Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

V à T ô i C ũ n g Y ê u E m

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • V à T ô i C ũ n g Y ê u E m



    V à T ô i C ũ n g Y ê u E m



    Khi viết những chữ đầu bài Viết ở Rừng Phong này – Một sáng Tháng Sáu năm 2014 – tôi để tên bài là “Paris Có Gì Lạ Không Em?”

    Rồi tôi nghĩ “Paris Có Gì Lạ Không Em?” hay, gợi cảm, tình tứ, nhưng đã được dùng quá nhiều. Như người đàn bà Đep đã được quá nhiều đàn ông ôm ấp, hun hít. Ta không nên um hun nữa. Tôi chọn tên bài “Và Tôi Cũng Yêu Em.”

    Rừng Phong đêm khuya, mầy mò trên Internet, tôi thấy bài này:

    Những cái Nhất của Paris.

    Thiếu nữ và thiếu phụ Paris nhiều người có thân hình thon, đẹp như tượng. Lý do: cô nào đi làm, đi học, đi chợ cũng phải đi nhanh như chạy để kịp chuyến xe điện ngầm! Không có người nào tà tà đi nhởn nhơ, phất phơ trên phố, do đó, Paris ít có phụ nữ mập ú, núng na núng nính những khối bưởi, khối bầu.

    Nguyên do thứ hai làm cho phụ nữ Pháp ít người mập bự là vì thức ăn ở Pháp mắc quá, nên ai cũng ăn ít. Một ổ bánh mì 7 Euro, tương đương US $11,50 một ổ! Một ly cà phê nhỏ xíu xìu xiu cũng 4, 5 Euro, tương đương US $ 8, 9.00! Môt tô phở 9 hay 10 Euro, gần US $15.00! Ai có đủ tiền ăn nhiều? Một tờ giấy “napkin” giá 1 Euro, nghĩa là US $1.60! (Không phải một lố đâu!) Serious! Nói chung, đồ gì ở Pháp cũng mắc.

    1. Đường sá dơ nhất. Gần như khắp Paris, chỗ nào cũng có phân chó! Tôi từng ở chung nhà với một bà trước làm Tổng Giám Đốc một cơ sở thương mại Pháp ở Mỹ, nay bà nghỉ hưu; bà có 3 con chó, sáng nào bà cũng dắt chúng đi dạo phố nhưng không bao giờ bà mang theo bao nylon để đựng phân chó! Paris Nhất về nhiều phân chó ngoài đường.

    2. Nước Pháp nhiều kẻ móc túi, nhiều như rươi. Đi ở mấy chỗ công cộng du khách thường được báo cho biết là coi chứng bọn móc túi. Dân Parisien móc túi nhanh như điện! Paris nhiều kẻ cắp nhất.

    3. Đường sá Paris đa số hẹp. Thang máy nhỏ xíu chỉ chứa được hai người là nhiều. Xe hơi toàn nhỏ xíu để tiện “parking” nửa xe trên vỉa hè, nửa xe dưới đường! Phòng khách sạn mini, hai người đứng đụng đít nhau. Phòng “toilet” chỉ vừa cho người ốm nhách. Bà nào to con, vào toilet phải đi nghiêng! Paris Nhất về Đường Hẹp.

    4. Paris thiếu nước tắm. Những appartment ở Paris không có toilet và phòng tắm cho từng phòng, phải xài chung toilet ở dưới nhà, nên đa số lười. Đi tiểu trong bô dấu dưới giường. Paris Nhất ở dơ. Paris Nhất lười tắm. Nghe nói mùa đông đi metro có thể bị rận từ người khác di cư sang quần áo của mình.

    CTHĐ: Sao Y Bản Chính.

    CTHĐ: Paris Nhất ở việc Paris được ca tụng Nhất. Không có thành phố nào trên thế giới được ca tụng nhiều như Paris. Ca tụng trên toàn thế giới. Do những người không phải là người Pháp ca tụng. Năm tôi 10 tuổi – năm 1943 – tôi đã nghe các ông chú, ông cậu, ông anh tôi hát:
    “J’ai deux amours: Mon pays et Paris.”

    Nũ ca sĩ Mỹ Đen Joséphine Baker – từng sống nhiều năm ở Paris – lăng-xê bài hát này ra thế giới. lời bài ca đến tận thị xã Hà Đông bên hông Hà Nội. Lời ca – câu thứ nhất “J’ai deux amours: Dzè đơ dzà-múa,” – theo chú nhỏ Hà Đông sang Hoa Kỳ hôm nay.

