luôn có sinh động riêng và có đời sống văn chương dài hơn nhiều tuổi thọ.
Ngày 24 Tháng Tám là ngày giỗ Ðinh Hùng. Ông mất năm 1967, thọ 47 tuổi. Một đời thi sĩ có lẽ khá ngắn nhưng tác phẩm đã có đời sống dài hơn gấp bội. Hai tập thơ “Mê Hồn Ca” và “Ðường Vào Tình Sử” có những bài thơ được coi như là tuyệt tác của một thời kỳ văn chương nở rộ. Chương trình ngâm thơ “Tao Ðàn “ do ông chủ trương với tiếng nói mở đầu truyền cảm đã bao nhiêu năm trở thành một biểu tượng thi ca của miền Nam tự do.
Với những người làm thơ, Ðinh Hùng có vị trí của một vì sao Bắc Ðẩu. Khi miền Nam bị cộng sản miền Bắc xâm chiếm, nhà thơ Trần Dần đã nhắn vào cho gia đình nhà thơ Vũ Hoàng Chương, “Anh yên tâm, với chúng tôi, thơ của anh và Ðinh Hùng vẫn có giá trị để được trọng vọng như thời tiền chiến...”
Cũng như về sau, trong cuộc mạn đàm với các văn nghệ sĩ ở Huế, Trần Dần đã xác nhận một lần nữa tấm lòng trân trọng với thơ Ðinh Hùng trong khi Hoàng Phủ Ngọc Tường thì chê rằng thơ “lòe loẹt ghê ghê mùi son phấn thế nào ấy”. Khi được hỏi trong các nhà cầm bút thời tiền chiến thích ai nhất thì Trần Dần trả lời ngay; Vũ Trọng Phụng, Vũ Hoàng Chương và Ðinh Hùng. Và ông khẳng định: Ðinh Hùng là thi sĩ tượng trưng đầu tiên của Việt Nam với tập “Mê Hồn Ca”.
Ðinh Hùng thi sĩ và Ðinh Hùng nghệ sĩ đã có người tri kỷ là nhà văn Thạch Lam, một người cũng có tuổi thọ khá ngắn nhưng văn chương tài hoa. Ðinh Hùng đã làm bài thơ Gửi Hương Hồn Thạch Lam như muốn sẻ chia tâm sự với người chung mang nỗi niềm tâm sự:
“Nhớ xưa cùng bóng dạ lan hương
Anh với tôi nằm mộng canh trường
Giường kế bên cửa, hoa kề gối
Anh truyện sầu, tôi truyện mến thương
Tôi với anh giường chung mộng chung
Vì duyên thơ mới có duyên lòng
Anh buồn tự thuở trăng lên núi
Ấy độ tôi hoài ước lại mong
Ai biết lòng anh thương nhớ đâu
Gần nhau không nói, nói không sầu
Cầm tay hỏi mộng, buồn như tủi
Thầm hiểu anh thôi, lặng cúi đầu
Tôi cảm thương vì hai chúng ta
Tuổi đang xuân mà bóng sang già
Ðêm nào tôi mộng buồn riêng gối
Anh đã nằm yên dưới mộ hoa
Anh lánh mưa Xuân nép cửa sầu
Ðêm nằm ghê gió lạnh canh thâu
Gặp nhau nắm chặt tay lần cuối
Anh khép hàng mi chẳng nguyện cầu...”
Thời tiền chiến, giai phẩm Dạ Ðài với sự góp mặt của Trần Dần, Ðinh Hùng, Trần Mai Châu, Vũ Hoàng Ðịch... đã tỏ lộ một khuynh hướng thi ca mới của thơ tượng trưng. Và khuynh hướng này là một khuynh hướng nổi bật của thi ca Việt Nam với các tầm vóc như Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Ðinh Hùng, nhóm Xuân Thu Nhã Tập, Chế Lan Viên thời trước 1945...
