NGHE TRONG TĨNH LẶNG
Xin kể cho quý vị nghe một giấc mơ:
Tại một khu rừng ven bờ suối có một ông lão ở trong một cái chòi lá. Những người dân làng có thói quen lạ là tuy nước suối rất trong, muốn bao nhiêu cũng có, nhưng thà họ chịu khát chớ không chịu uống nước từ suối. Có lẽ vì vậy ông lão ở đó, bỏ nước suối vào chai, để bán rẻ cho dân làng. Dân làng lại kén chọn nước, mỗi người thích một nhãn hiệu khác nhau. Họ tin rằng chỉ có nước có nhãn hiệu họ thích mới thật là nước tinh khiết. Vì thế ông lão phải chịu khó dán những nhãn hiệu khác nhau lên chai nước để giúp đỡ dân làng khi họ đi xa phải băng rừng lội suối.
Ông lão thường có cây gậy mặc dù ông còn khỏe không cần gậy để đi. Khi có ai băng qua suối lỡ trượt chân té thì ổng dùng gậy kéo lên. Một hôm, người ta còn thấy ông dùng gậy để đuổi bầy sói đói muốn tấn công người băng rừng. Vào một ngày mùa đông có người kể rằng ông lão không ngần ngại chẻ cây gậy ra làm củi đốt để sưởi ấm dân làng khi họ đi lạc vào rừng.
Giấc mơ này nói lên nền tảng của một quan hệ trong sáng và vững bền. Thông thường ở thế gian khi người ta chấp nhận một người khác làm bạn hay người yêu của mình, cái quan hệ đó phải có điều kiện. Cái điều kiện là người mà ta chấp nhận phải thích hợp với ta trên một phương diện nào đó. Phương diện đó có thể là nghề nghiệp, thí dụ như ta thành lập những hội đoàn của kỹ sư, nhà văn, bác sĩ, ... Phương diện đó có thể là chính trị, tôn giáo, hay thú tiêu khiển. Nói về quan hệ tình cảm cá nhân thì ta chọn những người có thể làm phối ngẫu của ta qua các tiêu chuẩn như thân thể, tánh tình, học vấn, và nghề nghiệp. Đó là nhãn hiệu của những chai nước mà ta nghĩ sẽ làm ta đã khát.
Cái mặt trái của sự chọn lựa đó là ta chối từ những người nào không theo cái tiêu chuẩn mà ta đặt ra. Khi ta không lập hội đoàn thì thôi, một khi hội đoàn thành lập rồi, sở thích được xác định rồi thì cá nhân hay dựa trên cái danh tập thể đó mà biểu hiện lòng sân của mình và chỉ trích những hội đoàn khác một cách khắc nghiệt. Điều này chẳng những xảy ra giữa các nhóm chính trị mà còn xảy ra giữa những nhóm tôn giáo. Đi xa hơn một bước nữa, những nhóm trong cùng một phe đảng hay tôn giáo vẫn không tránh khỏi tranh chấp với nhau. Như thế cái thích hay cái thương của thế gian rất giới hạn. Những quan hệ ta có khi ở trong những nhóm trên cũng rất là phù du vì khi ta lỡ miệng phát biểu một ý tưởng mới mẻ thì dễ bị nhóm hiểu lầm và chà đạp ta.
Trở lại giấc mơ, những người băng rừng tượng trưng cho một số người chán thế gian và muốn đi tìm một giá trị mới cho cuộc đời mình. Rừng còn tượng trưng cho cái thế giới nguyên thủy mà con người chưa biến đổi, nơi đó con người hy vọng sẽ tìm ra được giá trị chân thật của mình. Những người đó ngán ngẩm sự giả tạo của thế gian, muốn rời thế gian để tìm một quan hệ thành thật và vững bền.
Tuy nhiên khi băng rừng họ vẫn còn mang theo cái thành kiến của xã hội mà họ đang sống, họ chỉ muốn uống nước có nhãn hiệu. Điều này muốn nói lên con người khao khát tìm được chân lý nhưng lại bị kẹt trên chữ nghĩa, khái niệm hay thành kiến. Con suối chân lý hiện sờ sờ ngay trước mặt họ mà họ không nhìn ra vì bị thành kiến làm mờ mắt. Họ chỉ muốn thấy những gì thành kiến họ vẽ ra. Cây gậy tượng trưng cho sự vững chắc của chân lý nhưng nếu ta trói buộc chân lý trong một khuôn khổ hay công thức, thí dụ như cây gậy phải được dùng để đi, thì ta mất cơ hội sáng tạo để đáp ứng với hoàn cảnh như dùng cây gậy để đuổi thú dữ hay bẻ gậy làm củi sưởi ấm.
Trong cuộc sống, muốn được hạnh phúc ta phải tập vượt qua những suy nghĩ trong khuôn khổ để tìm hiểu đối phương của ta. Đối phương ta có thể là người phối ngẫu nói nghịch ý ta, là đứa con không nghe lời ta chớ không hẳn là kẻ thù của ta. Khi ta dẹp bỏ thành kiến và lắng nghe người khác thì ta sẽ học hỏi được rất nhiều. Lắng nghe không phải là dễ vì khi ta mới nghe một câu chói tai và khởi lên hàng ngàn suy nghĩ chống cự lại thì ta không lắng nghe mà nghe trong sóng bão. Khi để sóng bão ầm ì trong tâm ta thì thế nào ta cũng tạo nên bão táp bên ngoài, dẫn đến những hoàn cảnh đáng tiếc như ly dị hay từ bỏ con cái. Vì thế ta nên tập bẻ gậy để thích nghi với hoàn cảnh.
Khi ta lắng nghe hay nghe trong tĩnh lặng, ta mới hiểu rằng sự vững chắc không phải ở nơi tư tưởng biện hộ mà chính ở nơi yên lặng chấp nhận qua thông cảm. Lúc đó cái nghe của ta bao dung và ta có khả năng dung nạp được cái nhìn khác biệt của dối phương. Chỉ khi nghe trong tĩnh lặng ta mới có thể thông cảm được người nói nghịch ý ta. Khi người khác được thông cảm thì những mâu thuẫn trong quan hệ được giảm đi. Cuộc sống ta sẽ tốt đẹp hơn khi mâu thuẫn ngày càng mỏng dần. Rồi sẽ có một ngày trong tâm hồn ta sẽ hiện ra nụ cười hiền hậu của Thượng Đế. Ta mỉm cười vì chợt nhận ra rằng chỉ có ta rời Thượng Đế chớ Thượng Đế chưa từng rời ta.
Các bạn có biết chăng:
Nghe trong suy nghĩ
Lòng ta hận thù
Không ai hiểu ta
Ta không hiểu người
Hãy dừng tâm lại
Nghe trong tĩnh lặng
Con suối róc rách
Rửa sạch ưu phiền.
Thái Minh Trung
Comment