Cuối năm, tưởng nhớ thi sĩ lận đận Nguyễn Bính
PHẠM CHU SA
(PL)- Những ngày cuối bỗng xót xa tưởng nhớ đến thi sĩ tài hoa lận đận Nguyễn Bính, nghĩ về cái chết lạnh lẽo và cô đơn của ông trong một sáng 30 tết gần nửa thế kỷ trước.
· Năm 1943, Nguyễn Bính cùng Vũ Trọng Can và Tô Hoài rủ nhau làm một chuyến giang hồ từ Hà Nội vào Sài Gòn.
Cạn túi
Chỉ một thời gian ngắn, cả ba cạn túi, Vũ Trọng Can làm một chuyện “vô tiền khoáng hậu” ở xứ ta là tổ chức diễn thuyết về văn chương tại một rạp hát, có bán vé thu tiền! Dĩ nhiên là hoàn toàn thất bại. Vũ Trọng Can và Tô Hoài bèn lên tàu về lại Hà Nội, Nguyễn Bính một mình ở lại Sài Gòn tính chuyện làm thơ bán cho các báo kiếm tiền sống. Chỉ có một số người yêu thơ ông ủng hộ nhưng chẳng được bao nhiêu. Lang thang ở Sài Gòn một thời gian rồi Nguyễn Bính dạt về miền Tây. Năm 1945, Nguyễn Bính đến Hà Tiên thăm vợ chồng thi sĩ Đông Hồ - Mộng Tuyết, được vợ chồng thi sĩ nổi tiếng này tiếp đãi chân tình và mời ở lại. Đặc biệt, theo lời nữ sĩ Mộng Tuyết kể lại với người viết, bà và Nguyễn Bính đã kết nghĩa chị em. Năm đó Mộng Tuyết 30 tuổi còn Nguyễn Bính 27. Bà chị mua sắm quần áo cho ông em kết nghĩa vốn giang hồ lãng tử ít quan tâm tới chuyện ăn mặc. Bà lại còn tính gả cô cháu cho thi sĩ. Nhưng bỗng một ngày kia ông bỏ đi mà không chào từ biệt ai, kể cả Mộng Tuyết. Nữ sĩ đoán là ông vô chiến khu nên ngại báo cho bà.
Dùng hôn nhân để níu chân thi sĩ
Đúng là ông đã dò tìm được đường vào chiến khu tham gia kháng chiến. Sau này khi nghe Nguyễn Bính lấy vợ là một người làm báo trong chiến khu, Mộng Tuyết rất mừng. Đó là bà Hồng Châu.
20 năm trước, bà Hồng Châu kể với người viết rằng hai người lấy nhau do lãnh đạo xứ ủy sắp đặt và lo liệu mọi chuyện. Khi đó bà Châu công tác ở báoTiếng Súng Kháng địchcủa Quân khu 9.Trẻ đẹp có tiếng, chưa muốn lấy chồng nhưng Bí thư xứ ủy Lê Duẩn đến tận nhà nhờ mẹ bà Hồng Châu động viên bà lấy Nguyễn Bính để giữ chân nhà thơ đang bị chính phủ Nam Kỳ tự trị tìm mọi cách lôi kéo về thành. Sau đó tổ chức còn tạo điều kiện để vợ chồng nhà thơ được sống êm đềm trong một căn nhà nhỏ bên dòng kênh thơ mộng để thi sĩ làm thơ. Và chàng thi sĩ Nguyễn Bính suốt ngày thơ rượu, còn bà Châu được chuyển qua làm phát hành sách báo, được đi đây đó mua sắm lo cho nhà thơ. Ít lâu sau con gái đầu lòng ra đời, ông bà đặt tên là Nguyễn Bính Hồng Cầu. Trong những lúc vợ vắng nhà, bản chất đa tình của thi sĩ đã đưa lối đến một nàng thôn nữ khác. Kết quả của mối tình vụng trộm này lại là một con gái, đặt tên Hương Mai… Bà Hồng Châu rất đau khổ nhưng phải cắn răng chịu đựng.
