C u n g T i ế n - Một Chân Dung Nghệ Sĩ Việt Nam Tiêu Biểu
Có người hỏi thơ và nhạc có gì liên quan với nhau không? Hình như trong sự gợi ý, thơ và nhạc có tác dụng hỗ tương với nhau, nhạc tháp cánh cho hồn thơ và thơ làm nồng nàn hơn cho ý nhạc. Một người đã học âm nhạc từ nhỏ, đã làm thơ, đã dịch thơ và yêu thơ, đã có những lời nhạc đầy chất thơ lại có lúc liên tục phổ nhạc những bài thơ của các thi sĩ nổi tiếng và đã tạo thành những sáng tác độc đáo đầy chất sáng tạo. Ông lấy cảm hứng từ các thi sĩ khác dù những ca từ của những bản nhạc đầu tay đẫm chất thơ. Người ấy là nhạc sĩ Cung Tiến tác giả của những Hương Xưa, Thu Vàng, Hoài Cảm, những bản nhạc sáng tác từ thuở còn học trò nhưng lại có đời sống âm nhạc trường cửu.
Cung Tiến là một vóc dáng nghệ sĩ đa diện. Là dịch giả, người viết truyện ngắn, người phê bình văn học giới thiệu các trào lưu văn học thế giới, với tên tuổi là Thạch Chương. Là người viết ca khúc, soạn hòa âm, viết nhạc giao hưởng với tên tuổi Cung Tiến. Ông cũng là một nhà phân tích và nghiên cứu kinh tế, đã du học ở Úc, rồi sau du học và tốt nghiệp tại trường đại học danh tiếng Cambridge ở Anh. Ông cũng còn là một người hoạt động rất tích cực của phong trào tranh đấu cho nhân quyền International Federation of Human Rights. Trong thập niên 1980, ông đã gửi tên tuổi những văn nghệ sĩ Việt Nam bị cầm tù bởi chính quyền Hà Nội đến các tổ chức, các phong trào quốc tế để thúc đẩy nhà cầm quyền Việt Nam phải thực hiện đúng những cam kết trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc là trả tự do cho những người làm văn học nghệ thuật của chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
Với tên tuổi Thạch Chương ông là người đã chuyển dịch sang Việt ngữ hai danh phẩm văn chương quốc tế, Một ngày trong đời Ivan Denisovitch của Alexander Solzhenitsyn và Hồi ký viết dưới hầm của Fyodor Dostoyevsky.
Dostoyevsky là một trong những đại gia của tiểu thuyết Nga trong thế kỷ 19, đã mang những triết lý từ cảm xúc trong những tác phẩm mổ xẻ và phân tích làm nổ bùng ra những luận đề sâu sắc về tâm lý chính trị, tôn giáo và xã hội. Hồi ký viết dưới hầm là một tác phẩm viết về chủ đề của con người phải chịu đựng những thống khổ nội tâm, của những nỗi u uẩn của kiếp nhân sinh. Tác phẩm này là một bắt đầu của sự nghiệp văn học lừng lẫy của Dostoyevsky và cũng là cao điểm của văn chương Nga và được coi như là một tác phẩm “classic” của nhân loại.
Còn Alexander Solxhenitsyn, giải Nobel Văn Chương năm 1970, người đã bị tống xuất khỏi Nga đi lưu vong vì chống đối lại chính sách của Stalin, với Một ngày trong đời Ivan Denissovitch, đã lột trần chế độ toàn trị ở Nga Xô Viết dưới thời độc tài Stalin với tất cả những kỹ thuật và chính sách nhằm hạ thấp giá trị con người xuống hàng súc vật...
