Hà Nội, một đêm gần trung thu, phố Hàng Mã đông vui nhộn nhịp, một khách du lịch “phát hiện” một người bán hàng đeo mặt nạ hề có đính kèn và hai cuộn giấy trắng, vừa thổi te te vừa xòe giấy sang hai bên như là râu.
Thấy đó là một cách rao hàng ngộ nghĩnh, vị khách bước tới định chụp ảnh. Nhưng vừa giơ máy ảnh lên thì người bán hàng kia phát hiện và nhanh chóng gỡ chiếc mặt nạ hề xuống, rồi ngay lập tức giơ ngón tay về phía ống kính và nói: “One dollar!” (1 đôla). Vị khách vội vã thanh minh rằng mình không phải người nước ngoài, giọng vui vẻ nhẹ nhàng. Và câu tiếp theo của người bán hàng kia với đồng bào mình là: “Người Việt thì miễn”.
Sài Gòn, một sáng chủ nhật bình thường, một người Sài Gòn ưa chụp ảnh xách máy long rong dạo quanh nhà thờ Đức Bà. Ở một góc nhỏ khuất người qua lại, có một ông cụ say sưa đọc báo cạnh chiếc xe đạp màu hồng xinh xắn. Người khách bộ hành bị ấn tượng bởi khung cảnh bình yên đó nên vội nâng máy ảnh, và ông cụ đã ngẩng lên, mỉm cười, nói: “Thank you” (Cảm ơn), rồi lại cúi xuống tờ báo.
“One dollar” và “Thank you”, chỉ hai câu nói mà thể hiện được quá nhiều điều. Người ta có thể chi nhiều tiền cho các cuộc hội thảo, các chiến dịch truyền thông quảng bá cho du lịch Hà Nội, thậm chí tổ chức cả các diễn đàn trên báo chí bàn về giải pháp thu hút du khách tới thủ đô, nhưng liệu các phương án marketing tốn kém ấy có hữu hiệu không khi du khách vẫn được yêu cầu trả 1 đôla cho nụ cười ngàn năm văn vật?
TRẦN THU TRANG (tuoitreonline)
Comment