Năm 1954, Nguyễn Bính xuống tàu tập kết ra Bắc, để lại hai người phụ nữ và hai cô con gái tuổi mới vừa lên hai lên ba, với ý nghĩ là sau hai năm sẽ trở lại miền Nam đoàn tụ. Nhưng cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, ông vẫn chưa một lần được nhìn lại mặt vợ con ở miền Nam.
Say rượu thất lạc con
Về lại Hà Nội sau nhiều năm xa cách, Nguyễn Bính cảm thấy lạc lõng, xa lạ. Những câu thơ đầu tiên ông làm sau nhiều năm xa cách Hà Nội: Chín năm đốt đuốc soi rừng/ Về đây ánh điện ngập ngừng bước chân… Và nhà thơ da diết nhớ người vợ miền Nam: Em ở bên kia bờ vĩ tuyến/ Nhìn sao thao thức mấy năm rồi…/ Trời còn có bữa sao quên mọc/ Anh chẳng đêm nào không nhớ em!
Ít lâu sau, theo sự sắp đặt của trung ương, Nguyễn Bính làm chủ bút báoTrăm Hoabộ mới. Trước đó Trăm Hoa là tờ tuần báo do Nguyễn Mạnh Phác, tức nhà thơ Trúc Đường, làm chủ nhiệm. Sau khi từ miền Nam ra, Nguyễn Bính tham gia làm chủ bút báo với ông anh nhưng được thêm mấy số thìTrăm Hoa chết. Qua sự giới thiệu của Tô Hoài, Nguyễn Bính được cử làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ Trăm Hoabộ mới được tài trợ của tuyên giáo. Bấy giờ tư nhân còn được làm báo nên trung ương muốn dùng một tờ báo tư nhân bút chiến với Nhân Văn Giai Phẩm, cũng của tư nhân. Trăm Hoa được tài trợ, mua giấy giá chính thức với chỉ đạo chống lại nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, thế nhưng Nguyễn Bính không làm theo chỉ đạo, thích đăng gì là đăng! Thời gian này, Nguyễn Bính kết hôn với cô thư ký của báo còn rất trẻ tên Phạm Vân Thanh, con gái một quan chức có vai vế ở Hà Nội. Dù bị gia đình quyết liệt phản đối nhưng cô Thanh vẫn cương quyết lấy ông. Ông đưa tên cô Thanh vào ban biên tập. Mối lương duyên kéo dài không lâu, bởi sau khi Trăm Hoakhông chấp hành chỉ đạo chống Nhân Văn Giai Phẩm đã bị cắt suất mua giấy theo giá chính thức. Nguyễn Bính bắt cô vợ trẻ bán hết vòng vàng mang theo để mua giấy giá chợ đen, kéo dài thêm được mấy kỳ báo. Rồi hết tiền mua giấy, báo phải tự đình bản. Bi kịch gia đình xảy ra. Cũng theo hồi ký của Tô Hoài, sau khi Trăm Hoa đình bản, Nguyễn Bính chìm trong men rượu, còn cô vợ ôm đứa con trai mới hơn một tuổi, không còn tiền bạc, túng quẫn và buồn phiền. Có hôm Nguyễn Bính say về còn gây gổ với vợ. Cô giận bỏ về nhà cha mẹ, để ông chồng thi sĩ lâm vào cảnh “gà trống nuôi con” trong khốn khó. Nguyễn Bính mang con đến gửi nhờ nhà ông anh là nhà thơ Trúc Đường nhưng nhà ông anh cũng khó khăn, ông lại đem con về. Hằng ngày đi uống rượu thi sĩ cõng theo thằng con!
Cũng theo lời Tô Hoài, một chiều cuối năm, Nguyễn Bính uống rượu ở góc chợ say mèm, nhờ một ông già bán củi giữ hộ thằng con để ông đi vệ sinh. Thế rồi ông ngủ quên bên thềm chợ, đến khi thức giấc trời tối mịt, chợ vắng tanh, Nguyễn Bính chợt nhớ thằng con, chạy đi tìm khắp nơi nhưng không thấy ông già ấy đâu. Ông tìm mãi, tìm mãi cho đến sau này nhưng vẫn không bao giờ gặp lại đứa con trai!
