CuNg TrẦm TưỞnG- TiẾnG ViỆt LờI ThƠ
Chúng ta may mắn nói tiếng Việt Nam, bởi vì tiếng Việt đơn âm và giầu thanh điệu. Những nguyên âm với 5 dấu giọng; Sắc Huyền Hỏi Ngã Nặng, một âm tiếng chẳng những thay đổi ý nghĩa mà còn chuyển nhạc điệu. Ví dụ thường dùng nhất là chữ: Ma, Mà, Mả, Mã, Mạ. Ngoại trừ chữ I, 4 nguyên âm kia còn đổi thanh và nghĩa như A thành  hay Ă, E thành Ê, O thành Ơ, thành Ô, U thành Ư.
Tiếng Việt lại còn giầu trong cách diễn tả, cùng một ý mà có nhiều cách diễn tả khác nhau, bằng nhiều tĩnh tự khác nhau, mang theo những âm điệu khác nhau, gợi lên những hình ảnh khác nhau và cũng vì thế mang nhiều cường độ khác nhau. Những chữ kép còn hoán chuyển vị trí, gợi lên những ý tình, những cung bậc khác nhau, như thiết tha và tha thiết, say đắm và đắm say, ngơ ngẩn và ngẩn ngơ, quên lãng và lãng quên, ai dám nói rằng cảm thông đồng nghĩa với thông cảm …
Vì thế tiếng Việt là một ngôn ngữ của thơ, vì thế người nói tiếng Việt nào cũng yêu thơ, đọc thơ, làm thơ. Những thi sĩ chẳng những có nhiều vần điệu, có nhiều tĩnh tự, nhiều cách diễn tả khác nhau để xử dụng mà lại còn nhiều vật liệu để tạo ra nhiều cách diễn tả giầu hình ảnh, giầu nhạc điệu khác nhau, du dương hơn, xoáy động hơn.
Với những ngôn ngữ khác: người ta đọc thơ, còn với tiếng Việt, ngoài đọc thơ người ta còn ngâm thơ. Tuy nhiên, nên để ý rằng, tiếng Việt nói: “soạn nhạc”, “viết văn”, nhưng không nói “viết thơ” mà nói “làm thơ”. Vì sao thế? Vì thi sĩ, thường bị dày vò, băn khoăn, trắc trở lâu mới làm được bài thơ. Cái quá trình làm thơ thường rất dài, thường rất nhiều tìm kiếm, chọn lựa, thay đổi, vứt bỏ. Người đọc có được bài thơ hay không biết rằng lời thơ nhẹ nhàng hay nồng nàn, đắm say hay đau xót đã từng làm thi sĩ trăn trở rất nhiều mới nên. Người xưa nói làm thơ là lao tâm khổ tứ là vì thế. “Viết” là bầy tỏ ý tưởng, “Làm” là sáng tạo, là dựng lên một cái gì trước đó chưa hề có. Vì là ngôn ngữ của thơ cho nên tiếng Việt mới không nói “viết thơ” như những ngôn ngữ khác, mà nói chính xác là “làm thơ”. Có những vần thơ Cung Trầm Tưởng làm xong, đăng báo, xuất bản, nhưng vẫn cứ tiếp tục sửa đổi.
Những thi sĩ có tài là những phù thủy của ngôn từ. Trong số đó, Cung Trầm Tưởng là một trong những phù thủy của ngôn từ tài ba bậc nhất. Thơ Cung Trầm Tưởng từ khởi đầu, đến bây giờ, xuốt 60 năm tràn đầy những tác phẩm mà tiếng Việt được xử dụng tài tình và được sang tạo tài tình.
Ngày trước, để ngợi ca tiếng Việt, thi sĩ Trần Tuấn Kiệt, trong lời mở đầu của tác phẩm Tiếng Đồng Nội đã viết rằng: Cấm dịch tác phẩm này sang bất kỳ một ngôn ngữ nào khác. Để người đọc phải đọc bằng tiếng Việt, ngôn ngữ đẹp nhất của nhân loại. Ông chắc không sai.
Thơ Cung Trầm Tưởng cũng thế, cũng là những tác phẩm tuyêt vời ngợi ca tiếng Việt. Tôi xin nói về Cung Trầm Tưởng bằng vài chữ giản dị: “Cung Trầm Tưởng, tiếng Việt, lời thơ”.
