T r ầ n T ế X ư ơ n g và H á t N ó i
Cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20, nhà thơ non Côi sông Vị theo gương bậc đàn anh dấn thân vào “cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy, nếu không chơi thiệt ấy ai bù” mà Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ đã từng hô hào. Nhưng nhà thơ thế hệ sau đã khẳng định một cách cụ thể hơn, bộc lộ hơn với những dòng tâm sự vừa trào lộng vừa chân tình:
Một trà, một rượu, một đàn bà.
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta.
Chừa được thứ nào hay thứ ấy
Có chăng chửa rượu với chừa trà!
Non Côi (Núi Côi ở huyện Vụ Bản, Nam Định), sông Vị (sông Vị Hoàng chảy ngang qua thành phố Nam Định) chính là quê hương của Trần Tế Xương hay Tú Xương (1870-1907).
Nhà thơ nổi danh với những bài thơ trào phúng, không hề giấu giếm bản chất tài tử của mình và coi thất bại trong lãnh vực khoa danh như những kỷ niệm tuy chua chát dẫn tới cảnh nghèo và sự bất đắc chí nhưng chẳng hề làm giảm men say sống vội trong buổi cái học nhà nho đã suy đồi tới mức “mười người đi học chín người thôi”.
Nhà thơ với giọng tự hào giới thiệu chân dung bản thân:
“Có một thầy:
Dốt chẳng dốt nào;
Chữ hay, chữ lỏng.
Nghiện chè nghiện rượu, nghiện cả cao lâu
Hay hát hay chơi, hay nghề xuống lõng…
Tú rốt bảng trong năm Giáp Ngọ, nổi tiếng tài hoa. Con nhà dòng ở đất Vị xuyên ăn phần cảnh nọng.”
“Hay hát hay chơi” nên ở vị trí thi hào kết thúc thế kỷ 19, sau nhiều cuộc bể dâu, sau bao nhiêu lần ra vào các khu ăn chơi của thành Nam như Năng Tĩnh, Hàng Thao, Trần Tế Xương đã để lại hàng chục tuyệt tác hát nói cho hậu thế.
Theo các tác giả Việt Nam ca trù biên khảo, Đỗ Trọng Huề và Đỗ Bằng Đoàn thì các bài nổi tiếng của Tú Xương được các đào nương thanh sắc ngày ấy thường ca theo cung đàn, nhịp phách và giữa lúc tài tử phong lưu phóng túng hình hài, phải kể các bài sau đây: Đánh tổ tôm, Hát Cô đầu, Thi hỏng, Ngẫu chiếm, Diễu bạn, Câu đối ngày tết, Cảnh tết nhà cô đầu.. .
Lại thêm một bằng chứng thơ văn gắn bó với chân dung người sáng tác. Qua thơ văn của Tú Xương có thể thấy tâm sự và cốt cách mà nhà thơ tự hào là “giang hồ khí cốt.”
Trần Tế Xương vừa là một nhà nho bất đắc chí, đam mê trong buổi tráng niên và cũng là bậc tài hoa nên chủ trương cuộc sống phong lưu hưởng thụ cả thú vật chất lẫn tinh thần. Ông miệt mài trong cuộc truy hoan và khi dấn thân vào đam mê thì hẳn không quan tâm đối tượng giúp ông quên đời là đào rượu hay đào hát mà tất cả dưới mắt ông họ là những giai nhân.
Ông không hề giấu giếm thú vui mà ông gọi là thú cô đầu:
Cái thú cô đầu nghĩ cũng hay
Cùng nhau dan díu mấy đêm ngày
Năm canh to nhỏ tình dơi chuột
Sáu khắc mơ màng chuyện nước mây
Êm ái cung đàn chen tiếng hát
La đà kẻ tỉnh dắt người say
Thú vui chơi mãi mà không chán
Vô tận kho trời hết lại vay
Trần Tế Xương thường than nghèo và thừa biết cái nghèo là hậu quả của “tám khoa chưa khỏi phạm trường quy” và cũng là hậu quả của lối sống của người tài tử, quen thói phong lưu:
Quanh năm phong vận, áo hàng Tàu, khăn nhiễu tím, ô lục soạn xanh.
Ra phố nghênh ngang, quần tố nữ, bí tất tơ, giày Gia định bóng.
