Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Ph ạ m T h i ê n T h ư - Người Tu Sĩ Lãng Mạn

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Ph ạ m T h i ê n T h ư - Người Tu Sĩ Lãng Mạn


    Ph ạ m T h i ê n T h ư - Người Tu Sĩ Lãng Mạn





    Sài Gòn có một quán café "Hoa vàng", trước kia còn gọi là "Động hoa vàng". Quán nằm ở Ngã Tư Bảy Hiền, trang nhã, tĩnh mịch và rất nên thơ.
    Khách thường là những người đứng tuổi. Ai vào, nếu dể ý một tí sẽ thấy một “lão nông” ngồi lặng lẽ ở góc nhà.
    Đó chính là thi sĩ Phạm Thiên Thư, tác giả của những bài thơ nổi tiếng được Phạm Duy phổ thành những tình khúc bất hủ.


    Ngày xưa Hoàng Thị…





    Mỗi khi căn phòng vang lên giai điệu mượt mà "Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ, anh theo Ngọ về...", ông lại nhắm mắt, ngồi bất động như một vị thiền sư, thả hồn về những dĩ vãng xa xưa...
    Ngày ấy, trên con đường trải nắng vàng, cậu học trò lặng lẽ theo sau cô gái tên Ngọ đi học về, nàng mặc áo dài trắng, tay ôm cặp, mái tóc xoã ngang vai...
    Chàng si tình, để lại những vần thơ xót xa và lung linh mãi đến sau này...

    “…Em tan trường về
    Cuối đường mây đỏ
    Anh tìm theo Ngọ
    Dấu lau lách buồn…
    …Em tan trường về
    Đường mưa nho nhỏ
    Trao vội chùm hoa
    Ép vào cuối vở…”

    Có thể nói rằng, vào những năm của thập kỷ 70, bài thơ "Ngày xưa Hoàng Thị.." là một tuyệt tác. Sau khi Phạm Duy phổ nhạc, tác phẩm đã trở thành một hiện tượng tại miền Nam. Thanh Thúy là ca sĩ đầu tiên thể hiện thành công bài hát này. Lúc bấy giờ, trên các báo phát hành ở Sài Gòn, người ta thường nghi vấn và đặt dấu hỏi, nhân vật chính trong "Ngày xưa Hoàng Thị" là ai? Một vài người tự nhận là mình, số khác lại bình thơ rồi cho rằng nhân vật chính trong thơ là cô A hoặc cô B nào đó... Đến khi các phóng viên gặp Phạm Thiên Thư hỏi chuyện, ông nói rằng, người đẹp trong ca khúc là cô Hoàng Thị Ngọ, nhưng không hiểu tại sao nhiều người thời bấy giờ vẫn không tin ?

    Quê ông ở Kiến Xương, Thái Bình nhưng lại sinh ra ở Lạc Viên, Hải Phòng. Năm 1954, khi mới 14 tuổi, ông theo cha mẹ di cư vào miền Nam, cư ngụ tại khu Tân Định, Sài Gòn. Đó là một căn nhà nhỏ nằm đằng sau chợ Tân Định cách trường Trung học Văn Lang, nơi ông học, gần một cây số. Học xong Tú tài, Phạm Thiên Thư theo học trường Phật học Vạn Hạnh, chọn cửa Phật làm chốn dừng chân và gửi hồn vào cõi Thiền.

    Nhà thơ Phạm Thiên Thư, người đã thi hóa Kinh Phật, ông xuất hiện trong làng thơ như một người tu sĩ, rao giảng Phật Pháp bằng thi ca như Kinh Ngọc, Kinh Hiền, Kinh Thơ, Chiêu Hồn Ca, Đoạn Trường Vô Thanh,..Thơ Phạm Thiên Thư nửa đời, nửa đạo, tâm linh khác thường, làm cho độc giả lãng đãng và ngẩn ngơ:

    “...Em làm trang tôn kinh
    Anh làm nhà sư buồn
    Đêm đêm buồn tụng đọc
    Lòng chợt nhớ vương vương
    Đợi nhau từ mấy thuở
    Tìm nhau cõi vô thường
    Anh hóa thân làm mực
    Cho vừa giấy yêu đương...”
    (Pháp Thân)

    Thế giới thi ca Phạm Thiên Thư giúp chúng ta khám phá thêm những cửa ngõ mới lạ, phong phú về tôn giáo, tình yêu và thiên nhiên.
    Bài thơ "Ngày xưa Hoàng Thị..." ra đời trong lúc ông mới chập chững bước vào làng thơ nên nhiều người nghĩ đó là bài thơ đầu tay.
    Thật ra, bài thơ đầu tiên chính là bài "Vết chim bay", lúc ông mới 24 tuổi, còn nương náu ở cửa chùa.

