Tản Mạn Về Thơ
Thứ bảy, 12 Tháng 11 2011 18:06 Viết bởi Ngô Đình Hải
Năm đệ ngũ ( 1967 ) tôi học việt văn với thầy Đỗ Quý Toàn , ngoài nghề dạy học thầy còn là một nhà văn , nhà thơ , nhà phê bình v/v... ( Bây giờ thì thầy ở xa đến nữa vòng trái đất , cũng không biết thầy còn hay đã mất , đứa học trò ngày xưa của thầy giờ đã gần 60 , đã viết văn , làm thơ mà đôi khi nhớ lại vẫn còn thắc mắc những câu thơ thầy viết , đại loại như :...trái cam đỏ trên ngực người đàn bà... hay: ...trời da vàng da đen v/v...)
Tình cờ tôi đọc được trên internet bài của ông Luân Hoán viết về Đỗ quý Toàn có đoạn nói về thơ trích từ tập tiệp bút Tìm thơ trong tiếng nói của thầy nên xin mạn phép chép lại đây :
" Năm 1851, Cao Bá Quát đang thu xếp hành trang rời bỏ xứ Thần Kinh để trở về Sơn Tây nhận chức giáo thụ, Tùng Thiện Vương gởi ông tập thơ, nhờ viết tựa. Cao Chu Thần viết : 'Phù, thi chi, nan ngôn dã'- ôi, cái chuyện thơ, nói thật là khó vậy.
Thi sĩ họ Cao không phải là người nổi tiếng về đức khiêm tốn, nhất là trong lãnh vực thơ phú. Nếu ông thú nhận chuyện thơ khó nói, chắc là khó thật, chứ không phải ông chỉ nhún nhường giữ lễ với một người bạn bút mực - và một hoàng thân. Chuyện thơ quả khó nói thật. Tự nói cho mình nghe đã khó chứ đừng kể nói cho người khác nghe. Kẻ hậu sinh không phải không biết vâng lời dậy của người xưa, mà vẫn cứ viết về thơ như thế này. Chẳng qua là Thơ, cũng như sự sống, như hạnh phúc, mãi mãi cứ là một nỗi ám ảnh không thể nào quên nguôi, đeo đẳng mãi không rời ...
... Thơ cũng giống như hạnh phúc, nói khó lắm, nhưng không nói thì trong lòng nó vẫn tấm tức làm sao ấy. Người đã làm thơ và đọc thơ mà lại bị cái trí tò mò tư lự nó ám, thế nào cũng ôm mối thắc mắc đó hoài. Thơ là cái gì nhỉ ? Đặt câu hỏi đó rồi, đã thấy sai ngay. Nếu chưa biết nó là cái gì thì tại sao biết cái này hay cái kia là thơ để hỏi thơ là cái gì ? Hay là hỏi cách khác : Cái gì là thơ nhỉ ? Cái gì gây ra thứ rung động mà mỗi chúng ta, mỗi người cảm thấy khi nghe một thứ để gọi nó là thơ ?
...
