Nhắc tới “Đơn giản là Yêu” (Amour) của Micheal Haneke, người ta nhớ ngay tới cơn mưa giải thưởng mà bộ phim đã đạt được trong năm 2012 và 2013, trong đó phải kể tới danh hiệu “phim hay nhất năm 2012”, chiến thắng hàng loạt danh mục giải César, giải Cành Cọ Vàng và 5 đề cử Oscar.
Không phải ngẫu nhiên mà bộ phim được coi như một cuốn “tài liệu sống động” về người già này lại giành được quá nhiều sự chú ý, quá nhiều tình yêu và cảm xúc của cả khán giả lẫn những nhà phê bình điện ảnh từ khắp nơi trên thế giới đến vậy.
Sự cay nghiệt đầy lạc quan
Người xem phải trải qua 1 phút 25 giây hoàn toàn yên ắng của màn dạo đầu để rồi phá bung ra là hình ảnh đội cứu hỏa và cảnh sát đạp tung cánh cửa một ngôi nhà, xé những miếng băng dính dán kín khe cửa và phát hiện xác một người phụ nữ trong phòng ngủ nằm ngay ngắn trên giường, xung quanh đầy hoa.
Vẫn là một cách mở phim rất Micheal Haneke, một nhà làm phim chịu nhiều ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh trong điện ảnh châu Âu cuối những năm 50 và đầu thập niên 60 của thế kỷ 20. Micheal Haneke vốn nổi tiếng là nhà làm phim cực đoan, có một cảm quan đầy bi thương đối với thế giới xung quanh, luôn đem cái nhìn thô ráp về cuộc sống vào những tác phẩm của mình và để lại những trải nghiệm gây sốc cho khán giả. Bạo lực, cái chết và sự cay nghiệt, đó là những yếu tố không thể thiếu trong phong cách làm phim của ông. Với “Amour”, tình yêu là sự cộng hưởng của mọi thứ trong cuộc sống, dịu dàng, giản đơn, ngọt ngào, hoàn hảo nhưng cũng đầy thô ráp, phức tạp, cay đắng và cả sự cay nghiệt đầy lạc quan.
“Amour” đơn giản như một bộ phim tài liệu về cuộc sống của cặp vợ chồng già, Anne và Georges, ngoài 80 tuổi, từng là giáo viên dạy nhạc, có con gái sống ở xa và hai vợ chồng sống bên nhau, nương tựa vào nhau lúc tuổi già. Tình yêu họ dành cho nhau thật dịu dàng như cái cách họ đưa nhau đi nghe buổi hòa nhạc của học trò cũ, cách họ đàm đạo vui vẻ trên xe buýt và nhẹ nhàng nhìn ngắm nhau, khen nhau thật đẹp đêm nay.
Rồi dấu hiệu của cái chết xuất hiện, cũng nhẹ như thế khi Anne bỗng như một thiết bị điện bị ngắt cầu dao, cơn đột quỵ ập đến nhanh như một cơn gió. Bạn đâu cần phải có một ông chồng bội bạc, những đứa con hư đốn khó bảo hay một cú ngã, một cơn chấn động nào đó. Thứ duy nhất bạn cần đó là Tuổi già.
Cuộc phẫu thuật diễn ra và rơi vào 5% rủi ro. Anne hoàn toàn không thể trở lại như xưa được nữa, bà bị liệt nửa người bên phải. Và từ đây, tình yêu là thứ khởi nguyên, dẫn dắt, quyết định mọi việc của hai vợ chồng già. Georges giúp đỡ vợ những việc nhỏ nhặt nhất còn Anne thì cố tỏ ra mọi chuyện vẫn thật bình thường. Họ vẫn có những bữa ăn thật vui, đọc sách cùng nhau, hàn huyên về những người xung quanh. Nhưng thực sự, bên trong Anne cảm thấy tội nghiệp cho bản thân mình và nghĩ tới cái chết đang đến. Bà yêu cầu chồng kể chi tiết về đám tang của một người bạn của họ và bà nói thật với ông rằng bà không muốn bắt ông phải chịu đựng bà. Dù Georges có tỏ ra không có gì phải chịu đựng thì Anne vẫn nghĩ bà là gánh nặng của ông và không muốn sống nữa.
Trong căn hộ của đôi vợ chồng người giáo già giữa lòng Paris hoa lệ ấy, người ta thấy từng chi tiết nhỏ của tình yêu, từ cách Georges hứng từng gáo nước để gội đầu cho vợ, từ cách ông mát xa nửa thân bị liệt của bà, giúp bà vận động nhẹ nhàng loanh quanh trong nhà và chuẩn bị cho bà những bữa ăn như thường lệ. Có vẻ như cơn đột quỵ hoàn toàn không ảnh hưởng tới đôi vợ chồng nếu không có lần đột quỵ tiếp theo. Đây là bước ngoặt đánh dấu giai đoạn thứ hai của hành trình tiến gần tới “cuối con đường” của Anne.
Sáng hôm ấy, Anne đã không thể tự chủ được trong việc vệ sinh cá nhân nữa. Ngồi trên chiếc giường ướt sũng, gương mặt thất thần, hoàn toàn bị sốc và điều khiển chiếc xe đẩy chạy loạn lên trong nhà, chừng ấy cũng không thể lột tả hết sự đau khổ và thất vọng của bà. Ai có thể né tránh tuổi già và những thứ kinh khủng kéo theo nó? Không ai cả, ngay cả những người hạnh phúc nhất. Sự thật cay đắng và hiện thực phũ phàng kéo Anne tuột dốc. Bà bắt đầu mất hoàn toàn cảm giác, nói ngọng và có những nhận thức không còn rõ ràng.