    Đây là Lời Ca J’ai Deux Amours

    On dit qu’au-delà des mers,
    Là-bas sous le ciel clair,
    Il existe une cité, au séjour enchanté..
    J’ai deux amours
    Mon pays et Paris.
    Le voir un jour,
    c’est mon rêve joli.

    Ở đây tôi chỉ trích đăng vài câu tôi cho là hay nhất trong bài ca, tôi phỏng dịch:

    Người ta nói ở bên kia biển
    Dưới bầu trời trong
    Có một thành phố nơi cuộc sống tuyệt diệu.
    Tôi có hai Tình Yêu:
    Nước tôi và Paris
    Được thấy Paris
    Là giấc mơ đẹp của tôi.
    Người Mỹ – Peter Cole – ca tụng Paris: Hà Đông bên hông Hà Nội
    I love Paris in the spring time
    I love Paris in the fall
    I love Paris in the winter when it drizzles
    I love Paris in the summer when it sizzles

    Tôi yêu Paris mùa Xuân
    Tôi yêu Paris mùa Thu.
    Tôi yêu Paris mùa Đông khi Paris thánh thót
    Tôi yêu Paris mùa Hạ khi Paris cứa da.

    Nhiều Thi sĩ Việt Nam, sống cùng thời với tôi, trạc tuổi tôi, làm Thơ Yêu Thương Paris rất Hay, Tuyệt cú mèo, như Thi sĩ Nguyên Sa:

    Paris có gì lạ không em?
    Mai anh về em có còn ngoan
    Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ
    Em có tìm anh trong cánh chim
    Paris có gì lạ không em?
    Mai anh về giữa bến sông Seine
    Anh về giữa một giòng sông trắng
    Là áo sương mù hay áo em?
    Anh sẽ cầm lấy đôi bàn tay
    Tóc em anh sẽ gọi là mây
    Ngày sau hai đứa mình xa cách
    Anh vẫn được nhìn mây trắng bay
    Paris có gì lạ không em?
    Mai anh về mắt vẫn lánh đen
    Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm
    Chả biết tay ai làm lá sen

    Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng tỏ Tình với Paris trong Thơ Tiễn Em:

    Lên xe tiễn em đi. Chưa bao giờ buồn thế
    Trời mùa Đông Paris. Suốt đời làm chia lỵ
    Tiễn em về xứ Mẹ. Anh nói bằng tiếng hôn
    Không còn gì lâu hơn. Một trăm ngày xa cách
    Tuyết rơi mỏng manh buồn. Ga Lyon đèn vàng
    Cầm tay em muốn khóc. Nói chi cũng muộn màng.
    Lên xe tiễn em đi. Chưa bao giờ buồn thế
    Trời mùa Đông Paris. Suốt đời làm chia lỵ
    Hôn nhau phút này. Chia tay tức thì.
    Em ơi khóc đi em, khóc đi em, khóc đi em
    Sao rơi rớt rụng. Vai em ướt mềm
    Em ơi khóc đi em, khóc đi em, khóc đi em.
    Lên xe tiễn em đi. Chưa bao giờ buồn thế
    Trời mùa Đông Paris. Suốt đời làm chia lỵ
    Hỡi em người xóm học. Sương thấm hè phố đêm
    Trên con đường anh đi. Lệ em buồn vương vấn.
    Tuyết rơi phủ con tầu. Trong toa em lạnh đầy
    Làm sao em không rét. Cho ấm mộng đêm nay!
    Nơi em có trăng soi. Anh một mình ở lại
    Trời mùa Đông Paris. Suốt đời thèm trăng soi
    Lên xe tiễn em đi .Chưa bao giờ buồn thế
    Trời mùa Đông Paris. Suốt đời làm chia ly

    CTHĐ: Paris trong Thơ Nguyên Sa, Paris trong Thơ Cung Trầm Tưởng: Đẹp ơi là đẹp. Tình ơi là Tình. Làm tôi ngất ngu con tầu đi. “Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm. Chả biết tay ai làm lá sen”: Tôi nhớ những năm tôi mười hai, mười ba tuổi ở Hà Đông, buổi sáng chủ nhật, chị bán Cốm Vòng gánh gánh Cốm đến cửa nhà tôi, cây đòn gánh một đầu cong vút; những gói Cốm được bọc trong lá sen. Lá sen tươi mới cắt giữ cho Cốm không bị khô, giữ mùi Cốm thơm. Cuối năm 1946 chú thiếu niên 20 năm sau lấy bút danh Công Tử Hà Đông một đi khỏi Hà Đông là không bao giờ trở lại Hà Đông, chú không bao giờ còn được ăn Cốm Vòng bọc trong lá sen.

