V i ế t V ề N g u y ễ n T ấ t N h i ê n
Tôi gặp anh trong buổi ra mắt cuốn băng nhạc đầu tay của anh ở Cali. Cuốn băng được soạn từ dòng thơ của anh được phổ nhạc bởi các nhạc sĩ tên tuổi và cũng chuyên chở chính dòng nhạc do anh sáng tác nữa.
Buổi ấy nhìn anh đôn đáo ngược xuôi, lo lắng vì ca sĩ Nhật Hạ là ca sĩ chính của buổi ra mắt chưa tới làm tôi ngần ngại thôi không dám ra mặt chào anh. Nhìn dáng anh cao, gầy, mái tóc trễ muộn, lòng tôi bỗng dâng lên một nỗi bâng khuâng khó tả. Lòng tự hỏi, không biết người ta có còn nhớ đến mình không? Ngày ấy mình còn bé quá, cái ngày anh ân cần trao tập thơ đầu tay mới in chưa ráo mực cho cô bạn em họ mình. Anh còn đề tặng mấy lời thật chân tình bay bướm. Hải ơi, anh còn nhớ cô bé đã trao tặng lại anh tờ báo xuân cuối năm ngôi trường nữ cô học không?
Ngày ấy, con nhỏ Y bạn tôi (là em họ anh) tối ngày ngồi khoe ông anh thi nhân của nó hoài làm tôi rối cả ruột. Cứ mỗi lần vào lớp là nó lại dí vào mặt tôi một bàì thơ anh mới sáng tác được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Nhìn nét chữ Phạm Duy bay bướm êm ả nằm dưới những nốt trắng đen, tim tôi cứ nao nao. Con nhỏ Yến dùng chúng mồi chài cho anh làm quen với tôi.
Rồi bài “Vì tôi làm linh mục” của Nguyễn Đức Quang phổ nhạc lần sau khiến con tim tôi chảy mềm như sáp. Con Y chơi trò thủ thỉ:
- Anh Hải dẫn tao đi chơi quán cà phê này thơ mộng lắm, mày muốn đi không, mày muốn gặp anh Hải không?
Tôi ngại ngần khi nghĩ tới người con gái trong thơ bèn nói:
- Cái cô Bắc kỳ tên Duyên còn trong lòng anh ấy, mày ghép tao với anh Hải làm chi?
Nó xua tay.
- Ôi bà Duyên mất tiêu trong lòng anh ấy từ lâu rồi, ảnh còn rên rỉ tại rên cho ra thơ thôi đó mày à, không thôi lấy gì ra cho ông ấy làm thơ.
Y. giơ tay lên thề dùm cho ông anh họ:
- Anh Hải nói cho tao nghe vậy đó tin tao đi, mày có nhớ ảnh viết câu thơ này không? “Một đám ma đi qua còn là đám ma, hai đám ma đi qua còn giọt nước mắt, ba đám ma chỉ còn là hạt bụi…”
Con Y. nài nỉ thêm:
- Mai tao về Biên Hoà với anh Hải ghé thăm lại trường trung học Ngô Quyền mày về theo không?....(NTN học trung học ở Ngô Quyền, lúc anh tặng tôi tập thơ anh đã vào đại học còn tôi mới vào Trung học)
Tôi cười thoái thác và sau này tôi không có dịp gặp lại anh nữa.
Buổi ấy ngôi trường trung học của tôi chưa biết đến tên anh. Chúng tôi chỉ sôi sục với tiếng hát học trò của Nguyễn Chánh Tín và tiểu thuyết Tóc Mây của Lệ Hằng mà thôi. Chúng tôi những đứa con gái mới lớn bắt đầu với “Vòng tay học trò” của Nguyễn thị Hoàng và ngồi nhìn lên bảng đen trong đôi mắt ướt, mơ và yêu thầy giáo của mình. Khi nào thấy trống vắng, buồn buồn thì vào nhà thờ kiếm một vì linh mục để yêu cho giống tiểu thuyết. Hoặc lẩn thẩn vào chùa hay lang thang nơi Vĩnh Nghiêm, miền đaị học Vạn Hạnh mong tìm một vị chân tu. Tuổi mộng tròn mơ đẹp quá, tội quá, bé bỏng ngây thơ quá, hỡi những người con gái đi tìm yêu.
Khi nhạc Phạm Duy rền vang với tiếng thơ cuả anh thì anh đã xa chúng tôi và tôi không còn dịp gặp anh nữa. Những “Thà như giọt mưa, Hai năm tình lận đận, Cô Bắc kỳ nho nhỏ” làm sáng danh anh. Anh đã bước ra khỏi tuổi học trò của chúng tôi theo cơn bão di tản.
Những bài thơ được phổ nhạc như Trúc Đào, Em hiền như ma soeur là những bài thơ được nhiều người biết đến qua những dòng nhạc thân quen. Nguyễn Tất Nhiên còn những bản nhạc do anh sáng tác sau 1975 từ các bài thơ của mình ít được phổ biến như Sàì gòn trên đường Nguyễn Du, Xin chở tình ta theo, Chiều trên đường Hồng thập Tự, Sông chiều áo trắng, Paris thu khúc, Trên nát tan tôi.....
Nếu có dịp bạn đọc nên tìm đọc để thấy lòng mình nhoà đi theo những cung thơ, ý lạ. Bạn sẽ thấy sự lột xác và cái mới thoát thai hẳn cái sáo của thơ đường và thơ cổ.
Vào tình khúc
(Lời mở đầu của băng nhạc tình khúc Nguyễn Tất Nhiên)
Tôi đã nguyện làm cây thánh giá đứng chơ vơ trên chót đỉnh cô đơn nhìn bụi thời gian rong rêu lên đời mình cô quạnh.
Tôi đã xin làm giọt mưa vỡ trên mặt người yêu dấu.
Tôi đã quì ngay trên nát tan mình xưng tụng tình yêu, ngưỡng vọng tình yêu hiền dịu như “ma soeur” tuyệt vời như thánh nữ.
Từ muôn thưở nhân loaị vẫn ưa nhìn những màu sắc buồn thảm. Tình khúc tuyệt vời, vả chăng là những khổ đau chất ngất.
Khi một tác phẩm đã thành hình, đã được ném vào mênh mông cõi trần gian hệ luỵ thì “nói năng chi cũng thừa”.
Cám ơn người đã bước vào tình khúc tôi. Hay nói khác đi cám ơn người đã mang lấy tình tôi.-Nguyễn Tất Nhiên
Viết cho Nguyễn Tất Nhiên
Trịnh Thanh Thủy