Sự thật chết người về nỗi cô đơn
Tác giả: Michelle H Lim, Swinburne University of Technology | Dịch giả: Xuân Dung
(rclassenlayouts/iStock)
Hầu như tất cả chúng ta đều đã từng nếm trải sự cô đơn tại một số thời điểm. Đó là nỗi đau mà chúng ta đã cảm thấy sau một cuộc chia tay, có lẽ là sự mất mát của một người thân yêu, hoặc đi đâu đó xa nhà. Chúng ta rất dễ bị tổn thương bởi cảm giác cô đơn ở bất kỳ thời điểm nào trong cuộc sống của chúng ta.
Sự cô đơn thường được sử dụng để mô tả một trạng thái cảm xúc tiêu cực khi người ta thấy có sự chênh lệch giữa các mối quan hệ mà người ta muốn có và những điều người ta cảm nhận mình đang có.
Những cảm giác khó chịu của sự cô đơn là chủ quan; các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng sự cô đơn không có liên quan đến khoảng thời gian một người dành cho người khác hay ở một mình. Nó có liên quan nhiều hơn đến chất lượng của các mối quan hệ, chứ không phải số lượng. Một người cô đơn cảm thấy những người khác không hiểu được mình, và có thể không nghĩ họ đang có các mối quan hệ đầy ý nghĩa.
Một người cô đơn cảm thấy những người khác không hiểu được mình.
Đối với một số người, sự cô đơn có thể là tạm thời và được khuây khoả đi một cách dễ dàng (chẳng hạn như một người bạn thân chuyển chỗ, hoặc người vợ/chồng trở về sau một chuyến công tác). Đối với những người khác, sự cô đơn không thể dễ dàng được giải quyết (ví như cái chết của một người thân hoặc sự tan vỡ cuộc hôn nhân) và có thể rất dai dẳng khi một người không có kết nối với những người khác.
Từ một luận điểm về tiến hóa, chúng ta phải dựa vào các nhóm xã hội để đảm bảo sự tồn tại của chúng ta như là một loài. Do đó sự cô đơn có thể được xem như một hiệu lệnh để kết nối với những người khác. Điều này làm cho nó khác biệt chút ít với cơn đói, khát hay nỗi đau thể xác, vốn là những dấu hiệu cho thấy cần phải ăn, uống hoặc tìm kiếm sự chăm sóc y tế.
Tuy nhiên, trong những xã hội hiện đại giàu có, việc tắt đi các tín hiệu báo động sự cô đơn lại trở nên khó khăn hơn việc thỏa mãn cơn đói, khát hoặc sự cần thiết phải đi khám bệnh. Đối với những người không được nhiều người xung quanh quan tâm, sự cô đơn có thể tồn tại dai dẳng.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện sự cô lập với xã hội là một yếu tố nguy cơ gây bệnh tật và tử vong sớm. Những khám phá của một bài phê bình tổng hợp gần đây đã chỉ ra rằng sự thiếu kết nối xã hội đặt ra một nguy cơ gây chết sớm tương tự như các dấu hiệu về thể chất – như bệnh béo phì.
Cô đơn là một yếu tố nguy cơ gây ra nhiều trở ngại về sức khỏe thể chất, từ khó ngủ, chứng mất trí nhớ đến khả năng làm việc của tim mạch kém đi.
Một số cá nhân có thể dễ bị tổn thương về mặt sinh học do cảm giác cô đơn. (David Hodgson / Flickr / CC BY
Ngoài ra một số cá nhân có thể dễ bị tổn thương về mặt sinh học do cảm giác cô đơn. Bằng chứng từ các nghiên cứu về các cặp sinh đôi cho thấy sự cô đơn có thể một phần do di truyền.
Nhiều nghiên cứu đã tập trung vào việc liệu sự cô đơn có thể là kết quả kết hợp của những loại gen nhất định với các yếu tố xã hội hay môi trường cụ thể (chẳng hạn như hỗ trợ của cha mẹ).
Sự cô đơn phần lớn bị bỏ qua và không được xem như là một điều kiện cần quan tâm đối với tình trạng sức khỏe tâm thần. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa hiểu đầy đủ về mức độ ảnh hưởng của sự cô đơn đến sức khỏe tâm thần. Hầu hết các nghiên cứu về sự cô đơn và sức khỏe tâm thần chỉ tập trung vào việc cô đơn liên quan đến trầm cảm như thế nào.