Ông cũng thường dịch thơ và đăng rải rác trên các tạp chí văn học. Thí dụ bài dịch thơ từ Federico Garcia Lorca, Bài ca khóc Ignacio Sanchez Mejias có những câu thơ gợi nhiều liên tưởng và cảm xúc. Federico Garcia Lorca được tôn xưng là một nghệ sĩ vĩ đại của Tây Ban Nha trong thế kỷ 20 sống trong thời kỳ của tướng Franco. Còn Ignacio Sanchex Mejias là một bạn thân của ông, là một người đấu bò nổi danh của xứ Andalusian. Bài thơ gồm 4 đoạn và trong đó có những câu được dịch bởi Thạch Chương:
Tôi muốn họ chỉ cho tôi những con đường nào ra thoát
cho vị tướng soái mà tay chân thần chết đã trói buộc
Tôi muốn họ chỉ cho tôi những giọt lệ nào như một giòng sông
Có những sợi mây hiền lành và những bến bờ sâu thẳm
Để ẵm đi thể xác của Ignacio và để chàng chìm xuống
Không còn nghe bên tai những hơi thở trùng điệp của con bò rừng
Để xác chàng chìm sâu vào đấu trường tròn của vầng trăng...
Với Thạch Chương, người viết truyện ngắn? Truyện ngắn của Thạch Chương có vóc dáng về những nhân vật được phác họa khá lạ lùng, của một không gian thời gian nào lửng lơ giữa cảm giác và đời sống thực. Cảnh vật, dường như có chất biểu tượng và con người như có gắn liền để tạo thành một tổng hợp văn chương rất riêng. Thí dụ như truyện ngắn Tinh Cầu trong Tuyển Truyện Sáng Tạo. Một truyện ngắn mà theo tôi có chiều sâu của một suy tư khác lạ với đời thường...
Thạch Chương trên các tạp chí văn học như Sáng Tạo, Nghệ Thuật, Văn, Vấn Đề, trước năm 1975 và Đặng Hoàng trên các tạp chí văn học hải ngoại sau 1975 có những bài khảo luận công phu. Ông đã viết về nhà nhân chủng học nổi danh người Pháp Claude Levi- Strauss cha đẻ ra Cơ Cấu Luận (Structuralisme), về nữ tiểu thuyết gia người Anh Virginia Woft tác giả của những tiểu thuyết như The Waves hay Between the Acts và đã tự tử trên giòng sông và không tìm được thi thể...
Cung Tiến cũng là người giới thiệu Club De Rome gồm một số đông các khoa học gia thuộc đủ mọi ngành trên thế giới họp ở thành phố La Mã nêu ra những vấn đề cấp thiết của con người trên hành tinh trái đất mỗi ngày một chật hẹp. Ông đã dịch cuốn sách The Limits of Growth thành Giới hạn phát triển, là tiếng kêu cảnh báo loài người trước những hiểm họa sắp tới. Trong cuốn sách này, những mục tiêu cũng như cơ cấu của một nền kinh tế toàn cầu của cuối thập niên 60 được phác họa. Vào những năm của thập niên 70, Cung Tiến còn dịch một tác phẩm khác tiếp theo của Club De Rome, cuốn The Turning Point of Mankind (Chỗ rẽ của nhân loại). Đây là những ý kiến có ảnh hưởng nhiều đến cộng đồng thế giới. Bản dịch của Cung Tiến, được đăng trên tập san Quốc Phòng, được coi như một tài liệu cần thiết để nghiên cứu về chiến lược áp dụng cho quốc gia Việt Nam.
Nhà văn nhạc sĩ Cung Tiến có tham chính và là một thành viên của nội các Đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975. Ông là Thứ trưởng kiêm Tổng Giám đốc Kế Hoạch cho ông Tổng trưởng Kế Hoạch Nguyễn Tiến Hưng.
Sau năm 1975, ông là chuyên viên kinh tế nghiên cứu và phân tích của Department of Economic Security của tiểu bang Minnesota. Hiện ông đã về hưu.
Cung Tiến là người yêu thơ và sống với thơ. Trong vai trò của một người nhận định văn học ông có viết nhiều về đề tài thi ca. Tôi chỉ đọc được một vài bài. Thí dụ như bài viết Sự chán chường trong phê bình văn nghệ đăng trên Sáng Tạo bộ mới số 1. Từ những nhận định của nhiều người, kẻ chê người khen, về thơ Thanh Tâm Tuyền, ông muốn đi tìm một khuôn mẫu phê bình và nhận định vượt qua được những thiên kiến chủ quan.
