Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Về ngang trường luật

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Về ngang trường luật

    Đường Duy Tân, chợ Bến Thành
    Chân ai thả bộ còn in khóe cười
    (thơ Nguyễn Tất Nhiên)

    Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn…
    Câu hát quen thuộc từng được nghe đi nghe lại trên các làn sóng phát thanh ở miền Nam một thời nào. “Nỗi buồn hoa phượng”, tên bài hát của Thanh Sơn, có thể xem là bài “tình ca học trò” tiêu biểu thuở ấy với sân trường phượng vỹ, với tiếng ve gọi hè, với những tà áo nữ sinh nhẹ bay trong gió và những lưu bút ngày xanh chuyền tay nhau của những cô cậu học trò dưới mái trường trung học mến yêu.
    Cho đến một ngày kia, những “tình ca học trò” này bỗng trổ sang một nhánh khác; nói khác hơn, được “nâng cấp” thành những bài “tình ca sinh viên”. Không còn những “phượng thắm sân trường”, những “cổng trường vôi tím”, những “một thời áo trắng”… Sân trường trung học được thay bằng khuôn viên đại học, lớp học được thay bằng giảng đường, hình ảnh cô nữ sinh hay mơ hay mộng được thay bằng cô sinh viên hay buồn thường nhắc nhở những chiến công (“Anh không chết đâu em”, nhạc Trần Thiện Thanh). Lần đầu tiên người ta nghe được những câu hát:

    Trả lại em yêu / khung trời đại học…
    Buổi chiều khuôn viên / mây trời xanh ngát… (“Trả lại em yêu”, nhạc Phạm Duy). Hay là:

    Kể từ sau đêm đó / sân vui đại học mất tiếng chim ca… (“Trên đỉnh mùa đông”, nhạc Trần Thiện Thanh)

    Cũng đúng thôi, xong bậc trung học thì phải lên đại học chứ, và tình yêu cũng… chuyển trường. Có thể xem việc “nâng cấp” những bài tình ca học trò này là một cách “tạo dáng” (như cách nói bây giờ) và là cái mode thời thượng khá phổ biến vào thời ấy.

    Trong số những bài “tình ca sinh viên” ấy, không thể không nhắc tới một bài hát trữ tình viết riêng cho những anh chàng, cô nàng sinh viên Luật khoa Sài Gòn, mặc dù trong bài hát không hề có câu, chữ nào nói về ngôi trường “Luật khoa đại học đường” ấy. Bài hát chỉ nhắc đến tên một con đường quen thuộc như là nét phác trong một bức họa đẹp.

    Con đường Duy Tân / cây dài bóng mát

    Chắc chắn đấy không phải là con đường có nhiều “cây dài” và “bóng mát” nhất ở Sài Gòn, thế nhưng con đường mang tên vị vua yêu nước của triều Nguyễn ấy lại như gắn liền với ngôi trường đại học Luật khoa, và trở thành một trong những “con đường tình ta đi” quen thuộc của những câu chuyện tình sinh viên ngày ấy. Duy Tân, con đường của những hàng cây sao già cỗi–như tuổi của ngôi trường cũ kỹ đó–với những trái sao tròn nhỏ gắn đôi cánh mỏng dài và cong vẹt màu nâu đất, khi lìa cành bay là là và xoay tít trong gió như những cánh chuồn chuồn mỏng manh của một thuở nào mộng mơ.


    Con đường Duy Tân ấy, ngôi trường Luật ấy, Hồ Con Rùa (hay Công Trường Duy Tân) ấy và Nhà Thờ Đức Bà nữa, kết hợp thành một quần thể thân thuộc đối với những ai từng có thời kỳ gắn bó nơi chốn ấy, từng in những “dấu chân kỷ niệm” trên những lối đi, về ấy.



    “Trả lại em yêu”, bài hát của Phạm Duy được cất lên lần đầu với giọng lảnh lót của Thái Thanh đã hớp hồn tuổi trẻ ngày ấy, hóa thành bài tình ca một thuở của sinh viên trường Luật và những ai vẫn có ít nhiều kỷ niệm với ngôi trường này. Bài hát kể về tình yêu trong một đất nước chiến tranh, khi mà đời sống con người luôn bị đè nặng, phủ trùm bởi những âu lo và bất trắc. Những chàng “trai thời loạn” đành “xếp bút nghiên theo việc đao cung”, giã biệt tình đầu để lên đường theo tiếng gọi của non sông, không hẹn một ngày về.

    Anh sẽ ra đi về miền cát nóng
    Nơi có quê hương mịt mù thuốc súng…
    Anh sẽ ra đi nặng hành trang đó
    Anh sẽ ra đi chẳng mong ngày về…
    Trả lại em yêu / mây trời xanh ngát…





    Trả lại, trả lại hết những “con đường học trò”, những “mối tình vời vợi”, những mắt sáng môi tươi, những khung trời đầy trăng sao và những Chủ Nhật uyên ương hẹn hò đây đó / Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt… “Trả lại em yêu” trở thành bài hát duet khá tình tứ được nhiều đôi nam nữ ca sĩ trình bày. Có thể nói không ca sĩ nào ngày ấy mà không từng hát “Trả lại em yêu”, không chàng sinh viên nào ngày ấy mà không từng nghêu ngao câu hát Trả lại em yêu khung trời đại học…

    Một bài tình ca khác, gọi đúng tên, gọi đích danh ngôi trường đại học nằm trên con đường Duy Tân ấy.

    Người từ trăm năm / về ngang trường Luật…

    “Thà như giọt mưa”, cũng nhạc sĩ Phạm Duy, là một bài phổ thơ. Bài hát được phổ biến tràn lan trên các làn sóng đài phát thanh, các băng cassette, trên những đường phố, trong những quán café hay những sân trường.

