Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

ĐỌC THƠ TRẠCH GẦM - Đinh Lâm Thanh

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • ĐỌC THƠ TRẠCH GẦM - Đinh Lâm Thanh



    ĐỌC THƠ TRẠCH GẦM



    * ĐINH LÂM THANH *







    Tôi yêu Trạch Gầm cả Thơ lẫn con Người. Những gì anh viết, chính là niềm đau của một người lính phải tức tưởi buông súng đầu hàng, chính là uất hận của một kẻ phải bỏ nước ra đi sau những năm tháng tù đày và cũng chính là nỗi xót xa đối với đồng đội đã một thời gắn bó với anh. Tôi yêu con người, vì anh thật xứng đáng một cấp chỉ huy, tuy sống dưới chế độ tự do nhưng không bao giờ anh quên những người bạn sống chết với nhau đã nằm xuống hay còn kẹt lại ở quê nhà. Đời binh nghiệp của anh thật khiêm nhượng với vài ba ‘mai vàng’ dừng lại trên vai, nhưng trong lồng ngực của anh, mãi mãi là một trái tim vĩ đại mà anh đã trân trọng dành cho đồng đội đã hy sinh cho màu cờ tổ quốc và những phế nhân còn sống sót dưới chế độ cộng sản. Anh xứng đáng ngửng mặt lên khi nhìn lại những cấp chỉ huy lớn, những ‘vì sao’ đã rụng xuống ‘boong’ tàu của hạm đội Mỹ trước giờ mất nước ! Rồi 34 năm nay họ đã làm được gì cho đồng đội, thương binh, cô nhi quả phụ cũng như cho quê hương và dân tộc ? Và cứ mỗi năm, vẫn áo mũ chỉnh tề nhắc lại chiến công một thời vang bóng. Nhưng có mấy vị nhớ đến thuộc cấp của mình là những người đã hy sinh xương máu để đem lại những huy chương hiển hách trước ngực cũng như những ngôi sao lấp lánh trên cổ áo !



    Nhắc đến Trạch Gầm là nói đến con người của tình cảm, luôn nặng tình với quê hương, ray rứt cho cuộc chiến và ấm ức vì đầu hàng…tất cả những trăn trở đó đều chất chứa trong thơ của anh. Đọc thơ Trạch Gầm độc giả nhận ra ngay trong con người anh là một khối tình gắn bó thiết tha với đồng đội, là ân sâu nghĩa nặng đối với bạn bè, là những người đã nằm xuống hay bị lãng quên dưới chế độ cộng sản.


    Cách đây hai năm, tôi gặp Trạch Gầm trong một ngày nắng ấm tại quán café Tip-Top trên đường Westminster, Sàigòn nhỏ, Cali. Anh đọc cho nghe bài thơ ‘Lời Trước Nghĩa Trang’. Chưa dứt bốn câu đầu, anh đã bật khóc và làm tôi phải khóc theo trước ngạc nhiên của số thân hữu bạn bè. Thật khó tưởng tượng nổi, hai người đàn ông 65 và 71 tuổi đã khóc như một đứa trẻ khi nhắc đến những người bạn đã nằm xuống. Rồi hình ảnh Trạch Gầm với những giọt nước mắt bên tách càfé vẫn ngày đêm ám ảnh và gây xúc động mỗi khi tôi cầm cuốn Vụn Vặt trong tay.


    Những lời thơ viết về tình đồng đội của anh đã kéo ký ức tôi trở lại quảng đời dĩ vãng mà trong thời Mậu Thân 1968, tôi đã sống trọn vẹn với những người lính thuộc trung đội tác chiến tại vùng rừng núi Quảng Đức. Những người bạn nầy đã ra đi nhưng họ vẫn sống mãi bên tôi và phù hộ cho tôi còn sót đến ngày hôm nay. Tôi xin mượn mấy câu thơ của Trạch Gầm để tưởng niệm những người lính đã nằm xuống :

