Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

CHÚT CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ " Hồ Tây Tức cảnh " của TG Ngọc Thanh (PVT)

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • CHÚT CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ " Hồ Tây Tức cảnh " của TG Ngọc Thanh (PVT)

    CHÚT CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ " Hồ Tây Tức cảnh "

    06-02-2012


    HỒ TÂY TỨC CẢNH

    Bên quán Hồ Tây, một buổi chiều
    Giữa mùa lá rụng, gió hiu hiu…

    Dăm con buồm trắng trôi lờ lững,
    Đôi cánh chim xanh lượn dập dìu.
    Men rượu Lưu Linh chừng (1) thấm thía,
    Hồn thơ Lí Bạch ý(1) phiêu diêu.
    Người đây, cảnh đấy, ai tri kỉ…
    Văng vẳng xa đưa tiếng nhạc Thiều.

    Cụ Việt Thanh Phạm Vũ Lộc, năm nay 91 tuổi được biết đến là một tác giả say mê thơ và có nhiều sáng tác thuộc nhiều thể loại khác nhau. Tôi đã nhiều lần đọc và nghe thơ của cụ. Nhưng ấn tượng đậm nét nhất trong tôi là ở thể loại thơ Đường luật. Theo tôi biết thì ở làng Đôn Thư, cụ Lộc được đánh giá là cây đại thụ rất am tường về thể thơ này. Đọc thơ Đường luật của cụ Lộc, điều dễ nhận thấy là rất chuẩn chỉ về câu chữ, niêm luật với những nguyên tắc khắt khe, chặt chẽ. Và người ta có thể cho rằng những bó buộc về niêm luật sẽ làm cho thơ trở nên khô cứng, công thức. Vậy mà, ở nhiều bài thơ của cụ Lộc, niêm luật không ràng buộc được sự cất cánh của tứ thơ, từ ngữ, câu chữ và tâm hồn lãng mạn đầy xúc cảm của người sáng tác. Trong phạm vi bài này, chỉ xin bày tỏ sự cảm nhận thoáng qua về một bài thơ Đường luật của cụ Lộc:

    Ai đã từng đến Hồ Tây- Hà Nội sẽ có cảm nhận riêng về cảnh sắc nơi này. Cụ Lộc xúc cảm trước cảnh Tây Hồ trong một buổi chiều mùa thu. Hai câu thơ đầu chỉ là giới thiệu như nhiệm vụ quen thuộc của nó trong bài “bát cú”. Địa điểm, thời gian được nói tới một cách cụ thể nhưng vẫn gợi được cảm giác thơ mộng khác thường. Đó phải chăng là nhờ tác giả miêu tả được cái gió đặc trưng của mùa thu Việt Nam “gió hiu hiu”. Từ láy “hiu hiu” không chỉ gợi cho người đọc cảm giác về cái gió heo may nhè nhẹ, xao xác mà còn gián tiếp gợi tả một nỗi bâng khuâng, man mác rất nhạy cảm của tâm hồn thi sĩ. Hoàn cảnh thơ như báo hiệu một vẻ riêng tư kín đáo trong tâm trạng tác giả.

    Quả thật, đọc 4 câu thơ tiếp theo, người vô tình đến mấy cũng cảm nhận được nỗi bâng khuâng, mơ hồ, bàng bạc trong tâm trạng nhà thơ. Cảnh thiên nhiên tưởng là thật mà lại như hư, tưởng như có mà lại như không, tưởng như hiện hữu mà lại mơ hồ, tưởng động mà lại là tĩnh. Người làm thơ như đang để tâm hồn đắm chìm vào cảnh vật đến miên man. Ta hãy để ý các từ ngữ miêu tả thiên nhiên: “Dăm con buồm trắng”, “Đôi cánh chim xanh”, “Men rượu”, “Hồn thơ” và tâm trạng con người: “Chừng”, “Ý”. Tất cả đều không hề xác định cụ thể, rõ ràng. Đặc biệt, bốn từ láy đặc tả đặt ở cuối bốn câu thơ thì thật không có gì tuyệt hơn. Nhà thơ đã tìm được những từ diễn tả thiên nhiên và con người chính xác và tinh tế đến độ thần tỉnh. Con người hoà quyện vào thiên nhiên trong một trạng thái cực kì ngất ngây, mơ mộng. Cảnh dường như chỉ tồn tại trong tâm tưởng người thơ say sưa vì men rượu Lưu Linh, phiêu diêu cùng hồn thơ Lí Bạch, tưởng như ở ngay trước mắt mà lại ảo huyền, xa xăm quá. Đúng là cái cảm giác của người say rượu, say thơ thả hồn vào thiên nhiên thơ mộng.

    Đến hai câu kết, nhà thơ mới như chợt dứt ra khỏi trạng thái huyền ảo, bay bổng cùng thiên nhiên để trở về thực tế với một câu hỏi thảng thốt. Nhưng tìm được bạn tri kỷ đâu phải dễ. Ai đó biết cho lòng ta chăng để có thể sẻ chia cùng ta phút giây hiếm hoi của niềm say mê, ngây ngất? Hay chỉ tiếng nhạc thiều văng vẳng, cũng mơ hồ, xa xăm như lòng người vậy.

    Bài thơ mang phong vị cổ điển rất thú vị, chuẩn chỉ về niêm luật, kết cấu, về yêu cầu đối nhau chặt chẽ ở hai câu thực, luận; ngôn ngữ chính xác, điêu luyện, phong phú, tinh tế mà vẫn tự nhiên, thoải mái, sinh động.

    Như thế đấy, thơ Đường luật không hề gò bó như ai đó vẫn tưởng. Phải chăng sự gò bó lại chính là ở tâm hồn, xúc cảm, ở khả năng chiếm lĩnh thiên nhiên, cuộc đời, khả năng vận dụng ngôn ngữ của từng tác giả.

    NGỌC THANH (PHẠM VŨ THANH)
Working...
X