Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Thơ Du Tử Lê buồn, đắm say trong 'Giỏ hoa thời mới lớn'

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Thơ Du Tử Lê buồn, đắm say trong 'Giỏ hoa thời mới lớn'





    Thế giới thi ngôn của Du Tử Lê là những hình ảnh chắt lọc, giàu ý nghĩa, nhạc điệu... Chúng hòa quyện thành những bông hoa đẹp, phảng phất nét sầu say đắm trong vườn thơ.



    Tên sách: Giỏ hoa thời mới lớn (tập thơ)
    Tác giả: Du Tử Lê
    Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2014

    Nhà thơ Du Tử Lê vừa về nước nhân dịp ra mắt quyển thơ Giỏ hoa thời mới lớn. Tối 30/5 tại TP HCM, trong một cuộc gặp gỡ nhỏ với bạn hữu và độc giả, lời thơ, ca khúc chuyển thể từ thơ của ông một lần nữa cất lên trong không khí hội ngộ ấm áp.
    Du Tử Lê hiện cùng gia đình sống tại miền nam California, Mỹ. Bất chấp những khoảng cách về không gian, thời gian, thơ là một chiếc cầu nối tuyệt vời, mà ở đó, tác giả sinh năm 1942 cùng với người đọc của ông đi vào vườn hoa đa sắc hương của sáng tạo nghệ thuật.
    Có nhiều bài báo, bài phê bình và công trình nghiên cứu khoa học, luận văn do nhiều tác giả trong, ngoài nước viết về thơ Du Tử Lê. Nếu ví cả sự nghiệp sáng tác của ông là một mảnh vườn tươi tốt, nhiều sắc màu, có sắc dịu dàng, có sắc rực rỡ, có màu u tối xám xịt... thì có thể xem tập thơ phát hành trong nước gần đây là một chiếc giỏ đựng đầy những bông hoa được chọn lọc ra từ mảnh vườn ấy của ông.


