Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

C h i ề u T h u H o a Đ ỏ R ụ n g - TTKH

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • C h i ề u T h u H o a Đ ỏ R ụ n g - TTKH

    C h i ề u T h u H o a Đ ỏ R ụ n g - TTKH


    Hồi tuần trước, nước Mỹ và Bắc bán cầu đã chính thức bước vào mùa Thu. Trong cái hanh vàng của nắng Thu đầu mùa, nhắc về một trong những bài thơ Thu quen thuộc với nhiều thế hệ là “Hai sắc hoa Ti-gôn” mà có lẽ đã quá xưa để nhắc lại. Tại sao? Bởi mùa Thu năm nay là kỷ niệm tròn 85 năm tác giả T.T.Kh bí ẩn trình làng vỏn vẹn ba bài thơ trên tạp chí Tiểu Thuyết Thứ Bảy vào năm 1937 và để lại cho văn đàn, tao nhân mặc khách cùng người đọc những nghi vấn, nhắc nhở trong vài chục năm qua






    “Tôi sợ chiều Thu phớt nắng mờ,
    Chiều Thu hoa đỏ rụng, chiều Thu
    Gió về lạnh lẽo, chân mây vắng,
    Người ấy ngang (sang) sông đứng ngóng đò…”.


    Bốn câu thơ T.T.Kh trong bài thơ “Hai sắc hoa Ti-gôn” trên có lẽ ít được nhớ nhiều hơn những câu mở đầu hay trong cả bài thơ. Với đại chúng, thông thường nhiều người chỉ thuộc một vài câu đắc ý hay được lặp lại nhiều. Kiểu như những câu quen thuộc:

    “Một mùa thu trước, mỗi hoàng hôn,
    Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn,
    Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc,
    Tôi chờ người đến với yêu đương”


    Mà cũng có thể là tứ thơ:

    “Người ấy thường hay vuốt tóc tôi,
    Thở dài trong lúc thấy tôi vui,
    Bảo rằng: “Hoa, dáng như tim vỡ,
    Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi!”


    Những câu chuyện về T.T.Kh cùng những bài thơ của tác giả đã được quá nhiều văn nhân thi sĩ, nhà nghiên cứu viết nhiều trong vài thập niên qua. Phần lớn là tìm cách giải thích, chứng minh tác giả này là ai, không cần nhắc lại. Ở đây, nhân 85 năm những bài thơ ra đời, chúng ta thử nhìn lại góc cạnh thân phận phụ nữ trong những bài thơ này ra sao.

    T.T.Kh chỉ sáng tác bốn bài thơ, ba bài liên tiếp đăng trên Tạp Chí Thứ Bảy là “Hai sắc hoa Ti-gôn” nói trên, cùng “Bài thơ thứ nhất” và “Ðan áo cho chồng” vào năm 1937 và đến năm sau, gởi thêm “Bài thơ cuối cùng” như lời chia tay trước khi bặt tích.

    Thập niên 30s của thế kỷ trước tại Việt Nam là khoảng thời gian Việt Nam còn là xứ thuộc địa và bảo hộ của Pháp, có triều đình, nhà vua cho đến năm 1945.

    Ðây là giai đoạn mà nhóm Tự Lực Văn Ðoàn ra đời. Có thể xem đây là một phong trào cách tân và cải cách văn hóa xã hội, ảnh hưởng bậc nhất tại Việt Nam vào thế kỷ 20 và làm thay đổi tư tưởng của một xã hội vốn còn nặng tư tưởng phong kiến, lễ giáo. Tự Lực Văn Ðoàn là nhóm văn chương báo chí do nhà văn Nhất Linh khởi xướng từ năm 1932, sau đó tư tưởng cấp tiến và sự quảng bá về sự tự do, bình quyền có ảnh hưởng sâu rộng hơn trong bình diện xã hội.