....Thánh Thán, suốt một đời bình luận thơ văn, đã giảng 600 bài thơ Đường, bị xử tử trước họ Cao gần hai trăm năm, trước khi chết cũng không nói chuyện văn chương hay chính trị, chỉ dặn vợ con một điều tâm đắc trong đời, là 'dưa muối ăn với đậu vàng thì có vị như hồ đào, nếu phép này được truyền lại thì ta chết cũng không ân hận'. (Theo Trần Trọng San). Thành ra, chúng ta cũng không biết nếu nói về thơ, thơ nói chung, thì Kim Thánh Thán sẽ dạy thế nào. Một vị sư tổ khác, Paul Valery, thì bảo 'nói là đi, làm thơ là khiêu vũ'. Có người vịn vào đó để giải nghĩa rằng thơ là nói có nhịp điệu. Có thi sĩ bảo cái gì không thể dịch sang tiếng nước khác được thì đó là thơ (Frost). Có người bảo khi viết thể này rồi đổi sang thể khác không được, thì đó mới là thơ hay (Lê Quý Đôn). Lại có người triệt để hơn, nói thơ hay là khi nào 'dịch'sang cùng một thứ tiếng mà không được (Coleridge). Bùi Giáng nói thẳng : "Thơ là gì ? Không biết". Nguyễn Tuân nhận xét 'định nghĩa về chất thơ...cũng khó như định nghĩa cho chất uy-mua - humour'Mà humour (u mặc) thì Lâm Ngữ Đường thấy nó cũng giống như là gãi lưng. Mình không biết đích xác ngứa ở chỗ nào, gãi nhè nhẹ chỗ nào cũng thú, gãi tới đâu sướng tới đó. Hoàng Đức Lương lại ví thơ như nem gỏi, ăn vào sướng miệng. Đã bảo nói chuyện thơ là khó. Đã nói rồi là sẽ lan man nói đến chuyện nhảy, chuyện cười, chuyện ăn, chuyện gãi ngứa, bao nhiêu lạc thú khác của đời sống. Rất ít khi có người sành làm thơ và sành đọc thơ dám quả quyết: 'Thơ là..'. Chỉ các học giả và các nhà viết giáo khoa, vì lý do nghề nghiệp mới phải làm thuyết giảng một định nghĩa của thơ , hay của 'chất thơ'. Ediot viết về các thi sĩ, về các bài thơ, về nhạc trong thơ, về vai trò xã hội của thơ, nhưng cũng rụt rè khi phải nói về thơ như một thực thể riêng. Ezra Pound rất là 'thánh phán', thay vì viết về thơ thì ông viết về chữ Hán, về Thiên đường, về Vortex, tất cả các thứ đó sẽ giúp chúng ta biết thêm về thơ, từng chút một. Thơ, hóa ra như một con voi, mỗi lần sờ thấy một chỗ, thật khó tường thuật lại cho đầy đủ....
... Suy nghĩ về thơ chúng ta không thể không nghĩ về tiếng nói. Vì thơ lấy tiếng nói làm chất liệu ; cũng như hội họa dùng đường nét, màu sắc, nhạc dùng âm thanh.
... Mỗi nhà thơ mang đến cho chúng ta một người khách lạ, khách nhập vào hồn ta, bằng ngôn ngữ, vì chúng ta chia xẻ với nhau một hệ ngôn ngữ chung. Khách đã thành chủ, mà chủ cũng là khách, khi câu thần chú đọc lên. Như Rimbaud bảo 'On me pense..Je, est un autre' Tôi, nó là một thằng khác (thư, 13 mai 1871).
... Tiếp nhận một bài thơ là tiếp nhận cả hệ thống tiếng nói, trong đó có kinh nghiệm thẩm mỹ của người đọc về hệ thống tiếng nói đó. Nhà ngữ học Saussure đã thí dụ người nói như một người chơi cờ, trong mỗi nước cờ bao hàm cả một hệ thống các quy luật chơi cờ, cũng như cả chiến lược của kỳ thủ.
... Mỗi câu thơ, bài thơ là một toàn thể và chúng ta tiếp nhận chúng như một toàn thể.
... Giữa người làm thơ và người đọc thơ có một sự trao đổi, một diễn trình truyền thông. Cho nên đi tìm thơ chúng ta cũng phải suy ngẫm về vai trò của thơ trong công tác truyền thông, từ thi sĩ đến người đọc .
... Một bài thơ tự nó phải nói được. Những lời giải thích đi bên cạnh một bài thơ chỉ để giúp cho độc giả hiểu thêm tại sao lời thơ lại khiến mình rung động. Nếu độc giả không xúc động vì bài thơ, chỉ xúc cảm vì có lời giải thích, khi đó người giải thích là thi sĩ. Người đó đã dịch một hệ thống tín hiệu (tiếng nói của thi sĩ) sang một hệ thống khác.
... Làm mới ngôn ngữ là một tham vọng quá lớn. Người làm thơ chắc cũng yêu thơ, và do đó sẽ đọc rất nhiều thơ của các thế hệ trước, của các đàn anh, đàn chị. Thế hệ nào cũng vùng vẫy cố thoát khỏi các nhà thơ đi trước. Cứ mở miệng ra đã lẩy Kiều rồi thì khó vượt qua cửa Nguyễn Du. Thời Phan Khôi làm thơ (1932) , ông đã than: 'Cái ý nào mình muốn nói...thì đọc đi đọc lại nghe như họ đã nói rồi..Té ra mình cứ loanh quanh luẩn quẩn trong vòng bàn tay của họ hoài, thật là dễ tức'Thời Phan Khôi, nói 'họ'là nói đến Thanh Quan, Tiên Điền, Đỗ Phủ, Lý Bạch. Thời sau này bao nhiêu thi sĩ khác cố thoát mà không khỏi vòng tay của Huy Cận, Vũ Hoàng Chương vv...rồi sau này khi Bùi Giáng thoát khỏi Nguyễn Du, Huy Cận, rồi thì lại có người khác không thoát ra khỏi tay Bùi Giáng.
