V a n g V ọ n g T i ế n g T r ố n g V i ệ t N a m
Trống ở Văn Miếu Hà Nội (hình: Anvi Hoàng).
Đối với người Việt Nam, tiếng trống thùng thùng là âm thanh rất quen thuộc. Từ xa xưa người ta đã nghe tiếng trống lịnh, tiếng trống lễ, tiếng trống điểm canh ở đình làng, tiếng trống hội hè đình đám càng náo nức rộn rã hơn trong những ngày hội đầu xuân. Trẻ con mới sinh ra đã làm quen với chiếc trống tung lắc qua lắc lại trước mặt với âm thanh vui tai và màu sắc vui mắt.
Tiếng trống mở đầu năm học
Lớn lên đi học thì nghe tiếng trống ở trường. Những buổi sáng đi học trễ nghe trống đánh ‘thùng’ một tiếng là lo xách guốc chạy chân đất cho mau. Buổi trưa vào những ngày hè nóng bức học đến giờ cuối nghe tiếng trống tan trường là mừng như bắt được vàng ở trong giấc mơ. Đối với học sinh, tiếng trống mở đầu năm học để lại nhiều cảm xúc sâu xa bồi hồi. Những tiếng trống mạnh mẽ trang trọng vang lên trong buổi sáng mùa thu mang hương gió mới dội lên bao nhiêu mơ ước đầu đời trong tâm hồn non trẻ. Rồi từng năm từng năm, những tiếng trống mạnh mẽ giục giã làm bừng lên thêm nhiều mơ ước như trăm ngàn con sóng lớn dội lên trong lòng, rồi theo thời gian cùng với những kiến thức tích lũy được kết thành một chuỗi mơ ước dài nếu không thực hiện được trong đời thì cũng lặng chìm trong vùng ký ức của tuổi xuân xanh ngà ngọc.
Trống ở chùa Linh Mụ, Huế (hình: Anvi Hoàng).
Tiếng trống và tiếng kẻng
Ở những vùng thôn quê xa xôi, không có trống, người ta dùng kẻng thay cho trống ở trường học. Ngày nay học sinh ở thôn quê hay bỏ học theo gia đình ra đồng làm ruộng, hoạc đi chơi rông, người ta có sáng kiến dùng tiếng kẻng để nhắc nhở các em đến giờ về nhà học bài hoặc vào trường có thầy cô giáo hướng dẫn học tập.
Đối với tôi, tiếng kẻng gắn kết với những vùng xa khuất khác, thường đi liền với sự hiện diện của kẻ thù. Đất nước chúng ta như một cô gái đẹp vươn dài theo bờ biển Thái Bình Dương, dịu dàng êm mát với những dòng sông hiền hòa. Vào thời thực dân Pháp cướp nước của chúng ta, chúng đặt bộ máy cai trị ở thành phố nhưng thường đi tàu thủy vào các cửa biển cửa sông để lùng sục cướp của giết người. Khi tiếng kẻng bắt đầu khua động trong bầu không khí êm ả của miền quê là người ta bắt đầu một nỗi sợ hãi bất tận. Người ta lo thu dọn đồ đạt chuẩn bị chạy loạn. Rồi tiếng kẻng bắt đầu đánh nhanh hơn mạnh hơn cùng với nhịp tim đập áp đảo mọi âm thanh, người ta bắt đầu dắt díu nhau ra khỏi nhà. Khi tiếng kẻng đổ dồn liên hồi mạnh mẽ, đó là lúc kẻ thù đã bắt đầu lên bờ, những người gan lì nhất cũng vội bỏ cày bỏ cuốc dắt trâu dắt bò chạy bán mạng, không chạy kịp là đi đời cả người lẫn con vật cưng tài sản quý của gia đình. Mất nước là mất tất cả những âm thanh vui tươi rộn rã cùng những ngày tháng bình yên hạnh phúc.
Trống ở Đền Đô, Hà Nội (hình: Anvi Hoàng).
Tiếng trống trong nghệ thuật
Tiếng trống thường xuyên có mặt trong cuộc sống hằng ngày của người Việt Nam. Những ngày hội hè vui xuân tiếng trống càng náo nức rộn rã có sức quyến rũ mời gọi:
Tình bằng có cái trống cơm
Khen ai khéo vỗ ớ mấy bông mà nên bông ớ mấy bông mà nên bông...
Cứ nghe tiếng trống giòn giã reo vui như thế là các cô, nhất là các cô gái quan họ, đã cảm thấy đôi chân mình như muốn bay bổng bồng bông.
Trong hát chèo, tiếng trống đóng vai trò quan trọng. Ca dao ta có một câu rất ngộ nghĩnh diễn tả sức mạnh réo gọi giục giã của tiếng trống hát chèo:
Ăn no rồi lại nằm khoèo,
Thấy giục trống chèo vác bụng đi xem.
