Vợ chồng - Ai nên nói lời xin lỗi?
Những mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng đôi khi chỉ cần một lời xin lỗi là có thể ngăn chặn được những đổ vỡ không đáng có. Nhưng nhiều người vẫn quyết không nói dù biết mình có lỗi.
“Xin lỗi”, một câu nói tuy nhỏ bé nhưng có thể ngăn ngừa được những cơn giận dữ hoặc những đổ vỡ không đáng có. Nhưng câu ấy, nói với người ngoài có vẻ dễ, vậy mà nói với vợ chồng nghe cứ khách sáo, vì thế nhiều người quyết không nói dù biết lỗi là do mình.
Chỉ cần một lời xin lỗi
Một cô vợ trẻ rất được chồng cưng chiều, nhưng anh chồng cũng có một con vật nuôi mà anh ta cưng nó từ hồi con chưa biết và say mê vợ. Biết chồng quý con vẹt đó nên hàng ngày người vợ cũng thay chồng chăm sóc nó. Nhưng có một lần cho vẹt ăn, để vẹt ra khỏi lồng, vì mải nghe điện thoại, cô vợ đã để con vẹt đi lang thang và bị mèo vồ. Đây quả là chuyện đau lòng của người chồng, nhưng nếu cô vợ trẻ chỉ cần nói: “Xin lỗi, em sơ ý quá” thì người chồng có tiếc có buồn nhưng rồi cũng sẽ nguôi ngoai. Nhưng phiền nỗi cô vợ lại quá kiệm lời, khi thấy chồng vò đầu bứt tai vì tiếc thương con vẹt thì cô đã gầm lên: “Hóa ra là anh coi con vật cưng hơn cả vợ. Để tôi đi mua lại cho anh một con như thế, đắt quá không có tiền mua tôi sẽ bán trang sức đi mua”. Anh chồng đang lúc buồn thấy thái độ của vợ như đổ thêm dầu vào lửa, lên tiếng thách đố cô vợ mua được một con vẹt khôn như thế. Như vậy, cách ứng xử của cô vợ đã vô tình làm cho mối quan hệ vợ chồng có một vết nứt không đáng có. Sau này có hàn gắn chắc vẫn không thể xóa mờ vết rạn mà nếu như chỉ cần một lời xin lỗi, sự việc đã chuyển sang một hướng khác.
Ai dễ nói lời xin lỗi?
Thông thường, phụ nữ thường dễ nói xin lỗi chồng hơn là đàn ông nói xin lỗi vợ dù là lỗi của họ có to tày trời. Vì sao lại vậy? Đàn ông vốn vẫn được cưng chiều, tự ái của họ luôn được người đời và cha mẹ vuốt ve từ tấm bé nên càng nhiều tuổi thì mặc cảm tự tôn của người đàn ông càng cao. Vì thế, việc phải nói lời xin lỗi vợ đối với đàn ông có vẻ khó khăn hơn. Tuy nhiên, các bà vợ cũng không nên quá khắt khe với chồng. Họ có thể không nói hẳn ra câu “Anh xin lỗi”, nhưng họ có nhiều cách rất riêng để làm dịu cơn giận của vợ, người vợ hãy nên coi đó như là một lời xin lỗi chân thành của chồng.
Những cách làm thay lời xin lỗi điển hình của đàn ông:
- Từ bỏ thú vui riêng: Anh ấy chấp nhận bỏ những buổi cà phê với bạn bè, không đi xem đá bóng, về nhà sớm hơn, từ chối lời mời đi nhậu. Hành động ấy đồng nghĩa với câu: “Anh rất lấy làm tiếc. Xin lỗi em”.
- Tặng quà: Rất nhiều chàng trai không bao giờ tỏ rõ sự hối lỗi trước mắt người yêu hay vợ nhưng họ giấu lời xin lỗi đằng sau một bó hoa hay bữa cơm tự nấu (dẫu còn vụng về). Điều đó là một lời xin lỗi chân thành và rất đáng yêu.
- Làm việc nhà để lấy lòng vợ: Bước vào nhà, bạn kinh ngạc khi thấy sàn sạch bong, đến mức có thể soi mặt. Bao nhiêu ngày tháng qua, chàng đã biến ngôi nhà mình thành bãi chiến trường của những đống quần áo bẩn, sách báo, tạp chí vứt lung tung, lon nước ngọt, hộp bánh... Giờ đây anh ấy đã dọn dẹp mọi thứ gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ. Tất cả vì anh ấy muốn nói lời xin lỗi.
- Một vòng tay ôm thật chặt: Theo các chuyên gia tâm lý, đây là cách xin lỗi được phụ nữ rất ưa chuộng. Vòng tay như muốn nói: “Anh thật hư vì đã làm em buồn. Đừng giận anh nữa nhé”.
- Lắng nghe: Trong những cuộc tranh cãi, chúng ta thường dành phần lớn thời gian để nghĩ ra những lời buộc tội đối phương, thay vì nghe xem họ nói gì. Thế nhưng khi lòng tràn ngập hối hận, chàng sẽ dẹp bỏ tự ái sang một bên và lắng nghe bạn nói. Đấy là vì chàng nhận ra một chân lý: Là người chiến thắng không quan trọng bằng bị trở thành một kẻ cô đơn.
Nghệ thuật nói lời xin lỗi
Nhận lỗi là việc rất khó khăn, nhất là khi lỗi ấy còn mơ hồ chưa biết thuộc về ai. Nhưng nhiều khi không có lỗi mà vẫn nhận, đó là cách cư xử cao thượng khiến bạn đời phải cảm kích. Nhận lỗi càng sớm càng tốt. Nếu để vài tuần vài tháng sau, lời xin lỗi sẽ chẳng còn đơn giản là: “Mình xin lỗi” nữa.
Lời xin lỗi phải được nói ra một cách chân thành nhất có thể. Và tránh lời xin lỗi chung chung như: “Mình rất tiếc vì những gì đã xảy ra với bạn”. Tuy vậy, nói: “Đó hoàn toàn là lỗi của mình” lại rất nguy hiểm.
Sau khi xin lỗi, hãy giữ yên lặng và lắng nghe người đó nói về cảm giác của họ như thế nào. Lời xin lỗi nhờ đó sẽ thực sự hiệu quả.
Vợ chồng với nhau chứ không phải như với người ngoài xã hội, lỗi lầm đâu cần phải phân minh rạch ròi để phân xử. Nhiều khi chính sự nhận lỗi tự nguyện, cả khi không có lỗi sẽ khiến tình hình trở nên êm dịu hơn, khi ấy gia đình mới thực là nơi êm ấm cho mỗi người trở về sau mỗi sóng gió bên ngoài.
Ngọc Anh
Tổng hợp (aFamily)
Tổng hợp (aFamily)