    Tao sống đến ngày cuối cùng cuộc chiến

    Được cái hơn mầy nhìn thấy đau thương

    Đành làm người ngu đổ thừa vận nước

    Uổng cả tháng ngày gối đá nằm sương

    (Lời trước nghĩa trang)

    Cũng từ bài thơ nầy Trạch Gầm gởi đến với những người đã nằm xuống chân dung của anh trong những ngày tháng vô vị nơi quê người

    Mầy đã hơn tao vì mầy đã chết

    Hưởng chút lễ nghi hưởng chút ân cần

    Có được người thân cho lời nuối tiếc

    Còn tao bây giờ sống cũng như không

    (Lời trước nghĩa trang)


    Kỷ niệm để đời với Trạch Gầm là tuyển tập Vụn Vặt, cuốn thơ vừa lấy từ nhà in chưa ráo mực, anh đã biếu tôi và từ ngày đó đến nay tôi vẫn chưa đọc xong. Mỗi lần cầm cuốn thơ lên vừa nghiền ngẫm vài giòng thì tôi bị cuốn vào tâm trạng của tác giả…đau buồn cho vận nước, xót xa vì cuộc chiến và tiếc thương những người bất hạnh, rồi nước mắt tôi cũng xóa mờ những giòng chữ. Đa số thi nhân thường mượn các đề tài tình yêu nam nữ để tìm nguồn cảm hứng sáng tác nhưng trên 100 bài thơ trong tuyển tập Vụn Vặt, Trạch Gầm đã dành gần như đa số bài để nói về những gắn bó về tình huynh đệ, tình cảm của người trai thời chiến và để tưởng niệm đến đồng đội đã ra đi…

    Những ai đã sống chết với đồng đội, đã cùng băng rừng lội suối, ngày đêm truy lùng địch thì mới cảm thông được tình thương gắn bó với nhau. Cuộc đời người lính chiến không có gì quý hơn ngoài chiếc ba lô độc nhất trên người, tấm ‘pông-sô’ thay mái ấm gia đình và việc kết nghĩa anh em đồng đội như tình thân ruột thịt. Họ là những người trai thời chinh chiến, hiến dâng cuộc đời cho tổ quốc non sông, thương tật, sống chết không biết sẽ đến bất chợt bao giờ. Đối với họ trên đầu là tổ quốc, trước mặt là kẻ thù, hai bên là đồng đội và sau lưng là chiếc ‘băng-ca’ hay cổ quan tài đang chờ sẵn ! Hãy nghe Trạch Gầm viết về số mệnh :

    Một thoáng theo mây rơi dài nước mắt

    Khóc nỗi bạn bè…lưu lạc bốn phương

    Thằng mất thằng còn - Nổi trôi vận nước

    Giọt ngán giọt dài ướt đẫm quê hương

    (Vụn Vặt)


    Những ai đã qua đoạn đường gian khổ với những lúc hành quân, lội sông, bằng rừng, vượt núi trong rét mướt, trong đói khát, trong gian khổ, ngày đuổi giặc, chiếm mục tiêu, đêm ngủ ngồi ngay tại hố cá nhân để chờ địch thì mới thấm thía được những cảnh :

    ‘Bi-đông’ nước bùn chia sẻ

    Gói mì nhai vội chuyền tay

    Chuyển nhau điếu thuốc cháy dở

    Sống chết biết giờ nào hay

    (Cho nhau, Thơ DinhLamThanh)


    Để rồi từ đó những người con yêu quý khắp mọi nẻo đường đất nước đã trở thành anh em ruột thịt một nhà. ‘Pông-sô’cùng ngủ, cơm chung nón sắt, nước một bi-đông, miếng khô chia đôi thì việc đùm bọc sống chết với nhau vẫn là một cái gì thiêng liêng của những người khoác chiếc áo trận.