    “Tuyết rơi mỏng manh buồn. Ga Lyon đèn vàng..” Phải sống – dù vài ngày, vài đêm – với Đêm Paris mùa Đông mới thấm cái Tuyệt của “Tuyết rơi mỏng manh buồn. ..” Cảm khái cách gì. Đêm ở Paris, tôi nói với ông bạn ĐV, ông bạn đưa tôi đi chơi trong thành phố Paris:

    “Cho tôi đến Ga Lyon. Đi qua thôi. Không vào..”

    Tôi đến Paris quá muộn. Lỗi tại tôi. Lẽ ra tôi phải đến Paris những năm 1960, 1961, những năm phong độ nhất đời tôi, những năm tôi 30 tuổi, thời gian tôi kiếm được tiền, thời gian tôi có điều kiện – tuổi trẻ, sức khoẻ và Tiền – để hưởng những Dật Lạc của Đời. Tôi có mộng giang hồ từ những năm tôi muời tuổi. Nhưng Tử Vi của tôi Thiên Mã bị thọt, lại thêm bị thiến. Nhiều bạn tôi, những anh cơm nhà, quà vợ hơn tôi, đi Tây, đi Mỹ lia chia, có anh không muốn đi mà cứ phải đi, tôi cứ quanh quẩn gà què kẹt giỏ ở Sài Gòn. Mãi đến năm 2005 tôi mới lọ mọ đến được Paris. Tôi từ Mỹ sang Paris. Đi Paris, về Washington DC trên Air France. Có thể tôi là một trong số những du khách nghèo tiền nhất từng đến Paris từ ngày nước Pháp có Paris. Tôi đến NewYork nhưng không được lên Tượng Nữ Thần Tự Do, tôi đến Paris mà chỉ được đứng dưới nhìn lên Tháp Eiffel. Không được lên Tượng, lên Tháp vì không có tiền, không phải vì không muốn lên.

    Sĩ Trung kẹt lại Sài Gòn như tôi. Anh có con ở Pháp nên khoảng năm 1981, 1982 vợ chồng anh vượt biển, đến đảo, được con bảo lãnh sang Pháp. Anh gửi về Sài Gòn cho tôi tấm ảnh anh đứng ở Champ-Élyseés. Anh bận veston nhưng không có cravate. Tôi viết cho anh:

    “Đến Champs-Élyseés, mày phải veston cravate.”

    Ý tôi là “Đến Champs-Élyseés mà không có cravate là bất kính..” Khi tôi đến Champs-Élysées, tôi không cravate, không cả veston, tôi bận jaquette Mỹ. Ảnh tôi ở Champs-Élyseés là ảnh ông Tầu Già Bẩy Bó Có Thùng Nước Lèo trước bụng. Mặt khó đăm đăm, cả người toát ra vẻ hãm tài. Không giống ai, không ai giống. Thảm não cách gì. Tôi đến Paris chậm 50 năm.

    Hỡi ơi.. Tôi đến Paris chậm 50 năm!!!