    Ngày ấy, có một nữ sinh thường vào sân chùa tìm nơi tĩnh lặng để học bài.
    Cô đẹp và thánh thiện như ánh sáng của Quan Thế Âm Bồ Tát, Phạm Thiên Thư đem lòng thương mến.
    Hai người quen nhau độ mươi ngày, một buổi chiều như bao buổi chiều khác, ông ngồi ở hiên chùa đợi mãi nhưng chẳng thấy bóng dáng cô.
    Nàng ra đi chẳng một lời từ biệt để lại sự đơn côi và nuối tiếc cho chàng trai mới lớn.
    Mười năm sau, khi trở lại chùa xưa, tình cờ nhìn thấy nét phấn trắng ghi tên hai đứa vẫn còn trên gác chuông, lòng bâng khuâng chuyện cũ, Phạm Thiên Thư đã viết nên bài thơ này:


    "Ngày xưa anh đón em.
    Nơi gác chuông chùa nọ.
    Con chim nào qua đó.
    Còn để dấu chân in...
    Anh một mình gọi nhỏ.
    Chim ơi biết đâu tìm...”


    Tình yêu trong thơ Phạm Thiên Thư thánh thiện, nhẹ nhàng và kín đáo. Chút bẽn lẽn, khẽ chạm mà không dám “tay trong tay” vì sợ tình sẽ tan biến thành khói sương.
    Đạo Phật ảnh hưởng và tạo nên một không gian ái tình riêng trong thơ Phạm Thiên Thư. Nó làm cho người đời ngỡ ngàng, đắm say trong thế giới thi ca huyền diệu của thi sĩ.




    Theo ông, Hoàng Thị Ngọ trong bài thơ "Ngày xưa Hoàng Thị" chỉ là kỷ niệm, một mối tình thoảng nhẹ vu vơ thời trai trẻ.
    Trong những năm Tú tài , ông đã để ý một cô bạn học cùng lớp tên là Hoàng Thị Ngọ, cô gái đó quê gốc Hải Dương và ở gần nhà ông.
    Sau này, Phạm Thiên Thư tìm lại cố nhân nhưng người hàng xóm cho biết, bà Ngọ đã bán nhà và dọn đi nơi khác từ lâu.

    Ngày ấy, mỗi khi xếp hàng vào lớp, cô gái đứng ở đầu hàng bên nữ, nổi bật, mái tóc dài xoã trên bờ vai mảnh dẻ. Ông chỉ im lặng ngắm nhìn.
    Khi tan trường, cô gái một mình trên đường về nhà, ông lại là kẻ lẽo đẽo theo sau: "Cô ấy ôm cặp đi trước, tôi đi theo nhưng không dám lên tiếng.
    Trong bóng chiều tà, ánh nắng hắt qua hàng cây, cô ấy lặng lẽ bước, gây cho tôi những cảm xúc bâng khuâng khó tả.
    Cứ thế, tôi chỉ biết lặng lẽ đi theo sau cô ấy hàng ngày, giấu kín những cảm xúc của mình không cho bất cứ ai biết".
    Và một lần đắm chìm trong cảm xúc ấy, ông đã cầm bút viết lên bài thơ "Ngày xưa Hoàng Thị".

    Những năm sau này, mỗi khi đi ngang lại con đường của một thuở yêu đương, hình ảnh cô gái với mái tóc xoã ngang vai lại hiện về trong ông:

    "Em tan trường về.
    Đường mưa nho nhỏ.
    Chim non giấu mỏ.
    Dưới cội hoa vàng..”

    Giờ đây, Hoàng Thị Ngọ đã định cư ở Mỹ. Hơn 50 năm, nơi phương trời xa xôi, cô nữ sinh ngày ấy có còn nhớ…

    “…Tìm xưa quẩn quanh
    Ai mang bụi đỏ
    Dáng em nho nhỏ
    Trong cõi xa vời
    Tình ơi! Tình ơi!”

