T h ơ X u â n H à n M ặ c T ử và Q u á c h T h o ạ i
Hàn Mặc Tử và Quách Thoại hai cuộc đời, hai thế hệ, hai nỗi buồn và một niềm chua xót vô biên khi một người đã bán cả vầng trăng cho cuộc đời.
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Bán cái ảo ảnh đẹp nhất trên đời một cách xót xa, bán cái thiên hạ không bao giờ với tới, không có ai mua để làm gì. Tiếng rao bán đầy sự trêu ngươi, đầy sự hờn tủi xót xa cho cuộc đời vô vọng của mình trên thế gian này.
Chữ bán trong ý tình nhân loại, trong tấm lòng và ước vọng thi nhân có lẽ khó mà tìm được bởi vì đây là chữ rất thô, rất tầm phào, nhất là đi bán trăng là thứ không ai trên đời quan tâm đến bao giờ. Trong khi Hàn Mặc Tử có rất nhiều vần thơ viết về xuân như Xuân Như Ý, Mùa Xuân Chín, Xuân Đầu Tiên, Đêm Xuân Cầu Nguyện, Lòng Xuân… Chàng -một thi nhân đích thực- cả đời nâng cái thực thể thành sự nhiệm mầu, cả đời say trăng, nghe tiếng trăng vỡ trong khoảng vô biên, ánh sáng thiêng liêng của tâm linh con người, có một lúc nào đó quá hư ảo và không che nổi được sự đau thương của trần thế.
Ánh trăng mỏng quá không che nổi
Những vẻ xanh xao của mặt hồ
Những nét buồn buồn tơ liễu rũ
Những lời năn nỉ của hư vô…
Tiếng thơ đã đạt tới cái chín mộng thơm tho và huyền diệu nhất trong đời.
Trăng như một chân lý kỳ ảo hư hư thực thực rất Đông Phương trong khi đó ngôn từ của thơ Hàn Mặc Tử rất Tây.
Những mầu nhiệm của ánh sáng cuộc đời Hàn Mặc Tử đã nhân cách hóa vầng trăng vạn cổ để hiện hữu đích thực trước cái khát khao vô cùng của tâm hồn mình.
Trăng biến thành thiếu nữ, trăng biến thành nguồn sống của tình yêu, nỗi khát vọng ân ái của một linh hồn đau thương sống dở chết dở trong địa ngục của bệnh tình bất trị. Có phải thi sĩ bán trăng là vì đời chàng quá cùng khổ, nghèo nàn và cô đơn, quá đau đớn vì bệnh tình đày đọa mỗi lúc mỗi nặng nề -căn bệnh thế kỷ trong tứ chứng nan y của thời đại bấy giờ- một người sống trong nỗi chết điên mê ngây dại khát vọng yêu thương và tuyệt vọng vô bờ bến trong đời.
Cho đến nỗi thi sĩ phải uất ức đùa cợt với ý nghĩ phải bán đi, bán đi cái mộng tưởng duy nhất trong đời mình là vầng trăng hư ảo.
Chúng ta phải choáng ngợp khi đi vào khí hậu thơ của Hàn Mặc Tử. Trước đây có nhiều người đi sâu vào thế giới tâm linh đó như Xuân Diệu hay Hoài Chân Hoài Thanh…
Bởi vì hành động rao bán vầng trăng rất trần thế mà thời đại của chàng sống nhất là khi Hàn Mặc Tử đã lâm vào chứng bệnh cùi, người đời đều quay mặt. Dường như sau này có người hỏi cô gái Thương Thương bấy giờ đã có chồng con, có nghĩ tới thi sĩ từng say mê mình không, thì được nàng trả lời ai mà lấy cái anh chàng cùi hủi ấy cho được.
Nàng hỡi nàng muôn năm sầu thảm
Nhớ thương còn một nấm xương thôi…
Nàng là ai, là Thương Thương, Mộng Cầm nữ sĩ hay là ai khác? Hay là Trăng? Hàn Mặc Tử đã viết về không biết bao nhiêu là trăng, trọn đời sống với trăng mặc dầu có lúc chua cay đau thương và tuyệt vọng đến phải nghĩ tới bán cả vầng trăng cho cuộc đời. Những rượt trăng, trăng tự tử, chơi trên trăng, một miệng trăng… quằn quại thê lương khôn lường có lúc chàng đành phải đem bán nó. Bán cái thực thể nhiệm mầu kia. Nó khác với vần thơ thuở nào của Nguyễn Trãi với Thị Lộ -cô gái Tây hồ đi bán chiếu gon-:
Cô ở Tây Hồ bán chiếu gon
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn
Xuân xanh nay được bao nhiêu tuổi
Đã có chồng chưa được mấy con!