...Thơ thường biến đổi nhiều nhất khi cả cuộc sống xã hội thay đổi. Thơ mới, thơ tự do ra đời khi xã hội Việt Nam trải qua các xáo trộn. Tình cảm, tư tưởng đều đòi thêm tự do, thêm cởi mở...
... Một bài thơ là một cách nói duy nhất, không nói cách khác được, vì thi sĩ đã xử dụng ngôn ngữ theo một kiểu riêng. Làm thơ là thay đổi qui thức quen thuộc của ngôn ngữ. Mỗi bài thơ lại là một cách thay đổi qui thức nói năng, bày trò chơi ngôn ngữ theo qui luật mới.
... Khi bàn tới ' cuộc chơi ngôn ngữ ' quý vị đọc xong có thể có cảm tưởng thi sĩ chỉ ngồi chơi một mình với các tiếng, các hình ảnh. Một tiếng dùng theo cách mới tạo ra qui thức của một cuộc chơi ngôn ngữ mới. Một hình ảnh dùng theo cách mới cũng vậy. Nhưng các tiếng và các hình ảnh mới chỉ là phần tiếp giáp giữa thi sĩ với ngôn ngữ.
Ngôn ngữ còn một phần chìm sâu hơn, trải rộng hơn, đó là phần tiếp giáp giữa ngôn ngữ người nói với các người nghe, giữa thi sĩ và xã hội xung quanh, những người cùng chung một hệ tiếng nói. Trên mặt tiếp cận đó, ngoài các yếu tố thuần túy ngữ học (nghĩa, âm, cú pháp...) còn phải chú ý đến các yếu tố ngoài phạm vi của ngữ học. Trong cuộc tiếp cận giữa người nói và người nghe có những ý hiểu ngầm, những giả thiết được coi là tiền đề mà ai cũng lẳng lặng chấp nhận. Các ý ngầm các tiền đề đó nằm trong hệ thống giá trị, trong ý thức hệ tiềm tàng của một nền văn hoá, một thời đại. Các giả thiết tiền đề được hiểu ngầm là một phần rất quan trọng trong tất cả các câu nói mà chúng ta trao đổi với nhau.
... Tôi đề nghị chúng ta nên đọc thơ như thể mình đang sáng tạo. Vừa đọc vừa mở ra một thế giới, trong đó lời và cảm thọ do lời gây ra được tự do phát triển. Chúng ta có học thêm , sống thêm được chút nào, rồi ta đọc lại như đọc lần đầu, khám phá bài thơ một lần nữa. Lời và những cảm thọ, tình ý do lời tạo ra không thể cắt chia. Trong công việc xử dụng ngôn ngữ của loài người, lời và ý gắn chặt vào nhau nhất là khi chúng ta la hét, chửi thề, rên rỉ, và khi ta làm thơ, hay đọc thần chú.
... Nên người đọc thơ phải đóng vai thi sĩ, nghĩa là đóng vai nhân vật mà thi sĩ đang thủ vai. Trong một bài thơ, có khi ta đóng vai này; có khi đóng vai khác. Ta bỗng già, bỗng trẻ, bỗng là nam, là nữ, bỗng yêu, bỗng giận, sống với bài thơ."
Tìm Thơ Trong Tiếng Nói của Đỗ Quý Toàn quả thật không nên tóm lược hoặc trích đoạn như trên. Thiếu và cắt mạch suy nghĩ, trình bày của tác giả....
