Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Miền Nam, nhà văn chết trẻ

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Miền Nam, nhà văn chết trẻ

    So với các nước khác, trong giai đoạn 1954-1975, Việt Nam, hay riêng miền Nam, không thiếu những nhà văn chết trẻ. Hiện chúng ta đang bước vào năm thứ 37 ngày 30 Tháng Tư, đây là thời gian để chúng ta tưởng niệm tới những tài năng sớm mai một ấy.



    Nhà văn Song Linh (1942-1970) mất năm 28 tuổi tại chiến trường Kiến Phong, được truy thăng thiếu tá. (Hình: Viên Linh)


    Họ chết, song văn phẩm của họ còn, nếu chúng ta tìm đọc lại những tờ báo cũ, chúng ta sẽ thấy họ. Nhiều người chưa có dịp in một cuốn thơ, cuốn văn riêng, vậy chính những tờ báo văn nghệ của miền Nam, nơi họ hiện diện, một cách trừu tượng, có thể coi là những nghĩa trang chung cho những văn tài mệnh yểu.

    Những tờ báo được tham dự đông đảo trước hết là báo tuần. Trong thập niên '70, tuần báo văn học duy nhất của miền Nam là tuần báo Khởi Hành của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Ðội. (Những tờ văn chương khác thảy đều xuất bản hàng tháng, trừ Bách Khoa là bán nguyệt san, tuy nhiên phần văn chương không nhiều). Tạp chí Nghệ Thuật cũng xuất bản hàng tuần, ra được 56 số, song đã đình bản vài tháng trước khi có Khởi Hành. Là cơ quan ngôn luận chính thức của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Ðội, với trên 700 hội viên trong mọi binh chủng, in trên 5000 ấn bản, phát hành rộng rãi trên khắp bốn vùng chiến thuật trong nhiều năm, nên người viết cho Khởi Hành đa số là quân nhân, người đọc cũng đa số là quân nhân.

    Dư luận đã ngạc nhiên tại sao một tạp chí văn chương của quân đội lại quá tự do như đã thấy, để các nhà văn nhà thơ trẻ viết như phóng bút, và mặt khác, mời được hầu hết những trí thức văn nghệ sĩ tên tuổi của miền Nam. Báo của quân nhân, nhưng dù là quân nhân cũng phải mua mới có báo mà đọc (giá 20 đồng một số), nên vận mệnh của nó thực sự nằm trong tay bạn đọc. Không ai mua báo dở mà đọc bao giờ, cho nên tinh thần Khởi Hành ngay từ hồi chiến tranh vẫn là tinh thần tự do. Viết tự do, dù là quân nhân. Bởi thế, bài vở trên tờ báo này trước 1975 là sáng tác của Một Nền Văn Học Tự Do, sản phẩm của tâm thức và trí tuệ tuổi trẻ miền Nam lúc bấy giờ, quan trọng nhất là từ tháng 5, 1969 tới đầu 1973. Phần lớn các tác giả trẻ tuổi nổi tiếng nhất của miền Nam sau này đã xuất hiện từ Khởi Hành, lần đầu có bài được biết đến là từ Khởi Hành: Nguyễn Tôn Nhan, Nguyễn Ðạt, Nguyễn Bắc Sơn, Võ Chân Cửu, các nhà phê bình Cao Huy Khanh, Nguyễn Nhật Duật; họa sĩ Chóe; nhà văn Cung Tích Biền...



    Song Linh (1942-1970)

    Từ trần 21 tháng 1, 1970, 28 tuổi, cố thiếu tá. Song Linh là bút hiệu của Nguyễn Văn Nghiêm, sinh 15 tháng 12, 1942 tại Nam Ðịnh, học Trường Thiếu Sinh Quân tại Hà Nội, xuất thân khóa 2 Sĩ Quan Ðặc Biệt, Nha Trang. Du học Hoa Kỳ 1966. Gục ngã tại chiến trường Kiến Phong.

    Các nhà viết văn học sử Miền Nam, viết biên khảo về văn chương Miền Nam sẽ tìm thấy trên Khởi Hành những yếu tố sinh động nhất, điển hình nhất: các nhà văn nhà thơ viết trong tiếng súng, viết trên ba-lô, viết nằm trên ghế bố, như trường hợp Song Linh: “Tôi đang nằm viết trong đêm. Nơi Xóm Cạnh Ðền. Hỏa châu thoi thóp từ một đồn bót nào trong lãnh thổ Kiên Long [Kiến Phong]. Con rồng lửa đang phun những cầu vồng đạn lửa đỏ từ trên trời xuống một trận địa. Một đơn vị bạn nào đang chạm địch đâu đây? Nhìn qua mùng dưới ánh đèn bấm chập chờn. Muỗi từng đàn đậu đen như thóc và bay liệng lao xao...” [bài đăng trên KH số 42, 1970] Hãy tưởng tượng: người viết những dòng ấy từng du học ở Texas, Virginia; từng ngồi uống cà phê và đọc phụ trương Book Review của tờ The New York Times ở Greenwich Village, New York. Hai tháng sau anh ngã xuống ở nơi anh viết, trong khi đang bay trực thăng quan sát trận địa. Tôi gặp anh một đôi lần trước đó, khi anh về phép; da trắng trẻo, mặt thanh tú, lông mày rậm, vẻ thanh nhã... Khi viết bài anh là đại úy; bài đăng lên anh là cố thiếu tá, 28 tuổi!



    Y Uyên (194?- 1969)

    Từ trần 8 tháng 1, 1969, 26 tuổi. Về Y Uyên, xin nhắc lại bài đọc sách dành cho cuốn Tượng Ðá Sườn Non của anh đăng trên tờ Nghệ Thuật hồi năm 1966. Bây giờ tuy không có bài đó dưới tay, tôi vẫn nhớ những điều đã viết về người tác giả trẻ này, nhân tác phẩm đầu tay của anh. Ðiều mà tôi viết, một năm trước đây nhà văn Túy Hồng đã nhắc lại trên trang Văn Hóa Chính Trị của báo Tiền Tuyến: bốn năm trước Viên Linh gọi “Y Uyên là người viết về chiến tranh hay nhất mà tôi được đọc.” Câu nhận định ấy về một tác phẩm mong manh của một tác giả trẻ lần đầu có sách xuất bản, là một câu nhận định rất táo bạo. Tác phẩm Y Uyên còn dang dở, một dang dở không ai tiếp tục nổi, bởi anh là người mang chiến tranh vào văn chương như mang một hình bóng ám ảnh thầm lặng nhưng ray rứt, xao xuyến, nặng nề, dài dặc trầm trầm mòn mỏi mãi mãi không kết thúc. Tác giả nó cũng không kết thúc cho dù có còn sống: chiến tranh ở đó không còn là đề tài mà là đời sống, tác giả không trực tiếp nhận thấy nó, bởi đó là một bóng ma lẩn quất trong đêm tối huyền hoặc, chỉ cảm thấy vì âm khí lạnh lẽo u ám, chỉ cảm thấy vì bị vây hãm nặng nề, ráo riết. Y Uyên không viết về chiến tranh “chó má” với những nhân vật không biết làm gì hơn là văng tục của những tác giả viết văn như viết phóng sự, viết hoạt cảnh sau này. Chiến tranh được dựng lại như hoạt cảnh, ký sự đã đẩy độc giả làm khán giả. Chiến tranh trong tác phẩm Y Uyên kéo khán giả đó vào chụp vào mũi hắn ống hơi bình dưỡng khí, và hắn cảm thấy ngay áp lực điều-kiện-hóa giữa hai lá phổi. Nhà văn không đi trước để làm chứng nhân cho những phán xét sau này, nhà văn đi trước để được sống sót, cho dù có trở thành nạn nhân và dù đã chết.

    Khi Y Uyên vào Sài Gòn, không còn nhớ ở đâu, có thể là ở nhà Nguyễn Ðình Toàn gần đài phát thanh Quốc Gia, đường Phan Ðình Phùng, chúng tôi đã cùng đánh một canh xì-phé vào ban ngày. Y Uyên trầm lặng, nói ít, diện mạo hơi ngăm ngăm, nhỏ người, da tóc khô. Ðụng nhau vài ván, Y Uyên muốn nhường. Sau khi lật bài thì tôi hiểu: anh chơi bài rất cao. Khuôn mặt lại không lộ vẻ gì nên đối thủ không thể đoán được. Anh có hỏi tôi nghĩ gì khi làm câu thơ “Lưng khom dáng thú bụng phơi hình người?” (anh trích dẫn trên đầu truyện Dáng Thú của anh.) Câu trả lời hình như là một câu hỏi: “Cậu không thấy khi người ta đứng thẳng, cai bụng phơi ra sao? Có con thú nào phơi bụng ra đâu? Chỉ có thú vật mới phơi lưng ra mà thôi.”



    Nhà văn Y Uyên (1943-1969), mất năm 26 tuổi khi bị phục kích gần đồn Nora, Phan Thiết, thiếu úy. (Tranh vẽ của Duy Thanh)


    Y Uyên Nguyễn Văn Uy ra đời ở miền Bắc, di cư vào Nam năm 1954, sống nhiều ở Tuy Hòa, Phú Yên. Tỉnh lỵ nhỏ bé ấy, trong trí nhớ của người viết những dòng này, khô và dốc. Mưa to biến đường đi thành suối nước, chảy như thác cuốn. Trong sáu tác phẩm của anh để lại, người đọc thấy được không khí Tuy Hòa, buồn nản, trậm trì. Anh dạy học, rồi nhập ngũ, khi tử trận trong một trận phục kích ở bên đồn Nora, Phan Thiết, anh mới 26 tuổi. Ðó là ngày cuối cùng của anh ở đơn vị. Người sĩ quan trẻ nằm xuống trong mình đã có giấy thuyên chuyển, song chỉ lên đường vào ngày hôm sau.

