Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Hoa trắng thôi cài trên áo tím!…

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Hoa trắng thôi cài trên áo tím!…

    Hoa trắng thôi cài trên áo tím!…



    Đoàn Dự ghi chép

    Hoa trắng thôi cài trên áo tím.
    Từ ngày binh lửa ngập quê hương.
    Luyến thương chan chứa tình quê mẹ.
    Sông nước phù sa gợi ý tình”.

    Lâu quá không về thăm xóm cũ.
    Để nhìn mây chiều nhẹ im trôi.
    Để nghe khe khẽ lời em nguyện.
    Đôi bóng vai kề một lối đi…”



    Thưa quý bạn, đó là những câu mở đầu trong bản nhạc nổi tiếng “Hoa trắng thôi cài trên áo tim” của nhạc sĩ Huỳnh Anh (1932-2013), phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà (1929-2014) trong khoảng thập niên 1960, thường do các ca sĩ Thanh Thúy, Hoàng Oanh, Vũ Khanh, Quốc Dũng, Hương Lan trình bày hết sức thành công cùng với các bài Mưa rừng, Kiếp cầm ca, Nếu anh về bên em…, 28 bài tất cả cũng của vị nhạc sĩ tài hoa này.

    Về phần nhà thơ kiêm soạn giả cải lương và tác giả nhiều bản tân cổ giao duyên nổi tiếng Kiên Giang Hà Huy Hà, nhiều người lầm tưởng tên thật của ông là Hà Huy Hà. Sự thực không phải như thế, tên thật của ông là Trương Khương Trinh, sinh ngày 17 tháng 02 năm 1929 tại làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang (ngày trước gọi là tỉnh Rạch Giá; nay Rạch Giá là tên thành phố, còn Kiên Giang là tên tỉnh). Danh sĩ Huỳnh Mẫn Đạt có hai vế câu đối:

    “Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa.
    Kiếm bạc Kiên Giang khốc quỷ thần

    (Lửa hồng Nhật Tảo lừng trời đất.
    Kiếm sắc Kiên Giang, quỷ thần kinh)

    để nói về chiến công của vị anh hùng chài lưới 27 tuổi Nguyễn Trung Trực đốt tàu Pháp Espérance năm 1861 tại vàm sông Nhật Tảo Long An và công đồn Pháp tại Kiên Giang. Như vậy, cái tên Kiên Giang đã có từ trước năm 1861.
    Quý bạn còn nhớ huyện An Biên không? Ở đấy có gia đình anh Huỳnh Khiêm rất nghèo, có đứa con gái xinh xắn tên là Huỳnh Thị Cẩm Loan. Năm 17 tuổi, đang học lớp 11, một hôm tan học, vừa ra khỏi cổng trường cùng bạn bè thì cháu Loan bị một người lái xe ôm chạy ẩu, tranh khách từ bến đò lên, đâm thẳng vào đám nữ sinh khiến cháu ngã vật ra phía sau, chấn thương sọ não ở phía sau ót. Cháu u mơ, sống đời sống thực vật hết sức tội nghiệp như vậy suốt mấy năm trời và đã được quý bạn độc giả trong và ngoài nước hết lòng giúp đỡ. Cách đây ít lâu, cháu qua đời, vợ chồng anh Huỳnh Khiêm đau đớn báo tin cho tôi biết và nhờ tôi gửi lời cám ơn quý bạn.

    Trở lại câu chuyện nhà thơ Kiên Giang. Ông là đồng hương, cùng làng Đông Thái, cùng huyện An Biên với nhà văn Sơn Nam, nhưng ông Sơn Nam sinh trước ông 4 năm.


    Năm 1943, cậu bé Trương Khương Trinh, 14 tuổi, theo học tại trường tư thục Lê Bá Cang, Sài Gòn. Sau khi lớn lên, ngoài việc làm thơ với bút danh Kiên Giang, ông còn là một soạn giả cải lương rất nổi tiếng với nghệ danh Hà Huy Hà, cùng thời với các soạn giả Năm Châu, Viễn Châu, Hà Triều, Hoa Phượng, Quy Sắc, Thu An… (Ông là người hướng dẫn cho hai soạn giả Hà Triều và Hoa Phượng vào nghề). Các tác phẩm cải lương của ông có thể kể: Áo cưới trước cổng chùa, Người vợ không bao giờ cưới, Phấn lá men rừng, Lưu Bình – Dương Lễ, Hồi trống trường làng… Riêng vở Người vợ không bao giờ cưới đã giúp cho nghệ sĩ Thanh Nga đoạt giải Thanh Tâm và trở thành ngôi sao trong làng cải lương.
    Trước 1975, ngoài làm thơ, soạn tuồng cải lương, sáng tác các bản tân cổ giao duyên, Kiên Giang Hà Huy Hà còn là ký giả kịch trường của nhiều tờ báo lớn tại Sài Gòn như: Tiếng Chuông, Tiếng Dội, Lập Trường, Điện Tín, Tia Sáng, v.v… Sau 1975, ông làm phó đoàn cải lương Thanh Nga và Ban chấp hành Hội Sân khấu Sài Gòn qua nhiều nhiệm kỳ.
    Ông mất ngày 31/10/2014 tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Sài Gòn, hưởng thọ 86 tuổi, và được an táng tại Nghĩa trang Bình Dương (phường Chánh Phú Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương), cùng nơi chôn cất với “người đồng hương” Sơn Nam.