    Em còn chia xẻ cùng anh

    Nỗi xót xa tự ngọn ngành đau thương

    Vẫy tay giã biệt chiến trường

    Một ngày cũng đủ cô đơn suốt đời

    (Hỏi)


    Đối với bạn bè còn sống, Trach Gầm đã giải bày tâm sự về những năm tháng nơi đất khách quê người :

    Mầy hỏi tao bây giờ sống ra sao

    Cơm áo tha phương có phải nghẹn ngào

    Gần mười năm tù còn in trong trí

    Hay…cháy rồi giữa đất rộng trời cao

    … Tao gởi về mầy một trang giấy trắng

    Thật lao đao mầy cứ tự vẽ vời

    Nơi tha phương trăm hội đoàn yêu nước

    Tao ngu ngơ…không biết khóc hay cười


    (Trả lời)

    Rồi những đêm mưa vùng Cali, anh trăn trở như hổ nhớ rừng :

    Mầy nhìn mưa mầy nhớ gì không hở ?

    Tao nhìn mưa tao cứ mãi nhớ rừng

    Rừng của quê hương những ngày khói lửa

    Tao, bao năm dài cặm cụi hành quân

    Mầy nhìn mưa…mầy nhớ gì không nhỉ

    Tao nhìn mưa…Tao nhớ quá bạn bè.

    (Từ cơn mưa dài)


    Và cái ‘đau’ của anh vẫn vây quanh cuộc sống :

    Tao bây giờ không tiềm mua rượu uống

    Mà vẫn say…say ngút với nỗi buồn

    Nhìn thiên hạ tranh nhau quyền yêu nước

    Mấy chục năm ròng - Nước vẫn tang thương !

    (Nói với bạn bè)


    Mầy có tin không quê hương đã mất

    Giữa lúc bọn tao nguyên vẹn hình hài

    Đâu thuở quân trường đâu thời huấn nhục

    Để nhận lấy ngày khốn nạn hôm nay


    Một lũ đàn anh tan hàng cuốn gói

    Bỏ mặc bọn tao đứng khóc dưới cờ

    Món nợ tang bồng bao giờ trả nổi

    Mất cả sơn hà cứ tưởng như mơ

    Giờ chẳng dám nhìn ngay vào mắt Mẹ

    Cũng chẳng đủ lời tâm sự cùng Cha

    Đành đến thăm mày những thằng đã chết

    Ngày…quê hương còn lắm nỗi thiết tha


    (Lời trước nghĩa trang)

    Ít thấy anh đề cập đến tình yêu đôi lứa cũng như những mộng mơ tuổi trẻ, mà nếu có, anh cũng mượn những mối tình vụn vặt để nói về thân phận đau thương đất nước cũng như những mất mát thời chiến tranh :

    Anh có mẹ gì đâu mà để tặng

    Một món quà sinh nhật cho em

    Gặp gỡ thôi…dăm ba lần thất hẹn

    Còn nhớ ngày anh còn tỉnh…chưa điên

    Là thằng lính cứ rày đây mai đó

    Có nhớ thương, cũng đỏ mắt phố phường

    Chiếc võng tòn teng ôm đời chinh chiến


    Có em vật vờ đở bớt cô đơn

    (Quà sinh nhật cho người yêu)


    Viết về Trạch Gầm mà không nhắc đến những chữ Đ.M. trong thơ của anh thì thật thiếu sót. Một vài người cho rằng nghe không được êm tai qua hai bài thơ :