    Anh đã lên đường về nơi vô định. Tác phẩm Y Uyên: Bão Khô, tập truyện, Giao Ðiểm, 1966, 166 trang. Tượng Ðá Sườn Non, tập truyện, Thời Mới, 1966, 152 trang. Ngựa Tía, truyện dài, Giao Ðiểm, 1967, 170 trang. Quê Nhà, truyện, Trình bày, 1967, 168 trang. Ðuốc Sậy, tập truyện, Văn Uyển (số 20), 1969.



    Vũ Hữu Ðịnh (1942-1981)

    Sinh thời Vũ Hữu Ðịnh không có thi phẩm nào được xuất bản. Phải tới năm 1996, thi phẩm Còn Một Chút Gì Ðể Nhớ của anh, gồm 45 bài, mới được ấn hành, do sự đóng góp (công và của) của bằng hữu, nhất là của Trần Từ Duy. Một đêm thơ Vũ Hữu Ðịnh được tổ chức tại Phú Nhuận để ra mắt thi phẩm, qui tụ rất đông bạn hữu và người hâm mộ, và nhờ đó, bà Kim Vân, vợ nhà thơ, đã tu sửa được cho chồng một nấm mồ khang trang tại nghĩa địa Gò Cà, Ðà Nẵng. Bà là nhân vật trong bài thơ Cảm Ân Người Vợ Khổ của Vũ Hữu Ðịnh:

    Lần nào em sinh nở

    Anh cũng trên đường xa

    Lần này em sinh nở

    Anh cũng không có nhà.

    Vũ Hữu Ðịnh tên thật là Lê Trung, sinh tại Thừa Thiên, 1942, mất 16 tháng 1 Tân Dậu (1981) bên bờ Sông Hàn, Ðà Nẵng.



    Viên Linh / NV
    Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:


  • #2
    Cám ơn Bác Na.

    Comment


    • #3
      Văn,thi và nhạc sĩ của VNCH trước năm 1975 chết trẻ ( đặc biệt là chết trận ) cũng khá nhiều. Như Song Linh và Y Uyên mà bài bác Na đã đăng. Bên nnạc thì có Dzũng Chinh và Anh Thi. Tôi đã gặp, nhậu và nói chuyện với Anh Thi rồi thời gian sau nghe tin Anh Thi chết ở Cà Mau. Hình như là ở Năm Căn. Riêng Y Uyên thì tôi biết mà chưa lần gặp mặt, chỉ thư từ qua lại. Rồi sau đó có dịp về Sài Gòn đọc báo mới biết tin anh chết... Nhân đọc báo có truyện ngắn tựa Dáng Thú của Y Uyên, tôi thấy là lạ bèn tra hỏi địa chỉ của anh và viết thư trong đó có kèm theo bài thơ Dáng Thú của tôi. Lâu lắm, tôi không nhớ bao lâu, thư từ ở KBC đi chậm lắm, tôi mới nhận được thư trả lời của Y Uyên. Anh nói rất thích bài thơ Dáng Thú của tôi và sẽ gởi người quen đăng lên báo. Tôi cũng chẳng có dịp may để đọc vì ở quãng năm 67, 68, đời lính làm cho tôi di chuyển luôn thành ra khi về Sài Gòn biết tin anh chết mà mãi mấy tháng sau còn nhận được thư của anh...

      Dưới đây là truyện ngắn '' Dáng Thú '' của Y Uyên.

      Dáng thú


      Lưng khom dáng thú, bụng phơi hình người
      Viên Linh


      Tiệm ăn ở trên một gò đất cao cây cối xum xuê sát bên con đường chạy xuống tỉnh. Trời nắng, trong suốt và hơi lạnh. Những bụi tre bao quanh tiệm ăn sau những ngày giá rét trở thành màu đỏ úa, cành lá xoăn xeo. Tiệm là một căn nhà ba gian lợp lá, phía trước có một giàn dưa tây đã khô chết. Ở ngay trên hiên, phía đầu nhà là một cái giếng thành xi măng cao có trục quay kéo nước. Từ ngoài đi vào, gian đầu là chỗ mọi người ăn uống, gian giữa, chỗ ở của vợ chồng chủ tiệm, gian cuối, chỗ chứa gái điếm cửa đóng thường xuyên. Máy ra-dô mở lớn. Tiếng cười nói ồn ào. Khách đa số là người trong quận. Chủ tiệm đang đắc ý kể chuyện. Hồi hôm một bọn lính biết con Hoàng Mai ngủ ở đây, gõ cửa nhiều lượt, một mực đòi xét sổ gia đình. Lúc đầu, chủ tiệm còn chối, sau hắn liều, cười nhạt nói Hoàng Mai đang ngủ với một trung uý biệt động, muốn vô cứ vô. Bọn lính nghe nói hoảng hồn làm bộ dậm doạ một lát rồi rút êm. Chị Tấm đã ăn xong, kêu nước uống rồi trả tiền, kéo cô Khê ra ngoài hiên.

      "Ngồi đây chờ chút nữa coi. Trong đó nhức đầu quá".

      Cô Khê đặt cái túi xách tay xuống, dựa chiếc gậy vào vách tường, ngồi xuống bên chị Tấm. Cô hỏi:

      "Như có mùi bông vạn thọ đâu đây?"

      Chị Tấm nhìn những chậu thược dược, vạn thọ dưới giàn cây khô.

      "Ở mấy cái chậu dưới giàn".

      Chị nói:

      "Lâu không đi xa, cẳng đã thấy nhức".

      Cô Khê cười mơ hồ nói tiếp như sợ làm phiền chị Tấm:

      "Nghỉ một lát, chắc lại đi ngon lành".

      "Một giờ nữa, không có ai đi, cũng đi. Vài giờ nữa ngưng chiến rồi… gắng về tới nhà tối nay".

      Cô Khê yên lặng cúi nắn hai bụng chân. Chị Tấm lại giếng kéo một gầu nước vã lên mặt. Dưới mái hiên trước cửa gian nhà cửa đóng kín, một người đàn ông mũ vải che mặt nằm trên cái võng giăng giữa hai cây cột. Trong tiệm có tiếng một người say đòi uống thêm rượu. Tiếng chửi thề và tiếng cười như hét. Một chiếc xe ngựa dừng dưới đường cho mấy người đàn bà gánh đồ xuống. Chị Tấm nhìn ra cánh đồng dưới kia. Qua cánh đồng, vượt qua cây cầu bằng những phên thép đan vào nhau tới chỗ cái đầu xe lửa bên kia bờ sông là bắt đầu tới vùng xảy ra trận đánh kéo dài ba ngày vừa mới chấm dứt. Rừng cây nhỏ ở đó nghe nói bị rắc thuốc khai quang chỉ còn những cành khô.

      Mấy người đàn bà gánh đồ đã lên tới con đường dẫn lên gò, tản mát ở chỗ ngã ba, khuất vào những bụi tre, những mái nhà tranh xám thấp. Một người đàn ông vận quần xà lỏn, mặt đỏ gay từ trong tiệm chệnh choạng bước ra kéo nước vục đầu vào gầu cho tỉnh rượu. Anh ta lấy vạt áo lau mặt, dựa vào thành giếng, gạt mớ tóc xoã, hỏi chị Tấm:

      "Mấy chị đi đâu giờ còn ở đây?"

      Chị Tấm nói miễn cưỡng:

      "Chúng tôi về tỉnh".

      Người đàn ông bật cười ngạo cợt "Về tỉnh, về tỉnh" rồi trỏ lại chỗ chiếc võng:

      "Kêu anh đó dậy cùng về cho vui".

      Chị Tấm sầm mặt quay đi. Người đàn ông cười lớn tiếng bỏ vào trong tiệm. Cô Khê nói:

      "Xuống dưới gò chờ vậy chị?"

      Chị Tấm lắc đầu:

      "Đã đi xa còn ngồi phơi nắng, chịu sao nổi".

      Chị Tấm lấy một lọ dầu bạc hà trong túi mở nút quệt bôi quanh cổ và hai thái dương.

      "Cho em một chút".

      Cô Khê buộc lại tấm khăn trắng chít trên đầu để lộ hai thái dương cho chị Tấm bôi dầu. Ở chiếc võng, người đàn ông nhỏm dậy. Qua chỗ hai người ngồi, anh ta dừng lại tò mò nhìn như muốn hỏi han rồi bỏ vào trong tiệm.

      Trong tiệm ra-dô đã tắt. Mấy người say đang đờn và ca vọng cổ. Người đàn ông tần ngần đứng ngó một lát rồi bước vào khung cửa thông với gian nhà dưới. Chủ tiệm đang bày bàn thờ, thấy anh ta, cười hỏi:

      "Tính ăn tết ở đây sao bây giờ còn luẩn quẩn chưa về?"

      Người đàn ông không trả lời, đẩy cánh cửa sang gian chứa gái. Một người lái buôn ngồi ở cái giường bỏ trống than mất tiền quá uổng. Con nhỏ như trinh nữ.

      "Tính vô xả xui đó sao?"

