VIÊN LINH
Nhà thơ Quách Thoại chỉ sống ở đời có 27 năm. Nhiều cuốn sách về Thơ Miền Nam từ sau 1954 xuất bản ở Sài Gòn đều viết ông ra đời năm 1929, song trong tác phẩm duy nhất là thi phẩm Giữa Lòng Cuộc Ðời do anh ruột ông là nhà văn Lý Hoàng Phong xuất bản năm 1963, ghi rõ: “Quách Thoại tên thật Ðoàn Thoại, sinh năm 1930 ở Huế,...”
Chân dung nhà thơ Quách Thoại (1930-1957) do Duy Thanh vẽ.
Như thế đúng như một lời bạn hữu vẫn nói hồi đó: Thoại nó chết lúc 27 tuổi, ngày 7 tháng 11, 1957.
Cái chết của thi sĩ gây ồn ào trong sinh hoạt văn nghệ, và làm đau lòng thân nhân người thơ non yểu, chắc chắn là thế, tuy rằng khi chuyển linh cữu nhà thơ từ giường bệnh tới nhà xác, chỉ có 2 người lặng lẽ đi theo: trong có một người anh ruột. Người viết bài này thấy ông đôi lần khi cùng tới tòa soạn tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, tọa lạc bên ga xe lửa Sài Gòn, hình như là 126 đường Lê Lai, cách nhà ga trung ương một bức tường thấp. Quách Thoại là một thanh niên có nước da trắng xanh, gầy gò, mũi dọc dừa, đẹp trai, bước đi chậm rãi, đầu đội chiếc mũ phớt dạ màu xám, chiếc áo veston bạc mờ, không rõ màu gì, có vẻ như bằng dạ, nâu nhạt đà đà. Lúc ấy khoảng cuối 56, hoặc đầu 57, Quách Thoại đối với một nhà văn mới vào nghề là người viết bài này, đương nhiên là một thi sĩ nổi tiếng, từng viết cho cả chục tờ báo, và viết từ 1949 trên Nguồn Sống, Ðoàn Kết, Làm Dân, Sáng Tạo. Báo chí văn nghệ viết nhiều về cái chết của anh, đích xác là ngày 7 tháng 11, 1957; nhưng không rõ có đích xác hay không là anh đã chết đúng như một câu thơ của mình:
Mặt trời mọc!
Mặt trời mọc!
Rưng rưng màu hoa gạo
Lỡ một ngày mai tôi chết trần truồng không cơm áo...
(Còn sáng tạo ta hãy còn sáng tạo)
Chết trần truồng thì không, anh em nói, song không cơm áo thì cũng gần gần, cũng có thể. Anh có trần truồng thật, nhưng lúc ấy là sau này, khi thi thể anh được dùng cho sinh viên giải phẫu cơ thể thực tập. Một người viết: “Năm 1957, thi sĩ (Quách Thoại) định [in một tập thơ] nhưng phải đình trệ vì cuộc sống hàng ngày quá lao khổ, phần vì bệnh hoạn [...], bị lao nặng, thi sĩ phải vào năm nhà thương thí (bệnh viện thành phố) Hồng Bàng, rồi tạ thế ở đó.” (1)
“Sau không chịu nổi đói lạnh, người ông bệnh tật, thiếu ăn, thiếu ngủ, thiếu hút lại quá hăng hái sáng tác, cày ngày thức đêm, tràn ngập thống khổ... Ông mất chỉ có một người bạn và một người anh của ông lo tống táng.” (2)
Những năm đầu thập niên '50, sinh hoạt báo chí Sài Gòn thật là lý tưởng cho những cây bút mới vào nghề. Sau 54, miền Nam bùng vỡ không khí dân chủ, vị vua cuối cùng của một triều đại phong kiến đã bị truất phế, đời sống náo nhiệt ngả hẳn về phương Tây, cả trong sáng tạo nghệ thuật lẫn trong xây dựng dân chủ, một Quốc Hội Lập Hiến đang hình thành và một luồng gió tự do tư tưởng, tự do sáng tác ồ ạt từng lớp, từng đợt, đẩy Sài Gòn Hòn Ngọc Viễn Ðông trở thành thủ đô văn hóa chính trị của miền Nam. Ðó là không khí dựng nước của một tân quốc, của nước cộng hòa đầu tiên của Việt Nam Văn Hiến.
Nhà thơ Quách Thoại viết cho nhiều tạp chí, không thuộc riêng một nhóm nào, nhưng ông đã được Nhóm Sáng Tạo tưởng niệm bằng cách ra một số báo đặc biệt, là số 5 bộ mới, tháng 11, 1960, nhằm ngày giỗ thứ 3 của thi sĩ, với tranh chân dung của ông do họa sĩ Duy Thanh vẽ, in ngoài bìa báo.
