T h ơ T ế t Đ ầ u X u â n
Với người bản xứ, tháng của lễ lạc đã qua và bắt đầu bằng những tháng ngày của cuộc khởi hành mới của một năm, còn với người Việt Nam, thì vẫn tràn đầy không khí lễ hội. Dù ngày đầu năm âm lịch năm nay là ngày thường không phải cuối tuần nhưng ý xuân tưng bừng vẫn dường như còn lẩn khuất đâu đây. Ở sở làm và các nơi khác, tôi thấy mọi ngày như mọi ngày. Nhưng khi về đến gần nhà, lái xe qua khu phố Bolsa cuối tuần, thấy không gian tết chan hòa. Nắng tươi nhưng pha những cơn gió lạnh nhắc đến những ngày xuân năm nào. Dạo qua chợ hoa đang tấp nập lại nhớ đến chợ hoa Nguyễn Huệ ngày xưa. Một thuở nào hiện về. Chao ơi là nhớ!
Bây giờ, cũng là mùa của báo xuân. Muôn hồng ngàn tía đua chen. Ðọc những tờ báo xuân hôm nay lại nhớ đến những tờ báo xuân ngày cũ. Những ngày cận tết khi còn ngày xưa ở trong nước, đi qua sạp báo, dù là ở một tỉnh thị heo hút cao nguyên hay phố quận sình lầy miền Tây, thấy cả bóng dáng mùa xuân. Những bức tranh, những chân dung thiếu nữ, như mỉm cười với cái lạnh ngọt ngọt của trời đất sang mùa. Những trang bìa báo xuân, như dấu hiệu báo trước năm tháng tươi đẹp của đất trời.
Và trong những tờ báo ấy, như một tập tục đáng yêu, lại thấy những bài thơ xuân hoặc chữ Hán hoặc chữ quốc ngữ nhưng viết bằng lối thư họa ở ngay trang đầu. Những bài thơ như bàn tay mở cửa đón xuân, mà một trong những người mở cửa đón xuân nổi bật nhất là nhà thơ Vũ Hoàng Chương với những bài thơ trang trọng như mang lại một không khí đầy mùi trầm thơm ngát…
Nhà thơ Vũ Hoàng Chương là giáo sư Trường Chu văn An. Mặc dù tôi không học thầy nhưng cũng có lúc đứng ngoài cửa lớp nghe thầy giảng thơ và đọc thơ. Tôi cũng đã thấy nhiều đứa học trò ngỗ nghịch học ban B nhưng đứng ở ngoài cửa lớp ban C để nghe một cách chăm chú bài giảng văn chương của thầy. Thỉnh thoảng thầy lại ngâm thơ và nhắc lại một vài giai thoại văn học của thời tiền chiến và cả hiện đại.
Hình như mỗi năm khi xuân về Vũ Hoàng Chương thường làm thơ để tỏ tâm tình với nhà, với nước khi trời dất giao mùa. Như bài Ðón Xuân Mười Chín làm vào dịp tết Quý Sửu 1973:
Bấm đốt từ di cư đến nay
Ðón xuân vừa vặn hết bàn tay
Sang sông Ngựa đã hai lần hí
Vạch đất Trâu thêm một luống cày
Lửa ném tràn lan đầu gió Bắc
Vàng rung thăm thẳm đáy hồ Tây
Bút toan chạy ngược đau lòng chữ
Núi vẫn ngàn năm bạc tóc mây
Dăm kẻ tri giao toàn kiết xác
Nửa đêm trừ tịch cũng vờ say
Hằng nga bỏ địa cầu đi mãi
Tết đến buồn không chịu vẽ mày
Xưa rồi lửa phỏng tên bay
Giờ chơi nhạc sống nào đây hỡi giàn
Bóng ai trên đá ngồi gan
Có nghe rung một giây đàn lẻ loi
Trời xuân chẳng én đưa thoi
Mà như gấm đẩy bức Hồi Văn qua
Nghé kêu đầy bến vàng hoa.
Trong hai mươi năm văn học miền Nam, thầy Chương đã có nhiều bài thơ xuân, thơ Tết đăng trang trọng ở các tờ báo xuân ngay trang đầu tiên. Thế mà có một bài thơ Tết lại không được đăng ở trong bất cứ báo nào ở thời điểm ấy. Bài thơ Vịnh tranh gà lợn tuy không được đăng báo nhưng lại được truyền tụng và coi như là dấu hiệu bất khuất của văn nghệ sĩ miền Nam.