      Anh ta hỏi. Người đàn ông gượng gạo:

      "Ờ… xả xui…"

      Một gã cao lênh khênh đi tiểu ở ngoài vào, mặt nhăn nhó coi bộ đau đớn, kéo người lái buôn ra ngoài nhà uống rượu xả xui. Người đàn ông đứng giữa nhà nhìn theo. Anh ta móc bóp lật lật mấy ngăn tìm kiếm. Cho bóp vào túi, anh ta lại cái giường có buông mùng, vạch mùng nhìn vô, giường trống trơn. Còn đang phân vân, anh ta chợt để ý đến tấm phen ở vách tường đang động đậy. Tấm phên bị đẩy mạnh sang một bên, một gã mặt rỗ to lớn từ cái buồng nhỏ sau vách khom khom chui ra, lòng ôm một đống quần áo, trán lấm tấm mồ hôi.

      "Phải đứng sau một tiểu đoàn Mỹ đen chắc mới hạ nổi con nhỏ".

      Gã than thở. Người đàn ông chờ cho gã ra ngoài tiệm mới chui vào cái cửa giữa vách. Cái buồng ép sau vách hẹp và tối. Có một đứa con gái áo trắng ngồi trên giường. Người đàn ông bước lại ngồi xuống bên vòng tay ôm lưng nó. Đứa con gái nhỏ nhắn, cúi gầm mặt. Người đàn ông nói:

      "Tôi vừa mất cả đàn bò… Có thích nuôi bò không?"

      Đứa con gái hứ hự trong cổ, không ngửng lên cũng không nói. Người đàn ông hỏi:

      "Không thương tôi sao?"

      "Kỳ quá!" Tiếng đứa con gái nhỏ nhẹ bẽn lẽn. Người đàn ông cười lửng lơ. Lúc nằm, đứa con gái hỏi cho có chuyện:

      "Tên gì?"

      "Tên Mậu".

      Khi lom khom chui ra gian nhà ngoài, người đàn ông nghe tiếng đứa con gái cười nho nhỏ phía sau và tiếng "Anh Mậu, anh Mậu" thì thầm như một lời hát nghèo nàn trẻ con. Người đàn ông ra ngoài tiệm kêu một chai la-de, uống chậm chạp. Có tiếng người chủ tiệm nói giỡn:

      "Có về, cho hai cô ngoài kia về theo cho vui".

      Người đàn ông "Ờ… về chớ" và kêu thêm một chai la-de khác. Anh ta lẩm bẩm trong miệng, nhớ tới đứa con gái cởi hết quần áo còn ngồi bưng lấy mặt. Nó nhỏ nhẹ quá. Nó ngồi hoài trong cái buồng tối đó kêu tên từng người đàn ông uổng tiền vì nỗi nhỏ bé của nó. Mọi cái xui vẫn do cái xui mất đàn bò gây ra. Anh ta nghĩ vậy. Về hay ở cũng bứt rứt như nhau. Chỉ có rừng cây khô mới không làm anh quấy quá nghĩ tới những chỗ khác. Phải về đó một lần nữa. Đàn bò trong những lúc đột ngột nhớ tới vẫn là đàn bò trong rừng cây khô.

      Anh ta ra khỏi tiệm, lại giếng múc nước rửa mặt. Hai người đàn bà vẫn còn ngồi đó. Anh ta hỏi:

      "Mấy chị muốn về tỉnh?"

      Chị Tấm hỏi lại:

      "Ông cũng về?"

      Anh ta cười, vẩy những giọt nước trên tay lên giàn cây khô.

      "Tôi chỉ đi tới rừng cây khô".

      Chị Tấm tò mò nhìn anh ta thấy có vẻ thật thà. Cô Khê nói:

      "Cứ đi. Giữa đường biết đâu chẳng gặp thêm người. Chờ hoài tối lúc nào không hay".

      Người đàn ông nói chị Tấm sửa soạn chờ anh ta vào lấy gói thuốc rồi đi. Lúc ba người xuống tới chân gò, trời đã muốn đứng bóng. Người đàn ông bảo cô Khê đưa cái túi anh ta xách giúp. Chị Tấm gợi chuyện. Người đàn ông nói:

      "Tôi vừa mất cả đàn bò… Chị có thích nuôi bò không?"

      Chị Tấm cười, gật đầu. Người đàn ông nom vạm vỡ nhưng vẻ mặt rụt rè, nhiều lúc ngẩn ngơ. Chắc anh ta buôn bò ở những vùng mất an ninh về bán, nhưng chị chỉ hỏi dè dặt. Cô Khê không nom thấy đường, bước chậm nhưng chắc chắn. Lâu lâu cô mới nói một câu, tay trái không rời tay chị Tấm. Cô biết mình làm phiền chị Tấm nhiều. Và lần này chắc là lần chót. Về tỉnh cô sẽ đến người chị họ, đi coi bói kiếm ăn. Từ lúc toà nhà bị sập, cha cô chết, mọi việc trong nhà chị Tấm lo hết. Người chồng già của chị Tấm khi bỏ toà nhà cho chị và cha cô trông coi, lên ở luôn với mấy người vợ trên cao nguyên chắc đã đoán trước được lúc này. Mấy ngày vừa rồi, chị Tấm có vẻ bận rộn tuy không hề tha thiết tới những thứ ở đây. Cô Khê thường nói tiếp câu chuyện cho chính mình nghe những lúc chị đột ngột bỏ lên căn phòng còn lại của toà nhà. Cô Khê nói để được nghe và nghĩ về mình. Cô nhớ những ngày lớn lên, mắt mang tật, vận áo dài ngồi coi bói cho mọi người. Trong xã, những ngày giỗ kỵ, ngày tết, vào dịp họp mặt với bà con, người ta thường mời cô vào nhà quây quanh hỏi chuyện. Những bộ mặt cô quen hoặc lạ tạo quanh cô một vòng ấm áp và vui. Nghe cô, mọi người như đang làm một cuộc tìm kiếm ít nhiều náo nức đó, cô đều có mặt. Cô không còn tật nguyền. Cô lang thang dẫn họ đi những con đường bất ngờ cả với cô. Những bộ mặt đã giúp cô sống trên những con đường sáng láng đó, giờ cô thấy nhớ. Ánh sáng trong cô như thực sự mất dần từ khi những bộ mặt quanh cô bắt đầu tản mát. Cô cần phải về tỉnh. Cô sẽ ngồi ở cửa một phòng ngủ chẳng hạn, cầm tay những người gái điếm áo xanh áo đỏ và bắt đầu những chuyến đi trên những con đường sáng láng.

      Chị Tấm đi bên cô có vẻ mau mệt vì phải bước chậm và dắt mình hơn vì đã qua một quãng đường dài từ đêm trước tới giờ. Tay chị có lúc như ướt. Người đàn ông nói muốn thế chị dắt cô Khê một khúc nhưng chị từ chối. Trời có vẻ nóng.

      "Tới chỗ đầu xe lửa có khi gặp người đi xuống".

      Người đàn ông nói:

      "Ở đó có một làng nhỏ nhưng không chắc còn người ở đó. Trận đánh vừa rồi gỗ đá cũng hãi nói chi người".

      Giọng chị Tấm nghe có hơi thở. Người đàn ông chốc chốc lại nhìn lén chị. Chị có vẻ đẹp thiệt sáng. Mớ vải vóc bao bọc người chị thiệt mềm mại. Càng đi anh ta càng có vẻ dạn dĩ. Có lúc anh khôi hài, anh chưa có vợ, chỉ thích lùa bò. Chị Tấm cũng cười nói cho quên mệt. Chị nói về ở với cha mẹ, chằng tiếc gì toà nhà đổ nát. Nhưng đêm qua lúc bước ra khỏi cổng cũng thấy buồn, mới nhớ ra mình đã ngớ ngẩn thắp cả chục mẩu bạch lạp trong căn phòng đã sụp một góc, ra tới cánh đồng nhìn về vẫn thấy mấy lỗ đạn trên tường sáng le lói. Lúc mọi người bắt đầu thấy xung quanh đột ngột vắng vẻ là lúc nhìn trở lại, quận lỵ phía sau thu nhỏ lại ở cuối đường. Người đàn ông phàn nàn đám dân ở quận tò mò và xấu bụng. Họ vây lấy anh nghe kể lại trận đánh và sau đó cười nhạo đàn bò của anh.

      "Kiếm lại được đàn bò, cho ăn vàng ăn bạc tôi cũng không thèm trở lại đó nữa".

      Chị Tấm bảo cô Khê:

      "Cô bói giùm ông đây xem đàn bò ở đâu?"

      Cô Khê cười mơ hồ không nói. Chị Tấm cười:

      "Có khi đàn bò chạy về với chủ cũ cũng nên?"

      Người đàn ông lắc đầu:

      "Không có. Mắt tôi nom thấy chạy vào rừng cây khô mà".