    Đọc thơ mầy…

    Đ. M, tao buồn muốn khóc

    Tao chẳng còn là tao, tao chẳng nên người

    Mấy chục năm rồi tao lạc lỏng chơi vơi

    Dù trước đó

    Tao có triệu anh em chung màu áo trận

    Tàn cuộc chiến…

    Hình hài tao nguyên vẹn

    Mười năm tù xem tựa giấc chiêm bao

    Tao còn tay còn chân. Còn nỗi tự hào

    Chỉ tội cái…mang ước mơ lần lựa

    Cứ chờ đọi Ai cho tao nhúm lửa

    Nơi tha phương tao hốt toàn tro tàn

    Tro bụi từ quá khứ vinh quang

    Đến nỗi đầu óc tao ung què, tao chẳng hề hay biết

    Đọc thơ mầy

    Đ. M. tao buồn muốn chết

    Nơi quê hương mầy hào khí ngút trời

    Nơi tha phương…

    Tao cũng có lắm người

    Yêu nước thật thà, thật thà yêu nước

    Rắn không đầu, mạnh thằng nào nấy thét

    Ngày cứ tàn, đất nước cứ tan thương

    Hai chữ tự do sấp ngữa đoạn trường…

    Tao ôm chặt lội qua ngày khốn đốn

    Mầy cần súng mà tao không có súng

    Nỗi nghẹn ngao nầy mới chết mẹ tao

    Cám ơn mầy

    …Ừ thì cũng dù sao

    Nhờ mầy thét Trăm hồn sông núi thức

    (Đến cùng Nguyễn Cung Thương)



    Những ai đã sống đời quân ngũ, sống chết với đồng đội thì mới cảm nhận hai chữ Đ.M thoát ra từ miệng của người lính. Đối với người Miền Nam, hai chữ nầy không có nghĩa là một câu chưởi thô tục mà trong thân tình giữa bạn bè thường được xử dụng một cách thân thương. Tôi còn nhớ rõ câu nói của một đệ tử cũng như người bạn, người em theo sát tôi trong các cuộc hành quân. Một đêm trong rừng Quãng Đức, anh vén tấm ‘pông-sô’ chui vào hỏi tôi :

    - Đ.M. ông thầy húp canh không ?”

    Tôi hỏi lại :

    - Đ.M. canh gì đó mầy ?”

    - Thì Đ.M ! Canh nước mưa với bột ngọt chớ có gì nữa !”

    ‘Ca’ (ly bằng nhôm của lính) canh nóng thật ngon, chỉ có nước mưa pha với bột ngọt nhưng tôi thấy ấm bụng và cái mặn mà đang chạy vào tim phổi ruột gan, không biết vì bột ngọt hay chữ Đ.M. thân thương nằm trong chén canh của người lính !

    Nhưng một trường hợp khác, Trạch Gầm lại xữ dụng hai chữ Đ.M, để chưởi cha bọn cộng

    sản. Tôi biết anh không còn ngôn ngữ nào để diễn tả nỗi uất hận trong lòng, dù hai chữ Đ.M. nầy thật đúng nghĩa và hợp thời nhưng vẫn chưa lột hết ý nghĩa để chưởi bọn bán nước cướp của, hại dân hại nước, đem giang sơn bán cho Tàu cộng ! :

    Đ.. má, cho tao chưởi mầy một tiếng

    Đất của Ông Cha sao mầy cắt cho Tàu

    Ngậm phải củ gì mà mầy cứng miệng

    Đảng của mầy, chết mẹ… đảng tào lao

    Chế độ mầy vài triệu tay cầm súng

    Cầm súng làm gì… chẵng lẽ hiếp dân

    Tao không tin lính lại hèn đến thế

    Lại rụng rời … trước tai ách ngoại xâm

    Mầy vỗ ngực. Anh hùng đầy trước ngỏ

    Sao cứ luồn, cứ cúi, cứ van xin

    Môi liền răng à thì ra vậy đó

    Nó cạp mầy, mầy thin thít lặng thinh

    Ông Cha mình bốn ngàn năm dựng nước

    Một ngàn năm đánh tan tác giặc Tàu

    Thân phận mầy cũng là Lê là Nguyễn

    Hà cớ gì.... mầy hèn đến thế sao

    Chuyện mầy làm Toàn Dân đau như thiến

    Mầy chết rồi, tao nghĩ chẵng đất chôn

    Hãy tỉnh lại ôm linh hồn sông núi

    Cứ đà nầy... chết tiệt còn sướng hơn

    Đàn gãy tai trâu.... xem chừng vô ích

    Giờ mầy nghe tao chưởi còn hơn không.

    (Cho tao chưởi mầy một tiếng)

    Tôi tin rằng những độc giả nào đã đọc thơ Trạch Gầm cũng sẽ Yêu Trạch Gầm như tôi vậy.

