[img]http://www.tuoitre.com.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=192867[/img]
Không dễ đi qua cái bóng của chính mình, ở một góc độ nào đó, Bảo Ninh (ảnh) cũng đang “ở lưng chừng thời gian” - như tên gọi cuốn tiểu thuyết vừa được dịch ra tiếng Việt của nhà văn Canada David Bergen có đề tài liên quan đến cuộc chiến tranh VN.Trong sách, tác giả xác nhận đã được gợi hứng và chịu ảnh hưởng rất nhiều từ cuốn Nỗi buồn chiến tranh (NBCT) của Bảo Ninh.
Cuốn sách được nhiều tờ báo VN nhắc đến ngay sau lúc nó vừa nhận một giải thưởng lớn của Canada và được khen khi có bản tiếng Việt. Nhưng nhà văn thì không nghĩ thế:
- Không biết có tiện để nói không, nhưng thật tình là mình không cảm thấy thích, không được vui lắm khi NBCT đã bị hiểu theo hướng ấy, một hướng tối, mà thật ra nó không hề tối. Cố nhiên, mỗi bạn đọc hay bạn viết đều có quyền có một cách cảm, cách nhìn riêng của họ về cuốn sách và về cuộc chiến. Chưa nói đó còn là một cái nhìn xuất phát từ thiện chí của một người nước ngoài trước một đất nước, một dân tộc mà họ muốn đến gần.
Nhưng dẫu vậy vẫn không thể không cảm thấy buồn và tiếc. Nói sao nhỉ? Những nhân vật người Việt trong cuốn sách nhìn chung không được thật và “nhã” lắm, không khí truyện cũng không thật và ít nhiều bị “vênh” với bối cảnh. Phần nào đó, cuốn sách làm người ta cảm thấy người Việt hôm nay hầu như vô cảm khi nói về những mất mát đã qua. Đâu phải thế, đâu thể thế! Lãng quên như một kiểu coi thường chính mình là khác, tập quên và cố quên để đứng lên, đi tiếp và để tha thứ là khác, khác nhiều chứ!
Trong một chừng mực nào đó, cuốn sách của tôi và của David Bergen cùng đề cập đến một đề tài: ám ảnh của một cuộc chiến lên những cựu chiến binh thời hậu chiến. Ám ảnh đó nhìn bề ngoài có vẻ giống nhau nhưng theo tôi, ở người cựu chiến binh VN, nỗi đau ấy ít mang màu sắc cá nhân hơn. Không phải chỉ là chuyện tôi bị thương, bản thân tôi bị đau mà sâu và rộng hơn, đó là nỗi đau về cái thời của mình, ít nhất là thế hệ mình, đồng đội mình...
* Ông có chắc là mình có thể đọc cuốn sách một cách khách quan không, khi mà ông chắc hẳn đã đọc nó trong một tâm thế: tìm mình và cuốn sách của mình trong đó?
- Dĩ nhiên là tôi phải để ý chứ, vì điều đó đã được tác giả nói rất rõ trong lời cảm ơn cuối sách và như bạn biết, có hẳn một nhân vật nhà văn mang bóng dáng Bảo Ninh trong đó. Tuy nhiên, hình ảnh mà tôi quan tâm nhất ở đây là người lính hay đúng hơn, tinh thần của người lính trong và sau cuộc chiến. Hình ảnh ấy, tinh thần ấy, trong cuốn sách, dù không chiếm vệt chính nhưng vẫn khiến người đọc cảm thấy không được thoải mái. Sao chứ? Cái vỏ thì rõ là của anh, nhưng cái ruột không phải thế! Vậy đấy, tìm mà không gặp, chưa thật sự gặp!
* Phần cuối sách, khi nữ nhân vật chính từ Đà Nẵng tìm ra Hà Nội, có đi tìm nhân vật ông nhà văn tại địa chỉ 3B LNĐ (3B cũng là tên mặt trận mà Bảo Ninh nói đến ở ngay trang mở đầu cuốn NBCT - NV) nhưng không gặp. Cũng là “tìm mà không gặp”. Vậy theo ông, nếu gặp?
