Nhà Thơ Từ Trẩm Lệ
Một bất ngờ
Tôi xưng là người Tây Ninh nhưng thực ra không biết nhiều về TN, nhứt là giới văn nhân nghệ sĩ. Lúc còn trong nước hay cả lúc đi tỵ nạn nơi xứ người, tôi cứ bị cuốn hút vào văn, vào thơ, vào nhạc của những văn nghệ sĩ miền Bắc, miền Trung như Nhất Linh, Mai Thảo, Vũ Hoàng Chương…… hoặc là người miền Nam mà xa lắc ở đâu như Bình Nguyên Lộc ở Biên Hòa hay Sơn Nam ở Hậu Giang. Tôi đâu ngờ rằng rất gần tôi, tại tỉnh nhà, có những nhà văn nhà thơ cũng rất tài hoa, văn chương sắc sảo nhưng vì những lý do nào đó họ không được nổi tiếng.
Anh Vương Văn Ký mới về Việt Nam đem qua 3 quyển tập, dưới dạng photocopy, 2 quyển nói về thân thế và sự nghiệp của Thanh Việt Thanh và Thẩm Thệ Hà và một quyển thơ viết tay của Từ Trẩm Lệ. Thanh Việt Thanh và Thẩm Thệ Hà hồi trước tôi có nghe danh, nhưng đâu ngờ một người một người sinh quán tại Gò Dầu chính là nơi gia đình tôi đang cư ngụ, còn một người là dân Trảng Bàng chỉ cách Gò Dầu 12 Km. Nhờ sự gợi ý của anh Ký, tôi xem lại quyển “Tây Ninh Xưa Và Nay” của Huỳnh Minh thấy rằng Tây Ninh cũng có nhiều văn thi đàn và nhiều nhà văn nhà thơ như Phan Yến Linh, Lê Hữu Tài, Phan Phụng Văn, Võ Trung Nghĩa, Hoài Trinh, Nguyễn Trường Anh….Nhưng nhà thơ làm tôi chú ý nhứt là Từ Trẩm Lệ (TTL), một người lúc còn học tiểu học tôi gần như nhìn thấy ông hàng ngày, và nghe nói ông có làm thơ nhưng đâu ngờ những dòng thơ mang nỗi niềm u uất làm cho tôi rất xúc động.
Gia Thế
Người ta nói nhựt tân, nhựt tân, nhựt nhựt tân, qua thời gian, Gò Dầu cũng đã thay da đổi thịt. Nhà cửa, đường xá, phong cảnh, con người, mọi vật đều đổi mới, nhưng nếu là người cố cựu có lẽ ai cũng biết gia đình ông đốc Trần Văn Hổ. Đây là một gia đình danh giá theo đúng nghĩa của thời thập niên 1950 và trong phạm vi một quận lỵ. Ông là hiệu trưởng trường tiểu học, khi về hưu còn lưu lại dạy thêm mấy năm và tôi là học trò của ông trong thời gian nầy. Con ông, rễ ông, người nào cũng “hay chữ”. Ông Tư Đức là Hiệu trưởng trường tư Hữu Đức, nổi tiếng chuyên dạy luyện thi đệ thất. Cô Bảy Tỵ dạy tiểu học, chồng cô là thầy ký quận. Người con út tên Lương là một chuyên viên cấp cao trong ngành cảnh sát đặc biệt ở Sài Gòn thời VNCH. Người anh em chú bác của ông là cố quận trưởng Trần văn Giám…..