Sao biết thế nào là một vần thơ hay? Vì khi đọc thơ, ta có niềm rung động chăng? Hãy phân tích ra xem. Để làm gì? Đọc thơ để cảm xúc chưa đủ sao? Phân tích để nâng trí hiểu biết ngõ hầu nhận biết được niềm cảm xúc, và hơn thế nữa, để nâng cao niềm cảm xúc lên nhiều cung bậc cao hơn, để nâng trình độ thưởng ngoạn thơ cao hơn.
Những yếu tố chính của bài thơ hay là gì? Thơ Cung Trầm Tưởng có những yếu tố gì?
Thơ hay vì giàu với 5 yếu tố:
1. Ý – thơ không ý thì trơ trẽn
2. Tình – thơ nghèo tình thì nông cạn, thiếu sức cảm xúc
3. Nhạc điệu – thơ kém nhạc điệu thì kém du dương, kém sức lôi cuốn
4. Hình ảnh – thơ không hình ảnh thì nghèo nàn, không khơi động được trí tưởng
5. Cách tạo chữ - kém tạo chữ thì không làm giầu được nhạc điệu, hình ảnh, không dấy động được ý tình.
Hãy đọc thơ Cung Trầm Tưởng, suốt từ khởi đầu, từ 60 năm trước, vần thơ nào của ông cũng phong phú đủ 5 yếu tố trên. Không những phong phú mà thôi, mà phong phú với sự sáng tạo riêng, đặc biệt Cung Trầm Tưởng. Đứng đầu, một mình, một cõi.
Tôi không bao giờ gặp Cung Trầm Tưởng ở Việt Nam, ông lớn tuổi hơn tôi, và ngoài thơ ra, chúng tôi sống trong hai thế giới khác nhau. Khi anh đã dựng nên sự nghiệp, tôi vẫn lang thang như một chàng phiêu lãng. Nhưng khi gặp nhau ở Minnesota lần đầu tiên, khoảng 10 năm trước, tôi thấy như gặp lại bạn xưa. Cũng chính vì trong bao năm qua tâm tư tôi tràn ngập thơ Cung Trầm Tưởng. Là một nhà thơ, cuộc đời là ngôn ngữ, tâm tình là ngôn ngữ, nên Cung Trầm Tưởng cũng giao tình bằng ngôn ngữ.
Trong bài thơ: “Nửa đêm đàn vọng cung trầm, buồn như ly khách” tôi có vài câu thơ như:
Vời đêm vọng lệ tim nhau
Những giòng tâm tưởng, nhưng câu lặng hồn
Và
Đêm trường thoảng gió ngoài sân
Trăng lu, sương nhạt, đàn ngân cung trầm
Khi viết tặng tôi tập “Một Hành Trình Thơ”, Cung Trầm Tưởng viết rằng:
‘Thân tặng Thi Sĩ Bùi Ngọc Tuấn của “đàn ngân cung trầm”, “những dòng tâm tưởng, những câu lặng hồn”. Cung Trầm Tưởng, Minnesota ngày 5/5/2012’
Thủa đó, tôi còn là một gã thiếu niên ở Saigon, Cung Trầm Tưởng ở Pháp về,xuất bản tập thơ “Tình Ca”, với tranh Ngy Cao Uyên là phụ bản, với nhạc phổ của Phạm Duy. Gã thiếu niên ấy có những ngày tháng tuyệt vời đọc, cảm và yêu thơ Cung Trầm Tưởng. Yêu bài “Kiếp Sau”. Rồi một tối trời mưa, từ trên đài phát thanh Saigon, vang lên giọng ngâm nồng nàn, tha thiết của Tô Kiều Ngân với bài “Kiếp Sau”. Gã thiếu niên là tôi càng say đắm hơn trong ý, trong tình, trong nhạc điệu, trong hình ảnh, trong lối dùng chữ, tạo chữ tuyệt vời của Cung Trầm Tưởng. Trong 6 bài thơ mà Phạm Duy phổ nhạc trong tập thơ này. 3 bài được hát thường là Bài Tiễn Em (từ bài thơ Chưa Bao Giờ Buồn Thế), bài Mùa Thu Paris, bài Khoác Kín, nhưng bài Kiếp Sau (mặc dù rất hay) nhưng lại hiếm khi được nghe.
Bởi vì sao? Tôi cho rằng cái ý, cái tình trong bài thơ này đòi hỏi nó phải được đọc lên trong nhạc điệu riêng mà Cung Trầm Tưởng đã tạo ra, khó diễn tả bằng âm nhạc. Dù rằng cả thơ lẫn nhạc đều giàu nhạc điệu, hình ảnh. Nhưng hát xong rồi thì điệu hát ngừng, còn thơ đã đọc xong mà vẫn vang vọng mãi. Câu thơ đọc xong, cũng như tiếng cồng vừa đánh rồi mà âm vọng cứ ngân mãi.
