Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Đọc " Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười"

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đọc " Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười"

    Đọc " Đổi Cả Thiên Thu

    Tiếng Mẹ Cười"
    *
    thơ Trần Trung Đạo

    Châu Thạch Thảo
    Nguồn từ trang Luân Hoán

    *






    Nhắc chiếc phone lên bỗng lặng người

    Tiếng ai như tiếng lá thu rơi

    Mười năm Mẹ nhỉ, mười năm lẻ

    Chỉ biết âm thầm thương nhớ thôi

    Buổi ấy con đi chẳng hẹn thề

    Ngựa rừng xưa lạc dấu sơn khê

    Mười năm tóc mẹ màu tang trắng

    Trắng cả lòng con lúc nghĩ về

    Mẹ vẫn ngồi đan một nỗi buồn

    Bên đời gió tạt với mưa tuôn

    Con đi góp lá nghìn phương lại

    Đốt lửa cho đời tan khói sương

    Tiếng Mẹ nghe như tiếng nghẹn ngào

    Tiếng Người hay chỉ tiếng chiêm bao

    Mẹ xa xôi quá làm sao vói

    Biết đến bao giờ trông thấy nhau

    Đừng khóc Mẹ ơi hãy ráng chờ

    Ngậm ngùi con sẽ dấu trong thơ

    Đau thương con viết vào trong lá

    Hơi ấm con tìm trong giấc mơ

    Nhắc chiếc phone lên bỗng lặng người

    Giọng buồn hơn cả tiếng mưa rơi

    Ví mà tôi đổi thời gian được

    Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười ./.

    TTĐ



    Có người không tâm đắc với cai đầu đề bài thơ là “Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười” vì cho rằng làm chi ai có được thiên thu để đổi tiếng mẹ cười, và dẫu tác giả sống được 1000 năm chăng, thì có chịu chết đi để nghe tiếng mẹ cười hay không? Lấy cái không có mà đổi cái có thì chỉ là nói cho vui cửa miệng mà thôi. Đúng thế nếu hiểu theo một cách thực dụng. Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Đọc thơ thì phải biết ngôn ngữ thơ có khác, mới hiểu được hết cái hay tiềm ẩn trong từng câu, từng chữ của thơ. Ông bà ta có câu “nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại” hiểu là một ngày ở trong tù dài như ngàn năm ngoài đời. Vậy thì một ngày hay một ngàn năm ở đây đều là thời gian tâm lý, không phải thứ thời gian mà chúng ta sống bằng hít, thở. Nếu nói một ngày bằng một ngàn năm thì ngàn năm là thời gian tâm lý, ngược lại nói ngàn năm bằng một ngày thì một ngày là thời gian tâm lý. Cũng thế, nhà thơ Trần Trung Đạo dùng chữ “thiên thu” cho cái đâu đề “Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười” cũng là thời gian tâm lý.

    Thời gian tâm lý thì tuỳ theo tâm trạng của mỗi người, mỗi hoàn cảnh nên chữ “thiên thu” ở đây không tính bằng năm, tháng được, chỉ biết là nó lâu dài đối với tác giả mà thôi. Cũng xin bàn thêm đôi chút về chữ “thiên thu”. Ta biết một năm có 4 mùa. Mùa xuân là mùa vui nhất nhưng không phải là đẹp nhất. Mùa thu mới là mùa đẹp nhất vì nó bình tịnh và an lạc. Ở đây nhà thơ dùng chữ “thiên thu” không phải là 1000 năm của thời gian mà mục đích để chỉ sự bình tịnh, an lạc dài lâu trong tâm hồn mình, và sự bình tịnh an lạc đó ông sẳn sàng chịu mất đi để đổi lại nghe được tiếng mẹ cười, nghĩa là biết được mẹ mình đang hạnh phúc. Vì thế nhà thơ không dùng chữ “thiên niên” mà dùng chữ “ thiên thu” cũng hàm xúc một ý nghĩa sâu xa. Bây giờ hãy đi vào vế một của bài thơ:



    Nhắc chiếc phone lên bỗng lặng người

    Tiếng ai như tiếng lá thu rơi

    Mười năm Mẹ nhỉ, mười năm lẻ

    Chỉ biết âm thầm thương nhớ thôi.




