LÝ LUẬN HỌC VỀ TÌNH YÊU
Nhà phân tâm học Freud đã có lý khi nói: “Tình yêu là nền tảng của nhân loại, chỉ có tình yêu là bảo vệ chúng ta trưởng thành và thay đổi..”
Trong một xã hội tràn đầy vật chất, tình yêu là “vật thể” duy nhất mà mọi người còn khao khát. Vậy mà nhân loại vẫn còn lúng túng không biết tìm nơi đâu, nhận diện, giữ gìn ra sao và có thể cuối cùng lại để tình yêu vuột khỏi tầm tay như nước chảy qua cầu.
Tình yêu đến, nỗi buồn đi hay ngược lại. Nếu chúng ta lắng nghe Frank Sinatra hay Celine Dion hát, nếu chúng ta đọc Jane Austen hay Danielle Steele, thì chúng ta biết tình yêu là loại thuốc màu nhiệm ra sao. Nhân loại mãi miết đi tìm thứ thuốc thần này và ngày nào nhân loại còn, cuộc truy đuổi vẫn còn.
Tình yêu hoạt động trên nhiều bình diện, đó là một mối bòng bong như tơ vò về hóa chất, sinh học trộn lẫn với cách hành xử (biology and behavior) nhưng khi chúng ta cho vào một chút “tinh thần” thì tình yêu hoạt động hữu hiệu nhất.
Thật kỳ lạ, sau 20 hay 30 năm chung sống, người ta ly dị nhau và bảo: “Tôi và anh ấy thật ra chẳng có nét chung nào!” mà quên rằng họ có đám con chung, một mái nhà chung và những kinh nghiệm vui buồn chung. Đó là chưa kể cái thứ quan trọng vô cùng là tiền bạc đã từng xài chung với nhau trong ngần ấy thời gian.
Để cắt nghĩa một tình yêu, có khi người ta đưa vào khái niệm “hợp nhau" (compatibility). Thật ra khi một cặp đau khổ nói: “Chúng tôi không hợp nhau” nhiều khi, có nghĩa là họ đã “không dung hợp hay tha thứ lỗi lầm cho nhau”. Chính lòng tha thứ và một quan niệm rộng rãi về “lỗi lầm con người” khiến tình yêu có thể chống cự với bão tố.
Cái chữ “should be” thật là tai hại. Chúng ta hãy cứ nghe thử vài phán xét: “Cô ấy phải sexy, phải dịu hiền, phải biết lắng nghe, phải biết ăn mặc, phải biết dạy con, phải biết..” còn phía bên kia thì “anh ấy phải hòa hợp với gia đình tôi, phải độ lượng, phải dẫn tôi đi chơi khi tôi buồn, phải biết trách nhiệm, phải..” Tình yêu không bao giờ đi chung với “You should be”..
Tình yêu là công trình chung của hai người và có ý nghĩa nào đó. Nếu cho vợ chồng có “sứ mạng” là sinh con và dạy con thì vai trò “hiện thực học” (existential part) chen vào và làm rớt mất phần “tình cảm” đi (emotional part). Cái ôm hôn thắm thiết của vợ chiều nay có gì đặc biệt, hay chỉ là “người máy gặp lại nhau sau chiều tan sở”?
Khi hai người đã nhìn về hướng khác, tất cả các “cố vấn hôn nhân’ đội nón ra di. Bạn sẽ cứu hai người “lòng nguội lạnh như than chì” bằng cách gì đây, hay lại phải “quay ngược vòng Trái Đất 20 năm về trước “ để họ gặp hai người khác? Tình yêu có cứu được ngôi báu khi cả hai nhất định phen này cùng nhau làm đảo chánh?
Tính tình dung hợp hay chọi nhau thật ra có quan trọng gì đâu. Chính “đấu trường tình yêu” mới tạo ra hai con người mà nhân loại gọi là “lovers”. Chính “cuộc hí trường này” mới làm cho người ta trưởng thành và yêu nhau nhiều hơn .
Này, bạn có thấy kỳ khôi không, nếu chiều nay chồng bạn về thật trễ, thay vì bạn cáu kỉnh nói: “Sao anh không chịu gọi điện thoại?” thì bạn hãy lo lắng hỏi: “Em lo quá, có chuyện gì xảy ra cho anh vậy?” Tình yêu tha hóa hay tình yêu thánh hóa, chỉ bằng một câu thôi.
Đạo diễn Alfred Hitchcock trước đây làm những bộ phim kinh dị nổi tiếng thế giới, nhưng có khi…vô tình ông làm ra những cuốn phim về tình yêu thật đáng suy gẫm. Một thí dụ là bộ phim “Notorious” với cô đào tuyệt đẹp Ingrid Berman và tài tử Cary Grant. Anh chàng điệp viên Mỹ sau khi đẩy người yêu vào nơi hiểm nghèo hoạt động lấy tin tình báo, khi cấp trên bảo anh ta bỏ ngươì yêu đi vì sứ mạng đã xong, anh ta làm ngược lại, xông vào “hang ổ quân thù để cứu người yêu”. Xác xuất là 99% chết cho cả hai, chỉ có 1% sống.
Khi người yêu hỏi: “Sao anh đến?” Anh chàng trả lời: “anh không bụng dạ nào để em chết lần mòn nơi đây.”
Cuối năm hết tháng, câu trả lời của “chàng đẹp Cary Grant” làm chúng ta giật mình. Họ đã thoát được quân thù. Chỉ có tình yêu loại này mới đủ sức mạnh giật chúng ta từ cõi chết trở về cuộc sống.
Cầu chúc tất cả chúng ta có được tình yêu như thế! Để trưởng thành và thay đổi…
sưu tầm
Comment