Nếu bạn yêu thích những bản nhạc Phạm Duy đã phổ thơ Cung Trầm Tưởng, thì tôi chắc rằng khi đọc nguyên bản những bài thơ đó bạn mới biết rằng những bài thơ ấy hay biết chừng nào. Phạm Duy là một kỳ tài trong số những nhạc sĩ có tài phổ nhạc vào thơ. Nhưng nhạc của âm nhạc dù gần mà vẫn khác cái nhạc điệu linh động, uyển chuyển và vang vọng của thơ.
Đây là lời ca bài “Tiễn Em”:
Hôn nhau phút này
Chia tay tức thì
Em ơi! Khóc đi em, Khóc đi em
Sao rơi rớt rụng, vai em ướt mềm
Em ơi khóc đi em, khóc đi em
Còn đây là đoạn nguyên thủy trong bài thơ “Chưa bao giờ buồn thế”:
Hôn nhau phút này rồi chia tay tức khắc
Khóc đi em, khóc đi em
Để luồn qua tóc rối
Những vì sao rụng ướt vai mềm
Hay câu thơ đầu trong bài “Kiếp Sau”:
Bù em một tháng trời gần
Đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi
Phạm Duy phải đổi thành: Đền em một tháng trời gần, đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi. Trong tiếng Việt chữ “đền” tuy gần nhưng lại không cùng nghĩa như chữ “bù”. Đền là để hoàn lại cái gì đã lấy mất đi. Trong khi đó chữ “bù” lại có nghĩa là bồi thêm, đắp thêm vào cái có sẵn. “Đền” là thụ động, “bù” là chủ động. Về nhạc điệu “Bù em một tháng trời gần” gợi thêm chan chứa tình yêu thương, và nghe du dương tha thiết hơn. Nhưng Phạm Duy không thể đưa nguyên câu thơ đó vào nhạc được. Vì người nghe nhạc không có kịp thì giờ để nhận được cái vang vọng của lời thơ.
Cũng như vậy, một đêm mưa gần đây, trong lúc xa nhà, ở trong phòng một khách sạn miền Tây. Tiếng mưa nhịp đều trên cửa kính. Nằm yên trong bóng tối, chợt tự sâu thẳm trong trí tưởng, vang lên bài thơ Sinh Nhật của Cung Trầm Tưởng, và vọng lên những đêm mưa của hè phố Saigon. Lần nữa, bạn hãy đọc bài thơ này để thấy ý, thấy tình, thấy nhạc điệu, thấy hình ảnh, thấy tài dùng chữ của Cung Trầm Tưởng.
Đêm Sinh Nhật
Mưa rơi. Đêm lạnh. Sài Gòn
Mưa hay trời khóc đêm tròn tuổi tôi
Mưa hay trời cũng thế thôi
Đời nay biển lạnh. Mai bồi đất hoang
Hồn tu kín xứ đa mang
Chóng hao tâm thể, sớm vàng lượng xuân
Niềm tin tay trắng cơ bần
Cuối hoàng hôn lịm bóng thần tượng xưa
Đêm nay trời khóc trời mưa,
Gió lùa ẩm mục, trời đưa thu về.
Trời hay thu khóc ủ ê?
Cổ cao áo kín đi về đường tôi
1961
Trong lời bình tác phẩm Tây Sương Ký, Kim Thánh Thán, đời nhà Thanh nói về phép làm thơ, cũng như phép vẽ tranh: “Vẽ mây, nẩy trăng”. Người vẽ giỏi, người làm thơ tài ba, vẽ giải mây mà người xem thấy vầng trăng.
Phép “vẽ mây, nẩy trăng” chính là phương thuật mà khi biết xử dụng, người làm thơ viết được những câu thơ xoáy động lòng ta. Là một phù thủy ngôn ngữ, Cung Trầm Tưởng xử dụng phương pháp này tài tình và tinh tế vô cùng. Hãy lấy một bài, như bài “Thầm Lặng”, trong bài không có một chữ thơ, chữ buồn, chữ cô đơn, chữ sáng tạo…Bài thơ đầy hình ảnh của đời sống xuôi chảy, của sáng nắng, đêm khuya, của hoàng hôn tươi thắm, của rạng đông tươi hồng, của trẻ thơ, của mẹ hiền. Đó là những giải mây, đọc rồi ta sẽ thấy vầng trăng, ta sẽ thấy Cung Trần Tưởng nói về tâm tư của người làm thơ: một mình lặng lẽ đau đớn với phận người tràn đầy khắc khoải giữa giòng sống xuôi chẩy không ngừng. Mọi vật thảy đều theo luật “Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàn” riêng nỗi lòng của nhà thơ ngàn đời không đổi. Ngàn đời buồn cho kiếp người, ngàn đời đau cho cuộc đời. Bạn hãy tìm đọc bài thơ ấy, khi ngồi một mình, hay bạn có thể đọc bất kỳ bài thơ nào khác của Cung Trầm Tưởng, bạn cũng sẽ nhìn thấy những vầng trăng của thi sĩ lồng lộng sang sau giải mây bạc vắt ngang trang giấy.
