Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Nhạc Vàng, Nhạc Đỏ, Nhạc Xanh… - Trần Văn Giang

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Nhạc Vàng, Nhạc Đỏ, Nhạc Xanh… - Trần Văn Giang

    Lời giới thiệu:

    Vì tôn trọng nội quy của hội MDCR, bài viết dưới đây chỉ là bản hiệu chỉnh (edited version), có thay đổi từ bài dài hơn của tác giả (có nghĩa là một số đoạn ‘nhạy cảm’ có liên quan đến chính trị đã bị cắt bỏ). Nếu quý vị có nhu cầu đọc bản gốc thì xem theo đường ‘link’ ở cuối bài.

    TVG


    *







    Ảnh Quảng cáo đêm nhạc “Huyền Thoại Dòng Nhạc Tình” của Chế Linh
    ở Mỹ Đình – Hà Nội, ngày 12/11/2011.





    Ảnh Chế Linh với áo lính trận QLVNCH và bóng dáng 3 chiếc
    trực thăng UH1 phía hậu cảnh (bên tay phải của Chế Linh).



    Gần đây có rất nhiều lời bàn loạn về các dòng nhạc với đủ màu sắc (?) mà quý vị có thể tưởng tượng xuất hiện trên mạng ngay sau khi bài phỏng vấn nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 về việc “mổ xẻ” các hót / hét sĩ của làng âm nhạc Việt trong nước vừa mới được phổ biến. Tôi thật sự cũng hơi hoang mang khi đọc thấy và tự hỏi làm sao nhạc lại có nhiều màu như vậy (?). Lý do là vì từ trước tới bây giờ tôi (sinh ra ở miền Bắc, lớn lên ở miền Nam, và rồi tỵ nạn cs từ năm 1975) chỉ biết vỏn vẹn có hai dòng nhạc đơn giản: Nhạc Sến và Nhạc Không Sến… Chả thấy có màu mè nào cả (!)

    Trong “sự nghiệp tay trái” của tôi, tôi đã học được một bài học khá thú vị từ nhà bình luận thời cuộc nổi tiếng Andy Rooney (đã mất năm 2011 - Chương trình “60 Minutes” của CBS News):

    “Nếu bạn không biết rõ về một vấn đề gì thì cứ viết về vấn đế đó”

    (If you do not know very well about something, write about it.)

    Thành ra, xin nói trước là bài viết này được viết ra từ cái ý tưởng “nếu muốn biết cái gì?” của ông Andy Rooney.


    Nhạc Vàng

    Để bắt đầu, nếu nhìn vào vấn đề thời gian và không gian, không có gì thuận lý hơn là phải kể “Nhạc Vàng” trước tiên.

    Riêng hai chữ “Nhạc Vàng” được dùng lần đầu tiên vào những năm cuối của thập niên 60 ở miền Nam Việt Nam khi Ban “Nhạc Vàng” của nhạc sĩ Phó Quốc Lân ra mắt và trình tấu định kỳ trên đài truyền hình Sài Gòn. Sau đó, nhiều hãng phát hành băng nhạc, đĩa nhạc như hãng Hương Giang, Dạ Lan, Shotguns… cũng có ra những sản phẩm âm nhạc với danh hiệu “Nhạc Vàng.” Tuy vậy, đối với ngay cả những người sống ở miền Nam trước năm 1975 (như tôi) cũng không bao giờ để ý đến hai chữ “nhạc Vàng” cho đến năm 1975.

    Nhạc Vàng thật ra bao gồm rất nhiều thể loại nhạc. Được đại chúng hiểu rộng rãi với nhiều tên gọi khác nhau như: Nhạc tiền chiến, nhạc lãng mạn, nhạc tình, nhạc êm dịu… và gần đây tôi thấy có thêm 2 chữ nữa là “nhạc Nhẹ?!” (không biết có nhạc “Nặng” đâu hà?) Nhạc Vàng có tình quê hương, tình yêu lứa đôi, hoặc chỉ là nỗi niềm riêng tư, cá nhân về thiên nhiên, cuộc sống và cuộc chiến…