      Thấy anh ta lại có vẻ băn khoăn ngơ ngẩn, chị Tấm nói lảng sang chuyện khác. Đôi mắt mất ngủ của anh ta đỏ và ướt ở đuôi. Chiếc mũ vải rộng vành đội trễ nải. Cụm tóc phía trước xoã xuống cái trán ngắn gồ cao. Lần đầu tiên chị Tấm thấy mình nhìn kỹ một người đàn ông. Đời chị như vất vả nhiều với hai người đàn ông lúc đầu không nom rõ mặt. Người chồng đầu, mãi ngày ăn hỏi chị cũng chỉ mới mờ mờ hình ảnh trong đầu. Tới hôm cưới, khi vận áo mới leo qua những động cát bị bão cuốn tới cản trên đường, chị mới dám lén nhìn mặt chồng. Chị nhìn để so sánh với người học trò nghèo đã quả quyết nặng tình với chị đến những động cát cũng động tâm dắt díu nhau ra chắn lối chị đi lấy chồng. Người chồng thứ hai, khi về tới ngôi nhà cổ chị mới nom rõ. Những ngày trước đó, chị chỉ nghe nói nhiều tới toà nhà, tới vườn cây. Cha chị như chỉ cần biết có bấy nhiêu. Về sau, khi rõ người đàn ông chỉ cốt lấy chị về để trông giữ cho ông ta toà nhà đã dạm bán không ai mua, cha chị nổi giận thì chị bắt đầu quen với vẻ hiu quạnh của toà nhà. Người đàn ông đã bỏ đi vội vã. Chị quanh quẩn trong toà nhà với những cầu thang, những hành lang và những gốc cây. Chị đã tái giá với những bất động sản. Bây giờ những thứ đó đã bị bom đạn giết chết. Căn phòng sụp một góc còn sót lại chẳng thể giữ chị lâu hơn một lúc ngơ ngẩn thắp hơn chục mẩu bạch lạp cắm rải rác trong đêm bỏ đi.

      Qua khỏi cánh đồng, vượt hết một gò cát, ba người xuống tới Bãi Nhà Máy. Con đường lớn với những hố những mô đất nom như một vệt xám nhỏ. Người đàn ông trỏ một ngôi miễu ở giữa bãi:

      "Tới đó nghỉ một lát. Hai chị coi bộ đã mệt".

      Bãi bằng phẳng toàn cỏ cằn cỗi. Qua một cống nước, chị Tấm xuống múc một nón cho mấy người uống. Trời bắt đầu có gió. Ngồi trước miễu, chị Tấm lo ngại bảo cô Khê:

      "Tới chừng gió lạnh mà vẫn chưa qua được rừng cây khô, khó mà về tới nhà đêm nay".

      Người đàn ông châm một điếu thuốc, nhìn chị Tấm, suy nghĩ. Chị Tấm hỏi:

      "Nếu không thấy đàn bò, ông trở lại trên quận?"

      Câu hỏi có vẻ bất ngờ làm người đàn ông bối rối. Anh ta ngập ngừng:

      "Tôi cũng không biết nữa".

      Chị Tấm ái ngại không biết an ủi anh ta cách sao. Thiếu đàn bò, anh ta như không tính toán được gì. Nhà anh ta như không ở đầu con đường hay cuối con đường. Mà ở nơi có đàn bò chạy súng lang thang gậm cỏ. Niềm vui anh không có mặt người. Nhưng bừa bộn dáng thú. Những cười cười nói nói của anh như những bất ngờ ở ngoài rừng cây khô và những sừng bò lấp ló. Chị Tấm ngập ngừng:

      "Mấy ngày rồi… có thấy đã thấy rồi…"

      Người đàn ông tò mò nhìn chị như thấy có sự khác lạ. Vẻ chú ý, lanh lẹn của anh thiệt đột ngột. Rồi anh lại trề môi ngẩn mặt với điếu thuốc cháy âm thầm trên tay. Những ngọn cỏ lớp lớp rung rung dưới nắng. Cô Khê đứng dậy giục đi. Vào lúc bất ngờ nhất, người đàn ông chụp lấy tay chị Tấm. Chị Tấm kinh ngạc giật tay ra hoảng hốt. Người đàn ông ngước mặt nhìn chị, chỉ cô Khê, ý khẩn khoản bảo chị chớ la. Chị Tấm thở một hơi dài, cúi xuống, tay xách va-li, tay cầm cái gậy đặt vào tay cô Khê. Hai người bước đi. Người đàn ông cũng phủi quần, đứng dậy lẽo đẽo theo sau. Chị Tấm lại thở dài. Chị như vừa vô ý hé cho anh ta một lối để quên đàn bò. Chị không có lời an ủi anh ta. Nhưng nguyên chị lại là một vỗ về đáng kể mà chị cũng không hay. Trong giây lát, chị thấy mình như sống rất nhiều với người đàn ông chị chửa biết tên. Nỗi khổ của anh ta lồ lộ vẻ thành thực. Chị cúi đầu, tránh phải nhìn lại anh ta.

      Qua Bãi Nhà Máy, ba người lại vượt lên mặt lộ. Người đàn ông đã theo kịp, gượng gạo nói một câu bâng quơ. Chị Tấm im lặng nhớ tới những mẩu bạch lạp. Cô Khê đập đầu gậy đều đều lên những cục đá lổn nhổn. Có bóng một con chim liệng trên cao. Có tiếng cô Khê kêu đột ngột. Người đàn ông nhảy tới thì cô đã buột khỏi tay chị Tấm ngã chúi xuống mặt đường. Một chiếc dép bật quai tung lại phía sau. Người đàn ông đỡ cô Khê ngồi xuống bờ cỏ ven đường. Chị Tấm cũng lao đao suýt ngã. Chiếc va-li văng xuống dưới ruộng. Lúc chị xách được va-li lên, cô Khê đang khóc như con nít, người đàn ông thì đang loay hoay sửa lại cái quai dép. Chị Tấm kéo cao ống quần cô Khê, thấy có một vệt rách dài ở bắp chân ứa máu. Chị xin người đàn ông mấy điếu thuốc gỡ ra đắp vào vết thương, lấy khăn tay buộc quanh.

      "Coi có đi tiếp được không?"

      Chị hỏi. Cô Khê gật đầu, mặt nhếch nhác. Người đàn ông đưa chiếc dép vừa sửa cho cô Khê. Chị Tấm nhìn trời rồi nhìn cô Khê và người đàn ông. Cô Khê quơ chiếc gậy gượng gạo đứng dậy:

      "Lỗi tại em hết. Không có em chị đâu khổ như vầy".

      Cô lẩm bẩm. Chị Tấm gắt:

      "Chớ có nghĩ bậy".

      "Để tôi xách đỡ cái va-li. Chị xách cái túi này".

      Người đàn ông trao cái túi cho chị.

      Dòng sông nhỏ nhưng cây cầu nom dài. Mặt nước sâu có gió lớn màu xám. Khúc sông trước mặt ba người như vừa hiện ra sau rừng dương nhỏ phía tay trái và mất hút sau khúc quành ở cái gò bên tay mặt, ngắn ngủn và càng rõ chiều sâu. Cảm giác đầu tiên vẫn như đứng trước một đầm nước hơn là đứng trước một dòng sông. Những con quạ, con diều hâu cánh đen nặng nề trên đám ngọn dương, bay là là trên mặt nước trong ánh sáng và gió. Những mỏm đá rêu nổi nhô giữa dòng nước, dưới bóng dương như những mầm đen vừa mới nhú. Cây cầu võng xuống giữa sông. Bề rộng là ba tấm phên thép đan vào nhau. Cầu không có tay vịn. Người đàn ông phải dắt tay, kèm sát bên cô Khê. Bước bên này cầu, chị Tấm thấp lớp phên bên kia rung chuyển. Nhìn người đàn ông và cô Khê ở giữa cầu, chị tưởng như họ dắt díu nhau xuống phía những mầm đá. Bóng những con quạ, con diều hâu lượn hai bên cây cầu tạo cảm giác chóng mặt. Chị Tấm đành cúi xuống những lỗ tròn dưới chân, tưởng như khó lòng sang tới bên kia.

      Khỏi cây cầu, vượt một cái dốc thì lên tới đầu lộ. Chiếc đầu xe lửa chặn ở đó, đen đủi, sừng sững. Một miếng thép gỉ sét thủng giữa nom như một cánh cửa, bị gió đẩy kêu rít, đập phành phành. Hai bên là hai vệt đen vạch trên mặt đất bằng những vụn gỉ sét. Có những bã mía mốc kẹt dưới bánh xe lún. Để cô Khê ngồi nghỉ bên một phía khuất gió, người đàn ông chạy xuống dốc đón chị Tấm. Chị Tấm thở dốc bước bên người đàn ông mặt mũi phờ phạc. Chiếc mũ vải vẫn trật ra sau như một bướng bỉnh kỳ khôi. Chị Tấm đưa cho người đàn ông lọ dầu bảo nên bôi một ít cho ấm người. Người đàn ông nắm những đầu ngón tay chị và lọ dầu. Chị không còn thấy kinh ngạc. Đường đi như không tránh được khúc này. Chị không rụt tay và chỉ nhìn anh ta, buồn bã. Người đàn ông không làm gì hơn. Bộ mặt cứng lại lúc đầu dần dần trở nên bối rối. Bàn tay nới dần và buông rơi lúc anh nhếch môi cười. Anh ta vẫn còn lúng túng ở giới hạn thăm dò? Chị Tấm lại vơ vẩn nhớ những mẩu bạch lạp. Mới từ đêm qua tới giờ đã thấy xa xôi. Sau lưng đã đành chỉ còn ánh sáng vô ích của mươi mẩu bạch lạp. Nhưng trước mặt, càng đi càng bỏ rơi ý nghĩ sẽ về tới nhà nội đêm nay. Cha chị như vẫn chưa một lần thoả được ước nguyện ở con cái. Những năm trước đã có lần chị nghe ông than thở như vậy. Hồi đó trở về trước, ước mong của ông là có một ngày kéo thuyền lên cạn, xếp lưới xếp vó làm một chuyến du chơi vào sâu trong đất liền. Trừ người con gái lớn, bốn chị em Tấm được ông gả chồng nơi xa vì ao ước đó. Bước chân mỗi người con gái về nhà chồng như dọn trước đường cho ông. Mỗi người là mỗi cái mốc vùng đất ông sẽ tới. Nhưng ông vẫn chưa một lần dời được cái ven biển hẻo lánh. Không một người con nào không có những vất vả riêng. Có người theo chồng sang tận Cam-bốt vì tội thụt két, có người theo chồng đi đồn trú ở những miền xa xôi hoặc đổi chỗ ở như dân du mục. Đám cưới của mỗi người con gái như đều tới một địa chỉ giả. Chị Tấm thấy thương cha. Đáng lẽ những thiệt thòi phần chị phải bù đắp được nhiều ít thiếu hụt nơi ông. Nhưng chung cuộc thì chị đứng bên cái đầu tàu này và ông thì vu vơ chờ đợi cuối đường kia. Những bất động sản mà chị gá nghĩa chỉ còn là một đống vụn đổ nát. Những ngày tháng qua trống rỗng như những lỗ tròn trên cây cầu chị vừa chợt qua. Đã tới lúc chị phải lựa cho mình một cách riêng. Không còn những lúc mặc áo mới đứng trên động cát cản đường, không còn những cầu thang, hành lang, gốc cây đi làm lễ hỏi vợ. Mươi mẩu bạch lạp trong căn phòng sập một góc dù vô ích nhưng vẫn có ánh sáng. Và tự do với đêm tối có chị đứng ngoài xa ngó lại.