Hình như chỉ có tiếng Việt, đơn âm, giàu thanh điệu mới nẩy sinh được thể thơ lục bát, thể thơ độc nhất dùng yêu vận. Chữ thứ 6 của câu 8 chữ, vần với chữ cuối của câu thơ 6 trên đó:
Đêm qua ra đứng bờ ao
Trông cá, cá lặn – trông sao, sao mờ
Ca Dao Việt Nam trong nhiều trăm năm (hay nhiều nghìn năm) tràn đầy những lời thơ lục bát của người dân thôn làng, mà đến thế kỷ 19, Nguyễn Du đã thăng hoa trong truyện Kiều. Rồi lục bát được đổi mới không ngừng, với những nhà thơ như Huy Cận của đầu thập niên 1940, của Viên Linh, của Hoài Khanh của thập niên 1960. Nhưng cũng từ thập niên 1950, Cung Trầm Tưởng là người mang lại sinh khí mới, sắc thái mới, hình ảnh mới, chữ dung mới và cả nhạc điệu mới cho thơ Lục Bát. Từ những bài thơ của 1954, 1956, 1958….1960, 1962, 1965, cho đến những bài thơ mới làm gần đây. Lục bát của Cung Trầm Tưởng vẫn giàu sắc thái mới của Cung Trầm Tưởng mà cũng vẫn đầy sáng tạo, nhạc điệu vẫn đổi mới mà cũng vẫn uyển chuyển, vẫn tràn đầy hình ảnh của đời sống đương thời.
Hãy đọc từ những bài thơ của thời trẻ tuổi, của thập niên 1950 trong tập thơ Tình Ca, hãy lấy một bài, bài nào cũng được, ví dụ bài tôi yêu nhất trong tập này là bài “Kiếp Sau”
Kiếp Sau
Bù em một tháng trời gần
Đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi.
Bù em góp núi chung đồi,
Thiêu nương đốt là cũng rồi hoang sơ.
Bù em phất phới buồm thơ,
Vẫn e gió trở ngược bờ sông thương.
Bù em một tháng thiên đường
Mà xưa tiếng gọi nghe dường thiên thu
Non sông bóng mẹ sầu u
Mòn trông ngưỡng cửa, chiều lu mái đầu.
Thôi em xanh mắt bồ câu,
Vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau
1956
Hãy đọc những câu thơ của 1954:
Mùa Đông tuyết xứ hoang vu
Bâng khuâng chiều tới tiếp thu trời buồn
(hãy chú ý: Mùa Đông tuyết xứ hoang vu chứ không phải là Mùa Đông xứ tuyết hoang vu. Vì nếu nói xứ tuyết hoang vu, thì không những hình ảnh trở nên nghèo nàn mà nhạc điệu cũng trở nên tầm thường. Cùng trong bài này, hãy để ý: “tầu như dưới tỉnh núi còn vọng âm”. Nếu không phảiI là chữ “như “ mà là một chữ nào khác (đi, xa, bon….) thì là câu thơ tầm thường, câu thơ của một tay mơ. Câu thơ xác quyết, trơ trẽn, nông cạn “Tầu như dưới tỉnh” gợi hình ảnh mơ hồ, tầu đang chạy trong tâm tư người hay tầu đang chạy trên đường. Có thật tầu đang chạy dưới đó không, hay đã xa rồi, hay chưa đến tỉnh? Tiếng vang vọng của tầu trong thung lũng, trên sườn núi hay tiếng vang vọng của những chuyến tầu của kỷ niệm, trong ý tình? Đọc thơ Cung Trầm Tưởng phải thấy rằng cái rung cảm của mình nẩy sinh từ nghệ thuật dùng chữ của Cung Trầm Tưởng đã mang đến những hình ảnh linh động, những tình ý man mác, bao trùm, những nhạc điệu tha thiết mà cuồng sôi.)