    Tình yêu thuở học trò và bài thơ “Hoa trắng thôi cài trên áo tím”

    Thuở học trò thường ai cũng có một mối tình đầu đời: “Cho thì nhiều mà nhận chẳng bao nhiêu” và “Yêu là chết ở trong lòng một ít” (Xuân Diệu). Từ đó người ta làm thơ, từ đó người ta không quên kỷ niệm và cũng từ đó những chàng thi sĩ nổi tiếng hay chẳng nổi tiếng ra đời…
    Về trường hợp bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím của nhà thơ Kiên Giang, sau đó được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ nhạc cũng vậy, ông kể: “Đây là tình yêu của một chàng trai ngoại đạo đối với một cô gái có đạo. Mối tình học trò đó ngây thơ tinh khiết không nhuốm bụi trần. Năm 1944, tôi ở Cần Thơ, học trường tư thục Nam Hưng (lúc ấy cậu học trò Trương Khương Trinh 15 tuổi), dốt toán nhưng giỏi văn chương, chuyên làm bài giùm cho các bạn cùng lớp, trong đó có cô bạn dễ thương thường mặc áo bà ba trắng, quần đen, mang guốc mộc, tên Nguyễn Th. Nh. (Nguyễn Thúy Nhiều).

    “Có những buổi tan học, tôi lẽo đẽo theo sau Nh. về tới tận nhà nàng ở xóm Nhà thờ Chánh tòa Cần Thơ.
    “Chiến tranh 1945 nổ ra. Tôi không có tiền đi xe đò về quê bên Rạch Giá. Nh. biết sự khó khăn đó, nhờ người đưa, giúp tôi. Về bên Rạch Giá, ít lâu sau tôi đi kháng chiến, làm trong ban báo chí chiến khu. Gặp một người bạn học cũ ở Cần Thơ làm trong ban quân nhạc, anh ta cho biết: “Con Tám Nh. nó vẫn chờ mày đấy”, tôi rất cảm động.
    “Năm 1955, thời thế đã yên, tôi trở thành dân thường và một lần có công việc ghé ngang Cần Thơ. Tôi xin phép má của Nh., ngồi tâm tình rất khuya với nàng dưới ánh đèn dầu Huê kỳ, nhưng lúc đó Nh. đã có người dạm hỏi, sắp sửa lấy chồng, tôi buồn lắm.
    “Sau này, tôi nghe tin Nh. có con đầu lòng, đặt tên con là “Triều” gồm tên “Trinh” của tôi và tên “Nhiều” của nàng ghép lại, chồng nàng biết và rất ghen tức. Chính vì lý do đó tôi đổi bốn câu cuối bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím tôi đã làm: “Xe tang đã khuất nẻo đời. Chuông nhà thờ khóc tiễn người ngàn thu. Từ nay tóc rũ khăn sô. Em cài hoa tím trên mồ người xưa…” thành bốn câu khác để chồng nàng đỡ ghen: “Lạy Chúa! Con là người ngoại đạo. Nhưng tin có chúa ở trên trời. Trong lòng con giữa màu hoa trắng. Cứu rỗi linh hồn con Chúa ơi!…”.
    “Năm 1999, hãng phim TFS Đài Truyền hình Sài Gòn có làm tập phim “Chiếc giỏ đời người” về sự nghiệp hoạt động văn nghệ của tôi. Khi trở về Cần Thơ quay cảnh trường cũ, tôi được hay tin Nh. đã mất một năm trước đó, tức năm 1998. Tôi mua một bó hoa huệ trắng, ra thăm mộ nàng ở nghĩa trang Cái Su. Thiệt đúng là: ‘Anh kết vòng hoa màu trắng lạnh. Từng cài trên áo tím ngây thơ. Hôm nay vẫn đóa hoa màu trắng. Anh kết tình ta gởi xuống mồ…’.
    Sau đây là nguyên văn bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím của Kiên Giang làm năm 1958, khi đó ông chưa sửa lại mấy câu cuối:


    Lâu quá không về thăm xóm đạo.
    Từ ngày binh lửa cháy quê hương.
    Khói bom che lấp chân trời cũ.
    Che cả người thương, nóc giáo đường.

