Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Vũ Hữu Định, Một Chút Gì Để Nhớ

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Vũ Hữu Định, Một Chút Gì Để Nhớ





    Có những bài thơ, tôi đọc của Vũ Hữu Ðịnh mà mường tượng ra những cảm giác của chính mình. Có những cảnh ngộ, đã trải qua trong đời sống, bây giờ, đọc trong thơ Vũ Hữu Ðịnh, như sống lại trong ký ức.

    Như, bài thơ

    “Những ngày long đong”:


    “trưa ngủ đậu - chiều đi - đêm đợi
    mai lang thang, mốt biết về đâu
    ngày với tháng cứ đùn như mối
    tháng với ngày qua như một bãi mù ...

    đi ra khỏi nơi anh tạm trú
    đứng một nơi đâu không định trong lòng
    ngã bảy xe người chia bảy ngã
    có ngã nào đi riêng của anh đâu

    đi ra khỏi nhà sơ quen tạm ngụ
    một đêm đau lưng mắt mở trừng trừng
    đi ra khỏi là ra đi với nhớ
    để chiều về đâu? Ngơ ngác bâng khuâng...”

    Phải, tôi đọc thơ Vũ hữu Ðịnh để nhớ lại những ngày xa xưa thuở ấy. Lúc lang thang vơ vẩn ở Sài Gòn năm 1980 sau khi được thả về. Sau đó, tham gia tổ chức một chuyến vượt biển không thành ở Bến Tre và bị công an tỉnh lên tận Sài Gòn hỏi thăm. Túng cùng, khi chiều về đêm xuống đạp xe đi mà không biết mình đi đâu. Có lúc, như một nhân vật của kiếm hiệp Kim Dung mà than thở một mình. Than ơi, trời thì cao, đất thì rộng mà ta thì không chốn nương thân. Câu hỏi tối nay biết ngủ đỗ nơi đâu cứ hoài trong tâm trí. Mình có nhà có cửa mà sao phải lạc loài như người vất vưởng không nhà. Có bữa, mướn chiếu ngủ tạm ở bến xe, để nghe những người chung quanh chửi rủa thời thế, hay những cô gái giang hồ đêm khuya kể lể tâm sự bọt bèo mình. Tôi khám phá ra một điều ngủ đêm ở bến xe lại an toàn hơn bất cứ một nơi chốn nào khác. Nếu tạm trú tại nhà mấy người thân, thì chỉ một lần, bởi cả gia đình người thân ấy cũng sẽ hồi hộp chờ tiếng gõ cửa xét nhà kiểm tra hộ khẩu và cả đêm thức trắng trong lo sợ. Thôi thì đành tối tối, tới bến xe, ngủ lẫn lộn với những hành khách chờ xe đò hoặc những anh tài xế xe vận tải hay những chị buôn hàng chuyến, để chờ một chuyến đi sắp tới cho qua những ngày bị truy nã, săn đuổi...

    Ðọc những câu thơ, tự nhiên sao bồi hồi. Nhớ lại, một thời gian qua, đã tới hai mươi mấy năm mà sao như trước mắt. Tôi thấy mình đạp xe lang thang giữa con phố đông người với mây đen ùn lên phía chân trời của thành phố Sài Gòn đang lên đèn. Tôi nghe lại những câu vọng cổ, than thở buồn hiu trong đêm mưa dầm rả rích khi mình cuộn tròn trong manh chiếu ở hiên nhà cạnh những người vô gia cư từ kinh tế mới trở về, lăn lóc, tang thương.

    Ðọc những câu thơ sao thấm thía:

    “trong đám đông anh lại càng cô độc
    bởi một nơi đâu cũng ăn tạm ở nhờ
    sợ cả lời chia vui thành thật
    bạn bè thì đông sao anh vẫn bơ vơ
    buổi tối xe lam muộn màng ế khách
    lại tới một nơi không hẹn không tìm

    anh đi ngược lại con đường xe chạy
    mỗi bước chân rời mỗi nhịp đau tim
    thành phố lặng là khi nghìn tiếng động
    không xô tan được khối lòng sầu
    chân anh bước, mắt chỉ nhìn phía trước
    tai nghe hoài một câu hỏi về đâu.”

    Thời gian ấy, sao cố quên mà vẫn còn hằn nhớ. Cái tâm cảm của một người cô đơn trong cái xô bồ náo nhiệt của chỗ đông người lại càng làm tăng thêm cường độ nỗi buồn. Thời thế ấy, sao buốt xót. Kỷ niệm ấy sao ngậm ngùi. Cầm tập thơ Vũ Hữu Ðịnh trên tay, mặc dù chưa bao giờ gặp mặt và cũng không hề quen biết mà sao tôi có cảm giác vô cùng thân thuộc. Không biết có phải vì có lúc, mình cũng đồng cảm với cái tâm sự của một người lỡ vận “Ta đã hát khúc hát đời lỡ vận. Hát âm u trong đêm tối một mình.” Hình như, với thi sĩ tác giả “Còn một chút gì để nhớ”, đêm tối lúc nào cũng là cái phông thẳm sâu của kiếp người, của những bước chân đi không bao giờ đến đích.

