Ngày Tết, nghe ‘Mùa Xuân Đầu Tiên,’ nhạc mùa chinh chiến của Tuấn Khanh
Người ta cũng có thể hiểu “Mùa Xuân Đầu Tiên” ở đây chính là ước vọng của tác giả về một ngày mai tươi sáng khi hòa bình trở lại trên đất nước đã bao năm lầm than vì chiến tranh tàn khốc, hết chiến tranh chống thực dân Pháp, quân phiệt Nhật, lại tới cuộc nội chiến Nam-Bắc vì khác biệt ý thức hệ ngoại lai.
Nhạc phẩm “Mùa Xuân Đầu Tiên” của Tuấn Khanh ra đời năm 1966 giữa lúc cuộc Chiến Tranh Việt Nam bước vào giai đoạn khốc liệt và tàn bạo nhất, tức là sáu năm sau khi Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam của Cộng Sản Bắc Việt chính thức khởi động cuộc chiến tranh xâm lược để thôn tính miền Nam tự do.
Tác phẩm cũng ra đời sau một năm khi hàng trăm ngàn quân chiến đấu Mỹ đổ bộ vào miền Nam Việt Nam để trợ giúp Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc chiến đấu bảo vệ phần còn lại của đất nước Việt Nam khỏi bị Cộng Sản thôn tính.
“Bao nhiêu thương nhớ gom nhặt đầy anh trở về thăm em/ Bao lần ngồi thâu đêm nghe mùa Xuân vừa đến/ Em ơi hoa thắm rơi ngập đường trời nắng xế vương vương/ Lòng nhớ tới em luôn khi chiều tàn chim gọi đàn.”
Biết chắc rằng mùa Xuân đã đến rồi, anh chiến sĩ Cộng Hòa trở về thăm người em gái năm xưa với bao niềm thương, nỗi nhớ trong một chiều vương nắng trên lối về giăng mắc hoa thắm rơi rơi. Tiếng chim gọi đàn như khơi gợi niềm nhớ nhung người bạn lòng mà vì chiến cuộc đang lan tràn anh đành lòng xa cách.
“Em ơi đôi lúc nghe lòng buồn trên sườn đồi thông xanh/ Sương phủ đầy vai anh canh tàn trăng mờ ánh/ Long lanh sao rớt vương đầy trời dòng cát trắng bao la/ Chờ sáng đến chim ca cho đường dài cũng không xa.”
Trên đường về, qua những đồi thông vi vút và dưới ánh trăng mờ bên suối, lặng ngắm những ánh sao rơi, lòng anh bâng khuâng nhớ về em và cứ mong sao cho trời mau sáng để được nghe tiếng chim ca mà quên đi dặm đường xa tít.
“Người yêu ơi! Biết chăng anh về?/ Người yêu ơi! Nhớ chăng lời thề?/ Anh say sưa nhịp bước trên hè/ Anh nâng niu nụ hoa vừa hé/ Đôi môi xinh người em nhỏ bé mộng mơ.”
Hỡi người em yêu dấu! Em có biết chăng anh đang về với em để nối lại đường tơ năm cũ với lời thề sẽ mãi bên nhau. Anh miên man nghĩ tới lúc được nâng niu người em yêu có đôi môi xinh ướp mộng năm nào.
“Mùa Xuân ơi! Biết tôi yêu đời/ Mùa Xuân ơi! Nói sao nên lời/ Em ơi em, dù nhớ vơi đầy/ Bao lâu nay, đợi nhau là mấy/ Anh đâu ngờ bến bờ hạnh phúc là đây.”
Hỡi mùa Xuân mới! Có biết chăng lòng ta đang tràn ngập niềm yêu mến cuộc đời này đến độ không thốt nên lời? Sau những năm tháng dài đợi chờ, anh đâu có ngờ giờ đây mình đang đứng bên bờ hạnh phúc và sắp sửa được gặp lại em yêu!
“Em ơi! Xuân đến bên thềm rồi nhắp rượu hồng vơi đi/ Hết rồi mùa chia ly cho tình Xuân vừa ý/ Xin yêu thương đến đôi bạn hiền để xóa hết cô đơn/ Rồi quyến luyến nhau hơn cho người em thôi giận hờn.”
Em ơi! Xuân đã đến trong dáng Xuân tuyệt vời. Đôi ta hãy cùng nhắp rượu hồng để đánh dấu ngày hết chia ly cho vừa ý Xuân. Cầu xin cho đôi bạn lòng yêu nhau hơn, quyến luyến nhau hơn, để xóa đi niềm cô đơn chất ngất và để người em thơ thôi giận hờn sao không thấy anh về thăm em, anh ơi!