( nguồn : Đỗ quý Toàn và cái cổ hạnh phúc – Luân Hoán 09-02-2007 )
Đọc xong cũng không biết viết gì thêm , chợt nghĩ đến chuyện của làm thơ của mình , chuyện gặp gỡ với những người bạn thơ văn , đôi khi ngồi " trà tam rượu tứ " lại ví von với nhau hình ảnh túm tụm đó giống như những thanh kim loại của cái chuông gió , được buộc lại với nhau bằng sợi dây văn chương vô hình , treo lủng lẳng ở trên cao mà chờ gió , rồi khi gió tới lại níu lấy nhau mà reo , có anh thì mới yêu thoảng qua mà thơ như đã như thất tình mấy kiếp , rên ư ử tưởng tuyệt vọng sắp chết , có anh thì hớn hở cứ thấy có gió tới là thơ yêu vô tội vạ , yêu triền miên , có anh thì thơ nhẹ nhàng mơn trớn như muốn nâng niu mấy mối tình bất diệt ! có anh thì thơ cay cú với tất cả , chán chê đủ chuyện ...nhiều , nhiều lắm nói sao hết , bởi gió thì còn thổi mãi , chuông vẫn phải kêu theo , cũng may mà nhờ đó đời mới có cái thứ có vần có điệu để mà làm đẹp , để mà nhớ . để mà mơ .Thôi thì không dám viết nhiều hơn sợ mang tiếng lộng ngôn xin dành phần kết bằng bài thơ mới viết như cảm nghĩ riêng của mình để tặng người đọc cho vui :
Chuông gió
Cái chuông gió
Treo ở trên đầu cửa
Kêu leng keng là chuyện hiển nhiên
Thường
Chuông vô tri
Mà âm thanh có thực
Phát ra từ va chạm lẫn nhau
Đau
Chuông reo vui
Chỉ mỗi khi gió thổi
Chuyện hơn thua đâu phải là hay
Dại
Tại con người
Treo chuông để chờ thời
Trầm bổng chen chân một chỗ chơi
Tồi
Một cái tôi
Thấp cao cũng sẵn rồi
Chung một phận đợi gió bên trời
Tội
Cố tranh giành
Mất mát lẫn hư hao
Mưa nắng mang thời gian phủ bụi
Vùi
Chuông lủng lẳng
Đến khi đời quên lãng
Hợp tan theo dây buộc đứt dần
Rơi
Ngô đình Hải
ST !
Thứ bảy, 12 Tháng 11 2011 18:06 Viết bởi Ngô Đình Hải
Năm đệ ngũ ( 1967 ) tôi học việt văn với thầy Đỗ Quý Toàn , ngoài nghề dạy học thầy còn là một nhà văn , nhà thơ , nhà phê bình v/v... ( Bây giờ thì thầy ở xa đến nữa vòng trái đất , cũng không biết thầy còn hay đã mất , đứa học trò ngày xưa của thầy giờ đã gần 60 , đã viết văn , làm thơ mà đôi khi nhớ lại vẫn còn thắc mắc những câu thơ thầy viết , đại loại như :...trái cam đỏ trên ngực người đàn bà... hay: ...trời da vàng da đen v/v...)
Tình cờ tôi đọc được trên internet bài của ông Luân Hoán viết về Đỗ quý Toàn có đoạn nói về thơ trích từ tập tiệp bút Tìm thơ trong tiếng nói của thầy nên xin mạn phép chép lại đây :
" Năm 1851, Cao Bá Quát đang thu xếp hành trang rời bỏ xứ Thần Kinh để trở về Sơn Tây nhận chức giáo thụ, Tùng Thiện Vương gởi ông tập thơ, nhờ viết tựa. Cao Chu Thần viết : 'Phù, thi chi, nan ngôn dã'- ôi, cái chuyện thơ, nói thật là khó vậy.
Thi sĩ họ Cao không phải là người nổi tiếng về đức khiêm tốn, nhất là trong lãnh vực thơ phú. Nếu ông thú nhận chuyện thơ khó nói, chắc là khó thật, chứ không phải ông chỉ nhún nhường giữ lễ với một người bạn bút mực - và một hoàng thân. Chuyện thơ quả khó nói thật. Tự nói cho mình nghe đã khó chứ đừng kể nói cho người khác nghe. Kẻ hậu sinh không phải không biết vâng lời dậy của người xưa, mà vẫn cứ viết về thơ như thế này. Chẳng qua là Thơ, cũng như sự sống, như hạnh phúc, mãi mãi cứ là một nỗi ám ảnh không thể nào quên nguôi, đeo đẳng mãi không rời ...