    Mặc dầu còn có rất nhiều tranh cãi về vấn đề: Ai là nhạc sĩ đầu tiên? Bài hát nào là bài hát đầu tiên? của nền tân nhạc Việt Nam; nhưng cho tới nay hầu hết những nhà phê bình âm nhạc đã công nhận nền tân nhạc Việt Nam chỉ thực sự thành hình vào khoảng năm 1938. Năm này được đánh dấu bởi buổi biểu diễn của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên ở Hà nội. Ông trình bày chính tác phẩm, những bài hát đầu tiên của ông khi đó qua 3 bài “Kiếp hoa,” “Bông cúc vàng,” và “Anh hùng ca.” Rất tiếc, những bài hát này chưa có giá trị nghệ thuật cao cho nên đã dễ bị đi vào quên lãng…


    Nhạc Tiền chiến (1938-45) / Nhạc Tình Lãng Mạn (? ~ 1954)

    Ngay sau thời kỳ phát khởi, nền âm nhạc Việt đã phát triển ở mức cao độ. Ở thời kỳ ban đầu (từ cuối thập niên 30 cho đến chiến tranh Việt Pháp bùng nổ - 1945), hầu hết các ca khúc đều là các bài mang tính chất lãng mạn trữ tình, giàu màu sắc văn học, trở thành bất hủ… có ảnh hưởng sâu đậm đến các sáng tác của nhiều nhạc sĩ của các thế hệ sau này. Các bài tiêu biểu là: Con thuyền không bến, Giọt mưa Thu, (Đặng Thế Phong); Thiên Thai, Trương Chi (Văn Cao); Biệt Ly (Doãn Mẫn); Khúc yêu đương (Thẩm Oánh); Bóng ai qua thềm (Văn Chung); Lá thư (Đoàn Chuẩn); Trường ca Hòn Vọng Phu (Lê Thương – Trường ca gồm 3 bài được Lê Thương sáng tác trong nhiều năm khác nhau).

    Dòng nhạc gọi là “Tiền chiến” không kết thúc vào năm 1945. Nó còn bao gồm cả những bài nhạc sáng tác sau 1945 (Tôi không biết có nên gọi nhạc sau 1945 là nhạc “Hậu chiến?” hay nhạc “Hội tề?” – tức là thời kỳ Việt Minh đang hoạt động mạnh?) như: Dư Âm (Nguyễn Văn Tý); Sơn Nữ Ca (Trần Hoàn); Trăng mờ bên suối (Lê Mộng Nguyên); Làng tôi (Chung Quân), Gửi gió cho mây ngàn bay (Đoàn Chuẩn); Ngày về (Hoàng Giác)…

    Tôi lấy làm lạ là có nhiều bài sáng tác mãi sau năm 1954 cũng được liệt vào loại nhạc tiền chiến như: Thuở ban đầu (Phạm Đình Chương); Hương Xưa (Cung Tiến) v..v..


    Nhạc Tình / Tình ca (1954-1975)

    Sau năm 1954, ở miền Bắc, loại nhạc trữ tình bị cấm triệt để. May mắn thay, dòng nhạc lãng mạn này theo nhạc sĩ di cư vào định cư ở miền Nam Việt Nam và được tiếp tay bởi các nhạc sĩ tài hoa miền Nam. Họ đã soạn ra những sáng tác âm nhạc giá trị chưa từng thấy như (*): Hoài Cảm (Cung Tiến), Mộng dưới hoa (Phạm đình Chương), Gọi người yêu dấu (Vũ Đức Nghiêm); Ngàn thu áo tím (Hoàng Trọng); Chiều tím (Đan thọ); Duyên Thề (Thanh Trang); Hoa soan bên thềm cũ (Tuấn Khanh); Suối tóc (Văn Phụng); Giấc mơ hồi hương (Vũ Thành); Thu sầu (Lam Phương); Tuổi 13 (Ngô Thụy Miên); Các bài không tên (Vũ Thành An); Giọt lệ cho ngàn sau (Từ Công Phụng); Yêu nhau khi còn thơ (Lê Uyên Phương); Trên đỉnh mùa đông (Trần Thiện Thanh); Chiều mưa biên giới (Nguyễn Văn Đông); Xin còn gọi tên nhau (Trường Sa); Nỗi lòng người đi (Anh Bằng), Mưa trên phố Huế (Lê Dinh, Minh Kỳ), Hà nội ngày tháng cũ (Song Ngọc)… Danh sách nhạc này dài vô tận, tôi không thể liệt kê ra hết trên mấy trang giấy này. Đây là một kho tàng văn hóa vô cùng quý báu của Việt Nam.