    Có ai nghe được tiếng lá thu rơi không? Lưu trọng Lư nghe được tiếng lá rơi mùa thu: “Anh nghe chăng mùa thu/ Lá thu rơi xào xạc”. Đó là tiếng lá rơi của cả một khu rừng,còn tiếng mẹ không thể là một khu rừng mà chỉ như là một chiếc lá rơi thôi. Một chiếc lá rơi thì làm sao nghe được nếu không phải chỉ là sự rung động trong cõi lòng mình khi nghe âm thanh mẹ nói.Tác giả dùng chữ “tiếng ai” để chỉ về tiếng Mẹ. Chữ “ai” thông dụng để chỉ người xa lạ nhưng chữ “ai” cố ý trong văn chương thì lại chỉ người thân thương nhất. Người thân thương ấy có tiếng nói như “lá thu rơi”. Lá thu rơi thì nhẹ nhàng, êm ái và buồn vô cùng đối với những tâm hồn nhạy cảm.

    Chỉ một câu thơ “ Tiếng ai như tiếng lá thu rơi” thôi, Trần Trung Đạo đã làm cho một vế thơ vốn khô khan vì kể lể trở nên ướt át, đậm đà và bàng bạc một nỗi buồn vời vợi vì chất chứa trong đó âm thanh của tiếng mẹ cùng tiếng lá thu rơi. Khi nghĩ đến “ tiếng lá thu rơi” người đọc liên nghĩ cả một bầu trời thu và từ đó lại liên nghĩ tiếng nói êm ru của mẹ, dáng dấp âm thầm của mẹ trong khung cảnh u buồn.

    Vế thứ hai của bài thơ có âm điệu trầm bổng của phong cách thơ thời xưa nhưng hoàn cảnh lại khác nhiều với những bài thơ nói đến sự chia ly:



    Buổi ấy con đi chẳng hẹn thề

    Ngựa rừng xưa lạc lối sơn khê

    Mười năm tóc mẹ màu tang trắng

    Trắng cả lòng con lúc nghĩ về




    Khác chăng là tác giả diễn tả trong vế thơ nầy một sự ra đi uất ức. “Buổi ấy con đi chẳng hẹn thề” là một sự ra đi đành đoạn, không hẹn ngày quay lại. Con ngựa rừng mà lạc lối sơn khê là một sự vô lý. Vậy mà ở đây “Ngựa rừng xưa lạc lối sơn khê” là có thật. Ngựa mà lạc lối trong rừng mình đang ở thì nó đang chịu sự xua đuổi, bức bách đến hoản loạn mới phải lạc cả lối đi về quen thuộc. Ngựa rừng ở đây đã xa mẹ 10 năm và trong mười năm ấy tóc mẹ, lòng con đều trắng. Tóc mẹ trắng là vì gian khổ, vì tuổi già nhưng lòng con cũng trắng bởi vì sao? Có người cho rằng chữ “trắng” thứ hai rất phũ phàng, nó cho biết “trắng” nghĩa là không có chút thương nhớ, không có chút u buồn nào cả. Không phải thế đâu. Chữ “trắng” thứ hai có thể xem là màu trắng của một chiếc khăn tang. Khi mẹ chết thì đội chiếc khăn tang trên đầu, nhưng mẹ chưa chết mà xem như đã biệt ly thì để chiếc khăn tang trắng trong lòng mỗi khi nhớ mẹ là hình ảnh đau thương sống động. Chữ “trắng” thứ hai diễn tả hết nỗi trống vắng trong lòng. Trống vắng vì không có tiếng nói của mẹ, không có mùi thơm của mẹ, không có bất cứ cái gì mà mẹ đã lấp đầy màu sắc tươi đẹp trong lòng tác giả từ một thuở xa xưa.

