Trong văn giới của Việt Nam Cộng Hòa có hai người tôi rất ngưỡng mộ, kính phục: nhà văn Nguyễn Văn Xuân và nhà văn Võ Phiến. Với ông “Quảng Nam Học” (1), tôi được may mắn gặp mặt nhiều lần. Ngược lại, với ngài “Biệt Kích Văn Hóa” (1), tôi hụt nhiều cơ hội đối diện.
Được gặp mặt, được bắt tay, được ngồi nghe những câu nói gởi trực tiếp đến với mình, từ một người danh tiếng, quả thật là một kỳ thú, một hãnh diện. Tuy không cố tình săn đuổi những cơ hội này, nhưng nếu hữu duyên có được sự hội ngộ, tôi sẽ rất phơi phới trong lòng. Bằng hữu, dù là đàn anh, đàn chị, đàn em, đàn…cháu, vẫn quí báu như nhau. Không được là bằng hữu, chỉ tương kính xã giao cũng vô vàn sung sướng.
Với nhà văn Võ Phiến, được quen biết ông, được gặp mặt ông, kể như có thêm một hạnh phúc. Chắc chắn nhiều bạn sẽ nhăn mặt, cho rằng tôi có phần tâng bốc, ra chiều nịnh bợ. Không sao. Đây là niềm vui tôi tìm thấy, khi cảm nhận mình được hưởng ké cái rực rỡ của một nhân tài, bất cứ họ hoạt động ở lãnh vực nào.
Sự tâng bốc của tôi dành cho nhà văn Võ Phiến nếu có, cũng là chuyện bình thường, bởi những gì ông đã dành cho nền văn học Việt Nam không nhỏ chút nào. Để xác định điều này, chúng ta thử ghé qua từng trang đời của ông, một cách vắn tắt.
Nhà văn Võ Phiến ra đời vào ngày 13 tháng 9 năm Ất Sửu, nhằm ngày 30 tháng 10 năm 1925. Nhưng trong khai sinh ghi sụt mất 7 ngày. Có lẽ đây là ngày làm giấy khai sinh ? Địa danh nhà văn chính thức đến với cuộc sống được ghi rõ: làng Trà Bình, tổng Trung Bình, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Ông mang tên gọi Đoàn Thế Nhơn, bởi thân phụ ông là Đoàn Thế Cần, một lưu dân làm ăn tại miền Rạch Giá, Nam kỳ, chỉ gặp mặt con khi cậu đã lên 7. Thân mẫu ông, bà Ngô Thị Cương cũng bỏ ông lại quê nhà để theo chồng vào năm 1934. Cả hai bậc sinh thành, đều đã qua đời (ông đi trước bà theo sau, vào 30-3-1983 và 06-11-1989). Võ Phiến đã theo học tại Qui Nhơn đến năm 1941 và tại Huế đến năm 1943. Năm 1944 ông được học giả Đào Duy Anh đưa ra Hà Nội nuôi ăn học. Năm 1945, trở về Bình Định để thi hành nghĩa vụ thanh niên trong đơn vị tuyên truyền xung phong. Năm 1946 lại trở ra nhà cụ Đào, rồi lại trở về Bình Định, dạy các lớp bình dân học vụ và làm việc trong ngành thuế quan. Ông gặp bà Viễn Phố rồi cùng bà chắp cánh thong dong một đời kể từ năm 1948. Vợ sinh con, cuối năm 1948, ông dạy học, cùng lúc bắt đầu chống đối chủ thuyết cộng sản, nên bị bắt ngày 17-10-1952. Tòa án liên khu V xử 5 năm tù, giam tại Phú Nhiêu. Nhờ hiệp định Genève, ông được phóng thích vào tháng 9-1954. Cuối năm 1954, ông ra Huế làm việc cho Nha Thông Tin Trung Việt. Đầu năm 1955, ông được thuyên chuyển làm Trưởng Ty Thông Tin Quảng Trị. Sau đó làm Trưởng Ty Thông Tin Bình Định từ 1955 đến 1959. Giữa
khoảng thời gian này, năm 1956, ông gặp lại cha mẹ ở Trà Vinh, ông đưa cả nhà về đoàn tụ tại Bình Định. Cuối năm 1959, ông cùng gia đình vào Sài Gòn. Ông làm việc tại Bộ Thông Tin cho đến ngày ra xứ người, vào ngày 22 tháng 4 năm 1975. Ông tỵ nạn tại trại Pennsylvania cho đến ngày 03-9-1975. Trên lãnh thổ Hoa Kỳ, gia đình ông cư ngụ tại Minneapolis, Minnesota rồi dời đến Santa Monica, Los Angeles (kể từ 07-4-1977). Hiện nay, sau khi hồi hưu vào năm 1994, ông cùng gia đình, định cư tại Hightland Park, Los Angeles California, trong một căn nhà yên tĩnh với cây lá xanh tươi quanh vườn. Mặc dù đã qua hai lần mổ tim tại Hoa Kỳ (ngày 05-10-1985 và 01-4-1992), sức khoẻ của nhà văn Võ Phiến vẫn rất khả quan.
Về văn nghiệp, nhà văn Võ Phiến bắt đầu bằng những bài tùy bút đăng trên các báo Trung Bắc, Chủ Nhật tại Hà Nội vào năm 1943. Ông viết cho tờ Mùa Lúa Mới năm 1955. Rồi cộng tác với Bách Khoa, Sáng Tạo cùng nhiều tạp chí khác tại thủ đô Sài Gòn. Ông được trao giải Văn chương toàn quốc năm 1960 với tác phẩm Mưa Đêm Cuối Năm. Ông là một trong những vị giám khảo của giải Văn Học Nghệ Thuật hàng năm của Việt Nam Cộng Hòa (từ 1961 đến 1974). Năm 1962 ông thành lập nhà xuất bản Thời Mới. Từ năm 1970 đến 1974 ông có mặt trong Hội Đồng Văn Hóa Giáo Dục của Việt Nam Cộng Hòa. Năm 1978, sau khi đã định cư tại Hoa Kỳ, ông chủ trương tạp chí Văn Học Nghệ Thuật. Báo ra được 13 số, kể từ tháng 4-1978 đến tháng 12-1979. Năm 1985 ông cùng các nhà văn Nguyễn Mộng Giác,
Lê Tất Điều cho tục bản tạp chí Văn Học Nghệ Thuật, phát hành từ tháng 5-1985 đến tháng 1-1986, sau đó, ông giao trách nhiệm lại cho nhà văn Nguyễn Mộng Giác, để chú tâm vào việc sáng tác, biên khảo. Gia tài tác phẩm của ông thật đồ sộ gồm: 4 tiểu thuyết, 7 tập truyện ngắn, 9 tập tùy bút, 9 tập tiểu luận, 8 tập phê bình, 5 tập truyện dịch được ký dưới bút hiệu Tràng Thiên, 1 tập thơ. Trong thời gian gần đây, những tác phẩm của ông được cho tái bản dưới tên Võ Phiến toàn tập, gồm: tùy bút 1, tùy bút 2, tạp bút, tiểu luận , tạp luận , truyện ngắn 1, truyện ngắn 2, tiểu thuyết 1, tiểu thuyết 2, tổng cộng 3247 trang.
Comment