Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

N h ạ c X u â n M i ề n N a m T r ư ớ c N ă m 1975

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • N h ạ c X u â n M i ề n N a m T r ư ớ c N ă m 1975


    N h ạ c X u â n M i ề n N a m T r ư ớ c N ă m 1975





    Có một điều mà người miền Nam trước năm 1975 sửa soạn đón Xuân và Tết thường không mấy lưu tâm. Ðó là nhạc Xuân. Mặc dù khi đi sắm Tết đã có không ít người mua thêm một băng nhạc Xuân của các trung tâm băng nhạc do các nhạc sĩ Nhật Trường, Phạm Mạnh Cương hay Anh Ngọc sản xuất.

    Hồi tưởng lại, từ thời đệ I Cộng Hòa, qua suốt hơn 10 năm sau cho đến khi miền nam bị mất vào tay cộng sản, không có Xuân nào mà nhạc Xuân lại thiếu vắng. Không có một quy định nào, nhưng cứ sau những dịp Giáng Sinh, Tết “Tây” là các đài phát thanh truyền hình của chính quyền, của quân đội lại dồn dập phát đi những khúc Xuân ca, đủ mọi thể loại, đủ mọi tâm tình của người nghệ sĩ và đương nhiên cũng là của mọi người dân.

    Thế thì nhạc Xuân có từ bao giờ?

    Thời tiền chiến khoảng những năm trước và sau 1945, đã có những nhạc sĩ sáng tác nhạc Xuân rồi. Văn Cao với “Bến Xuân” cho người nghe cả một trời Xuân thanh bình mà phảng phất ánh Xuân của non bồng nước nhược chốn Thiên Thai. Rồi sau đó là Thẩm Oánh, là Dương Thiệu Tước, là Ngọc Bích, là Phạm Duy... mỗi người ít ra là cũng có một vài lần xúc động Xuân tình mà viết lên những dòng nhạc quyện chặt lấy lời ca đem cả mùa Xuân tươi đến cho mọi người, nhắc nhở mọi người và những khúc nhạc Xuân này đã trở thành những “tín hiệu” báo tin Xuân lại về.

    Ðến thời đệ I Cộng Hòa, sau khi đất nước bị chia đôi, miền Nam được sống trong chế độ tự do, giới nghệ sĩ được thỏa tình sáng tạo. Bên cạnh những nhung nhớ, xót xa, thương hận miền Bắc, người nghệ sĩ miền Nam được chính quyền hỗ trợ nên đã tự do sáng tạo. Từ văn chương, nghệ thuật ca nhạc, sân khấu đều bùng nở trong mọi đề tài và dĩ nhiên đề tài Xuân là đề tài phong phú nhất, gợi cảm nhất. Vào giai đoạn này, nhạc Xuân như bắt đầu nhuốm mùi “tục lụy” nghĩa là đi sát với cuộc sống của mọi người, không còn lãng đãng như xa như gần, ảo huyền liêu trai như thời gian trước. Dòng nhạc đi vào tả thực với “Gió Mùa Xuân Tới”, với “Anh Cho Em Mùa Xuân”, với “Ca Khúc Mừng Xuân” v.v...

    Nhạc Xuân được dân dã hóa dần dần nên đã phổ biến khá rộng rãi trong mọi tầng lớp dân chúng. Cũng chính thời gian này phương tiện truyền thông phát triển với hệ thống truyền thanh quốc gia. Ðài phát thanh quốc gia với những đài địa phương Cần Thơ, Huế, Nha Trang, Quảng Ngãi... qua những chương trình nhạc chiếm gần nửa thời lượng 24/24 đã mang tiếng nhạc Xuân đến khắp đồng quê thị thành. Cũng phải nói thêm, khoảng thời gian đầu thập niên 60 loại đài bán dẫn (Radio Transitor) nhỏ gọn tràn ngập Saigon và các tỉnh miền Nam với giá vừa túi tiền cho giới bình dân lao động nên dòng nhạc Xuân lại càng có phương tiện đi xa, đi rộng hơn nữa. Chưa kể loại đài “Radio Ấp Chiến Lược” trong cuối thập niên 60 cũng góp phần to lớn trong việc truyền bá nhạc Xuân đến các vùng quê xa xôi. Vào cuối thập niên 60 một phương tiện truyền thông mới bắt đầu xâm nhập đến thị dân miền Nam. Khởi đầu là truyền hình đen trắng và chỉ sau vài năm truyền hình mầu đã vào gần khắp gia đình thị dân và một số không nhỏ ở nông thôn.