Nhưng gia đình ông di truyền một chứng bịnh kỳ lạ. Lúc ông Đốc Hổ ở tuổi 60, lưng khòm thấp xuống, khi muốn nói môi giựt liên hồi. Ông Tư Đức vai xệ một bên, lưng cũng khòm. Một ông nửa, có lẽ là người thứ sáu, chuyên nằm một chổ đọc sách. Và hình ảnh tôi nhớ nhứt là ông thứ năm Từ Trẩm Lệ, gương mặt phương phi, mủi cao, mắt sáng, mỗi buổi sáng chưn thấp chưn cao chống gậy đi chợ. Nhà ông cách chợ Gò Dầu độ 200 thước và tôi là đứa trẻ con nhà nghèo, thường phụ Má tôi coi gian hàng trong chợ nên thường trông thấy ông.
Sự nghiệp
Dầu chưa một lần tiếp chuyện với ông nhưng đối với ông, tôi cảm thấy thật gần gủi, vì ông Đốc Hổ thường nhờ học trò, trong đó có tôi, về nhà làm việc lặt vặt. Gia đình ông gồm toàn những người có học, tôi rất hâm mộ, và thời thơ ấu, ngôi nhà của ông là niềm mơ ước thầm kín của tôi. Nhà lai kiểu Pháp, chung quanh có vườn, ngoài cổng là đường xe, bên kia đường là bến sông tàu đậu. Qua ĐS/TNMY, tôi muốn giới với bạn bè những gì tôi cho là quý báu của quê mình, nên mỗi khi anh Ký về Việt Nam tôi đều có nhắc làm sao tìm tài liệu để viết về nhà thơ Từ Trẩm Lệ. Nhưng anh Ký cho biết rằng ông đã chết, không vợ con, văn thơ giấy tờ để lung tung, thất lạc. Nhưng kỳ nầy anh gặp may, có một vị rất yêu thơ người Gò Dầu trao cho anh một quyển photocopy thơ chép tay của Từ Trẩm Lệ.
Tập thơ gồm 35 bài, nhiều bài rất dài, cở 50, 60 câu, có bài dài trên 100 câu. Không biết TTL đã làm bao nhiêu bài thơ, đã có xuất bản tập thơ nào chưa, hay đây là tập thơ duy nhứt của ông. Kèm tập thơ có một bài giới thiệu của một vị tên là Văn Xuân viết năm 1995:
“Nhà thơ Từ Trẩm Lệ tên thật là Trần văn Hinh, sinh năm 1925 tại Gò Dầu-Tây Ninh trong một gia đình giáo học.
Sau khi học hết tiểu học ở trường Gò Dầu Hạ, Từ Trẩm Lệ thi đậu vào trường trung học Petrus Ký (bây giờ là trường Lê Hồng Phong). Nhưng đến năm thứ hai chuẩn bị lên năm thứ ba thì Từ Trẩm Lệ bị trọng bệnh, gọi là sơ cứng cột sống, phải nghỉ học.
Từ ấy Từ Trẩm Lệ thành người có tật, luôn luôn chống gậy, đi đứng với dáng điệu cứng đơ cột sống.
Do nghỉ học sớm, Từ Trẩm Lệ bắt đầu sự nghiệp thơ của mình trên các báo Việt Bút, Ánh Sáng…từ những năm 1946-1947 và lăn lóc nhiều năm trong làng báo. Sau đó, chán cảnh phồn hoa, từ Trẩm Lệ trở về quê dạy học nhưng vẫn luôn luôn gởi bài cho các báo như Thẫm Mỹ, Bông Lúa, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Mã Thượng, Nhân Loại, Văn Đàn, Thời Nay, Phổ Thông, Vui Sống…
Từ năm 1984 trở đi, một lần nữa Từ Trẩm Lệ lâm trọng bệnh, bị liệt nửa thân, phải nằm một chỗ trong hoàn cảnh khó khăn như bài viết của nhà thơ Thanh Việt Thanh trên Tuổi Trẻ ngày 18-4-1991. Hiện nay Từ Trẩm Lệ đang nằm điều trị dài hạn tại Bệnh Viện Y học Dân tộc Tây Ninh.”
Anh Ký cho biết TTL đã qua đời năm 1998 thọ 73 tuổi.
Comment