Cung Tiến viết: “Và cuối cùng, câu hỏi quan trọng hơn cả là đâu là tiêu chuẩn của những tiêu chuẩn đó (và ta sẽ hỏi đến mãi vô cực)!
Đó là những câu hỏi cực kỳ quan trọng. Chỉ khi nào trả lời được, ta mới có quyền đặt bút phê phán giá trị. Cho nên tất cả những công trình đặt định giá trị của mọi nhà phê bình xưa nay Đông Tây, đều theo ý tôi, là những công việc vô lợi, đẫm màu chủ quan, hay là có một thứ khách quan hư ngụy, vô nghĩa. Chúng không cho lòng tin về sự đẹp của ta một lý do vững chắc nào. Chúng giống như những loại mệnh đề tuyên truyền của tôn giáo, những thứ mệnh đề ngầm ẩn những quan niệm tiên thiên, siêu việt toàn phi lý (irrationnel). Đau khổ hơn là nếu những từ ngữ đánh giá (termé evaluateurs) đó có thể chỉ là những tiếng hiệu triệu đẫm xúc cảm thì có thực chúng ta đã muôn đời tự lừa dối chúng ta mỗi khi dùng chúng (Mà giây phút nào không đúng). Thế nào là giá trị? Thế nào là chân, là thiện, là mỹ? Đâu là một vài lý do cho lòng tin, một lòng tin nho nhỏ của ta? Câu hỏi ném lên không trung, chỉ sóng gió thầm thì trả lời. Đó là nỗi chán chướng trong việc phê bình văn nghệ hôm nay”.
Nhà văn nhạc sĩ Cung Tiến ở ngoài đời thường có nhiều giai thoại lý thú. Như một người bạn thân của ông, nhà văn Phan Lạc Phúc, đã kể lại trong Tuyển Tập Tạp Ghi một giai thoại khá vui vui về nhà văn nhạc sĩ Cung tiến. Ông Phan Lạc Phúc kể:
“Ngày thường gặp Cung Tiến, anh trang nhã thận trọng pha một chút lạnh lùng kiều Ăng-lê Cambridge. Nhưng trong những lúc phùng trường tác hí, nhất là khi đã nhậu dăm ba consommation rồi là Cung Tiến phừng phừng bất cần đời. Chúng tôi có thói quen ăn nhậu rồi vào khoảng 10 giờ, 11 giờ đêm là kéo đến Đêm Màu Hồng. Chủ quán Phạm Đình Chương đã dành sẵn một chỗ ngồi riêng giá biểu riêng cho bạn hữu như đã thành lệ khi Cái Bang đến là Phạm Đình Chương hay Thái Thanh chuyển hướng đề tài. Bữa ấy “cổ kim hòa điệu” diễn ra hơi dài. Cung Tiến khật khưỡng bước ra sân khấu, gạt người đánh piano ra một bên, rồi ngồi xuống dạo Senerade. Cổ kim hòa điệu với nhạc Schubert thì không thể nào “đi” với nhau được, nó ngang phè phè. Một khán giả mặc quân phục dù, mũ đỏ chợt bước lên. Anh tiến lại chỗ Cung Tiến đánh đàn và nắm lấy tay. Cung Tiến không nhìn lên, hất tay ra, vẫn tiếp tục dạo đàn và nói “đi chỗ khác chơi”. Chủ quán Phạm Đình Chương biết là có chuyện vội đứng ra xin lỗi. Nhưng không kịp nữa rồi. Một vài tiếng nổ xé tai của chai la de vỡ nổi lên. Một vài người bạn dù cùng đi đã nắm cổ chai la de vỡ kéo lên sân khấu. Tất cả khán phòng im bặt - một sự im bặt bất thần và rùng rợn - chỉ còn một mình Cung Tiến vẫn mê mải đánh đàn. Vũ Khắc Khoan vội bước ra. Dù đã nhậu sương sương nhưng Vũ Khắc Khoan vẫn còn đủ tỉnh táo để nắm lấy vai người sĩ quan dù mũ đỏ mà nói khẽ “Anh học trò tôi có phải?” người sĩ quan dù đang hầm hầm sắc giận vội vàng nhìn lại rồi đổi giọng “Thưa thầy...” Người sĩ quan ấy là môn sinh của họ Vũ, không biết ở Chu Văn An hay ở Văn Khoa. Họ Vũ khoác vai người sĩ quan dù và nói: “Thôi... anh em cả”. Người đánh đàn say không nhận được việc gì đã xảy ra sau lưng anh. Nếu không có Vũ Khắc Khoan đêm ấy... sự việc sẽ không biết còn diễn biến thế nào...”