    Ðó là thời đệ II Cộng Hòa. Ở thời gian này, nhạc Xuân hình như được phát triển cao độ khi cả một thời chiến chinh đã là môi trường cho sự sáng tạo. Ðề tài nhạc Xuân bỗng được mở rộng trong mọi ngóc ngách tình cảm của con người. Chỉ một ánh Xuân trên những cánh mai rừng nơi tiền đồn heo hút đã nhắc cho người lính xa nhà chợt nhớ ra là Xuân lại về. Chỉ một hình ảnh đó đủ nói lên cái đau thương của cả một thế hệ, đủ nói lên sự hy sinh cao quí của người lính chiến, đủ nói lên tâm tình chia sớt của người hậu phương. Nên những “Phiên Gác Ðêm Xuân”, “Anh Chưa Có Mùa Xuân, “Xuân Này Con Không Về”, “Tôi Ði Tìm Lại Một Mùa Xuân”, “Ðón Xuân Này Nhớ Xuân Xưa” đã dàn trải biết bao tâm trạng, mà tâm trạng nào người nghe cũng thoáng thấy mình trong đó. Mỗi bài nhạc là mỗi tâm trạng, mỗi khao khát và cả mỗi thống trách chiến tranh. Người nhạc sĩ cũng là người lính chiến hay cho dù không phải là người lính chiến cũng không thể quay mặt làm ngơ trước nỗi đau chung của một thế hệ nếu như còn chút ý thức. Cho nên nhạc Xuân đã thấm vào tận từng hơi thở, từng suy nghĩ, từng ngắm nhìn trong cảnh đời lại một lần nữa khởi đi. Cho nên nhạc Xuân thời chiến chinh cho đến tận bây giờ sau hơn 30 năm vẫn còn là nỗi day dứt không rời và trở thành chứng tích cho các thế hệ sau nhìn lại.

    Vượt thoát lên nhạc Xuân thời chinh chiến lại có những bài ca Xuân trở nên bất tử. Cứ nghe thấy tiếng hát, lời ca của bài Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Ðình Chương là thấy Mùa Xuân hay nỗi xôn xao Xuân về đâu đó. Bài ca Xuân bất tử này đã tượng trưng cho hoan lạc Xuân về, không còn là của riêng ai, cho một thời đại nào.

    Sau khi cộng sản lấn chiếm được miền Nam tháng 4 năm 1975, nhiều năm sau Xuân về đã không có nhạc Xuân rộn rã nữa. Người ta xót xa nghe vụng trộm những ca khúc mừng Xuân thời trước để âm thầm thương nhớ những mùa Xuân đã qua.

    Nhưng, chỉ vài năm sau thôi, nhạc Xuân miền Nam lại “hùng dũng” trở về, không chỉ trở về trong lòng người dân miền Nam, mà trở về chinh phục hầu hết người dân miền Bắc trong đó cả những từng lớp cán bộ cũng tìm mua công khai những băng nhạc Xuân (Cassette) từ hải ngoại đưa lậu về. “Ly Rượu Mừng” lại vang vang trong từng ngõ hẻm chen trong tiếng pháo. “Xuân Này Con Không Về”, “Ðồn Vắng Chiều Xuân” lại được những binh sĩ trong quân đội CS hát lên thương nhớ đến người mẹ già héo hắt nơi quê nghèo ngoài Bắc, than thân mình bao năm chinh chiến mà chưa có được Mùa Xuân. “Ðón Xuân” lại được ca vang trong những buổi “liên hoan” của giai cấp cán bộ...

    Từ một cái nhìn không biết có chủ quan không, thì nhạc Xuân nói riêng và “nhạc vàng” nói chung của miền Nam đã “đại thắng” trong mặt trận văn hóa đối với chế độ cộng sản. Sau 30.4.75 cả một chiến dịch lớn nhà nước cộng sản phát động để tiêu hủy văn hóa phẩm miền Nam trong đó có nhạc xuân. Bao nhiêu đống băng nhạc chồng chất bị đốt cháy trên các đường phố Saigon và các tỉnh thị miền Nam. Nhưng đã không dập tắt được nhạc Xuân, nhạc vàng, để sau đó chẳng bao lâu nó đã vùng dậy và chinh phục mọi tâm hồn khô héo trong các con người cộng sản. Thực ra không có một phép lạ nào mà chỉ là nó đã khơi dậy được tiếng lòng con người mà chế độ cộng sản muốn hủy diệt để con người chỉ còn là những cái máy dưới sự chỉ huy của Ðảng.