    Một lần, có người hỏi ông "Thế khi nào mọi người mới biết tới những bài thơ của bác?" Phạm Thiên Thư trả lời: "Ấy là khi chúng tôi nhờ nhạc sỹ Phạm Duy phổ nhạc 10 bài Đạo ca do tôi viết lời, Phạm Duy gặp và tình cờ đọc được tập thơ của tôi.
    Tôi cũng không nghĩ Phạm Duy lại thích bài thơ Ngày xưa Hoàng thị đến thế, ông đề nghị phổ nhạc bài thơ đó.
    Dĩ nhiên được một nhạc sỹ nổi tiếng như Phạm Duy để ý đến bài thơ của mình thì có gì hạnh phúc bằng.
    Và tôi cũng bất ngờ nghe lại bài thơ của mình khi đã phổ nhạc.
    Nhạc sỹ đã tôn bài thơ lên rất nhiều qua những giai điệu nhạc bay bổng".


    Cha Phạm Thiên Thư tuy làm nghề bốc thuốc Bắc nhưng thỉnh thoảng vẫn làm thơ. Ông còn nhớ, cha ông đã từng đạt giải Nhì về thơ do một tờ báo ở Hà Nội tổ chức.
    Phạm Thiên Thư làm thơ để trải lòng mình chứ không làm thơ chuyên nghiệp.
    Vì vậy mãi đến năm 1968, ông mới tự xuất bản tập thơ đầu tiên, chủ yếu để tự đọc, tặng một số bạn bè thân.
    Thật ra, trong cuộc đời sáng tác, Phạm Thiên Thư chẳng muốn ai biết về mình.


    Thoáng hương qua




    Năm 1964, nhà thơ Phạm Thiên Thư xuống tóc, đi tu ở một ngôi chùa với Pháp danh là Thích Tuệ Không.
    Trong 9 năm tu hành (1964 -1973), ông đã chứng kiến một cuộc tình giữa chú tiểu và một cô bé Phật tử. Chàng 16 tuổi và nàng cũng ngần tuổi đấy.
    Tình yêu vừa chớm như những bông hoa nở sớm sau sân chùa.
    Cứ mỗi lần, chú tiểu đánh chuông, cô bé đứng bên nhìn và tụng niệm.
    Trong những lời khấn nhỏ ấy, cô nguyện cầu cho 2 đứa được bên nhau mãi mãi...

    Ðầu xuân em lễ chùa này
    Có búp lan vàng khép nép
    Vườn trong thoáng làn hương bay
    Bãi sông lạc con bướm đẹp
    Mùa xuân quen nhau, mùa hạ cùng em đi lễ...

    Rồi mùa thu, mùa đông, hai người vẫn yêu thương tha thiết, bốn mùa hẹn nhau trong ngôi chùa cổ, có lò hương với làn trầm nghi ngút:

    Vào hạ em lễ chùa này
    Trên đồi trái mơ ửng chín
    Lò hương có làn trầm bay
    Vờn trên bờ tóc bịn rịn

    Chiến tranh loạn lạc, cuối mùa đông năm ấy, cô bé chết trong trong lúc chạy trốn những cuộc hành quân.
    Trong mưa bay và gió lạnh, chú tiểu gạt nước mắt đưa tiễn người yêu trong chiếc áo quan đơn sơ và mộc mạc như chính tình yêu của họ:

    Sang đông em lễ chùa này
    Ngoài sân có mưa bụi bay
    Hắt hiu trong cành gió bấc
    Vườn chùa rụng cánh lan gầy
    Cuối đông đưa em tới đây
    Trong lòng áo quan gỗ trắng
    Tóc em tợ óng làn mây
    Cội hoa tưởng ai trầm lặng

    Gia đình đưa xác cô an táng sau chùa, nơi những bông hoa vẫn còn nở.
    Mỗi buổi chiều, chú tiểu đến bên mộ, thắp hương và ngồi mãi cho đến khi hoàng hôn buông xuống...