Lúc ấy, ngày tết Bính Thìn, khi Cộng Sản vừa chiếm được cả đất nước và một chính sách trả thù phân biệt được áp đặt lên toàn dân tộc. Lúc ấy, viên chức, sĩ quan của chế độ VNCH bị tù đày đến gần cả triệu người. Lúc ấy, văn nghệ sĩ bị truy bức, bắt bớ, sách vở bị tịch thu đốt bỏ. Lúc ấy, buổi hỗn quân hỗn quan, lúc thú vật đội lốt người, tác yêu tác quái:
Sáng chưa sáng hẳn, tối không đành
Gà lợn om sòm rối bức tranh
Ràng vách có tai, thơ có họa
Biết lòng ai đỏ, mắt ai xanh
Mắt gà huynh đệ bao lần quáng
Lòng lợn âm dương một tấc thành
Cục tác nữa chi đừng ủn ỉn
Nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh
Những thành ngữ, tục ngữ của dân gian dưới tay nghệ sĩ đã thành đắc địa. Chữ không còn là một nghĩa nữa mà thành nhiều nghĩa, và, sự thâm trầm sâu lắng trong ngữ nghĩa làm bài thơ lột tả được một tâm sự chung mang của cả một thế cuộc tao loạn đầy bất trắc.
Bài thơ được truyền tụng trong thời buổi ấy và cũng là nguyên nhân để những người cầm quyền Cộng Sản bắt giam tác giả. Thi sĩ bị giam tại khám Chí Hòa, sau vì đau yếu nên được thả về nhà và mấy ngày hôm sau thì từ trần, đúng vào ngày 6 tháng 9 năm 1976.
Trong tù, ông viết bài thơ cuối cùng của đời mình, bài Thơ Gởi Vợ, gửi cho người thân nhất đời của mình, như linh cảm thấy một chuyến đi đã kề sẵn. Thơ như tiếng khóc nén thầm của những dòng thơ, từ dòng cổ thi từ thuở Nguyễn Du xưa xa, của nỗi niềm “bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” đến nỗi đau mất nước quặn thắt bây giờ.
Con chim trước khi chết, tiếng hót bi thương. Người thi sĩ, trước khi lìa bỏ trần gian, lời kêu ai oán. Bài thơ thất ngôn bát cú gói ghém cả một tâm tình. Quốc phá, gia vong, thân trong ngục tù, nhưng, tất cả rồi sẽ trôi qua như nước chảy dưới cầu và không bao giờ phai nhạt tấm lòng son sắt với đời, với người, với dân tộc, với đất nước.
Thấm thoát vào đây tháng đã tròn
lông hồng gieo xuống nặng bằng non
một manh chiếu lỉa hồn ngây ngất
ba chén cơm rau xác mỏi mòn
ngày tới bữa ăn thường nhớ vợ
đêm về giấc ngủ lại thương con
bao nhiêu nước chảy qua cầu nữa
chẳng dễ gì phai nhạt tấm son
tình thương nỗi nhớ chon von
trưa nay bừng thức vẫn còn đổi trao
thật rồi đâu nữa chiêm bao
tin ra Vĩnh Hội thư vào Hòa Hưng
Một bài thơ chữ Hán khác mà theo những nhà sưu tập thì đó là bài thơ viết vào đêm trừ tịch Tết Ất Mão mà bản viết gửi cho ông Ðặng Tiến là một mảnh bìa của tạp chí Nhà Văn số xuân Ất Mão. Bài thơ Khai xuân thạch khúc, bản dịch nghĩa, và bài thơ dịch trích dẫn sau đây:
Tường vân mãn tọa tọa bôi minh
Hy chúc xuân khai dạ bán quỳnh
Ðông liễu tây đào song tận mỹ
Tần tang Yên thảo nhất hồi thanh
Tần giao cố quốc hoài kim phấn
Tư hữu cuồng ngôn xuất thạch bình
Ðối ngọa dữ sa trường túy ngọa
Cổ lai thùy dã chiếm cao thanh?
Dịch nghĩa:
Thạch khúc vào xuân
Mây lành tràn ngập ghế ngồi trên chén rượu rực rỡ
Vui chúc vào xuân đêm gioa thừa nhiều tốt đẹp
Hai cây liễu phía đông và đào phía tây đều tuyệt đẹp
Dâu nước Tần và cỏ nước Yên cùng một sắc xanh rì
Dẫu cho nặng lòng nhớ thương hoià hương phấn nước cũ
Song vẫn có lời cuồng ngông vong lên giữa búi dựng tưa thành
Giữa người thơ nằm say ngất và chiến sĩ say ở chốn sa trường
Xưa nay ai lưu danh cao hơn mấy ai?
Bản dịch:
Mây quẩn ngôi thơ, chén rạng ngời
Giao thừa mừng chúc đêm xuân tươi
Tây đào đông liễu hây hây phất
Dâu cỏ Yên Tần rỡ rỡ phơi
Luyến phấn- hoa nghiêng đài nhớ nước
Cuồng ngâm- thơ dựng vách in trời
Thi nhân, tráng sĩ cùng say khướt
Ai biết danh đời ai nhựơng ai?