    Paris, Tháng Tư Đen 2009



    ==//==

    ĐỌC ‘RÁNG CHỊU’ CỦA TRẠCH GẦM



    * ĐINH LÂM THANH


    Đối với Trạch Gầm, chỉ có hai cái đáng quý và đáng nhớ trong đời anh : Bạn và Rượu. Hai lãnh vực nầy tuy xa nhưng mà gần, vì uống rượu thì phải có bạn mà gặp bạn thì cần phải có rượu ! Rượu và Bạn được Trạch Gầm trang trọng nhận làm hành trang kể từ lúc anh bước chân vào quân trường Thủ Đức, rồi theo chân anh trên khắp các nẽo đường đất nước. Và cho đến ngày nay, đối với anh, vẫn còn là một cái gì trang trọng và đáng quý nhất đời. Đọc ‘Vụn Vặt’ những người yêu thơ Trạch Gầm sẽ cảm thông được thế nào là ‘tình huynh đệ’ của những ai đã một thời chiến đấu bên nhau, cũng như để tưởng nhớ những chiến hữu đã an nghỉ trong lòng đất hay đang còn lây lất dưới chế độ cộng sản ‘Vụn Vặt’ là những kỷ niệm tình người, được Trạch Gầm dệt thành thơ với lối gieo vần ân tình và giản dị.

    Trạch Gầm dùng chữ ‘Vụn Vặt’ làm tựa đề cho tập thơ đầu tay, có lẽ do bản tính khiêm tốn của anh, nhưng tôi cho đó những giòng thơ lớn và chân tình phát xuất từ con tim…vì nó bộc lộ tấm lòng bao la của anh đối với tình yêu quê hương, với bạn bè đồng đội, và cũng trong đó, chính là nỗi uất ức của một người lính đã tức tưởi bỏ súng giữa đường…

    Hơn một năm sau anh cho xuất bản tập thơ thứ hai. Lần nầy Trạch Gầm mượn hai chữ ‘Ráng Chịu’ để làm đề tài cho 85 bài thơ và 8 bản nhạc do Quang Lăng, Nguyễn Hữu Tân, Hoa Sông Kiên, Quốc Anh và Yên Ly phổ nhạc. Đặc biệt trong tập thơ nầy, nhiều bài anh viết từ năm 1966 (Tuổi Trẻ Bây Giờ Là Quê Hương), 1970 (Không Đề - Nói Với Người Tình Tuổi Dưới 20 – Viết Từ Lai Khê)…không ngoài mục đích ca ngợi quê hương đất nước, tình yêu thầm kín của tuổi thanh xuân đồng thời nói lên cái thân phận con người trước và sau một cuộc chiến tương tàn.

    Ta có một ngày…một ngày ngồi khóc

    Ta có một ngày gãy đổ ước mơ

    Mười năm lính tưởng đâu là sỏi đá

    Ai có ngờ lại ngồi khóc như mưa


    … …

    Thân lính trận, nhận lịnh gì không nhận

    Nhận lịnh đầu hàng…rời rã tai ương

    Hồn chinh chiến chỉ còn trơ thân xác

    Thân xác không hồn…điếng ngắt cô đơn

    … …

    Thôi chia tay, mà về đâu đã chứ

    Mất hết cả rồi…mất dễ như chơi

    Lịch sử sang trang…sang trang lịch sử

    Mất cả vinh quang, mất cả ngậm ngùi


    Mỗi lần nhắc đến quá khứ anh đều đề cập đến rượu và những người bạn đã một thời cùng chia sẻ sống chết với nhau. Nhưng những ai quen biết đều thấy tội nghiệp cho Trạch Gầm : Rượu lúc nào vẫn còn đó nhưng anh chỉ được phép ngồi nhìn mà thôi :

    Xin lỗi mầy, ừ tao xin lỗi

    Một giọt bây giờ tao uống không vô

    Cái gan tao đã thành gan phá lấu

    Mầy không tin, cứ nhậu…ngon ơ !