    Mười năm trước em còn đi học.
    Áo tím điểm tô đời nữ sinh.
    Hoa trắng cài duyên trên áo tím.
    Em còn nguyên vẹn tuổi băng trinh.
    Quen biết nhau qua tình lối xóm.
    Cổng trường đối diện, ngó lầu chuông.
    Mỗi lần chúa nhật em xem lễ.
    Anh học bài ôn trước cổng trường.
    Thuở ấy anh hiền và nhát quá.
    Nép mình bên gác thánh lầu chuông.
    Để nghe khe khẽ lời em nguyện.
    Thơ thẩn chờ em trước thánh đường.
    Mỗi lần tan lễ, chuông ngừng đổ.
    Hai bóng cùng nhau một lối về.
    E lệ em cầu kinh nho nhỏ.
    Thẹn thùng, anh đứng lại không đi.
    Sau mười năm lẻ anh thôi học.
    Nức nở chuông trường buổi biệt ly.
    Rộn rã từng hồi chuông xóm đạo.
    Khi nàng áo tím bước vu quy.
    Anh nhìn áo cưới mà anh ngỡ.
    Chiếc áo tang liệm kín khối sầu!
    Hoa trắng thôi cài trên áo tím.
    Giữ làm chi kỷ vật ban đầu!
    Em lên xe cưới về quê chồng.
    Dù cách đò ngang cách mấy sông.
    Vẫn nhớ bóng vang thời áo tím.
    Nên tình thơ ủ kín trong lòng.
    Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo.
    Anh làm chiến sĩ giữ quê hương.
    Giữ màu áo tím, cành hoa trắng.
    Giữ cả trường xưa, nóc giáo đường.
    Giặc chiếm lầu chuông xây ổ súng.
    Súng gầm rung đổ gạch nhà thờ.
    Anh đem gạch nát xây tường lủng.
    Chiếm lại lầu chuông, giết kẻ thù .
    Nhưng rồi người bạn đồng song ấy.
    Đã chết hiên ngang dưới bóng cờ.
    Chuông đổ ban chiều, hồi vĩnh biệt.
    Tiễn anh ra khỏi cổng nhà thờ.
    Hoa trắng thôi cài trên áo tím.
    Mà cài trên nắp áo quan tài.
    Điểm tô công trận bằng hoa trắng.
    Hoa tuổi học trò, mồ thắm tươi
    Xe tang đã khuất nẻo đời.
    Chuông nhà thờ khóc đưa người ngàn thu.
    Từ đây tóc rũ khăn sô.
    Em cài hoa trắng lên mồ người xưa.
    (28/5/1958)



    Phần dưới đây là lời kể của nhà báo Hà Đình Nguyên, người quen biết với nhà thơ kiêm soạn giả cải lương Kiên Giang Hà Huy Hà suốt 15 năm và đã được nhà thơ này kể lại nhiều kỷ niệm sâu sắc trong đời mình.
    Chuyện “Hoa trắng thôi cài” và hai đoạn kết
    Người viết (nhà báo Hà Đình Nguyên, -ĐD) được may mắn thân thiết với nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà trong khoảng 15 năm cuối đời của ông. Kiên Giang là nhà thơ, là soạn giả cải lương (tác giả các vở tuồng Áo cưới trước cổng chùa, Người vợ không bao giờ cưới và nhiều vở khác rất nổi tiếng).

    Dù chơi thân với ông nhưng muốn gặp ông thật khó, bởi vì ông luôn dịch chuyển (rất giống với ông bạn thân cùng huyện, cùng làng là nhà văn Sơn Nam). Có hôm, tôi gọi điện thoại ngỏ ý muốn gặp ông để hỏi thêm một vài chi tiết cho bài viết. Ông bảo: “Tao đang ở gần sân vận động Thành Long (quận 8, Sài Gòn), mày muốn gì, xuống đây!”…
    Nếu ai có dịp ngồi chung với nhà thơ Kiên Giang, hỏi ông về thời niên thiếu, về Sơn Nam, về Nguyễn Bính và nhất là về người con gái trong bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím, là ông sẽ kể một mạch bằng một giọng bùi ngùi, không hề đứt đoạn, làm như những chuyện đó đã thấm vào máu thịt của ông…



    Yêu nhau chờ đợi ở cổng nhà thờ

    Năm 17 tuổi, chàng học trò Trương Khương Trinh (tên thật của Kiên Giang) rời vùng quê Rạch Giá lên Cần Thơ học lớp Đệ nhị (lớp 11 bây giờ) ở Trường Trung học tư thục Nam Hưng. Vốn có năng khiếu văn chương nên chàng được các thầy giáo cho thực hiện một tờ báo tường lấy tên là Ngày xanh. Kiên Giang biên tập bài vở và trình bày (vẽ, trang trí…), còn cô bạn Nguyễn Thúy Nhiều thì nắn nót chép bài vở.
    Tuy mang cái tên rất dân dã nhưng Nhiều rất đẹp với gương mặt thanh tú và mái tóc dài ôm xõa bờ vai. Gia đình nàng theo đạo Thiên Chúa nên mỗi sáng chủ nhật nàng thường đi lễ nhà thờ Cần Thơ.
    Kiên Giang không theo đạo nhưng sáng chủ nhật nào cũng “rình” trước cổng nhà thờ để được “tháp tùng” nàng trên đường đi lễ về. “Yêu nhau” chỉ có vậy, ngoài những cái liếc mắt và những nụ cười thẹn thùng, e ấp thì hai người chẳng còn thứ gì để trao đổi nữa. Tuy thế, cả hai đều cảm nhận được những tình cảm sâu kín mà họ dành cho nhau…
    Rồi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, kéo dài suốt 9 năm (1945-1954), việc học hành bị gián đoạn, Kiên Giang và bạn bè thân thiết vào khu tham gia kháng chiến.