Võ Văn Ái, trong tác phẩm “ Bốn Mươi Năm Thơ Việt Nam/1945-1985 “ đã viết về Ðinh Hùng như sau:
“...Ám ảnh vì cái chết từ lúc bé, Ðinh Hùng hướng về nguồn thơ tượng trưng... Vì tượng trưng là âm bản của thực tại. Như chết là âm bản của sống. Thơ tượng trưng thoát mình, rời xa thực tại đang sống, đi tìm cái khuôn âm bản để xem thực tại ấy có là mặt-mày xưa-nay vốn được đúc nặn từ đầu. Hay chỉ là những tam sao thất bổn? Thơ dựng lên khuôn mặt giai nhân, hoặc dựng lên cái tiền cảm bao quanh, tượng trưng cho khuôn mặt ấy, thì vẫn là niềm thơ như thật của muôn thuở. Ðó là giải thích theo tâm cảnh thơ Việt Nam. Trong thực tế, hầu như tất cả các nhà thơ tiền chiến đều chịu ảnh hưởng của các thi sĩ Pháp, đặc biệt là Beaudelaire, Mallarmé, Rimbaud. Cũng như sau này thi ca miền Bắc chịu ảnh hưởng của các nhà thơ Nga, và miền Nam lại tiếp tục chịu ảnh hưởng các nhà thơ Pháp với những Eluard, Aragon, Jacques Prevert...
Năm Ðinh Hùng lên 11, chị Tuyết Hồng, hoa khôi Hà Nội, đã tự tử trên hồ Trúc Bạch. Mấy tháng sau thân phụ chàng đau nặng rồi thất lộc. Chị Loan, một người chị khác lại mất ba năm sau. Qua năm 18 tuổi chớm mối tình đầu, Ðinh Hùng yêu một người có họ xa, nhưng người con gái măng tơ và liêu trai này cũng chết. Tập thơ Truyện Lòng in trong Ðường Vào Tình Sử năm 1961 chính là tập thơ đã sáng tác từ năm 1938. Tiếp đến người bạn thân yêu nhất của đời chàng là Thạch Lam cũng bỏ chàng đi năm 42 tuổi vì bệnh lao...
Bây giờ ta hiểu nỗi chết đã ám ảnh đeo đuổi Ðinh Hùng như hình với bóng, đốt thắp tâm tư chàng. Ðinh Hùng không chạy trốn, chàng hàm dưỡng ngọn lửa ấy cho nguồn thơ tượng trưng...”
Lúc còn sống, nhà văn Mai Thảo và nhà thơ Nguyên Sa cũng đặc biệt yêu mến thơ Ðinh Hùng. Nhiều lần, nhà văn Mai Thảo đã đọc hầu như gần hết tập thơ Mê Hồn Ca trong những buổi họp mặt văn nghệ. Chắc phải yêu mến lắm nên mới thuộc lòng như vậy. Với phong cách đặc biệt, kèm theo những nhận xét dí dỏm nhưng chính xác, ông đã làm thơ Ðinh Hùng thành một không gian thơ đặc biệt mà mọi người tham dự mãi năm tháng dài về sau không thể quên...
Nhà thơ Nguyên Sa cũng vậy. Ông thường nói về thơ Ðinh Hùng với tất cả những lời khen tặng. Khi tôi và ông cùng thực hiện tủ sách Tác Giả Tác Phẩm của nhà xuất bản Ðời, cuốn đầu tiên là viết về Ðinh Hùng...
Nhà văn Tạ Tỵ trong cuốn “ Những Khuôn Mặt Văn Nghệ Ðã Ði Qua Ðời Tôi” cũng đã phác họa chân dung Ðinh Hùng qua từng thời kỳ, khi trai trẻ đến lúc tham gia dòng thơ tiền chiến, từ lúc kháng chiến rồi hồi cư về Hà Nội, đến khi di cư vào Nam, làm chương trình thi ca Tao Ðàn...