    Em vừa nằm xuống đất này
    Vườn trong có bông đào nở
    Con bướm chập chờn hương bay
    Quơ sợi râu vàng bỡ ngỡ
    Nắm đất nào vừa lấp mộ
    Có con chim hót đầu cành
    Tiếng tan trên giòng suối xanh
    Nước ơi sao buồn nức nở

    Mỗi cuộc tình đều có những kết thúc khác nhau. Có người đến đỉnh cao của hạnh phúc, tràn ngập niềm hân hoan vô bờ bến.
    Có kẻ rơi xuống vực sâu của bất hạnh, ôm lấy đơn côi trong im lặng và nước mắt.
    Cho dù âm dương cách biệt ngàn trùng, tình yêu ấy vẫn tươi đẹp, sáng lung linh và huyền diệu.
    Cõi người vẫn tin rằng, họ vẫn yêu thương nhau, con tim vẫn thổn thức một lời hò hẹn từ kiếp trước.
    Và như thế, trong ánh sáng huyền diệu của Phật Pháp, họ không còn bên nhau nữa nhưng tình yêu vẫn lóng lánh như những giọt sương còn đọng lại trên những bông hoa nở sớm sau sân chùa.


    Câu chuyện hoàn toàn có thật, Phạm Thiên Thư xúc động và sáng tác bài thơ nổi tiếng: "Thoáng hương qua".
    Sau này, Phạm Duy phổ thành nhạc phẩm “Em lễ chùa này” và ca khúc đã đi vào lòng người cho mãi đến giờ.
    Sau này, Phạm Duy còn phổ nhạc thêm một số bài thơ tình khác của ông như: Đưa em tìm động hoa vàng, Gọi em là đoá tình sầu,...Tất cả những ca khúc này đều nổi tiếng và được mọi người biết đến.


    Sau 1975, Phạm Thiên Thư lui về ở ẩn. Từ năm 1976 đến 1981, để mưu sinh, Phạm thi sĩ mở quán hớt tóc ở Lăng Cha Cả.
    Giai đoạn (1981 - 1983), ông bán tạp hoá, rượu thuốc, trà đá... ở đường Lý Chính Thắng.
    Sau 1983, Phạm Thiên Thư nghiên cứu, sáng lập và truyền bá môn dưỡng sinh PHATHATA (Pháp - Thân - Tâm).
    Sau đó, ông được bác sĩ, nghệ sĩ Trương Thìn, Viện trưởng Viện Y học dân tộc mời về cộng tác với Viện.
    Trong suốt thời gian này, Phạm Thiên Thư thỉnh thoảng cho đăng báo những bài thơ ngắn.
    Đôi lần, giới văn nghệ sĩ lại gặp ông đến dự họp ở Hội Nhà văn TP.HCM.
    Thời gian sau này, Phạm Thiên Thư thực sự trở lại và hoà nhập với văn đàn khi trường ca "Đoạn Trường Vô Thanh" của ông được tái bản một cách trang trọng.


    Thế giới thi ca Phạm Thiên Thư giúp chúng ta khám phá thêm những cửa ngõ mới lạ, phong phú về tôn giáo, tình yêu và thiên nhiên.
    Mùa xuân năm Nhâm Thìn (2012), Phạm Thiên Thư đã giao lưu với khán giả Đà Nẵng trong chương trình thơ-nhạc mang tên “Động Hoa Vàng” tại Nhà hát Trưng Vương.
    Với sự dàn dựng công phu và góp mặt của nhiều ca sĩ trẻ, cuộc đời, thi ca và âm nhạc của người tu sĩ lãng mạn này lại tái hiện một lần nữa trong lòng người hâm mộ.


    (Trương Văn Khoa)

  • #2
    P h ạ m t h i ê n t h ư - n o n c a o t ì m đ ộ n g h o a v à n g



    P H Ạ M T H I Ê N T H Ư - N O N C A O T Ì M Đ Ộ N G H O A V À N G






    Những nhà chân tu Phật giáo ngày xưa quan niệm đi vào con đường Tôn Giáo phải xuất thế tìm nơi non cao tĩnh lặng để theo đuổi cuộc hành trình ngắn ngủi của một kiếp người. Một kiếp nhân sinh tạm bợ bằng thân xác đầy dẫy những sinh lão bệnh tử, thật cô đơn tội nghiệp hoang vu đến vô cùng buồn thảm. Nơi nương tựa thực tiễn chỉ còn cách quay về với chính cái Tâm sâu thẳm, để truy tầm sào huyệt Tâm Trí An Bình. Khi đã ngộ Tâm Chánh Niệm lúc đó mới đạt đến niềm hạnh phúc viên mãn trong đời sống. Nhiều Thiền sư đã diện bích để soi tâm, tìm chính con đường Tâm đạo:


    Diệu tính hư vô bất khả phàn
    Hư vô tâm ngộ đắc hà nan
    Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận
    Liên phát lô trung thấp vị càn.
    (Thi Tịch)

    Tính không huyền diệu vô vàn
    Tâm không ngộ được nghĩ bàn gì đâu?
    Núi cao ngọc cháy đậm màu
    Trong lò sen thắm cho dầu lửa thiêu...
    (Lời Dạy Trước Khi Mất - Thiền Sư Ngộ Ấn)




    Trong kinh Phật còn viện dẫn “Chiến thắng ngàn quân không bằng tự chiến thắng mình. Đó là chiến công oanh liệt nhất”. Ông Phạm Thiên Thư như một đạo sĩ xuống núi từ Chùa Pháp Hoa và ông như người rao giảng thâm thúy về những Kinh Ngọc, Kinh Hiền, Kinh Thơ... nhất là ông đã thi hóa Kinh Kim Cương Bát-Nhã quả là một hành động phi thường.

    Mầu nhiệm thay Kim Cương!
    Lạ lùng thay Kim Cương...



    ...Ước gì lòng tôi biến thành Kim Cương để phá tan biên giới Ta với phi Ta, để liễu ngộ sinh tử, để kết trụ vào Ta, cho cái tâm giải thoát.

    Phải chăng đấy là cái tâm “Ứng vô sở trụ mà Sinh” nó đã dẫn dắt Huệ Năng về Tào Khê, nó đã làm sao cho Thái Tông khoát nhiên tự ngộ vai trò lãnh đạo nhân dân “dĩ thiên hạ tâm vi tâm - dĩ thiên hạ dục vi dục”. Vào sinh ra tử suốt cả một đời ngõ hầu thực hiện cái nghĩa vô tâm:

    “Lưu thủy hạ sơn phi hữu ý
    Bạch vân xuất tụ bản vô tâm”
    (Giáo sư Nguyễn Đăng Thục giới thiệu Phạm Thiên Thư).




    Những nhà thơ Phật giáo đa số thường thi triển nguồn cảm hứng dựa trên nền tảng tôn giáo và thiên nhiên, nhất là những thiền sư Việt Nam như Vạn Hạnh, Viên Chiếu, Khuông Việt, Không Lộ, Mãn Giác... và các bậc thiền sư này đã tạo cho giòng văn học Việt Nam càng phong phú, giá trị và sâu sắc hơn những nét đặc thù của mỗi thời điểm lịch sử tôn giáo và dân tộc.

    Sự xuất hiện bất ngờ khoảng thời gian 1969 với ba ngàn hai trăm năm mươi bốn (3254) câu thơ Trường Thiên lấy tên “Đoạn Trường Vô Thanh” được xem như hậu Truyện Thúy Kiều của thi hào Nguyễn Du. Liên tục những năm sau Nguyễn Du có Chiêu Hồn, ông có Chiêu Hồn Ca, Phật giáo có Kinh Kim Cương, Kinh Hiền Ngu, Phạm Thiên Thư cũng có Kinh Ngọc, Kinh Hiền, Kinh Thơ... Phạm Thiên Thư xuất hiện rất muộn và lại ngưng rất sớm, nhưng ông đã đóng góp vào giòng văn học Việt Nam những thành tích không nhỏ. Một trong những tác phẩm này, Phạm Thiên Thư đã được giải thưởng Văn Học Toàn Quốc vào năm 1971. Người đời đã bắt đầu yêu thơ ông qua những thi phẩm “Ngày Xưa Hoàng Thị” “Động Hoa Vàng”... được nhạc sỹ Phạm Duy phổ thành ca khúc.