    Bốn câu thơ trên trong bài ‘Ngồi Nhìn Bạn Bè Uống Rượu’ mà Trạch Gầm đã đọc cho tôi nghe lúc anh vừa viết xong, trong một đêm, khi hai đứa nằm dài giữa salon tại nhà ở Anahem. Nghe đọc, tôi không can đảm nhìn vào mắt anh, dù dưới ánh đèn đỏ trên bàn thờ Cụ Bà thân mẫu của anh, tôi vẫn thấy những giọt nước mắt cứ theo lời thơ tuông xuống. Tôi rùng mình và lòng bỗng dưng chùng lại. Những hình ảnh chia sẻ ‘ngụm rượu tình nghĩa’ với đồng đội trong những lúc ngồi chờ giặc dưới giao thông hào đang hiện về trước mắt và làm tôi bật khóc…

    Ngày xưa, mầy tới đâu, tao tới đó,

    Nhắc lại à…mà nhắc lại làm chi

    Mình rượt giặc, giặc rượt mình…tung tóe

    Khi quay về lại chan chát…cụng ly

    Ly mầy, ly tao, ly cho thằng chết

    Thằng chết rồi mình uống thế được sao

    Lính bọn mình toàn những tay hào kiệt


    Xô lệch trời đất, xô lệch thương đau

    Làm quan, nghèo, mình chơi bằng rượu đế

    Lại cợt đùa uống nước mắt Quê Hương

    Nước mắt Quê Hương, uống sao cho hết

    Ngập núi, ngập rừng ngập cả gió sương

    Đã chết rồi giờ tao lại muốn sống


    Sống để nhìn chung cuộc một trò chơi

    Mầy còn sức cứ mình ênh ngồi uống

    Ly cuối, dành cho…thân phận ngậm ngùi.


    Xong bài thơ, cả hai đều qua một đêm thức trắng trong tố ấm gà trống nuôi con. Chúng tôi không nói gì thêm, yên lặng và buồn cho vận nước, cho số phận con người cũng như cuộc đời nổi trôi của những kẻ tha phương không có ngày về. Rồi những lần gặp gỡ tiếp theo, anh không được phép uống nhưng ngồi nhìn bạn bè nâng ly, có thể cảnh nầy giúp anh sống lại một thời sống chết với bạn bè đồng đội :

    Uống đi mầy cứ làm thêm vài chén

    Nhớ đừng say, còn nghĩ đến anh em

    Những thằng bạn của một thời chinh chiến

    Đổi mạng mình…để lấy sự bình yên


    … …

    Mầy nhắc trước hay là tao kể trước

    Mỗi dấu giày mình khép một mùa xuân

    Bù Đăng, Phó Bình, Suối Ngô, Xóm Được

    Mười ngón tay, cứ mất từng thằng


    Rồi giữa đường gãy cánh, bạn bè thất lạc nhau, kẻ vô tù, người ra đi…

    Súng trên tay bỏ xuống

    Rõ ngu hơn người ngu

    Rồi ôm nhau khóc lóc

    Còn rủ nhau vô tù…


    Hai chữ ‘Ráng Chịu’, có lẽ anh dùng để tự an ủi cái thân phận thiệt thòi của tuổi trẻ trước vận nước đảo điên, trước cuộc chiến khốc liệt hay để vỗ về những người bạn đã nằm xuống, chết gục trong tù, chìm sâu dưới biển hay dở sống dở chết nơi đất khách quê người…rồi hôm nay được gì hay chỉ còn lại những niềm đau bất tận :