“Xuân nay ta chúc cho mẹ già vui vườn cà thêm hoa/ Vui ruộng đồng bao la tóc bạc phơ đẹp quá/ Xin yêu thương đến vơi hận thù để tiếng hát hôm nay/ Người chiến sĩ mơ say bên đàn trẻ bé thơ ngây.”
Mùa Xuân này, mùa Xuân đầu tiên chúng mình gặp lại nhau, xin chúc cho mẹ già với mái tuyết sương vì mong con bạc lòng thêm vui khi vườn cà đang trổ thật nhiều bông và ruộng đồng thêm tốt tươi. Cầu xin Ơn Trên đem yêu thương đến cho mọi người để xóa đi những hận thù, và để cho người chiến sĩ được trở về quê xưa mà vui cùng đàn trẻ thơ ngây đang chờ mong anh trai qua bao năm dài nhung nhớ…
***
Trong khi nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, qua ca khúc “Phút Giao Mùa,” bằng lòng chấp nhận những mùa Xuân chiến chinh cũng là mùa Xuân của dân tộc thì nhạc sĩ Tuấn Khanh, trong ca khúc “Mùa Xuân Đầu Tiên,” dường như cho rằng chỉ có những mùa Xuân về sau khi chiến tranh đã chấm dứt và đất nước đã thật sự hòa bình thì mới thật sự là mùa Xuân dân tộc.
Bởi vì ý nghĩa đích thực của mùa Xuân và ngày Tết dân tộc luôn gắn liền với điều kiện đất nước phải thôi không còn chiến tranh và dân tộc phải được sống trong hòa bình. Và đây cũng chính là ý nhạc trong bài “Phiên Gác Đêm Xuân” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông: “Nếu Xuân về tang thương khắp lối/ Thương này khó cho vơi/ thì đừng đến Xuân ơi!”
Ngày trở về quê xưa của người trai lính chiến thật bất ngờ đối với người em gái hậu phương. Quả đúng đây là một giấc mơ khi đôi bạn lòng lại cùng có dịp sánh bước bên nhau.
Và cuộc hội ngộ này thật chẳng khác gì một nụ hoa vừa hé, một nụ hôn nồng nàn trên đôi môi xinh của người em gái, báo hiệu một ngày mai sáng tươi: “Anh nâng niu nụ hoa vừa hé/ Đôi môi xinh người em nhỏ bé mộng mơ”…
Trong ý hướng mong đợi một mùa Xuân thanh bình trở về với người dân miền Nam hiền hòa, người lính chiến trong ca khúc luôn mơ về một vùng quê tương lai với “vườn cà thêm hoa” cho bữa cơm của người dân được sung túc và “ruộng đồng bao la” để toàn dân được ấm no một khi chiến tranh chấm dứt. Từ đó, sẽ là viễn tượng tuyệt vời khi một dân tộc, thay vì tiếp tục hận thù nhau như trong chiến tranh, biết yêu thương nhau hơn trong hòa bình. Lúc đó, người chiến sĩ Cộng Hòa mới thật sự có đủ thời gian và cơ hội để vui đùa cùng bao trẻ em thơ ngây để bù lại những tháng năm tuổi thơ bị bỏ bê khi những người anh trai hành trang lên đường đi lính miền xa.
“Mùa Xuân Đầu Tiên” chẳng những nói lên niềm mong ước được sum vầy của đôi trai gái yêu nhau giữa thời ly loạn mà còn tiêu biểu cho khát vọng hòa bình của người dân miền Nam Việt Nam, đặc biệt là của các anh chiến sĩ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đang cầm súng bảo vệ quê hương khỏi gót giày của quân xâm lược. Khát vọng hòa bình này không thể nào có trong lòng những kẻ phát động cuộc chiến tranh trên quê hương mình, bởi vì đối với họ, chỉ có chiến thắng để thôn tính cho bằng được miền Nam Việt Nam mới là mục tiêu của họ, chứ không phải là nền hòa bình cho đất nước và dân tộc.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh, tên thật là Trần Trọng Ngọc, sinh tại Nam Định. Năm 1950, gia đình ông chuyển về Hà Nội, nơi đây ông học vĩ cầm từ người anh cả tên là Trần Trọng Tuấn, dẫn đến việc ông chọn tên Tuấn và tên Khanh, là tên của người con đầu lòng của ông anh, để ghép thành bút danh Tuấn Khanh của mình.