    Bài thơ về phố núi Pleiku của Vũ Hữu Ðịnh với nhạc Phạm Duy đã tạo một thành phố nhỏ nơi xó rừng thành một nơi chốn đầy huyền thoại, vừa lãng mạn vừa bi tráng. Ở đây, có những chuyện về Bà Chúa Rừng linh thiêng, có những mối tình y như tiểu thuyết của những người lính trận và những cô gái giang hồ. Thời chiến tranh cực độ, phố núi là nơi dưỡng quân của những chàng G.I. từ mặt trận biên giới trở về và cũng là nơi mà các nàng kiều nữ từ khắp nơi đổ về kiếm tiền.Và, cũng chính nơi đây, là nơi nghỉ phép của những chàng lính chiến từ biên trấn. Rượu, ăn chơi, nhảy nhót, cho quên sầu để rồi trở lại chiến trường, ở đó có những mối tình giang hồ nhưng cũng có những mối tình lãng mạn trong trắng.

    Ở đó, cũng có con đường Trịnh Minh Thế rợp bóng cây dầu, cây sao, những giờ đi học hay tan học tung tăng những tà áo trắng nữ sinh trong cái mù sương buổi sáng hay nhạt nắng buổi chiều. Pleiku, “phố xá không xa nên phố tình thân. Ði dăm phút đã về chốn cũ...” Con đường Hoàng Diệu từ rạp Diệp Kính đến Bưu Ðiện, chỉ vài phút đi lên đi xuống để cho đời còn mơ còn mộng, còn thấy hạt nắng dễ thương, hạt mưa tuy buốt lạnh nhưng lại ấm lòng vì đôi mắt em. Dù nơi đây suốt năm là mùa đông tháng giá nhưng má đỏ môi hồng em làm ấm mùa xuân. Và:

    “xin cảm ơn thành phố có em
    xin cảm ơn một mái tóc mềm
    mai xa lắc trên đồn biên giới
    còn một chút gì để nhớ để thương.”

    Rời phố núi, để hát bài Biên trấn ca. Thơ, là tiếng hú vọng lên thinh không về đến quê nhà. Thơ, là tia nhìn tha thiết xuyên qua rừng qua núi, về một nơi chốn nào sắt se kỷ niệm. Thơ, những vần thơ làm xao xuyến không gian.

    “...Chiều có ta đứng mãi
    Ðịnh hướng phương trời quê
    Chim bay về biển Bắc
    Gió bạc hồn sơn khê
    Ba năm đồn biên trấn
    Hai mươi năm giang hồ
    Chuyện kể hoài bữa rượu
    Thuốc chẳng tàn cơn mê
    Ðồn cheo leo đón gió
    Bốn mùa phên mây che
    Ðất trời đây một cõi
    Nhốt đời chưa cho về...”

    Có người nói thơ Vũ hữu Ðịnh ít có bóng dáng chiến tranh. Nếu có, chỉ là những nét thoảng mờ không rõ nét. Nhưng, trong suy nghĩ riêng mình, tôi lại thấy bất cứ bài thơ nào của ông cũng đều thấp thoáng hình ảnh của một thời đại chinh chiến. Cái tâm tư bất an, cái nỗi niềm thời bom đạn, những huyễn mộng và đau xót hòa chung, bàng bạc trong ngôn từ, của một thời đại mà bất hạnh thành quen thuộc và hạnh phúc lại hiếm hoi.

    Bài “Trên đoạn đường quê em,” như một lời phẫn nộ:

    Lửa rực đỏ treo trăm đường sinh tử
    Trong đêm cay, đêm địa ngục hãi hùng
    Mẹ thét tìm con tóc dài điên dại
    Xiêu vẹo giữa đường chết đuổi sau lưng

    Lửa đã cháy đường ra quê em
    Lửa đã cháy một đoạn lòng của mẹ
    Ôi cái chết có còn chăng lý lẽ
    Có lý lẽ nào đã giết anh em

    Ðường ra quê em trăm ngàn cay đắng
    Lửa hạ đạn gào trăm tiếng kêu la
    Những dòng máu vô tình vô tội
    Ðã chảy lên nhau thành suối chan hòa

    Lửa Quảng Trị lửa rượt về Mỹ Chánh
    Rải những thây người gục giữa đồng khô
    Những dòng máu đã thấm tràn mạch đất
    Có làm tương lai con cháu huy hoàng?”

    Ghét chém giết, nhưng vẫn phải tham dự chiến tranh, ôi tấm lòng tuổi trẻ sao sắt se buồn:

    “trên non may có tình bằng hữu
    tuổi trẻ đau chung một khúc ca
    ôm nhau thức với vầng trăng lạnh
    vượt lá tìm sao định hướng nhà

    có những ngày đi trong núi thẳm
    tuổi trẻ nhìn nhau nhớ xóm thương làng
    thở chung một tiếng nghe sầu cháy
    tâm sự chuyền nhau điếu thuốc quan san

    Cám ơn điêu đứng rừng sinh tử
    Cạm bẫy người giăng để giết người
    Tuổi trẻ gần nhau trong gió lửa
    Giữ giùm nhau những tiếng chim cười.”