Tiếng trống trong hát bội và trong ca trù có một nét độc đáo riêng. Đó là tiếng trống chầu dùng để khen thưởng cũng là một cách hướng dẫn người xem biết chỗ đúng sai hay dở. Ca trù là một loại hình nghệ thuật rất tinh vi kết hợp giữa thi ca và âm nhạc. Ca trù xuất hiện từ thế kỷ XV và càng ngày càng được giới quý tộc cùng văn nhân tài tử yêu thích. Chỉ cần ba người thôi mà đã làm nên một sân khấu đầy đủ: Một ca nương (ca sĩ), một người đệm đàn (một ông và đàn được dùng đặc biệt là đàn đáy), và một người đánh trống chầu. Người cầm trống chầu thường là tác giả của bài thơ được đem ra hát, hoặc là khách làng chơi. Tú Xương từng nổi tiếng là người vừa sáng tác vừa mê hát mê đánh trống chầu. Nhà thơ từng viết về nơi quen thuộc ấy:
Hôm nay rỗi rãi buồn tình nhỉ
Thử xuống Hàng Thao đập trống chầu (Than Thân)
Theo nhà nghiên cứu trần Văn Khê, “Trên thế giới không có nơi nào có tiếng trống có nhiều cách đánh để bày tở sự khen ngợi như vậy, với nhiều công thức khác nhau như khen trước khi dứt câu khác với sau khi dứt câu, cách khen tiếng đàn cũng khác với cách khen giọng hát...”
Trống trận Tây Sơn
Tiếng trống ngoài sự có mặt trong sinh hoạt hằng ngày, trong hội hè đình đám vui chơi, tiếng trống còn có một chức năng đặc biệt khác, đó là tiếng trống trong chiến trận. Hãy xem hình ảnh người lính chiến thuở xưa:
Ngang lưng thì thắt bao vàng,
Đầu đội nón dấu vai mang súng dài.
Một tay thì cắp hỏa mai,
Một tay cắp giáo quan sai xuống thuyền.
Thùng thùng trống đánh ngũ liên...
Mới nhìn qua thì không thấy người lính oai phong chút nào nhưng khi ra trận thì kẻ thù “sợ hơn sợ cọp”. Tại sao vậy? Đó là nhờ tiếng trống trận, nhất là tiếng trống trận thời Tây Sơn. Vua Quang Trung nổi tiếng là người đã sáng chế những môn võ độc đáo và đã đưa võ và nhạc vào tiếng trống trận. Theo một số nhà nghiên cứu, tiếng trống trận Tây Sơn đánh cùng một lúc mười hai chiếc bằng những thế võ đặc biệt, người ta có thể nghe trong tiếng trống ấy tiếng gươm khua tiếng ngựa hí voi gầm súng nổ tiếng reo hò của quân sĩ, những âm thanh hùng mạnh này có sức áp đảo kẻ thù vừa là một nguồn cổ võ đem lại sức mạnh cho đoàn quân giết giặc cứu nước. Chính nhờ tiếng trống có ma lực thần kỳ này mà đoàn quân của Người chưa một lần thất trận. Dẹp tan năm vạn quân Xiêm ở trận Rạch Gầm - Xoài Mút và sau đó đánh tan không còn manh giáp hai mươi vạn quân Thanh chỉ trong sáu ngày thần tốc khiến Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử, Tôn Sĩ Nghị phải bỏ cả ấn tín tháo chạy thoát thân trong trận đại thắng vang dội mùa xuân năm kỷ dậu 1789.
Mời xem Nhạc Võ Trống Trận Tây Sơn ở đây:
Việt Nam ngày nay càng ngày càng dùng trống nhiều hơn, càng đưa nhiều trống lên sân khấu hơn. Festival Huế năm 2012 đã đưa lên sân khấu một trăm chiếc trống để tôn vinh Âm Vang Hào Khí Việt Nam. Hằng năm đến ngày mùng Năm Tết , tiếng trống trận Tây Sơn lại được dịp vang lên khắp đất nước kỷ niệm ngày chiến thắng Đống Đa Ngọc Hồi mang theo thông điệp của trận Đại Thắng Mùa Xuân năm Kỷ Dậu mà đó cũng là lời tuyên bố sắt đá của toàn dân Việt Nam muôn đời dành cho kẻ thù phương Bắc:
Đánh cho để răng đen,
Đánh cho để tóc dài,
Đánh cho nó chích luân bất phản,
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn,
Đánh cho sử tri Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ. (Chiếu Xuất Quân)
Cùng với bài thơ Thần của Lý thường Kiệt (Thế kỷ XI)
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành đã định tại sách Trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?
Chúng bây sẽ bị đánh tơi bời.
Chiếu Xuất Quân của Quang Trung Hoàng Đế, bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt, cả hai đều là những lời tâm huyết sắt son của dân tộc Việt Nam trước bất cứ kẻ thù nào muốn cướp đất nước chúng ta.
Ngày nay vui xuân vui lễ vui hội người Việt Nam vẫn nghe âm vang trong tiếng trống niềm tự hào dân tộc và nỗi lo về một kẻ thù cướp nước luôn luôn canh cánh bên lòng.
(VienDongDaily)