X ô n X a o M ù a H è
Phượng ở công viên nở toàn hoa tím
Phượng xưa đỏ cành đã bỏ đi đâu
Áo của ngày xanh đâu xa xôi lắm
Như vở học trò như bảng phấn quen
Với những vần thơ của Nguyễn Nam An, Bích Huyền mời các bạn, chúng ta cùng bước vào mùa hè…
Mùa hè với nắng rực rỡ tỏa xuống thiên nhiên. Cổng trường thì khép kín. Hành lang, lớp học, sân trường đều vắng vẻ, im lìm. Và khi ấy ở quê nhà, chỉ còn màu hoa thắm đỏ của những cây phượng đứng yên lặng một góc sân như luyến tiếc, như gợi nhớ những ngày vui buồn cùng sách vở, bạn bè.
Màu phượng đỏ mỗi mùa hè gợi nhớ mùa thi, thôi thúc tuổi trẻ bước tới tương lai. Màu phượng thắm gợi bao ý tưởng trong sáng và niềm tin mới mẻ, để hy vọng vươn lên.
Phượng trong thơ, phượng trong nhạc, phượng trong trí tưởng nhiều người…
Hãy nhắm mắt tìm một thoáng hương xưa ngày ấy. Để trở lại kỷ niệm chồng chất yêu thương, bằng những phấn hương thơm phảng phất suốt quãng đời còn lại. Như bất chợt có một hôm nào bắt gặp trên màn ảnh nhỏ, hình ảnh một cô bé học trò chở đầy hoa phượng trên chiếc giỏ xe….
Em đi phượng tím chuyển màu
Bước chân vẫn dáng xưa thanh thoát
In trọn pho tình sử đã lâu…
(TXD)
Những bông hoa phượng của một thời thơ ngây ấy mãi mãi để lại trong tâm hồn mỗi người những kỷ niệm thật dịu dàng, êm ái như mối tình học trò đầu đời thơ ngây trong trắng thỏang qua còn để lại hương thơm.
Mùa hè, có lẽ ai cũng muốn hồi tưởng lại một thoáng hương xưa, thuở môi hồng mắt biếc, với bao ước mơ mộng tưởng. Bâng khuâng khi đọc những mẩu chuyện giản dị đời học sinh, những bài thơ trong sáng, thơ ngây. Chúng có lúc ngây ngô nhưng vẫn tràn đầy nhựa sống, chúng rất bình thường nhưng lại rất hồn nhiên. Đó là những hoa bướm ngày xưa thời mới lớn, thời “học trò sách vở nhẹ trên tay”, thuở “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”, thuở thích có những giờ nghỉ học lang thang hái hoa ép vào sách vở…
Người đã yêu chưa, mười lăm hay mười sáu
Đã ngập ngừng bối rối nhớ vu vơ
Hay bâng khuâng đi đếm lá mùa thu
Hay rạo rực tìm hoa vườn Bách thảo
Người đã yêu ai, muời lăm hay mười sáu
Muốn ngỏ lời bằng lưu bút ngày xanh
Bằng trang thư màu tím giấy mong manh
Nhưng vẫn ngại, vẫn run, hay vẫn thẹn
Ôi đắm sau tuổi yêu đương hò hẹn
Xin mách người hãy thổ lộ bằng hoa
Xin mách người một đoá mimosa
Tình thứ nhất và từ lâu câm nín”
Nhưng người ơi, trái mùa xuân chưa chín
Đừng vội vàng hái sớm lúc còn xanh
Giấc ân tình chỉ một thoáng mong manh
Như câu chuyện người tình nhân ngồi khóc
“Khi mười tám xuân về trên mái tóc
Mắt học trò còn sáng nét ngây thơ
Đã vội vàng rạo rực nhớ vu vơ
Đã bắt bướm tìm hoa ngoài cửa lớp
Trời hôm ấy mây mùa thu tím lợp
Che mặt trời cho lá rụng như mưa
Chàng không về trên những lối đi xưa
Chân lạc lõng ở giữa đường hoa bướm
Tà áo xanh, tóc huyền kiêu mới lớn
Chàng đi theo nào biết đi về đâu?
Lá mùa thu đã rắc úa trên đầu
Khi cửa khép mới thẫn thờ trở lại
Lối cố đơn bước chân buồn cỏ dại
Những chiều sau nối tiếp áo vàng, xanh
Màu tím tương tư, màu trắng si tình
Chàng yêu hết, viết thành câu thi tứ
Cuối mùa thu và cuối trang tình sử
Chép chuyện chàng thầm kín yêu thiết tha
Gửi tình yêu trong cánh mimosa
Những cánh nhung vàng xinh xinh yếu dấu”
Người đã yêu chưa, mười lăm hay mười sáu
Yêu là gì? Ôi, chỉ chuyện dưng không
Vì thế nhân là bạc bẽo vô cùng
Yêu một thuở để trọn đời cô độc
Cuối mùa xuân người tình nhân ngồi khóc
Mimosa chưa héo nửa bông đầu
Đường hoa xưa bướm lạc biết tìm đâu
Tình thứ nhất tháng Ba vào kỷ niệm…
(Đó là bài thơ Mimosa của Y Dịch, tức nhà báo Lê Đình Điểu thuở học trò, đăng trong Đặc san Xuân Chu Văn An 1960, được rất nhiều học sinh, sinh viên cùng thời yêu mến chép trong lưu bút.
Nhà báo Lê Đình Điểu qua đời khi ông vừa tròn 60 tuổi, sáng lập viên đài VNCR, đã từng là Tổng Giám Đốc công ty Báo chí truyền thông Người Việt, quận Cam Nam Cali.)
***
Vâng, mùa hè là mùa của tuổi già hồi tưởng, là mùa của tuổi trẻ vui chơi, hồn nhiên với tiếng cười khúc khích. Tóc xoã vai mềm, làm cho ai đó ngẩn ngơ…
Phượng đỏ náo nức ước mơ. Phượng tím xao xuyến tâm hồn
Ai đó nghe lòng mình rung động như những ngày đông lùi bước cho nắng ấm lên dần.
« Chúng ta ước mơ gì với bầu trời xanh biêng biếc ? »
Bích Huyền