Sau ngày thống nhất, bà Hồng Châu ra Hà Nội tìm hiểu về cái chết của chồng. Bà Châu kể bà có đến thăm bà Thanh, bấy giờ đã lập gia đình với một sĩ quan cao cấp trong quân đội. Bà Thanh tặng bà Châu một bức thêu trên lụa bài thơ với nét chữ của Nguyễn Bính (bức thêu hiện trưng bày tại nhà lưu niệm Nguyễn Bính ở Gò Vấp, TP.HCM). Một thời gian sau, người con gái lớn của nhà thơ, Nguyễn Bính Hồng Cầu, ra Bắc xây mộ cho cha và tiếp tục đi tìm đứa em thất lạc nhưng vẫn không chút manh mối.
Đoạn kết buồn thảm
Về “mối tình cuối” của Nguyễn Bính, theo lời nhà thơ Hoài Anh thì khi Nguyễn Bính biệt phái về Nam Định, nghe nói có một cô hàng xén ở chợ Rồng còn giữ được tập thơ Lỡ bước sang ngang,ông tìm đến mượn và làm quen, rồi hai người yêu nhau và trở thành vợ chồng.
Riêng cái chết bi thương của Nguyễn Bính, Hoài Anh kể với người viết: Tết năm Bính Ngọ (1966), Hoài Anh về quê ăn tết. Ngày mùng 3 tết, ông từ quê đi theo sông Châu Giang lên thăm một người quen tên Hứa, tức Tân Thanh ở thôn Mạc Hạ, xã Công Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam. Ông Hứa là Đông y sĩ nhưng mê văn chương, cũng có viết văn, làm thơ đăng báo, là một người rất yêu thơ Nguyễn Bính, tính tình rất hào phóng, thường giúp đỡ tiền bạc cho Nguyễn Bính khi khó khăn. Khi Hoài Anh vừa đến nơi, ông Hứa cho biết Nguyễn Bính mới mất sáng 30 tết (thật ra là 29 nhưng tháng Chạp thiếu, coi như 30). Ông ngậm ngùi kể lại: Hôm đó Nguyễn Bính mới ở bệnh viện về ghé qua nơi cơ quan Ty Văn hóa Nam Hà sơ tán ở xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân vay tiền về quê ăn tết. Đến nơi thì anh chị em trong cơ quan đã về hết, ông bèn lên Mạc Hạ vay tiền ông Hứa. Nguyễn Bính đến lúc ông Hứa vừa đi chia thịt lợn về, ông bèn đánh tiết canh, luộc lòng và dồi mời Nguyễn Bính uống rượu. Ăn uống xong, Nguyễn Bính ra cầu ao rửa miệng, trượt chân ngã xuống ao, bị trúng lạnh. Vớt lên, người ông lạnh run, tím tái và ói ra máu. Ông Hứa chạy quanh xóm tìm mãi mới có hai người giúp cáng nhà thơ đến trạm xá. Nhưng khi cáng đến Cầu Họ thì Nguyễn Bính qua đời nên phải an táng ông tại nghĩa trang gần Cầu Họ ngay chiều hôm đó. Đó là ngày cuối cùng năm 49 tuổi ta của Nguyễn Bính.
Hoài Anh vội về Hà Nội báo tin dữ cho Xuân Diệu và Tô Hoài. Hội Nhà văn họp, cử nhà thơ Yến Lan (đồng tác giả kịch thơ Bóng giai nhân viết chung với Nguyễn Bính, xuất bản năm 1942) xuống Nam Hà viếng Nguyễn Bính. Đêm đó Hoài Anh làm bài thơ khóc Nguyễn Bính. Hoài Anh đọc cho tôi nghe, tôi còn nhớ mấy câu rất ngậm ngùi: Anh ngã xuống lòng ao nước nông/ Ôi trời! Lạnh thế, gió mùa đông…/ Đồng quê man mác trang anh viết/ Một cánh buồm nâu thở phập phồng…”.