... Thơ cũng giống như hạnh phúc, nói khó lắm, nhưng không nói thì trong lòng nó vẫn tấm tức làm sao ấy. Người đã làm thơ và đọc thơ mà lại bị cái trí tò mò tư lự nó ám, thế nào cũng ôm mối thắc mắc đó hoài. Thơ là cái gì nhỉ ? Đặt câu hỏi đó rồi, đã thấy sai ngay. Nếu chưa biết nó là cái gì thì tại sao biết cái này hay cái kia là thơ để hỏi thơ là cái gì ? Hay là hỏi cách khác : Cái gì là thơ nhỉ ? Cái gì gây ra thứ rung động mà mỗi chúng ta, mỗi người cảm thấy khi nghe một thứ để gọi nó là thơ ?
...
....Thánh Thán, suốt một đời bình luận thơ văn, đã giảng 600 bài thơ Đường, bị xử tử trước họ Cao gần hai trăm năm, trước khi chết cũng không nói chuyện văn chương hay chính trị, chỉ dặn vợ con một điều tâm đắc trong đời, là 'dưa muối ăn với đậu vàng thì có vị như hồ đào, nếu phép này được truyền lại thì ta chết cũng không ân hận'. (Theo Trần Trọng San). Thành ra, chúng ta cũng không biết nếu nói về thơ, thơ nói chung, thì Kim Thánh Thán sẽ dạy thế nào. Một vị sư tổ khác, Paul Valery, thì bảo 'nói là đi, làm thơ là khiêu vũ'. Có người vịn vào đó để giải nghĩa rằng thơ là nói có nhịp điệu. Có thi sĩ bảo cái gì không thể dịch sang tiếng nước khác được thì đó là thơ (Frost). Có người bảo khi viết thể này rồi đổi sang thể khác không được, thì đó mới là thơ hay (Lê Quý Đôn). Lại có người triệt để hơn, nói thơ hay là khi nào 'dịch'sang cùng một thứ tiếng mà không được (Coleridge). Bùi Giáng nói thẳng : "Thơ là gì ? Không biết". Nguyễn Tuân nhận xét 'định nghĩa về chất thơ...cũng khó như định nghĩa cho chất uy-mua - humour'Mà humour (u mặc) thì Lâm Ngữ Đường thấy nó cũng giống như là gãi lưng. Mình không biết đích xác ngứa ở chỗ nào, gãi nhè nhẹ chỗ nào cũng thú, gãi tới đâu sướng tới đó. Hoàng Đức Lương lại ví thơ như nem gỏi, ăn vào sướng miệng. Đã bảo nói chuyện thơ là khó. Đã nói rồi là sẽ lan man nói đến chuyện nhảy, chuyện cười, chuyện ăn, chuyện gãi ngứa, bao nhiêu lạc thú khác của đời sống. Rất ít khi có người sành làm thơ và sành đọc thơ dám quả quyết: 'Thơ là..'. Chỉ các học giả và các nhà viết giáo khoa, vì lý do nghề nghiệp mới phải làm thuyết giảng một định nghĩa của thơ , hay của 'chất thơ'. Ediot viết về các thi sĩ, về các bài thơ, về nhạc trong thơ, về vai trò xã hội của thơ, nhưng cũng rụt rè khi phải nói về thơ như một thực thể riêng. Ezra Pound rất là 'thánh phán', thay vì viết về thơ thì ông viết về chữ Hán, về Thiên đường, về Vortex, tất cả các thứ đó sẽ giúp chúng ta biết thêm về thơ, từng chút một. Thơ, hóa ra như một con voi, mỗi lần sờ thấy một chỗ, thật khó tường thuật lại cho đầy đủ....
... Suy nghĩ về thơ chúng ta không thể không nghĩ về tiếng nói. Vì thơ lấy tiếng nói làm chất liệu ; cũng như hội họa dùng đường nét, màu sắc, nhạc dùng âm thanh.
... Mỗi nhà thơ mang đến cho chúng ta một người khách lạ, khách nhập vào hồn ta, bằng ngôn ngữ, vì chúng ta chia xẻ với nhau một hệ ngôn ngữ chung. Khách đã thành chủ, mà chủ cũng là khách, khi câu thần chú đọc lên. Như Rimbaud bảo 'On me pense..Je, est un autre' Tôi, nó là một thằng khác (thư, 13 mai 1871).
