Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

K h á i H ư n g - Tiểu thuyết và Truyện ngắn

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • K h á i H ư n g - Tiểu thuyết và Truyện ngắn


    K h á i H ư n g - Tiểu thuyết và Truyện ngắn




    Trong bối cảnh nước nhà những năm thập niên 30, văn chương thi ca chữ Việt bắt đầu được một số nhà văn, nhà thơ sáng tác mạnh mẽ và khởi sắc. Họ đa số thuộc thành phần tân học, chịu nhiều ảnh hưởng của văn học Pháp trong phong trào lãng mạn Tây Phương thế kỷ 19. Trước đó, mọi người từng say mê đọc những tiểu thuyết diễm tình của Trung Hoa được dịch ra Việt Ngữ và bày bán ở các tiệm sách như Tuyết Hồng Lệ Sử, Tây Sương Ký.v.v... Một trong số những nhà văn có công dịch truyện Tàu ra quốc ngữ nhiều nhất phải nói đến Nguyễn Đỗ Mục với các tác phẩm Song Phương Kỳ Duyên và Tái Sinh Duyên mà giới phụ nữ thời đó thường coi như những cuốn sách gối đầu giường. Người dịch truyện Pháp ra Quốc Ngữ có số lượng lớn là Nguyễn Văn Vĩnh đăng trong Đông Phương Tạp Chí, Trung Bắc Tân Văn từ những năm đầu thế kỷ, về sau được nhà xuất bản Âu Tây Tư Tưởng (La pensée de l’Occident) do người con trai ông là nhà văn Nguyễn Giang chủ trương. Nói chung, phong trào viết tiểu thuyết mang nội dung đổi mới được giới thanh niên nam nữ đón nhận say mê phải nhận là do nhóm Tự Lực Văn Đoàn phổ biến trước hết vào những năm đầu của thập niên 30. Nếu thanh niên nam nữ Pháp từng coi thi sĩ Alfred De Musset là thần tượng của họ, thì đối với giới trẻ Việt nam hồi đó, nhất là các thiếu nữ chịu ảnh hưởng tân học thường ham mê đọc tiểu thuyết Khái Hưng và Nhất Linh cùng các nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn mà hai ông là những người trụ cột chính. Khái Hưng viết nhiều và viết đều đặn hơn cả trong số các bạn thuộc văn đoàn. “Hồn Bướm Mơ Tiên”, tác phẩm đầu tay của ông, cũng đồng thời là cuốn truyện dài đầu tiên của nhóm Tự Lực Văn Đoàn xuất bản năm 1933.

    Các nhà văn thời đó thường nói tựa đề cuốn tiểu thuyết này là do điển tích từ thời vua Lê Thánh Tông khi ngài giáng lâm đến ngôi chùa ở thành Thăng Long. Đêm ấy vua nằm mộng gặp giáng tiên ra đề như sau:

    “Gió thông đưa rộ tan niềm tục

    Hồn bướm mơ tiên lẫn sự đời”

    Từ đề đó, vua Lê Thánh Tông đã làm bài thơ với nhan đề:

    “Tới đây một cảnh một thầy

    Tuy vui đạo bụt chửa khuây lòng người

    Gẫm sự trần duyên khéo nực cười

    Tuy vui đạo bụt hãy lòng người

    Chày kình một tiếng tan niềm tục

    Hồn bướm ba canh lẫn sự đời

    Bể khổ mấy tầm mong tát cạn

    Sóng ân muôn trượng chớ khơi vơi

    Nào nào cực lạc là đâu tá

    Cực lạc là đây chín bội mười”

    (trích trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập)