    Như những anh Mít đến Paris, tôi phải đến hai nơi: Nhà Thờ Notre Dame de Paris và Vườn Luxembourg. Cả hai nơi tôi đều thấy buồn, thất vọng. Từ năm 12 tuổi xem phim Le Bossu de Notre Dame trên màn ảnh rạp xi-ne Majestic Hadong, hình ảnh Nhà Thờ Notre Dame trong tôi là toà nhà cổ đá sám, những thân cột đá vòng tay người ôm không kín, những cầu thang với những bậc đá đen, u tối, huyền bí, tôi tưởng ngày nào tôi được đến đó tôi sẽ thấy thấp thoáng trong Nhà Thờ hình bóng Anh Bướu Quasimodo và vóc dáng Nàng Esmeralda đẹp não nùng. Nhà Thờ Notre Dame của Paris năm 2005 tôi đến là một toà nhà sáng trưng ánh đèn điện dù là giữa ban ngày. Lại găp Ngày Lễ, người ta quá đông. Khách chỉ có thể xếp hàng theo nhau đi một vòng qua hành lang nhà thờ. Nhà Thờ chỉ có một tầng gác thấp. Esmeralda không thể sống trên tầng gác thấp ấy cả mấy tháng trời theo như lời tả của Văn Sĩ Victor Hugo. Quasimodo có thể đem thức ăn, nước uống cho Esmeralda nhưng đâu phải Esmeralda chỉ cần có ăn, có uống là sống được. Viết rõ ra là nàng phải tiểu tiện, đại tiện. Nàng không thể ra khỏi Nhà Thờ để làm hai việc ấy, nàng cũng không thể làm hai việc ấy trong Nhà Thờ. Khoảng sân trước Nhà Thờ không lớn mấy, chừng vài chục mét là đền sông Seine.

    “Le Bossu de Notre Dame” là “Anh Bướu,” không phải là “Anh Gù.”

    Đến Vườn Luxembourg tôi thất vọng khi thấy Vườn không có, không còn một hình ảnh nào của Vườn Luxembourg trong Văn của Anatole France. Tôi đi một vòng trong Vườn, tôi tìm Toilet. Vào toilet ở Paris phải trả tiền. 50 cent một lần. Đi chơi trong thành phố Paris, việc tìm chỗ đi tiểu là một vấn đề. Tôi đến ngồi dưới chân tượng Mendès-France, một Thủ Tướng Chính Phủ Pháp, chụp tấm ảnh kỷ niệm.

    Nghe nói du khách đến Paris có thể đi chơi sông Seine trên những chiếc tầu gọi là bateau-mouche; chuyến đi rất thơ mộng. Tất nhiên vợ chồng tôi cũng xuống một bateau-mouche. Lại một thất vọng. Không biết tình trạng trên những bateau-mouche khàc ra sao, chiếc bateau-mouche chúng tôi lên sàn tầu hôi mùi xăng, tầu không có toilet, không người hướng dẫn. Mặc cho khách ngồi, tầu rời bến chạy một vòng rồi trở về bến. Thế là hết mục du ngoạn sông Seine trên bateau-mouche.

    Tôi đến thăm Montparnasse. Ở đây có khoảng chừng 20 họa sĩ – nam và nữ – hành nghề ngoài đường. Họ là những họa sĩ đến Paris từ những nước Đông Âu. Họ đứng vẽ croquis. Khách đứng cho họ vẽ. Mỗi tấm họa là 20 Euro. Có lẽ không thủ đô nào trên thế giới có hoạ sĩ đứng đường như thủ đô Paris. Tôi trạnh thương mấy nữ họa sĩ. Tôi mời hai cô vẽ tôi.
    Trong 20 năm, từ 1955 đến 1975 chắc có nhiều ký giả Việt Nam Cộng Hoà được từ Sài Gòn đến Paris. Tôi biết bốn người: Trịnh Viết Thành, Phan Nghị, Duy Sinh và Đạm Phong. Trong bốn người trên nay chỉ còn Duy Sinh ở Cali.

    **
    *

    Để Quên Con Tim (Đức Huy)
    Buổi chiều sông Seine có gió lạnh về lập đông
    Buổi chiều Cali cô đơn từng cơn rã rời
    Từ ngày xa em thao thức trằn trọc từng đêm
    Ngày rời Paris anh đã để quên con tim.

    Và Tôi Cũng Yêu Em trong Nhạc Lam Phương (?)
    Tôi yêu xem một cuốn truyện hay, tiếng chim hót đầu ngày, và yêu biển vắng.
    Tôi yêu ly cà phê buổi sáng, con đường ngập lá vàng.
    Tôi yêu hương vị Tết ngày xưa, mái tranh dưới hàng dừa
    … Và yêu trẻ thơ, bữa cơm canh cà và điếu thuốc, giấc ngủ không mộng mị.
    Và Tôi Cũng Yêu Em. Và Tôi Cũng Yêu Em,
    Yêu Em rộn ràng, yêu Em nồng nàn, yêu Em chứa chan.

    **
    *
    Rất tiếc. Tôi đến Paris chậm mất 50 năm.


    Hoàng Hải Thủy
Working...
X