    Với Quê Hương, ta một đời ráng chịu

    Người thương ta rồi…cũng ráng chịu theo

    Lỡ yêu tính năm vài tuần…níu kéo

    Chụp giựt không bằng mà vẫn cứ yêu


    ……

    Ta vào lính, bài học đầu ráng chịu

    Cứ thi hành, muốn khiếu nại, làm sau

    Mỗi một mạng…đổi đuợc vài ba phút

    Chiến trường đau, ngập lút, lút cả đầu


    ……

    Cứ ráng chịu. Tin có ngày mai đẹp

    Bỏ nụ cười người vào túi rong chơi

    Ta xin cả những gì người thua thiệt

    …đốt từng trang. Thắp sáng lại cuộc đời

    Trang nhật ký người lại thêm nước mắt

    Ráng chịu te tua, ráng chịu tận cùng

    Bọn ta sống, sao Quê Hương lại mất


    Xót xa nầy…còn ráng chịu nổi không

    … …

    Và ‘Ráng Chịu’ cũng có thể là một nuối tiếc những gì mà con tim thời loạn hằng ước mơ nhưng phải buộc lòng giã vờ làm kẻ ngây-thơ-vô-tình để chấp nhận khoác lên vai món nợ núi sông ! Rồi quả đất tròn, ước mơ trở về nhưng cuộc đời đã rẽ làm đôi, đầu tóc đổi màu…thôi thì đành ‘ráng chịu’ !

    Hồi mới quen

    Em bảo ta đừng bao giờ xin lỗi

    Cắm đầu yêu thì làm gì nên tội…

    Một trăm năm có rảnh phút nào đâu

    Ta hẹn lung tung, hẹn lần hẹn lữa

    Đời ta xuôi ta có lắm bạn bè

    Những thằng bạn chia cả trời khói lửa


    Chân đạp mòn cả vạn sơn khê…


    Có lẽ vì thế mà anh đã vuột mất tình yêu…Cho đến một ngày :

    Đêm ngồi nghe em hát

    Rối bời sương Cali

    Tóc thời gian bạc trắng

    Em mang buồn…giấu đi


    … …

    Cứ hờn anh em nhé

    Bằng gợi nhớ đau thương

    Anh xa rời cuộc chiến

    Như…một chuyện hoang đường


    Rồi Trạch Gầm đành phải thú nhận :

    Anh kể em nghe tháng ngày phiêu bạt

    Đốt đuốc quạnh hiu, tìm kiếm mỏi mòn

    Phân nửa mặn nồng lạc từ ký ức

    Tặng cho cuộc đời…vượt suối trèo non


    Cuộc sống nơi quê người và nguồn yêu thương duy nhất của anh, bây giờ chính là :

    Sáng vào trường…

    Con ăn hamburger, hot dog

    Chiều về nhà…

    Con ăn rau luộc chấm tương

    Ngồi cùng cha, con ngồi tận Quê Hương

    Việt Nam mình…

    Một ngày bỏ đi, một đời thương nhớ

    Đất Mỹ tư do, cửa đời rộng mở

    Con muốn hụt hơi…

    Chạy tìm kiếm tương lai

    Con đủ khôn ngoan, ôm trọn tháng ngày

    Như lòng con…

    Vẽ vời trăm điều mơ ước

    Rau luộc chấm tương

    Cha mong con còn nhớ được

    Con có một đoạn đời…

    Rất nghiệt ngã, rất đau thương

    Đầu óc chết khô

    Lúc con đứng giữa thiên đường

    Cái thiên đường tối thui của bọn người cộng sản

    Con đủ kiến thức chưa,

    Hãy soi gương thân phận

    Đổi được màu da không đổi được tâm hồn

    Cũng thời gian nầy, con cười

    Nhưng tại Quê Hương,

    Việt Nam mình, bằng tuổi con…

    Có triệu người đang khóc

    Cha không giải bày, nhưng con hiểu được

    Ai bạn, ai thù, ai mở cửa lầm than

    Tại sao cha con mình…

    Thành những kẻ lưu vong


    Xếp tập thơ lại vì cảm thấy đôi mắt hơi cay. Trước mắt tôi, Trạch Gầm với cái điếu cày mà giờ đây anh xem như bình rượu để an ủi trong những ngày còn lại. Đặt ‘Ráng Chịu’ lên ngực và cố dỗ giấc ngủ nhưng những lời thơ của anh vẫn ám ảnh tôi như muôn ngàn tiếng thở dài của người lính bị buộc phải buông súng giữa đường một cách nhục nhã.

    Đinh Lâm Thanh

    Paris, 14.01.2010
    Last edited by Poupi; 27-02-2011, 12:14 PM.
Working...
X