    Tuổi trẻ ở giữa thập niên 30 rất say sưa đọc “Hồn Bướm Mơ Tiên” của Khái Hưng bởi thấy được chuyện tình lý tưởng dưới mái tam quan ngôi chùa, phần phân tích tâm lý nhân vật mới lạ. Ảnh hưởng sâu đậm của phong tráo lãng mạn văn chương Pháp trong giới thanh niên tân học đã đưa đến cho họ trong ‘niềm đau thế kỷ’ (le mal du siècle), ‘tình yêu lí tưởng’ (amour platonique), hằng ấp ủ vào bối cảnh đó là phong trào ‘tài hoa son trẻ’ do nhà cầm quyền bảo hộ Pháp khởi xướng nhằm vào thanh niên nam nữ VN, sau cuộc nổi dậy bất thành của Việt Nam Quốc Dân Đảng năm 1930 dưới sự lãnh đạo của đảng trưởng Nguyễn Thái Học. Thời ấy, Thống Sứ Bắc Kỳ Tholance sau đến Yves Châtel đều cho phép tổ chức các cuộc chợ phiên hàng năm ở Hà Nội, các cuộc thi rước xe hoa rầm rộ, qui tụ nữ học sinh thành phố tham gia diễn hành trên các đại lộ chính để thu hút người dân lãng quên mọi tư tưởng chống đối nhà cầm quyền Pháp.

    Mẫu mực người “con gái tân thời” lúc ấy đang được đề cao do chủ trương của nhóm Tự Lực Văn Đoàn nhằm kêu gọi giới phụ nữ trút bỏ y phục cổ xưa đi vào thời trang cải cách chiếc áo dài của họa sĩ Cát Tường bí danh Pháp Lemur. Phong trào cải cách y phục phụ nữ dâng lên mạnh mẽ, chị em thôn quê đi ra tỉnh thành đua nhau từ bỏ chiếc váy cổ xưa, chiếc áo cánh nâu để tập mặc quần sa tanh (satin), quần lĩnh hai ống và chiếc áo dài tân thời kiểu cổ tròn, cổ lá sen hay trái tim có đường viền màu sậm. Tiểu thuyết Khái Hưng trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã đáp ứng thời điểm mọi người đang khao khát đi vào cải cách, rời bỏ những tư tưởng cổ hủ. Thanh niên và thiếu nữ theo tân học say mê đọc Hồn Bướm Mơ Tiên, tiểu thuyết đầu tay của Khái Hưng như cơn gió mát đi vào tâm hồn tuổi trẻ đang tìm hiểu về tình yêu lãnh mạn. Một năm sau đó (1934), Khái Hưng đưa ra cuốn tiểu thuyết “Nửa Chừng Xuân” cũng ca ngợi một tình yêu lý tưởng đi ra ngoài vòng xum họp bình thường giữa đôi trai gái. Tác phẩm này được cải soạn thành vở kịch trình diễn khắp nơi.

    Cùng năm 1934 xuất hiện tiểu thuyết “Gánh Hàng Hoa” do Khái Hưng viết chung với Nhất Linh. Năm 1935, Khái Hưng viết xong cuốn “Tiêu Sơn Tráng Sĩ” trong thời kỳ toàn thế giới vừa trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng (1929-1933) khiến ảnh hưởng nặng nề đến các xứ thuộc địa Pháp hải ngoại. Đồng tiền càng ngày càng khó kiếm, sinh hoạt trở nên đắt đỏ và người dân căm ghét chế độ thực dân thống trị. “Tiêu Sơn Tráng Sĩ” với nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, tả cảnh, tả tình một cách duyên dáng gọn gàng, mượn bối cảnh lịch sử đượm nhiều màu sắc dân tộc đậm đà để nói lên lý tưởng tranh đấu của những người trai dấn thân cho đại nghĩa. Cùng năm 1935, Khái Hưng đã viết chung với Nhất Linh cuốn “Đời Mưa Gió” không ngoài mục đích khích động giới trẻ tân học đi theo con đường phụng sự đất nước do nhóm Tự Lực Văn Đoàn chủ trương dưới dạng văn học để che mắt sở kiểm duyệt của người Pháp. Trong cuốn “Gia Đình” (1936), Khái Hưng đã khai thác trở lại một đề tài quen thuộc của nhóm Tự Lực Văn Đoàn về mâu thuẫn giữa cá nhân và gia đình còn mang những khuôn phép cũ ràng buộc về lễ nghi, tình yêu và hôn nhân. Phân tích miêu tả về sự chán chường của ông, những thanh niên tân học bị vướng mắc vào những tập tục, thành kiến của đại gia đình gồm cha mẹ, ông bà áp đặt từ nhiều thế hệ tiếp nối đến nay.