Những bài thơ xuân, bây giờ cuối năm ngồi đọc lại thấy một điều gì bâng khuâng trong tiềm thức. Tác giả thì đã ra đi vào miền vô thủy vô chung từ lâu nhưng những nét chữ để lại dường như cón tươi nét mực. Tôi nhớ lai hình ảnh của một giáo sư lúc nào cũng ăn mặc tề chỉnh đi trong hành lang trường. Mái tóc ngắn rẽ đầu ngôi ở giữa, những bộ veste màu nhạt, những nụ cười hóm hỉnh, những câu thơ đọc trong lớp nghe vang vang nỗi niềm nào đồng vọng từ xưa. Có người gọi Thầy Chương là Ðỗ Phủ của Việt Nam. Theo tôi, chẳng có ai và chẳng có gì so sánh được với một người đã suy tư và đã sáng tác bằng trái tim Việt Nam và tâm thức Việt Nam như thầy…
Ở hải ngoại, tết đến cũng có không khí rạo rực đón năm mới, cũng có những bản nhạc xuân vang vọng trên phố phường, cũng có những tập báo xuân với tranh bìa màu sắc lộng lẫy. Những trang đầu của báo xuân cũng có những bài thơ trang trọng khai hội như nét bút xương kính của thi sĩ Cao Tiêu.
Nhà nhận định phê bình văn học Tam Ích Lê Nguyên Ngư đã nhận xét về thơ Cao Tiêu như sau:
“Con người và cái tâm cùng cái thính giác của con người, khi đã theo nhip lịch sử, thì cũng làm thơ theo thi hiệu mới- trên bối cảnh dân tộc. Bỏ dân tộc thì mất tính dân tộc trong thơ: Cao Tiêu tránh được sự mất, để nuôi và duy trì sự còn- thành ra thơ CaoTiêu mới mà lại rất Á Ðông. Nói cách khác rất Việt Nam: hiếm ở đấy; khó ở đấy; quý ở đấy -mà cái đẹp ở đó trưởng thành theo nhịp tâm tư, vươn theo nhịp thời gian; thời gian bên trong, kể cả thời gian mới nhất là thời gian nàng Giáng Hương ứa nước mắt dùng để đưa người danh sĩ về cõi mầu hồng- hồng trần”
Có lẽ nhận xét ấy tuy đã viết từ cách xa hơn 50 năm đến nay vẫn còn ý nghĩa?
Thi sĩ Cao Tiêu có tay bút bay bướm viết chữ Hán Tự và Việt ngữ kiểu chữ thảo rất đẹp và thường được mời để viết trang đầu tiên của những giai phẩm xuân ở hải ngoại.
Theo truyền thống từ trong nước ra tới hải ngoại những vị được coi như là tiên chỉ trong làng văn có nét chữ bay bướm thường được mời để viết những trang thơ khai bút của các giai phẩm xuân. Như các giai phẩm như báo Tự Do, hay tạp chí Văn ở trong nước thường có nét bút của thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Còn ở hải ngoại thì các giai phẩm xuân của báo Người Việt, Viễn Ðông,Việt Tide,… thường có thơ xuân của thi sĩ Cao Tiêu ở trang đầu tiên.
Thơ xuân chữ Hán của ông có nét cổ kính của những thời xa xưa nhưng lại có nét mới của nhịp sống tương lai. mở ra những điều tốt lành cho xuân mới.Ví dụ như bài Xuân Cầm:
Xuân cầm tư diệu thủ
Tư diễm phát hoa y
Thuyền hội thanh giang độ
Sương lung bích liễu ti
Cảm quan ca chúc tửu
Thôi ngã túy đề thi
tùy dương xuân nhập mộng
Thủy ánh nguyệt lưu ly
Và tác giả dịch sang Việt ngữ:
Đàn xuân rung nhớ điệu tay ai
nhớ áo hoa buông mướt tóc dài
thuyền thả sông xanh neo bến hối
liễu chùng tơ biếc rủ sương lơi
như say bút múa niềm thơ gửi
nghe ấm hơi ca hứng rượu mời
theo khúc dương xuân vào cảnh mộng
trăng lồng bóng nước ánh chơi vơi.
Một bài thơ khác, Phùng Xuân, cũng là cảm giác của một người hòa đồng với thiên nhiên tìm thấy không gian yên hòa của đất nước quê hương.
Ðông phong xuy lục liễu
Nhật noãn chiếu xuyên vân
Ðiểu minh sơn thủy họa
Vô xứ bất phùng xuân.
Diễn nghĩa:
Gió đông thổi vào khóm liễu đậm xanh lá cành tha thướt
Ánh nắng ấm chiếu qua đám mây lờ lững trên không.
Tiếng chim rộn ràng hót chào trước cảnh non nước đẹp như một bức tranh.
Buông tầm mắt nhìn quanh khắp mọi nơi, không chỗ nào là không thấy xuân về.
Tác giả dịch:
Gặp xuân
Gió xuân thổi liễu xanh xanh đậm
Nắng xuyên mây tỏa ấm không gian
Ðón xuân chim hót rộn ràng
Bức tranh non nước vô vàn gấm hoa
Gặp xuân khắp chốn gần xa.
Giở những trang thơ của thi sĩ Cao Tiêu, nhìn những nét Hán tự bay bướm nhưng tề chỉnh, đọc những câu thơ chuyển dịch Việt ngữ tài hoa để tưởng tượng lại một thời đã qua của lịch sử. Những nét chữ những ý thơ đã thành của những hồn trăm năm cũ.
Nguyễn Mạnh Trinh