- Tôi cũng không rõ khi đi thực tế để viết cuốn sách này, David Bergen có đi tìm gặp tôi hay không. Nhưng đúng là nếu hai bên gặp được nhau thì câu chuyện có thể đã có một màu sắc khác. Vì không chỉ là tác giả của cuốn sách mà David Bergen cho rằng mình chịu ảnh hưởng, người David Bergen tìm gặp còn là một anh lính. Cái mạnh của quân đội không phải ở chỗ hung hăng mà rất chừng mực, mềm dẻo. Văn tôi, vì thế, tôi muốn nó có được vẻ đẹp của... quân đội.
* Trong tác phẩm của David, có một nhận xét: cuốn sách, mặc dù đã phản ánh được rất sống động hiện thực cuộc chiến nhưng rất tiếc, đã không đưa ra được một hiện thực tiêu biểu và không có được một lời lý giải thỏa đáng. Ông có nghĩ đó là những lời ám chỉ về NBCT?
- Không là một hiện thực tiêu biểu thì cũng dễ hiểu vì đó chưa bao giờ là chủ ý của tôi. Điều tôi muốn là một cái nhìn cá nhân, rọi vào những góc khuất, với một độ lùi thời gian cho phép (sau chứ không phải là trong cuộc chiến). NBCT trước hết được viết cho người đọc VN nên tôi không nghĩ mình nhất thiết phải đưa ra những lời lý giải về một cuộc chiến mà trong đó dân tộc tôi, đất nước tôi đã phải cắt nghĩa nó bằng xương máu của bao người.
Làm sao có thể vừa viết văn vừa giảng bài? Tuy nhiên, cũng không ngoại trừ, đấy có thể là một điểm yếu của văn chương VN mình: luôn bắt người ta phải biết lịch sử mình thì mới hiểu được. Trong khi người ta có những cuốn sách về châu Phi hay Nam Mỹ chẳng hạn, mình chưa cần phải hiểu gì lắm về lịch sử của họ cũng vẫn bị “đánh thuốc mê” như thường! Văn chương mình khó ra được với thế giới có khi một phần vì thế!
* Nhưng không thể phủ nhận NBCT đã phần nào làm được việc đó. Song “nỗi buồn” mà nó để lại cho tác giả phải chăng là sức ép không vượt qua nổi cái bóng của chính mình?
- Ừ, kể cũng buồn thật! NBCT làm mình được biết đến, rồi tự dưng bạn bè đông lên, bù khú nhiều hơn, vui thì cũng vui nhưng không thực là yên ổn: lắm lúc đang nhậu muốn bỏ về, đi trên tàu thấy cảnh đẹp không yên, đi chơi bao đận thấy không đành... Cuốn tiểu thuyết dự định viết cứ thế toan xây toan đổ không khác gì... thành Cổ Loa.
Bảo gác bút thì không phải, vẫn còn một Bảo Ninh truyện ngắn, một Bảo Ninh trên báo tết, nhưng cái tạng mình ướm vào truyện ngắn nó không đã, nó không làm mình vui được, dù rõ là nó nuôi được mình giỏi hơn tiểu thuyết, lại có thằng nó thúc cho sát đít để mà không thể bùng đi đâu được! Không gì bất hạnh bằng nhà văn một cuốn, dù có thể: một thằng nhà văn không dám viết tiếp chưa chắc đã là hèn!
* NBCT - những lần tái bản sau này - lúc đầu và lần tái bản gần đây nhất (2003) có tên là Thân phận tình yêu. Thật ra ông thích cái tên nào hơn?
- Thân phận tình yêu thì nghe hơi sến. NBCT cao hơn chứ, nó vừa đúng là tâm trạng thật của mình, vừa không chỉ của mình!
* Quả vậy! Cảm ơn ông!
THIÊN AN