      Miếng thép kêu rít tăng lần âm thanh vật vã. Những bóng quạ, bóng diều hâu lảng dần mặt nước tụ trên những ngọn cao có nắng. Cô Khê ôm cẳng, mặt dạn vẻ lì lợm như tự trấn nỗi bối rối. Từ lúc cô vấp té, những chỗ dừng nghỉ tăng dần. Cô không khóc, cũng không còn kêu làm khổ chị Tấm. Người đàn ông châm điếu thuốc đi lăng quăng, trèo lên phòng đầu máy. Anh ta vẫn khó hiểu, bất thường. Cái ngước mặt buồn bã của chị Tấm không là oán trách. Người đàn ông như không biết điều đó. Anh đứng trên bực lên xuống nói vọng xuống:

      "Thôn làng gì mà như chết hết vậy kia".

      Cô Khê bảo chị Tấm:

      "Nếu làng còn người ở, mình vô đó ở qua một đêm. Cách sao cũng không về tới nhà đêm nay".

      Chị Tấm hỏi:

      "Còn gắng đi ít cây số nữa được không?"

      "Không dừng lại được cũng phải cố gắng chớ sao".

      "Vậy nghỉ một lát nữa rồi đi. Qua rừng cây khô, chắc có người ở".

      Chị Tấm bước lại trước đầu máy bảo người đàn ông:

      "Chiều rồi, vô rừng có khi kẹt trong đó. Đi với chúng tôi kiếm chỗ nghĩ đỡ một đêm, sớm mai quay lại kiếm cũng được".

      Người đàn ông rùng mình có vẻ lạnh, xoa xoa vào hai cánh tay bước xuống, mồm rực đỏ đầu thuốc. Chị Tấm nhỏ giọng:

      "Bị lạnh?"

      Người đàn ông lắc đầu.

      "Trời này vận sơ-mi không ngồi trong nhà cũng lạnh".

      "Tôi có áo da mà chị. Mới bán bữa qua xong".

      Những ngón tay ngắn ngủn, to thô kệch vẫn vuốt vuốt hai cánh tay. Chốc chốc người đàn ông lại áy náy nhìn lại chỗ cô Khê. Chị Tấm nhắc lại câu nói khi nãy. Chiều rồi. Người đàn ông vẫn không trả lời. Vẻ ngập ngừng, bứt rứt càng lúc càng tăng. Anh ta nhăn nhó:

      "Không có chị kia, có khi tôi còn trở về quận kịp".

      Anh buông thõng hai tay nhìn chị Tấm. Cái cổ ngắn, cái lưng có vai rộng khom khom buồn bã. Chiếc dây lưng bằng da cũ to bản đầu cong xoắn chốc chốc lại được rờ rà. Chị Tấm nói chẳng bao giờ có ý tưởng dời bỏ cô Khê. Chị chỉ còn mình cô là bạn. Người đàn ông ngơ ngẩn nghe chị và cưới vấp váp, gượng gạo.

      "Tôi không có bạn".

      Anh ta nói, tay vuốt ve cái đầu dây lưng cong xoắn. Bỗng anh "a", reo một tiếng lớn chạy xuống con dốc. Chị Tấm ngạc nhiên trông theo. Anh ta nhảy qua những bụi cây, những tảng đá bên bờ sông, chốc chốc lại cúi xuống dừng lại xem xét. Một lát anh mất hút trong đám dương. Cô Khê hỏi giọng lo ngại:

      "Có chuyện gì đó chị?"

      "Không".

      Đàn quạ, đàn diều hâu đột nhiên vỗ cánh bay hoảng loạn. Chị Tấm trèo lên bực lên xuống nhìn về phía đám dương. Có lúc chị thấy thấp thoáng bóng người đàn ông chạy. Có lúc anh ta ngửa mặt đôi đá bừa lên các ngọn cây. Anh ta điên? Chị Tấm lật đật chạy xuống nắm chặt cổ tay cô Khê, mắt không dời dòng sông. Cô Khê sợ hãi hỏi lại:

      "Chuyện gì đó chị?"

      Chị Tấm nuốt hơi, cố giữ giọng bình tĩnh:

      "Người đàn ông tự dưng chạy xuống bờ sông đôi đá đám quạ".

      Cô Khê rờ cây gậy:

      "Mình đi trước vậy chị?"

      Chị Tấm giữ tay cô Khê ra dấu ngồi nguyên:

      "Chờ một lát coi sao đã. Người ta giúp mình nhiều…"

      Dời cô Khê, chị Tấm lại đầu tàu nhìn xuống. Người đàn ông mũ trật sau ót, tóc xoã dưới trán đang bước trở lại. Dáng bộ ảnh hưởng nom thất thểu. Một vai áo bị rách. Vành mũ phía sau mắc một sợi dây leo. Anh ta mệt nhọc bước lên dốc. Chị Tấm chạy lại hỏi:

      "Chuyện chi đó?"

      Người đàn ông lắc đầu thở hào hển:

      "Không lẽ đàn bò ở rừng cây khô có nước uống…"

      Chị Tấm cười gượng:

      "Có vậy mà làm tôi hết hồn".

      Người đàn ông đưa tay xoa xoa vai áo bị rách, bước từng bước uể oải. Chị Tấm im lặng theo sau. Anh ta bỗng quay lại, hơi thở vẫn dồn dập:

      "Thương được tôi không?"

      Chị Tấm mím chặt môi nhìn trừng trừng.

      "Chớ có làm vậy nữa".

      Chị lùi lại kêu. Người đàn ông không cần biết. Anh ta ôm choàng lấy chị. Cả hai cùng chới với muốn ngã.

      Mồm anh ta cọ khắp mặt chị. Anh nói:

      "Tôi đã quên đàn bò".

      Chị Tấm ngậm chặt môi rồi bật khóc, vùng xô mạnh người đàn ông, chạy lại chỗ cô Khê. Sao tới giờ chị mới thấy sợ vẻ bất thường của anh ta. Sao tới giờ chị mới khóc. Người đàn ông đó với những cục đá đôi lên đàn quạ không thêm một lần chứng tỏ sao? Niềm vui anh ta không có mặt người. Mà bừa bộn những dáng thú. Không có an ủi nào dành cho anh ta. Anh ta muốn có sự thay thế. Chị Tấm oà lên khóc lớn hơn. Tiếng miếng thép vật vã kêu rít. Người đàn ông ngẩn mặt ngơ ngác. Anh ta vẫn có vẻ vô tội. Anh không biết bàn tay anh chỉ để vuốt ve da thú. Cũng như chị, bây giờ mới rõ rệt mình có thời gian làm vợ những bất động sản…

      Cô Khê đứng lên cầm gậy và xách cái túi, dò dẫm bước. Trong một lát chị Tấm và người đàn ông đối diện. Anh ta ngập ngừng nhìn chị và cúi xuống chiếc va-li. Chị Tấm giật lấy rồi quây quả bước theo cô Khê. Cô Khê giọng khổ sở:

      "Chị có chuyện gì với người đàn ông mà vẫn cố tình giấu em. Em làm mất tự do của chị…"

      Chị Tấm nắm lấy tay cô, cúi đầu bước, giọng như nén hơi:

      "Rồi tôi sẽ nói cô nghe. Cũng chẳng có gì".

      Cũng chẳng có gì. Chị Tấm muốn nói cho cô Khê và cả mình nghe. Cũng chẳng có gì. Một người đàn ông đi trên một quãng đường dài với một người đàn bà thì phải như vậy. Anh ta chắc không ồn ào quá nếu không có xúc động đột ngột về đàn bò. Những cái cầm tay rụt rè sẽ giữ nguyên ở giới hạn thăm dò lúc đã chia tay. Lầm lỡ chỉ có một mình chị. Như vậy, tới giờ chị vẫn chẳng quyết được gì cho riêng mình. Chị vẫn như tiếp tục hoài con đường này với những rủi ro và bất trắc.