    Bài thơ “Hai sắc hoa Ti-gôn” được cho rằng đã lấy cảm hứng từ truyện ngắn “Hoa Ti-gôn” của Thanh Châu đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy trước đó, nhưng tư tưởng dường như bàng bạc về thân phận cùng tâm trạng người phụ nữ trong những tác phẩm của Tự Lực Văn Ðoàn như Nửa Chừng Xuân của Khái Hưng (1934) hay Ðoạn Tuyệt (1934), Lạnh Lùng (1936) của Nhất Linh…

    Ðọc lại bốn câu thơ đã dẫn trên đầu bài viết “Tôi sợ chiều Thu phớt nắng mờ”, trong đoạn thơ bốn câu mà đã nhắc lại “chiều Thu” đến ba lần và cả bài thơ này có đến 10 chữ “Thu”. Nhưng tác giả không tả về mùa Thu mà những câu thơ vẽ nên một không gian man mác cùng tâm trạng u hoài, bất an về câu chuyện của một thiếu phụ từng có người yêu và nay đang sống trong sự hờ hững của chồng. Và của chính cô khi nhớ về bóng hình cũ.

    “Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
    Ái ân lạt lẽo của chồng tôi,
    Mà từng Thu chết, từng Thu chết,
    Vẫn giấu trong tâm (tim) bóng một người”




    Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng,
    Trời ơi! người ấy có buồn không?
    Có thầm nghĩ tới loài hoa… vỡ
    Tựa trái tim phai tựa máu hồng”.


    “Bài thơ thứ nhất” cũng mang cùng một tâm trạng này.

    “Ðẹp gì một mảnh lòng tan vỡ
    Ðã bọc hoa tàn dấu xác xơ!
    Tóc úa giết dần đời thiếu phụ…
    Thì ai trông ngóng, chả nên chờ!”


    hay

    “Tôi run sợ viết, lặng im nghe
    Tiếng lá thu khô siết mặt hè
    Như tiếng chân người len lén đến.
    Song đời nào dám gặp ai về!”


    Nếu bài thơ “Ðan áo cho chồng” cũng là của T.T.Kh vì lúc bấy giờ cho đến sau này vẫn còn nhiều nghi vấn bởi bài thơ viết bằng thể loại lục bát và đăng trên tờ Phụ Nữ Thời Ðàm so với ba bài thơ bảy chữ đăng trên “Tiểu Thuyết Thứ Bảy”, thì chung quy cũng là những lời ta thán, cám cảnh của người phụ nữ trong vòng lễ giáo.

    “Ngoài trời mưa gió xôn xao,
    Ai đem khoá chết chim vào lồng nghiêm?
    Ai đem lễ giáo giam em?
    Sống hờ trọn kiếp trong duyên trái đời…”


    Chưa mang tư tưởng phản kháng, cách mạng như hoàn cảnh của Loan trong “Ðoạn Tuyệt” của Nhất Linh nhưng khi dám bày tỏ thân phận, suy nghĩ của mình cũng là một sự can đảm và ít nhiều mang tư tưởng cấp tiến. Bởi suy nghĩ đã là khởi sự cho hành động.

    “Hai sắc hoa Ti-gôn” được xếp hạng trong số những bài thơ hay nhất của Việt Nam trong thế kỷ 20. Bài thơ đã được ít nhất là bốn hay năm nhạc sĩ nổi tiếng phổ nhạc và nhiều thế hệ nữ sinh chép lại hay thuộc lời.

    Nhìn trên góc cạnh thơ ca hiện nay, một số tác giả mang xu hướng cách tân, “hậu hiện đại” có thể không đồng ý. Nhưng đặt bối cảnh thời gian sáng tác của bài thơ, được viết ra trong buổi giao thời giữa cuộc chuyển đổi to lớn của xã hội, trong đó góp thêm tiếng thở dài của những “chiều Thu hoa đỏ rụng” về thân phận người phụ nữ cho những thế hệ nối tiếp gióng lên tiếng nói nữ quyền mạnh mẽ hơn, những bài thơ của T.T.Kh cũng xứng đáng được nhắc lại nhân mốc thời gian nào đó.

    Đinh Yên Thảo

Working...
X