Giá cứ chăm nghề nghiên bút thì mười lăm, mười sáu đỗ những bao giờ.
Chỉ vì quan lối thị thành nên một tuổi, một giá hóa ra lóng đóng!
Do đó, ngay cả lúc “phách ngọt đàn say” bên những “Hồng
Hồng, Tuyết Tuyết,” cảm giá “đau quá đòn hằn, rát hơn lửa bỏng” vẫn ám ảnh thi nhân.
Thử đọc lại tâm sự của ông trong một bài hát nói có chủ đề là hỏng thì thì sẽ rõ mối u hoài trong tâm trạng nhà thơ non Côi sông Vị. Ở đó nhà thơ tài hoa vừa bày tỏ nỗi chán nãn, vừa tự an ủi nhưng cũng không giấu sự kiêu ngạo của kẻ tài ba kém may mắn và tính ngông nghêng giễu kẻ phàm phu tục tử nhờ may mắn hay thế lực tiền tài mà tên chiếm bảng vàng:
Trăm kiếp khổ gì hơn thi hỏng
Hỏng khoa này khất vợ gắng khoa sau
Miệng cười vui, bụng ngậm ngùi đau
Câu khiển hứng ra màu cảm khái
Cũng có lúc ngoảnh đầu toan cãi
Hỏi ông xanh sao lại thế này ư?
Đã sinh ra, chân không què, tai không điếc, mắt không mù
Nợ trần thế trả bù chi mãi mãi
Ừ bĩ, thái, lẽ trời cũng phải
Lạy ông xanh trang trải chóng đi cho
Cuộc công danh nhỏ nhỏ, to to
Trang trắng nợ, kéo một hò lên vận đỏ
…Mở sách ra tính tính, toan toan
Rút cục lại đã thua ai ngàn với vạn
Thôi chẳng qua mai vi tảo, cúc vi trì, hạnh vi vãn
Cuộc trung niên còn chán cái phong lưu
Rồi cũng cờ, cũng biển, cũng võng, cùng lọng, cùng hèo
Cũng giương mắt ếch, vểnh tai mèo trong cõi tục
Trong thiên hạ một trăm người, chín mươi chín người mắt đục
Dù ai khen, ai khúc khích mặc thay ai
Ai ơi, cố lấy kẻo hoài
Và ông đã từng trong cuộc hành lạc, nơi lâu hồng, gác tía mang tài nhả ngọc phun châu trút tâm trạng kẻ sĩ thất chí trong một bài hát nói nổi tiếng là bài Hát cô đầu do ông sáng tác lời ca và cũng là kẻ cầm trống chầu cho đào nương buông tiếng oanh vàng thay ông dãi bày tâm sự:
Nhân sinh quý thích chí
Chẳng gì hơn hú hí với cô đầu
Khi vui chơi dăm ba ả ngồi hầu
Chén rượu cúc đánh chầu đôi ba tiếng
Tửu hậu khán hoa nhàn bất yếm
Hoa tiền chước tửu hứng vô nhai
Hỡi ai ơi chơi lấy kẻo hoài
Chơi cũng thế mà không chơi cũng thế
Của trời đất xiết chi mà kể
Nợ công danh thôi thế là xong
Chơi cho thủng trống long bồng
(Chú thích hai câu chữ Hán: Sau khi say ngắm hoa tha hồ không chán, trước hoa cất chén thì hứng thú vô cùng.)
Hành lạc vội vã, hành lạc ồn ào để tìm khuây khỏa tâm trạng sinh bất phùng thời lúc Nho học suy tàn và quốc biến gia vong, nhất là trước cảnh bề dâu diễn ra chung quanh ông:
Sông kia rầy đã nên đồng.
Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai
Đêm nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
Tiếng ếch bên tai cũng như tiếng “quốc” mà nhà thơ Nguyễn Khuyến nghe đêm hè vắng phải chăng là tiếng vọng của quê hương, dân tộc đắm chìm trong ách ngoại xâm, và chúng luôn luôn ám ảnh tâm trí kẻ sĩ? Nếu Nguyễn Khuyến tìm quên trong chén rượu, câu thơ hay câu cá thì Tú xương cố gắng gạt bỏ mối bận tâm ưu thời mẫn thế để hưởng thú ăn chơi:
Thiên hạ có khi đang ngủ cả
Can gì mà thức một mình ta?
