[img]http://125.214.17.5/portal/images/Share/712007ha9.gif[/img]
“I am đàn bà” tức là “Tôi là đàn bà”-cái tên nửa tây nửa ta này mở đầu tập truyện ngắn đã phần nào giới thiệu cái ý tưởng nói về đàn bà cùng những bi hài, đớn đau về “phận đàn bà” ở cái thế kỷ mà nhà văn Trung Quốc, Trương Hiền Lượng đã kêu lên rằng “nửa đàn ông là đàn bà”, được nữ nhà văn Y Ban cộng hưởng.“I am đàn bà”-tên tập sách cũng là thiên truyện ngắn mở đầu báo hiệu những sự kiện nóng của cả cuốn truyện. Câu chuyện bắt đầu bằng hình ảnh một người đàn bà thuần Việt bởi lòng nhân từ, một bữa nọ vào rừng kiếm mật ong, bắt được một đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, đem về nhà nuôi cùng đàn con của mình, dù nhà chị rất nghèo, nghèo lắm. Chị nuôi người dưng trong tình trạng nhiều người ái ngại, phản ứng và ông Chủ tịch xã thì bảo: “Không nuôi được thì đem vào rừng mà trả cho cây, chứ lấy đâu ra đất nữa mà chia cho nhà chị. Người đẻ được chứ đất có đẻ được đâu!”. Chị vẫn nuôi. Một ngày kia, làng tuyển lao động đi Đài Loan, giống như nhiều phụ nữ nông thôn nghèo khác, chị vay tiền đặt cọc để được đi “xuất khấu”, dù chỉ làm nghề giúp việc gia đình. Ở Đài Loan, chị bị nhốt vào một căn nhà giống như một hoang đảo, nơi đây chỉ có một người đàn ông bị liệt và câm, hằng ngày chị phải chăm sóc người đàn ông này. Ngôn ngữ bất đồng, không tiếp xúc với xã hội, chị chỉ biết hết lòng chăm sóc người xa lạ bằng nghĩa vụ của kẻ làm thuê và đặc biệt là bằng cái thiên chức làm mẹ, làm chị thuần khiết. Như một bí ẩn khoa học, người bệnh đàn ông kia bỗng hồi phục một phần thân thể, đặc biệt là hồi phục cái “chất người” nguyên thủy. Việc gì phải xảy ra đã xảy ra: cái ca-me-ra bà chủ đặt để theo dõi đã tố cáo chị tội danh “quấy rối tình dục”. Chị bị đưa vào tù. Chị không biết cãi cho mình, chỉ biết nói mỗi câu: “I am đàn bà” và chỉ mong không bị cắt lương để có tiền gửi về cái làng nghèo khó nuôi con-”cái làng có nhiều người đi bộ đội, đi nhiều lắm nhưng về ít thôi”… Câu chuyện bỏ lửng như một tiếng than buồn-Phải chăng cái tội lớn nhất của chị là cái tội làm đàn bà ở một cái làng Việt nghèo khó?
Truyện ngắn thứ hai gây sửng sốt trong tập sách là cái truyện có cái tên rất ngắn là Tự. Dưới màu mè có vẻ như là viết về sex, tình dục nhưng sau đó là những chuyện cười ra nước mắt về phận đàn bà. Nhân vật chính là một phụ nữ đầy khao khát. Chị ta có một người chồng nhất mực yêu thương vợ con, sung mãn trong tình dục, bỗng mất khả năng làm chồng do một sang chấn tâm lý (do hoàn cảnh nhà ở chật chội, chung đụng, không có góc riêng vợ chồng), vì hổ thẹn mà bỏ đi biệt tăm. Người vợ đã từng chờ đợi, chị thăng tiến trong sự nghiệp, trở thành một tiến sĩ ngành khoa học xã hội, nhưng vẫn khao khát một tình yêu có cả tình dục hoàn hảo. Nhưng chị đã gặp những ai? Người đàn ông thứ hai là một quan chức lớn, tưởng rằng biết yêu, nhưng hóa ra chỉ là một gã phong tình, hay trăng hoa với đàn bà ở những nhà nghỉ rẻ tiền. Gã có thói quen đập vào mông đàn bà mà lẩm bẩm: “Quý lắm đấy, quý lắm đấy”. Còn người đàn ông thứ ba là một Giáo sư Văn hóa, chuyên gia về văn hóa đủ loại, hay nói về “Văn hóa lãnh đạo”, “Văn hóa tình dục” nhưng gã mù tịt về văn hóa làm người đàn ông cho ra hồn, chỉ biết kéo tuột đàn bà lên giường và có thói quen thủ dâm, thói quen nhắn tin kích dục… Hành trình đi tìm tình yêu của người đàn bà đầy bi lụy ê chề, vì chị chỉ gặp một thứ tình dục ê chề. “Liệu pháp… tự” của người đàn bà là một lời cánh báo về một xã hội thiếu những gương mặt đàn ông ra hồn, không cẩn thận, đó có thể còn là dấu hiệu suy đồi đạo đức xã hội…
Ngoài hai truyện ngắn trên, tập truyện còn có tám truyện ngắn khác là: Gà ấp trứng, Cái Tí, Người đàn bà đứng trước gương, Sau chớp là giông bão, Cuộc chiến tranh giữa các nền văn hóa, Tôi và gã, Hàng khuyến mại, Hai bẩy bước là lên thiên đường-mỗi truyện là một câu chuyện thú vị hoặc là nói về vẻ đẹp đàn bà, hoặc là nói về nỗi đớn đau đàn bà… làm nên cả một tứ lớn cho tập sách: Đó là bài ca bi lụy và ngạo nghễ về thế giới đàn bà trong nỗi khát vọng xây dựng một xã hội hoàn hảo hơn để mỗi người đàn bà đều xứng đáng là người của “phái đẹp”. Đây là một tập truyện sâu sắc, đọc hấp dẫn và thú vị, vừa xuất bản tháng 11 năm 2006.
PHẠM HỒ THU
Comment