ThIêN NhiÊn TuYệT VờI - NhỮnG LờI VàNg
Buông là thái độ để yên mọi sự mọi vật như nó đang là và chỉ thấy nó như nó đang là thôi chứ không cho là, phải là, sẽ là gì cả. Nếu là thật sự buông thì tánh biết rỗng lặng trong sáng sẽ thấy pháp một cách hoàn hảo, và tánh biết tự nhiên sẽ tự biết lúc nào nên thả lỏng, lúc nào nên dụng công, mà không cần bản ngã xen vào phân vân tính toán.
(Viên Minh)
Cuộc đời chỉ có độc nhất một thứ: đó là phút giây hiện tại, ngoài cái ấy ra không còn thứ gì khác nữa. Phút giây hiện tại bất tận này chính là không gian trong đó, cuộc đời bạn được phô diễn, nó là yếu tố duy nhất không thay đổi. Toàn thể đời sống đang diễn ra ngay trong phút giây này; không có lúc nào mà đời sống của chúng ta lại không diễn ra trong phút giây hiện tại.
(Ekhart Tolle)
Khi bạn biết về chính bạn, nhìn chính bạn, nhìn cách bạn đi, cách bạn ăn, những gì bạn nói, những tán gẫu, những căm ghét, những ghen tị — nếu bạn biết hết tất cả những điều đó trong tâm bạn, với không một lựa chọn, đó là một phần của thiền định. Như vậy, thiền định có thể hiện hữu ngay cả khi bạn đang ngồi trên xe buýt, hay đang đi bộ trong rừng đầy những ánh sáng và bóng mát, hay đang nghe chim hót, hay đang nhìn khuôn mặt của vợ hoặc con bạn...
(KRISHNAMURTI)
Nghệ thuật sống hạnh phúc chính là ở chỗ biết dừng lại như thế. Bạn có thể nào làm tất cả mọi việc, kể cả hoạch định một kế hoạch tương lai, mà vẫn không đánh mất thực tại hiện tiền hay không? Được, miễn là bạn làm mọi việc trong sáng suốt, định tĩnh, trong lành. Đó chính là mục đích không mục đích của sự sống muôn đời...
(Viên Minh)
Tôn giáo có nghĩa là sống ở đây và bây giờ,... Và chỉ có cái bây giờ là tồn tại.
Chủ thuyết lý tưởng thuộc về cái thế giới của bản ngã. Nó kêu gọi cái bản ngã rằng bạn có thể trở nên hoàn thiện hơn là bạn đang là...
Nhưng mỗi khoảnh khắc đều đã là hoàn hảo, và nó không thể nào hoàn hảo hơn nó đang là...
Hiểu được điều này tức là sự bắt đầu của một đời sống mới, là sự khởi đầu của cuộc sống...
(OSHO)
Có cả ngàn lẻ một chất độc, nhưng không chất độc nào giống như là chủ thuyết lý tưởng - nó là chất độc nguy hiểm nhất trong mọi chất độc. Dĩ nhiên, nó cũng là cái chất độc tế nhị nhất: nó giết bạn, nhưng giết bạn theo cách mà bạn không bao giờ có thể nhận biết được nó. Nó giết bạn theo một kiểu cách. Những cách thức của chủ thuyết lý tưởng rất xảo quyệt. Hiếm ai có thể trở nên nhận biết được rằng mình đang tự sát thông qua nó.
Một khi bạn đã trở nên nhận biết, bạn trở nên một người tôn giáo.
(OSHO)
Biết lắng nghe, học hỏi, chiêm nghiệm bài học của chính đời mình, dù khổ hay vui, dù thành hay bại, người ấy đang thật sự thiền, hay đúng hơn là đang sống giáp mặt với chân lý muôn đời.
(Viên Minh)
Hạnh phúc thật sự không ở nơi cái với tay tìm kiếm, mà ở nơi chỗ không kiếm tìm. Hạnh phúc, tình yêu và vẻ đẹp tràn ngập nơi mỗi bước đi, trong từng hơi thở, trong ánh nắng ban mai, trong cơn mưa mùa hạ... sao lại phải kiếm tìm (trong tài, sắc, lợi, danh)?