    Hai đoạn kết khác nhau

    Sau này, nhiều lần Kiên Giang tâm sự với người viết: “Điều xót xa là trong những tháng ngày loạn lạc đó, Nhiều vẫn âm thầm chờ đợi tôi. Năm 1955, nàng quyết gặp tôi một lần rồi mới lấy chồng. Tình cảm ấy cứ ám ảnh tôi khôn nguôi. Tôi đưa tâm sự của hai đứa vào bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím, làm tại Bến Tre năm 1957. Ở đoạn kết có những câu: Ba năm sau, chiếc xe hoa cũ. Chở áo tím về giữa áo quan. Chuông đạo ngân vang hồi tiễn biệt. Khi anh ngồi kết vòng hoa tang…, tôi đã “cho” người mình thầm yêu chết để mối tình kia còn nguyên vẹn là của riêng mình.
    Tuy nhiên, một thời gian sau tôi có dịp gặp lại cố nhân ở Sóc Trăng (lúc này nàng đã có chồng). Sau cuộc gặp gỡ đó, tôi lại muốn “cho” người con trai trong bài thơ chết vì lý do bảo vệ quê hương, không còn vương vấn mối tình thuở học trò. Tôi đã sửa lại đoạn kết như thế ở Hàng Xanh (Gia Định, 1958, nay là quận Bình Thạnh, Sài Gòn), nhưng hầu như bạn đọc chỉ thích giữ nguyên tác. Nhất là khi nó đã được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ thành ca khúc thì bài thơ lại càng nổi tiếng, lan tỏa… Trong thơ là thế nhưng sự thật ngoài đời chẳng có ai chết hết trơn. Năm 1977, chúng tôi lại có dịp gặp nhau. 33 năm đã trôi qua, gặp lại, hai mái đầu đã bạc. Cả hai cố tránh không nhắc đến cái thời cùng học dưới mái trường Nam Hưng, nhưng tự trong sâu thẳm tâm hồn vẫn trân trọng “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”.
    Đầu năm 1999, Hãng phim truyền hình Sài Gòn (TFS) có thực hiện một bộ phim tài liệu về nhà thơ Kiên Giang mang tên “Chiếc giỏ đời người” (nhà thơ Kiên Giang đi đâu cũng kè kè một chiếc giỏ, mặt ngoài vẽ chi chít chữ – HĐN). Trong kịch bản có một cảnh quay tại Cần Thơ. Khi ông và ê kíp làm phim đến nhà “người xưa” mời bà Nhiều ra quay cảnh ở Nhà thờ Chính tòa thì thấy ngôi nhà đóng cửa, lạnh ngắt. Người hàng xóm cho biết bà Nhiều đã qua đời năm 1998. Ông rất xót xa, sau đó mua một bó hoa huệ trắng tới nghĩa trang thăm mộ bà.


    Rong ruổi đầy nhân hậu
    Hưởng thọ 86 tuổi với gần 70 năm cầm bút, Kiên Giang đã để lại cho đời hàng trăm bài thơ, bài báo, bài vọng cổ và nhiều vở cải lương xuất sắc. Ngay cả trước khi bị đột quỵ và tử vong, ông vẫn đang xúc tiến việc in một tập thơ mới – coi như kỷ niệm cuối đời – nhưng đành để lại cho thân hữu tiếp tục lo việc in ấn.
    Chơi thân với ông hơn 15 năm, tôi (nhà báo Hà Đình Nguyên, -ĐD) chỉ thấy ông toàn “ăn nhờ ở đậu”. Ông dời chỗ ở không dưới chục lần. Hết che tạm cái chòi lá ở khu Dưỡng lão Nghệ sĩ (quận 8, Sài Gòn) lại về đường Bùi Minh Trực. Hết lên quận 9 ở với nhà thơ Thiên Hà lại về Mỹ Tho làm “ông từ giữ đền” cho Nhà Lưu niệm nhà văn Sơn Nam… Nhưng nơi ông gắn bó đời mình nhiều nhất chính là trụ sở Hội Ái hữu Nghệ sĩ Sài Gòn (133 Cô Bắc, quận 1, SG). Ở đó ông là một trong những cố vấn của hội, đưa ra các phương án cứu trợ những nghệ sĩ neo đơn, những nhân viên hậu đài đang gặp khó khăn. Mười lăm năm trước đây, nhà văn Sơn Nam đã nhận xét về người bạn thân của mình: “Kẻ cần cứu trợ nhất lại là người tích cực vận động cứu trợ cho người khác nhất!”.


    Cậu thiếu niên Trương Khương Trinh tầm sư học… Nguyễn Bính!
    Vào khoảng năm 1946, cậu học trò Trương Khương Trinh 17 tuổi, đang học trung học. Một hôm, có người bạn tên Nguyễn Phi Long khoe: “Nhà thơ Nguyễn Bính từ ngoài Bắc vô, đang ở Xóm biển, sau đình Nguyễn Trung Trực gần nhà tao”.
    Vốn mê thơ văn, mà Nguyễn Bính lại là thần tượng của mình, nên Trương Khương Trinh quyết định đi tìm.
    Đến khu Xóm biển, người ta chỉ cậu tới nhà ông quản thủ điền địa tên Ng.Đ.Lý (ông này vốn là người gốc miền Bắc, thấy “đồng hương” lưu lạc đến tận cái xứ chót biển phương Nam này nên đón về, cho ở nhờ). Hỏi người nhà ông Lý thì họ bảo: “Ông Bắc Kỳ đang ngủ ngoài đình”. Cậu ra đình Nguyễn Trung Trực, lúc ấy đã hơn 9 giờ sáng, nhưng thấy vắng teo.
    Cậu hỏi thăm một bà hàng nước xem có thấy một nhà thơ dáng vẻ nho nhã ở ngoài này không. Bà hàng nước chép miệng, nói: “Chẳng thấy nhà thơ nhà thẩn nào cả, chỉ có một anh chàng hàn sĩ trông giống như ‘Trần Minh khố chuối’, ngày nào cũng trùm nóp nằm ngủ trước cửa đình. Chắc là ổng muốn xin Ngài báo mộng gì đó chăng?”
    Lúc này cậu học trò mới nhìn kỹ, thấy một người vẫn còn nằm ngủ trong chiếc nóp (chằm bằng lá, giống như áo tơi). Đi quanh chiếc nóp một lát, cậu đánh bạo lay ông dậy: “Này, ông ơi, tui nghe nói ông vừa tới đây, tui cũng là người làm thơ. Xin chào mừng ông!”
    Nhà thơ Nguyễn Bính ngồi dậy, dụi mắt nhìn cậu thiếu niên. Câu đầu tiên của ông là: “Có thuốc hút không?” Rất may, Khương Trinh cũng mới tập tành hút thuốc. Trong túi có bao Cotab còn sót lại 2 điếu, bèn đưa cho ông. Sau khi “phê” hết hai điếu thuốc, Nguyễn Bính xé vỏ bao thuốc và viết liền vào đó 4 câu thơ tặng người bạn mới:


    Có những dòng sông chảy rất mau.
    Nhớ chi nghĩa bến với duyên cầu.
    Lá vàng hoa đỏ trôi không kịp.
    Lưu lạc ai ngờ lại gặp nhau…



    Khương Trinh mừng quá, mời nhà thơ đi uống cà phê. Gần chợ Rạch Giá, chỗ tiệm thuốc tây Nguyễn Khoa Dai có tiệm cà phê Quảng Phát, người ta nói là rất ngon. Hai người ngồi với nhau. Khi Khương Trinh hỏi sao nhà thơ không ở nhà ông Ng.Đ.Lý nữa, Nguyễn Bính cười buồn, bảo rằng tại bà vợ ông Lý đẹp quá, mái tóc buông dài đen nhánh, cứ nằm trên võng… ngâm thơ Nguyễn Bính! Ông chồng phát ghen, có cử chỉ không bằng lòng nên nhà thơ buồn, bỏ ra ngủ ngoài đình.

    Cậu học trò sực nhớ cách đó không xa có căn nhà bỏ trống của một người coi giữ sân banh (sân bóng đá), nên cùng Nguyễn Bính đi tìm người này, điều đình để nhà thơ có chỗ trú chân. Nguyễn Bính đặt tên “giang sơn” của mình là “Mộc Kiều Trang” (trang trại có cây cầu bằng gỗ).


    Thó tiền của mẹ… mua rượu cho thầy uống!
    Dạo đó, bà mẹ của Khương Trinh có sạp bán các loại mắm cá đồng trong nhà lồng chợ Cầu Cất (Rạch Giá). Bà không thể ngờ được rằng cậu quý tử vẫn rình rình, mỗi khi bà có công chuyện rời khỏi sạp là “thó” mấy đồng để mua thức ăn, gạo thì xúc ở nhà, để “tiếp tế” cho ông thầy.
    Nguyễn Bính là người Bắc, không biết ăn mắm cá đồng như dân Nam Bộ nhưng rượu đế thì uống tì tì. Khi chỗ ở đã tạm ổn định, ông thầy viết mấy câu thơ dán trước cửa chòi: “Từ dạo về đây sống rất nghèo. Bạn bè chỉ có gió trăng theo. Những phường phú quý xin đừng đến. Hãy để thềm ta xanh sắc rêu”. (Cái chòi gần như bỏ hoang thì làm gì có “thềm”, ha ha!…)
    Chữ Nguyễn Bính rất đẹp, ông thường chép lại những bài thơ cũ của mình dán đầy lên vách gỗ: Ở đây ngày lại qua ngày. Nhà không mở cửa mưa đầy tuần trăng; rồi bài Nụ cười Bao Tự (ngày nay Kiên Giang không còn nhớ rõ), hoặc bài Những người của ngày mai (nhớ lõm bõm): Quê các anh miền Bắc xa xôi. Bước chân đi đã mấy năm rồi. Xa chiếc cầu ao, xa mái rạ. Cô gái làng gội tóc nước hương nhu…Quê anh ở miền Trung bát ngát. Bãi cát vàng bờ biển uốn quanh co…
    Dưới mái “Mộc Kiều Trang” tại… sân đá banh chỉ có hai thầy trò nhưng mỗi bữa ăn thường kéo dài cả tiếng đồng hồ. Vừa ăn vừa đàm đạo chuyện văn chương, chuyện kháng chiến…
    Bài thơ Tiền và lá của Khương Trinh được sáng tác trong dịp này cho nên văn phong cũng bị ảnh hưởng Nguyễn Bính ít nhiều. Trò đọc cho thầy nghe, thầy khen nhưng sửa lại vài chỗ, như ở câu: Tiền không là lá em ơi. Tiền là giấy bạc của đời phồn hoa, được Nguyễn Bính sửa lại: Tiền là giấy bạc của đời in ra. Rồi ở câu cuối: Phiên chiều họp một mình tôi vui gì, được Nguyễn Bính sửa là: Chợ đời họp một mình tôi vui gì… Sự thực, làm thơ hay viết văn tùy thuộc năng khiếu từng người, nhưng có ông thầy chỉ dạy thì tiến bộ rất mau, hơn nữa ông thầy đó lại là một “ông vua” lục bát! Xem ra, những câu do Nguyễn Bính sửa rất hay. Ví dụ như câu của Khương Trinh: Phiên chiều họp một mình tôi vui gì; Nguyễn Bính sửa lại: Chợ đời họp một mình tôi vui gì; hai tiếng “chợ đời” bao quát hơn rất nhiều.