    Cuộc chiến đang đến hồi bùng vỡ ở nhiều mặt trận cao nguyên, miền địa đầu giới tuyến, mỗi ngày đều nhìn thấy những chiếc trực thăng trắng chở những chiến sĩ bị thương từ chiến trường về những bệnh viện ở những thành phố miền Nam, tâm trạng thanh niên hoang mang, cảm thấy đời sống buồn bã, thơ Phạm Thiên Thư xuất hiện như viên thuốc an thần:


    ...Rằng xưa có gã từ quan
    Lên non tìm động hoa vàng, ngủ say...
    Ừ, thì mình ngại mưa mau
    Cũng đưa anh đến bên cầu, nước xuôi
    Sông này chảy một giòng thôi
    Mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông...
    ...Ta về rũ áo mây trôi
    Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan...
    ...Thì thôi! tóc ấy phù vân
    Thì thôi! lệ ấy còn ngần giang sương
    ...Mai anh chết dưới cội đào
    Khóc anh xin nhỏ lệ vào thiên thu...
    (Động Hoa Vàng)




    Tôi cũng đồng ý qua nhận xét của nhà văn Võ Phiến: “Thử tưởng tượng: Nếu Phạm Thiên Thư sớm tối miệt mài kinh kệ, một bước không ra khỏi cổng chùa, không biết tới chuyện hẹn hò, không hề lẽo đẽo đưa em này đi, rước em nọ... thì nền thi ca của chúng ta thiệt thòi biết bao. Lại thử tưởng tượng Phạm Thiên Thư quanh năm suốt tháng chỉ những em nầy em nọ dập dìu, nhớ thương ra rít, mà không màng tới Kinh Hiền, Kinh Ngọc, không biết chuông mõ gì ráo, thì trong kho tàng thi ca tình ái của ta cũng mất hẳn đi một sắc thái đặc biệt đi chứ...”


    Tam Đảo Hạnh Phu (Yukio Mishima) một trong những nhà văn nổi tiếng của Nhật, ông có viết một truyện ngắn với nhan đề “Chuyện Tình Của Nhà Sư Chùa Shiga” ông đã diễn tả cái nghịch lý ghê gớm xảy ra trong nội tâm của một thiền sư giữa tình yêu và đạo lý... Cuối cùng “Thiền sư đã quyết định từ bỏ tất cả để ra đi. Lòng Thiền sư thật bình thản, trống không. Cái trống không thật viên mãn vì ông đã chiêm nghiệm được ở cái hố thẳm vô cùng tận đó chỉ là Sắc, Không...”


    Cái điều ỡm ờ nửa đời nửa đạo thật khác thường của Phạm Thiên Thư đã làm cho thế gian ngẩn ngơ, hoài nghi cái chân lý ông đang đeo đuổi. Một ông sư đã biết yêu và biểu lộ tình yêu một cách quá quắt khác thường, lãng mạn còn hơn những chàng trai bình thường mới biết yêu:



    ...Em tan trường về
    Anh theo Ngọ về
    Chân anh nặng nề
    Mai vào lớp học
    Anh còn ngẩn ngơ...
    ...Môi em mỉm cười
    Mang mang sầu đời, tình ơi!
    ...Ôi! Con đường về
    Bông hoa còn đẹp
    Lòng sao thấm mệt
    Ngắt vội hoa này
    Nhớ người thuở xưa...
    (Ngày Xưa Hoàng Thị)


    ...Em làm trang tôn kinh
    Anh làm nhà sư buồn
    Đêm đêm buồn tụng đọc
    Lòng chợt nhớ vương vương
    Đợi nhau từ mấy thuở
    Tìm nhau cõi vô thường
    Anh hóa thân làm mực
    Cho vừa giấy yêu đương...
    (Pháp Thân)




    Mặc dù đang ở vào thời đại cuối thế kỷ 20, nhưng tình yêu đối với nhà sư Phạm Thiên Thư vẫn còn những cảm xúc thánh thiện, khép kín một chút bẽn lẽn khi hai người yêu nhau không dám gần nhau trong bàn tay nắm, vì sợ tình yêu sẽ tan biến đi như sương khói:


    ...Anh trao vội vàng
    Chùm hoa mới nở
    Ép vào cuối vở
    Muôn thuở còn vương...









    Cũng như anh chàng Xuân Diệu thời tiền chiến:

    ...Trong vườn đêm ấy nhiều trăng quá
    Ánh sáng tuôn đầy các lối đi
    Tôi với người yêu qua nhè nhẹ...
    Im lìm không dám nói năng chi
    (Trăng)




    Không dám nói vì sợ âm thanh tan vỡ giây phút linh thiêng tỏ tình. Tất cả sự biểu lộ bằng ngôn ngữ im lặng. Im lặng của thủy triều phá vỡ ruộng đồng núi non không biết chừng.