Nhưng xem ra bên ngoài thái độ say đắm hưởng lạc, lại bộc lộ chút gì gượng gạo của kẻ sĩ có hoài bão quốc gia. Ông gượng vui khi xuân về và viết câu đối dán tết. Mới đọc bài hát nói sau đây ai cũng tưởng chỉ lời hưởng xuân của một nhà thơ ngông ca tụng thú ăn chơi và tự hào về tài ba của mình. Nhưng thực ra là những lời tự diễu, tự trào và là tâm sự của một nhà nho thất thế, một kẻ sĩ vốn ưu thời mẫn thế, một tài tử lận đận trong buổi hoàng hôn của đất nước.
Đặc biệt ở bài này, nhân vật bà Tú “quanh năm buôn bán ở mom sông, nuôi đủ năm con với một chồng” lại xuất hiện trong thơ Trần Tế Xương. Phải chăng đó là hình ảnh hạnh phúc, nguồn an ủi quan trọng nhất của ông trong cuộc sống tạm và ngắn ngủi có ba mươi bảy năm trời:
Nhập thế cục bất khả vô văn tự
Chẳng hay ho cũng húng hắng một vài bài
Huống thân danh đã đỗ tú tài
Ngày Tết đến cũng phải có một vài câu đối
Đối rằng:
Cực nhân gian chi phẩm giá, phong nguyệt tình hoài
Tối thế thượng chi phong lưu, giang hồ khí cốt
Viết vào giấy dán ngay lên cột
Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay?
Thưa rằng hay thực là hay
Chẳng hay sao lại đỗ ngay tú tài!
Xưa nay em vẫn chịu ngài…
(Giải thích hai câu đối chữ Hán:Phẩm giá cao nhất của thế gian là tình trăng gió, phong lưu nhất ở cuộc đời là cốt cách giang hồ).
Một nhà nho khác, một ông huấn đạo ở huyện An Phong, phủ Từ Sơn (Bắc Ninh) cũng có một bái hát nói kết cấu tương tự như bài trên:
Huyện An Phong có chàng huấn đạo
Ngồi một mình Huấn đạo mạo lên râu
Lối văn chương chấp chểnh giọng Tàu
Nghề đối đá giở một vài câu để vịnh.
Đối rằng:
Hoàng triều Tự Đức thiên vương thánh
Từ phủ An Phong huấn đạo thần
Huấn viết rồi huấn đọc vân vân
Hỏi “huấn cái” rằng hay chăng tá?
“Huấn cái” vỗ đùi khen tuyệt quá
Đối đá này ai họa cho ra
Có chăng “Huấn đực” nhà ta!
Tác phẩm trên của vị Huấn đạo hẳn ra đời trước bài Câu đối Tết của Trần Tế Xương vì hai câu chữ Hán trong bài đã nói rõ:
Hoàng triều Tự Đức thiên vương thánh
Từ phủ An Phong huấn đạo thần
(Dưới triều thánh đế Tự Đức, có bề tôi là huấn đạo phủ Từ Sơn, huyện An Phong)
Rõ ràng tác giả còn ca tụng một ông vua trong buổi đất nước trên bờ vực thẳm và nhà nho thành danh vẫn còn bấu víu lấy niềm tin ở triều đình và ở chính mình. Trần Tế Xương, trái lại trưởng thành khi đất nước suy vong, triều đình gần như hư vị. Vì thế câu đối tết của nhà thơ Vị Hoàng tế nhị hơn, qua nụ cười đã kết hợp sự cay đắng , chua chát và tâm trạng chán chường của kẻ sĩ không còn niềm tin vào bản thân và hy vọng vào tương lai của dân tộc mà đành chấp nhận tìm nguồn an ủi trong “phong nguyệt tình hoài” và duy trì “giang hồ khí cốt.”
So với tác phẩm của Trần Tế Xương thì bài sau không bằng vì chỉ là một bài trào phúng thuần túy, có chút tự hào, tự diễu bằng những lời dí dỏm dung tục. Vì thế chất trào phúng không sâu, chất trữ tình và quan hoài thế cuộc nông cạn, nghệ thuật giễu quá bộc lộ, làm sao có thể ví với bài Câu đối Tết của ông tú Non Côi- Sông Vị.
Hoàng Yên Lưu