    Qua vế thơ thứ ba và thứ tư tác giả như thỏ thẻ với mình và

    với mẹ:



    Mẹ vẫn ngồi đan một nỗi buồn

    Bên đời gió tạt với mưa tuôn

    Con đi góp lá nghìn phương lại

    Đốt lửa cho đời tan khói sương

    Tiếng Mẹ nghe như tiếng nghẹn ngào

    Tiếng Người hay chỉ tiếng chiêm bao

    Mẹ xa xôi quá làm sao vói

    Biết đến bao giờ trông thấy nhau




    Trong vế thơ trên ta thấy hình ảnh “ người song cửa, kẻ chân mây” trong “Chinh Phụ ngâm” được biến hoá thành một bức tranh ảm đạm sinh động với hình ảnh người mẹ ngồi “đan một nỗi buồn” bên song cửa có “gió tạt với mưa tuôn” và người con “đi góp lá nghìn phương” để “đốt lửa cho đời”. Cũng dùng hình ảnh đó, hình ảnh “kẻ song cửa, người chân mây” nhưng vế thơ đã làm trùm lên không gian và thời gian không phải là nỗi buồn sâu lắng có chút thi vị của thời xa xưa mà là trở nên khắc khỏi một nỗi đau của sự chia lìa mẹ, con. Qua vế thơ dưới tác giả đã nghe tiếng mẹ “như tiếng chiêm bao” và muốn vói tay tìm mẹ nhưng “Xa xôi quá làm sao vói tới”. Những tứ thơ nầy làm cho mẹ trở thành mong manh quá đổi, mà mẹ càng mong manh thì nỗi xót thương trong ta càng trĩu nặng.

    Qua vế thơ thứ năm như sau:



    Đừng khóc Mẹ ơi hãy ráng chờ

    Ngậm ngùi con sẽ dấu trong thơ

    Đau thương con viết vào trong lá

    Hơi ấm con tìm trong giấc mơ




    “ Ngậm ngùi con sẽ dấu trong thơ” là đúng, “hơi ấm con tìm trong giấc mơ” là đúng, nhưng tại sao “Đau thương con viết vào trong lá”? Sao không nói đau thương con dấu ở trong tim? Viết vào trong lá để làm gì?. Muốn hiểu câu thơ nầy ta thử đọc một ca khúc trong bài ca “Thu Sầu” của nhạc sĩ lam Phương:



    “Trên cao bao vì sao sáng/ Rừng vắng có bao lá vàng/ là bấy nhiêu sầu”. À, hoá ra nhạc sĩ lam Phương dùng số nhiều của lá vàng để gắn kết nỗi sầu của mình lên đó. Trần Trung Đạo cũng vậy, ông không chỉ viết đau thương lên lá vàng mà viết đau thương lên cả lá xanh, nghĩa là trên đời có bao nhiêu lá thì ông có bấy đau thương vì xa cách mẹ. Một con én có thể làm nên mùa xuân thì một câu thơ cũng có thể làm lung linh đẹp cả một bài thơ vậy.

    Vế chót của bài thơ là toát yếu bài thơ và tác giả nhấn mạnh suy tư của mình, làm cho bố cục bài thơ vô cùng chặc chẻ như một bài luận văn mẫu ở chốn học đường:



    Nhắc chiếc phone lên bỗng lặng người

    Giọng buồn hơn cả tiếng mưa rơi

    Ví mà tôi đổi thời gian được

    Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười .




    Ở vế chót nầy tác giả dùng câu “Ví mà tôi đổi thời gian được” đề bổ nghĩa cho câu “Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười” dễ làm cho người đọc suy luận thời gian ở đây là thời gian vật lý, nghĩa là thời gian một ngàn năm có thật. Điều nầy cũng không có chi là nghịch lý, vì nếu tác giả có được thời gian vật lý trong tay thì có bao giờ ông đợi được 1000 năm mới chịu đem đổi lấy niềm vui của mẹ, hay là thời gian tâm lý trong lòng đã thôi thúc ông đi đổi ngay để lấy niềm vui cho mẹ sưởi ấm lòng ông.

    Vậy chỉ nên xem nhà thơ dùng thời gian như một thể “Tỷ”

    trong ca dao, các ý tứ không nằm trong lời nói mà nằm trong cảm nhận của con người./.



    Châu Thạch



    Last edited by Poupi; 08-12-2015, 03:20 PM.
Working...
X