Tuấn Khanh tiếp tục học nhạc với các giáo sư Nguyễn Văn Diệp, De Haut và Rits. Năm 1953 ông đứng hạng nhì trong cuộc thi giọng hát hay của đài Pháp Á tại Hà Nội và giải nhất thanh nhạc của đài Phát Thanh Hà Nội.
Năm 1955, gia đình nhạc sĩ Tuấn Khanh di cư vào Nam. Tại Sài Gòn, ông đàn cho đài phát thanh và ban nhạc giao hưởng của Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn. Nhạc phẩm đầu tiên của Tuấn Khanh là “Đò Ngang” (viết cùng Y Vân).
Năm 1982, Tuấn Khanh sang Mỹ và định cư tại Garden Grove ở miền Nam California. Tại đây, ông có mở một quán phở mang tên nhạc phẩm “Hoa Soan Bên Thềm Cũ” của ông.
Năm 2002, trung tâm Thúy Nga thực hiện băng nhạc “Paris By Night 64 – Đêm Văn Nghệ Thính Phòng,” vinh danh Tuấn Khanh cùng hai nhạc sĩ Vũ Thành An và Từ Công Phụng.
Năm 2021, trung tâm Thúy Nga lại thực hiện chương trình “Thúy Nga Music Box 41” với tựa đề “Tình Khúc Tuấn Khanh – Chiếc Lá Cuối Cùng,” với các ca sĩ Ý Lan, Ngọc Anh và Trần Thái Hòa.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh còn có các bút danh khác khi sáng tác, như Thương Hoài Thương (Lệ Tình, Tuy Anh Không Nói…), Trần Kim Phú (Vì Lỡ Thương Nhau, Tỉnh Giấc…), và Hoàng Mộng Ngân (Tình Buồn Em Gái…).
Các tác phẩm nổi tiếng và được ái mộ nhiều của Tuấn Khanh bao gồm “Chiếc Lá Cuối Cùng,” “Chiều Biên Khu,” “Chúng Mình Đẹp Đôi,” “Dưới Giàn Hoa Cũ,” “Giọt Lệ Vu Quy” (Tuấn Khanh – Hoài Linh), “Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi,” “Hoa Soan Bên Thềm Cũ,” “Mùa Xuân Đầu Tiên,” “Quán Nửa Khuya” (Tuấn Khanh – Hoài Linh), “Thương Nhớ Người Đi” (Thu Hương – Tuấn Khanh),” “Tỉnh Giấc” (Trần Kim Phú – Hoàng Mộng Ngân)…
Nhạc phẩm “Mùa Xuân Đầu Tiên” của Tuấn Khanh
Bao nhiêu thương nhớ gom nhặt đầy anh trở về thăm em
Bao lần ngồi thâu đêm nghe mùa Xuân vừa đến
Em ơi hoa thắm rơi ngập đường trời nắng xế vương vương
Lòng nhớ tới em luôn khi chiều tàn chim gọi đàn
Em ơi đôi lúc nghe lòng buồn trên sườn đồi thông xanh
Sương phủ đầy vai anh canh tàn trăng mờ ánh
Long lanh sao rớt vương đầy trời dòng cát trắng bao la
Chờ sáng đến chim ca cho đường dài cũng không xa
Đ.K.:
Người yêu ơi! Biết chăng anh về?
Người yêu ơi! Nhớ chăng lời thề?
Anh say sưa nhịp bước trên hè
Anh nâng niu nụ hoa vừa hé
Đôi môi xinh người em nhỏ bé mộng mơ
Mùa Xuân ơi! Biết tôi yêu đời
Mùa Xuân ơi! Nói sao nên lời
Em ơi em, dù nhớ vơi đầy
Bao lâu nay, đợi nhau là mấy
Anh đâu ngờ bến bờ hạnh phúc là đây
Em ơi! Xuân đến bên thềm rồi nhắp rượu hồng vơi đi
Hết rồi mùa chia ly cho tình Xuân vừa ý
Xin yêu thương đến đôi bạn hiền để xóa hết cô đơn
Rồi quyến luyến nhau hơn cho người em thôi giận hờn
Xuân nay ta chúc cho mẹ già vui vườn cà thêm hoa
Vui ruộng đồng bao la tóc bạc phơ đẹp quá
Xin yêu thương đến vơi hận thù để tiếng hát hôm nay
Người chiến sĩ mơ say bên đàn trẻ bé thơ ngây.
(Vann Phan)