      Người đàn ông áo rách vai ủ rũ bước sau hai người một quãng.

      Bóng nắng đã lẫn với khí rét. Gió băng trên mặt đồng trống. Rừng cây khô phía trái con đường mỗi lúc một nom rõ. Không có ai lỗi trong vụ này. Cũng chẳng có gì. Phải nghĩ vậy để quên lần từng thứ sau lưng. Đàn quạ coi như không còn những ngọn dương le lói nắng trên những mầm đá. Dòng sông coi như đã hết nước luân lưu. Người đàn ông coi như không còn đàn bò. Chị Tấm không còn người đàn ông phờ phạc phía sau.

      "Gần tới rừng cây khô chưa chị?"

      Cô Khê hỏi:

      "Gần tới nơi rồi".

      "Người đàn ông đâu?"

      "Ở phía sau".

      "Cho em cám ơn ông ta một câu".

      Tới một ngã rẽ vào rừng cây, chị Tấm giữ lễ đứng lại chờ người đàn ông.

      "Cám ơn ông đã giúp chị em chúng tôi tới được đây".

      Chị Tấm nói lúc người đàn ông lại gần. Cô Khê nói nhỏ:

      "Tôi tới nơi rồi, ông cũng nên kiếm một chỗ nghỉ chân?"

      "Tôi phải kiếm đàn bò".

      Người đàn ông nói. Chị Tấm bấm vào cổ tay cô Khê ra hiệu bước đi.

      "Chúc ông tìm thấy lại đàn bò".

      Chị Tấm nói, không quay lại. Người đàn ông nhìn theo hai người rồi rẽ vào rừng cây. Đi được một quãng, hai người chợt nghe giọng người đàn ông hư hư thực thực vọng tới như tiếng thì thầm mơ hồ "Anh Mậu. Anh Mậu". Chị Tấm bảo cô Khê:

      "Anh ta điên thật sự rồi".

      "Chắc bị ma ám".

      Chị Tấm chợt khóc ấm ức và ngơ ngẩn dừng lại nhìn về rừng cây tìm bóng cái mũ vải trật ra sau ót.

      "Sao vậy chị?"

      Cô Khê hỏi.

      "Cũng chẳng có gì. Như đêm qua đứng ở ngoài xa nhìn trở lại những mẩu bạch lạp thắp sáng căn phòng đã sập một góc".

      Comment


      • #4
        Nhân đọc báo có truyện ngắn tựa Dáng Thú của Y Uyên, tôi thấy là lạ bèn tra hỏi địa chỉ của anh và viết thư trong đó có kèm theo bài thơ Dáng Thú của tôi.


        Lưng khom dáng thú, bụng phơi hình người
        Viên Linh

        Ah.......thiệt là thú vị.........vậy bác CSL là Viên Linh....????......mình rất thích những bài viết của VL vì văn hàm súc tích lại còn mang tính hồi ký sử học của một quốc gia.......Cám ơn bác CSL nhiều lắm.


        Thân,
        Nahoku
        Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

        Comment


        • #5
          Nguyên Văn Bài Viết Của nahoku View Post
          Ah.......thiệt là thú vị.........vậy bác CSL là Viên Linh....????......mình rất thích những bài viết của VL vì văn hàm súc tích lại còn mang tính hồi ký sử học của một quốc gia.......Cám ơn bác CSL nhiều lắm.


          Thân,
          Nahoku

          Tôi không phải là Viên Linh đâu bác Na... Ông ta lớn tuổi và nổi tiếng, thuộc lớp đàn anh. Tôi cũng thích văn của VL. Hai câu thơ mở đầu truyện ngắn DÁNG THÚ của Y Uyên được trích từ bài thơ của Viên Linh mà tôi cũng không nhớ được tên bài thơ. Còn bài thơ Dáng Thú của tôi lại khác. Nó được tôi làm khi tôi cùng một số bạn bè mê thơ văn cố gắng ra một đặc san cò tên Dã Thú. Đây là một kỷ niệm rất vui của thuở tập tành viết văn và làm thơ của tôi. Nguyễn Xuân Khôi, sinh viên trường cao đẳng mỹ thuật Gia Định phụ trách trình bày. Thơ có Vĩnh Quí, tốt nghiệp quốc gia âm nhạc Sài Gòn và Trần Công Hoàng, đang học đệ nhị Lê Quý Đôn. Dĩ nhiên là phải có mặt các bóng hồng thì mới xôm tụ như Bình, em họ của Hoàng ỏ Biên Hòa; Tâm, cô hàng xóm của tôi.... Đặc san sống đúng 5 số vì Vĩnh Quí trở lại Huế do không sống nổi ở Sài Gòn. Hoàng bị động viên. Khôi ra trường rồi đi dạy ở miền Tây. Nhưng điều chính là hết tiền. Ngọc Anh, người yêu và mê văn chương của tôi đã tỉnh giấc mơ văn nghệ và hết tiền rồi...

          Comment


          • #6
            Bác có những kỷ niệm thiệt đẹp.........Cám ơn bác đã chia sẻ....Mong được nghe thêm......


            Thân,
            Nahoku
            Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

            Comment


            • #7
              Nguyên Văn Bài Viết Của nahoku View Post
              Bác có những kỷ niệm thiệt đẹp.........Cám ơn bác đã chia sẻ....Mong được nghe thêm......


              Thân,
              Nahoku

              Hihi... tôi viết cho vui không ngờ lại được bác Na muốn nghe thêm. Tôi xin kể cho bác nghe chuyện làm báo ở Mỹ vào những năm 1976 cho tới 1982. Tôi không nhớ rõ vào khoảng năm 1976 ở vùng Los và Santa Ana có bao nhiêu tờ báo. Chắc không nhiều lắm. Lúc đó tôi đang ngồi học ở college thì thằng bạn gọi điện thoại rủ tôi xuống Los làm báo. Đang ráng học tiếng anh để chuẩn bị vào college, nghe thắng bạn rủ làm báo thì cũng mừng vì dù sao cũng dính tới văn nghệ. Hơn nữa chỗ tôi đang ở thật nhà quê, ngồi trong lớp học có một mình buồn chán lại thêm bị mấy cô Mỹ cái thi nhau ăn, hiếp và lấy thịt đè người khiến cho tôi vất vả vô cùng. Nay được mời về làm báo thì đúng là trời còn thương tấm thân còm cõi vì bị Mỹ cái đè. Thế là tôi, không tù giã ai, lặng lẽ lái xe xuống Los để làm báo. Tôi không biết mình đã chọn 1 cái nghề bạc bẽo nhất. Vì không muốn đụng chạm nên tôi xin được giấu tên những đã dính vào chuyện làm báo của tôi. Dù sao tôi cũng cám ơn là nhờ làm báo mà tôi được gặp Nguyên Sa Trần Bích Lan, Mai Thảo, Đỗ Ngọc Yến, chủ tờ báo Người Việt và rất nhiều khác trong giới báo chí và văn nghệ VN Hải Ngoại lúc đó. Đời làm báo vui có mà buồn cũng có. Nhiều khi cười ra nước mắt.

              ( Mai tiếp với tựa đề: Vỡ mộng phục quốc...

              Comment


              • #8
                Nguyên Văn Bài Viết Của chu sa lan View Post
                Hihi... tôi viết cho vui không ngờ lại được bác Na muốn nghe thêm. Tôi xin kể cho bác nghe chuyện làm báo ở Mỹ vào những năm 1976 cho tới 1982.
                Bác CSL......mản phép cho Gud hỏi bác tí......bác qua Mỹ tháng 5 năm 1975 phải không ạ !? bác CSL trước !!!


                Ra Khỏi Nhà Ăn Chơi Cho Thoả
                Nếm Đắng Cay Lết Bánh Rồi Về

                Comment


                • #9
                  Nguyên Văn Bài Viết Của chu sa lan View Post
                  ........ ngồi trong lớp học có một mình buồn chán lại thêm bị mấy cô Mỹ cái thi nhau ăn, hiếp và lấy thịt đè người khiến cho tôi vất vả vô cùng. Nay được mời về làm báo thì đúng là trời còn thương tấm thân còm cõi vì bị Mỹ cái đè.......

                  ( Mai tiếp với tựa đề: Vỡ mộng phục quốc...


                  Mèng........chữ nghĩa của nhà văn có khác......hehheheh.......ăn hiếp mà có dấu phẩy chính giữa thì cái nghĩa nó nặng hơn gấp ngàn lần......hehhehe........
                  Chuẩn bị được nghe về chuyện phục quốc......
                  Cám ơn bác CSL nhiều nha.