    Cũng như các cuốn “Thừa Tự”, “Đẹp”, “Thoát Ly”, Khái Hưng đã nhìn gia đình hiện thực qua con mắt một người thanh niên có đầu óc tiến bộ, chủ yếu trong việc phân tích tâm lý phụ nữ rất sâu sắc. Một nhà phê bình văn học đương thời đã viết về Khái Hưng như sau: “Tôi chưa từng thấy trong văn học VN một nhà văn kể cả Nhất Linh, đã tả người đàn bà một cách xác đáng như Khái Hưng”. Ông là nhà văn sáng trội không những trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn và còn của toàn thể dân văn VN. Khái Hưng cho thấy ông là người có thái độ chính trị xứng đáng trong một hoàn cảnh nước nhà cực kỳ nhiễu nhương về chính trị, để rồi trở thành nạn nhân của hoàn cảnh đó. Nói về con người, Khái Hưng là một nhà văn, một nghệ sĩ đích thực, hơn là một nhà cách mạng như Nhất Linh. Ông chấp nhận chủ trương canh tân văn hóa của Tự Lực Văn Đoàn mà ông là thành viên sáng lập, nhưng trên thực tế không trực tiếp tham gia hay tích cực đấu tranh cho lập trường đó. Với bản chất tự do phóng khoáng do ảnh hưởng văn hóa Tây Phương. Khái Hưng nhìn quá khứ cũng như hiện tại bằng con mắt của nhà hiền triết khoan dung, của người nghệ sĩ không mang chút thiển kiến. Mọi cái hay, cái đẹp bất luận từ đâu đến cũng được ông ngợi ca.

    Riêng trên lãnh vực tiểu thuyết, Khái Hưng là nhà văn tiểu thuyết của nhiều thời đại văn học VN với khả năng quan sát tinh tế và tâm lý cũng như cảnh ngộ của những nhân vật do ông sáng tạo. Tiểu thuyết Khái Hưng mang số lượng khá nhiều và chia ra nhiều loại khác nhau.

    + LOẠI PHONG TỤC: như “Gia Đình”, “Thừa Tự”, theo đó trọng tâm là sinh hoạt của giai cấp quan liêu, trưởng giả và tiểu tư sản cần đả phá để xây dựng một mô hình gia đình và xã hội canh tân.

    + LOẠI LÝ TƯỞNG: như “Hồn Bướm Mơ Tiên” lấy chủ đề cũ để rồi kết thúc một cách lý tưởng thích hợp với thời đại mới. Hoặc như cuốn “Trống Mái” ông lấy chủ đề lãng mạn Tây Phương để kết thúc bằng một thực tại buồn với sự lãng quên của người con gái trưởng giả và nỗi sầu khổ đến chết của người con trai thuộc giai cấp chài lưới. Đây là một thứ chủ đề của Trương Chi-Mỵ Nương được cải biến, một tình yêu lãng mạn thiên về vẻ đẹp thể xác của người con trai, khác với tích truyện Mỵ Nương hướng cái đẹp, cái hay của tiếng hát anh lái đò xưa.

    + LOẠI LỊCH SỬ: như cuốn “Tiêu Sơn Tráng Sĩ”, tích truyện rút ra từ trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí, được Khái Hưng giàn dựng các nhân vật dũng cảm có bản lĩnh, tài thao lược lấy hành động để đóng góp cho đời.