    Tình nghĩa thầy trò ở Mộc Kiều Trang chỉ kéo dài được mấy tháng. Khi cậu học trò Trương Khương Trinh có công việc phải trở về Xẻo Đước (làng Đông Thái) chở lúa gạo cho gia đình, thì cũng là lúc phong trào “Nam kỳ tự trị” của Thủ tướng Nguyễn Văn Thinh do người Pháp đặt đang lên cao trào, họ tuyên truyền “Đả đảo Bắc kỳ” một cách quá khích. Mấy hôm sau, khi Khương Trinh trở lại Rạch Giá thì hay tin Nguyễn Bính đã bị bắt giam ở bót Giếng Nước. Cậu có mua xôi và gói thuốc lá hiệu Mélia tiếp tế cho thầy.


    Khoảng nửa tháng sau Nguyễn Bính được thả. Ông buồn rầu nói với Khương Trinh: “Chắc anh phải xa em thôi chứ ở đây lâu không yên”. Rồi nhà thơ miền Bắc này âm thầm vào chiến khu U Minh Thượng hay U Minh Hạ gì đó cũng thuộc Kiên Giang. Ít lâu sau, Khương Trinh nghe nói ông thầy Nguyễn Bính đang là Chủ tịch Hội Văn nghệ Cứu quốc tỉnh Rạch Giá. Lần gặp cuối cùng giữa hai thầy trò là ở xóm Nước Trong, Khương Trinh đãi thầy một bữa thịt gà, do mình “cải thiện” được
    Năm 1956, Khương Trinh, 27 tuổi, lên Sài Gòn, làm “thầy cò” (sửa lỗi các bản in thử, gọi là sửa mo-rát) cho báo Tiếng Chuông. Hàng xóm nơi cậu ở trọ có một “ông cò” thứ thiệt (cảnh sát) hay hoạnh họe. Tức mình, cậu cũng dán mấy câu thơ của Nguyễn Bính lên cửa: “Từ dạo về đây sống rất nghèo. Bạn bè chỉ có gió trăng theo; nhưng chữa lại: Những thằng bất nghĩa xin đừng đến. Hãy để thềm ta xanh sắc rêu…”.
    Khoảng năm 1960, bài thơ Hoa trắng thôi cài áo tím đã ra đời (năm 1958) và Khương Trinh ký bút hiệu là Kiên Giang. Khi đang làm báo Tia Sáng ở Sài Gòn, Kiên Giang có gặp bà Hồng Châu (người vợ miền Nam rất trẻ, nhà có tiệm sách nhỏ, lấy Nguyễn Bính ở U Minh Thượng, được một con gái, sau đó chuyển lên Xóm Gà, Gia Định). Mừng mừng tủi tủi nhưng lúc đó cả hai cùng nghèo, cám cảnh song không giúp đỡ gì cho vợ của cố nhân được. Có điều an ủi là Tết Bính Ngọ (1966), khi được tin Nguyễn Bính mất ở ngoài Bắc, Kiên Giang có thực hiện một chương trình tưởng niệm nhà thơ Nguyễn Bính trên tuần báo Văn Nghệ của Trần Chi Lăng và trên Đài Phát thanh Sài Gòn trong chương trình của Thi văn đoàn Mây Tần do chính Kiên Giang làm trưởng ban.


    Duyên nghiệp cải lương
    Nhà thơ Kiên Giang với tập thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím làm say đắm biết bao trái tim độc giả, nhưng đồng thời, ông bước sang địa hạt cải lương một cách ngoạn mục. Ông để lại khá nhiều vở, trong đó có hai vở gắn liền với những tên tuổi lớn như Thanh Nga, Hữu Phước, Út Bạch Lan, Lệ Thủy, Thanh Nguyệt… Đó là vở Người vợ không bao giờ cưới và vở Áo cưới trước cổng chùa.
    Người vợ không bao giờ cưới là câu chuyện tình trắc trở giữa một chàng trai miền xuôi tên là Mộng Long và cô sơn nữ Phà Ca… Lúc trước, sơn nữ Phà Ca từng là vai diễn của Út Bạch Lan. Sau đó, nó là vai diễn đã đưa cô đào trẻ Thanh Nga lên ngôi vị “nữ hoàng sân khấu” khi cô đoạt giải Thanh Tâm vào năm 1958 lúc mới 16 tuổi, mở đầu cho một sự nghiệp lẫy lừng.
    Áo cưới trước cổng chùa cũng là một tuyệt tác mang đậm chất thơ của Kiên Giang. Vở tuồng viết về ngôi chùa Phù Dung ở quê hương ông. Hiện nay, bên cạnh ngôi chùa này hiện vẫn còn ngôi mộ của một phụ nữ tên là Dì Tự, người được cho là thứ thiếp của Tổng trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tứ. Xuân Tự cũng là một trong những vai diễn nổi tiếng của “nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga (sau này Lệ Thủy đóng và từng tỏa sáng).