Nhà văn Phan Lạc Phúc nhận xét: “Có hai con người trong một Cung Tiến. Một con người duy lý, muốn đi đến cùng lý luận, một con người khác duy cảm - muốn thỏa mãn ngay những đòi hỏi của mình. Con người nào ưu thắng trong Cung Tiến? Tôi vẫn nghĩ là con người duy lý. Cung Tiến chỉ “bốc đồng” khi uống rượu say. Bình thường, như đã nói ở trên, Cung Tiến trang nhã và thận trọng. Ở trong địa hạt Cung Tiến yêu thích nhất: âm nhạc, Cung Tiến cũng rất là duy lý. Những bài hát đầu tay như Thu Vàng, Hương Xưa, Nguyệt Cầm, Hoài Cảm... dù được yêu thích đến thế nào chăng nữa, đối với Cung Tiến, vẫn chỉ là bài tập - một giai đoạn cần phải vượt qua...”
Có một bài thơ của một người bạn viết về Cung Tiến với sự chia sẻ lớn lao. Tình cờ tôi được đọc một bài thơ của tác giả Phạm Nguyên Vũ. Ông là bạn thân với Cung Tiến, đi du học ở Úc thuộc thế hệ đầu tiên và có đăng thơ trên tạp chí Sáng Tạo bộ cũ. Thơ của ông có nét hồn nhiên của tuổi trẻ, có nét khai phá của những bước chân bước đến đầu tiên, nhưng ít có chất làm dáng trí thức mà lại có sự chân thực của người hăm hở đi tìm kiếm nét mới lạ cho thi ca của mình. Bài thơ của ông viết tặng bạn là Và Cung Tiến:
Nhạc của hồn ta phải không
Hay của những đêm
xa gia đình nhớ điên cuồng
mỗi một bóng cây là
tiếng thì thầm bạn hữu
nhạc của hồn ta hay nơi đây
của đêm sao đầy mắt
đầy linh hồn
ôi đêm tỉnh dậy nghe
trong khuya yên lặng nên
giọng lời nghe từng tiếng
em nào có biết đâu
mỗi giòng nhạc của anh hay của bạn anh
đều nói những ngày mai chưa đến
em nào tin sự êm đềm
và đau khổ ngày qua
như chẳng tin đời ta
có hai kẻ đọa đầy
bằng lên tiếng thay cho người khác.
Có nhà văn đã phát biểu rằng ca khúc của Cung Tiến đều là những bản dịch từ thơ sang nhạc. Nhà văn nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn đã có nhận xét ấy. Ông còn nói đó là rượu cất từ trái nho chứ không phải là rượu ngang. Nhạc sĩ Cung Tiến là người có kiến thức sâu rộng về nhiều mặt, ngoài viết nhạc ông còn là một dịch giả văn chương và là một chuyên gia kinh tế nhưng ông yêu thơ. Lời ca của ông có một vẻ gì đó như được chiết ra từ thơ, thơ của những người ông đã đọc, thơ của trời đất và của chính tâm hồn ông. Tôi nghĩ điều đó hiển nhiên và nhà văn Nguyễn Đình Toàn đã có một nhận xét chính xác về nhạc sĩ nhà văn Cung Tiến.
Chúng ta đã tản mạn về chân dung văn chương Cung Tiến qua bút hiệu Thạch Chương và Đăng Hoàng. Vóc dáng nghệ sĩ của ông thật đa dạng và ở bất cứ một địa hạt nào cũng đều là kết quả của sự học hỏi khổ luyện từ khởi đầu của một bộ óc suy tư và nhạy cảm. Chúng ta sẽ cùng bước chân vào cõi khai phá của một người nghệ sĩ luôn tìm tòi mong đạt được đến đỉnh cao nhất của những sáng tác để đời.