Nhà thơ Trần Tuấn Kiệt nhận định như sau: “Những năm Tạp chí Sáng Tạo xuất hiện [10.1956], đến các Tạp chí Thế Kỷ Hai Mươi [7.1960] và Tạp chí Văn Nghệ [1960], những số báo trình bày có nghệ thuật, tiến bộ, bài vở giá trị xứng đáng có ích cho người đọc, nhất là giới sinh viên học sinh. Qui tụ trên những tờ báo này, vẫn theo Trần Tuấn Kiệt, là “những người trí thức thực sự, không là những vang bóng trưởng giả kiểu cách như nhiều tuần báo công kích họ. Những nhà văn tiến bộ này đã làm mới nghệ thuật, tư tưởng, sắc bén ngòi bút, trong đó Quách Thoại là một nhà thơ tân tiến muốn làm mới thi ngữ, với một bản chất thơ lạ thường. Người đó có một đời sống nhiều say đắm, và bi thảm đến cùng cực, tâm hồn thơ mộng và cũng không kém ý chí phấn đấu gian khổ, tất cả tạo thành một bản sắc riêng. Thơ ông có một số bài thật hay, biểu tượng sâu xa.”
Với nhận định của riêng tôi, Quách Thoại là người thơ trẻ duy nhất của thời thế lúc đó xứng đáng là thi sĩ của thời đại: anh nói đến cảnh sống quanh anh, đến xã hội quanh anh, đến chính biến quanh anh - nhiều hơn là nói đến mình và tình cảm riêng tư của mình, một thanh niên vừa qua tuổi hai mươi - và trở thành một thi sĩ chứng nhân của thời đại. Ðời sau đọc thơ Quách Thoại sẽ hiểu được thời đại anh như thế nào, về nhiều mặt quan trọng. Và thơ anh lại là thơ rất nghệ thuật, rất sáng tạo, rất có tâm hồn.
Ðây là vài thí dụ. Chúng ta nghe đọc bài thơ này 60 chục năm sau, nhưng chúng ta sẽ biết rõ những gì nhà thơ đã chứng kiến trong một cuộc giết người vì chủ nghĩa:
Phạm Văn Thông
Anh có thấy không?
Hai chân nó trồi lên mặt đất kìa
Giữa khoảng đồng không
Anh có nhớ không?
Lúc người ta bắt nó ra ngoài đồng
thì nó vẫn còn sống
Ðến khi nhận đầu nó xuống
thì nó vẫn còn sống
Anh có nhớ không?
Khi người ta lấp đất lên rồi
thì nó vẫn còn sống
Anh có hiểu không?
Khi người ta chôn nó
thì nó vẫn còn sống
nó vùng, nó vằng
nó nghe, nó ngửi
nó nhai, nó nuốt
toàn đất là đất
Kìa, nó cử động
ngo ngoe hai chân trong không
Tôi tưởng còn nghe nó rống
giữa khoảng ruộng đất im lìm đồng không.
- Tôi tên Phạm văn Thông...
- Tôi không... tôi không... tôi không...
- Mặc kệ nó, cứ nhận đầu chôn sống.
- Không! Không!
- Kệ xác nó, cứ nhận đầu chôn sống
- Ðồ lũ bay Việt Gian cả giống
- Cứ nhận đầu chôn sống.
Thì ‘nó” vẫn còn sống: Phạm Văn Thông!
(trích U.T. Thơ Việt Hiện Ðại, 1969, Hồng Lĩnh)
Thưa đó là một cảnh trong cuộc đấu tố Cải Cách Ruộng Ðất ở Việt Nam khi những người cộng sản chiếm được quyền bính. CSVN chiếm được miền Bắc năm 1954, người viết những câu thơ trên chết năm 1957, vậy cảnh đó xảy ra giữa 3 năm nói trên.
Một đề tài của QT chính là các bạn văn của mình:
Còn sáng tạo ta hãy còn sáng tạo
tôi đổ lệ khóc đêm nay
nào các anh có biết
Khi tôi đọc những bài văn anh, bài thơ anh thắm thiết:
những mối tình yêu đời bất diệt
của lòng anh, của hồn anh trinh khiết
hiện nguyên hình trên chữ mực vừa in
tư tưởng - dòng câu - chứa đựng vạn niềm tin
bao tâm huyết đổ dồn trên ý nghĩ
thơm tho thay những ý tình tế nhị
nói không cùng những cảm động ẩn trong lời
tôi biết các anh những kẻ đã khóc cười
là những kẻ còn tin yêu vững sống
còn sáng tạo các anh hãy còn sáng tạo
mặt trời mọc!
mặt trời mọc!
rưng rưng màu hoa gạo
lỡ một ngày mai tôi chết trần truồng không cơm áo
thì hồn tôi xin phảng phất chốn trăng sao
để nhìn các anh
như vừa gặp hôm nào
và trong câu chuyện tôi sẽ cười nhắc bảo:
còn sáng tạo ta hãy còn sáng tạo.
(Thế Kỷ 20)
Chú thích:
1. Phạm Thanh (1959): Thi Nhân Việt Nam Hiện Ðại, Khai Trí, tr. 677.
2. Trần Tuấn Kiệt (1967): Thi Ca Việt Nam Hiện Ðại, Khai trí, tr. 722.