Vì ĐÓ Là EM !
"Làm sao định nghĩa được tình yêu?" *
Để trả lời câu hỏi muôn thuở này, các nhà khoa học thuộc American Association for the Advancement of Science, sau khi nghiên cứu, đã giải thích ngắn ngủn rằng "Hiện tượng tình yêu lãng mạn của nam nữ chỉ là những phản ứng hoá học của cơ thể con người".
Có lẽ lời giải thích này, khi thoạt nghe qua, sẽ làm xáo trộn nhận thức và gây bất bình cho những ai xem tình yêu như là biểu tượng thiêng liêng nhất của nhân loại, vì hầu như tình yêu chỉ được tạm thời định nghĩa một cách mơ hồ. Trong văn thơ nhạc họa, các tác giả thường miêu tả tình yêu được hình thành từ sự rung động sâu thẳm của trái tim; là những cảm giác yêu thương, nhớ nhung hay buồn giận.
Thế mà ngày nay dưới mắt các nhà khoa học, tình yêu chỉ là một hiện tượng được tìm thấy trong phòng thí nghiệm(?)
Ngoài ra, còn một nhận định nữa cho rằng, trái với sự hiểu biết thông thường là tình yêu bắt nguồn từ trái tim, thì các khoa học gia tuyên bố: quá trình phát triển của tình yêu là xuất phát từ não bộ! Vì não bộ là bộ phận làm chi phối cảm xúc của con người, điều khiển hoạt động của các chất kích thích tố và hệ thần kinh. Từ đó tạo cảm xúc để mở đầu cho những trang thư, vần thơ hay bài ca tình ái; tạo thành hiện tượng hai người nam nữ xa lạ tình cờ gặp gỡ, khi người này chỉ nhìn người kia thôi, mà cảm xúc dâng trào, tim đập mạnh, cử chỉ bối rối.
Tuy đơn giản thế, nhưng khoảnh khắc ấy vô cùng huyền diệu, được gọi nôm na là người ấy bị tiếng sét ái tình đánh trúng. Thật vậy, trong các thiên tình sử của loài người, đã có những mối tình lãng mạn phát sinh từ cái nhìn đầu tiên. Một trong số đó, có mối tình vô cùng trong sáng của đại thi hào Alighieri thành Florence nước Ý dành cho cô bé Beatrice từ khi còn là cậu bé 9 tuổi hay tình yêu đầy trân trọng mà cũng không kém phần si mê của thi sĩ Hoàng Cầm dành cho người chị xứ Kinh Bắc từ khi mới lên 8 tuổi.
Trở lại tình yêu qua lăng kính khoa học, thì hiện tượng yêu đương đó được mô tả rằng đó chỉ là phản ứng hoá học của cơ thể, vì trung tâm thần kinh tiết ra các kích thích tố tới hệ thần kinh mà nó luôn bị chỉ huy bởi một mệnh lệnh sinh học. Vì thế, cho dù là xúc cảm hay tình yêu, thì trạng thái tâm hồn này đều do não bộ và con tim điều khiển, cùng các phản ứng của hoá chất, gây tác dụng kích thích làm cho hai tâm hồn yêu nhau.
Có người cho rằng "tình yêu không vĩnh cửu", thì đây là một chứng minh của khoa học cũng từ quy luật sinh hoá học. Họ giải thích, không sớm thì muộn, não bộ con người sẽ tự động giải thoát ra khỏi trạng thái say mê của tiếng sét ái tình do các kích thích tố tạo ra lúc ban đầu.
Hiện tượng tình yêu dần phai nhạt sẽ xảy ra, vì trung tâm nhận cảm xúc tình yêu này đã quen dần với các chất đó, không gây cảm giác nữa. Điều này có vẻ không đúng lắm, vì tuỳ vào mức độ sâu sắc và lòng chung thuỷ trong tình yêu của một người dành cho một người. Nếu nói theo khoa học, thế thì tình yêu của nhà bác học Einstein dành cho nàng Margarita làm sao được người đời vinh danh là mối tình tuyệt đối?