Điều này dường như cũng vượt quá sức chịu đựng của cô con gái, chỉ riêng Georges vẫn hoàn toàn tỉnh táo một cách kỳ lạ. Ông giữ lời hứa với vợ, dù bà có còn đủ tỉnh táo để nhận ra hay không, rằng ông sẽ không đưa bà đi đâu cả và tự tay chăm sóc cho bà. Hãy dùng trí tưởng tượng của bạn để hình dung một người đàn ông 80 tuổi, không còn khỏe nữa, tự tay chăm sóc người vợ nằm liệt giường của mình.
Tình yêu là chìa khóa vạn năng
Tình yêu không chỉ đem lại cho người ta những điều đẹp đẽ. Nó không chỉ là chìa khóa mở ra những thứ tuyệt diệu mà còn là chìa khóa để khóa kín những đau khổ, chịu đựng, giúp người ta có thêm sức mạnh và niềm tin để ở bên nhau. Georges đã nhấn mạnh sẽ không đưa vợ vào viện dưỡng lão khi con gái yêu cầu ông làm việc này, vì “những gì họ làm được ở đó thì ta cũng có thể làm được ở đây, ở nhà”.
Những phút lặng một mình, nghe đĩa CD và tưởng tượng người vợ khỏe mạnh đang chơi đàn là thời gian giải trí thư giãn duy nhất của Georges. Với những y tá tới giúp ông chăm sóc Anne, việc bà rên rỉ chỉ là việc không đáng bận tâm, họ cũng khuyên Georges như thế. Nhưng chỉ cần ông nắm tay bà là bà sẽ im lặng. Chỉ thế thôi cũng đủ thấy sự bình yên thoáng chốc mà ông mang tới cho người vợ yêu quý của mình.
Những đứa con đến rồi đi. Học trò cũ đến rồi đi. Hàng xóm đến rồi đi. Chỉ còn lại ông và bà. Bà không thể ép ông để bà chết nhưng có thể khiến ông, lần đầu tiên, đánh bà, vì ông không muốn bà chết. Đó là lúc Anne dường như đã quá mệt mỏi với tấm thân già nua bệnh tật và từ chối ăn uống. Không có nhạc nền. Chỉ có lời cầu khẩn của người chồng tội nghiệp xin bà hãy uống nước và cái tát ông dành cho bà.
Người ta lặng đi. Người ta thương cho Anne tội nghiệp và còn thương cho cả Georges. Tình yêu đã khóa chặt những căng thẳng mệt mỏi và sự chịu đựng trong ông, giấu nó xuống tận đáy cảm xúc. Georges có cảm thấy buồn không, có thấy cô độc không? Tất nhiên là có. Ông dồn nó vào câu nói với con gái khi cô này bất ngờ lao tới thăm ba mẹ vì quá lo lắng. “Sự lo lắng của con không giúp gì được cho ba”. Bởi mọi người đến rồi sẽ đi. Bởi chỉ luôn là một mình Georges và Anne.
Những cái nắm tay. Những buổi tập nói và đọc thơ với nhau. Những lúc Anne tỉnh táo và cố gắng nói với Georges rằng ông thật dễ thương cả những lúc ông bực bội. Những lời rên rỉ đau đớn từ tận thẳm sâu người đàn bà già ốm yếu xen lẫn với những câu chuyện về tuổi thơ xa xôi mà ông kể cho bà. Thời gian như ngừng trôi. Tất cả như ngưng đọng lại, xoa dịu tâm hồn đau khổ bên dưới thân xác bệnh tật của Anne.
Đó, nếu không phải là tình yêu thì là gì?
Người ta hẳn đã đoán được kết cục của Anne ngay từ đầu phim, nhưng không bất ngờ mà lại vô cùng đột ngột, hành động với lấy cái gối và úp lên mặt vợ của Georges khiến người xem sững sờ. Bằng cả chút sức lực còn lại của mình, ông ghì chặt nó. Người ta đã khóc. Không một tiếng động nào. Không một giai điệu hay một thanh âm nào nên xuất hiện vào lúc này. Nó sẽ phá hỏng tất cả. Phá vỡ sự bình yên mà Georges vừa mang lại cho Anne, chấm dứt những đau đớn cùng cực trong bà và cũng là chấm dứt sự bất lực của Georges. Ông đã phải nhìn người yêu thương của mình tự dằn vặt về bản thân quá lâu. Ông đã phải nhìn Anne vật vã ra sao trước những ánh nhìn thương hại của con gái, của học trò cũ hay những lời động viên của hàng xóm và bạn bè. Và ông lại không thể làm gì để giúp bà.
Đó có thể là gì, nếu không phải là tình yêu?
Rồi người đàn ông tội nghiệp đó nghe tiếng nước róc rách, tiếng lách tách chén đĩa vọng ra từ trong bếp. Và Anne, vợ ông đang rửa nốt những cái chén của bữa tối để họ cùng nhau đi ra ngoài. Trong tâm khảm của Georges, những ngày ấy êm đềm biết bao.
Đêm bế mạc và trao giải giải thưởng Điện ảnh Liên hoan phim Cannes năm đó, trời đã đổ mưa tầm tã, tưới đẫm những tấm thảm đỏ bên ngoài nhà hát, nhưng bên trong, nhiều người đã khóc vì bộ phim đã được xướng tên, họ đã khóc vì một tình yêu già cỗi mãi ở lại bên nhau trong căn hộ nhỏ giữa lòng Paris.
Lệ Thu