Bốn trong 120 cây bài Chắn – Tổ Tôm: Chi chi, Nhị sách, Bát sách, Cửu vạn. Vì cây Chi chi giá trị thấp nhất trong 120 cây bài nên người Việt miền Bắc thường nói “nhũn như con chi chi”, cây Nhị sách chống gậy, bị coi là quân Ăn mày, cây Bát Sách, không biết tại sao có tên là Anh Gàn- Gàn Bát Sách, từ những năm 1990 người Bắc gọi những người hành nghề khuân vác hàng ở biên giới, ở bến xe, bến đò là Cửu Vạn. Cây bài Cửu vạn vác thùng đồ trên vai. Không lâu nữa chắc cỗ bài này sẽ mất vì sẽ không còn người Việt nào chơi bài Chắn Cạ, Tài Bàn, Tổ Tôm.
——————–
Từ năm 1970 đến ngày ta mất nước, ngoài việc viết bài thường xuyên cho Đài Phát Thanh Quốc Gia, anh Nguyễn Mạnh Côn giữ mục bình luận thời sự cho tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, anh đặt tên mục của anh là “Bảy ngày đêm tính quẩn chuyện đời“, ký tên Đằng Vân Hầu. Trong bài anh viết về một số sự việc xảy ra trong tuần ở trong nước, trên thế giới. Năm 1973, sau Hiệp Định Paris, người Việt Quốc Gia bắt đầu nói đến chuyện sắp có hoà bình, anh Côn viết tác phẩm “Hoà Bình. Nghĩ gì? Làm gì?” Năm 1995 trong một tiệm sách ở Hoa Kỳ tôi nhìn thấy quyển “Hoà Bình! Nghĩ gì? Làm gì?” được in lại ở Mỹ.
Hôm nay một ngày cuối năm 2008, sống bình yên ở Hoa Kỳ, ý nghĩ đến với tôi : tại sao tôi không viết những bài theo kiểu “Bảy ngày đêm tính quẩn chuyện đời“? Không viết về một chuyện mà viết về nhiều chuyện nho nhỏ? Chẳng hạn như:
- Tại sao ta gọi đồng “franc” của Pháp là đồng “quan”?
- Cái tên “câu-lạc-bộ” ở đâu ra? Tiếng gì của người Tây phương làm ngôn ngữ ta có tiếng “câu-lạc-bộ”?
Đây không phải là việc “phơi bầy hiểu biết“. Tôi đã viết nhiều lần: Chữ nghĩa, hiểu biết của tôi đựng không đầy cái lá mít. Từ ngày bánh xe lãng tử sang Kỳ Hoa Đất Trích tôi không làm việc gì khác ngoài việc « đọc » và « viết », hai việc tôi yêu thích nhất. Thấy trên những trang sách có chuyện gì hay hay, lạ lạ, những chuyện tôi chưa biết, những chuyện đến lúc đọc trong sách tôi mới được biết, tôi nghĩ chắc nhiều người cũng không biết như tôi, chắc những người đó khi đọc và biết những chuyện ấy cũng thích thú như tôi, nên tôi ghi chép và hôm nay tôi kể lại ở đây vài chuyện.
Tôi vẫn nghe nói câu “Khoẻ như vâm“, tôi cũng thường nói “Khoẻ như vâm“, nhưng tôi không biết “vâm” là con vật gì. Mới đây đọc “Tuyết Xưa” của tác giả Trần Ngọc Ninh tôi mới biết “vâm” là “voi“. “Vâm” tiếng gọi con voi của dân Hà Tĩnh. “Khoẻ như vâm” là “Khoẻ như voi“. Từ bao năm tôi vẫn nghe nói, vẫn nói “luá chiêm, gạo chiêm” nhưng nếu ai hỏi “Tại sao gọi là luá chiêm, gạo chiêm?” tôi không trả lời được. Cũng nhờ ông Trần Ngọc Ninh tôi được biết “lúa chiêm” là lúa của người Chiêm Thành, là giống luá, mùa luá cuả người Chiêm, trồng theo thời vụ và cách thức của người Chiêm. Trước đời Lý nước ta không có lúa chiêm, vụ chiêm; từ đời nhà Lý ông cha ta vào chiếm đất Chiêm Thành mới biết cách và làm theo cách trồng lúa của người Chiêm nên từ đó ta gọi mùa lúa đó là vụ chiêm, thứ gạo đó là gạo chiêm.