Đoạn kết cuộc đời thi sĩ tài hoa buồn lắm thay!
PHẠM CHU SA
(PL)- Những ngày cuối bỗng xót xa tưởng nhớ đến thi sĩ tài hoa lận đận Nguyễn Bính, nghĩ về cái chết lạnh lẽo và cô đơn của ông trong một sáng 30 tết gần nửa thế kỷ trước.
· Năm 1943, Nguyễn Bính cùng Vũ Trọng Can và Tô Hoài rủ nhau làm một chuyến giang hồ từ Hà Nội vào Sài Gòn.
Cạn túi
Chỉ một thời gian ngắn, cả ba cạn túi, Vũ Trọng Can làm một chuyện “vô tiền khoáng hậu” ở xứ ta là tổ chức diễn thuyết về văn chương tại một rạp hát, có bán vé thu tiền! Dĩ nhiên là hoàn toàn thất bại. Vũ Trọng Can và Tô Hoài bèn lên tàu về lại Hà Nội, Nguyễn Bính một mình ở lại Sài Gòn tính chuyện làm thơ bán cho các báo kiếm tiền sống. Chỉ có một số người yêu thơ ông ủng hộ nhưng chẳng được bao nhiêu. Lang thang ở Sài Gòn một thời gian rồi Nguyễn Bính dạt về miền Tây. Năm 1945, Nguyễn Bính đến Hà Tiên thăm vợ chồng thi sĩ Đông Hồ - Mộng Tuyết, được vợ chồng thi sĩ nổi tiếng này tiếp đãi chân tình và mời ở lại. Đặc biệt, theo lời nữ sĩ Mộng Tuyết kể lại với người viết, bà và Nguyễn Bính đã kết nghĩa chị em. Năm đó Mộng Tuyết 30 tuổi còn Nguyễn Bính 27. Bà chị mua sắm quần áo cho ông em kết nghĩa vốn giang hồ lãng tử ít quan tâm tới chuyện ăn mặc. Bà lại còn tính gả cô cháu cho thi sĩ. Nhưng bỗng một ngày kia ông bỏ đi mà không chào từ biệt ai, kể cả Mộng Tuyết. Nữ sĩ đoán là ông vô chiến khu nên ngại báo cho bà.
Dùng hôn nhân để níu chân thi sĩ
Đúng là ông đã dò tìm được đường vào chiến khu tham gia kháng chiến. Sau này khi nghe Nguyễn Bính lấy vợ là một người làm báo trong chiến khu, Mộng Tuyết rất mừng. Đó là bà Hồng Châu.
20 năm trước, bà Hồng Châu kể với người viết rằng hai người lấy nhau do lãnh đạo xứ ủy sắp đặt và lo liệu mọi chuyện. Khi đó bà Châu công tác ở báoTiếng Súng Kháng địchcủa Quân khu 9.Trẻ đẹp có tiếng, chưa muốn lấy chồng nhưng Bí thư xứ ủy Lê Duẩn đến tận nhà nhờ mẹ bà Hồng Châu động viên bà lấy Nguyễn Bính để giữ chân nhà thơ đang bị chính phủ Nam Kỳ tự trị tìm mọi cách lôi kéo về thành. Sau đó tổ chức còn tạo điều kiện để vợ chồng nhà thơ được sống êm đềm trong một căn nhà nhỏ bên dòng kênh thơ mộng để thi sĩ làm thơ. Và chàng thi sĩ Nguyễn Bính suốt ngày thơ rượu, còn bà Châu được chuyển qua làm phát hành sách báo, được đi đây đó mua sắm lo cho nhà thơ. Ít lâu sau con gái đầu lòng ra đời, ông bà đặt tên là Nguyễn Bính Hồng Cầu. Trong những lúc vợ vắng nhà, bản chất đa tình của thi sĩ đã đưa lối đến một nàng thôn nữ khác. Kết quả của mối tình vụng trộm này lại là một con gái, đặt tên Hương Mai… Bà Hồng Châu rất đau khổ nhưng phải cắn răng chịu đựng.