“...Ðinh Hùng nhìn tôi nhếch mép cười, cái cười ngạo mạn vì lúc gặp Ðinh Hùng lần đầu, tôi là tên ‘mặt trắng’ còn Ðinh Hùng tuy chưa có tác phẩm nhưng đã được nhiều người biết tiếng. Ðây là trường hợp duy nhất của người làm thơ nổi tiếng trước khi có tác phẩm hoặc có nhiều bài đăng tải trên báo chí! Có lẽ thơ của Ðinh Hùng mới quá đi trước thời đại chăng?
Tôi mỉm cười xã giao bắt tay Ðinh Hùng. Ôi chao bàn tay gì bé và mềm thế, như tay đàn bà! Về sau này tôi được một người bạn cho biết, khi còn học ở trường Bưởi, Hùng cũng rất đẹp trai và ham tập thể thao lắm, đã bơi ngang Hồ Tây, tuy nhỏ nhưng thân hình cân đối và thi sĩ Huyền Kiêu, người bạn cùng lớp học đã mê Hùng như mê người tình, giống như trường hợp Xuân Diệu Huy Cận vậy. Ngoài tài làm thơ, Ðinh Hùng còn chơi nhạc, đánh đàn mandoline, những khúc nhạc của Mozart, Beethoven, và Beach rất hay. Hùng cũng biết vẽ lăng nhăng và chữ viết rất bay bướm. Khi học trường Bưởi, Ðinh Hùng phụ trách báo tay cùng với thi sĩ Huyền Kiêu. Ðinh Hùng ở một căn gác nhỏ trên đê Yên Phụ gần Ngọc Hà và bài thơ ‘Xin Hãy Yêu Tôi’ có những câu... ‘Tôi mở sẵn một phòng sầu bé nhỏ. Riêng một đèn, một gối một tình yêu... ’ ’ là chính căn gác này đã tạo cho thi nhân nguồn cảm hứng đó. Từ đầu đề yên phụ, buổi tối nào ‘đi xóm’ (tức đi hát cô đầu) thì thôi, còn không Ðinh Hùng cuốc bộ từ đó đến tiệm hút sau đền Bà Kiệu, phía bên Hồ Hoàn Kiếm, để họp bạn cùng vui thú yên hà. Ðinh Hùng năm ấy (1940-1941) hãy còn trẻ lắm, mới trên dưới 20 tuổi mà đã đam mê gắn bó với Phù Dung tiên nữ, dưới ánh đèn, mặt Hùng tái xanh, riêng đôi mắt sáng long lanh biểu lộ sự thông minh tuyệt vời...”
Riêng tôi, đọc hai tập thơ Mê Hồn Ca và Ðường Vào Tình Sử, đời sống có phảng phất của sương khói mơ hồ của kiếp khác. Thơ, là những bước chân đi trong những ảo tượng để trí tưởng tượng như những vỗ cánh khởi hành vào cõi mênh mang của kiếp nhân sinh.
Thơ Ðinh Hùng là bước chân về nguyên thủy. Ở đó, trời đất hoang vu, kiếp người quạnh quẽ. Sống hờ hững đôi khi trải theo tâm sự từ thức về trần, đi tìm lại quá khứ trong tiềm thức xôn xao cảm giác. Ngôn ngữ, là vang vọng của tấm lòng yếm thế, của lòng rời rã tự tình, để thoảng vẽ ra, những đôi mắt nhìn sang cõi bờ khác lạ, của một chân trời mà thực và mộng chen lẫn vào nhau.
