Vi Khuê là bút hiệu của một phụ nữ sinh trưởng tại Huế, tên thật là Trần Trinh Thuận. Thi tập đầu tay của Vi Khuê xuất bản năm 1971 tại VN là “Giọt Lệ”. Từ ngày lưu vong ra hải ngoại, bà ấn hành một loạt tác phẩm, gồm: Cát Vàng - thơ 1985, Ngựa Hồng Trên Đồi Cỏ - văn 1986, Tặng Phẩm Tình Yêu - thơ 1991 - Những Ngày Ở Virginia - văn 1991, Vẫn Chờ Xe Thổ Mộ - văn 1993, Hoa Bướm Vườn Thơ Tôi - thơ 1994, Thơ Vi Khuê - băng & CD, Thơ Trong Mưa và Hoa - thơ 2001 (Tuyển tập Việt-Anh-Pháp Ngữ), Vi Khuê văn nhiều thể loại 2008. Trước năm 1975, Vi Khuê cộng tác với 2 đài phát thanh Huế & Đà-Lạt trong công việc: Xướng Ngôn Viên, Biên Tập Viên & Diễn Viên Thoại Kịch. Trong Đại Hội Văn Chương Phụ Nữ Việt Nam Toàn Cầu kỳ 2 năm 2010, nữ sĩ Vi Khuê đã được vinh danh trước cộng đồng về sự nghiệp văn hóa.
Bà là phụ nữ VN đầu tiên có tên trong Tự Điển Tiểu Sử Nhân Vật Quốc Tế (Dictionary of International Biography) ấn hành tại Cambridge (Anh Quốc), và Tự Điển ABI (American Biographycal Institute, Inc.) ấn hành tại Hoa Kỳ.Trước năm 1975, Vi Khuê đã tốt nghiệp Cử Nhân Văn Chương Việt Hán, và là Hiệu Trưởng trung học đệ nhị cấp Văn Khoa tại Đà-Lạt. Sau đây là phần phát biểu cũa nữ sĩ Vi Khuê về thi văn sĩ Quốc Nam tại Đại Học Luật Khoa George Mason (vùng Thủ Đô Hoa Kỳ) ngày 7 tháng 6 năm 2003:
Trên con đường gian nan khúc khuỷu của kiếp lưu vong -đường đi càng khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì đoạn trường vượt núi băng sông, đương đầu với cả đại dương ầm ầm sóng vỗ- ông bạn Quốc Nam của chúng ta đã có đủ can trường, tài năng và nhẫn nhục san bằng bao chướng ngại, để trở nên một người có tầm vóc, thành công về nhiều phương diện. Như đã được ghi nhận đó đây, Quốc Nam chẳng những từ tuổi thanh niên ở quê nhà đã từng xông pha tên đạn trong hàng ngũ những người lính Alpha Đỏ... mà từ khi ra hải ngoại, đã lần lượt đảm nhiệm một số vai trò khá quan trọng như:
- Chủ Bút bán tuần san Tre Xanh từ trại tị nạn Hongkong năm 1975.
- Chủ Bút tạp chí Hoài Hương vào năm 1976, sau này đổi tên là báo Đông Phương.
- Từ năm 1976, thành lập Cơ Sở Văn Hóa Đông Phương chủ trương xuất bản sách báo, văn thơ nhạc, trình diễn văn nghệ, khám phá tài năng mới (văn chương và ca nhạc).
- Chẳng những là người từ năm 1987, đã sáng lập Giải Quốc Tế Ca Sĩ Tượng Vàng Việt Nam, có ảnh hưởng sâu rộng trong tập thể người Việt khắp năm châu.
- Anh lại là người đã có sáng kiến đặt tên thật dễ thương cho thành phố San Jose là “Thung Lũng Hoa Vàng”, và khai sinh cho tiểu bang Washington một tên thơ mộng khác là “Cao Nguyên Tình Xanh”.
- Và còn nhiều nữa...