Năm 1954, Nguyễn Bính xuống tàu tập kết ra Bắc, để lại hai người phụ nữ và hai cô con gái tuổi mới vừa lên hai lên ba, với ý nghĩ là sau hai năm sẽ trở lại miền Nam đoàn tụ. Nhưng cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, ông vẫn chưa một lần được nhìn lại mặt vợ con ở miền Nam.
Về lại Hà Nội sau nhiều năm xa cách, Nguyễn Bính cảm thấy lạc lõng, xa lạ. Những câu thơ đầu tiên ông làm sau nhiều năm xa cách Hà Nội: Chín năm đốt đuốc soi rừng/ Về đây ánh điện ngập ngừng bước chân… Và nhà thơ da diết nhớ người vợ miền Nam: Em ở bên kia bờ vĩ tuyến/ Nhìn sao thao thức mấy năm rồi…/ Trời còn có bữa sao quên mọc/ Anh chẳng đêm nào không nhớ em!
Ít lâu sau, theo sự sắp đặt của trung ương, Nguyễn Bính làm chủ bút báoTrăm Hoabộ mới. Trước đó Trăm Hoa là tờ tuần báo do Nguyễn Mạnh Phác, tức nhà thơ Trúc Đường, làm chủ nhiệm. Sau khi từ miền Nam ra, Nguyễn Bính tham gia làm chủ bút báo với ông anh nhưng được thêm mấy số thìTrăm Hoa chết. Qua sự giới thiệu của Tô Hoài, Nguyễn Bính được cử làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ Trăm Hoabộ mới được tài trợ của tuyên giáo. Bấy giờ tư nhân còn được làm báo nên trung ương muốn dùng một tờ báo tư nhân bút chiến với Nhân Văn Giai Phẩm, cũng của tư nhân. Trăm Hoa được tài trợ, mua giấy giá chính thức với chỉ đạo chống lại nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, thế nhưng Nguyễn Bính không làm theo chỉ đạo, thích đăng gì là đăng! Thời gian này, Nguyễn Bính kết hôn với cô thư ký của báo còn rất trẻ tên Phạm Vân Thanh, con gái một quan chức có vai vế ở Hà Nội. Dù bị gia đình quyết liệt phản đối nhưng cô Thanh vẫn cương quyết lấy ông. Ông đưa tên cô Thanh vào ban biên tập. Mối lương duyên kéo dài không lâu, bởi sau khi Trăm Hoakhông chấp hành chỉ đạo chống Nhân Văn Giai Phẩm đã bị cắt suất mua giấy theo giá chính thức. Nguyễn Bính bắt cô vợ trẻ bán hết vòng vàng mang theo để mua giấy giá chợ đen, kéo dài thêm được mấy kỳ báo. Rồi hết tiền mua giấy, báo phải tự đình bản. Bi kịch gia đình xảy ra. Cũng theo hồi ký của Tô Hoài, sau khi Trăm Hoa đình bản, Nguyễn Bính chìm trong men rượu, còn cô vợ ôm đứa con trai mới hơn một tuổi, không còn tiền bạc, túng quẫn và buồn phiền. Có hôm Nguyễn Bính say về còn gây gổ với vợ. Cô giận bỏ về nhà cha mẹ, để ông chồng thi sĩ lâm vào cảnh “gà trống nuôi con” trong khốn khó. Nguyễn Bính mang con đến gửi nhờ nhà ông anh là nhà thơ Trúc Đường nhưng nhà ông anh cũng khó khăn, ông lại đem con về. Hằng ngày đi uống rượu thi sĩ cõng theo thằng con!
Cũng theo lời Tô Hoài, một chiều cuối năm, Nguyễn Bính uống rượu ở góc chợ say mèm, nhờ một ông già bán củi giữ hộ thằng con để ông đi vệ sinh. Thế rồi ông ngủ quên bên thềm chợ, đến khi thức giấc trời tối mịt, chợ vắng tanh, Nguyễn Bính chợt nhớ thằng con, chạy đi tìm khắp nơi nhưng không thấy ông già ấy đâu. Ông tìm mãi, tìm mãi cho đến sau này nhưng vẫn không bao giờ gặp lại đứa con trai!