Thi ảnh của Mê Hồn Ca, của tiếng ca bộ lạc, đầy những biểu tượng của núi non, của gió tuyết, của cỏ hoa tịch mịch, mỗi mỗi là hình dáng của mơ hồ, của sự liên tưởng nâng lên cao độ. Thi ảnh của Ðường Vào Tình Sử tương đối gần cận cuộc sống hơn, có thêm sinh khí của tình yêu thiết tha, của những tấm lòng mở ra và ngỏ với mọi người. Ngôn ngữ thơ có nhiều ảnh tượng có lẽ quen thuộc với cảm quan mà vẫn có sức lôi kéo từ những vị trí đắc địa cũng như những cánh cửa mở ra những chân trời và những phận người. Thơ, như những nét bút vờn. Thơ, là thi sĩ miệt mài đi trên con đường tìm kiếm lại chính mình, cái bản ngã có nét bàng bạc trong bức tranh nhân sinh mờ tỏ, có lúc rờn rợn màu trắng mênh mông, của trang giấy trinh bạch, của nỗi niềm mù khơi đến tận vô cùng.
Ðọc những câu thơ như:
“Rồi những đêm sâu bỗng hiện về
Vượn lâm tuyền khóc rộn sương khuya
Ðâu đây u uất hồn sơ cổ
Từng bóng ma rừng theo bước đi...”
Chúng ta sẽ cảm thấy gì? Cũng những ngôn ngữ có hơi quen thuộc đến có thể hơi sáo mòn. Nhưng kỳ lạ, có sức lôi kéo của những ý tưởng nảy từ bùa chú linh thiêng. Con đường đi, chập chùng thực mộng. Trí tưởng bỗng man mác, mênh mông ...
“Bóng ta đi trùm khắp lối hoang sơ
Và chân bước nghe chuyển rung đồi suối
Lá cỏ sắc vương đầy trên tóc rối
Ta khoác vai manh áo đẫm hương rừng...”
Có phải thơ là phần ăn cách riêng của những người quen đơn độc, của những góc tối mà con người nương náu vào đó cho hết một kiếp người. Trong nỗi buồn có niềm kiêu hãnh, trong ngày nắng có lẫn những canh khuya.
Có người nói thơ Ðinh Hùng có những đóa hoa vô hình vô ảnh nhưng lại mường tượng được từ những phác họa tài tình. Người đẹp, có khi chỉ là nét trầm khuất xa xôi. Những mối tình, là thiên cổ không phai, là giấc miên viễn hiu hắt cùng trời và đất. Lời tình tự như ngõ vào hư không. Mây gió cuộn một thời phong vũ.
“Khuya sớm tìm sang lối tuyết trinh
Lầu xuân hoa dựng ngọc liên thành
Lệ in bóng núi mờ nhân ảnh
Mây đó về đâu có gặp mình?
Thương nước vô danh người mộng ảo
Ta cười một nét vẽ hư linh
Áo xiêm đã ố màu tang hải
Em thoát xiêm đi, hiện dáng tình...”
Em, có phải là hình bóng của yêu tinh, của đam mê đã lan cả đến cỏ cây hoa lá? Em, có phải là giọt máu loang huyết lệ, của những mối tình thiên cổ không phai?
“...Hỡi kỹ nữ, em có lòng tàn ác
Ta vẫn gần, ôi, sắc đẹp yêu ma
Lúc cuồng si, ta nguyền rủa cả đàn bà
Ta ôm ngực nghe trái tim trào huyết
Ta sẽ chết, sẽ vì em mà chết
Một chiều nào tắt thở giữa môi hôn
Ta hái trong em lấy đóa hoa hồn...”
Em, có phải là thần tượng lên ngôi? Em, có phải ta đã biến hình thành tên nô lệ? Trong thi ca, là định mệnh trái oan, là ngôn ngữ của người lạc lõng trên con đường tháng năm của thời gian biền biệt.
“...Ta run sợ cho yêu là mệnh số
Mặc tay em định hộ kiếp ngàn sau
Vì người em có bao pháp nhiệm mầu
Một sợi tóc đủ làm nên mê hoặc
Ta đặt em lên ngai thờ nữ sắc
Trong âm thầm chiêm ngưỡng một làn da
Buổi em về xác thịt tẩm hương hoa
Ta sống mãi thở lấy hồn trinh tiết...”