Trong cõi thơ Việt không thiếu gì những ý thơ “bán” với những vẻ khác nhau như bài thơ Bán Than của Trần Khánh Dư chẳng hạn:
Một gánh kiền khôn quảy tếch ngàn
Hỏi chi bán đấy gửi rằng than
Ít nhiều miễn đặng đồng tiền tốt
Hơn thiệt này bao gốc củi tàn
Mãi đến sau này thời kỳ đệ nhất và đệ nhị Cộng Hòa chúng ta chợt thấy chữ “bán” lại hiện ra một cách tuyệt vọng không khác chi thơ Hàn Mặc Tử
Đó là tiếng thơ của Quách Thoại. Trong một bài thơ hay nhất trong số các bài thơ của ông: Trăng Thiếu Phụ, ông cũng đã dùng chữ “bán” trong ấy. Quách Thoại tên là Đoàn Thoại, ông đã chết ở bệnh viện lao Hồng Bàng trong nỗi cô đơn cùng cực của hoài vọng con người, trong khát khao yêu thương và chân lý tình nghĩa cuộc đờì.
Trong khi hình ảnh trăng của Hàn Mặc Tử thiên biến vạn hóa như những hiện tượng đầy mộng tưởng giữa vô cùng thì trăng của Quách Thoại lại in đậm hình ảnh một người đàn bà. Có thể đó là một mỹ nhân yêu kiều đã có gia đình mà từ lâu Quách Thoại đã ấp ủ cất trọn hình ảnh trong tim. Bài thơ không điên mê say đắm kỳ ảo như thơ Hàn Mặc Tử mà bày tỏ nỗi lòng đau thương cô độc với cái tình của một không gian sâu thẳm mênh mông. Tình mộng đó là một thiết thực yêu thương chân tình đến đỗi rất thơ ngây vì người trong mộng.
Mỗi thời đại chỉ có riêng vài bài thơ đạt tới cái tinh anh siêu việt của thơ. Nói đến đây, tôi hồi tưởng lại một người -một nhà thơ, một đại triết gia của Việt Nam- trong thế kỷ này. Người mà lúc nào tôi cũng vô cùng quí trọng như ân sư của mình. Đó là Bùi Giáng.
Khi tôi viết quyển Thi Ca VN, nếu không có Bùi Giáng đem bài thơ Trăng Thiếu Phụ của Quách Thoại đọc cho nghe, chắc tôi cũng khó mà cảm thông được thơ ông lúc này.
Tôi còn quá trẻ để cảm đến linh hồn Quách Thoại, cũng chưa biết Thanh Tâm Tuyền. Khi đọc những bài thơ Thanh Tâm Tuyền viết cho Quách Thoại trong Tôi Không Còn Cô Độc và sau đó từ Quách Thoại, tôi mới đem lòng quí trọng nhà thơ nhà văn Thanh Tâm Tuyền gấp bội phần với những tập thơ, những tiếng thơ, những ý thơ, lời thơ lạ lùng xuất chúng. Quả là hiếm hoi khi khám phá ra được nếu không có những bằng hữu lão thành chỉ bảo cho tôi như với cụ Bùi Giáng vậy.
Có lẽ trong mùa xuân này, người yêu thơ có lúc đã quên đi Hàn Mặc Tử một anh chàng đòi đi bán vầng trăng và Quách Thoại, một thi sĩ tài hoa đã mất sớm khi chưa kịp in cho mình một tác phẩm.
Sau khi Quách Thoại mất, người anh ruột của ông là Đoàn Tường, chủ bút tờ Văn Nghệ thời đó in cho ông một cuốn thi phẩm. Quách Thoại nổi tiếng với bài Như Băng Trường Tình, như bài Trường Tương Tư của Hàn Mặc Tử.
Ông còn rất nhiều thơ mà tôi thích nhất là bài Anh Hãy Hát Bài Ca Đông Phương Mầu Nhiệm và một bài ngắn mà thơ đạt tới tinh thể tụ thần trong bài Thược Dược sau đây:
Đứng im ngoài hàng dậu
Nàng mỉm nụ nhiệm mầu
Vừa thoáng nghe em hát
Lời em ca thiên thâu
Tôi sụp lạy cúi đầu
Cái ý tưởng đem bán mùa xuân để lại bao nỗi u hoài cay đắng cho cuộc đời của nhà thơ vốn đã thiệt thòi và cô độc cho đến cuối cùng của cuộc đời mình
Trong bài Trăng Thiếu Phụ, Quách Thoại đã kêu lên nỗi bi thương thất vọng với câu thơ:
Tôi gặp mặt người người đã bán
Cả mùa xuân đẹp thuở sắc son
Hàn Mặc Tử rao bán trăng. Còn Quách Thoại tuyệt vọng vì nguồn yêu thương của mình đã ra đi. Có phải nàng đi lấy chồng vì tình yêu hay vì tiền, vì sự giàu sang tự nhiên của ước vọng đời mình để cho thi sĩ ngậm ngùi cay đắng đã một mất mối ẩn tình bấy lâu nay. Những vần thơ chua chát u buồn thất vọng vì nỗi đời tầm thường trong lòng người đó, ngày nào cũng đã gợi cho thi sĩ Kiên Giang niềm thất vọng đắng cay.