    Thanh Nga với vai sơn nữ Phà Ca
    Vở Người vợ không bao giờ cưới của soạn giả Kiên Giang Hà Huy Hà xuất hiện đầu tiên trên sân khấu của đoàn Tiếng Chuông do cặp đào kép Hùng Minh – Bích Sơn thủ vai chính, nhưng hình như tiếng vang không được bao nhiêu.
    Đến khi bà bầu Thơ mang vở về đoàn Thanh Minh dựng lại thì tạo nên một cơn lốc mạnh mẽ bất ngờ và đưa tên tuổi Thanh Nga lên đỉnh cao với giải Thanh Tâm. Phải nói rõ, đoàn Thanh Minh lúc ấy chỉ gọi là Thanh Minh thôi, tên này do ông Năm Nghĩa, cha dượng của Thanh Nga, khai sáng đoàn hát và đặt tên như thế. Sau khi Thanh Nga đoạt giải Thanh Tâm với vở Người vợ không bao giờ cưới thì bà bầu Thơ mới đổi tên đoàn thành Thanh Minh – Thanh Nga.
    Khi Người vợ không bao giờ cưới được dàn dựng, đoàn đã có Hữu Phước vai kép chính (Kiều Mộng Long), Út Bạch Lan vai đào chính (sơn nữ Phà Ca), còn dàn bao thì có cô Kim Cúc (vợ của nghệ sĩ Năm Châu), Hoàng Giang (kép độc nổi tiếng, sau này làm nên dấu ấn với nhân vật Tào Quyên trong vở Tiếng trống Mê Linh)… Với dàn nghệ sĩ cỡ đó thì kịch bản được thăng hoa hơn hẳn.
    Thanh Nga lúc ấy mới 16 tuổi, cho nên đoàn hát chỉ cho đóng kèm chia vai với Út Bạch Lan. Vai Phà Ca do Thanh Nga đóng đoạn đầu, còn Út Bạch Lan đóng đoạn sau. Nhưng không ngờ Thanh Nga đóng quá hay, ngay hôm sau báo Tiếng Dội lập tức có bài khen ngợi của ký giả kịch trường Trần Tấn Quốc. Và có thể từ chuyện này mà ông Trần Tấn Quốc nghĩ ra giải Thanh Tâm (lấy theo bút danh ký giả kịch trường của ông).
    Giải Thanh Tâm lần đầu tiên năm 1958 đã trao cho Thanh Nga 16 tuổi, vai sơn nữ Phà Ca trong vở Người vợ không bao giờ cưới của Kiên Giang Hà Huy Hà.
    Điểm nhấn mà nhà báo Trần Tấn Quốc nói tới trong bài viết của mình là Thanh Nga “diễn như diễn kịch” trong khi Hữu Phước diễn “cải lương”.
    Thanh Nga diễn ra sao mà báo chí ca ngợi là “rất kịch”? Cô diễn chân thật, nhẹ nhàng, đúng cảm xúc của mình, không cường điệu. Giọng nói lúc cần thì run run, có khi lại tỉnh như không, tất cả đều mang nặng nội tâm của nhân vật. Một cô gái nhìn người yêu đi lấy vợ vì trách nhiệm đối với cha, vì phận sự đối với non sông, đất nước. Đau khổ mà cô không dám để lộ ra vì sợ người yêu thối chí. Bao nhiêu đau đớn, bao nhiêu dồn nén với những câu thoại mà trong nghề gọi là rất “đắt”, Thanh Nga 16 tuổi đã làm được tất cả và làm vượt trội khiến nhiều người gọi cô là “sơn nữ Phà Ca”. Rồi cô đoạt giải Thanh Tâm, tên tuổi cô vượt lên sáng chói từ đấy…




    Áo cưới trước cổng chùa


    Kiên Giang có cái duyên với cải lương khi vở Áo cưới trước cổng chùa cũng được đoàn Thanh Minh – Thanh Nga dàn dựng, cũng với dàn nghệ sĩ hùng hậu và do nghệ sĩ Thanh Nga đóng vai nàng Xuân Tự.
    Tuy nhiên, sau khi Thanh Nga qua đời (1978) thì vở diễn ít được các thế hệ sau biết đến, còn các khán giả lớn tuổi thì lại có ấn tượng mạnh với các nghệ sĩ “mới nổi” nhưng cũng đầy tài năng như Lệ Thủy, Thanh Tòng, Thanh Nguyệt, Thoại Miêu, Thanh Vy, Tô Kim Hồng, v.v…
    Lệ Thủy đóng vai nàng Xuân Tự. Nàng bị người vợ lớn của Tổng trấn Mạc Thiên Tứ ganh ghét cả tài lẫn sắc, nên nhân lúc ông đi vắng đã hãm hại nàng suýt chết. May sao ông về kịp, đã giải thoát cho nàng, nhưng nàng xin cho nàng được xuất gia đầu Phật. Ông đau lòng chấp thuận, và cất cho nàng một ngôi chùa nho nhỏ xinh xắn đặt tên là chùa Phù Dung. Nàng tu ở đó đến khi mất, tổng trấn xây ngôi mộ rất đẹp để tưởng nhớ nàng. Đó là sự tích chùa Phù Dung ở Hà Tiên đã được soạn giả Kiên Giang Hà Huy Hà viết thành cải lương. Đạo diễn lúc ấy là Diệp Lang và Ca Lê Hồng.