Mê Hồn Ca, là:
“Yểu điệu phương Ðông lướt dưới đèn
Ta nằm mộng đẹp đêm thần tiên
Dáng xuân nghiêng mắt cười không tiếng
Lửa hạ lên rồi- ôi Ý Liên...”
Mê Hồn Ca, là:
“Qua xứ ma sầu ta mất trí
Thiêu đi tập sách vẽ hoa nguyền
Trời ơi! Trời ơi! Làn tử khí
Lạc lõng hương thầm đóa Bạch Liên...”
Mê Hồn Ca, là khuôn trời Liêu Trai, là những đêm âm phần trộn lẫn với trưa dương thế. Thì Ðường Vào Tình Sử khác hơn, là những bài thơ tình của miên viễn chiêm bao, của những môi hôn trong mộng, của man mác hương trinh. Mộng vẫn còn, mê ảo nhưng thực đã có da có thịt trong ngôn ngữ tình yêu.
“Khi tóc Mùa Xuân buông dài trước cửa
Khi nắng chiêm bao khẽ chớp làn mi
Khi những con thuyền chở mộng ra đi
Giấc mộng phiêu lưu như bầy hải điểu
Kỷ niệm trở về nắm tay nhau hiền dịu
Ngón tay thơm vàng phấn bướm đa tình
Anh sẽ tìm em như tìm một hành tinh
Mặc trái đất sắp tan vào mộng ảo...”
Êm đềm hơn, bài hát Mùa Thu:
“Hôm nay có phải là Thu
Mây năm xưa đã phiêu du trở về
Cảm vì em bước chân đi
Nước nghiêng mặt ngọc lưu ly phớt buồn
Ai về xa mãi cô thôn
Một mình trong khói hoàng hôn nhớ nhà
Ngày em mới bước chân ra
Tuy rằng cách mặt lòng ta không sầu
Nắng trôi- vàng chảy về đâu
Hôm nay mới thực bắt đầu vào Thu...”
Thơ tình, đã từ mênh mang khói sương của Mê Hồn Ca đã trở về thực tại trong Ðường Vào Tình Sử. Tâm hồn, mỗi lúc mỗi khác trong lộ trình tìm cái vĩnh cửu. Thơ ấp ủ ước muốn bất tử, để sau xưa trùng hợp, và nỗi niềm mang nặng từ lúc hoang sơ chuyển hóa lại thành thời khắc bây giờ. Có lúc “xoay nhỡn tiền lại ngắm hiện thân” nhưng cũng có lúc “ta, suốt đời ngư phủ thả con thuyền trên mái tóc em buồn lênh đênh.” Làm thơ cho Ý Liên, Bạch Liên, Diệu Hương, Hoài Ðiệp... có người còn kiếp dương trần nhưng có người là phảng phất hồn ma bóng quế, là huyền ảo ẩn ức thành ngôn ngữ thi ca, để lẫn lộn mộng thực. Nếu có chữ thần tượng viết hoa, thì có lẽ Ðinh Hùng là người tột cùng nâng niu cho từ ngữ ấy. Ðọc thơ ông, để tâm trí bềnh bồng, ký ức phiêu du trên những nẻo đường mơ hồ. Có khi, trăng sao là hiện thân của giọt máu hồng tinh huyết để tình yêu chuyển đổi từ vùng cảm giác của bộ xương khô đến vóc dáng của một làn da, một mái tóc...
Thơ tượng trưng, sao từ sương khói quay ngoặt về thực tại, có phải vì trái tim đã đánh thức dậy những cảm quan từ bộ óc mơ màng không cân phân thực mộng? Nếu nói thơ là biểu hiện của niềm si đắm thì Mê Hồn Ca và Ðường Vào Tình Sử là những phiến kinh xưng tụng để đời!!
Nguyễn Mạnh Trinh
Comment