Mặc dù cô đơn và trầm cảm có phần nào liên quan, nhưng chúng khác nhau. Sự cô đơn có quan hệ một một cách cụ thể đến những cảm xúc tiêu cực của thế giới có tính xã hội, trong khi trầm cảm được quy vào một tập hợp tổng quát hơn của những cảm xúc tiêu cực.
Theo một nghiên cứu trong khoảng thời gian năm năm đo lường sự cô đơn ở người lớn tuổi, sự cô đơn có thể dẫn đến trầm cảm, nhưng không phải là ngược lại.
Giải quyết vấn đề cô đơn
Sự cô đơn có thể bị nhầm là một triệu chứng trầm cảm, hoặc có lẽ người ta giả định rằng sự cô đơn sẽ biến mất một khi giải quyết xong các triệu chứng trầm cảm. Nói chung, những người “cô đơn” được khuyến khích tham gia vào một nhóm hoặc chơi với một người bạn mới, dựa trên giả định rằng sự cô đơn sau đó sẽ biến mất.
Cô lập về mặt xã hội là một yếu tố nguy cơ bệnh tật và tử vong sớm. (Christopher Furlong / Getty Images)
Trong khi việc tạo ra những cơ hội để kết nối với những người khác đã cung cấp một nền tảng cho sự tương tác xã hội, xoa dịu nỗi đau từ những mối quan hệ xã hội không phải là đơn giản như vậy. Những người cô đơn có thể nghi ngại về tình trạng xã hội và kết quả là có những biểu hiện thái độ không chấp thuận. Những người này có thể bị hiểu sai là không thân thiện, và mọi người xung quanh cá nhân cô đơn cũng hành xử tương tự. Từ đó sự cô đơn có thể trở thành một chu kỳ liên tục.
Một nghiên cứu đã thẩm tra tính hiệu quả của các loại phương pháp điều trị khác nhau nhằm chữa trị sự cô đơn. Kết quả cho thấy những phương pháp điều trị tập trung vào việc thay đổi suy nghĩ tiêu cực về người khác có hiệu quả hơn phương pháp cung cấp cơ hội giao tiếp xã hội.
Các bằng chứng khoa học ngày càng làm nổi bật những hậu quả tiêu cực của sự cô đơn đối với sức khỏe thể chất và tinh thần có thể không còn bị bỏ qua.
Một cách để giải quyết đầy hứa hẹn đối với vấn đề cô đơn là nâng cao chất lượng các mối quan hệ, đặc biệt bằng cách xây dựng sự thân mật với những người xung quanh chúng ta. Sử dụng một phương pháp tâm lý tích cực, tập trung vào việc tăng cảm xúc tích cực trong các mối quan hệ xã hội hoặc gia tăng các hành vi xã hội, có thể khuyến khích các kết nối sâu sắc hơn và có ý nghĩa hơn với những người khác.
Thật vậy, ngay cả những người đã từng bị chẩn đoán mắc bệnh tâm thần nghiêm trọng đã báo cáo những tiến triển về tình trạng sức khoẻ và các mối quan hệ của họ, sau khi chia sẻ những cảm xúc tích cực và thực hiện nhiều hoạt động tích cực hơn những người khác. Tuy nhiên, nghiên cứu sử dụng phương pháp tâm lý tích cực để điều trị sự cô đơn vẫn còn trong giai đoạn trứng nước.
Chúng tôi tiếp tục đánh giá thấp khả năng sự cô đơn có thể dẫn đến chết người và là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Các công cụ hiện đại như phương tiện truyền thông xã hội, trong khi tưởng như thúc đẩy sự kết nối xã hội, lại ưa chuộng các tương tác ngắn gọn với nhiều người quen biết, hơn là phát triển những mối quan hệ tuy không thường xuyên hơn nhưng có ý nghĩa hơn. Trong xu hướng này, điều thách thức là giải quyết vấn đề cô đơn và tập trung vào việc xây dựng những mối quan hệ ràng buộc có ý nghĩa với những người xung quanh chúng ta.
Các bằng chứng khoa học ngày càng làm nổi bật những hậu quả tiêu cực của sự cô đơn đối với sức khỏe thể chất và tinh thần có thể không còn bị bỏ qua.
Michelle H Lim, giảng viên tâm lý học và lâm sàng, đại học công nghệ Swinburne. Bài viết này ban đầu được công bố trên The Conversation.
Để đọc bản ngôn ngữ gốc, vui lòng click vào đây.
vietdaikynguyen