    Có lẽ những bài thơ hay nhất của Vũ Hữu Ðịnh, theo tôi, là những bài thơ viết về thời lang thang giang hồ của ông. Có khi ông luận chuyện đời, một chút triết lý, một chút cám cảnh thương thân. Có khi, ông phác họa lại tình cảnh mình, đối chiếu giữa cái có và cái không, cái chân thực và cái giả ngụy:

    “ ... bạn bè bảo ta thằng giả trá
    thằng làm thơ “tẩu hỏa nhập ma”
    ta chỉ biết cười trong im lặng
    có một lời nào ta nói chưa ra

    hôm xưa ta vốn thằng hay nói
    chuyện văn chương giống chuyện đàn bà
    chuyện anh em chết ngày đôi đứa
    nói mãi không cùng chẳng tận xót xa
    có lúc cay môi mềm tiếng rượu.”

    Thi sĩ tự họa chân dung, của một lời thê thiết bỏ nhau, của những lúc hất bỏ đi những gì thơm hương những gì mơ mộng nhất:

    “bỏ người ta vẽ chân dung
    bỏ người ta thấy trùng trùng cõi xa
    bỏ ta
    ta vẽ đời ta
    bỏ nhau ta vẽ ngựa già ngủ im

    bỏ ngày xưa
    bỏ trái tim
    ta lang bạt tự kiếm tìm xót đau

    bỏ đời rồi bỏ đời nhau
    bỏ trăng chết lạnh bỏ sầu khói sương
    bỏ rừng tuổi lá thơm hương
    bỏ sông để gió làm buồn sóng chao
    bỏ người tôi bỏ đời nhau.

    Ðiệp khúc “bỏ người, bỏ đời, bỏ ta, bỏ rừng, bỏ trăng, bỏ sông,” như những lời than oán, như những tiếng gọi về. Buồn, một nỗi đau tận cùng, nhưng, sao trong ngôn ngữ, có phảng phất một chút gì chịu đựng, như số phận đời đã phải cam chịu, đã phải buông xuôi...

    Tình yêu, có lúc là những cơn mộng, của giây phút kiếm tìm nhưng chẳng bao giờ gặp gỡ trong đời. Vũ Hữu Ðịnh làm thơ tình, giữa thiên nhiên hiền hòa nhưng sao trong lòng như đã chớm một niềm đau, bàng bạc:

    “vẫn nằm mộng thấy bàn tay em vẫy
    nên chi anh đi ngơ ngẩn kiếm tìm
    có buổi chiều ngồi ngó mãi ra sông
    có buổi tối qua những đường quen cũ
    có đêm thức ngó lá dừa buông rủ
    những lá dừa kia đã có linh hồn...

    Làm thơ về Huế, để nhớ lại những đứa bạn thời xưa. Nói với bạn, mà sao như nghe nói với quê cha đất tổ nỗi niềm của mình, của những người con làng phải xa rồi lại trở về, chịu những cảnh khó khăn của một thời đại đầy đổi thay bất trắc. Thơ gửi Trần Dzạ Lữ, gửi theo một cảm xúc buồn về đất nước quê hương:

    “...tôi có nhiều người bạn Huế
    thường nói với nhau về Huế của mình
    xa thì thương ở gần dễ giận
    đi xa Huế dẫu đời lận đận

    nhưng còn Thành Nội trong tim
    nhưng còn hình ảnh núi Ngự sông Hương
    cái huyền thoại nghe buồn dễ sợ

    Duận ơi! Cuộc sống có bao giờ dễ thở
    ai có bạc chi mình cứ níu xóm làng
    tau vẫn nhớ hoài năm tháng lang thang
    mày cứ nhắc làng quê Nam Phổ Hạ...”
    em ơi!...”

    Chết lúc bốn mươi, có lẽ cuộc đời người làm thơ ngắn ngủi. Phần rượu tặng của đời chàng có lẽ là những giọt đắng tân toan. Chàng ra đi khi đất nước trong những ngày cực kỳ khó khăn, khi chế độ với chính sách kinh tế chỉ huy, ngăn sông cấm chợ, triệt hạ tư sản lôi xã hội xuống cấp tột cùng. Vũ Hữu Ðịnh qua đời vào đầu năm 1981 tại An Hải, Ðà Nẵng. Ông từ trần vì say rượu té từ trên lầu xuống, một cái chết mà theo nhiều người kể lại thì còn nhiều nghi vấn.

    Ðọc thơ Vũ hữu Ðịnh, thấy nỗi ngậm ngùi. Và lại càng thấy công việc in lại tập di cảo “Thơ Vũ Hữu Ðịnh” của các anh Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn là một việc nên làm.

    Nó chẳng những là một nén hương tưởng niệm mà còn làm sống lại một thời kỳ văn học thật nhiều trăn trở thật nhiều thời đại tính mà những người lãnh đạo trong chế độ đương thời muốn xóa bỏ và triệt hủy.

    Nguyễn Mạnh Trinh
Working...
X