    Nào có ai đâu chủ trương và chỉ huy cái mặt trận ấy. Có chăng là giới văn nghệ sĩ đã ra được hải ngoại góp công phục hồi được một phần văn hóa phẩm đã bị cộng sản hủy diệt ở trong nước. Họ đã in sang lại một số văn hóa phẩm trong đó có những băng nhạc cũ may mắn mang theo được để bán trong cộng đồng người Việt đang tứ tán khắp nơi ở hải ngoại.

    Nhưng có một giới mà chúng ta nên ghi nhận trong mặt trận văn hóa này. Ðó là giới làm băng nhạc lậu ở hải ngoại để đưa về trong nước, đặc biệt là ở Thái Lan. Họ đã in và sang lại những băng nhạc hải ngoại và chuyển lậu vào trong nước khi thấy phong trào ca hát nhạc vàng ở trong nước có chiều phát triển. Cả một thời gian kéo dài đến 5,7 năm các khu chợ máy Huỳnh Thúc Kháng, Hùng Vương ở Saigon bán công khai băng nhạc “hải ngoại” và bán đắt như tôm tươi nhiều khi đã trở thành khan hiếm. Thậm chí ở Saigon lúc này còn có nhiều tiệm bán băng nhạc dám nhận sang lại những cuốn băng “nhạc vàng” hải ngoại nữa.

    Một điều khá tức cười là nơi phòng khách của các cán bộ trung cấp trở lên, thường là có bộ máy nghe nhạc âm thanh nổi để suốt ngày có tiếng nhạc vàng và Xuân về Tết đến lại vang lên những khúc nhạc Xuân trước năm 1975. Có năm, đâu như vào năm 1989, ở một phường quận 8 trong Chợ Lớn trong ngày “giao quân” lại có cả tiếng nhạc của bài “Anh đi quân dịch là thương nòi giống”...
    Ðó là thời gian những năm giữa đến cuối thập niên 80.

    Ðể đối phó với tình trạng nhạc vàng, nhạc Xuân tràn lan khắp mọi tâm hồn người trong nước mà các cơ quan an ninh, văn hóa cộng sản không làm sao ngăn chặn được, đảng CSVN đành phải “mở hé” cho các nhạc sĩ “nhà nước” sáng tác những bản nhạc tình cảm. Nhưng kèm vào đó vẫn phải theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa, nghĩa là những bài nhạc tình cảm này không được “ướt át” quá và phải có mầu hồng. Chẳng hạn có một bản nhạc (không nhớ tên) tả về cuộc hẹn hò của đôi trai gái trong công viên đã tả thêm về ánh sáng điện trong công viên mà đôi trai gái đang được hưởng là do công lao của các công nhân lao động, giai cấp tiên phong của Ðảng đã đưa về thành phố. Hoặc một bản nhạc khác tả sự chia ly trong cuộc tình thì sự chia ly ấy lại nói đến chia ly của đôi trai gái mà người trai vui vẻ lên đường đi “nghĩa vụ” sang Cao Mên v.v...

    Do đó nhạc tình trong XHCN nó ngây ngô gượng ép chẳng làm lưu luyến được người nghe. Nhưng một số nghệ sĩ sáng tác đã lợi dụng cơ hội “mở cửa” này và đã tìm được cách thể hiện những tình cảm thực của con người trong các sáng tác của mình. Nhạc tình dần ướt át hơn, dám tả đến yêu đương, đến hẹn hò, đến chia xa một cách trung thực mà không còn vướng đến xã nghĩa nữa. Ðể làm vỏ bọc cho những bản nhạc tình ướt át, nhạc sĩ trong nước đã chép lại gần như nguyên văn một số bản nhạc ăn khách của Hồng Kông, lúc này đã trả về cho Trung Cộng và một số bản nhạc của Nam Hàn. Nên mới có lúc nhạc trong nước đầy ảnh hưởng giai điệu của nhạc Trung Quốc. Chẳng hạn như bài “Tết! Tết!” giai điệu ngang phè phè, lời nhạc thì ngô nghê, đầy ảnh hưởng “cống hỉ, phát sồi”...

    Cho nên, đến bây giờ nhạc Xuân của những năm trước 1975 vẫn còn vang vang ở trong nước mỗi dịp Xuân về Tết đến. “Ly Rượu Mừng”, “Ðón Xuân”, “Xuân Họp Mặt”, “Anh Cho Em Mùa Xuân”, “Ðồn Vắng Chiều Xuân”... vẫn là những tín hiệu tưng bừng của một Mùa Xuân mà mọi người hy vọng đang tới.






    Nguyên Huy

Working...
X