Nếu có người hỏi suy nghĩ thế nào về nhạc Cung Tiến. Câu hỏi ấy có khó cho người trả lời không? Có lẽ không. Nhưng trả lời thì phải dài dòng. Chúng ta như đi vào một khu rừng và chỗ nào cũng muốn bước đến, chỗ nào cũng đầy mùi thơm của hương hoa, của đất trời. Nếu trả lời thật giản dị là yêu thích nhạc Cung Tiến nhất cũng xong, nhưng nếu đi tìm những kỳ hoa dị thảo thì có lẽ cũng tốn hao thời giờ nhiều lắm. Nhưng nếu nói một cách thành thật nhất thì tôi yêu thích một vài bản nhạc Cung Tiến vì có một vài kỷ niệm với nó.
Không hiểu tại sao cứ mỗi lần nghe lại bản nhạc Hương Xưa là tôi lại nhớ đến một người bạn đã chết trên chiến trường Tây Nguyên năm 1972. Lúc đó tôi ở Pleiku và có một người bạn là phi công trực thăng thường hát luôn miệng hai câu nhạc đầu của bản nhạc Hương Xưa và chỉ láy đi láy lại hai câu ấy mà thôi, “Người ơi! Một chiều nắng tơ vàng hiền hòa hồn có mơ xa. Người ơi! Đường xa lắm con đường về làng hồn có mơ xa...”. Những buổi chiều nhạt nắng, ngồi ở thảm cỏ đầu hiên barrack chờ đi ra phố ăn cơm, nhìn trời nhìn đất mà nghe những câu hát ấy thì quả là buồn nẫu ruột. Có lần tôi hỏi anh bạn sao hát hoài chỉ có một câu hát ấy thôi thì anh hồn nhiên trả lời “Vì câu hát mà tôi gọi người ơi là để nhớ tới em bé của tôi”. Tôi bực mình kê nhẹ, “Nhớ gì mà nhớ lắm thế? Cứ nhè mỗi buổi chiều hiu hắt như thế này mà nhớ thì thiệt là hại bạn vô cùng!” Anh cười trừ và đánh trống lảng. Nhưng rồi một ngày, con tàu của anh tan vỡ trên không và anh đã ra đi trong phi vụ ấy. Lúc nghe tin dữ, tôi lạnh buốt cả người. Và tự nhiên câu hát ấy cứ lởn vởn trong tâm trí tôi. Buổi chiều về cư xá, hình như tôi vẳng nghe câu hát. Những câu người ơi của tha thiết tự tình. Những chữ người ơi của một mối tình đã tử biệt sinh ly. Tôi hình dung lại vóc dáng của người bạn và thấy khao khát vô cùng làm sao nghe được câu hát xưa. Nhưng người bạn đã ra đi và không hiểu tại sao cứ mỗi lần nghe bản nhạc ấy là như sống lại một thời thuở đó, của những ngày tuổi trẻ tưởng như mới đây mà đã hơn mấy chục năm. Nhạc để nhớ bạn và tôi đã từ những ca từ ấy để trở về nỗi niềm của hoài vọng xa xưa...
Thật là một kỷ niệm buồn! Nhưng chẳng lẽ yêu nhạc Cung Tiến chỉ vì lý do ấy thôi sao? Mà vì có nhiều lý do. Một trong những lý do là nhạc của ông tượng hình cho những bước chân suốt đời đi tìm kiếm. Luôn luôn thay đổi, từ phong cách đến ngôn từ, nhất là nhạc của ông dường như gắn liền với thơ, với những khung trời thơ mộng lãng mạn. Trong hành trình sáng tác, từ nhạc có lời sang nhạc không lời, từ những bản nhạc đầu tay như Hoài Cảm, Hương Xưa như những bài thơ văn xuôi trữ tình sang cả đến những bản nhạc về sau vượt qua cửa ải ngôn ngữ. Nhạc không lời có âm vực riêng và có phong cách diễn tả dễ làm người nghe xúc động.