Anh Quốc Nam chẳng những, đã cùng một vài đồng nghiệp khởi xướng “Chiến Dịch Tình Thương Dưới Ánh Mặt Trời” ở miền Bắc Cali, quyên góp được gần 100 ngàn Mỹ-kim cứu giúp đồng bào vượt biển; lại còn, vào năm 1991, thực hiện “Ngày Thi Ca Việt Nam” được sự hưởng ứng mua vé tham dự của hơn 500 khách yêu thơ.
Năm 1993, tại miền Tây Bắc Hoa Kỳ, anh đã tạo dựng đài phát thanh Việt Ngữ “Saigon Radio”.
Chưa hết, những đóng góp nêu trên đã được kể như thành tích, khiến cho vào khoảng 1992-1994, “nhà hoạt động” Quốc Nam được tuyên dương là “Chiến Sĩ Văn Hóa Việt Nam” bởi Hội Sinh Hoạt Văn Hóa tiểu bang Louisiana (USA) và Hội Cựu Quân Nhân QLVNCH tại Ontario (Canada).
Nhưng, vấn đề chính của hôm nay, thưa qúy vị, Quốc Nam còn là một tác giả - nhà thơ nhà văn với một số tác phẩm đã xuất bản, mà trong đó có 2 tập thơ “Quê Hương Nước Mắt & Người Tình Quê Hương” vừa được tái bản, cùng được trình làng văn học miền Đông Hoa Kỳ, trong không khí thân mật của hội trường quen thuộc này.
Giờ đây, xin mời qúy vị cùng chúng tôi đi vào tác phẩm của Quốc Nam:
I) Quê Hương Nước Mắt.- Dĩ nhiên, đó là tiếng khóc của tình yêu nước thương nòi, gọi là Tình Tự Quê Hương, Tình Tự Dân Tộc. Có hơn một độc giả trong hàng ngũ tị nạn đã nồng nhiệt kêu lên, qua những lời thư gởi người sáng tác: “Ngày nay, lâm vào cảnh lưu vong -vong gia thất thổ- chúng tôi thật bồi hồi xúc động đón nhận những giọt lệ gắn liền với quê hương đó, để chúng ta cùng khóc Mẹ Việt Nam khổ đau, và tích cực góp phần vào công cuộc giải phóng Quốc Gia, để còn mong ngày về...”
Với tác phẩm này của Quốc Nam, đã có khá nhiều nhận định tán thưởng. Từ những tên tuổi trong sinh hoạt văn học nghệ hải ngoại, như Linh mục nhà văn Lã Mộng Thường, LM chủ báo Việt Châu, sử gia Cao Thế Dung, cựu Thượng Nghị sĩ bình luận gia Phạm Nam Sách, cựu Thiếu Tướng Bùi Đình Đạm v.v... Riêng kẻ có hân hạnh góp phần phát biểu cảm nghĩ hôm nay, cảm thấy thật tình xúc động trước chỉ vài câu ngắn ngủi như nghẹn ngào của Tác giả “Hồi Ký Một Đời Người” Phạm Ngọc Lũy, thuyền trưởng con tàu định mệnh Trường Xuân. Cụ viết: “Tôi nghĩ thơ Quốc Nam chắc chắn làm xúc động nhiều tâm hồn, vì quê hương chúng ta đang chịu quá nhiều đau khổ, toàn dân đang khóc ra máu mắt!” (Máu mắt, chữ nhấn mạnh, chứ không phải là nước mắt mà thôi).
Tác giả Quê Hương Nước Mắt đã bước xuống con tàu Trường Xuân lìa xa đất nước, trong tâm trạng “Kẻ đào ngũ của quê hương khổ đau”:
... Tôi nhục nhã trong tôi,
Kẻ bỏ nước ra đi
Bỏ anh em ở lại
Bỏ đồng đội gian nguy.
... Ta lưu đày ta một đời giãy chết,
Nắng phiền buồn theo nước mắt tuôn rơi.
Đêm quê hương lời kinh đã rã rời,
Ta trở giấc giữa Hoa Kỳ chói sáng.
(trích “Quê Hương Nước Mắt”)
Để rồi từ đó, trên con đường lưu vong, buổi chiều nào cũng là những hôn mê:
Ta hôn mê những chiều xa cố xứ,
Ly rượu nồng sao phá nổi cơn đau.