    Nghệ sĩ Lệ Thủy sau năm 75 khoảng 30 tuổi, xinh đẹp, duyên dáng, đã nổi tiếng từ trước năm 1975, khán giả ái mộ vô cùng. Cô vào vai Xuân Tự với số phận truân chuyên khiến khán giả khóc hết nước mắt.


    Đóng cặp với cô là nghệ sĩ Thanh Tòng vai Tổng trấn Mạc Thiên Tứ. Nhưng sự thực, nghệ sĩ Thanh Nguyệt đóng vai bà mẹ mù của Xuân Tự mới làm khán giả cảm động hơn cả. Thanh Nguyệt đã từng đoạt giải Thanh Tâm năm 1965, được đoàn Kim Chưởng rồi đến Kim Chung mời về hát với thù lao rất cao, nay là cô đào vang bóng một thời nhưng ca vẫn hay, diễn vẫn giỏi, đặc biệt gương mặt rất đẹp. Khi diễn vở Áo cưới trước cổng chùa, chị nói: “Tôi đã khóc từ khi đọc kịch bản. Nó hay từ nội dung cho tới lời thoại. Những thế hệ soạn giả như các anh Kiên Giang, Thế Châu, Hà Triều, Hoa Phượng, viết câu nào cũng đầy chất văn học, đọc mà thấm thía. Khi lên sàn tập, chúng tôi không ai dám “quên” một tiếng nào của mấy ảnh”.
    Mới đây, trong live show của nghệ sĩ Lệ Thủy và con trai là Đình Trí, cô dựng lại trích đoạn Áo cưới trước cổng chùa mời Thanh Nguyệt và Tô Kim Hồng biểu diễn. – (Người kể: Hà Đình Nguyên).


    Lòng nhân hậu hiếm có của “ông già nghèo nàn” Kiên Giang Hà Huy Hà
    Báo TT đăng tin rằng nhà thơ lão thành Kiên Giang Hà Huy Hà mất vào ngày 31/10/2014 tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Sài Gòn, do đột quỵ, thì đến ngày 5/11/2014, chị Thùy, người con gái thứ ba của ông, đem đến tòa soạn một chiếc phong bì, bên trong có chứa 5 triệu đồng. Chị khóc và kể rằng: Trước ngày 28/10/2014 – thời điểm ông bị đột quỵ – nhà thơ Kiên Giang hoàn toàn khỏe khoắn. Khi đọc tin về một sản phụ ở Tiền Giang (Mỹ Tho) được chồng chở bằng xe Honda đi sinh thì bị xe vận tải cán trúng (sự thực là xe chở xi măng của một doanh nghiệp, -ĐD). Chiếc xe cán lên người, sản phụ chết ngay tại chỗ. Thai nhi lọt ra ngoài, bị thương tích nhiều chỗ và nát chân bên phải. Người chồng cũng bị xe cán, phải cắt cả hai chân. Nhà thơ lão thành khóc, ông nói, “Người Việt Nam mình sao mà khổ vậy!” rồi quyết định lấy số tiền lương hưu trí ít ỏi gần 3 triệu đồng của mình, từ Long Xuyên (lúc này ông đang ở với con gái và con rể tại Long Xuyên), đem đi Tiền Giang để tặng gia đình người bị nạn. Chị Thùy thấy tấm lòng của cha nên cũng góp cho đủ 5 triệu đồng. Do nghe tin cha con người bị nạn ở Tiền Giang đã được đưa lên Sài Gòn điều trị và cháu bé sơ sinh tuy bị cắt chân phải nhưng có thể được Bệnh viện Nhi Đồng I cứu sống, ông quyết định khăn gói lên Sài Gòn để trao tận tay số tiền 5 triệu đồng cho người bị nạn tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ban đầu gia đình can ngăn vì tuổi ông đã lớn, lại di chuyển đường xa, nhưng ông quyết định phải đi để trao tiền cho kịp thời.
    Nhà thơ một mình đi xe đò lên Sài Gòn và ghé nhà người quen ở quận 8 tạm trú, đồng thời viết bài kêu gọi mọi người giúp đỡ nạn nhân vì gia đình anh này rất nghèo. Ông định viết xong bài thì gửi đăng báo rồi vào bệnh viện trao tiền. Nhưng khi vừa xong bài viết, ông kêu mệt, tay chân tím ngắt. Nhà thơ nhanh chóng được đưa tới Bệnh viện Điều dưỡng ở quận 8, sau đó được chuyển vô Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và ông mất tại đây vào lúc 6:30 sáng ngày 31/10/2014.
    Sau khi việc chôn cất (tại nghĩa trang Bến Cát, tỉnh Bình Dương) đã xong, chị Thùy đem bài viết và chiếc phong bì đựng 5 triệu đồng của cha đến tòa soạn báo TT để nhờ tòa báo đăng tải và chuyển giùm số tiền đó cho gia đình người bị nạn. Chị nói, cứ nghĩ đến cháu bé Nguyễn Quốc Uy bị cưa chân từ lúc vừa mới chào đời một cách bất thường và tội nghiệp, chính chị cũng khóc.



    Đoàn Dự ghi chép
Working...
X