                  Thân,
                  Nahoku
                  Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

                  Comment


                  • #10
                    Khi tôi xuống Santa Ana gặp thằng bạn thì nó đang ở trong một căn phòng dơ dáy và bề bộn giấy tờ. Ông chủ báo, kiêm chủ nhiệm, kiêm chủ bút, kiêm thư ký đánh máy bắt tay tôi thật chặt. Có lẽ bạn của tôi đã giới thiệu với ông ta về tôi rất nhiều và nhất là được một cộng tác viên chùa thì bảo sao ông ta không mừng. Phần tôi, vốn dân nhà binh, vì sợ bác hồ nên phải bám chân tư bản, song trong lòng vẫn mơ giấc mơ hồi hương. Nay nghe có người mời cộng tác làm báo cứu nước thì còn gì bằng. Ông chủ nhiệm còn dúi vào tay tôi cái thẻ '' ký giả ''. Ôi... Tôi trở thành ký giả... Hồi còn ở VN, tôi vì đi lính nên viết rất ít và viết lăng nhăng cho vui trên tờ Lý Tưởng của Không Quân hoặc một vài tạp chí của lính nên chưa bao giờ thực sự là nhà văn hoặc ký giả. Nhờ lòng ưu ái của người Mỹ mà bây giờ tôi thành ra '' ký giả ''. Gần nữa năm làm báo với TM, tôi chưa hề được trả lương mà còn tiêu hết số tiền dành dụm của riêng mình. Tôi làm đủ việc; tôi viết đủ mục, từ truyện dài, tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, xã luận, tham luận chính trị. Đi in báo cũng tôi, đi bưu điện gởi báo cũng tôi, đi phỏng vấn để viết bài phóng sự cũng tôi, bởi lẽ giản dị là ông chủ nhiệm không có bằng lái xe và không có xe. Bạn tôi có bằng lái mà lại không có xe. Đêm thức tới 12 giờ để viết bài. Đói thì có mì gói. Nhưng thôi mình đã trót tin vào chuyện cứu nước của ngài chủ nhiệm kiêm '' ký giả '' nên tôi vẫn hăng hái làm bỏ ăn bỏ ngủ cho tới khi có hai sự việc xảy ra. Đầu tiên là Viết. Để tăng thêm độc giả nên ông chủ nhiệm nêu ý kiến tôi viết cái gì cho mê ly và hấp dẫn để '' câu khứa '' ( nguyên văn của ông chủ nhiệm ). Tôi vì bận với lại không quen viết chuyện ái tình xa lộ nên đề nghị ông ta viết. Trước khi báo được lay out ông ta đưa cho tôi xem bản thảo của một tiểu thuyết hấp dẫn và gay cấn có thể làm độc giả nổ tung. Đó là chuyện phải đủ 18 tuổi mới được phép đọc. Nó tả cảnh ái ân mà tả chân tới độ ông ta đưa cả đầu, mình, tay chân vào trong quyển tiểu thuyết của ông ta. Cái đó cũng được đi nếu đăng vào một tờ báo lá cải nào khác. Nhưng đây là tờ báo cứu nước thì tôi thấy có điều gì không ổn và tôi nhất định không cho đăng lên. Tuy nhiên ông ta là chủ tờ báo nên cuối cùng tôi cũng phải chịu thua. Từ đó tôi nghi ngờ và ôm mối bất bình trong lòng. Tôi nghĩ mình đã đầu quân lầm chỗ rồi. Cho tới một hôm thằng bạn tôi khám phá ra cái bí mật của ông ký giả chuyên hô hào cứu nước. Tất cả số tiền mà độc giả gởi về ủng hộ vào cái '' quỷ cứu nước '' do ông ta lập ra như có cánh bay vào chương mục riêng của ông ta. Vẫn chưa tin tôi mới cật vấn thằng bạn thì nó chìa ra hai tờ giấy mà khi xem xong tôi mới biết mình bị lừa. Đó là hai tờ báo cáo hằng tháng của nhà băng. Trong chương mục riêng của TM có gần hai chục ngàn đô la còn trong chương mục của quỉ cứu nước không có xu teng nào. Ai có ở Mỹ vào năm 1976 tất biết 20 ngàn có giá trị như thế nào. Lúc đó đi cày lương tối thiểu là $2.30 xu một giờ thì 20 ngàn nhiều biết bao. Lát sau tôi nói với thằng bạn: Tao bị hắn lừa... Thằng bạn tôi cười như mếu: Tao còn bị hắn lừa huống hồ gì mày. Thằng bạn tôi là dân bắc kỳ 54, khôn lanh và ma mãnh không ai bằng thế mà còn bị lừa thời thằng nam kỳ ngốc nghếch và lý tưởng như tôi bị người ta lừa có gì lạ đâu. Sáng hôm sau, tôi từ giã thằng bạn trở lại chỗ cũ mặc dù nó nài nỉ tôi ở lại đây để đi làm và đi học như nó. Chẳng thà trở lại trường học để bị mỹ cái ăn, hiếp và lấy thịt đè người còn êm ái và ít đắng cay hơn ôm mộng phục quốc để bị ông ký giả giả lừa...
                    3 năm sau. Đang mùa hè tôi theo tụi Mễ đi hái nho, cam, chanh kiếm tiền bắt cái xế tốt hơn và để dành cho khóa học sắp tới thì cũng thằng bắc kỳ 54 rủ tôi xuống Santa Ana làm báo đời. Ôi cái thứ báo đời hoặc báo hại này vẫn còn đeo theo tôi. Thằng bắc kỳ ca bài con cá nghe mùi hơn Thành Được ca vọng cổ. Nó bảo ông chủ nhiệm mà nó đang cộng tác sẽ trả cho tôi một tháng 800 đô la. Tôi nghe nói cũng ham vì đang bị Mễ cái đè ná thở, thêm chịu nắng chịu mưa mà nay làm cái nghề múa bút ai hổng ham. Thân phận dân tị nạn như tôi thật khốn nạn. Hể Mỹ cái vừa ngưng '' ăn, hiếp '' thì tôi lại bị Mễ gái đè. Bác Hồ bôn ba xứ người làm cách mạng sướng hơn tôi nhiều. Bác chuyên môn lấy thịt đè người nên lúc nào muốn đè thì bác ung dung đè; riêng tôi thân tị nạn, chân yếu tay mềm nên bị Mỹ gái, Mễ bà ăn, hiếp và đè tới độ mình lên tiếng '' em chả, em xin chừa '' mà nó cũng chẳng để mình yên thân. Nghĩ tới chuyện ngồi trong phòng gắn máy lạnh, vừa viết báo, nhâm nhi cà phê và phì phèo thuốc lá, tôi quên mất chuyện cũ, chuyện làm báo bị người ta lừa. Vả lại khóa học chưa tới. Ít ra tôi còn hai tháng để thử làm báo hại, báo đời lần nữa. Thế là tuần lễ sau tôi có mặt ở phòng trọ của thằng bắc kỳ 54... Vừa gặp mặt tôi nó phang một câu xanh dờn: '' Mày làm gì mà đen thui dzậy''. Nói xong nó mời tôi đi ăn phở và uống cà phê phin. Nó nhấn mạnh ba tiếng '' cà phê phin ''. Nghe mà tôi thèm ứa nước miếng. Mấy năm nay tôi toàn chung đụng với dân bản xứ. Ăn uống thì '' ăn uống đụng '', nghĩa là đụng cái gì ăn cái đó, đụng cái gì uống cái đó. Cà phê mà tôi hay uống là cà phê đun. Đó là thứ cà phê pha xong rồi để đun cả ngày nên có mùi vị như uống nước màu. Nay ở Santa Ana làm báo được ăn phở, bún bò, mì và uống cà phê phin thì đời tôi đúng là lên hương, dù chưa biết hương gì đây, hương hoa quỳnh hay là hương hoa cứt lợn của ông Phan Khôi. Tuy nhiên tôi vững tâm khi ngồi trong chiếc xe mới ( mới hơn của tôi ) và nhất là khi thấy thằng bạn trả tiền bằng tờ giấy 50 vì mấy năm nay tôi toàn xài bạc lẻ, họa hoằn lắm mới được hân hạnh cầm tờ giấy hai chục. Còn giấy 50 hoặc 100 thì tôi kính nhi viễn chi. Trong lúc ăn uống thằng bắc kỳ 54 thuyết trình sơ lược về báo chí ở hai vùng Los Angeles và Orange. Lúc đó, năm 1981, báo tiếng Việt qui tụ ở ba thành phố Santa Ana, Wesminster và Garden Grove mà tâm điểm là đường Bolsa. Thứ nhất là tờ Người Việt của Đỗ Ngọc Yến; nhì Quê Hương; kế Việt Nam Tự Do rồi Tiếng Việt, Kịch Ảnh, báo Đời và một vài tờ báo khác mà bây giờ tôi không nhớ tên. Dưới San Diego có tờ Việt Nam Hải Ngoại của luật sư Đinh Thạch Bích. Tất cả báo đều sống nhờ vào quảng cáo cho các cơ sở thương mại của người Việt trong vùng.

                    (còn tiếp)

                    Comment


                    • #11
                      Nguyên Văn Bài Viết Của nahoku View Post
                      Mèng........chữ nghĩa của nhà văn có khác......hehheheh.......ăn hiếp mà có dấu phẩy chính giữa thì cái nghĩa nó nặng hơn gấp ngàn lần......hehhehe........
                      Chuẩn bị được nghe về chuyện phục quốc......
                      Cám ơn bác CSL nhiều nha.


                      Thân,
                      Nahoku
                      hihihi... Hồi đó tôi phụ trách mục chuyện phiếm nhiều kỳ có tựa đề '' Bị Mỹ Ăn, Hiếp " mà thằng bạn bắc kỳ 54 của tôi đọc xong cười bảo ước gì nó cũng bị ăn hiếp như tôi... Hôm nào rảnh rổi tôi cố gắng nhớ lại để viết ra cười cho quên buồn...

                      Comment


                      • #12
                        Anh chusalan là nhà văn mà , nên viết buồn, vui nó cũng đồng như nhau

                        Lúc này thấy anh.... chăm chỉ ghê nha anh chusalan

                        Chúc anh luôn dzui, mạnh hén

                        chứ khg ăn, hiếp nha hihihihi

                        Comment


                        • #13
                          Nguyên Văn Bài Viết Của Gudkidconroe View Post
                          Bác CSL......mản phép cho Gud hỏi bác tí......bác qua Mỹ tháng 5 năm 1975 phải không ạ !? bác CSL trước !!!

