Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Hãy Trân Quý Cuộc Sống Ngày Hôm Nay - Nguyễn Thượng Chánh

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Hãy Trân Quý Cuộc Sống Ngày Hôm Nay - Nguyễn Thượng Chánh

    Hình tác giả bài viết
    Chết vẫn còn là một việc cấm kỵ tabou, một điều quá bí ẩn đối với tất cả mọi người. Chết có lẽ là một chuyến du lich tuyệt vời cho nên từ trước tới giờ vẫn chưa thấy có người quá vãng nào muốn trở lại dương thế để kể lại cho bà con ta nghe với.

    Con người sợ những cái gì mập mờ, không rõ ràng. Khi gặp những cái không biết rõ, họ thường hay tưởng tượng, mà xu hướng thường là nghĩ đến những cái đáng sợ nhất.


    Cũng có thể do bản năng tự vệ của con người, họ nghĩ ra như vậy để cảnh báo bản thân trước mối nguy hiểm nào đó.


    Chuyện cận tử, thân trung ấm, lúc vừa mới chết thì hồn bay lơ lửng đâu đó, rồi vào đường hầm thấy toàn ánh sáng chóa lòa, gặp lại bà con đã chết từ lâu, kêu réo nhau la ới ới, chuyện đầu thai lại, chuyện tái sinh, chuyện ma quỷ, và còn nhiều thứ lắm lắm…có thật hay không có thật chẳng có ai biết được hết. Tin hay không là chuyện riêng của mỗi người.


    Có người còn so sánh sự chết cũng không khác gì giấc ngủ mỗi đêm. Tối ngủ, mình chẳng còn biết gì hết, hổng khác gì như mình đã chết rồi. Sáng ra thức dậy như được tái sanh trở lại, sống thêm một ngày nữa. Mừng hết lớn.


    Vậy sợ chết là sợ những gì mình không rõ, những gì bí mật mình chưa biết được.
    Người ta sợ chết vì sợ thân xác bê bết máu me, nát bấy, xấu xí đi, sình thúi ghê tởm quá.
    Trường hợp những giây phút trước khi phi cơ lâm nạn lao xuống đất chắc hành khách phải hãi hùng kinh hoàng tột độ. Đây là một thí dụ rõ rệt nhất về sự kiện sợ chết.


    Có cả trăm câu hỏi được đặt ra nhưng chưa có câu giải đáp nào hết về sự chết. Mọi người cứ tưởng tượng thế nầy thế nọ cho nên thiên hạ vẫn còn lo và vẫn còn sợ chết.


    Người đời thường nghĩ rằng hễ chết là hết, là trống không, là rơi vào vực thẩm âm u, là hư vô, tĩnh lặng.
    Chết rồi thì mình sẽ đi về đâu sau đó, rồi mình sẽ ra sao? Bởi vậy nên ai ai cũng đều sợ chết lắm.
    Ai cũng phải có ngày chết hết. Đây là một sự thật. Chạy đâu cho khỏi. Đây là điều chắc chắn 100%, thật rõ ràng và là lẽ công bằng của trời đất..


    Nhà chánh trị Benjamin Franklin (1706-1790) có nói một câu để đời: «Trên cõi đời nầy có hai việc không thể tránh khỏi được, đó là cái chết và thuế má.»


    Nơi chốn bình an nhất
    Trên cõi đời nầy, chỗ duy nhất, nơi mà con người thật sự được hoàn toàn bình an, không còn sân hận,không bao giờ biết hơn thua, phân biệt đố kỵ với nhau nữa, đó là chỗ nghĩa địa an giấc ngàn thu.


    Vô thường
    Cuộc đời thật vô thường, vậy phải biết trân quý sự sống.
    Thù hận, tranh đua, phân biệt, cố chấp, ganh tị, suy bì, hơn thua nhau từng tiếng, từng lời, từng chút một rồi cuối cùng cũng phải chết mà thôi.
    Đến lúc đó thì ăn năn hối cải, than khóc, kể lể, luyến tiếc… làm chi cho mất công, muộn màng rồi bạn ơi.


    Tại sao hồi còn sống không biết sống cho hòa thuận, thương yêu nhau, giao hảo nhau trong tình người,biết thông cảm và tha thứ cho nhau?
    Mọi người đều đến cõi đời nầy với hai bàn tay trắng, thì lúc ra đi cũng chỉ với hai bàn tay trắng mà thôi.


    Tuy biết vậy nhưng vẫn lo, vẫn sợ.
    Ai ai cũng đều biết như vậy, nhưng hễ sao mỗi khi nghĩ đến chết thì thấy rờn rợn và hơi lo một chút.