Sau ngày thống nhất, bà Hồng Châu ra Hà Nội tìm hiểu về cái chết của chồng. Bà Châu kể bà có đến thăm bà Thanh, bấy giờ đã lập gia đình với một sĩ quan cao cấp trong quân đội. Bà Thanh tặng bà Châu một bức thêu trên lụa bài thơ với nét chữ của Nguyễn Bính (bức thêu hiện trưng bày tại nhà lưu niệm Nguyễn Bính ở Gò Vấp, TP.HCM). Một thời gian sau, người con gái lớn của nhà thơ, Nguyễn Bính Hồng Cầu, ra Bắc xây mộ cho cha và tiếp tục đi tìm đứa em thất lạc nhưng vẫn không chút manh mối.
Đoạn kết buồn thảm
Về “mối tình cuối” của Nguyễn Bính, theo lời nhà thơ Hoài Anh thì khi Nguyễn Bính biệt phái về Nam Định, nghe nói có một cô hàng xén ở chợ Rồng còn giữ được tập thơ Lỡ bước sang ngang,ông tìm đến mượn và làm quen, rồi hai người yêu nhau và trở thành vợ chồng.
Riêng cái chết bi thương của Nguyễn Bính, Hoài Anh kể với người viết: Tết năm Bính Ngọ (1966), Hoài Anh về quê ăn tết. Ngày mùng 3 tết, ông từ quê đi theo sông Châu Giang lên thăm một người quen tên Hứa, tức Tân Thanh ở thôn Mạc Hạ, xã Công Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam. Ông Hứa là Đông y sĩ nhưng mê văn chương, cũng có viết văn, làm thơ đăng báo, là một người rất yêu thơ Nguyễn Bính, tính tình rất hào phóng, thường giúp đỡ tiền bạc cho Nguyễn Bính khi khó khăn. Khi Hoài Anh vừa đến nơi, ông Hứa cho biết Nguyễn Bính mới mất sáng 30 tết (thật ra là 29 nhưng tháng Chạp thiếu, coi như 30). Ông ngậm ngùi kể lại: Hôm đó Nguyễn Bính mới ở bệnh viện về ghé qua nơi cơ quan Ty Văn hóa Nam Hà sơ tán ở xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân vay tiền về quê ăn tết. Đến nơi thì anh chị em trong cơ quan đã về hết, ông bèn lên Mạc Hạ vay tiền ông Hứa. Nguyễn Bính đến lúc ông Hứa vừa đi chia thịt lợn về, ông bèn đánh tiết canh, luộc lòng và dồi mời Nguyễn Bính uống rượu. Ăn uống xong, Nguyễn Bính ra cầu ao rửa miệng, trượt chân ngã xuống ao, bị trúng lạnh. Vớt lên, người ông lạnh run, tím tái và ói ra máu. Ông Hứa chạy quanh xóm tìm mãi mới có hai người giúp cáng nhà thơ đến trạm xá. Nhưng khi cáng đến Cầu Họ thì Nguyễn Bính qua đời nên phải an táng ông tại nghĩa trang gần Cầu Họ ngay chiều hôm đó. Đó là ngày cuối cùng năm 49 tuổi ta của Nguyễn Bính.
Hoài Anh vội về Hà Nội báo tin dữ cho Xuân Diệu và Tô Hoài. Hội Nhà văn họp, cử nhà thơ Yến Lan (đồng tác giả kịch thơ Bóng giai nhân viết chung với Nguyễn Bính, xuất bản năm 1942) xuống Nam Hà viếng Nguyễn Bính. Đêm đó Hoài Anh làm bài thơ khóc Nguyễn Bính. Hoài Anh đọc cho tôi nghe, tôi còn nhớ mấy câu rất ngậm ngùi: Anh ngã xuống lòng ao nước nông/ Ôi trời! Lạnh thế, gió mùa đông…/ Đồng quê man mác trang anh viết/ Một cánh buồm nâu thở phập phồng…”.
Đoạn kết cuộc đời thi sĩ tài hoa buồn lắm thay!