... Tiếp nhận một bài thơ là tiếp nhận cả hệ thống tiếng nói, trong đó có kinh nghiệm thẩm mỹ của người đọc về hệ thống tiếng nói đó. Nhà ngữ học Saussure đã thí dụ người nói như một người chơi cờ, trong mỗi nước cờ bao hàm cả một hệ thống các quy luật chơi cờ, cũng như cả chiến lược của kỳ thủ.
... Mỗi câu thơ, bài thơ là một toàn thể và chúng ta tiếp nhận chúng như một toàn thể.
... Giữa người làm thơ và người đọc thơ có một sự trao đổi, một diễn trình truyền thông. Cho nên đi tìm thơ chúng ta cũng phải suy ngẫm về vai trò của thơ trong công tác truyền thông, từ thi sĩ đến người đọc .
... Một bài thơ tự nó phải nói được. Những lời giải thích đi bên cạnh một bài thơ chỉ để giúp cho độc giả hiểu thêm tại sao lời thơ lại khiến mình rung động. Nếu độc giả không xúc động vì bài thơ, chỉ xúc cảm vì có lời giải thích, khi đó người giải thích là thi sĩ. Người đó đã dịch một hệ thống tín hiệu (tiếng nói của thi sĩ) sang một hệ thống khác.
... Làm mới ngôn ngữ là một tham vọng quá lớn. Người làm thơ chắc cũng yêu thơ, và do đó sẽ đọc rất nhiều thơ của các thế hệ trước, của các đàn anh, đàn chị. Thế hệ nào cũng vùng vẫy cố thoát khỏi các nhà thơ đi trước. Cứ mở miệng ra đã lẩy Kiều rồi thì khó vượt qua cửa Nguyễn Du. Thời Phan Khôi làm thơ (1932) , ông đã than: 'Cái ý nào mình muốn nói...thì đọc đi đọc lại nghe như họ đã nói rồi..Té ra mình cứ loanh quanh luẩn quẩn trong vòng bàn tay của họ hoài, thật là dễ tức'Thời Phan Khôi, nói 'họ'là nói đến Thanh Quan, Tiên Điền, Đỗ Phủ, Lý Bạch. Thời sau này bao nhiêu thi sĩ khác cố thoát mà không khỏi vòng tay của Huy Cận, Vũ Hoàng Chương vv...rồi sau này khi Bùi Giáng thoát khỏi Nguyễn Du, Huy Cận, rồi thì lại có người khác không thoát ra khỏi tay Bùi Giáng.
...Thơ thường biến đổi nhiều nhất khi cả cuộc sống xã hội thay đổi. Thơ mới, thơ tự do ra đời khi xã hội Việt Nam trải qua các xáo trộn. Tình cảm, tư tưởng đều đòi thêm tự do, thêm cởi mở...
... Một bài thơ là một cách nói duy nhất, không nói cách khác được, vì thi sĩ đã xử dụng ngôn ngữ theo một kiểu riêng. Làm thơ là thay đổi qui thức quen thuộc của ngôn ngữ. Mỗi bài thơ lại là một cách thay đổi qui thức nói năng, bày trò chơi ngôn ngữ theo qui luật mới.
... Khi bàn tới ' cuộc chơi ngôn ngữ ' quý vị đọc xong có thể có cảm tưởng thi sĩ chỉ ngồi chơi một mình với các tiếng, các hình ảnh. Một tiếng dùng theo cách mới tạo ra qui thức của một cuộc chơi ngôn ngữ mới. Một hình ảnh dùng theo cách mới cũng vậy. Nhưng các tiếng và các hình ảnh mới chỉ là phần tiếp giáp giữa thi sĩ với ngôn ngữ.