    ------------------
    (*) Người viết chỉ đủ giấy và thời giờ nêu ra một số các bài nhạc, tập nhạc (albums) tiêu biểu của một số nhạc sĩ tiêu biểu…



    Thời kỳ cấm Nhạc vàng sau năm 1975

    Sau năm 1975, ở Việt Nam, danh từ “nhạc Vàng” được dùng để chỉ bao gồm tất cả những tác phẩm âm nhạc ở miền Nam ra đời trong thời kỳ đất nước chia đôi và dòng nhạc này bị cấm tuyệt đối trên các phương tiện truyền thông trong nước. Cũng như những đề mục văn hóa khác ở miền Nam, âm nhạc Miền Nam bị gán thêm các nhãn hiệu khác như là “nhạc phản động” hoặc “đồi trụy,” vì theo chính quyền, nhạc Vàng chỉ để “ru ngủ,” không thể hiện được “con người xã hội chủ nghĩa lý tưởng (?)” Kết quả là nhiều sản phẩm văn hóa trong đó có băng cassette, đĩa nhạc cùng những bài vở tài liệu ghi chép liên quan đến nhạc Vàng bị đốt, tiêu hủy không thương tiếc, không nương tay. Dầu gì đi nữa, trong thâm tâm của người dân trong Nam lẫn ngoài Bắc vẫn ưa thích nhạc Vàng; vì nhạc Vàng, và chỉ có nhạc Vàng, mới nói lên được tình cảm cá nhân không bị bó buộc vào tập thể. Nhạc Vàng do đó còn hàm ý “Vàng,” một quý kim thật. Người nghe muốn nghe phải nghe lén lút vì nó luôn luôn nói lên được cái tâm trạng “riêng tư” của con người; trong khi xhcn chỉ cho phép nói lên cái ý thức hệ chung của tập thể. Dù phải nghe trộm qua những buổi phát thanh của VOA, hoặc BBC từ hải ngoại, người trong nước vẫn cố gắng tìm nghe bất chấp hình phạt của luật pháp. Có thể nói nhạc Vàng vẫn tiếp tục chiếm địa vị quan trọng trên thị trường âm nhạc và được dân chúng ngày càng ưa chuộng hơn. (vắn tắt theo Wikipedia).

    Cũng nên biết, ngoài Bắc Việt Nam trong thời kỳ chia đôi đất nước, có ông Nguyễn Văn Lộc ở Hà Nội, thiên hạ tặng ông biệt danh “Lộc Vàng,” chỉ vì sự đam mê của ông Lộc thích ca hát nhạc Vàng tới “quên cả cái chết.” Nhạc Vàng khi ấy đang bị “cấm” và bị coi là “văn hóa đồi trụy.” Nhưng vì quá mê nhạc Vàng, ông Lộc Vàng đêm đêm tụ tập với bạn bè ở nhà để hát. Ông bị chính quyền cs bắt giam vì tội “tuyên truyền văn hóa đồi trụy,” bị khép án 10 năm tù và 4 năm quản thúc (tổng cộng 14 năm), sau được giảm án xuống 8 năm tù và 4 năm quản thúc (12 năm).

    Từ sau năm 1975, dòng nhạc Vàng (nhạc Tình) một lần nữa theo người dân tỵ nạn cs ra hải ngoại. Đối với người Việt hải ngoại thì nhạc Vàng trở thành một dòng nhạc chính trong thị hiếu người nghe nhạc.

    Cho mãi đến năm 1982, sau khi Mỹ hết cấn vận và nền kinh tế tập trung bao cấp được định hướng lại – còn được gọi là thời kỳ “đổi mới,” là “kinh tế thị trường” - mà nền nhạc Vàng bùng phát trở lại như sóng vỡ bờ; không tài nào ngăn chặn được nữa.


    Nhạc Vàng của bên thắng cuộc (!?)