    + LOẠI TÍCH TRUYỆN CŨ SOẠN LẠI HAY KỂ LẠI: như “Ông Đồ Bể”, “Cây Tre Trăm Đốt” ít nhiều dựa váo các chuyện cổ tích đại chúng có mục đích giáo dục theo luân lý cũ đã được Khái Hưng viết qua lối hành văn trong sáng mang nhiều chất thơ khi tả cảnh, tả tình, tả người và tả việc.

    Ông đã xếp đặt tình tiết theo quy tắc của khoa thuật sự mới mẻ, khiến lôi cuốn sự chú ý theo dõi của người đọc, biến câu chuyện tầm thường thành hay và hấp dẫn hơn nhiều. Nghệ thuật kể chuyện của Khái Hưng cho chúng ta liên tưởng đến nhà văn Pháp Alphonse Daudet dí dỏm, tự nhiên mà mọi người thường gán cho danh hiệu “Nhà thuật sự tuyệt vời”.

    Ngoài những chuyện “Hai Cảnh Trụy Lạc”, “Bến Đò Năm Xưa”,”Hạnh”, Khái Hưng còn soạn “Đồng Bệnh” vở kịch tâm lý xã hội và “Tục Lụy” kịch được chị em trường nữ trung học đường Đồng Khánh, Hà Nội tham gia màn múa do nhà thơ Thế Lữ làm đạo diễn giàn dựng. Lịch sử của những chiếc áo dài màu xanh do các nữ sinh Trưng Vương chọn làm đồng phục bắt nguồn từ cuộc trình diễn vở kịch “Tục Lụy” của Khái Hưng năm 1942 ở nhà hát lớn Hà Nội. Còn vở kịch vui một hồi mang tên “Quần Tiên Tụ Hội” do ông soạn trong thời điểm nói trên.

    Nếu “Hồn Bướm Mơ Tiên” đánh dấu cuốn tiểu thuyết đầu tay của Khái Hưng năm 1933, thì “Băn Khoăn” là cuốn cuối cùng năm 1942. Mới đầu cuốn này mang tên “Thanh Đức” sau được đổi thành “Băn Khoăn” ở lần xuất bản thứ hai. Còn cuốn “Xiềng Xích” ông cho đăng trong tạp chí “Ngày Nay” loại mới, nhưng rất tiếc nó đã bị bỏ dở dang. Khái Hưng là người có kiến thức văn học sâu rộng. Ông cũng đã viết một số bài phê bình văn học, nêu ý kiến về ca dao, văn học cổ điển, nhận xét về một số nhà văn, nhà thơ đương thời. Năm 1943, nhà sách Khánh Đạm ở Sài Gòn đã làm một cuộc trưng cầu dân ý về mười cuốn sách có giá trị nhất, trong đó có “Tiêu Sơn Tráng Sĩ” của Khái Hưng. Tài viết văn xuôi của ông rất gần gũi với thơ, từ đó đến con đường thơ không xa. Hồi đó ai cũng biết Khái Hưng là người đã dịch bài “Sonner d’Arvers” thành công nhất theo thể lục bát mà nhiều người còn thuộc lòng đến ngày nay.

    Tình Tuyệt Vọng



    “Lòng ta chôn một mối tình,

    Tình trong giây phút mà thành thiên thâu!

    Tình tuyệt vọng nỗi thảm sầu,

    Mà người gieo thảm như hầu không hay.

    Hỡi ơi! Người đó ta đây.

    Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân?

    Dẫu ta đi trọn đường trần

    Chuyện riêng há dám một lần hé môi.

    Người dù ngọc nói hoa cười

    Nhìn ta như thể nhìn người không quen.

    Đường đời lặng lẽ bước tiên

    Không ngờ chân đạp lên trên mối tình!