    Bìa tập thơ "Giỏ hoa thời mới lớn".
    Tên tập thơ, Giỏ hoa thời mới lớn, là một cái tên gợi đầy hình ảnh, ý nghĩa mà cũng khá tinh nghịch. Nó gợi lên mùi hương tuổi hoa niên, sự tươi mới trong những rung động đầu tiên của một người trẻ về dư vị ngọt ngào, tinh khiết như sớm mai, dịu mát như que cà rem (kem) trong ngày hè nóng rực: "ta sớm biết có nỗi buồn đến... ngọt/như những ngày nắng ấm rất... căm căm/ người xuất hiện dạy tôi bài học mới/ bài: yêu người như yêu cây cà - rem" (Môi người cũng như một giỏ hoa). Hay: "ta sớm biết những con đường rất ngắn/giấc mơ dài mang tưởng tượng đi xa/người xuất hiện dạy tôi bài học mới/bài: môi người cũng như một...giỏ hoa".
    Nhưng mùi hương tỏa ra từ đóa tường vi, đóa nhài hiền lành ấy không thể át được hương sắc nồng nàn, mạnh mẽ của đóa hồng nhung thẫm màu với gai nhọn. Những chiếc gai ấy đâm tứa máu bàn tay trẻ đang vội vàng, háo hức với cuộc đời. Thơ của Du Tử Lê có lúc mang lại cảm giác như những chiếc gai sắc trên đóa hồng nhung. Chúng nhắc người ta về cái đẹp, nỗi buồn và những say đắm của kiếp người.
    Một trong những nét đẹp nhất của thơ được thể hiện ở thi ngôn chắt lọc. Cảm xúc, tư duy, và tri thức của người sáng tác được tôi luyện qua tâm hồn của anh ta, từ đó lọc ra những ngôn từ cô đọng. Ở Du Tử Lê, thi ngôn không chỉ còn là từ ngữ trong từ điển, mà là sự sáng tạo của riêng ông. Nhà văn Nhật Chiêu, một trong những người thích đọc thơ Du Tử Lê, rất tâm đắc thơ ông ở phương diện này.
    Ngôn từ giàu hình tượng ẩn dụ, nhiều lớp nghĩa tạo cho những câu từ của Du Tử Lê chiều sâu, và độ rộng. Khiến thơ ông khoáng đạt và tất nhiên là đẹp.
    "Tóc người chảy suốt cơn mưa.
    Ngực thơm hoa bưởi, môi đưa bão về"
    (Chân dung)
    Cái đẹp trong thơ ông còn có được khi thiên nhiên, vạn vật hòa điệu với tâm hồn, trở thành người bạn đồng hành:
    "này tháng chín, này em, này tháng chín
    em biết không, tôi, kẻ đứng bên đường
    hồn hải điểu có bao giờ quy thuận
    bỗng bình minh như một cửa gương"
    (Khúc tháng Chín)
    "em ngủ trong rừng cây
    giữa mùa hè rực rỡ
    bày hạc không về đây
    lá xanh, mềm hơi thở"
    (Chẳng bao giờ dậy nữa)
    Cái đẹp của ngôn từ, hình ảnh được chất men say đắm của tình yêu trong tâm hồn thi sĩ chưng cất thành tinh chất dễ gây say lòng người. Tinh chất ấy khiến tình yêu trong thi phẩm của Du Tử Lê khi e ấp, rón rén khi trào dâng, cuộn chảy:
    "em tinh khiết trong gửi trao thứ nhất
    tôi trở về nghe nóng cả đôi tai
    cánh hoa ép, tím theo niềm bí mật
    cho tương tư đủ ấm nửa môi, cười..."
    (Buổi sáng thở cùng tôi hơi hướm mẹ)
    "tôi muốn cất ngôi nhà trong trí nhớ
    để ngày sau em còn chỗ đi về
    như kỷ niệm có cùng ta tạm biệt
    thì muôn đời rừng vẫn gọi âm u"
    (Để ngày sau em còn chỗ đi về)
    Như búp trà cuộn khô, tưởng héo tàn nhưng khi rót vào tách nước ấm, lại nồng nàn bung nở chiếc cánh xanh mướt. Thời gian, không gian, những mùa trôi qua trên đời người, âm thanh của gió, của sông, tiếng mưa, bẩy sẻ cũ, ngọn me xưa... được nén lại trong thơ Du Tử Lê rồi bung nở nỗi buồn mênh mông.
    "Tháng tư người nhắc làm chi nữa
    cảnh tượng hồn tôi đã miếu thờ
    trống, chiên, cờ xí như cơn mộng
    mưa đã chờ tôi, mưa...đã...mưa"
    (Ai nhớ ngàn năm một ngón tay)
    Hay:
    "hỏi Chúa đi rồi em sẽ hay
    tôi gầy như lá nhẹ như mây
    gió khuya thổi rớt ngàn tâm sự
    thiên đang tôi là người hay ai?"
    (Trong tay thánh nữ có đời tôi)
    Chiều kích của không gian, thời gian hữu hạn của đời người đan cài vào những vô tận của cảm xúc... mang đến thơ ông những dằn vặt, tự sự và chất vất. Nhưng bao nhiêu dằn vặt ưu hoài, rốt cuộc cũng chọn tình yêu làm nơi nương náu cho đến hơi thở cuối cùng:
    "đất ngồi dậy. vươn vai và, bước tới
    đất hỏi tôi: - nguồn gốc những ân tình?
    tôi hỏi mắt, mắt nhìn tay bươi cỏ.
    tìm chỗ nằm chung một cõi: tôi/em"
    (Ngọn nến tôi/cháy hết/ vẫn ngậm ngùi)
    Tập Giỏ hoa thời mới lớn gồm 138 bài, được chọn lọc trong số tác phẩm từng xuất hiện từ thời Du Tử Lê mới bắt đầu làm thơ đến thời gian về sau này. Tập thơ còn có các phụ bản ảnh về tranh sơn dầu, màu nước của tác giả và một số tranh minh họa của họa sĩ Lê Thiết Cương.
    Nhà thơ Du Tử Lê có cuộc gặp gỡ, giao lưu với độc giả trong chuyến về nước lần này của ông tại số 39 Lý Quốc Sư, Hà Nội vào ngày 3/6. Dịp này, họa sĩ Lê Thiết Cương trưng bày và tặng nhà thơ Du Tử Lê các bức tranh minh họa được in kèm trong tập thơ.

  • #2
    Khúc thụy Du
    Thơ Du Tử Lê
    Trinh bày: Tuấn Ngọc


    [ZING]zwzaie09[/ZING]


    Hãy nói về cuộc đời
    Khi tôi không còn nữa
    Sẽ lấy được những gì
    Về bên kia thế giới
    Ngoài trống vắng mà thôi
    Thụy ơi, và tình ơi !

    Như loài chim bói cá
    Trên cọc nhọn trăm năm
    Tôi tìm đời đánh mất
    Trong vũng nước cuộc đời
    Thụy ơi, và tình ơi !

    Đừng bao giờ em hỏi
    Vì sao ta yêu nhau
    Vì sao môi anh nóng
    Vì sao tay anh lạnh
    Vì sao thân anh rung
    Vì sao chân không vững
    Vì sao, và vì sao !

    Hãy nói về cuộc đời
    Tình yêu như lưỡi dao
    Tình yêu như mũi nhọn
    Êm ái và ngọt ngào
    Cắt đứt cuộc tình đầu
    Thụy bây giờ về đâu

    Comment

    Working...
    X