    Bằng mọi giá họ phải níu kéo sự sống lại. Bỡi lý do nầy mà ngày nay khoa học đã sáng chế ra vô số kỹ thuật để kéo dài thêm sự sống... Nào là kỹ nghệ thuốc trường sanh, nào là kỹ nghệ ngâm xác trong khí lỏng liquid nitrogen để chờ ngày tìm ra thuốc trị liệu để tiếp tục…sống v.v…


    Người ta sợ chết vì sợ mất người mình thương, sợ xa lìa người thân, bạn bè, xa lìa vợ con, chồng con, sợ không ai nuôi con mình, sợ rồi đây tụi nó sẽ...sống ra sao?, sợ mất đi cái tôi cùa mình, sợ mất hết tài sản của cải mà mình đã thật sự khổ công tạo dựng được trong suốt cả cuộc đời, cũng như sợ chưa thực hiện được những hoài bão mà mình hằng mong ước, và sợ bị lãng quên, v.v...


    Nhưng theo quan niệm triết lý Phật giáo, thì những thứ vừa kể trên là đều không có thật!


    Giàu có, tỷ phú như Bill Gate thì sợ chết đã đành, nhưng nghèo rớt mồng tơi, không có của cải gì ráo trọi cũng sợ chết luôn tuốt luốt. Chỉ có một hạng người không biết sợ chết vì họ bị tẩy não … Họ mong ngày được chết để về với…(?).trên thiên đàng. Đó là bọn khủng bố Hồi giáo Daesh, chuyên đánh bôm, cắt cổ, thiêu đốt người khác…


    Thường những người sợ chết là những người còn hoạt động, đi đứng và còn sinh hoạt được bình thường.
    Nếu đã già khú cú đế rồi, bệnh hoạn trầm kha đủ thứ, sinh hoạt khó khăn, ăn uống ngủ nghê không được, mà còn bị con cháu bạc đãi, hắt hủi nầy nọ thì nhũng người nầy chấp nhận cái chết dễ dàng hơn nhiều.
    Sợ chết cũng là một phản ứng tự nhiên của bản năng sinh tồn của tất cà mọi sinh vật.


    Thú vật cũng sợ chết
    Trong phạm vi nghề nghiệp, người gõ có thể cả quyết rằng thú vật như bò, heo lúc bị lùa vào lò sát sanh để làm thịt chúng đều rất kinh hoàng, la rống, phản ứng lại rất dữ dội vì bản năng sinh tồn. Hình như chúng biết cảm nhận được cái chết gần kề. Phải chăng thú vật cũng có tình cảm như chúng ta?


    Hứa hẹn cõi thiên đàng
    Các tôn giáo lớn đều có đề cập đến vấn đề chết. Mỗi tôn giáo đều có giải thích một cách khác nhau.Nhưng nói chung, tất cả các tôn giáo đều hứa hẹn…cỏi thiên đàng cho người thành tâm.
    Cách nào nghe ra cũng đều thấy có lý hết với điều kiện là mình phải có đức tin tuyệt đối vào tôn giáo đó.


    Chết qua cái nhìn của Phật giáo
    “Đời sống mong manh, cái chết là điều cầm chắc chắn - Life is uncertain, death is certain”
    Đây là tựa đề quyễn sách giá trị nói về cái chết. Sách do Venerable Dr Sri Dammananda viết và được thầy Thích Tâm Quang dịch. Sau đây là tóm lược các ý chánh:


    Chúng ta không nên sợ chết vì đó là lẽ thường tình, là quy luật tất yếu của tiến trình của vòng sanh tử mà thôi. Có sanh thì phải có tử để có thể tái sanh theo nghiệp lực nhân quả luân hồi.
    “…Chúng ta thích bám víu vào đời sống, vào xác thân và phát triển quá nhiều tham dục và luyến ái.
    Sự đau đớn về cái chết thật khủng khiếp, đó là một thái độ phát xuất bởi vô minh.


    Con người bị lo âu không phải vì ngoại cảnh mà vì niềm tin và tưởng tượng về đời sống và mọi thứ của mình. Cái chết, chẳng hạn, tự nó không khủng khiếp: Khiếp sợ và kinh hãi chỉ do tâm trí chúng ta tưởng tượng mà ra.


    …Tuy nhiên có một phương pháp để vượt qua sự sợ hãi này. Hãy quên đi quan niệm về cái 'tôi'; hãy đem tình thương phục vụ nhân loại và tỏ tình thương với người khác. Say mê phục vụ tha nhân, chẳng bao lâu bạn sẽ tự mình thoát khỏi cái tự kỷ luyến ái nặng nề, mơ ước, kiêu căng, và tự tôn.


    Bệnh và chết cả hai đều là việc xẩy ra tự nhiên trong đời sống của chúng ta, và chúng ta phải chấp nhận điều đó với sự hiểu biết


    …Chúng ta phải cố gắng hiểu rằng mọi việc trong vũ trụ này đều mong manh. Cuộc sống chỉ là ảo giác hay ảo tưởng. Khi ta phân tách mọi thứ bằng khoa học hay triết lý, không ham muốn vị kỷ, cuối cùng chúng ta không thấy gì cả mà chỉ là hư không…”(Ngưng trích -Những Hạt Ngọc Trí Tuệ Phật Giáo -Thích Tâm Quang dịch)


    Chết là khởi điểm cuộc rong chơi cuối đời?
    Chết là khởi điểm cuộc rong chơi cuối đời? Nhà văn Tràm Cà Mau rất thực tế trước cái chết. Không nên quá lo. Đàng nào cũng phải chết một lần mà thôi. Hãy vui sống đi.
    Sống sao cho ra sống, chết là chuyện đương nhiên rồi. Tội lệ gì mà phải lo vì trước sau gì ai ai cũng đều phải ra đi hết.