Ngôn ngữ còn một phần chìm sâu hơn, trải rộng hơn, đó là phần tiếp giáp giữa ngôn ngữ người nói với các người nghe, giữa thi sĩ và xã hội xung quanh, những người cùng chung một hệ tiếng nói. Trên mặt tiếp cận đó, ngoài các yếu tố thuần túy ngữ học (nghĩa, âm, cú pháp...) còn phải chú ý đến các yếu tố ngoài phạm vi của ngữ học. Trong cuộc tiếp cận giữa người nói và người nghe có những ý hiểu ngầm, những giả thiết được coi là tiền đề mà ai cũng lẳng lặng chấp nhận. Các ý ngầm các tiền đề đó nằm trong hệ thống giá trị, trong ý thức hệ tiềm tàng của một nền văn hoá, một thời đại. Các giả thiết tiền đề được hiểu ngầm là một phần rất quan trọng trong tất cả các câu nói mà chúng ta trao đổi với nhau.
... Tôi đề nghị chúng ta nên đọc thơ như thể mình đang sáng tạo. Vừa đọc vừa mở ra một thế giới, trong đó lời và cảm thọ do lời gây ra được tự do phát triển. Chúng ta có học thêm , sống thêm được chút nào, rồi ta đọc lại như đọc lần đầu, khám phá bài thơ một lần nữa. Lời và những cảm thọ, tình ý do lời tạo ra không thể cắt chia. Trong công việc xử dụng ngôn ngữ của loài người, lời và ý gắn chặt vào nhau nhất là khi chúng ta la hét, chửi thề, rên rỉ, và khi ta làm thơ, hay đọc thần chú.
... Nên người đọc thơ phải đóng vai thi sĩ, nghĩa là đóng vai nhân vật mà thi sĩ đang thủ vai. Trong một bài thơ, có khi ta đóng vai này; có khi đóng vai khác. Ta bỗng già, bỗng trẻ, bỗng là nam, là nữ, bỗng yêu, bỗng giận, sống với bài thơ."
Tìm Thơ Trong Tiếng Nói của Đỗ Quý Toàn quả thật không nên tóm lược hoặc trích đoạn như trên. Thiếu và cắt mạch suy nghĩ, trình bày của tác giả....
( nguồn : Đỗ quý Toàn và cái cổ hạnh phúc – Luân Hoán 09-02-2007 )
Đọc xong cũng không biết viết gì thêm , chợt nghĩ đến chuyện của làm thơ của mình , chuyện gặp gỡ với những người bạn thơ văn , đôi khi ngồi " trà tam rượu tứ " lại ví von với nhau hình ảnh túm tụm đó giống như những thanh kim loại của cái chuông gió , được buộc lại với nhau bằng sợi dây văn chương vô hình , treo lủng lẳng ở trên cao mà chờ gió , rồi khi gió tới lại níu lấy nhau mà reo , có anh thì mới yêu thoảng qua mà thơ như đã như thất tình mấy kiếp , rên ư ử tưởng tuyệt vọng sắp chết , có anh thì hớn hở cứ thấy có gió tới là thơ yêu vô tội vạ , yêu triền miên , có anh thì thơ nhẹ nhàng mơn trớn như muốn nâng niu mấy mối tình bất diệt ! có anh thì thơ cay cú với tất cả , chán chê đủ chuyện ...nhiều , nhiều lắm nói sao hết , bởi gió thì còn thổi mãi , chuông vẫn phải kêu theo , cũng may mà nhờ đó đời mới có cái thứ có vần có điệu để mà làm đẹp , để mà nhớ . để mà mơ .Thôi thì không dám viết nhiều hơn sợ mang tiếng lộng ngôn xin dành phần kết bằng bài thơ mới viết như cảm nghĩ riêng của mình để tặng người đọc cho vui :
Chuông gió
Cái chuông gió
Treo ở trên đầu cửa
Kêu leng keng là chuyện hiển nhiên
Thường
Chuông vô tri
Mà âm thanh có thực
Phát ra từ va chạm lẫn nhau
Đau
Chuông reo vui
Chỉ mỗi khi gió thổi
Chuyện hơn thua đâu phải là hay
Dại
Tại con người
Treo chuông để chờ thời
Trầm bổng chen chân một chỗ chơi
Tồi
Một cái tôi
Thấp cao cũng sẵn rồi
Chung một phận đợi gió bên trời
Tội
Cố tranh giành
Mất mát lẫn hư hao
Mưa nắng mang thời gian phủ bụi
Vùi
Chuông lủng lẳng
Đến khi đời quên lãng
Hợp tan theo dây buộc đứt dần
Rơi
Ngô đình Hải
ST !