    Thật oái oăm, năm 2005 tôi có dịp phải trở về Bắc Việt Nam để thăm quê đất tổ kể từ 1954, có nghĩa là sau 49 vừa di cư vừa tỵ nạn. Trong chuyến đi này, tôi bất đắc dĩ phải tạm trú vài ngày (booking at the last minutes) tại Khách sạn “Lakeside” ở quận Ba Đình, Hà Nội. Buổi sáng, thức dậy, đi xuống nhà hàng ăn ở tầng dưới đất của để ăn sáng - cũng nên biết thực khách chỉ toàn là người Đại hàn, Đài loan và Việt kiều; và dĩ nhiên nhân viên phục vụ là người Việt - tôi rất đỗi ngạc nhiên khi nhà hàng, qua dàn âm thanh “speakers” rất “cơ khí” gắn trên trần nhà, chơi toàn nhạc lính VNCH (instrumental / nhạc hòa tấu không có lời hát) trước năm 1975. Một vài bài rất quen thuộc mà tôi đã nghe và thích ngày trước như “Người ở lại Charlie,” “Anh không chết đâu anh…”

    Như quý vị đã thấy bây giờ, hôm nay, nhạc Vàng được trình bày công khai sống (live) hay qua DVD (video) tứ phía: Concerts, khách sạn, quán ăn, trên xe đò… Mọi người cùng “vô tư” thưởng thức một cách thích thú mới chết người!


    Nhạc Đỏ

    “Nhạc Đỏ” còn gọi Nhạc “cách mạng” là những ca khúc hát về “cách mạng,” được sáng tác để ca tụng nhan sắc cũng như sự nghiệp “kíu nước” của HCM, sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chủ nghĩa mác-lê vô địch.

    Các bài hát tiêu biểu của nhạc đỏ là: “Cây chông tre,” “Cô gái vót chông,” “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn,” “Tiếng chày trên Sóc Bom bo,” “Trường sơn Đông, Trường sơn Tây,” “Rừng xanh vang tiếng Ta lư,” “Như có Bác Hồ trong ngày dzui đại thắng,” “Hồ chí minh đẹp nhất tên người,” “Bác đang cùng chúng cháu hành quân,” “Lời bác dặn trước lúc đi xa,” “Đêm nghe tiếng đò đưa nhớ bác,” “Năm anh em trên một chiếc xe tăng,” “Hò kéo pháo…” Nhịp điệu thì phần lớn loại quân hành dồn dập, lời hát thì líu lo - nghe phớt qua tưởng là đang nghe hát tiếng tàu… Thiệt tình!!!

    Cũng từ sau năm 1982 (sau khi Mỹ hết cấm vận và bắt đầu thời kỳ “đổi mới”) thì nhạc Đỏ có vẻ có dấu hiệu đang từ từ xếp hàng cả ngày đi thẳng vào viện bảo tàng… Có cho thêm tiền thì dân cũng không muốn nghe nhạc Đỏ; trong khi dân chúng có thể dám bỏ tiền hàng trăm đô la mua vé để đi nghe nghe các ca sĩ “phản động” hát nhạc “đồi trụy.” Như nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã nói: “… rồi sẽ tự động chết bởi vì ‘những gì’ không hay sẽ không thể tồn tại… Tôi tin tưởng như vậy. Đời tôi không thấy, nhưng đời con đời cháu tôi sẽ thấy điều này…”


    Nhạc Xanh (hay Nâu?)

    Sau khi đã viết tạm xong hai mục nhạc Vàng và nhạc Đỏ, tôi đã định dừng bút thì một anh bạn đồng môn của tôi đã nhắc nhở thêm: “Này, còn có một loại nhạc nữa gọi là nhạc ‘Xanh.’” Anh bạn đồng môn cũng cho biết thêm loại “nhạc Xanh” này cùng nằm chung với mảng “Nhạc Đỏ” cách mạng; và nó không phải là nhạc trẻ hay nhạc thiếu niên mà là loại nhạc gồm những bài ca kêu gọi toàn dân tăng gia sản xuất (!) chứ cũng không phải loại nhạc dạy con người biết yêu thiên nhiên, biết bảo tồn môi sinh. Màu Xanh (màu sản xuất) mà trộn với màu Đỏ (cách mạng) thì phải là màu Nâu… Thành ra phải gọi loại nhạc “cách mạng” kêu gọi “sản xuất” này là “Nhạc Nâu” mới chỉnh!

    Chúng ta thấy các bài nhạc xanh tiêu biểu như: “Mùa Xuân trên nông trường Lê Minh Xuân,” “Hát trên nông trường xanh,” “Bài Ca 5 Tấn,” “Chị Tư 3 Đảm Đang,” “Con Kênh Xanh Xanh"...