Nhạc của Cung Tiến liên quan thế nào với thi ca? Năm 1987, Cung Tiến viết nhạc tấu khúc Chinh Phụ Ngâm soạn cho 21 nhạc khí được trình diễn tại San Jose với dàn nhạc thính phòng. Chinh Phụ Ngâm của Hồng Hà Nữ Sĩ Đoàn Thị Điểm là một áng thi ca nổi danh của dân tộc Việt Nam viết về một giai đoạn chiến tranh của đất nước. Theo lời phụ dẫn của tác giả thì thi phẩm này vô cùng súc tích về cảnh, về cách sử dụng ngôn ngữ cũng như nhạc đệm của tiếng Việt. Vì thế không ai dám nghĩ đến việc phổ nhạc cả tập thơ để hát mà chỉ dùng nó như một cảm hứng cho sáng tác của mình. Do đó, nhạc tấu khúc này cũng chỉ là một cố gắng “minh họa” chấm phá bằng nhạc một số tình, ý, và cảnh chính yếu trong tập thơ mà thôi. Theo đúng thứ tự xuất hiện trong thi phẩm của bà Đoàn Thị Điểm thì tập nhạc gồm 4 phần:
Phần giáo đầu, với sự phụ họa của các nhạc khí, sẽ được ngâm giọng sa mạc mười hai câu thơ mở đầu cho tập Chinh Phụ Ngâm: “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi/ Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên...”
Phần thứ hai: Chuyển động I – Nước thanh bình – Cơn gió bụi. Minh họa 2 câu: “Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt/ Xếp bút nghiên theo việc đao cung”. Chuyển động chấm dứt bằng cảnh tiễn biệt, chia tay của chinh phu chinh phụ.
Phần thứ ba: Chuyển động II: Nhạc đề chính từ 4 câu thơ: “Hồn tử sĩ gió ù ù thổi/ Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi/ Chinh phu tử sĩ mấy người/ Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn”.
Chuyển động III – Mộng khải hoàn. Chủ đề chính là 2 câu thơ: “Bóng kỳ xí giã ngoài quan ải / Tiếng khải ca trở lại thần kinh”, và 2 câu thơ: “Giở khăn lệ chàng trông từng tấm / Đọc thơ sầu chàng thấm từng câu”.
Phần bạt: từ 4 câu chót của Chinh Phụ Ngâm: “Cho bõ lúc xa sầu, cách nhớ? Giữ gìn nhau vui thuở thanh bình/ Ngâm nga mong gửi chữ tình/ Dường này âu hẳn tài lành trượng phu”.
Năm 1982, nhạc sĩ Cung Tiến lấy 12 bài thơ của thi sĩ Thanh Tâm Tuyền để soạn thành ca khúc lấy tên là Vang Vang Trời Vào Xuân. Năm 1992, ông hoàn thành tập Nhạc Ta Về -thơ Tô Thùy Yên cho giọng hát, nói, ngâm và một đội nhạc cụ thính phòng. Năm 1993, ông soạn Tổ Khúc Bắc Ninh cho dàn nhạc giao hưởng với sự tài trợ của The Saint Paul Companies để nghiên cứu nhạc Quan Họ Bắc Ninh và các thể loại dân ca Việt Nam khác. Năm 2003, ông hoàn thành một sáng tác nhạc đương đại Lơ Thơ Tơ Liễu Buông Mành dựa trên một đoạn dân ca Quan Họ.
Trường hợp nào mà ông phổ nhạc thơ của thi sĩ Thanh Tâm Tuyền. Chính nhạc sĩ đã kể lại về trường hợp sáng tác này:
“Năm 1991, họa sĩ Duy Thanh từ San Francisco gửi cho tôi tập văn/ thơ/ nhạc Tắm Mát Ngọn Sông Đào, do nhà Lá Bối mới in ở Paris, gồm những sáng tác của một số văn nghệ sĩ miền Nam gửi lén ra từ các trại tù cải tạo. Trong tuyển tập này có một số bài thơ của một Trần Kha nào đó. Duy Thanh, bằng thư tín với gia đình Thanh Tâm Tuyền còn ở Sài Gòn, bảo rằng ấy là thơ “bạn ta” đấy. Quả nhiên khi đọc tôi nghe thấy đúng là ý và lời của Thanh Tâm Tuyền. Sau này được hỏi: “Sao lại Trần Kha? Muốn làm Kinh Kha chăng?” Thanh Tâm Tuyền đáp “Tôi đâu có đặt cái tên kỳ cục ấy! Giá như “Trầm Kha” thì nghe còn đỡ hơn”...