(Viên Minh)
Hãy buông bỏ mọi niềm tin, chúng là những chướng ngại. Hãy đừng là một người Kitô giáo, đừng là một người Ấn giáo... v... v... Hãy chỉ việc sống. Hãy để cho điều đó là tôn giáo của bạn.
Cuộc sống - là tôn giáo duy nhất
Cuộc sống - là đền thờ duy nhất.
Cuộc sống - là người cầu nguyện duy nhất...
(OSHO)
Mục đích của đời sống không phải để tiến đến một điều kiện tốt đẹp hơn mà là học ra được những bài học quý giá hơn về ý nghĩa của nó. Cái đúng phát xuất từ cái sai chứ không từ cái đúng lý tưởng. Cho nên hoàn thiện chính là quá trình điều chỉnh nhận thức và hành vi từ cái sai thành cái đúng.
(Viên Minh)
Quan sát nghĩa là nhìn vào mọi sự không có đánh giá nào, không nói nó tốt không nói nó xấu - bởi vì chẳng cái gì là tốt và chẳng cái gì là xấu. Mọi sự đơn giản là điều chúng đang là.
(OSHO)
Niềm an bình toát ra từ chỗ trống vắng, chỗ trống vắng ở trong tâm hồn là nơi phát ra tiếng gọi, gọi ta trở về với nguồn cội. Do đó, khi trở về với khoảng trống ấy ở trong ta, bạn sẽ cảm nhận được một niềm an bình như một người đã trở về nhà.
(Eckhart Tolle)
Trí tuệ không ở trong sách, cũng không ở trong sự tích lũy hiểu biết về kinh nghiệm của người khác. Khi người ta đã thâm hiểu về chính bản thân thì đó là lúc chấm dứt đau khổ và khởi đầu của trí tuệ.
(KRISHNAMURTI)
Cuộc đời sinh ra để giác ngộ chứ không phải để thành công. Thành công cao nhất là giác ngộ ra sự thất bại. Thất bại không phải để rút kinh nghiệm cho thành công về sau mà thất bại chính là thành công. Nói cho dễ hiểu thì thất bại của cái ta ảo tưởng chính là thành công của pháp chân như thực tánh. Cuộc đời quả là một quy trình hoàn hảo cho sự giác ngộ nhưng là bất toàn cho cái ngã cầu toàn.
(VIÊN MINH)
Không nên phán đoán hay phân tích những gì mình quan sát. Chỉ cần theo dõi những ý tưởng, cảm nhận những cảm xúc, và quan sát phản ứng của bạn mà thôi. Rồi bạn sẽ cảm nhận một cái gì đó mạnh mẽ hơn rất nhiều những gì bạn đang quan sát: Một sự có mặt rất thầm lặng, tỏ tường nằm đằng sau những biểu hiện của những gì trong đầu bạn – Một chứng nhân đang quan sát mọi chuyện trong tĩnh lặng.
(Ekhart Tolle)
Tư tưởng và tự do, giải thoát, là hai điều đối nghịch. Tư tưởng không đem tới tự do, giải thoát, vì tư tưởng đã bị điều kiện hóa. Cái phẩm chất của tâm hồn này là sự tỉnh giác, chỉ ghi nhận thuần túy, không phân tách, không so sánh từ kinh nghiệm của quá khứ, v.v... Ðó chính là khởi đầu của sự tự do đích thực.
(Krishnamurti)
Khi đối diện với chính mình, tối kỵ là để yếu tố thời gian và tư tưởng xen vào. Không đối diện với mục đích giải quyết, trấn an, không chờ đợi một trạng thái lý tưởng đối nghịch với trạng thái hiện hành tức là không tham mà cũng không ưu, không nắm giữ, không loại bỏ, chỉ lắng nghe, quan sát một cách khách quan trong cảm thông hoặc thư xả.
(VIÊN MINH)