Trong âm nhạc Việt Nam, cách đây 58 năm, bài Dư âm bất hủ được nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý viết lên từ nỗi tương tư về mối tình sét đánh khi nhìn thấy người con gái ấy và tiếng sét ái tình đó tuy chỉ còn là "dư âm" thôi, nhưng từ sâu thẳm tâm hồn, ông đã tâm sự rằng…
"Nói thế nhưng kỳ thực là đến bây giờ và suốt đời có lẽ tôi vẫn yêu. Tôi không sao quên được đôi mắt và nụ cười của người con gái tuổi 16 ấy. Bây giờ tôi vẫn yêu là yêu cái dư âm đó thôi, chứ làm gì có cái thật để mà yêu. Mà cái dư âm thì còn mãi, yêu như thế cũng được và cũng tốt đấy chứ!"
Tất nhiên, những định nghĩa về tình yêu của các nhà khoa học là kết quả từ những cuộc nghiên cứu và thí nghiệm trên động vật. Nhưng chúng ta là loài người, là một loại động vật duy nhất có trí khôn, tâm hồn, cảm xúc, suy nghĩ, nên không bị ảnh hưởng nhiều như những loài động vật khác. Chúng ta không hoàn toàn bị chi phối bởi những quy luật hoá sinh học.
Vậy dù sao đi nữa, tình yêu nam nữ vẫn là thứ tình cảm thiêng liêng không bao giờ định nghĩa nổi, chỉ có thể cảm giác được, cho dù tình yêu đó là niềm hạnh phúc nhất thế gian hay nỗi đau vô tận, thì tình yêu vẫn xảy ra ít nhất một lần hay nhiều lần trong đời người.
Đặc biệt trong thời đại @ ngày nay, có những cuộc tình trên thế giới ảo, vượt thời gian, vượt cả không gian, nhưng lại "không thấy, không nghe, không chạm". Chẳng biết rồi đây, các nhà khoa học sẽ làm những cuộc nghiên cứu và đưa ra những lý giải gì để giải thích hiện tượng Tình yêu online của thế kỷ 21.
Không thể tưởng tượng, dạng tình yêu này còn sâu nặng và thắm thiết hơn những mối tình ở ngoài thế giới thực. Tình yêu qua ảo ảnh cực kỳ lãng mạn và tuyệt vời như một ân sủng, dù những đôi tình nhân online này chưa một lần được gặp mặt nhau ở ngoài đời. Vì họ đến với nhau qua sự đồng cảm từ lời văn, dòng thơ, tiếng nhạc; bởi sự sẻ chia khi viết cho nhau những vui buồn trong cuộc sống.
Họ không cần thiết phải biết rõ đối phương là ai, từ đâu tới và là người như thế nào ở ngoài đời thực. Họ yêu và cứ yêu, cứ chờ đợi nhau không một ngày hẹn ước.
Không cần biết em là ai
Không cần biết em từ đâu
Không cần biết em ngày sau
Ta yêu em bằng mấy ngàn biển rộng
Ta yêu em qua đông tàn ngày tận
Yêu em như yêu vùng trời mênh mông
Không cần biết đêm dài sâu
Không cần biết bao gầy hao
Ta ngồi đếm tên thời gian
Nghe thương yêu dâng cao như ngọn đồi
Như xa xôi nay quay về gần gụi
Yêu em khi chỉ biết đó là em
(Vì đó là em - Diệu Hương)
Không cần biết em từ đâu
Không cần biết em ngày sau
Ta yêu em bằng mấy ngàn biển rộng
Ta yêu em qua đông tàn ngày tận
Yêu em như yêu vùng trời mênh mông
Không cần biết đêm dài sâu
Không cần biết bao gầy hao
Ta ngồi đếm tên thời gian
Nghe thương yêu dâng cao như ngọn đồi
Như xa xôi nay quay về gần gụi
Yêu em khi chỉ biết đó là em
(Vì đó là em - Diệu Hương)
Tôi là một người luôn trân trọng cảm xúc do tình yêu mang tới. Tôi tin rằng, cho đến bây giờ vẫn chưa ai có thể khẳng định mình có thể định nghĩa được tình yêu, vì tình yêu vốn là chủ đề bất tận từ ngàn xưa cho đến ngàn sau. Tình yêu còn là trận chiến giữa lý trí và con tim, mà con tim thường là kẻ chiến thắng - thế mới gọi là "yêu"!
(*Hương Thời Gian)
(* Thơ Xuân Diệu)
(* Theo TuanVietNam)
Comment