Ông đã phổ nhạc rất nhiều. Như bản “Nguyệt Cầm” ý thơ Xuân Diệu. Như bản “Hoàng Hạc Lâu” từ bản dịch thơ của Vũ Hoàng Chương. Như “Vết Chim Bay” phổ thơ Phạm Thiên Thư. Như “Thuở Làm Thơ Yêu Em” phổ thơ Trần Dạ Từ. Như “Đi Núi” phổ thơ Xuân Diệu. Như “Đường Hoa” phổ từ hai bài thơ “Đôi Bờ” và “Đôi Mắt Người Sơn Tây” của Quang Dũng. Như “Khói Hồ Bay” phổ từ bài thơ “Thu ở Vermont” của Nguyễn Tường Giang. Như bài “Lệ Đá Xanh” và “Đêm” phổ thơ Thanh Tâm Tuyền...
Hình như nhạc sĩ Cung Tiến có một biệt nhãn nào đó với thơ Thanh Tâm Tuyền? Phải nói thơ Thanh Tâm Tuyền rất khó phổ nhạc, bởi vì thơ của ông có âm điệu khá đặc biệt, hay sử dụng vần trắc và diễn tả ý nghĩa cũng theo một cung cách âm vực riêng. Nhưng nhạc sĩ Cung Tiến đã phổ nhạc thành công có lẽ nhờ tình tri âm tri kỷ với nhau. Sau này, nhạc sĩ đã hỏi nhà thơ khi ông đang định cư tại Minnesota “Ông làm bài này trong tâm trạng nào?” về bài thơ “in trong tập Liên, Đêm Mặt Trời Tìm Thấy. Thanh Tâm Tuyền trả lời: “Tức là... dạo ấy mình đã chán làm thơ quá rồi. Miền Nam thì coi tôi như là thi sĩ tả phái, và miền Bắc thì coi tôi là thi sĩ hữu phái. Thế thì tôi là kẻ untouchable rồi, là hủi rồi chứ còn gì nữa? Thì làm thơ thêm làm quái gì cho mệt?” Thành ra, bài hát ấy muốn lấy nhạc minh họa cho tâm trạng chán chường day dứt của cái ông thi sĩ lúc nào cũng thấy mình cứ vẫn “còn cô độc” này”.
Có một bản nhạc của Cung Tiến được giải thưởng của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa. Giai điệu ca khúc Mùa Hoa Nở được soạn tại Sài Gòn năm 1955 đáp ứng thông cáo về cuộc thi của Đài Phát Thanh Quân Đội bấy giờ đang kiếm một ca khúc nào nói về cuộc di cư lịch sử vào Nam của những người miền Bắc để tránh chế độ Cộng sản. Ca khúc Mùa Hoa Nở được chấm giải nhất của Tổng Thống VNCH và được hai đài phát thanh Quốc Gia và Quân Đội trình diễn nhiều lần trong nhiều năm với hòa âm và phối khí cho dàn nhạc của nhạc sĩ Hoàng Trọng. Nội dung lời ca của ca khúc này nói về giấc mơ khải hoàn của những đoàn chiến sĩ quốc gia tiến về giải phóng Hà Nội...