Những chuyện linh tinh tôi kể ở đây có thể có chuyện không đúng. Tình thật, tôi thấy trên sách thế nào, tôi chép lại như thế, tôi không bịa ra những chuyện này.
Tại sao ta gọi đồng “franc” là đồng “quan“?
Bến Nghé Xưa. Sơn Nam: Một quan tiền của ta (600 đồng) được người Pháp trị giá ngang với một đồng frăng của họ, vì vậy, đồng frăng (âm là phật-lăng) gọi là đồng quan.
Tại sao đồng bào ta gọi tem thư là “cò thư“, dán tem vào thư là “dán cò?” Tiếng “cò thư” chỉ có ở miền Nam. Vì cái tem thư thứ nhất người Pháp phát hành ở Nam kỳ in hình con cò, nên người Nam gọi tem thư là «cò thư », dán tem là dán cò. Tiếng “tem“ – timbre — ta dùng quá quen, coi như tiếng Việt, như tiếng “đi gác, đứng gác, phiên gác“, từ tiếng garde của Pháp.
Câu-lạc-bộ: Tiếng Club của người Anh, người Tầu phiên âm là “Cơ-lơ-bơ”, ông cha ta bắt chước người Tầu, thành “Câu-lạc-bộ.”
Câu-rút: Trong nhiều sách kinh Thiên Chuá Giáo xưa ta thấy viết “Chuá Cứu Thế chịu nạn trên câu-rút!” Câu-rút là tiếng phiên âm của tiếng Cross.
Ba gai. Tiếng để gọi những anh lính vô kỷ luật. Ba gai, ba đồ..! Ba gai từ tiếng pagaille của Pháp. Trong “Tự Vị Tiếng Việt Miền Nam” tác giả Vương Hồng Sển viết “tiếng ba gai có lẽ do tiếng Pháp bagarre“, không đúng.
Nhũn như con chi chi: Thành ngữ của người Bắc kỳ. Cỗ bài tổ tôm, cỗ bài chắn có 120 cây, có chữ Hán và hình người, từ hàng nhất đến hàng cửu, tức từ số một đến số chín. Có năm quân bài số một, quân chi chi là quân bét nhất, kém hạng nhất trong số 5 quân bài hạng bét ấy. Nói “nhũn như con chi chi” là nói thái độ của người biết mình hèn kém. “Nhũn” đây là nhũn nhặn, không phải mềm nhũn. Có ông viết trên báo giải thích “nhũn như con chi chi” : “chi chi” là tên một giống cá mềm nhũn!
Gàn bát sách: Cũng tiếng của người Bắc; người Trung, người Nam không biết “gàn bát sách” là cái gì. Trong cỗ bài Chắn có cây bát sách. Không biết vì sao người Bắc cho quân bài này là gàn, nên gọi những ông gàn dở trên cõi đời này là những ông Gàn Bát Sách. Người Bắc có tục lệ bỏ cỗ bài Chắn – cỗ bài này cũng dùng để đánh Tổ Tôm – vào quan tài người chết, để “bọn quân bài theo hầu hạ người chết“, nhưng bỏ cây bát sách ra vì sợ “thằng Bát Sách nó gàn, nó làm những việc,nó nói những lời gàn dở làm người chết khó chịu.”