    Một niềm tiết liệt đoan trinh

    Xem thơ nào biết có mình ở trong?

    Lạnh lùng lòng sẽ hỏi lòng:

    Người đâu tả ở mấy giòng thơ đây”.

    Khái Hưng dịch.



    Thời trước năm 1954 lúc đó vào khoảng 1945-1946, khi Việt Minh lên nắm chính quyền nhờ dựa vào cuộc biểu tình của Tổng Hội Công Chức thuộc chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức, tình hình chính trị rất phức tạp và lòng dân hết sức hoang mang. Một mặt phía Việt Minh Cộng Sản lo củng cố chính quyền họ mới thiết lập, mặt khác còn những lực lượng đoàn thể quốc gia cũng đã từ bên Trung Hoa trở về nước hoạt động công khai như Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội (gọi tắt là Việt Cách), Việt Nam Quốc Dân Đảng (Việt Quốc) và Đại Việt Quốc Dân Đảng. Mỗi lực lượng chính trị đều chiêu mộ đảng viên trong giới thanh niên, có trụ sở treo đảng kỳ và đoàn viên võ trang canh gác. Các phe thuộc hàng ngũ quốc gia đã liên minh trong một mặt trận để cùng lo đối phó với phe chính quyền VM mà dân chúng thường gọi là Vẹm. Danh từ hài hước đó xuất phát từ tờ báo “Việt Nam”, “Thiết Thực” của phe quốc gia ấn hành và phổ biến mạnh mẽ từ trụ sở số 80 đường Quan Thánh của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Một trong hai tờ báo đó ngoài những bài mang nội dung tranh đấu chính trị, tố cáo mặt trận Việt Minh là C.S, còn đăng những bài thơ trào phúng có tính cách thời sự. Lúc đó không còn nhà thơ Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu góp bài trong các tờ báo của phe quốc gia vì ông đã thực sự bị tuyên truyền đi theo phía Việt Minh. Người ta thấy xuất hiện những bài thơ trào phúng ký tên “Lâm Thời Thi Sĩ” mà dư luận vẫn gán ghép cho Khái Hưng. Một bài mang tựa đề “Ông Chủ Tịch” có ý chế giễu ông nọ vừa được phe chính quyền VM đưa lên đứng đầu Ủy Ban Nhân Dân địa phương Hà Nội. Một kẻ vô học, bất tài không biết cả ký tên trên các văn thư phổ biến được Lâm Thời Thi Sĩ đưa ra mổ xẻ trước dư luận.

    Ông Chủ Tịch

    “Có ông chủ tịch gần miền

    Nghĩ ra một lối ký tên lạ lùng

    Không dùng bút sắt, bút lông

    Cũng không bút mực, cũng không bút chì

    Vậy quan dùng thứ bút gì?

    Quan chẳng dùng tới bút gì

    Dưới gióng chức tước thật dài

    Quan in đỏ ngón tay ngài thế thôi

    Ngửi tên quen thoáng thấy mùi thịt trâu

    Thì ra rằng có gì đâu

    Quan đi bán phở đã lâu đời rồi

    Nay ra làm chủ tịch chơi...

    Lâm Thời Thi Sĩ



    Cùng một thể thơ lục bát, từ bản dịch “Sonner d’Avers” đến bài trào phúng nhạo “Ông Chủ Tịch” người đọc đã nhận thấy lối dùng chữ, cách hành văn dí dỏm của Khái Hưng cũng chỉ là một mà thôi. Nhà phê bình tiền chiến Vũ Ngọc Phan trong tập “Nhà Văn Hiện Đại” nhà xuất bản Tân Dân in năm 1942 đã viết về hơn 70 nhà văn trải ra từ thế kỷ 19 đến những năm 40 của thế kỷ này. Ông nhận định đây là giai đoạn trọng yếu đánh dấu sự chuyển mình của văn học dân tộc từ truyền thống đi qua hiện đại. Về Khái Hưng ông viết:

    “Hiện nay, nhà văn mà được nam nữ thanh niên yêu chuộng, được họ coi là hiểu biết tâm hồn họ hơn cả, có lẽ chỉ có Khái Hưng. Độc giả của ông không phải là chị thợ nhà máy diêm hay anh tài vặn ô tô như một vài nhà tiểu thuyết chủ trương, những thuyết cạn hẹp và thông thường. Độc giả của ông thuộc hẳn hạng thanh niên trí thức, mà trong số ấy phần đông là bạn gái. Khái Hưng là văn sĩ của thanh niên VN cũng như Alfred De Musset là thi sĩ của thanh niên Pháp thuở xưa.”

    Ngay cả những phê bình gia văn học Mác xít vốn rất chủ quan trong lập trường của họ, khi phân tích về giai đoạn văn học từ 1933 đến 1945 cũng đã phải công nhận:

    “Trong Tự Lực Văn Đoàn, Khái Hưng là nhà văn viết nhiều hơn cả. Viết nhiều và viết đều, ông đã được số đông thanh niên nam nữ, nhất là nữ tư sản, tiểu tư sản thành thị ưa đọc. Họ đã say sưa với “Hồn Bướm Mơ Tiên”, họ đem “Nửa Chừng Xuân” chuyển thành kịch nói, diễn đi diễn lại nhiều lần. Năm 1935, nhà sách Hương Giang (Huế) có trưng cầu ý kiến bạn đọc về thứ bậc nên dành cho các nhà văn thời đại. Khái Hưng được xếp thứ hai. Thời kỳ Mặt Trận Dân Chủ (CS), dù có những phong trào chính trị lôi cuốn, nhiều thanh niên vẫn tìm đến tiểu thuyết của Khái Hưng, cũng như sau này ở các đô thị miền Bắc, miền Nam xa nơi khói lửa chiến tranh, tác phẩm của ông vẫn là món ăn tinh thần được ưa chuộng. Điều này có nghĩa là Khái Hưng đã thỏa mãn được những yêu cầu cơ bản của lớp thanh niên thành thị.”

    Nếu như người ta thường nói đến ba nhà văn Pháp Jean Jacques Rousseau, Voltaire và Montesquieu đã gieo mầm tư tưởng tự do dân chủ trong nhân dân để dẫn đến cuộc cách mạng 1789, thì ở Việt Nam, nhóm Tự Lực Văn Đoàn, trong đó có Khái Hưng đã đi tiên phong mở đường cho cuộc cách mạng văn học cũng như cho cuộc cách mạng 1945. Khái Hưng đã tự chọn lựa con đường sử dụng văn tài của mình để bênh vực cho các tầng lớp nghèo khổ mà đa số là nông dân ít học, để rồi cuối cùng trở thành nạn nhân của chính họ.

    Xuất thân từ một gia đình quyền quý, thân phụ là tuần phủ đứng đầu một tỉnh trong ngạch quan lại Bắc Kỳ. Khái Hưng đã quyết định từ bỏ mọi danh vọng cao sang để đi vào con đường văn nghiệp phục vụ đại chúng. Cuộc đời viết văn của ông chỉ vỏn vẹn có trên mười năm (1933-1943) với những tiểu thuyết, truyện ngắn và kịch đã xuất bản hoặc được đăng trên báo Ngày Nay của Tự Lực Văn Đoàn.

    Người đương thời nói về tài viết của ông đã gọi ông là “một nhà thơ viết văn xuôi”. Tính đến năm nay, Khái Hưng đã qua đời hơn năm mươi năm (1947-1998), nhưng tác phẩm của ông thực sự đã đi vào lịch sử văn học VN ở vào thời kỳ chuyển mình đánh dấu một khúc rẽ quan trọng nhất.


    Nhạc sĩ NGUYỄN HIỀN

Working...
X