Có những bài nhạc Cung Tiến hoàn thành rất sớm khi còn tuổi thanh thiếu niên nhưng lại có giá trị trường cửu. Thu Vàng và Hoài Cảm là những bản nhạc mà Cung Tiến đã sáng tác sớm nhất khi vừa 15 tuổi còn học ở trung học. Thu Vàng viết về mùa thu Hà Nội của những ngày ấu thơ nhặt lá vàng. Ca khúc trở thành một bản nhạc của những người di cư luôn nhung nhớ quê hương đất Bắc của mình, rất được thính giả ưa thích qua phần trình diễn trẻ trung sống động của Tâm Vấn, Đỗ Tuấn, Kim Tước, Mai Hương,... toàn là các ca sĩ trẻ trong giới sinh viên học sinh. Tiếp theo, ông viết Hoài Cảm để tặng Đỗ Đình Tuân (tức ca sĩ sinh viên Đỗ Tuấn) và cũng được ái mộ ngay từ buổi trình diễn đầu tiên. Theo nhạc sĩ Cung Tiến thì “đó là hai trong số những bài hát sớm nhất được viết năm 1952 hồi tôi đang học năm thứ ba bậc trung học. Người đầu tiên đem phổ biến hai bài này trên Đài Phát Thanh Quốc Gia dạo ấy là Đỗ Tuấn rồi tới ca sĩ Tâm Vấn, nhất là bài Thu Vàng. Giai điệu và hòa âm của hai bài này đơn giản cấu trúc và nhạc thể rất chân phương và lời ca mang ảnh hưởng nặng của các nhà thơ lãng mạn Xuân Diệu, Huy Cận”.
Hương Xưa là bài nhạc Cung Tiến gửi tặng Khuất Duy Trác, một người bạn thân thiết của ông. Và cũng từ chính giọng hát của Duy Trác đã đem Hương Xưa đến đài phát thanh và các tiền trường sân khấu của các trường trung học hoặc đại học và trở thành một hãnh diện của những người trí thức trẻ say mê văn nghệ. Nhưng tại sao, chính nhạc sĩ lại coi những ca khúc này như những bài tập (exercise) mà thôi? Đó là một cá tính của nhạc sĩ Cung Tiến. Trong sự nghiệp âm nhạc của ông có nhiều giai đoạn phải tự vượt qua. Cung Tiến viết nhạc đầu tay ca từ trữ tình lãng mạn. Cung Tiến không sử dụng ca từ thi ca của mình mà lại phổ nhạc những bài thơ mà ông ưa thích và quý trọng. Rồi sau đó ông không viết nhạc có lời nữa mà viết nhạc không lời. Có lẽ ông nghĩ rằng nếu đích thực là âm nhạc thì nhạc có ngôn ngữ riêng và cũng có những quy luật diễn tả tự nhiên như trời đất vẫn hiện hữu.
Với niềm say mê âm nhạc, ông đã học xướng âm và ký âm với hai nhạc sĩ nổi tiếng, Chung Quân và Thẩm Oánh, ở bậc trung học. Du học qua Úc, tuy môn học chính là Kinh tế nhưng ông cũng đã theo học các lớp về dương cầm, hòa âm, đối điểm và phối cụ tại Âm nhạc viện Sydney. Rồi khi du học bậc cao học về kinh tế học phát triển tại viện đại học Cambridge ở Anh, ông cũng theo học thêm các lớp về nhạc sử, nhạc học, nhạc lý hiện đại. Và về sau này, ông cũng là người tự học rất nhiều nên trong các tác phẩm của ông đã bày tỏ sự gắng công dù ông có thiên khiếu về âm nhạc. Và hình như, ông vẫn tự coi mình là một amateur trong âm nhạc, một nghệ sĩ tài tử coi bộ môn này như một thú tiêu khiển làm đẹp cuộc đời...
Nhà văn Phan Lạc Phúc đã nhận xét khá xác đáng khởi từ những bài hát đầu tay của Cung Tiến từ khi xuất hiện tới nay, trên 40 năm, không lúc nào ngừng tỏa hương thơm. Một hương thơm dịu dàng sâu kín, có để ý tìm mới thấy. Nó không gây ồn ào như một số nhạc thời thượng, tiền tuyến, hậu phương, du ca, về nguồn, thân phận nhưng có một sức sống riêng bền bỉ. Đó là một khu vườn Cung Tiến không lẫn với ai, nhạc “xưa” nhưng không cũ bao giờ, nghe càng lâu càng thấm. Nó chịu được sự thử thách của thời gian...
Nguyễn Mạnh Trinh