Nhớ Việt Nam từng dốc đá nhịp cầu,
Quê nghèo đã nuôi ta thành bất khuất.
(trích “Quê Hương Nước Mắt”)
“Kẻ Đào Ngũ Của Quê Hương Khổ Đau” với những chữ như xoáy vào niềm ăn năn đầy mặc cảm của kẻ tự nhận phần trách nhiệm “làm mất nước” về mình, ngày đêm ray rứt tâm can. Theo tôi, là một bài thơ sống động với hình ảnh của nhà thơ, đã thể hiện nhiệt tình cao độ đối với quê hương đất nước khi tự nhận là kẻ đào ngũ phải cúi đầu nhận tội.
II) Người Tình Quê Hương.- Đã 30 năm rồi, trên 2 triệu người VN nối tiếp nhau bỏ nước ra đi, đến bây giờ tan tác khắp năm châu, tình cảm thiết tha ray rứt thuở ban đầu đối với quê hương có còn như cũ? Hay là chính những kiếp tắm nhả tơ kia, giờ đây, đôi khi giật mình nhớ lại thời dĩ vãng “quá độ bàng hoàng” ấy, cũng phải lấy làm lạ lùng: Sao thế nhỉ? Sao lại khóc than nhiều đến thế? Con người ta sống, cũng phải có lúc trở lại với những tình cảm tự nhiên của con người bình thường, muôn thuở muôn nơi chứ? Giai đoạn hưng thịnh nhất của thi ca đời Đường bên Trung Hoa kéo dài đến 300 năm, cũng đâu có mấy bài thơ xuất chúng lấy đề tài từ Tình Tự Dân Tộc, Đất Nước Quê Hương? Thế mà, nhà thơ Quốc Nam của chúng ta, sau “Quê Hương Nước Mắt” từ năm 1987, đã có “Người Tình Quê Hương” vào năm 1999.
Nhưng, dầu là viết “Quê Hương Nước Mắt” hay “Quê Hương Người Tình” thì quê hương vẫn là quê hương. Quê hương như một nhắc nhở đêm ngày, như một ám ảnh không rời tâm tư người lưu lạc!
Có tiếng ai đó thì thầm bên tai: “Tôi nghĩ, thơ ai, dầu có hay đến mấy, mà không phải viết vì Quê Hương trong giai đoạn “bầy chim bỏ xứ” này, thì làm sao xứng đáng được đồng bào kính trọng?” Có lẽ ý thức rõ điều này hơn ai hết, nên đôi khi tạm chùi đi giọt lệ còn mằn mặn trên môi để nghĩ đến người tình, nhà thơ của chúng ta vẫn gọi: Người-tình-quê-hương. Này đây, thưa qúy vị:
... Em có quê hương bạt ngàn lúa chín,
Giòng Hậu Giang xuôi chảy đến bao giờ.
Em có hồn xanh ngát một màu thơ,
Tôi đứng đó mà yêu thương đã mở.
... Từ xa xứ tôi như trời ốc đảo,
Đã cô đơn từ đầu kiếp lưu dân.
Bỗng gặp em hình ảnh một Việt Nam,
Trong ánh mắt là tình quê vĩnh cửu.
(trích “Người Tình Quê Hương”)
Hồn em là Quê Hương, ánh mắt em là Quê Hương, và áo dài em mặc cũng là Quê Hương:
Em ạ, tôi yêu màu áo tím,
Bóng hình mở sáng một quê hương.
Mốt mai trên nẻo đường vô định,
Tà áo em dài những nhớ thương.
***
Nghĩ cho cùng, về nội dung, không có gì khác lạ giữa thơ Quốc Nam với cả rừng thơ văn hải ngoại thuở ban đầu tràn ngập hai tiếng “Quê Hương”. Nữ sĩ Thanh Phương cất lên tiếng khóc đầu tiên “Quê hương qua ngấn lệ”; Luân Hóan “Hơi thở Việt Nam”; Hoàng Xuân Sơn “Quê nhà như một vết thương”; Trần Mộng Tú “Quê hương càng nhớ, lòng càng đau”; Chu Vương Miện với tiếng kêu trầm thống “Đất nước”; Du Tử Lê “Nhìn nhau chợt thấy ra sông núi”, trong tập này có một bài yêu quê hương được nhắc nhở nhiều, có thể nói bài “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển” là bài thơ hay của Du Tử Lê trong dòng thơ lưu vong.
- Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển,
Đời lưu vong không cả một ngôi mồ.
Vùi đất lạ thịt xương e khó rã,
Hồn không đi sao trở lại quê nhà?
- Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển,
Nước ngược dòng sẽ đẩy xác tôi đi.
Bên kia biển là quê hương tôi đó,
Rặng tre xưa muôn thuở vẫn xanh rì...”
Nay, với hai thi tập của Quốc Nam, cũng có hơn một nhận định tán thưởng tương tự, từ một người yêu thơ: “Quê Hương Nước Mắt là một cuốn sách do Cơ Sở Văn Hóa Đông Phương xuất bản lần thứ nhất vào năm 1987, từng được nhiều người quốc gia yêu nước khắp nơi đón nhận nồng nhiệt, và đã trở thành tập thơ đầu tiên ở hải ngoại in đi in lại tới 4 lần, trong khoảng thời gian chưa đầy nửa thập niên”.
Và, ông Anh Lê (nhà văn) ngay ở trong tập thơ đầu tiên ấn hành tại hải ngoại của Quốc Nam, đã có lời viết xem ra vừa chân thành vừa chất phác, như sau: “Thơ Quốc Nam đã đánh mạnh vào tâm lý chung của quần chúng. Cái khéo của anh là đã kết hợp được cả Đời vào Đạo, hay ngược lại Đạo vào Đời. Do đó, anh được cả Cha lẫn Sư ưu ái hỗ trợ, cả Ni lẫn Sơ quý mến, nên anh không cần đem thơ ra rao bán mà sách anh vẫn bay đi khắp bốn phương trời, để anh liên tiếp in tới lần thứ tư. Như qúy vị đã biết, ít thi tập nào dám gồng mình tái bản, chứ nói chi thêm 3 lần tái bản (vị chi là 4 lần) như tập Quê Hương Nước Mắt. Dĩ nhiên thơ Quốc Nam phải có nét đặc thù nào đó, nếu không phải như lời tôi mạo muội nêu trên?”
Riêng phần tôi thì không phải là đến bây giờ, mà từ năm 1992 xa xôi, với bút hiệu Đoàn Văn phụ trách trang Văn Học Nghệ Thuật trên nguyệt san Diễn Đàn ngày ấy, đã có dịp giới thiệu tập Quê Hương Nước Mắt rồi. Tới nay, tác giả còn giữ và sao gởi cho tôi. Xem lại thì lạ quá, ngày ấy tôi đã không bàn gì về tác phẩm, mà lại chỉ nhấn mạnh ở một điểm. Tôi đã viết: “Có điều trước tiên cần phải nói: Quả thật, Quốc Nam là một thi sĩ hiện đại có diện mạo rất đặc biệt, ở trong hình cũng như ngoài đời. Cặp mắt với cái nhìn nghiêng và đôi môi ngậm kín, thật nghiêm chỉnh và thật nên thơ”. Nay tôi xin thêm: “Có lẽ diện mạo ấy, với miệng cười khi cởi mở, cũng là yếu tố góp phần vào sự thành công của thi sĩ Quốc Nam trong tác phẩm đã in đi in lại, cũng như ở ngoài đời?”
Chúng tôi xin mừng sự thành công của anh, cùng với cử tọa hôm nay.
Virgina, Hoa Kỳ, June 07, 2003
VI KHUÊ
___________________________
Chú thích tấm hình:
Nữ sĩ Vi Khuê (mang kính đen) trong Đại Hội Văn Chương Phụ Nữ VN Toàn Cầu kỳ 2 ngày 15 tháng 8 năm 2010 tại Thủ Đô Mỹ Quốc. Hình từ trái qua phải: Thi sĩ Quốc Nam, nữ sĩ Vi Khuê, cây bút trẻ Thái Hòa & nhà truyền thông Như Hảo (Giám Đốc Mẹ VN Radio & Global TV, California). Photo by Henry Nguyễn.