    Thà như giọt mưa / vỡ trên tượng đá
    Thà như giọt mưa / khô trên tượng đá…

    Điều khá lý thú, bài thơ được phổ nhạc (“Khúc tình buồn”, thơ Nguyễn Tất Nhiên) không hề nói năng gì đến trường Luật, cũng không hề có câu, chữ nào nói về ngôi trường ấy cả. “Về ngang trường Luật” là những chữ được nhạc sĩ Phạm Duy thêm vào một cách cố ý (hẳn ông phải yêu mến ngôi trường này lắm). Điều này quả là bất ngờ và hẳn nhiều sinh viên Luật khoa cũng cần cám ơn người nhạc sĩ đã đưa hình bóng “ngôi trường thân yêu” của mình vào trong bài hát, làm cho trường Luật được “lên điểm”, như cách nói ngày ấy. Trong bài thơ của Nguyễn Tất Nhiên chỉ có những câu:

    “Người từ trăm năm về qua sông rộng
    Người từ trăm năm về khơi tình động”

    Hoàn toàn không có vụ Người từ trăm năm về ngang trường Luật hay là thi rớt, thi đậu Tú Tài chi chi cả như là lời của bài hát mà người ta vẫn nghe Duy Quang và các ca sĩ khác kể lể nỗi niềm.

    “Thà như giọt mưa” là bài hát kể về câu “chuyện tình thư sinh” (chữ của nhạc sĩ Phạm Duy) của anh chàng thất tình vì ta hỏng Tú Tài, ta hụt tình yêu, với những lời lẽ vu vơ, phất phơ như là “sao cũng được”, “thế nào cũng xong”, “tới đâu thì tới”…, chỉ cốt rong chơi cho qua ngày tháng.

    Thà như mưa gió / đến ôm tượng đá
    Có còn hơn không / có còn hơn không

    “Có còn hơn không” trở thành một “triết lý sống” dễ dãi, an phận của tuổi trẻ thời ấy. Hoặc những câu hát ngồ ngộ:

    Người từ trăm năm / về như dao nhọn
    Dao vết ngọt đâm / ta chết trầm ngâm

    Chết… trầm ngâm là một kiểu chết mới, nghe giống như là “Trầm tư của một tên tội tử hình” (tên một tựa sách của học giả Hồ Hữu Tường). Điều lý thú khác, trong bài thơ được phổ nhạc không hề thấy có kiểu “chết trầm ngâm” nào như thế cả, mà chỉ có:



    “Người từ trăm năm
    về như dao nhọn
    ngọt ngào vết đâm
    Ta chết âm thầm
    máu chưa kịp đổ”

    Câu thơ được người nhạc sĩ đổi thành câu hát mang vẻ triết lý lừng khừng của một “triết nhân” tự nguyện chết cho tình yêu. Không rõ chàng thi sĩ đã phải gồng mình hứng chịu bao nhiêu là nhát dao “ngọt ngào vết đâm” như thế trong đờimình. Những vết đâm nghiệt ngã khiến cho…

    Ta chạy vòng vòng / ta chạy mòn chân…
    Ta chạy mù đời / ta chạy tàn hơi
    quỵ té trên đường rồi…

    Chuyện tình yêu của tuổi trẻ ngày ấy là vậy, là “chạy vòng vòng”, là “chạy mòn chân”, chạy hụt hơi để đuổi bắt chiếc bóng lung linh của tình yêu.



    “Trả lại em yêu”, “Thà như giọt mưa” và những bài hát nào nữa đã khởi đầu cho một nhánh tình ca xanh tươi–tách ra từ dòng nhạc tình muôn thuở của nhạc Việt–gọi là “tình ca sinh viên, học sinh”. Có không ít những bài tình ca kể chuyện những ngôi trường quen thuộc từng được hát, được nghe, được yêu thích một thời mà ai cũng dễ dàng kể tên ra được. Không ai biết chắc sẽ còn bao nhiêu bài tình ca đáng yêu như thế nữa, nếu không có cơn bão của lịch sử bất thần ập đến vào một ngày tháng Tư năm 1975. Cơn bão tàn khốc đã quét sạch, đã cuốn phăng đi tất cả.

    Qua bao mùa tang thương dâu bể, qua bao nhiêu vật đổi sao dời, thành phố ấy đã thay tên, con đường ấy đã đổi tên, ngôi trường ấy cũng thay hình đổi dạng như hóa thành một người nào khác. Tôi đứng đó, ngỡ ngàng, hụt hẫng trước bao cảnh đổi thay của từng góc phố, mỗi con đường. Ngôi trường nhìn tôi dửng dưng, xa lạ. Tôi đã như chiếc bóng nhạt mờ của “những người đã qua”.

    Lịch sử đã sang trang, chiếc bánh xe nặng nề của thời gian đã lăn đi một vòng. Chỉ mấy mươi năm mà tôi tưởng chừng dài đến cả trăm năm. Người từ trăm năm…, lúc này đây tôi hiểu ra câu hát ấy, câu hát về những đời người đã cũ, về những ngày vui mơ hồ còn đọng lại trong tôi như những giấc mơ ngọt ngào không bao giờ tắt hẳn.

    Con đường xưa cũ ấy không còn những “cây dài bóng mát”. Những “bạn bè cũ, mới” của tôi nay đâu?! Câu hát ngày xưa ấy chỉ còn ngân nga trong trí tưởng, nghe như một nỗi ngậm ngùi.

    Người từ trăm năm / về ngang trường Luật…


    Lê Hữu
Working...
X