Hình như người Bắc chỉ cho những lá bài Chắn – Tổ Tôm vào quan tài những người chết đàn ông. Khi ông thân tôi qua đời, bà mẹ tôi cho cỗ bài Chắn vào quan tài của ông, tôi hỏi để làm gì thế, bà mẹ tôi nói “Để bọn này chúng nó hầu ông cụ.” Tôi không nói gì, tôi nghĩ thời gia đình tôi có nhiều người hầu nhất là những năm 1940 ở thị xã Hà Đông, những năm ấy ông thân tôi là thông phán Dinh Tổng Đốc, ông có nhà lầu, có xe tay nhà, thường thì trong nhà có hai người làm: một anh đàn ông vừa kéo xe đưa đón ông thân tôi đi làm, vừa gánh nước ở máy nước công cộng, vừa làm bếp nấu ăn, một vú già hay một chị sen đi chợ, giặt quần áo, phụ gánh nước. Nay ông thân tôi mất, cho những 119 quân bài theo hầu ông, ông lấy gì nuôi ăn đám hơn một trăm người hầu ấy?
Cây: tiếng dùng thay cho tiếng “lạng”. Một “cây vàng” là một lạng vàng. “Cây” tiếng lóng, xuất từ ngôn ngữ của giới kỳ bẽo Sài Gòn – “Kỳ bẽo”: cờ bịch, cờ bạc – Giới tổ chức những sòng xóc đĩa ở Sàigòn – tất cả những người trong giới xóc đĩa là dân Bắc kỳ ri cư – từ khoảng năm 1960 có lệ xếp sẵn những chồng giấy bạc 50.000 đồng để khách dùng đánh bạc. Mỗi cọc tiền 50.000 đồng, được chằng dây cao su, như thế được gọi là “một cây“. Sau khi bọn quân đội Bắc Cộng xâm chiếm Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà, phong trào vượt biên tự phát, người cả nước vượt biên. Đồng tiền Hồ đã không có một xu giá trị nào lại còn mất giá thê thảm, mất giá dài dài, những người tổ chức các cuộc vượt biên không lấy tiền người đi vượt biên mà lấy vàng. Tiếng “cây” được người cả nước dùng.
Ai là người Việt Nam ở tù lâu năm nhất? Quán quân ở tù Việt Nam, người Việt Nam tù lâu Vô Địch có lẽ là ông này:
Trương Kỳ. Truyện nôm cuả Trương Quốc Dụng, quan nhà Nguyễn, có tên đường ở Sài Gòn. Trích:
Ông nội tôi là Trãi Hiên tiên sinh không ưa đạo Phật và thuật số. Cuối đời Lê, cụ đỗ hương cống. Cụ hay làm thơ về thời thế, thường có ý vị thương đời.
Cụ không chịu luồn cúi kẻ quyền quí, bị Đoàn Nam Vương Trịnh Khải bắt giam. Từ trong tù cụ gửi thư ra cho bạn, trong thơ cụ có câu:
Ngày nào Long Phúc đổi
Ngày ấy đón tôi về.
Người ta coi cụ là danh sĩ nên không nỡ hại cụ đến tính mệnh. Đến khi họ Trịnh bị diệt, cụ mới được tha. Tính ra cụ bị tù 47 năm. Xã tôi tên là Long Phúc. Vì Nguyễn Huệ có tên giả là Phúc nên phải đổi là Long Phú.
Như chuyện ông Trương Quốc Dụng viết thì người tù Trãi Hiên Trương Quốc Kỳ có tài tiên tri, ở trong tù mà biết có ngày tên làng mình sẽ đổi, và ngày tên làng mình đổi là ngày mình được tự do. Không thấy ghi rõ ông làm gì, ông chống Chuá Trịnh như thế nào mà ông bị Chuá Trịnh bỏ tù đến 47 năm. Chắc tình trạng tù đầy ngày xưa, hay cảnh tù của Ông Tù Trương Quốc Kỳ nói riêng, không đến nỗi man rợ như cảnh tù đầy thời Việt Cộng. Nói là bị tù, rất có thể Ông Tù Trương Quốc Kỳ chỉ bị Chuá Trịnh quản thúc ở một nơi nào đó, ông vẫn sống thoải mái như ở nhà ông, ông không phải sống trong ngục như những tù phạm thường dân. Nguyễn Huệ đánh ra Thăng Long, Đoan Nam Vương Trịnh Khải chạy lên Sơn Tây, bị dân bắt nộp cho quân Tây Sơn, Trịnh Khải dùng dao đâm cổ tự vẫn. Nhà Trịnh đến Trịnh Khải là hết. Ông Tù Trãi Hiên trở về nhà ông.