Hay của 1956:
Thôi em xanh mắt bồ câu
Vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau
Hay của 1965:
Gót ngờ rớt chín phân vân
Để sau một hóa mười lần đến anh
của 1984:
Mai sau ngủ giấc cây sồi
Làm thiên thu chiếc miếu ngồi thờ em
Hay:
Mắt chiều hun hút sân ga
Còn cầm tay đã mất và nhớ nhung
đến Minnesota 1995:
Ngủ trùm vừng tưởng hồng hoang
Rung rinh cong tớn thời gian dợn mình
Thi sĩ Viên Linh, người bạn, người cùng Cung Trầm Tưởng làm sang rực thơ lục bát từ thập niên 1950, 1960 ở Saigon, kể rằng chẳng những bài thơ Sinh Nhật của Cung Trầm Tưởng rung động ông đến mức, mỗi năm đến ngày sinh nhật của mình ông vẫn thường thấy vang vọng trong hồn bài thơ “Đêm Sinh Nhật” của Cung Trầm Tưởng.
Viên Linh còn kể rằng, thơ Cung Trầm Tưởng chấn động ông đến mức năm 1994, khi sang Pháp, Viên Linh đã tìm đến ga Lyon để sống cái tâm tưởng của Cung Trầm Tưởng 40 năm trước:
Ga Lyon đèn vàng
Tuyết rơi cuồng mênh mang
Cầm tay em muốn khóc
Nói chi cũng muộn màng
Hình như Cung Trầm Tưởng là thi sĩ độc nhất dùng thơ lục bát để ca ngợi tình yêu với một thiếu nữ “mắt nâu, tóc vàng”. “Người em mắt nâu, tóc vàng sợi nhỏ” đó nay đâu? Trong tâm tư những người yêu thơ Việt, yêu thơ Cung Trầm Tưởng, lúc nào thiếu nữ này cũng muôn đời là một cô gái tuổi đôi mươi thấp thoáng ẩn hiện với vẻ đẹp dịu dàng, muôn đời, muôn kiếp không lớn lên, không thay đổi. Người ta thường nói, người yêu của thi sĩ cũng bất tử như chính thi sĩ là thế.
Cung Trầm Tưởng có những bài thơ Lục Bát dài mươi câu, những cũng có những bài dài, rất dài như bài “Bài Ca Níu Quan Tài”, gồm 18 đoạn, mỗi đoạn dài 50, 60 câu hay hơn trăm câu. Bài thơ này được viết sau 10 năm tù cải tạo, và được bạn ông dấu được sang Hoa Kỳ, vào cuối thập niên 1980. Đây là bài thơ ta phải đọc để hiểu để cảm, để cùng đau xót với người Việt, nước Việt, với tấm lòng Cung Trầm Tưởng.
Muốn biết cái hay của tiếng Việt, phải đọc thơ Lục Bát, muốn đọc thơ Lục Bát hay, phải đọc thơ Cung Trầm Tưởng, không phải đọc một bài, mà phải đọc toàn tập. Đọc toàn tập mới thấy được nhiều nhạc điệu luân chuyển, nhiều ảnh hình biến hoá, nhiều ý thiết tha, nhiều tình tha thiết. Đọc thơ Cung Trầm Tưởng để biết cách dùng tiếng Việt.
Cuối thập niên 1930, Phạm Quỳnh từng nói: “Tiếng ta còn, thì nước ta còn” Than ôi! tiếng Việt ta còn không? Ở Việt Nam, và cũng ở trên báo chí, truyền thanh truyền hình ở hải ngoại, chỉ có một thứ tiếng Việt ngớ ngẩn với những chữ tối tăm, lối nói nặng nề, sai cả ngữ pháp. Tiếng Việt vốn trong sáng, nhưng bây giờ, thay vì nói “tốt” người ta nói “có chất lượng”, thay vì nói “ghi tên” thì lại nói “đăng ký”, thay vì nói “có “ thì lại nói “sở hữu”, như thay vì nói “cô gái ấy có một gương mặt đẹp” lại nói “cô gái ấy sở hữu một gương mặt đẹp”.
Có phải nước Việt Nam còn mà như mất, vì có phải tiếng Việt đang tàn lụi chăng?
Xin đọc thơ Cung Trầm Tưởng, để giữ gìn tiếng Việt.
Bùi Ngọc Tuấn
(bài nói chuyện giới thiệu “Cung Trầm Tưởng, một hành trình thơ” - Minnesota, 17 tháng 6, 2012)
Comment