Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Dạ Cổ Hoài Lang - Một Xuất Xứ Buồn

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Dạ Cổ Hoài Lang - Một Xuất Xứ Buồn

    Vào đầu thế kỷ thứ 20, âm nhạc Tài tử miền Nam đã thành hình, nhờ các nhạc sĩ, nhạc quan của triều Nguyễn, theo phong trào Cần Vương vào Nam, đem theo truyền thống âm nhạc đất thần kinh, chuyển thành hơi miền Nam, có khi đi ngang qua các tỉnh miền Quảng Nam, Quảng Ngãi trước khi vào Nam, nên các bực thầy trong nghề thường nói gốc đờn tài tử là từ đờn Huế hay đờn Quảng.

    Chữ "tài tử" có nghĩa là "người có tài", mà cũng có nghĩa là "không chuyên nghiệp". Mà không chuyên nghiệp không phải là tài nghệ không cao, không cần luyện tập. Những người nổi tiếng trong giới Tài tử là những bực thầy, bài bản đầy đủ, lại có những ngón đờn, những chữ độc đáo, tuyệt diệu. Nhưng muốn nghe tiếng đờn kỳ diệu đó, không phải có tiền mà được. Người đờn "tài tử" chỉ gặp nhau trong những buổi hòa nhạc để thưởng thức tài nghệ chớ không phải đờn để kiếm tiền mưu sống.

    Tác giả bài Dạ cổ hoài lang


    Ông Sáu Lầu, tên là Cao Văn Lầu sanh ra vào lối năm 1890 tại xã Thuận Lễ, tỉnh Tân An. Năm lên 6 tuổi, theo cha về Bạc Liêu (theo ông Trần Văn Khải, Nghệ thuật sân khấu Việt Nam, Sài Gòn, Khai Trí, xuất bản năm 1970) hay là năm 1892 theo lời ông Bùi Trung Tín (Bản vọng cổ trên từng chặng đường phát triển, tạp chí Văn Hóa tháng 5.1994).

    Trong bài báo Một cuộc phỏng vấn bất ngờ của Thanh Cao đăng trong báo Dân Mới ngày chủ nhật 20-12-53, khi Thanh Cao hỏi ông Sáu Lầu: "Chẳng hay từ ngày bác cho ra đời bản Vọng cổ, đến nay đã được bao nhiêu năm rồi. Và bác còn nhớ năm nào chăng?". Ông Sáu Lầu đã trả lời:"Tôi không nhớ rõ đã được bao nhiêu lâu, nhưng chỉ nhớ năm ấy tôi được 29 tuổi và bây giờ tôi đã lên 63". Báo đăng bài phỏng vấn năm 1953, ông 63 tuổi năm ấy, tức là ông chào đời năm 1890. Và năm ông sáng tác bài Dạ cổ hoài lang là năm 1919, lúc "khủng hoảng tinh thần", trong "hoàn cảnh đau thương", bị mẹ bắt buộc phải ly dị với vợ ông sau 8 năm chung sống, vì lý do bà vợ không sanh con nối dòng. Ông buồn nhớ bạn lang nên đặt ra bài ca tên Hoài lang.

    Ông Bùi Trung Tín cũng nói lý lẽ như trên và thêm chi tiết là ông Bảy Kiên đề nghị thêm vô hai chữ Dạ cổ là tiếng trống ban đêm... Năm sáng tác là 1920, và nơi sáng tác là nhà đèn Bạc Liêu.

    GS Thuyết Phong thì ghi rằng: ông Sáu Lầu sáng tác bài Dạ cổ hoài lang vào khoảng 1919-1920, không phải vì thương nhớ bạn lang, nhớ vợ bị bắt buộc ly dị, mà nhân dịp có một nhóm nghệ sĩ từ Huế vào trình diễn trong Nam, ông Sáu Lầu sáng tác bài Dạ cổ hoài lang để đáp lễ nhóm nghệ sĩ Huế (Thế giới âm thanh Việt Nam - Hoa Cau xb, California, tr.72).

    Tuy những việc ấy không quan trọng lắm nhưng tôi ghi lại để các bạn thấy rằng chỉ có mấy điểm: năm sanh ông Sáu Lầu, năm sáng tác bài Dạ cổ hoài lang và trường hợp sáng tác, mà các nhà báo, nghiên cứu âm nhạc chưa nhất trí. Ông Sáu Lầu là học trò ông Nhạc Khi, thường gọi là ông Hai Khi thầy đờn tại Bạc Liêu. Ngoài bài Dạ cổ hoài lang, ông Sáu Lầu còn sáng tác bài Minh Hoàng thưởng nguyệt, Giọt mưa đêm nhưng không ai biết mấy bài ấy. (Thanh Cao, Báo Dân Mới 20-12-53, trang 3).

    Lời bài Dạ cổ hoài lang


    Từ là từ phu tướng
    Báu kiếm sắc phán lên đường
    Vào ra luống trông tin nhạn
    Năm canh mơ màng
    Em luống trông tin chàng
    Ôi gan vàng thêm đau
    Đường dù xa ong bướm
    Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
    Còn đêm luống trông tin bạn
    Ngày mỏi mòn như đá vọng phu
    Vọng phu luống trông tin chàng
    Lòng xin chớ phụ phàng
    Chàng là chàng có hay
    Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
    Biết bao thuở đó đây sum vầy ?
    Duyên sắc cầm đừng lợt phai
    Là nguyện cho chàng
    Hai chữ bình an
    Trở lại gia đàng
    Cho én nhạn hiệp đôi

    (Trích trong bài của Bùi Trung Tín đã dẫn phía trên).

    Nhớ người ra đi, nhắc người đừng phụ tình bạc nghĩa. Người ở nhà mòn mỏi trông tin nhạn, luôn luôn mong mỏi từng giây phút trùng phùng. Tâm trạng đó là tâm trạng chung của nhiều thiếu phụ Việt Nam thời bấy giờ. Vì bổn phận, vì nhiệm vụ chồng phải "chấp kiếm lên đường", đi ra biên ải. Biên ải thật sự hay biên ải của một cuộc đấu tranh giành độc lập cho xứ sở. Hay biên ải xa vời của những người lính Việt bị mộ sang Pháp trong thế chiến thứ nhất (1914-1918). Trong các trường hợp ấy, người thiếu phụ trông chồng phải vì nghĩa chung mà gác niềm tây. Cái buồn của người Việt Nam thường ém vào trong, muốn nói, lắm khi nghẹn ngào chẳng thốt nên lời, nhưng nó đã có từ khi lập quốc, vì phải chống thiên tai, chống ngoại xâm, cái buồn khó tả khôn nguôi trong thời bị trị. Cái buồn dính liền với bản chất người Việt Nam đa tình, đa cảm, hay quyến luyến, hay bịn rịn, dầu sanh ly hay tử biệt, khó cắt đứt sợi dây vô hình cột chặt người ở lại với người ra đi.

    Bài Dạ cổ hoài lang gợi lên được cái buồn bí ẩn trong thâm tâm của con người Việt Nam.

    Trong cổ nhạc Việt Nam chưa có bài nào, bản nhạc nào được như bài Dạ cổ hoài lang, biến thành "Vọng cổ", từ một sáng tác tập thể, sanh ra từ thế kỷ, lớn lên, sống mạnh, phát triển không ngừng, biến hóa thiên hình vạn trạng, mà sẽ còn sống mãi trong lòng người Việt trong nước và rải rác khắp năm châu.

    GS. Trần Văn Khê

    Paris - 1998

    (Mời qua phòng Cải Lương Online để nghe bản này )
Working...
X