Tiền không là lá em ôi
Tiền là giấy bạc của đời in ra
Người ta giấy bạc đầy nhà
Cho nên mới được gọi là chồng em
Vâng, hẳn các nhà thơ của ta vì quá nghèo khổ thường coi thường danh vọng địa vị của cảnh giàu sang quyền quí trong đời nên gặp nhiều hoàn cảnh thất vọng đắng cay như thế. Đâu đó cũng là thường tình, một mùa xuân nữa lại đến trong lúc bận rộn vì cuộc sống chúng ta tạm để cho nó lắng lại để thưởng thức những vần thơ sâu sắc thanh kỳ của các nhà thơ đã lừng lẫy một thời.Mời các bạn đọc thơ xuân của thi sĩ Hàn Mặc Tử và Quách Thoại:
Xuân Đầu Tiên
Mai sáng mai, trời cao rộng quá
Gió căng hơi và nhạc lên mây
Đôi lòng cũng ấm như xuân ấm
Chỉ có ao xuân trắng trẻo thay
Mai này thiên địa mới tinh khôi
Gió căng hơi và nhạc lên trời
Chim khuyên hót tiếng đầu tiên hết
Hoa lá hồ nghi sự lạ đời
Trái cây bằng ngọc vỏ bằng gấm
Còn mặt trời kia tợ khối vàng
Có người trai mới in như nguyệt
Gió căng hơi và nhạc lên ngàn
Thuở ấy càn khôn mới dựng nên
Mùa thơ chưa gặt tốt tươi lên
Người thơ phong vận như thơ ấy
Nào đã ra đời ngọc biết tên
Xuân gấm đầu tiên giữa cõi đời
Mùi thơm ngây lại sóng con người
Hãy hoan hô, lời cao như sấm
Vạn tuế, bây ơi! Nắng rợp trời
Hàn Mặc Tử
Trăng thiếu phụ
Đã mấy đêm trường tôi không ngủ
Năm thao thức nhớ mảng trăng thu
Đã biết bao lần tôi tự nhủ
Rằng cho tôi chết giữa âm u
Cớ sao trăng sáng ngoài kia nhỉ
Làm động tình tôi giữa buổi đêm
Tôi nhắm mắt nằm không dám nghĩ
Sợ nhìn trăng lạnh rớt bên thêm
Tôi muốn phòng tôi luôn mãi tối
Xin trăng đừng chiếu lướt qua song
Tôi muốn hồn tôi chìm lạc lối
Cho tàn chết hết cả hoài mong
Cơ khổ cho tôi còn mối mộng
Làm đau chăn gối giữa đêm thu
Chỉ tội hồn tôi thêm náo động
Mà thường mà sợ mảnh trăng lu
Tôi sợ ngày mai trời sẽ sáng
Trăng thu thơ mộng sẽ không còn
Tôi gặp mặt người người đã bán
Cả mùa xuân đẹp thuở sắt son
Chao ơi trăng hỡi trăng thu đẹp
Trăng của lòng tôi hay của ai
Tôi mở hồn thơ, thôi khó khép
Gởi cả lên trăng tiếng thở dài
Và cho tôi ngủ cho tôi ngủ
Thao thức làm chi mãi thế này
Trăng tội tình chi mà ấp ủ
Mảnh lòng thi sĩ quá thơ ngây
Bởi đâu lệ nhỏ lăn trên gối
Tôi thấy cô đơn lạnh lắm rồi
Tôi biết đời tôi e hấp hối
Mà trăng thì sáng tận trên đồi
Không người thiếu phụ đứng bên tôi
Quách Thoại
Thơ Quách Thoại càng buồn càng siêu thoát, vũ trụ vô cùng, không gian vô tận, nỗi buồn của Hàn Mặc Tử của Quách Thoại càng bát ngát, càng mầu nhiệm biết bao nhiêu
Tuy nhiên cuộc đời không chỉ có những mất mát đau thương mà nó còn có chân lý trường cửu vô tận như cánh hoa mai của một thiền sư:
Đừng ngại xuân tàn hoa rụng hết
Đâu qua sân trước một nhành mai
Xuân vẫn còn đó. Sự vô thường của đời thường đổi lại thành vĩnh cửu của mùa xuân như trong thơ của thiền sư Thích Mãn Giác vậy.
Trần Tuấn Kiệt