    Chạy đâu mà cho khỏi. Kẻ trước người sau mà thôi.
    Sau đây là bài thơ “Sau Khi Tôi Chết” nói lên ước nguyện của nhà văn Tràm Cà Mau.


    “Khi tôi chết, viếng tang, đừng buồn bã
    Cười cho to, kể chuyện tếu vui đùa
    Trong sáu tấm, ắt rằng tôi hả dạ
    Lên tinh thần, ấm áp buổi tiễn đưa...”
    (Tràm Cà Mau)


    Đừng lo sợ mình già: chết chỉ là một chuyến đi…
    Ai cũng phải già và chết một lần. Vậy đừng nên lo sợ mình già…


    Nhà văn Ghyslaine Delisle xem cái chết như một chuyến tạm biệt…


    VIEILLIR EN BEAUTÉ CEST…
    Già an lạc là…


    *Vieillir avec son cœur,
    Sans remord, sans regret, sans regarder lheure.
    Aller de lavant, arrêter davoir peur,
    Car à chaque âge, se rattache un bonheur.
    .
    Già an lạc, là già trong tâm tưởng
    Chẳng cần hận tiếc, chẳng màng thời gian;
    Cứ tiến bước, đừng bao giờ sợ hãi,
    Hoa hạnh phúc tuổi nào mà chẳng có.
    .
    *Vieillir avec son corps,
    Le garder sain en dedans, beau en dehors.
    Ne jamais abdiquer devant leffort,
    Lâge na rien à voir avec la mort.
    .
    Già an lạc, là già trong thể chất;
    Trong lành, ngoài đẹp, chẳng nà hề chi.
    Hãy luôn cố gắng chớ đừng tránh đi.
    Tuổi đời chưa hẳn là liền tử ly.
    .
    *Vieillir en beauté, cest donner un coup de pouce
    A ceux qui se sentent perdus dans la brousse
    Qui ne croient plus que la vie peut être douce,
    Et quil y a toujours quelquun à la rescousse.
    .
    Già an lạc, là giúp người buồn khổ,
    Đang lạc bước giữa rừng sân bể hận,
    Mất niềm tin trong cuộc sống đẹp thay,
    Không nghĩ mình được cứu rỗi hôm nay.
    .
    *Vieillir en beauté, vieillir positivement,
    Ne pas pleurer sur ses souvenirs dantan.
    Être fier davoir les cheveux blancs,
    Car, pour être heureux, on a encore le temps.
    .
    Già an lạc, là lạc quan tích cực,
    Không nhỏ lệ cho kỷ niệm xa xưa.
    Đầu điểm sương nhưng là niềm hãnh diện,
    Xuân miên viễn vẫn trong ta tự tại.
    .
    *Vieillir en beauté, cest vieillir avec amour,
    Savoir donner sans rien attendre en retour;
    Car, où que lon soi, à laube du jour,
    Il y a quelquun à qui dire bonjour.
    .
    Già an lạc, là già trong yêu mến,
    Chỉ biết cho nhưng chẳng đợi đền ơn;
    Dù nơi đâu, dù bình minh ló dạng,
    Luôn ai đó để được mình chào mến.
    .
    *Vieillir en beauté, cest vieillir avec espoir,
    Être content de soi en se couchant le soir.
    Et lorsque viendra le point de non recevoir,
    Se dire quau fond, ce nest quun au revoir.
    .
    Già an lạc, là già trong hy vọng,
    Lòng sung mãn trong giấc điệp bình an.
    Khi số tận kêu ta dừng bước tiến
    Chỉ là tạm biệt, vô thường sắc không./.
    (Nguyễn Thượng Chánh dịch)


    Kết luận
    Nghĩ cho cùng cái chết chỉ là một giai đoạn của cái sống. Có chết đi thì mới có được một cái sống mới khác tiếp nối theo được.


    Vậy hãy trân quý cuộc sống ngày hôm nay. Không nên để tâm trạng sợ chết trở thành một nỗi ám ảnh thường xuyên làm ô nhiễm cuộc sống của chúng ta.
    Hãy quên sự chết đi để mà sống. Chừng nào chết thì chết.
    Chết thì dễ, là việc đương nhiên rồi.
    Sống sao cho đáng sống mới thật sự là việc khó./.


    Tham khảo:


    - Venerable K. Sri Dhammananda-Life is uncertain, death is certain
    http://www.dhammatalks.net/Books2/Bh...is_Certain.htm


    - Nguyễn Thượng Chánh. Lễ hội Halloween: ma quỷ quanh ta
    http://nguoivietboston.com/?p=11844


    - Cư sĩ Hoàng Phong-Ý nghĩa cái chết theo quan điểm Phật Giáo
    http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-75_...ao.html#detail


    Nguyễn Thượng Chánh
    Montréal 2015
Working...
X