    Những bài nhạc Xanh hấp dẫn đến nỗi chi sau 3-5 năm không còn thấy một ai hát nữa và chính tác giả còn không nhớ là anh ta đã có lần kêu gọi, thúc đẩy dân chúng tang gia sản xuất qua những "đứa con tinh thần mầu Xanh" như vậy!


    Nhạc Da Cam (!?)

    Tôi cam đoan sẽ có nhiều đọc giả lắc đầu, thắc mắc ngay:

    “Cái gì? Màu da cam? Làm quái gì có nhạc màu Da Cam?

    Dạ thưa quý vị, tôi chỉ đã mơ mộng giữa ban ngày, tiên đoán vớ vẩn theo loại chó ngáp phải ruồi là sẽ có loại nhạc với màu “Da cam” (do kết quả của sự pha trộn màu Vàng với màu Đỏ) có thể còn được gọi là “Âm nhạc hòa hợp hòa giải dân tộc!” xuất hiện trong những ngày sắp tới các phong trào “kiều vận,” qua các bản nghị quyết… kêu gọi “xóa bỏ hận thù,” “hòa hợp hòa giải dân tộc,” “trở về góp sức xây dựng quê hương,” “quê hương là chùm khế ngọt…”

    Mà thật! Chuyện gì có thể xẩy ra, đã xẩy ra (Đấy! Tôi đoán có sai đâu!) Nhạc "Da Cam" bây giờ đang bắt đầu thâm nhập, mọc rễ rất sâu và trổ hoa tứ tung, rồi cứ thế mà “phất phơ trên đỉnh bình yên," khắp nơi. Điển hình có các bài “Về đây đi em” (Trần Quang Lộc) kêu gọi kiểu “Để hận thù người người lắng xuống …” hay bài “Quê hương” (Nhạc Giáp Văn Thạch, thơ Đỗ Trung Quân) với “Quê hương là chùm khế ngọt.”

    Không biết rồi âm nhạc Việt Nam sẽ còn mang thêm màu sắc gì nữa từ cái cầu vòng màu sắc (Rainbow)? Chờ xem.
    _______
    Phụ chú:

    Nhạc sĩ Nguyễn Anh 9 trong bài phỏng vấn “mổ xẻ” các hót sĩ trong nước… có đề cập đến hai chữ “Thanh nhạc.” Chữ “Thanh” (trong “Thanh nhạc”) ở đây không có gì dính dáng gì đến màu sắc. Thanh chỉ có nghĩa là “âm thanh” (Vocal / Human Instruments) do thanh quản (nói nôm na là cuống phổi / hay cuống họng? cũng được) phát ra. Thanh nhạc là cách, là kỹ thuật trình bày chứ không phải là một loại nhạc.

    Thanh nhạc là kiểu nhạc với yếu tố chủ chốt nhất là giọng hát của ca sĩ. Ở đây, giọng hát của ca sĩ được xem là nhạc cụ chính của bản nhạc. Thanh nhạc có thể được một hoặc nhiều ca sĩ trình bày, chỉ dùng giọng hát hoặc có phần đệm đại khái của nhạc cụ. Cũng cần phân biệt với thể loại “a cappella” (loại hát hoàn toàn không có nhạc đệm) trong đó giọng hát vẫn được xem là tiêu điểm nhưng các ca sĩ còn dùng giọng hát để thay thế cho toàn bộ nhạc cụ đệm. Các ca sĩ hát thanh nhạc đôi khi được gọi là “vocalist.”

    Chúng ta thấy các ca sĩ miền Bắc Việt Nam hay sử dụng kỹ thuật thanh nhạc. Tại sao vậy? Vì trước đây các văn công ngành ca hát (thợ hát) của vi-xi đi theo bộ đội vượt Trường Sơn, vì không có, hay không thể mang theo những dàn âm thanh tốt nặng nề… phải chú trọng và tùy thuộc nhiều về phần cuống họng có sẵn trong cổ, khỏi phải đeo nhạc cụ.

    Trái lại, các ca sĩ miền Nam Việt Nam (thời VNCH) không có ai quan tâm về việc hát thanh nhạc vì khi phải hát, họ luôn luôn được hát với các dàn âm thanh và khí cụ tân tiến. Chẳng hạn như dàn âm thanh vĩ đại của các phòng trà ca nhạc, các buổi đại nhạc hội…


    Trần Văn Giang
Working...
X