                          Xin lỗi trả lời bác Gud chậm vì bây giờ mới thấy được câu bác hỏi. Tôi rời VN ngày 30 tháng 4 năm 75. Lê la ở các trại ti nạn Subic Bay, Guam và Pendleton cho tới tháng 8 mới xuất trại...

                          Comment


                          • #14
                            Tiếp theo


                            Sau khi ăn uống và hút no nê xong thằng '' bắc kỳ di tản 54- tị nạn 75 '' mới mời tôi đi thăm dân cho biết sự tình. Rảo một vòng tôi ngạc nhiên vì sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt chúng ta. Chỉ mới có 4 năm thôi mà cơ sở thương mại khá nhiều. Nhà hàng, quán phở, tiệm may, chụp hình, quán cà phê, văn phòng bác sĩ, văn phòng luật sư, chợ, tiệm tạp hóa đủ thứ. Tôi nhớ có nhà hàng gì ở dưới đất còn trên lầu là văn phòng bác sĩ. Đối diện phía bên kia cũng nằm trên đường Bolsa có văn phòng cố vấn luật pháp, thuế vụ gì gì đó của nữ tiến sĩ Tuyết Hồng. Bà này nghe đâu không có bằng tiến sĩ nhưng sau một cuộc đổi đời thì ai muốn xưng gì cũng được. Được cái bà tiến sĩ này rất điệu với báo chí và tính tình rất cởi mở và vui vẻ. Ở vào thời điểm này nảy sinh ra hiện tượng rất ngộ là ký giả giả và ký giả thiệt. Có những người chưa hề làm báo ở Sài Gòn thì đùng một cái có tên Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút, nhà văn kiêm ký giả. Những người trong giới báo chí và viết văn cũ thì im hơi lặng tiếng. Ký giả giả này có tôi trong đó... Sau một màn đưa tôi đi giới thiệu, thằng bạn mới rỉ tai tuyên truyền cho tôi biết là đó là các nơi mà tôi sẽ phải xin quảng cáo. Tôi nhớ ở Sài Gòn có vụ '' ký giả đi ăn mày '' thì bây giờ ở ngay trên xứ Mỹ giàu có nhất thế giới thì tôi sẽ được phong chức '' ký giả đi xin ''. Nghĩ tới chuyện phải lê la đầu đường xó chợ để xin quảng cáo nghe mà phát chán. Nhưng thôi sinh nghề tử nghiệp mà. Qua màn thăm dân để xin quảng cáo xong thằng bắc kỳ dẫn tôi tới trình diện với ông chủ báo. Sau màn cà phê thuốc lá, giới thiệu sơ qua về đường lối, tôn chỉ, mục tiêu kiếm tiền quảng cáo và mua danh của ông chủ tờ báo, thì ông ta cho biết nếu tôi bằng lòng cộng tác ông ta sẽ trả cho tôi một tháng $400. Tôi nghe ông ta nói mà cảm thấy tủi thân. Thú thật tôi đi hái nho, cam, nhặt cà chua, dâu tây, dưa hấu, dù cực khổ, dù bị Mễ cái ỷ đông ăn hiếp và lấy thịt đè người nhưng một tháng cũng kiếm được hơn $1000 và còn được người nước khác cưng nựng đủ điều. Trong khi ông chủ báo đồng hương. miệng anh anh em em, cậu tớ ngọt sớt mà chỉ trả bốn trăm chưa đủ chia tiền phòng, điện nước , xăng nhớt và cà phê thuốc lá với thằng bạn. Đã vậy cái gì tôi cũng phải làm hết trơn. Trước nhất là đi in báo, đi xin quảng cáo, đi bỏ báo... Viết thì cái gì cũng viết. truyện ngắn, truyện dài, phóng sự, truyện tào lao, truyện bá láp, bình luận, tham luận về chính trị. Tôi viết theo '' đơn đặt hàng '' ( chữ dùng của nữ văn sĩ Nguyễn Thị Hoàng tác giả Vòng tay Học Trò ). Vì lương không đủ sống nên tôi nhận viết cho năm sáu tờ báo. Tôi viết bài cho Người Việt của Đỗ Ngọc Yến. Tôi viết tin cho tờ Việt Nam Tự Do. Tôi là người viết tiểu thuyết đăng trên tờ Tiếng Việt. Tôi '' mần thơ '' gởi cho tờ Kịch Ảnh, Quê Hương. Nhiều lắm bây giờ tôi không nhớ hết. Tôi có chục cái tên, năm bảy bí danh khác nhau mà thằng bạn di tản 75 thường đùa là '' ký, giả muôn tên ''. Đi ngang qua tòa soạn của Người Việt, bị ông họ Đỗ kéo lại thì thầm '' Cho một bài tuần tới nhé '' đoạn dúi vào tay hai ba chục tiền thù lao. Tiền giấy nhẹ hều nên bay lẹ lắm. Nó bay vào quán cà phê, phở, tiệm nhậu Thanh Hải với bạn bè, người quen. Đang khề khà tách trà thì Duy Sinh, chủ báo VNTD nhờ viết mẩu tin hay viết tiếp truyện ngắn dở dang. Thú thật tôi viết nhiều lắm mà rốt cuộc chẳng biết mình viết cái gì. Viết lúc đó không còn theo cảm hứng hoặc nghệ thuật, văn chương gì hết mà viết vì tiền. Bởi vậy ngồi quán cà phê tôi thường nói cà rỡn với bạn bè tôi là '' ký, giả-văng sĩ '', có nghĩa là ký giả cái tên tuổi mình và văng mất cái sĩ diện của một người làm văn nghệ.
                            Dù sao đây cũng là thời vui nhộn của một thằng người độc thân. Mấy năm làm báo tôi chưa hề nấu ăn một bữa nào mà chuyên ăn đụng. Đụng đâu ăn đó. Đụng món gì ăn món nấy. Đụng ai cũng mời ăn và đụng ai mời cũng ăn. Mỗi buổi sáng, sau 10, phải sau 10 giờ. Đừng có tới sớm gặp mấy người tin dị đoan họ rầy mình mở hàng xui xẻo, nhất là họ kỵ lắm khi mình tới xin quảng cáo. Bởi vì mình xin là tiền ra chứ hổng phải tiền dô. Đây là cả một nghệ thuật mà tôi đã trải nghiệm sau thời gian chịu khó và chăm chỉ lắng nghe mấy ông, mấy bà giảng dạy mình về chính trị, kinh tế, quân sự, cách viết văn, cách lay out cột quảng cáo sao cho bắt mắt độc giả. Phải biết lúc nào nên im lặng, khi nào nên giơ tay xin phép được nói, lúc nào nên nhủn con chi chi và lúc nào nên nổ như B52 trải thảm. Gặp dân miền nam thì Dạ, đụng dân Hà Lội thì phải Vâng, nói chuyện với người ở Long Xuyên, Rạch Giá thì phải nói '' mình ên '' hay '' con gắn hổ bò ngang đống gơm '', gặp dân Đè Nẻng, Quảng Nôm, Quảng Ngửa thì phải '' en không en tắt đèn đi ngủ ''. Có một lần tôi cà kê dê ngỗng với ông chủ tiệm chụp hình ở đường Bolsa. Tôi luận về Tam Quốc Chí cho ông ta nghe. Tới đoạn Khổng Minh phái Quan Vân Trường đi đón bắt Tào Tháo ở Huê Dung lộ, tôi tán với ông ta lý do Khổng Minh tha Tào Tháo là để duy trì cái thế Tam Quốc. Có cái thế ba nước đánh nhau thì Khổng Minh mới có cơ hội thi thố tài năng và lưu danh sử sách. Chiến tranh mà không có đối thủ thì đánh nhau nhàm chán lắm cũng như chiến thắng chẳng vẻ vang gì, cũng như sau tháng 4 -75, ông Văn đại tướng của CSBV viết cuốn '' Đại thắng màu xuân '' để đánh bóng cho chiến công ăn cướp miền nam của mình. Thực ra có đánh đâu mà thắng mà vỗ ngực xưng đại thắng. Quan lính miền nam chạy trước khi đánh với ông ta mà. Nghe bùi tai, ông chủ tiệm chụp hình đang đăng quảng cáo 1/8 trang vội nâng lên 1/4 trang và còn ký chi phiếu trả trước sáu tháng rồi còn rũ tôi hôm nào qua Thanh Hải uống bia để luận chuyện Tam Quốc cho ông ta nghe.
                            ( Còn tiếp )

                            Comment


                            • #15
                              Nguyên Văn Bài Viết Của Poupi View Post
                              Anh chusalan là nhà văn mà , nên viết buồn, vui nó cũng đồng như nhau

                              Lúc này thấy anh.... chăm chỉ ghê nha anh chusalan

                              Chúc anh luôn dzui, mạnh hén

                              chứ khg ăn, hiếp nha hihihihi

                              Lâu rồi mới gặp lại Poupi. Lúc này tôi viết theo đơn đặt hàng nên phải chăm chỉ không là mất job... hihihi... Bây giờ hổng có ăn, hiếp ai đâu... mà còn bị người khác ỷ nặng lấy thịt đè người nữa cơ...

                              Comment

                              Working...
                              X