Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

M ư a T r o n g N h ạ c T r ị n h

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • M ư a T r o n g N h ạ c T r ị n h





    M ư a T r o n g N h ạ c T r ị n h
    _________________________________________________



    "Diễm xưa”, một tình khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mà phần lớn người Huế đều yêu thích; cũng được người Nhật yêu thích, chuyển ngữ với tựa đề “Utsukushii Mukashi”, rồi lại được Đại học Kansai Gakuin chọn làm nhạc phẩm đưa vào chương trình giảng dạy trong bộ môn Văn hóa và Âm nhạc; bắt đầu bằng những ca từ:

    “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ,
    Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao,
    Nghe lá thu mưa, reo mòn gót nhỏ,
    Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu...”


    Trong ký ức “Diễm của những ngày xưa”, Trịnh Công Sơn kể lại: “Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường Đại học Văn khoa ở Huế. Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi đi qua dưới những vòm cây long não. Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua... Mùa mưa Huế, người con gái ấy đi qua nhoà nhạt trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt...”

    Để giải thích hiện tượng một tâm hồn “buổi chiều ngồi ngóng, những chuyến mưa qua”, rồi thắc mắc “chiều này còn mưa, sao em không lại?”, có thể hiểu tương tự như cơ chế hình thành phản xạ có điều kiện của Pavlov trong y học. Đó là sự lập đi lập lại của một sự việc (những “buổi chiều... em... lại”) trong một điều kiện tự nhiên nhất định (“những chuyến mưa qua”), tạo nên một phản xạ có điều kiện trong... tâm thức. Và khi điều kiện tự nhiên ấy xảy ra (“chiều này còn mưa”), lập tức có phản xạ liên đới là “ngồi ngóng” hiện tượng kèm theo (“em... lại”), nhưng nếu hiện tượng kèm theo không có, sẽ gây trong tâm tư một thắc mắc “sao em không lại”? !





    Nói về sinh thái học nhân văn, giáo sư Trần Quốc Vượng bảo rằng văn hóa - nhân văn Huế đã “dựa theo và thích nghi với hệ sinh thái tự nhiên”.

    Đường vô xứ Huế loanh quanh, phần lớn diện tích của Thừa Thiên - Huế có địa hình đồi núi tạo thành một vòng cung từ phía tây xuống phía nam. Các dãy núi cao của Trường Sơn Bắc ăn lan ra sát biển và đột ngột chấm dứt ở phía nam của tỉnh bằng một mạch núi cao lên đến trên 1000m đâm thẳng ra biển và kết thúc bằng hòn Sơn Trà ở phía đông núi Hải Vân như một bức tường thành đồ sộ chắn gió mùa đông bắc, nên các đợt gió mùa hầu như không còn đủ sức vượt qua dãy núi cao này.

    Do vậy, bao nhiêu lượng hơi nước trong không khí của gió mùa đều tích đọng ở Huế gây nên mưa và rét, và đây là vùng có lượng mưa vào loại nhiều nhất nước ta. Đặc biệt mưa Huế là loại mưa lệch pha: ở hai miền bắc nam thì có hai mùa mưa và khô gần như trùng nhau trong hai nửa thời gian của năm với hai mốc khoảng tháng 4 và tháng 10 dương lịch, còn ở Huế mùa mưa lại trùng với mùa đông lạnh.

    Vào những lúc thời tiết đông lạnh mưa như vậy, người Huế ít ra khỏi nhà, thường nhìn mưa mà hồi ức với những kỷ niệm xưa... Từ đó hình thành nên một trong những nét của phong cách người Huế là thường trầm tư mặc tưởng, sống hướng nội hơn hướng ngoại, thích sâu lắng, không thích khoa trương ồn ào...

    ...Kiểu mưa Huế ấy, đã được mô tả rất đặc sắc: “trời còn làm mưa, mưa rơi mênh mang / thênh thang...”, hoặc “mưa kéo dài lê thê những đêm khuya lạnh ướt mi”, hoặc:

    “Chiều chủ nhật buồn,
    Nằm trong căn gác đìu hiu,
    Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều,
    Trời mưa trời mưa không dứt,
    Ô hay mình vẫn cô liêu...”