Chuyện câu đối giữa Đặng Trần Thường và Ngô Thời Nhiệm. Khi còn hàn vi ở Thăng Long, họ Đặng làm bài thơ về chuyện vay tiền:
Lẩn thẩn Đồ Thường đã tới đây.
Có tiền cho giật tạm năm chầy.
Năm chầy không được, ba chầy vậy.
Phiếu mẫu đền ơn cũng có ngày.
Đồ Thường vào Nam theo Gia Long ; năm 1802 Gia Long thống nhất đất nước, Đồ Thường được làm Tổng Trấn Bắc Thành. Có tư thù với Ngô Thời Nhiệm, Đặng Tổng Trấn cho bắt Ngô Thời Nhiệm và Phan Huy Ích, em rể của Ngô Thời Nhiệm, kết tội “là nho sĩ mà làm quan với Nhà Ngụy Tây Sơn,”, nhà Nguyễn Gia Long gọi nhà Nguyễn Tây Sơn là “Ngụy”. Việc kết tội, hành tội là do lệnh của Gia Long. Hai ông Ngô, Phan bị căng nọc ở Văn Miếu đánh đòn vì tội trên. Ông Ngô Thời Nhiệm bị đòn đau, chết ngay, ông Phan Huy Ích sống sót. Vài năm sau Gia Long Nguyễn Ánh phát động chiến dịch giết hại công thần, vu cho Đặng Trần Thường tội phản nghịch, ra lệnh treo cổ Đặng Trần Thường. Đồ Thường huynh hoang mấy năm rồi bị giết còn thê thảm hơn Ngô Thời Nhiệm. Thành phố Sài Gòn có tên Ngô Thời Nhiệm trên bảng tên đường nhưng không có bảng tên đường Đặng Trần Thường. Người đời truyền tụng chuyện họ Đặng chiến thắng hiu hiu tự đắc ra câu đối:
Ai công hầu, ai khanh tướng? Trong trần ai ai dễ biết ai!
Người chiến bại Ngô Thời Nhiệm đối:
Thế Chiến quốc, thế Xuân thu! Gặp thời thế thế thời phải thế!
Câu đối tuyệt hay. Nhưng tôi nghi trong số người đương thời có người cảm khái vì chuyện Ngô Thời Nhiệm-Đặng Trần Thường mà làm ra đôi câu đối đó, không phải do Đặng Trần Thường và Ngô Thời Nhiệm làm. Như nhiều người tôi chỉ biết có đôi câu đối trên của Đặng Trần Thường và Ngô Thời Nhiệm, mới đây tôi được biết Ngô Thời Nhiệm, trước khi chết, có để lại một bài thơ nói về số mệnh của họ Đặng. Bài ấy như sau:
Ai tai Đặng Trần Thường!
Chân như yến xử đường.
Vị Ương cung cố sự,
Diệc thị nhữ thu trường.
Thương thay Đặng Trần Thường!
Như con chim én sống nhờ nơi đầu nhà.
Việc cũ xẩy ra ở Cung Vị Uơng.
Cũng sẽ là số phận của ngươi!
Con chim én làm tổ nơi đầu mái nhà, nhà cháy, chim én bị vạ lây. Đời Hán, Vua Hán Lưu Bang và vợ giết hại công thần ở Cung Vị Ương, Đặng Trần Thường rồi cũng sẽ bị giết như những công thần nhà Hán.
Tôi nghi câu trên cũng là do người đời sau đặt ra, không phải do Ngô Thời Nhiệm để lại. Nếu câu đó là của họ Ngô thì ông là người biết trước việc họ Đặng sẽ bị Gia Long treo cổ, ông biết trước cái chết của người mà ông chẳng biết gì về cái chết, cái sống của ông, ông không biết nhà Nguyễn Tây Sơn chỉ trị nước được có 14 năm, ông không biết đến năm đó ông gặp tai hoạ mà mất mạng. Không có lý!
Hoàng Hải Thuỷ.
Comment