    ...Đôi mày là Phượng cất cao
    đôi môi chín ửng khoé đào rừng mơ
    tiếng nàng vỡ bạc thành thơ
    tụng dòng Kinh tuệ trên tờ khói mây
    ...dù mai lều cỏ chân trời
    khói hương lò cũ khóc người trong thơ
    em còn ửng má đào tơ
    tóc xưa dù có bây giờ sương bay...



    Tình yêu của nhà Sư nồng nàn quá, đến nỗi con vạc bờ kinh nó cũng ghẹo nhà Sư ỡm ờ trần tục:


    ...Hỏi con vạc đậu bờ kinh
    Cớ sao lận đận cái hình không hư
    Vạc rằng: Thưa bác Thiên Thư
    Mặc chi cái áo Thiền Sư ỡm ờ...
    (Động Hoa Vàng)




    Ở cái thế giới thi ca Phạm Thiên Thư chúng ta khám phá thêm những cửa ngõ mới lạ, phong phú về tôn giáo tình yêu và thiên nhiên, mặc dù ông chỉ mới xuất hiện một thời gian ngắn ngủi trước khi trang sử Văn Học Miền Nam xếp lại. Nhiều người tin cho biết, nhà thơ Phạm Thiên Thư còn ngây thơ non dạ, thực hiện cuốn Kinh Hồng để ca ngợi chế độ mới, nhưng ông đã lầm khi ông chuẩn bị viết những trang đầu thì chính những “Đoạn Trường Vô Thanh”, “Quyên Từ Độ Bỏ Thôn Đoài”, “Kinh Ngọc”, “Kinh Hiền”, “Kinh Thơ...” bị hỏa thiêu một cách thê thảm chung với số mệnh những tác phẩm của những nhà thơ, nhà văn miền Nam mà chúng gọi “Sản phẩm văn hóa đồi truỵ của Mỹ-Ngụy”. Ông bị xem như nhà thơ đứng bên lề của “giòng thác thi ca Cách Mạng xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa”. Thi sĩ Phạm Thiên Thư u buồn thất vọng não nề.


    “Thôi thì thôi, chỉ phù vân
    Thôi thì thôi nhé, có ngần ấy thôi...


    Nhắc đến thuở vàng son trước 1975, ông là thi sĩ trẻ làm thơ say mê không biết mệt, có khi mỗi ngày ông có thể sáng tác mấy trăm câu thơ một cách dễ dàng. Nhà văn Võ Phiến có nhắc lại sự kiện nầy trên Tạp Chí Làng Văn xuất bản tại Canada: “...Cuốn Kinh Hiền mười hai ngàn câu ông viết trong một năm rưỡi: Việc Đạo phải nỗ toàn lực nên thế. Còn cuốn Quyên Từ Độ Bỏ Thôn Đoài gồm 111 bài thơ, ông cũng chỉ làm xong trong vòng hăm ba ngày. Mỗi ngày năm bài thơ, đều đều. Lý do gì vậy?... Không ai đi trách một người... làm quá nhiều thơ. Duy không biết có phải cái lượng làm hại cái phẩm chăng. Vì trong cái lượng đồ sộ nọ, số dở quá nhiều. Trong lắm bài có những câu thật hay lạc vào giữa các câu dở làm ta tiếc ngẩn ngơ...”

    Nhưng có điều còn tiếc sâu xa hơn. Ở một tài năng thấu triệt Kinh Kim Cương vi diệu cao siêu đến như thế, đã ước mơ... “Kiếp sau làm chim trong sương. Về bay hóa độ mười phương trời vàng...” thì còn bon chen gì cõi tạm phù sinh. Hãy trở về Chùa Pháp Hoa diện bích, để thôi nhìn nắng quái đang đốt cháy những đóa hoa dịu dàng lung linh trong gió thoảng. Tất cả mọi ngữ ngôn, mọi nhãn quan chỉ là khung cửa hư ngụy... thì còn thiết tha gì đối với chốn bụi hồng?



    Thái Tú Hạp

    Comment

    Working...
    X