    Và so sánh với mưa các xứ khác, nhạc sĩ đã cho thấy rõ:





    “Em còn nhớ hay em đã quên,
    Nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng...”


    Trịnh Công Sơn tâm sự: “...Thường thường, con người có thói quen sống bằng kỷ niệm, và khi một tác phẩm được gắn liền với kỷ niệm thì tác phẩm ấy đã sẵn có bề dày của sự ưu ái rồi!”.

    Hãy theo dõi tiến trình xao xuyến của nhạc sĩ về kỷ niệm “yêu nhau yêu cả đường đi” trong không gian mưa... Với sự tả thực, khi thì“nghe lá thu mưa, reo mòn gót nhỏ...”, khi thì “mưa thì thầm, dưới chân ngà...”; nhưng khi những hình ảnh ấy chỉ còn là ký ức thì nhạc sĩ lại xót xa “...trên bước chân em, âm thầm lá đổ...”. Cho nên, phản xạ Pavlov “...bước chân em xin về mau...” vẫn tiếp diễn mãi như hiệu ứng domino:

    “Người ngồi xuống, mây ngang đầu,
    Mong em qua, bao nhiêu chiều...”


    Một lối tu từ được nhạc sĩ sử dụng để ẩn dụ “còn mưa xuống như hôm nào, em đến thăm...”, mà “người ngồi đó, trong mưa nguồn, ôi yêu thương, nghe đã buồn...”, thì tính chất cơn mưa lại là một đối trọng được đặt ra để so sánh:

    “Mưa có buồn bằng đôi mắt em?...
    Mưa có còn buồn trong mắt trong?”


    Là người Huế, các điệu hò mái nhì, mái đẩy man mác nước sông Hương chính là một biểu hiện rõ nét tính cách sâu lắng trong tâm hồn; cho nên những tiếng rơi của cơn mưa lại được ẩn dụ qua điệu ru “thôi ngủ đi em, mưa ru em ngủ...” là điều rất kỳ lạ:

    “Trời còn làm mưa, mưa rơi mênh mang...
    Lời ru miệt mài, ngàn năm ngàn năm,
    Ru em nồng nàn, ru em nồng nàn...”


    Đó là những cơn mưa thực thể, nhưng ở nhạc sĩ họ Trịnh lại còn có những cơn mưa trong tâm thức:

    “Nghe mưa nơi này, lại nhớ mưa xa,
    Mưa bay trong ta, bay từng hạt nhỏ...”






    Hoặc:

    “Đôi khi, trên mái tình ta, nghe những giọt mưa,
    Tình réo tình âm thầm, sầu réo sầu, bên bờ vực sâu...”


    Giải thích ý nghĩa tác phẩm của mình, Trịnh Công Sơn nói: “Âm nhạc của tôi, nói cho cùng chỉ là những kỷ niệm của tôi và rồi sẽ là kỷ niệm của người nghe...”. Vì thế, giáo sư Cao Huy Thuần nhận xét: “Cảnh, tình và người trong Trịnh Công Sơn là cảnh Huế, tình Huế, người Huế... Sau này Sơn rời Huế và Sài Gòn, chất thơ trong nhạc của Trịnh Công Sơn vẫn là chất Huế, nguồn thơ vẫn chảy từ Huế. Vô số những bài hát của Sơn đều ướt và mưa. Vì Huế là xứ của mưa dầm. Mưa mùa đông, mưa mùa hè, mưa sợi nhỏ, mưa sợi to, mưa tỉ tê, mưa ray rứt, cảnh mưa trong Trịnh Công Sơn buồn nhưng rất đẹp...”.

    Cuối cùng, nhạc sĩ bộc bạch, cho dù suối nguồn tạo cảm hứng trong tình ca của mình xuất phát như thế nào, vẫn không thể thiếu được một điều kiện tự nhiên:

    “Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ,
    Ôi! những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề... là những cơn mưa...”


    Và đó chỉ là một tiền đề, một tiền đề để người nghệ sĩ ước mong được tiếp tục cuộc hành trình của mình

    “Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng,
    Để người phiêu lãng, quên mình lãng du...”



    (Anh Huy)

Working...
X